Khảo sát các dòng lúa mùa nổi tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, vụ mùa 2015-2016

Kết luận Mặc dù năm 2015 không có lũ, một số dòng LMN vẫn khá cao trên 2 m và có đến 29 dòng đạt năng suất cao hơn giống đối chứng tại địa phương. Đặc biệt có ba dòng: CM28, TB30 và CM46 năng suất cao hơn 3 tấn/ha. Các dòng có năng suất cao hơn đối chứng có mức độ kháng đến hơi nhiễm đối với bệnh đạo ôn cổ bông, thối bẹ và đốm nâu. Kiến nghị Chọn các dòng có năng suất cao hơn giống đối chứng tiếp tục thực hiện so sánh năng suất có lặp lại trên các địa phương muốn phát triển LMN nhằm tìm ra giống/dòng thích nghi cho từng địa phương. Bên cạnh đó cần khảo sát bệnh đạo ôn trong điều kiện nương mạ và hàm lượng dinh dưỡng như vitamin B, protein để nâng cao giá trị của LMN.

pdf9 trang | Chia sẻ: linhmy2pp | Ngày: 24/03/2022 | Lượt xem: 112 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khảo sát các dòng lúa mùa nổi tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, vụ mùa 2015-2016, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 15 (3), 40 – 48 40 KHẢO SÁT CÁC DÒNG LÚA MÙA NỔI TẠI HUYỆN CHỢ MỚI, TỈNH AN GIANG, VỤ MÙA 2015-2016 Nguyễn Thị Thanh Xuân1, Lê Hữu Phước1 1Trường Đại học An Giang Thông tin chung: Ngày nhận bài: 16/06/2016 Ngày nhận kết quả bình duyệt: 28/09/2016 Ngày chấp nhận đăng: 06/2017 Title: A survey on floating rice farming systems in Cho Moi district, An Giang province in 2015-2016 Keywords: Floating rice, varieties/ lines, Cho Moi, Thanh Binh, Tri Ton Từ khóa: Lúa mùa nổi, giống/dòng, Chợ Mới, Thanh Bình, Tri Tôn ABSTRACT Floating rice farming systems are friendly for agricultural ecosystem because of not using chemicals and pesticides. However, the yield of floating rice is quite low. Therefore, the selection of pure lines which high yiels plays an important role. The study of 76 lines of floating rice selected from Thanh Binh district, Dong Thap province and Cho Moi and Tri Ton district, An Giang province was carried out in non-replicated trial at My An commue, Cho Moi district in 2015 -2016. Grain yield, agronomic and grain traits, and diseases were collected. The results show that most lines flowered in November and harvested in December year?. The growth duration was from 140 to 165 days. Plants’ heights varied from 1.6 meters to 2.5 meters. Especially, plants of the lines - CM26, CM27, CM28, CM29, CM30, CM31 were found higher than 2 meters. The tillers increased strongly from 30 to 60 days after being sowed. Yields ranged from 0.2 to 4.4 tons/ha. The lines CM28 gave the highest yield of 4.4 tons/ha, and 28 other lines gave their yields that were higher than the yield of local check variety. CM33, CM45, TT42 were very resistant to panicle blast. CM45, CM46, TB27, TT26, TT41, TT43, TT49 lines were found to be resistant to sheath rot, and TB41, TB42, TB43, TB44, TB45, TB46, TT34 were resistant to brown spot. Most lines were high to intermediate - gelatinization temperature starch, and only three lines were from the average to low level. High-potential yield lines’ further research should be on pest tolerance and grain qualities. TÓM TẮT Hệ thống canh tác lúa mùa nổi thân thiện với môi trường bởi vì không hoặc sử dụng rất ít phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, năng suất lúa mùa nổi thấp. Nghiên