Kế sách giữ nước thời Lý-Trần

Kế sách giữ nước thời Lý-Trần LỜI GIỚI THIỆU Kế tục sự nghiệp của tổ tiên, nhân dân Việt Nam đang tập trung tinh thần và lực lượng vào việc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỉ nguyên mới - kỉ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa xã hội Kế thừa truyền thống là quy luật của phát triển. Sức mạnh của truyền thống được phát huy dưới ánh sáng của đường lối đổi mới đang là động lực của công cuộc xây dựng sự giầu mạnh của Tổ quốc. Tìm hiểu truyền thống, ôn lại những bài học của quá khứ giúp ta hiểu thêm những nhiệm vụ mới, giúp ta giải quyết đúng những vấn đề đang đặt ra với đất nước và xã hội. Ngược lại, từ những thắng lợi ngày nay, nhìn lại quá khứ, ta càng thấy rõ giá trị lớn lao của truyền thống tốt đẹp và lâu đời của dân tộc ta, thấy rõ hơn những quy luật vận động của lịch sử và những nguyên nhân tạo thành sức mạnh của một dân tộc đất không rộng, người không đông, đã đương đầu thắng lợi chống lại mọi thế lực xâm lược, chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa nhưng vẫn có một bản sắc văn hóa, một lối sống riêng. Với ý nghĩa ấy Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam xuất bản cuốn: KẾ SÁCH GIỮ NUỚC THỜI LÝ - TRẦN nhằm góp phần vào công tác nghiên cứu khoa học và giúp bạn đọc hiểu thêm lịch sử, gợi những suy nghĩ về những vấn đề của sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Triều Lý (1009 - 1226) và Triều Trần (1226 - 1400) là hai triều đại lớn trong lịch sử dân tộc ta. Thời Lý - Trần được xem là một giai đoạn lịch sử oanh liệt nhất thời trung đại, giai đoạn mà dân tộc ta đã vươn lên mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, viết nên những trang sử chói lọi trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước. Tuy mỗi triều đại có những đặc điềm phát triển riêng, nhưng xét chung thục tiễn lịch sử của dân tộc các giai đoạn Lý-Trần, ta đều thấy, khi các triều đại đang lên, nhà nước phong kiến còn đóng vai trò tích cực, tồ tiên ta thường xuyên chăm lo xây dựng Tổ quốc, làm cho dân giầu nước mạnh, sẵn sàng đối phó với nguy cơ xâm lược. Trong các thế kỉ XI và XIII, nhân dân ta đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng các thế lực xâm lược lớn mạnh. Thế kỷ XI, quân dân Đại Việt đánh tan 30 vạn quân xâm lược Tống; thế kỷ XIII, trong vòng 30 năm (1258-1288), dân tộc ta ba lần đương đầu với những đạo quân xâm lược khét tiếng nhất thời đại là đế quốc Nguyên - Mông. Thắng lợi vĩ đại của công cuộc chống giặc giữ nước thời Lý-Trần là kết quả tất yếu của cả quá trình chuẩn bị lực lượng, xây dựng tiềm lực đất nước. Điều đó chứng tỏ, những nhà lãnh đạo các vương triều thời Lý-Trần đã nắm chặt hai nhiệm vụ dựng nước và giữ nước, thi hành chính sách đối nội- đối ngoại đúng đắn. Hệ thống tư tưởng chính sách của ta có giá trị như những học thuyết. Với tinh thần tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật, các tác giả đã cố gắng vận dụng phương pháp lịch sử và phương pháp lô gích trong khi nghiên cứu, phân tích, và qua đó, làm sáng tỏ thêm những quy luật, những kế sách lớn, nhưng bài học kinh nghiệm hay của tổ tiên ta. Cuốn KẾ SÁCH GIỮ NƯỚC THỜI LÝ-TRẦN gồm sáu chương và phần kết luận do hai tác và Lê Đình Sỹ và Nguyễn Danh Phiệt biên soạn và được phân công như sau: - Lê Đình Sỹ các chương I, IV và V. - Nguyễn Danh Phiệt các chương II, III và VI. Cuốn sách ra mắt bạn đọc là kết quả của sự nỗ lực rất cao của các tác giả dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Hoàng Phương, nhưng đây là vấn đề lớn của một giai đoạn lịch sử rất hào hùng của dân tộc ta, cho nên khó tránh khỏi thiếu sót. