2. Tóm lại: Trong thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, mô hình không gian nghệ thuật cơ bản là
không gian lịch sử và không gian làng quê. Một không gian nhuốm đầy màu sắc tâm
hồn và cảm xúc nhà thơ. Khác với không gian trừu tượng mang tính ước lệ trong thơ
trung đại hay trong thơ Đường, trong thơ Á Nam dù là di tích lịch sử, danh lam thắng
cảnh hay cảnh sắc làng quê đều được nhìn ngắm từ một tâm hồn gắn bó nặng lòng với
quê hương, đất nước. Thơ Á Nam làm rung động tới những gì cổ xưa nhất, mến thương
nhất của tâm linh người Việt. Chính cái không gian nội cảm này đã mang lại sức sống
cho thơ Á Nam Trần Tuấn Khải. Khám phá không gian nội cảm trong thơ Á Nam sẽ
giúp người đọc hiểu sâu sắc, trọn vẹn cái tôi trữ tình của tác giả. Sự biến đổi trong quan
niệm nghệ thuật xuất phát từ ý thức của nhà thơ Á Nam trước sự thay đổi của xã hội: từ
xã hội phong kiến sang xã hội thực dân nửa phong kiến. Đặc biệt là đánh dấu nét mới
trong tư duy nghệ thuật của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam trong bước quá độ từ truyền
thống đến hiện đại.
9 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 524 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Không gian nghệ thuật trong thơ Á nam Trần Tuấn Khải - Nguyễn Thị Hồng Xuyến, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 03(19)/2011: tr. 72-80
KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG THƠ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI
NGUYỄN THỊ HỒNG XUYẾN
Trường THCS Lưu Văn Lang, Thị xã Sa Đéc, Tỉnh Đồng Tháp
HOÀNG ĐỨC KHOA
Nhà xuất bản Đại học Huế
Tóm tắt: Khảo sát một số đặc điểm chủ yếu của không gian nghệ thuật thơ
Á Nam Trần Tuấn Khải cho phép chúng ta nhận biết rõ thêm tính sáng tạo
của nhà thơ trong việc truyền đạt cảm thức của mình về thời đại, biểu hiện
nội tâm của con người. Trên một số mặt, có thể nhận thấy thơ Á Nam đã
vượt qua nhiều qui phạm nghệ thuật đương thời để vươn tới một hệ thống
nghệ thuật mới, gắn với văn học hiện đại Việt nam.
Không gian nghệ thuật là sự thể hiện những cảm nhận chủ quan của chủ thể trữ tình về
thế giới khách quan, là sự phản ánh cái chủ quan của hiện thực khách quan trong tác
phẩm. “Là hình thức tồn tại của vật chất” [5, tr. 164], đi vào tác phẩm nghệ thuật,
không gian trở thành hình thức, môi trường tồn tại của nhân vật, qua đó, người nghệ sĩ
thể hiện tư tưởng, tình cảm chủ quan của mình.
Không gian trong nghệ thuật không bao giờ được giữ nguyên chiều kích và khách quan
như thực tại mà nó được sáng tạo thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ gắn
với sự phong phú của các phương tiện nghệ thuật ngôn từ, với những rung động nghệ
thuật khi nhìn về con người và thế giới nên nó còn mang ý nghĩa nhân sinh.
1. Không gian nghệ thuật trong thơ Á Nam Trần Tuấn Khải chủ yếu được khắc họa qua
khung cảnh đất nước – lịch sử và cảnh sinh hoạt đời thường của con người, rất phù hợp
với cái tôi thế sự của một nhà thơ yêu nước dạt dào. Nhờ tài năng và vốn sống, Á Nam
đã tạo ra nhiều kiểu không gian để chuyển tải nhiều tư tưởng, tình cảm của mình trong
sáng tác nghệ thuật. Nói đúng hơn, không gian đó không đơn thuần là hiện tượng địa lí,
vật lí mà lớn hơn là nó còn gắn với ý niệm của nhà thơ về giá trị và sự cảm nhận về giới
hạn giá trị con người. Không gian đó là một “không quyển” tinh thần bao bọc cảm thức
của con người, là một hiện tượng tâm linh nội cảm.
1.1. Thơ Á Nam gắn liền với hiện thực đất nước. Trong giai đoạn này, đất nước đang bị
họa ngoại xâm, nhân dân phải chịu cảnh lầm than cơ cực. Là một người yêu nước, Á
Nam rất đau xót trước cảnh bị thực dân, đế quốc đô hộ nên thơ Á Nam tìm về lịch sử để
giãi bày và gửi gắm khát vọng. Thiếu Sơn trong Phê bình và cảo luận (1933) đã nói:
“Ông Khải thường hay cảm về thời thế mà nặng lòng với đất nước non sông nên ông
thường hay ngâm vịnh về lịch sử” [1, tr. 372-373]. Á Nam đã viết hàng chục bài thơ
vịnh sử như Chơi thành Cổ Loa, Qua nhà giám, Đề đền vua Hùng Vương, Thăng
Long hoài cổ, Trường thán thi, Hai chữ nước nhà... [...] Và chính các bài thơ này đã
góp phần tạo nên một không gian lịch sử thiêng liêng, mang nhiều ý nghĩa.
KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG THƠ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI
73
Hiện thực xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX diễn ra nhiều cảnh tượng thương tâm: cảnh
bị bóc lột của người dân nô lệ, cảnh nghèo khổ của người dân mất nước đặc biệt là
cảnh chia ly của con người [3]. Cảnh chia ly trong buổi loạn lạc ít nhiều đều mang màu
sắc ảm đạm, thê lương, làm đau xé tim gan người ra đi cũng như người ở lại.
Không gian hiện thực của buổi chia ly được thể hiện cụ thể và sâu sắc hơn qua lăng kính
của Á Nam và trở thành không gian nghệ thuật mang giá trị thẩm mỹ và giá trị nhân
sinh cao cả. Á Nam cũng từng chứng kiến những cuộc chia ly đầy nước mắt của những
người vợ tiễn chồng, những người bạn tiễn nhau Theo lời của nhiều nhà thơ cùng
thời: “Khoảng năm hai mươi tuổi, Á Nam thường giao du với các nhà chí sĩ, những bậc
lão thành, cũng như những người thiếu tráng, ngày đêm mài miệt ngâm vịnh văn
chương, nghiên cứu các học thuyết Đông Tây kim cổ. Lúc đó trong đám anh em, có
nhiều người vì mang lòng phẫn uất với bọn thực dân pháp, trốn tránh đi ra nước ngoài
để tìm phương kế cứu giang sơn tổ quốc. Trong thời gian đó, Á Nam cũng đã có phen
lần ra tận biên thùy ở miền Móng Cái, mong lân la sang bên Trung Quốc để tìm kiếm
bạn đồng tâm. Chẳng may công chuyện không thành, đành buồn bã quay về. Sau đó còn
có nhiều phen ông lần theo các đường ra Nam vào Bắc... song cũng đều thất vọng. Tuy
vậy, trong đám bạn bè cùng chí hướng của ông, những người gặp được cơ hội len lỏi ra
nước ngoài cũng không phải là ít. Vì thế trong lúc tiễn đưa bạn hữu, Á Nam đã chan
chứa cảm xúc, viết ra bài hát Tiễn chân anh Khóa xuống tàu để diễn tả tấm lòng
thương bạn tha thiết của mình” [4, tr. 104-105]. Bài hát rất phổ biến trong Nam, ngoài
Bắc hồi đó, được các bác hát xẩm ngân nga không chán: “Anh Khóa ơi! Em tiễn chân
anh xuống tận bến tàu / Đôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh / Tay cầm trầu
giọt lệ chạy quanh / Anh xơi một miếng cho bỏ chút tình em nhớ mong”.
Đây là một cuộc chia ly như tất cả những cuộc chia ly từ nghìn thuở trên đất nước Việt
Nam. Tình trường của ly biệt là diễn ra trên bến sông, cảnh sông nước bao giờ cũng
mênh mang, dào dạt, có người phụ nữ giữ khăn trầu mà giọt lệ chạy quanh, cầm một
miếng trầu đưa cho người nam với tình cảm luyến tiếc. Cảnh tượng chia tay làm xúc
động lòng người chứng kiến, vì phía sau sự ly biệt của đôi nam nữ này là nỗi nước mất
nhà tan, tình cảm của cả một xã hội đồng điệu với tình cảm của đôi lứa này.
Không gian của cuộc chia ly thường buồn bã, đổ vỡ, chia đôi như “Lược gẫy, gương
tan, người rẽ cầu” và nhất là luôn góp mặt của “Hai hàng lụy tiếc nhòa thanh nhỡn”.
Chính việc lựa chọn sự kiện đặc trưng này đã làm cho không gian buổi chia ly thêm đau
thương, nghẹn ngào: “Anh Khóa ơi! Anh ra đi mây nước muôn trùng / Em trở về vò võ
phòng không một mình / Với trông theo tàu ngoắt khúc sông quanh / Sông bao nhiêu
nước, giọt lệ tình em bấy nhiêu”.
Không gian trong ba bài thơ viết về anh Khóa của Á Nam vẫn là không gian thường thấy
trong thơ ca truyền thống, nhưng hình tượng anh Khóa vẫn có sức sống, sức lay động bởi
nó đã khơi lên một tâm trạng chung cho nhiều người. Hình tượng anh Khóa vẫn mang
trong nó ý vị phiêu lưu và chính là một gợi dẫn cho hình tượng li khách, khách du, chinh
phu và mô típ lên đường trong Thơ Mới và văn chương Tự lực văn đoàn sau này.
NGUYỄN THỊ HỒNG XUYẾN – HOÀNG ĐỨC KHOA
74
Cuộc chia tay đau thương, xót xa nhất mà Á Nam ghi lại trong tập thơ của mình chính là
cuộc chia tay của cha con nơi biên ải. Khi Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt đày sang
Trung Quốc [2, tr. 147], Nguyễn Trãi muốn đi theo phụng sự thân phụ nhưng Nguyễn
Phi Khanh không cho mà khuyên con nên trở về nghĩ cách cứu nước, cứu cha. Cuộc tiễn
đưa diễn ra ở một bên là “Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm” còn một bên là “Cõi giời
Nam gió thảm đìu hiu”, hãi hùng hơn nữa khi “Bốn bề hổ thét chim kêu” và“Ðoái nom
phong cảnh như khêu bất bình” (Hai chữ nước nhà).