cứu nhằm tìm các dòng có năng suất cao hơn giống đang trồng tại địa phương. Thí nghiệm gồm 76 dòng thu thập ở Thanh Bình (Đồng Tháp), Chợ Mới và Tri Tôn (An Giang) được bố trí tuần tự, không lặp lại tại xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Các chỉ tiêu nông học, năng suất, phẩm chất và dịch hại đã được thu thập. Kết quả cho thấy, hầu hết các dòng lúa trong bộ giống trổ vào tháng 11 dương lịch và thu hoạch trong tháng 12, thuộc nhóm lúa mùa lỡ. Thời gian sinh trưởng của các dòng từ 140 đến 165 ngày. Chiều cao cây từ 1,6 m đến 2,5 m, các dòng CM26, CM27, CM28, CM29, CM30, CM31 cao hơn 2 m. Chồi tăng mạnh giai đoạn từ 30 đến 60 ngày sau khi gieo. Số hạt chắc/bông cao nhất 275 hạt và thấp nhất 38 hạt/bông. Có 29 dòng năng suất cao hơn giống đối chứng, trong đó có ba dòng năng suất cao hơn 3 tấn/ha là CM28, TB30 và CM46. Các dòng chống chịu tốt với đạo ôn cổ bông là: CM33, CM45, TT42; chống chịu khá tốt với bệnh thối bẹ là CM45, CM46, An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 15 (3), 40 – 48 41 TB27, TT26, TT43, TT49 và chống chịu với bệnh đốm nâu gồm TB41, TB42, TB43, TB44, TB45, TB46, TT34. Các dòng có năng suất trong bộ giống có mức chống chịu bệnh từ kháng đến hơi nhiễm. Tỷ lệ bạc bụng cao, nhiệt độ hóa hồ đa số dòng ở mức trung bình. Đáng chú ý có 3 dòng có mức độ hóa hồ thấp – trung bình. Cần tiếp tục nghiên cứu các dòng có năng suất và có khả năng kháng bệnh, đồng thời chú ý đến phẩm chất hạt. 1. GIỚI THIỆU Hệ thống canh tác lúa mùa nổi (LMN) rất thân thiện với môi trường vì sử dụng rất ít phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Canh tác LMN còn khai tác các nguồn lợi thủy sản, bảo tồn nguồn gen quí hiếm, giữ được độ phì của đất và điều tiết lượng nước lũ, giảm áp lực vỡ đê. Hơn nữa, LMN được canh tác gần giống canh tác hữu cơ (không hoặc ít bón phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật) và có một số thành phần dinh dưỡng quý như anthocyanin, vitamin E, B cao (Hồ Thanh Bình & Trần Nghĩa Khang, 2013). Kết quả khảo sát và thu thập các dòng LMN vụ mùa năm 2014 phát hiện còn 02 nhóm LMN là lúa mùa sớm (thu hoạch vào tháng 11 dương lịch (dl)) ở Chợ Mới (An Giang) và Thanh Bình (Đồng Tháp) và nhóm lúa mùa lỡ (thu hoạch tháng 12dl hoặc tháng 01dl) còn trồng tại Tri Tôn, An Giang (Lê Thanh Phong & Lê Hữu Phước, 2015). Tại Tri tôn, An Giang nông dân gọi giống đang trồng là “Bông sen”. Tuy nhiên, quan sát và thu mẫu đã phát hiện có rất nhiều dạng khác nhau. Các giống lẫn tạp được nông dân am hiểu tại địa phương xác nhận là các giống Chệt Cụt, Nàng Tây Đùm, Nàng Tây Nút, Nàng Pha, Lúa Trời (Lê Thanh Phong & Lê Hữu Phước, 2015). Ở Chợ Mới (An Giang) và Thanh Bình (Đồng Tháp), quần thể LMN đang trồng gồm các giống Tây Đùm, Chệt Cụt, Nàng Chồi, Tây Bông Dừa Lê Thanh Phong và Lê Hữu Phước (2015) đã chọn từ các quần thể giống ở ba huyện các dạng bông khác nhau (178 dạng). Các dạng này đã được phân thành các nhóm khác nhau như có vỏ cám đỏ/trắng, dạng bông đùm hoặc xòe, dạng lá cờ to, dài hoặc ngắn. Số lượng hạt chắc trên bông cũng biến động khá lớn từ 50 đến hơn 300 hạt. Tuy nhiên, năng suất LMN tại Tri Tôn còn rất thấp, 1,5 - 2 tấn/ha (Nguyen Van Kien, 2013), dạng hạt không đồng đều (Lê Thanh Phong & Lê Hữu Phước, 2015). Lẫn tạp giống là nguyên nhân chính dẫn đến sản phẩm gạo không đồng đều về