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia cùng với Viện Lịch sử quân sự và các tác giả mong nhận được ý kiến phê bình của bạn đọc, đặc biệt là các thuyết gia về giai đoạn lich sử này. CHƯƠNG 1 NƯỚC ĐẠI VIỆT THỜI LÝ-TRẦN I. LÃNH THỔ QUỐC GIA, VỊ TRÍ ĐỊA LÝ QUÂN SỰ Nước Đại Việt thời Lý-Trần là một quốc gia dân tộc độc lập có chủ quyền. Lãnh thổ Đại Việt về đại thể là vùng Bắc Bộ và một phấn Trung Bộ ngày nay. Phía đông có biển và các hải đảo; phía bắc cùng biên giới với Trung Quốc ở vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây), lúc đó thuộc nhà Tống và nhà Nguyên đồng thời giáp với vương quốc Nam Chiếu (Đại Lý) ở vùng Vân Nam; phía tây giáp lãnh thổ các bộ tộc Lão Qua, Chân Lạp; phía nam giáp vương quốc Chăm Pa (Chiêm Thành). Từ khi giành được độc lập vào đầu thế kỷ X cho đến cuối thế kỷ XIV nhân dân Đại Việt đã trải qua một quá trình lâu dài, gian khổ của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sau hơn 1.000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, qua nhiều lần chia cắt, tách nhập, từ Nam Việt của Triệu Đà, đến Giao Chỉ bộ thời Hán, An Nam đô hộ phủ thời Đường, một phần lãnh thổ ở phía bắc nước ta bị phong kiến ngoại bang, bấy giờ là nhà Nam Hán, chiếm giữ. Từ khi Khúc Thừa Dụ nổi dậy năm 905, quyền tự chủ của dân tộc được lập lại trên phạm vi hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, tức vùng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ ngày nay. Các triều đại Ngô, Đinh và Tiền Lê kế tiếp nhau củng cố nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Kinh đô nước ta thời Ngô là Cổ Loa (Đông Anh - ngoại thành Hà Nội). Thời Đinh, Lê, tên nước là Đại Cồ Việt, kinh đô ở Hoa Lư (Gia Viễn, Ninh Bình). Đinh Bộ Lĩnh chia nước thành 12 đạo hành chính, Lê Hoàn đổi đạo thành bộ và cho các hoàng tử, thân vương trấn trị ở các vùng. Dưới triều Tiến Lê, phía bắc, Lê Hoàn đánh tan quân Tống, phía nam, đánh bại quân Chiêm giữ yên bờ cõi. Cơ đồ nhà Tiền Lê được xây dựng vững vàng trên toàn bộ đất nước, bấy giờ chủ yếu là vùng trung du, đổng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Các vùng rừng núi xa xôi còn ràng buộc lỏng lẻo, giao cho thổ tù, châu mục bản địa coi giữ, dưới sự quản lý của triều

docx95 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2856 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Kế sách giữ nước thời Lý-Trần, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, tr. 188.  4. Nguyễn Thế Anh: “La frontière Sino - Vietnamiene du xième au XVII ème Seiècle” trong Les frontiènes du Việt Nam, nhiều tác giả, Nxb L’ Harmatan, Paris, 1989, t.69. 5. Tham khảo Việt sử lược, tr. 84 - 92. Tống sử “Liệt truyện” Địch Thanh và phần “Giao Chỉ”, tài liệu đã dẫn. Đại Việt sử ký toàn thư, t.I, tr. 270, 273, 277, 279, 280. 6. Tham khảo Việt sử lược, Sđd, tr. 84 - 92; Tống sử “Liệt truyện” Địch Thanh và phần “Giao chỉ”. tài liệu đã dẫn,Đại Việt sử ký toàn thư, t.I, tr. 270, 273, 277, 279, 280. 