Vì đâu có cuộc chia ly này? Câu trả lời chính là lòng căm thù giặc của người dân, nỗi
đau thương mà con người phải chịu sánh ngang với “Trời thu nước bạc mênh mông”,
“Giời nước bao la thấu nỗi đời” và “Lệ thảm đầm đìa rơi” (Lâm giang khúc – Vịnh
bà Bùi Khuê). Không gian của các cuộc chia ly đều mang nỗi sầu buồn của con người
như báo hiệu trước những biến cố trong cuộc đời mà Á Nam dự cảm được. Những con
người vì hoàn cảnh buộc phải rời xa chốn ở cũ, rời xa quê hương cũng mang trong mình
một tâm trạng đau lòng tê tái: “Lối cũ trông về dạ ngẩn ngơ! / Ngẩn ngơ nhớ chốn ở từ
xưa” (Qua chốn ở cũ); hay là một đêm mưa xuân nơi đất khách “Lác đác hiên tây mấy
hạt mưa / Canh tàn dặm khách, nghĩ buồn chưa!” (Đất khách đêm mưa xuân); hoặc
không gian ngay trên bến sông nơi đất khách: “Bảng lảng trời hôm vắng/Buồn trông
mặt sóng khơi”, “Buồm ai qua bến đó” (Bến sông chiều đất khách); đến không gian
tha hương của anh Khóa: “Trông bốn phương non nước những mênh mông / Giời Âu,
bể Á, một chiếc thuyền tình anh biết ghé nơi nao?” (Gửi thư cho anh Khóa) Các mô
típ lưu lạc, tha hương trong thơ Trần Tuấn Khải không mới nhưng nó đã kết đọng trong
tâm thức dân tộc nên dễ gây xúc động về thân phận cô đơn, bé nhỏ của con người trước
không gian bao la, xa lạ. Đặc biệt, thơ Trần Tuấn Khải đã sâu sắc khi thể hiện sự xa lạ
của không gian trong lòng con người ngay chính trên đất nước mình.
Bọn giặc ngoại xâm là những kẻ trực tiếp tạo nên không gian nước mất nhà tan, gây bao
cảnh lầm than cho người dân. Bằng ngòi bút phản ánh hiện thực, Á Nam đã vẽ nên bức
tranh thời cuộc có tính khái quát: “Đất tổ làm hang nuôi hổ báo / Con Tiên lộn kiếp hóa
trâu lừa... / Mất mẹ, gà con ngơ ngẩn bóng / Gặp thì chó dại nguẩy ngoe đuôi / Đỉnh
non vắng tiếng chim thương tổ / Đáy nước soi tăm cá đớp mồi” (Trường thán thi).
Bọn giặc ngoại xâm hiện lên là loài hổ báo, là chó dại nguẩy ngoe đuôi làm hiện
nguyên hình bản chất dã thú, không tình người của chúng. Nên thảm họa mà chúng gây
ra là khủng khiếp, không thể nào lường trước được. Những câu thơ như thế tạo nên
không ít sự đồng cảm ở người đọc, nó không hề reo rắt bi lụy. Ngược lại, gắn liền với
nó là sự vùng dậy bởi niềm tự hào, ý thức quật cường từ trong đau khổ lầm than.
Cũng như bao nhà thơ cùng thời khác, trong hoàn cảnh cả đất nước rơi vào tay giặc, dân
tộc phải chịu cảnh nô lệ lầm than, Á Nam đã không quên khơi dậy truyền thống đánh
giặc cứu nước của cha anh với tấm lòng biết ơn và ngưỡng vọng. Trần Tuấn Khải có
không dưới 4 bài viết về Hai Bà Trưng (Hai chữ nước nhà; Nỗi chị khuyên em; Bà
Trưng tế chồng; Trường thán thi). Khi Tô Định, một tên quan cai trị tham lam, tàn ác
giết hại Thi Sách (chồng Trưng Trắc), Bà liền rủ em gái là Trưng Nhị cùng khởi nghĩa
KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG THƠ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI
75
binh để báo thù cho chồng và đánh đuổi quân xâm lược trừ hại cho dân, rửa giận cho
sơn hà tổ quốc: “Kìa Trưng Nữ ra tay buồm lái/ Phận liễu bồ xoay với cuồng phong /
Giết giặc cướp nước, trả thù chồng / Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi” (Hai chữ
nước nhà).