kích cỡ lẫn màu sắc. Kích cỡ không đồng đều cũng có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ xay chà. Để có thể bảo tồn hoặc mở rộng diện tích LMN, vấn đề sản phẩm cho thương mại cần phải được quan tâm đặc biệt. Vấn đề này đồng nghĩa với việc phải chọn lọc quần thể LMN. Vì vậy, đề tài “Khảo sát 76 dòng lúa mùa nổi tại Chợ Mới, An Giang, vụ mùa 2015-2016” được thực hiện, với mục tiêu tuyển chọn dòng LMN đạt năng suất bằng hoặc cao hơn giống hiện có tại địa phương, thích ứng với vùng Chợ Mới, An Giang. 2. PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1 Phương tiện Nguồn vật liệu: 76 dòng LMN được chọn lọc từ 3 vùng còn trồng LMN, trong đó 26 dòng chọn ở huyện Tri Tôn, 25 dòng thuộc Chợ Mới tỉnh An Giang và 25 dòng thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp và giống đối chứng địa phương tại điểm thí nghiệm (Mỹ An, Chợ Mới, An Giang), nông dân chỉ gọi “Lúa Mùa Nổi” nên chúng tôi tạm đặt tên là CMĐC. Các dòng đã được đặt tên ngắn ngọn gồm phần chữ thể hiện nơi đã chọn dòng và số là thứ tự các dòng đã thực hiện thí nghiệm của nhóm nghiên cứu. Thời gian thực hiện: Vụ mùa 2015 - 2016 (tháng 07/2015 – 01/2016), tại xã Mỹ An, Chợ Mới, An Giang. 2.2 Phương pháp Thí nghiệm khảo sát bộ 76 dòng LMN được bố trí tuần tự, không lặp lại với diện tích mỗi lô 7,5 m2, khoảng cách giữa các lô 0,5 m. Sử dụng phương An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 15 (3), 40 – 48 42 pháp gieo 1 hạt/hốc với mật độ 15 x 30 cm. Lúa được gieo dự phòng ở mỗi cuối băng để cấy dậm. Các lô được giăng cố định dây thừng dưới mặt đất (chia lô) nhằm giúp định vị từng lô. Khi lúa cao, cắm cây mỗi góc của lô và giăng dây cao khoảng 60 cm để giữ bông lúa của mỗi lô. Thí nghiệm không bón phân vô cơ và chỉ sử dụng Basudin 10, 1kg/1000 m2 sau khi gieo để phòng tránh chim chuột ăn hạt giống. Đặc điểm nông học - Số chồi/bụi: đếm toàn bộ số chồi trên bụi, chồi được tính phải có từ 03 lá. - Chiều cao cây: Chiều cao cây được đo từ mặt đất đến chót lá cao nhất (khi chưa trổ bông), đến chót bông (khi lúa đã trổ). Chiều cao cây và số chồi đo, đếm 3 lần: 30, 60 ngày sau khi gieo (NSG) và thu hoạch, đo/đếm: 5 bụi/dòng. Thành phần năng suất Mỗi dòng chọn ngẫu nhiên 5 bụi đếm: - Đếm số bông, số hạt chắc, lép, đếm 1000 hạt. - Cân trọng lượng hạt của 5 bụi, cân 1000 hạt và ẩm độ để quy về trọng lượng 1000 hạt ở ẩm độ 14%. Tính thành phần năng suất: Số bông/m2, số hạt chắc/bông, tỉ lệ lép (%), trọng lượng 1000 hạt (gam). Năng suất: Mỗi lô thu hoạch hết các bụi lúa ở 3 hàng giữa, không thu 2 hàng bìa. Đếm tổng số bụi, tách hạt, giê sạch, cân trọng lượng, đo ẩm độ quy về ẩm độ chuẩn (14%), tính năng suất. Phẩm chất hạt: Bạc bụng và độ hóa hồ đã được đánh giá trên các dòng có năng suất khá cao. Các phương pháp thực hiện theo tiêu chuẩn IRRI 2002. Bệnh hại: Bệnh đốm nâu (Bipolaris oryzae): đánh giá giai đọan trước khi lúa trổ, bệnh đạo ôn cổ bông (Pyricularia oryzae), bệnh thối bẹ (Soracladium oryzae) đánh giá giai đoạn thu hoạch theo tiêu chuẩn đánh giá của IRRI 2002. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1 Điều kiện tự nhiên và mực nước lũ Trước khi trồng LMN, nông dân trồng bắp non. LMN được trồng sau khi thu hoạch bắp hoặc sạ gởi vào ruộng bắp vào đầu tháng 7. Đối với ruộng thí nghiệm, sau khi thu hoạch bắp, ruộng được xới bằng máy xới nhỏ, lật gốc bắp rồi gieo LMN. Năm 2015 là năm hạn hán của Đồng bằng sông Cửu Long do hiện tượng El Nino với mức độ trầm trọng. Giai đoạn mới xuống giống, ruộng không có nước. Tháng 8 và tháng 9, thí nghiệm không bị ngập, cây lúa sử dụng nước chủ yếu từ mưa. Tháng 10 trong ruộng duy trì mức nước từ 5 - 15 cm. Cuối tháng 10, mức nước cao hơn 10 - 35 cm. Ghi nhận mực nước trung bình tại 5 điểm trên ruộng ngày 16/10/2015 và 31/10/2015 là 7,2 cm và 20,0 cm. Đến ngày 15/11/2015 mực nước đã cạn đến cuối vụ. 3.2 Côn trùng và bệnh hại Bệnh hại: Bệnh đạo ôn (Pyricularia oryzae) Bệnh đạo ôn cổ bông chiếm tỷ lệ rất cao ở các dòng LMN Thanh Bình (26,2%), tương đương với giống đối chứng (27,7%). Hai nhóm này cao hơn gấp đôi so với nhóm Chợ Mới: 10,1% và nhóm Tri Tôn: 12,5%. Các dòng có khả năng kháng bệnh gồm CM33, CM45, TB47, TT42 và các dòng nhiễm bệnh nặng gồm TB29, TB34, TB43. Bệnh thối bẹ (Soracladium oryzae) Phân nhóm theo phân cấp của IRRI (2002) cho thấy, có 7 dòng hoàn toàn không bị nhiễm bệnh thối bẹ: CM45, CM46, TB27, TT26, TT41, TT43, TT49. Trong khi đó, có 3 dòng: CM29, TT28, TT33 nhiễm bệnh cấp 7. Nhiễm thối bẹ trung bình được thể hiện ở hơn 50% số dòng. Bệnh đốm nâu (Bipolaris oryzae) Chỉ có 1 dòng TB43 rất kháng đốm nâu, 6 dòng: TB41, TB42, TB44, TB45, TB46, TT34 kháng An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 15 (3), 40 – 48 43 cấp 1 và 10 dòng cấp 2. Còn lại các dòng nhiễm bệnh ở từ cấp 3 đến cấp 7. Chú ý các dòng TT32, TT48, CMĐC nhiễm cấp 7. Côn trùng: Một số loài côn trùng xuất hiện như sâu đục thân hai chấm (Scirpophaga incertulas Walker), nhện gié (Steneotarsonemus spinki Smiley), rầy nâu (Nilaparvata lugens), sâu cuốn lá nhỏ (Cnaphaclocrocia medinalis) nhưng không gây hại đáng kể. Trong suốt vụ không phun thuốc trừ dịch hại. Do đó, kết quả về nhiễm hoặc kháng bệnh có thể tham khảo như khả năng chống chịu của dòng lúa với bệnh nêu trên. 3.3 Nông học Thời gian trổ: Thời điểm trổ của đa số các dòng (59 dòng) vào 2 tuần đầu tháng 11 dl, 12 dòng trổ vào tuần thứ 3 của tháng 11 và có 6 dòng trổ sớm cuối tháng 10. Các dòng trổ sớm phần lớn có nguồn gốc từ Thanh Bình. Thời gian sinh trưởng: Những dòng có thời gian sinh trưởng ngắn thuộc nhóm Chợ Mới là CM50 (143 ngày), các dòng thuộc Thanh Bình: TB26, TB27, TB30, TB31, TB32, TB28, TB29, TB34, TB35, TB36, TB37, TB38, TB39, TB40, TB44, TB48, TB49 (140- 143 ngày), dòng thuộc Tri Tôn là TT26, TT38 (143 ngày). Chiều cao Ở hai thời điểm đo chiều cao 30 NSG và 60 NSG, trung bình cả 3 nhóm dòng thuần Chợ Mới, Thanh Bình và Tri Tôn không khác biệt nhau nhiều. Ở 30 NSG, chiều cao dao động trong khoảng 55 đến 59 cm; ở 60 NSG chiều cao tăng gần gấp đôi, trung bình từ 100 cm (Tri Tôn), 114 cm (CMĐC). Thời điểm thu hoạch: chiều cao của các dòng từ 180 - 210 cm. Các dòng có nguồn gốc Chợ Mới (210 cm) có chiều cao trung bình lúc thu hoạch cao hơn các dòng thuộc Thanh Bình và Tri Tôn (Bảng 1). Chiều cao của cây LMN ảnh hưởng rất lớn bởi mức nước lũ và thời điểm ngập. Năm 2015, không có nước lũ, ruộng khảo sát này do nằm trong đê bao lửng nên có thể chặn cống lại giữ mực nước khi nước ròng cho cây LMN phát triển do đó chiều cao của một số dòng vẫn khá cao. Nghiên cứu trước đây của Đặng Kim Sơn & Nguyễn Minh Châu (1987), các giống Ba Bông, Chệt Cụt, Nàng Tây cao 250 - 260 cm hoặc giống Leb Mue Nahng 111 của Thái