7. “Bia chùa Linh Xứng” – Theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, q.2, tr. 293. 8, 9. Theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt. q.II, tr. 293 - 294. 10. Theo Tống sử Thần Tông, chép “Năm Hy Ninh thứ 10 (1077) tháng 2 quần thần dâng biếu về việc lấy lại được những châu Quảng Nguyên và Tô Râu, đổi Quảng Nguyên thành Thuận Châu”. Liền sau khi giặc rút quân, vua Lý Nhân Tông cử Lý Kế Nguyên đến biên giới bàn việc dâng biểu đòi lại đất. Trong biểu có phạm húy nhà Tống, Triệu Tiết lúc này vẫn lưu giữ Quế Châu và sung chức An phủ sứ Quảng Tây không nhận, đề nghị chữa lại và tâu về triều với gợi ý: “Người Giao sai tụi Lý Kế Nguyên tới biên giới cùng với quân ta bàn việc. Tôi muốn bảo quân ta lấy ấn tín triều đình mà hiểu dụ Càn Đức, ra lệnh cho y trả lại những nhân khẩu đã cướp, rồi triều đình sẽ cấp đất cho”1. Vua Tống bằng lòng.  Đầu năm 1078, Vua Lý “sai Đào Tông Nguyên đem biếu nhà Tống năm con voi và xin trả lại các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu, và những người các châu ấy bị bắt”2.  Để đổi lại. vua Tống đòi tha số người bị bắt giữ trước đây. Năm 1079 vua Lý trả cho nhà Tống 221 người về nước bằng đường biển3. Nhà Tống trả lại đất Thuận Châu (tức là đất Quảng Nguyên)4. Để tiếp tục giành lại các vùng đất chưa đòi được, nhà Lý một mặt, cử sứ giả sang nhà Tống năm 1082 cống hai con voi, 100 chiếc sừng tê, ngà voi để xin đất5, mặt khác, năm 1083 lại cho quân tập trung dọc biên thùy gần châu Quy Hóa mà Tống sử chép “lấy cớ đi tầm nã Nùng Trí Cao”6. Năm 1084, vua Lý sai thị lang bộ binh Lê Văn Thịnh - người đỗ đầu khoa minh kinh bác học đầu tiên vào năm 1075 - tới trại Vĩnh Bình (Quảng Tây) cùng với Tả giang tuần kiểm ty nhà Tống là Thành Trạc hội bàn về việc cương giới7. Phái viên của nhà Tống chỉ trả lại đất đã chiếm giữ trong cuộc hành binh năm 1077. Những đất do tù trưởng dâng nộp từ trước không thuộc diện bàn trả. Lê Văn Thịnh đã biện luận: “Đất thì có chủ. Các viên coi giữ đất mang nộp và trốn đi thì đất ấy trở thành vật của chủ. Sự chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay chúng lại mang đất trộm dâng để làm nhơ bẩn sử sách của nhà vua”8. Lê Văn Thịnh còn tỏ thái độ khiêm nhường, ông nói: “Kẻ bồi thần này không dám tranh giành”9. Tinh thần đó của phái bộ Đại Việt còn toát lên trong thư Văn Thịnh gửi cho Hùng Bản, một nho thần xuất thân tiến sĩ, coi giữ Quế Châu như sau: “Thành Trạc đã nói sẽ vạch địa giới ở phía nam 18 xứ sau này: Thương Điện, Hạ Lôi, Ôn Nhuận, Anh, Dao, Vật Dương, Vật Ác, Kế Thành, Cống, Lục, Tần, Nhân, Động, Cảnh, Tư, Kỳ, Kỷ, Huyện và nói những xứ ấy đất thuộc Trung Quốc. Bồi thần tiểu tử này chỉ biết nghe mệnh, không dám cãi lại. Nhưng những đất ấy, mà họ Nùng đã nộp đều thuộc Quảng Nguyên. Nay may gặp thánh triều ban bố hàng vạn chính lệnh khoan hồng, sao lại chuộng những miếng đất đấy sỏi đá, lam chướng này mà không cho lại nước tôi, để giúp kẻ ngoại thần”10. Qua thương nghị ở Vĩnh Bình, nhà Tống trả lại cho Đại Việt “6 huyện 3 động”11. Đời Lý Nhân Tông đã nhiều lần đòi đất Vật Dương, Vật Ác nhưng nhà Tống không nghe12.  