Bên cạnh, còn có tấm gương anh hùng liệt nữ của bà Nguyễn Thị Hòa. Bà cùng chồng
là Phạm Văn Hàn theo ông Vũ Công Tính bị vây ở thành Bình Định. Ông Vũ Công
Tính sai bà mang mật thư ra cửa bể Thi Nại. Khi đi được nửa đường bị giặc bắt, khảo
tấn bà không chịu xưng, rồi sau đâm đầu xuống sông chết [2, tr. 139]: “Phận tôi tớ hết
niềm trung thảo / Nghĩa phu thê trọn đạo xướng tùy / Ai về nhắn bạn tu mi / Suối
vàng son phấn nặng vì giang sơn” (Trầm hoa khúc – Vịnh bà Nguyễn Thị Hòa).
Các truyền thuyết về Lạc Long quân và Âu cơ, về Mỵ Châu và Trọng Thủy, về thành
Cổ Loa, về Hưng Đạo Đại Vương... đã được làm sống lại trong những trang thơ của thi
nhân: “Hơn sáu trăm năm trải mấy triều? / Khí thiêng phảng phất núi non cao / Sông
Đằng tưởng tượng quân Nguyên chạy / Đất Kiếp mơ màng tiếng kiếm reo” (Kỷ niệm
Đức Hưng Đạo Đại Vương); hay “Thành quách còn mang tiếng Cổ Loa / Trải bao gió
táp với mưa sa / Nỏ thiêng hờ hững dây oan buộc / Giếng ngọc vơi đầy giọt lệ pha”
(Chơi thành Cổ Loa).
Không gian lịch sử hào hùng một thời của cha anh được dựng lại sừng sững như bức
tường thành kiên cố giúp hun đúc tinh thần và ý chí của thế hệ sau.
Không chỉ bó hẹp không gian trong phạm vi quốc gia, dân tộc, Á Nam còn mở rộng
không gian nghệ thuật ra phạm vi thế giới nhân loại: “Mặt biển nọ nước reo chính khí /
Đỉnh non kia mây hé tự do / Ngọn đèn nhân loại khêu to / Những ai soi rạng cơ đồ bấy
nay?” (Nga quốc tam nữ cách mệnh đề từ). Nói rộng ra, Á Nam đã ý thức xây dựng
cho thơ mình một không gian nghệ thuật mang tầm khái quát rộng lớn, đa chiều, từ
không gian của vũ trụ “năm châu”, “Giời Âu, bể Á” đến không gian của con người
“kiếp trần”, “vòng nhân thế”, “cảnh đời”, “cõi đời”... đến không gian hẹp hơn “nước
non”, “cõi trời Nam”...
Trong không gian đất nước – lịch sử, có khi Á Nam lại để con người đứng ở ngoài quan
sát, chiêm nghiệm, bộc lộ cảm xúc về những gì một thời từng được tôn sùng, yêu quý
thì nay chỉ còn là dấu tích tiều tụy, bị lãng quên để rồi con người cảm thấy bơ vơ, lạc
lõng trong cõi trần thế. Cũng vì thế mà mô hình không gian trong thơ Á Nam nhìn
chung vẫn xây dựng theo cách con người cảm thụ là trung tâm, với điểm nhìn siêu cá
thể thường thấy trong văn học trung đại. Ở đó, Á Nam vẫn kế thừa bút pháp gợi hơn là
tả của thơ xưa. Không phải ngẫu nhiên mà hai chữ non nước, nước non được nhắc đi,
nhắc lại nhiều lần, nó là điểm nhãn của nhiều bài thơ. Non nước trở thành hình tượng
biểu trưng cho đất nước, dân tộc, thể hiện kiểu tư tưởng yêu nước của Á Nam Trần
Tuấn Khải: “Bao giờ con lớn con khôn/Để con gánh vác nước non với đời” (Phong
dao); hay “Phấn son ai cũng kiếp người/Tình non nước, nghĩa giống nòi sao đây” (Đầu
đề quyển Hồn tự lập).
NGUYỄN THỊ HỒNG XUYẾN – HOÀNG ĐỨC KHOA
76
Con người trong thơ Á Nam luôn bộc lộ tấm lòng yêu nước, không chỉ là việc giành lại
độc lập cho dân tộc mà nhiều hơn nữa là lo lắng cho những giá trị tinh thần một thời của
dân tộc sắp bị tàn phá nên thơ Á Nam thường khơi gợi lên những không gian non nước
gắn với nhiều địa danh nổi tiếng của đất Việt: núi Ngọc, thành Cổ Loa, núi Sài Sơn,
chùa Hương, Hồ Gươm, nhà Giám, đền Hùng Vương, phủ Chanh, Hồ Tây, thành Nam,
Thăng Long, động Tam Thanh, Lạng Sơn thành, vịnh Hạ Long, núi Ba Vì, Hoa Lư,
cảnh Huế, động Huyền Không... Á Nam Trần Tuấn Khải đã truyền cho người đọc,
người nghe niềm tự hào về thắng cảnh, danh lam của đất nước, truyền cho người đọc,
người nghe cả niềm tin nữa: “Rủ nhau thăm cảnh Kiếm hồ/Thăm cầu Thê Húc, thăm
chùa Ngọc Sơn/Đài nghiên, bút tháp chưa mòn/Hỏi ai tô điểm nên non nước này?”
(Phong dao).