Lan cũng chỉ cao 250 - 270 cm với mức nước lũ trong năm 1982 và 1986 khá cao: 1,05 đến 1,6 m (Denning & Võ Tòng Xuân, 1995). Số chồi Giai đoạn 30 NSG: chồi phát triểm chậm, chỉ từ 5 chồi/bụi (Tri Tôn và Thanh Bình) đến 6 chồi/bụi (Chợ Mới). Giai đoạn 60 NSG: lúc này có nước lên ruộng, cây lúa nảy chồi khá nhanh, số chồi/bụi khá cao, từ 12-13 chồi/bụi. Thời điểm thu hoạch, số chồi trung bình của nhóm dòng thuộc Tri Tôn cao nhất 14 chồi/bụi (Bảng 1). Bảng 1. Chiều cao và số chồi của 76 dòng lúa mùa nổi phân chia theo địa phương đã thu thập, vụ mùa 2015-2016 Nhóm Chiều cao (cm) Số chồi/bụi 30 NSG 60 NSG Thu hoạch 30 NSG 60 NSG Thu hoạch Chợ Mới 59 ± 4 107 ± 8 211 ± 12 6 ± 1,4 13 ± 2 10 ± 2 Thanh Bình 55 ± 4 103 ± 8 182 ± 12 5 ± 1,7 13 ± 3 12 ± 3 Tri Tôn 55 ± 5 100 ± 11 187 ± 12 5 ± 1,5 13 ± 4 14 ± 5 CMĐC* 57 ± 4 115 ± 7 205 ± 10 6 ± 0,3 12 ± 1 13 ± 1 Chú thích: ±: độ lệch chuẩn với n = 25, (*): n = 4, NSG: ngày sau khi gieo 3.4 Thành phần năng suất và năng suất An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 15 (3), 40 – 48 44 Số bông/m2 Số bông/m2 các dòng theo nguồn gốc cho thấy trung bình các dòng ở Tri Tôn có số bông cao nhất, tiếp theo là Chợ Mới và cuối cùng là Thanh Bình. Từ đó cho thấy, trong nhóm dòng có nguồn gốc từ Tri Tôn và Thanh Bình có sự biến động lớn giữa các dòng thể hiện ở độ lệch chuẩn cao hơn của nhóm Chợ Mới. Hạt chắc/bông Nhóm dòng lúa có nguồn gốc Chợ Mới có trung bình hạt chắc cao nhất, tiếp theo là nhóm dòng Tri Tôn và cuối cùng là nhóm dòng thuộc Thanh Bình lần lượt là 176, 153 và 124 hạt chắc/bông. Nhóm dòng thuộc Thanh Bình không những có số hạt chắc/bông thấp mà còn biến động lớn giữa các dòng với độ lệch chuẩn cao (62) trong khi độ lệch chuẩn của nhóm dòng thuộc Tri tôn chỉ là 31 (Bảng 2). Trọng lượng 1000 hạt Bảng 2 cho thấy, nhóm dòng lúa thuộc Thanh Bình có trọng lượng nhỏ nhất (21 g) và lớn nhất thuộc nhóm dòng Chợ Mới (24,4 g). Tỷ lệ hạt chắc Phân nhóm tỉ lệ hạt chắc theo nguồn gốc giống: các dòng có nguồn gốc ở Chợ Mới có tỉ lệ cao nhất (72,6%), trong khi các dòng ở Thanh Bình và Tri Tôn chỉ đạt 60 - 61,5%. Bảng 2. Thành phần năng suất của 76 dòng lúa mùa nổi phân chia theo địa phương đã thu thập, vụ mùa 2015 - 2016 Nhóm giống Số bông/m2 Hạt chắc/bông Trọng lượng 1000 hạt (g) Tỉ lệ hạt chắc (%) Chợ mới 127 ± 30 176 ± 46 24,4 ± 2,1 72,6 ± 9,5 Thanh Bình 119 ± 42 124 ± 62 21,0 ± 1,4 60,0 ± 17,3 Tri Tôn 134 ± 49 153 ± 31 23,0 ± 2,0 61,5 ± 2,1 CMĐC (*) 152 ± 20 161 ±15 24,6 ± 1,2 79,7 ± 1,1 Chú thích: ±: độ lệch chuẩn với n = 25, (*): n = 4 Năng suất Nhóm dòng có nguồn gốc Chợ Mới đạt năng suất trung bình cao nhất, tiếp theo là nhóm thuộc Tri Tôn và cuối cùng là nhóm dòng thuộc Thanh Bình (Bảng 3). Năng suất của bộ giống biến thiên từ 0,27 đến 4,41 tấn/ha. Có đến 29 dòng có năng suất cao hơn giống đối chứng (Bảng 4). Trong đó có 16 dòng có nguồn gốc từ Chợ Mới, 6 dòng có nguồn gốc từ Thanh Bình và 7 dòng từ Tri Tôn (Bảng 4). Bảng 3. Năng suất của 76 dòng lúa mùa nổi phân chia theo địa phương đã thu thập, vụ mùa 2015 - 2016 Nhóm giống Năng suất (t/ha) min max Chợ Mới 2,0 ± 0,7 1,1 4,41 Thanh Bình 1,3 ± 0,9 0,29 3,35 Tri Tôn 1,4 ± 0,7 0,27 2,67 CMĐC(*) 1,7 ± 0,2 Chú thích: ±: độ lệch chuẩn với n = 25, (*): n = 4, max: tối đa, min: tối thiểu An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 15 (3), 40 – 48 