Như vậy, trong buổi đầu phục hưng, nước Đại Việt đã phải đương đầu với đội quân xâm lược của nhà Tống. Nhà nước thời Lý đã kết hợp cả quân sự và ngoại giao để sớm chấm dứt chiến tranh, kiến tạo hòa bình. Tiếp theo sức mạnh vũ khí ở chiến trường là hoạt động đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo để bảo toàn lãnh thổ biên cương. Tuy nhiên, vẫn còn phần đất mà các thổ tù đã nộp cho nhà Tống từ trước không đòi lại được.  Nhà Trần thay nhà Lý cầm quyền từ năm 1225. Với ngót hai thế kỷ hòa bình xây dựng (từ năm 1077 đến năm 1258), quốc gia Đại Việt đã đủ sức đánh tan ba cuộc xâm lược Nguyên Mông xảy ra trong vòng 30 năm trời (từ 1258 đến 1288). Lúc này, cho dù quân Nguyên Mông có mạnh nhưng thế và lực của Đại Việt đã vững vàng, do đó, không chỉ đuổi được giặc mà còn giữ vững được biên cương.  Sử có cho biết vào năm 1345 đời Trần Dụ Tông, nhà Nguyên đã sai sứ giả Vương Sĩ Thành sang hỏi về cột đồng. Vua Trần sai Phạm Sư Mạnh đi biện bạch rồi cũng yên chuyện13. Chắc hẳn nhà nước thời Trần không quên việc tương tự đã xảy ra hơn 70 năm trước (năm 1272): Hốt Tất Liệt sai người sang hỏi về cột đồng Mã Viện, vua Trần Nhân Tông sai viên ngoại lang Lê Kính Phu đi hội khám, trả lời: “dựng lâu năm đã bị mai một, không còn tung tích gì nữa”14. Bấy giờ nhà Nguyên còn đang ở thế mạnh, giờ đây nhà Nguyên đã bước vào giai đoạn suy yếu, do đó, biên cương của Đại Việt cũng yên ổn.  * * * Hoạt động đối ngoại của bất cứ một nhà nước nào, xét cho cùng đều thông qua mối quan hệ với các quốc gia hữu quan nhằm thực hiện có hiệu quả công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của mình. Để thực thi hoạt động đối ngoại có hiệu lực, trước hết tùy thuộc vào sự sáng suốt của nhà nước. Đó là “biết mình, biết người” là nhận thức đúng đắn các mối tương quan lực lượng, xác định lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của dân tộc để đề ra được đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn đối với từng đối tượng trong từng trường hợp và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Chính sách đó được thể hiện thông qua biện pháp cụ thể với những hình thức linh hoạt, phong phú và đa dạng.  Từ thế kỷ XI, nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho các nhà nước thời Lý - Trần đã khá rõ ràng. Đó là giữ vững nền độc lập dân tộc, khôi phục, xây dựng đất nước, tạo thế đứng cho quốc gia phát triển thịnh vượng.  Vào các thế kỷ XI - XIV khu vực Động Nam Á lục địa đã trải qua nhiều biến động trước làn sóng thiên di của người Thái tràn về phía nam, trước sự tranh giành, phân chia lãnh thổ giữa các bộ tộc, các quốc gia đã và đang trên con đường xác lập. Trong bối cảnh đó, có quốc gia hưng thịnh, oanh liệt một thời để nhanh chóng rơi vào cảnh suy tàn như Chân Lạp - đế quốc Ăng Co, hoặc trải qua nhiều sóng gió để đi đến lập nước như Lạng Xạng (Lào), Sukhôthai (Thái) hoặc bị thôn tính, sáp nhập hoàn toàn như Đại Lý ... Trong khi đó quốc gia Đại Việt có lịch sử dựng nước lâu đời, từng trải qua thăng trầm, đang bước vào thời ky phục hưng trong thế bị kẹp vào giữa hai quốc gia mạnh yếu. rộng hẹp khác nhau, nhưng đều có lịch sử dựng nước từ một đến nhiều thiên niên kỷ trước và có quan hệ không mấy êm đẹp.  Trước tình thế bất lợi của nhà Trần, vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XIV, Trần Nguyên Đán khuyên vua nhường để mong được yên15.  