Những câu thơ của Á Nam đã làm sống lại hồn dân tộc và cũng làm sống lại những hoài
niệm. Những hoài niệm ấy bao giờ cũng song hành với thời gian. Là thi sĩ, hơn ai hết, Á
Nam rất nhạy cảm với những biến sinh của vũ trụ vô thường... Thế nên, đằng sau những
đền đài, danh lam thắng cảnh bao giờ cũng đọng lại những dư vị của nỗi buồn, của niềm
trắc ẩn, tiếc nhớ một thời quá vãng. Vì vậy, không gian văn hóa – lịch sử trong thơ Á
Nam còn là không gian nội cảm, tâm cảm với những hoài niệm nhớ mong đã trở thành
nỗi ám ảnh không nguôi.
Thơ vịnh sử, vịnh cảnh của Á Nam thường gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn “quốc
phá gia vong”. Nhà thơ đã diễn tả thật tự nhiên nét vẽ chân thật của mình trên những
danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử ngày xưa nay chỉ còn là sự hoang phế do
chiến tranh, do con người vô tình hay cố ý tạo nên. Bằng nét vẽ bao quát không che đậy,
Á Nam muốn cho người đọc nhìn thấy rõ ràng cuộc chuyển vận bể dâu của cuộc đời
cũng như sự thờ ơ, quên lãng của người đời trước những giá trị tinh thần mà cha anh tạo
dựng. Đó là “Thành quách còn mang tiếng Cổ Loa / Trải bao gió táp với mưa sa”
(Chơi thành Cổ Loa); đến Hoa Lư với “Man mác giời thu nước động sâu / Lòng thu xa
nhớ ngọn cờ lau / Bức tranh kim cổ chưa thay mặt / Làn sóng hư vong đã bạc đầu”
(Hoa Lư hoài cổ); đến Thăng Long với “Kìa ông Nhĩ Thủy, nọ non Nùng / Thành cũ
Thăng Long đó phải không? / Gươm báu mất tăm, trâu cũng lặn” (Thăng Long hoài
cổ); đến đền Hùng Vương “Phảng phất Xuân đưa ngọn khói trầm / Miếu lăng ai vẽ
cảnh thương tâm!” (Đề đền vua Hùng Vương); rồi qua Nhà Giám với “Một vùng cung
huyết giãi phong sương / Có phải đây là dấu đế vương? / Đất cổ cây che hồn xã tắc/Bia
tàn rêu phủ nét văn chương” (Qua Nhà Giám) đều là những địa danh gắn liền với
lịch sử dựng nước, giữ nước, gắn liền với nền văn hiến bốn ngàn năm của người dân
Đại Việt thì nay lại trở nên hoang phế, tiêu điều, hóa cảnh thương tâm.
Không chỉ là những dấu tích huy hoàng một thời của dân tộc bị lãng quên mà ngay đến
những danh thắng nổi tiếng của đất nước cũng bị mai một theo sự thờ ơ của con người.
Đến chùa Hương, từng được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” thì nay được Á
Nam cảm nhận là: “Ngọn suối le te ròng thẳng tuột/Cửa hang tom hỏm khói đen mò /
Chim kêu mỏ niệm nghe xao xác” (Vào chùa Hương); lên núi Sài Sơn với thế núi chơ
KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG THƠ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI
77
vơ, trên có hang Phật tích, có chùa Tiên động, có chợ giời, phong cảnh đăng lâm cũng là
thú lắm nhưng nay thì “Cửa động rêu chen giếng nước đầy” (Chơi núi Sài Sơn); còn
“Qua cảnh thành Nam nghĩ chán chưa! / Trường thi nhà học khác năm xưa / Sông
Hoàng bến Ngự chừng khan nước / Mấy cái cò con giãi nắng mưa” (Qua thành
Nam); hay là việc không nhận ra cảnh thành Sơn để phải thốt lên: “Thành cũ Sơn đây,
có phải không?” (Qua thành Sơn) Đến động Tam Thanh, một danh thắng đẹp kỳ thú
của Lạng Sơn thì được Á Nam cảm nhận là “Nước non ai vẽ, cảnh ai tô? / Động vắng
hang sâu trọi mái chùa / Hưng vong hoa chán cười anh Mạc / Tang hải xuân buồn
khóc chị Tô” (Đề động Tam Thanh) Tất cả các cảnh vật đẹp đều trở nên hoang phế,
tang thương đến đau lòng, không được con người nhận ra. Người đọc ghi nhận những
câu thơ gan ruột của thi nhân: “Bốn nghìn năm cũ công khai thác / Nhớ tổ tiên xưa, lại
thẹn mình!” (Qua cảnh Huế).
Trần Tuấn Khải nhìn về quá khứ, trông đến những gì tổ tiên đã làm rồi nghĩ đến mình
mà cảm thấy thẹn! Tâm trạng này, Á Nam không muốn giữ cho riêng mình mà muốn
truyền đến mọi người dân Việt Nam, hãy chung tay vun đắp, gìn giữ vẻ đẹp của dân tộc
để truyền cho thế hệ sau và tô điểm cho đất nước ngày càng đẹp, phồn vinh. Mặc dù
những cảnh đẹp bị tàn phai nhưng chưa mất hẳn, điều quan trọng là con người biết giữ
gìn, tôn tạo nên xuyên suốt trong lời thơ của mình, Á Nam luôn trăn trở câu hỏi:“Phong
thanh cố quốc còn nguyên đó / Hỏi khách du quan được mấy người?” (Hội phủ
Chanh); hay: “Nghìn xưa non nước còn đây / Người thương non nước bấy chầy là ai?”