45 Bảng 4. Năng suất và thành phần năng suất của các dòng lúa mùa nổi triển vọng vụ mùa 2015 - 2016 ST T Tên dòng Bông/ m2 Hạt chắc/bông Trọng lượng 1000 hạt (g) Tỉ lệ hạt chắc (%) Năng suất (T/h a) 1 CM28 100 148 28,7 70,8 4,41 2 CM29 100 102 24,1 60 1,77 3 CM30 124 133 26,9 63,9 2,05 4 CM31 98 147 25,7 82,7 1,86 5 CM34 106 184 22,3 80,0 1,97 6 CM36 149 188 23,3 78,8 2,27 7 CM37 157 164 24,8 84,6 2,60 8 CM38 134 105 23,8 59,8 2,41 9 CM39 120 162 29,1 83 2,04 10 CM41 140 157 27,1 63,5 2,03 11 CM43 102 220 23,2 74,7 1,83 12 CM44 175 188 22,9 69 2,04 13 CM46 180 233 22,4 77,3 3,13 14 CM48 146 223 23,3 70,0 2,49 15 CM49 107 275 20,8 73,8 2,03 16 CM50 95 207 25,6 73,8 2,29 17 TB30 120 165 22,2 80,3 3,35 18 TB33 132 83 22,6 50,2 2,65 19 TB35 53 134 29,3 74,4 2,03 20 TB39 167 158 18,6 79,7 2,27 21 TB42 100 182 25,1 82,4 2,38 22 TB49 239 99 23,6 65,7 2,86 23 TT36 75 204 24,0 68,5 2,44 24 TT38 139 101 22,0 60,0 1,88 25 TT39 202 128 23,3 80,1 2,11 26 TT41 120 141 22,8 77,4 2,48 27 TT42 193 150 21,9 78,8 2,38 28 TT43 178 181 23,1 87,4 1,98 29 TT45 198 164 24,1 72,4 2,67 30 CMD 152 161 24,6 79,7 1,71 An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 15 (3), 40 – 48 46 Đồng bằng Sông Cửu Long vào thập niên 80, nước lũ phủ khắp vùng rộng lớn, chỉ có LMN thích nghi được trong điều kiện ngập đến 3 m tại thời điểm trổ bông và cho năng suất 1 - 2 tấn/ha (Denning & Vo Tong Xuan, 1995). Giống Ba Bông cho năng suất 2 - 2,5 tấn/ha, Trệt Cụt: 1,5 - 2 tấn/ha, Nàng Tây: 1,7 - 2 tấn/ha (Đặng Kim Sơn & Nguyễn Minh Châu, 1987). Năng suất các giống ở Campuchia chỉ đạt từ 0,7 - 1 tấn/ha (Neang Tey Dourn, Neang Saath), giống năng suất cao như Popeay Vea, Neang Tey đạt 1,4 tấn/ha (Seng, Puckridge & Thongbai, 1988). Ở Thái Lan, năng suất một số dòng thử nghiệm trong giai đoạn từ 1981 - 1986 đạt từ 2,0 đến 2,8 tấn/ha (Sittayos và cs., 1988). Trong nghiên cứu này, năng suất cao nhất đạt 4,4 tấn/ha, hai dòng đạt trên 3 tấn/ha và 20 dòng có năng suất trên 2 tấn/ha và đối chứng địa phương đạt 1,7 tấn/ha. Thử nghiệm ở Tri Tôn cũng có kết quả cao hơn, dòng có năng suất cao nhất đạt 4,5 tấn/ha và có nhiều dòng đạt trên 3 tấn/ha (Lê Thanh Phong & Lê Hữu Phước, 2016). Một số dòng có năng suất rất thấp, tỉ lệ hạt chắc thấp có thể do bệnh đạo ôn cổ bông và thối bẹ gây nên (tỉ lệ bệnh hơn 40%) hoặc có thể do thời gian sinh trưởng ngắn trong nhóm lúa mùa sớm (140 ngày). Số bông/m2 trong nghiên cứu này khá cao so với các nghiên cứu ở thập niên 80. Điển hình là thử nghiệm ở Thoại Sơn - An Giang năm 1982, giống Nàng Tây Đùm đạt 94 bông/m2, ở Thạnh An- Cần Thơ, giống này chỉ đạt 74 bông/m2. Năm 1984, giống Ba Bông đạt 76 bông/m2 và năm 1986 đạt 114 bông/m2, mặc dù giống được thử nghiệm trên cùng địa phương, Thạnh An- Cần Thơ (Denning & Võ Tòng Xuân, 1995). Sự khác biệt về số bông có thể do điều kiện ngập lũ. Năm 1982 và 1986 mức nước lũ khoảng 1 - 1,25 m, năm 1986 mức nước lũ là 1,95 m. Năm 2015 gần như không bị lũ trong khu vực thí nghiệm. Mức nước cao nhất trong ruộng thí nghiệm chỉ 20 cm (31/10/2015) và không bị cầm lâu mà chỉ ngập trong thời gian ngắn, theo con nước. Kết quả nghiên cứu của Lê Thanh Phong và Lê Hữu Phước (2016) cho thấy LMN không những chịu đựng điều kiện ngập mà còn có khả năng chịu hạn trong điều kiện nghiên cứu tại Tri Tôn. 3.5 Phẩm chất hạt: Trong 29 dòng có năng