Trong mối quan hệ khu vực, láng giềng như trên, các nhà nước Lý - Trần không chỉ biết mình mà còn biết khá rõ về người, do đó tỏ ra sáng suốt, linh hoạt trong đối ngoại.  Lịch sử đã chứng minh trong suốt bốn thế kỷ, nhà nước Lý - Trần đã động viên nhân dân cầm vũ khí chiến đấu anh dũng đánh thắng mọi cuộc xâm lăng từ hai phía bắc, nam để đất nước Đại Việt tồn tại vững mạnh trong khu vực. Trên cơ sở sức mạnh kiên cường đó, nhà nước thời Lý - Trần có một chính sách đối ngoại khôn ngoan đối với từng đối tượng: mềm dẻo, nhún nhường có điều kiện và kiên quyết đối với Trung Hoa, vừa linh hoạt vừa cứng rắn với Chiêm Thành. Sự kết hợp giữa sức mạnh của vũ khí với chính sách đối ngoại đó đã bảo đảm thế chủ động của Đại Việt trong cuộc cạnh tranh mất còn theo quy luật “mạnh được yếu thua” giữa các quốc gia đang diễn ra trong khu vực trong thời đại phong kiến.  Bảo vệ được độc lập tự chủ, giữ vững biên cương phía bắc, đẩy lùi Chiêm Thành về phía nam là sức mạnh của Đại Việt thời Lý - Trần, trong đó, hoạt động đối ngoại góp phần không nhỏ. Thời đại đặt ra những vấn đề và được giải quyết theo những quy luật của thời đại đó, hoạt động đối ngoại của nhà nước Lý - Trần là sản phẩm lịch sử chịu sự chi phối và quy định của lịch sử. ____________________________________________ 1. Dẫn theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, tr. 314. 2. Đại Việt sử ký toàn thư. t.I, tr. 293 3, 4. Việt sử thông giám cương mục, t.III. tr. 95-96. 5. Tống sử, tài liệu đã dẫn - việc này sử cũ của ta không chép. 6. Theo Tống sử, tài liệu đã dẫn. Thực ra Nùng Trí Cao đã chết từ năm 1053, có lẽ tầm nã dư đảng của Nùng Trí Cao thì đúng hơn. 7. Theo Việt sử lược, Sđd, tr. 115; Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. t.I: tr. 294; Việt sử thông giám cương mục. t.III, tr. 97, vỉệc này, Tống sử phần “Giao Chi”, chép vào năm 1083. 8. Dẫn theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, sđd, tr. 337. 9. Việt sử thông giám cương mục. t.III. tr. 97. 10. Dẫn theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Sđd, tr. 338. 11. Việt sử thông giám cương mục, theo Danh tiết lục của Trần Kỳ Đằng chép rõ 6 huyện Bảo Lạc và 6 động Túc Tang. Tống sử, tài liệu đã dẫn: chép “6 huyện Bắc Lạc và hai động Túc Tang”. Toàn thư chỉ chép “6 huyện 3 động”. Các tác giả Việt sử thông giám cương mục trong lời cẩn án, nghi ngờ địa danh Bảo Lạc và Túc Tang vì Tống chưa hề chiếm đất này và cho rằng có thể 6 huyện ở động này là đất Quang Lang, Tư Lang mà nhà Tống đã nhập vào Quảng Nguyên, đổi thành Thuận Châu. Ban đầu (năm 1079) nhà Tống trả phần Quảng Nguyên (một phần của Thuận Châu) đến đây, định biên giới thì trả lại hết, Sđd, t.III. tr. 97, 98. 12. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr.129. Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời, đất Vật Ác do Tông Đản và con nộp cho Tống vào năm 1062, Tống đổi thành Thuận An. Vật Dương là đất Nùng Trí Hội đem nộp, Tống đổi là Quy Hóa, có thể là khoảng châu Quy Thuận (Quảng Tây) giáp tây bắc Cao Bằng ngày nay, tr.190. 13. Đại Việt sử ký toàn thư, t.II: tr.129. 14. Đại Việt sử ký toàn thư, t.II: tr.37. 