(Chơi động Huyền Không).
Không gian nghệ thuật trong thơ Trần Tuấn Khải mang tính chất hào hùng, bi tráng khi
biểu đạt nội dung về lịch sử dân tộc. Bằng tình cảm yêu nước thiết tha, Trần Tuấn Khải
đã tự chủ phóng ngòi bút của mình trong hiện thực xã hội để phản ánh chân thật tội ác
của kẻ thù, nỗi thống khổ của nhân dân, sự hoang tàn của đất nước và hướng ngòi bút
thể hiện khát vọng của người dân Việt về một đất nước độc lập, tự cường.
1.2. Nếu như không gian lịch sử được Á Nam vẽ nét cao và xa thì không gian sinh hoạt
đời thường lại được nhà thơ chọn nét vẽ thấp và gần. Không gian sinh hoạt trong thơ Á
Nam không gì khác hơn là không gian của làng cảnh Việt Nam và vẫn được cảm nhận
từ dáng vẻ cổ truyền của nó: “Anh đi, anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống, nhớ cà
dầm tương / Nhớ ai dãi nắng dầm sương / Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”
(Phong dao); hay “Trước cửa nhà tranh trồng dãy hoa / Hoa lau, hoa cúc lẫn hoa trà /
Hoa ngâu, hoa mộc dàn thiên lí/Hoa tía xuân sang đủ mặn mà” (Thăm thú làm vườn).
Không gian của làng quê với “Khóm trúc rì rào trận gió đưa / Ba gian nhà lá cảnh quê
mùa” (Ở nhà quê); “Mấy khoảnh vườn con, mấy khoảnh ao / Nào nơi giồng chuối,
chốn giồng cau” (Thú lâm tuyền) Tất cả tạo nên một không gian làng quê nhàn tản
thoát tục, mang nét đặc thù trong thơ Á Nam nhằm đối lập lại không gian hiện thực xã
hội rối ren, đen tối.
NGUYỄN THỊ HỒNG XUYẾN – HOÀNG ĐỨC KHOA
78
Không gian thoát tục trong thơ Á Nam chính là làng quê chứ không hoàn toàn là thiên
nhiên như trong thơ xưa. Không gian thoát tục gắn với thiên nhiên, với làng quê, với
cuộc sống sinh hoạt của người lao động trong thơ Á Nam rất gần với thơ Nguyễn
Khuyến, một nhà thơ của làng cảnh Việt Nam.
Á Nam kế thừa kiểu không gian nhàn tản thoát tục thường thấy trong thơ trung đại. Đối
với họ “không gian nhàn tản vẫn là niềm mơ ước, ám ảnh khôn nguôi, nhất là khi trong
cuộc sống gặp nhiều trắc trở” [6, tr. 259]. Có điều, không gian sinh hoạt trong thơ Trần
Tuấn Khải thường gần gũi, giàu tình cảm và ít xuất hiện những hình ảnh ước lệ.
Không gian sinh hoạt hiện ra như một bức tranh nhiều màu sắc bao quát tất cả, mang tính
chất lí tưởng. Bức tranh được vẽ theo trí tưởng tượng phong phú của Trần Tuấn Khải về
một cuộc sống bình dị, gần gũi, giao hòa với thiên nhiên (Thăm thú làm vườn).
Trong không gian nhàn tản của làng quê, mọi người vẫn lắng nghe được những âm
thanh quen thuộc của “Đàn gà ổ xuống khua giời sáng / Lũ trẻ đồng về rộn lúc trưa”,
“Khúc hát bên chuôm con cuốc họa” (Ở nhà quê); “Gió nam hây hẩy thổi ngoài hiên /
Khắc khoải giời hôm tiếng đỗ quyên” (Mùa hè nhà quê); “Trên cành con én vút đưa
thoi”, “Véo von ai hát trên đồng vắng / Có phải cô mình cắt cỏ không?” (Mùa xuân
nhà quê); “Tiếng hát véo von nam đối nữ” (Mùa thu nhà quê); “Chim kêu vượn hót
thú vui quen” (Thăm thú làm vườn); “Tiếng trúc rì rào trận gió đưa” (Thú lâm
tuyền) Chính những âm thanh này làm cho cảnh vật trở nên sinh động, giàu sức sống,
mang lại cuộc sống lạc quan cho con người và xua tan cảnh tang thương, buồn thảm của
thời cuộc.