suất cao hơn đối chứng, chọn 25 dòng và một đối chứng để phân tích một số đặc tính phẩm chất. Bạc bụng Tất cả 26 giống/dòng khảo sát đều bị bạc bụng từ 15 - 100 %. Dòng TT33 có tỉ lệ bạc bụng thấp nhất 15%. Dòng CM39 và CM41 có nguồn gốc Chợ Mới cùng có tỉ lệ bạc bụng cao nhất 100%. Nhưng dòng CM39 lại có diện tích vết bạc bụng nhỏ (< 10% diện tích hạt), dòng CM41 có diện tích vết bạc bụng lớn (> 20% diện tích hạt). Còn lại 23 dòng có tỉ lệ bạc bụng 21 - 91 % và phần lớn có diện tích từ trung bình đến lớn (Bảng 5). Nhiệt độ hóa hồ 5 dòng có nhiệt độ hóa hồ cao là dòng CM28, CM36, CM37, TB33 và TT42. Chỉ có 3 dòng có nhiệt độ hóa hồ trung bình - thấp là CM46, TT41, TT45. Còn lại 18 dòng có nhiệt độ hóa hồ trung bình (Bảng 5). Bảng 5. Bạc bụng và nhiệt độ hóa hồ của một số dòng lúa mùa nổi có tiềm năng năng suất, vụ mùa 2015-2016 STT Tên dòng Tỉ lệ bạc bụng (%) Diện tích bạc bụng Phân hủy do kiềm Nhiệt độ hóa hồ 1 CM28 91 TB Thấp Cao 2 CM30 56 TB TB TB 3 CM34 26 TB TB TB 4 CM36 64 TB Thấp Cao 5 CM37 28 TB Thấp Cao 6 CM38 27 Lớn TB TB An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 15 (3), 40 – 48 47 STT Tên dòng Tỉ lệ bạc bụng (%) Diện tích bạc bụng Phân hủy do kiềm Nhiệt độ hóa hồ 7 CM39 100 Nhỏ TB TB 8 CM41 100 Lớn TB TB 9 CM43 21 TB TB TB 10 CM44 55 Lớn TB TB 11 CM46 40 TB TB - Cao TB - Thấp 12 CM47 28 Lớn TB TB 13 CM49 25 Lớn TB TB 14 CM50 38 Nhỏ TB TB 15 TB30 66 TB TB TB 16 TB33 15 TB Thấp Cao 17 TB35 78 TB TB TB 18 TB39 65 Nhỏ TB TB 19 TB42 47 TB TB TB 20 TB49 23 TB TB TB 21 TT36 62 Lớn TB Tb 22 TT41 74 Nhỏ TB - Cao TB - Thấp 23 TT42 37 Lớn Thấp Cao 24 TT45 85 TB TB - Cao TB - Thấp 25 TT50 22 TB TB TB 26 CMĐC 92 TB TB TB Bạc bụng là phần đục bên trong hạt gạo, chủ yếu là do sự sắp xếp của những hạt tinh bột trong nội nhũ, tạo ra nhiều khoảng trống. Bạc bụng có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ xay xát, bạc bụng lớn hạt dễ vỡ trong khi xay chà (Khush và De la Cruz, 1978). Trong nghiên cứu này, hầu hết các dòng triển vọng đều bạc bụng ở cấp độ trung bình (10 - 20% diện tích hạt). Nhiệt độ hóa hồ là nhiệt độ cần thiết mà ở đó nước được hấp thu và các hạt tinh bột bắt đầu phình ra trong nước nóng, đồng thời cấu trúc tinh thể không thể phục hồi được. Nhiệt độ hóa hồ được xác định thông qua sự phân hủy do kiềm. Nhiệt độ hóa hồ càng cao thì thời gian nấu chín cơm càng lâu. Điều kiện nhiệt độ trong thời gian hạt chín sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ hóa hồ. Nhiệt độ hóa hồ thấp: 55 – 69 °C, trung bình: 70 - 74 °C, cao: 75 – 79 °C (Khush và De la Cruz, 1978). Hầu hết các dòng triển vọng trong nghiên cứu này có nhiệt độ hóa hồ trung bình. Nghiên cứu của Nguyễn Thanh Tường, Nguyễn Bảo Vệ và Võ Công Thành (2005) cho thấy, các giống lúa mùa đặc sản cũng có mức nhiệt độ hóa hồ trung bình. 4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Kết luận Mặc dù năm 2015 không có lũ, một số dòng LMN vẫn khá cao trên 2 m và có đến 29 dòng đạt năng suất cao hơn giống đối chứng tại địa phương. Đặc biệt có ba dòng: CM28, TB30 và CM46 năng suất cao hơn 3 tấn/ha. Các dòng có năng suất cao hơn đối chứng có mức độ kháng đến hơi nhiễm đối với bệnh đạo ôn cổ bông, thối bẹ và đốm nâu. Kiến nghị Chọn các dòng có năng suất cao hơn giống đối chứng tiếp tục thực hiện so sánh năng suất có lặp An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 