Đặc biệt, hình ảnh các con vật xuất hiện rất gần gũi, gắn bó với người nông dân mà
chúng ta dễ dàng nhìn thấy trong cuộc sống cũng được Á Nam đưa vào thơ với một tình
cảm thương mến như: con chim đỗ quyên cất tiếng hót khi gió nam thổi hây hẩy; dưới
ao thả cá; trên chuồng nuôi lợn, nuôi theo vịt gà; đàn gà ổ xuống; con cuốc họa; con
tôm; trâu hộc cấy cày; con én vút đưa thoi Bên cạnh, hình ảnh các loài cây ở đồng
quê cũng được Á Nam nhắc đến “Trong vườn giồng cải, giồng cà / Cau, chè, giầu,
chuối để ta dùng thường” (Khuyên gái nhà nông) Tất cả loài vật, cây cối là điểm
nhấn cho bức tranh quê thêm sinh động, biểu đạt được cái nhìn, sự quan sát của Á Nam
trước cuộc đời.
Bức tranh không gian làng quê của Á Nam được đánh giá là dạt dào sức sống không chỉ
bởi những âm thanh mà còn là những gam màu tươi sáng, nào là “Bầu lửa giời nung,
lúa đỏ hoe”, “ao sen hồng” (Mùa hè nhà quê); vườn hoa đầy sắc với“Hoa lan, hoa
cúc lẫn hoa trà / Hoa ngâu, hoa mộc, hoa thiên lý / Hồng tía xuân sang đủ mặn mà” và
vườn cây với những: “Cam, quýt, mơ, đào đều đủ cả / Nào chanh, nào quất, nào bưởi,
na / Các thứ của ngon cùng vật lạ” (Thăm thú làm vườn); “Non xanh nước biếc cảnh
xinh thay” (Mùa xuân nhà quê); màu xanh của tre trúc; màu vàng của mái nhà tranh
Những gam màu thể hiện những hình ảnh ít mang tính ước lệ của thơ xưa cho thấy sự
KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG THƠ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI
79
cách tân trong thơ Á Nam. Màu sắc tươi sáng làm nền cho khung cảnh làng quê thanh
bình mang lại sự thích thú, ấm áp cho con người.
Điểm thêm trên nền cảnh bức tranh không gian làng quê là mùi vị đồng quê quen thuộc
đã len lỏi khắp mọi nhà. Mùi thơm của những bữa cơm gia đình ấp áp “Cơm ngày ba
bữa rau, tôm, cá” (Ở nhà quê); “Các đồ dưa, mắm, cà, tương phải đều” (Khuyên gái
nhà nông); mùi thơm của thóc mới lên cây, của rơm khi mới đụn; của vườn hoa đang
khoe sắc và hương vị ngạt ngào của vườn cây trái đang sai quả; mùi thơm đậm đà của
“Sen tàn cúc đã phô hương mới” và “Cốm mới, hồng mòng đủ thức ngon” (Mùa thu
nhà quê) Những hương vị đã gắn bó với con người từ bao đời nên dù có đi xa hay
cuộc sống đổi thay thì nó vẫn có sức quyến rũ, định hướng cho con người quay về, tìm
lại cuộc sống của chính mình.
Sự tinh tế của nhà thơ Á Nam không đơn thuần là quan sát cảnh vật xung quanh mà
quan trọng hơn là diễn tả chân thật không gian sinh hoạt đoàn kết, đùm bọc, yêu thương
thắm thiết giữa con người với con người. Người ta thường nói “Bà con xa không bằng
láng giềng gần”, tình làng nghĩa xóm luôn được con người ở làng quê gìn giữ và cư xử
lẫn nhau “Xóm làng đi lại vui trưa sớm” (Thú lâm tuyền). Đôi khi có gì ngon, họ cũng
không quên nhau “Trước phụng gia tiên, sau thếch khách / Một nhà vui vẻ cháu cùng
con (Mùa thu nhà quê). Đặc biệt, thú vui của những người dân quê là hàng ngày sau
những giờ lao động mệt nhọc được cùng ngồi với những bạn hữu để “Pha ấm chè khô
ướp mọi mùi/ Đánh cá, giết gà, thết bè bạn / Anh em đàm đạo chuyện trên đời” (Thăm
thú làm vườn) thì không có gì bằng. Đó còn là những thú vui tao nhã chẳng khác gì các
bậc tao nhân mặc khách ngày xưa như: “Hóng gió trên cây khi hái quả / Xem trăng
dưới nguyệt lúc buông câu” (Thú lâm tuyền); “Chiều tắm ao sen, hóng mát chơi / Xem
mây bay lượn dưới chân giời” (Mùa hè nhà quê); “Quanh năm vui thú với sơn khê”
(Thăm thú làm vườn) Cũng có khi, đơn giản hơn “Cơn buồn dắt trẻ thăm vườn
cảnh” (Thú lâm tuyền) hay khi “Chán vui chơi với cảnh nhà” thì “Rủ nhau thăm thú
khắp gần xa” (Mùa xuân nhà quê). Bằng tình cảm chân thành, Á Nam đã dựng lại
không gian dạt dào sức sống của người dân quê với tấm lòng ngưỡng vọng.
Thơ Á Nam đậm chất hồn quê, chân quê cả khi thể hiện tình yêu đôi lứa. Mượn ca dao
làm chất xúc tác, những bài phong dao của Á Nam viết về tình yêu rất nhẹ nhàng, thanh
thoát: “Ấy ai chắp mối tơ mành / Cho thuyền quen bến, cho anh biết nàng / Tơ tằm đã
vấn thì vương / Đã trót dan dúi thì thương nhau cùng (Phong dao). Lời phong dao của
Á Nam bao giờ cũng là lời ân nghĩa, đạo lí thủy chung của con người. Yêu nhau phải
biết thương về nhau mỗi khi xa cách: “Nước đi thuyền lại can trơ / Em đi anh nhớ vẩn
vơ anh sầu...” (Phong dao). Nỗi buồn sầu có khi bật lên thành tiếng bi thương, ai oán:
“Gió đưa ngọn khói lên trời / Em về đằng ấy biết đời nào sang? / Vì thu cho lá cây vàng
/ Vì em, em để đoạn trường cho ai?” (Phong dao). Không chỉ có tình yêu đôi lứa mà
còn có cả tình cảm vợ chồng thủy chung, son sắt. Những con người chân quê bình dị,
không ham danh lợi giàu sang, chỉ ước mơ một cuộc sống dù nghèo nhưng đằm thắm,
yên vui, cùng nhau chia sẻ buồn vui: “Tan sương thiếp dậy thổi cơm / Chàng ơi mang
NGUYỄN THỊ HỒNG XUYẾN – HOÀNG ĐỨC KHOA
80
đó ra đơm cánh đồng / Đói no có vợ, có chồng / Hơn ai nệm bộc chăn lồng một thân”
(Phong dao). Có thể nói, cảnh vật làng quê mà Á Nam đưa vào thơ không phải là cảnh
vật đơn thuần mà còn là những người nhà quê chất phác, giản dị. Ông đã gửi vào cảnh
sắc quê hương cái hồn quê của chính mình. Biết rằng sau này làng quê sẽ không còn giữ
được những thanh sắc đẹp đẽ như thế nhưng những câu thơ thấm đẫm hương đồng gió
nội của nhà thơ sẽ mãi gợi nhắc lòng ta về tâm hồn dân tộc của một thời đã qua.
2. Tóm lại: Trong thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, mô hình không gian nghệ thuật cơ bản là
không gian lịch sử và không gian làng quê. Một không gian nhuốm đầy màu sắc tâm
hồn và cảm xúc nhà thơ. Khác với không gian trừu tượng mang tính ước lệ trong thơ
trung đại hay trong thơ Đường, trong thơ Á Nam dù là di tích lịch sử, danh lam thắng
cảnh hay cảnh sắc làng quê đều được nhìn ngắm từ một tâm hồn gắn bó nặng lòng với
quê hương, đất nước. Thơ Á Nam làm rung động tới những gì cổ xưa nhất, mến thương
nhất của tâm linh người Việt. Chính cái không gian nội cảm này đã mang lại sức sống
cho thơ Á Nam Trần Tuấn Khải. Khám phá không gian nội cảm trong thơ Á Nam sẽ
giúp người đọc hiểu sâu sắc, trọn vẹn cái tôi trữ tình của tác giả. Sự biến đổi trong quan
niệm nghệ thuật xuất phát từ ý thức của nhà thơ Á Nam trước sự thay đổi của xã hội: từ
xã hội phong kiến sang xã hội thực dân nửa phong kiến... Đặc biệt là đánh dấu nét mới
trong tư duy nghệ thuật của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam trong bước quá độ từ truyền
thống đến hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hoài Anh (2001). Chân dung văn học – Tiểu luận phê bình. NXB Hội Nhà văn
[2] Xuân Diệu, Lữ Huy Nguyên (1984). Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải. NXB Văn học,
Hà Nội.
[3] Lê Chí Dũng (2006). Á Nam Trần Tuấn Khải – Nhà thơ của dòng văn học yêu nước
trong những năm 1920, www.talawas.org, truy cập tháng 6/2006.
[4] Hồ Sĩ Hiệp, Lâm Quế Phong (1997). Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu – Á Nam Trần Tuấn
Khải. NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh.
[5] Trần Đình Sử (1995). Thi pháp thơ Tố Hữu. NXB Giáo Dục
[6] Trần Đình Sử (1999). Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại. NXB Giáo dục, Hà Nội
Title: ART SPACE IN POETRY OF A NAM TRAN TUAN KHAI
Abstract: Surveying a number of key characteristics of the art space in A Nam Tran Tuan
Khai’s poetry allows us to identify more creative in conveying the poet's own sense of time,
expression of the human interior. On some may find A Nam has overcome many contemporary
artistic norms to reach a new art systems, associated with the modern Vietnamese literature.
NGUYỄN THỊ HỒNG XUYẾN
Trường THCS Lưu Văn Lang, TX Sa Đéc, Đồng Tháp. ĐT: 0907.335.776
TS. HOÀNG ĐỨC KHOA
Nhà xuất bản Đại học Huế
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 14_202_nguyenthihongxuyen_hoangduckhoa_12_nguyen_thi_hong_xuyen_7358_2020985.pdf