15 (3), 40 – 48 48 lại trên các địa phương muốn phát triển LMN nhằm tìm ra giống/dòng thích nghi cho từng địa phương. Bên cạnh đó cần khảo sát bệnh đạo ôn trong điều kiện nương mạ và hàm lượng dinh dưỡng như vitamin B, protein để nâng cao giá trị của LMN. Lời cảm tạ Chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông thôn đã tài trợ kinh phí và Ths. Lê Thanh Phong đã cung cấp nguồn giống cho nghiên cứu này. Cảm ơn Anh Nguyễn Văn Trường đã hỗ trợ quản lý thí nghiệm. Cảm ơn em Lê Minh Nhựt, Nguyễn Thị Thúy Liễu và một số sinh viên lớp ĐH13TT, ĐH14TT, CĐ38TT đã tham gia trong quá trình nghiên cứu. TÀI LIỆU THAM KHẢO Denning, GL., & Võ Tòng Xuân. (1995). Vietnam and IRRI: a partnership in rice research: proceedings of a conference held in Hanoi, Vietnam, 4-7 May 1994. Int. Rice Res. Inst. Đặng Kim Sơn và Nguyễn Minh Châu. (1987). Hệ thống canh tác lúa mùa nổi Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. Khush, Gurdev S, Paule, CM and De la Cruz, Normita M. (1978). Rice grain quality evaluation and improvement at IRRI. Paper presented at the Proceedings of the workshop on chemical aspects of rice grain quality. Hồ Thanh Bình., & Trần Nghĩa Khang. (2013). Đánh giá chất lượng thương phẩm gạo lúa mùa nổi xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đề tài nghiên cứu khoa học, Trường Đại học An Giang. IRRI. (2002). Standard evaluation system for rice. International Rice Research Institute, Philippine. Lê Thanh Phong., & Lê Hữu Phước. (2015). Phục hồi và phát triển các giống /dòng lúa mùa nổi địa phương tại An Giang. Đề tài nghiên cứu khoa học, Trường Đại học An Giang. Lê Thanh Phong., & Lê Hữu Phước. (2016). Khảo sát và đánh giá bộ 75 dòng thuần lúa mùa nổi (Oryza sativa) tại xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang, vụ mùa 2015 - 2016. Đề tài nghiên cứu khoa học, Trường Đại học An Giang. McCarthy, James J. (2001). Climate change 2001: impacts, adaptation, and vulnerability: contribution of Working Group II to the third assessment report of the Intergovernmental Panel on Climate Change: Cambridge University Press. Nguyen Van Kien (2013). Technical report for GIZ on Assessment of current status of conservation and cultivation of floating rice – upland vegetables systems in Vinh Phuoc commune, Tri Ton district of An Giang province, Vietnam. Research Centre for Rural Development - An Giang University, Long Xuyen. Nguyễn Thanh Tường., Nguyễn Bảo Vệ., & Võ Công Thành. (2005). Đánh giá phẩm chất gạo của 55 giống lúa trồng ven biển các tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, và Trà Vinh. Tạp chí Nghiên cứu Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, 2005:3 33-39, 7. Seng, Leng Tek., Puckridge., DW., & Thongbai, P. (1988). Cultivation of deepwater and floating rice in Kampuchea. Paper presented at the International Deepwater Rice Workshop, Bangkok (Thailand), 26-30 Oct 1987. Sittayos, P., Kupkanchanakul, K., Wiengweera, A., Sripongpankul, S., Bangwag, J., Tuna, D., & Konghakote, P. (1988). Farmers' field yield trials for deepwater rice in Thailand. Paper presented at the International Deepwater Rice Workshop, Bangkok (Thailand), 26-30 Oct 1987.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfkhao_sat_cac_dong_lua_mua_noi_tai_huyen_cho_moi_tinh_an_gian.pdf
Tài liệu liên quan