15. Đại Việt sử ký toàn thư, t.II: tr.181. KẾT LUẬN Lịch sử trung đại nước ta từng trải qua một thời cực kỳ oanh liệt với những thành tựu lớn lao trong lao động dựng nước và chiến đấu giữ nước. Đó là thời kỳ Lý - Trần trải qua bốn thế kỷ, từ thế kỷ XI đến hết thế kỷ XIV.  Dựng nước và giữ nước, hai nhiệm vụ khác nhau nhưng có liên quan chặt chẽ, là tiền đề, đồng thời là điều kiện của nhau. Dựng nước để giữ nước và ngược lại. Thời Lý - Trần với nền văn hóa Thăng Long rực rỡ, với những chiến thắng vang dội chống mọi thế lực xâm lược lớn nhỏ, bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc, mở ra kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng là bằng chứng hùng hồn về sức sống của dân tộc ta.  Từ một cái nhìn bao quát, đặt vấn đề chiến đấu giữ nước trong quá trình vận động và phát triển lịch sử từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, ta có thể thấy “chìa khóa” của vấn đề giữ nước cũng là kế sách giữ nước thời Lý- Trần.  Xây dựng được một nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh gắn bó với nhân dân, một tổ chức quân đội tinh nhuệ, thiện chiến, nòng cốt của lực lượng vũ trang rộng khắp, một khối đoàn kết toàn dân, với quyết tâm tất cả vì độc lập, tự chủ và giàu mạnh của đất nước, một đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt, trên tinh thần hòa hiếu, là những bộ phận hợp thành cơ bản nhất trong kế sách giữ nước của thời kỳ này.  Nhà nước trung ương tập quyển thời Lý - Trần, trong giới hạn của thời đại, không thể nào khác ngoài nhà nước quân chủ phong kiến phương Đông, theo mô hình Đường, Tống, được định hướng từ thế kỷ X - sản phẩm của quan hệ giao lưu văn hóa trong khu vực, đặc biệt là ảnh hưởng của văn hóa văn minh Trung Hoa.  Kế tục sự nghiệp của các nhà nước thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, nhà nước Lý - Trần phát triển một mức cao hơn nhiều trong củng cố bộ máy quản lý đất nước từ trung ương (triều đình) cho đến cơ sở (hương - giáp - xã). Việc đặt cấp xã quan vào năm 1242, thời Trần Thánh Tông là một cột mốc quan trọng. Việc xây dựng hệ thống chính quyền quân chủ tập trung thực chất là sự tiến công, thu hẹp nhưng không bãi bỏ quyền tự quản của địa phương, nhất là làng xã và ở vùng các dân tộc thiểu số. Điều đó cũng có nghĩa là, với một bộ máy hành chính tập quyền mạnh, nhà nước quân chủ Lý - Trần đã trực tiếp quản lý có hiệu lực lãnh thổ và cư dân đến tận cơ sở. Riêng ở miền rừng núi biên viễn, địa bàn cư trú của các tộc ít người thì quản lý bằng cách giao cho thổ tù, châu mục người bản địa coi giữ, có sự ràng buộc, giám sát của nhà nước.  Với một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền mạnh, có thể dẫn đến hai hệ quả trái ngược. Một là tạo nên một chế độ chuyên chế hà khắc, lấy lợi ích của vương triều làm mục đích, coi dân như cỏ rác, nhà nước trở thành cừu thù của dân, là tai họa cho đất nước, cho dân tộc trước nạn xâm lăng của giặc ngoài. Nhà nước quân chủ Nguyễn thế kỷ XIX là một thí dụ điển hình. Hai là gắn bó với dân, xứng đáng tiêu biểu cho nguyện vọng và ý chí của dân, do đó nhà nước đủ uy tín tập hợp sức mạnh các tầng lớp nhân dân, xây dựng sự phồn vinh của đất nước, cuộc sống yên ổn lạc nghiệp của nhân dân, tạo thành sức mạnh vô địch của dân tộc. Đây là trường hợp của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền Lý - Trần. Điều này được biểu hiện không chỉ ở ý thức dân tộc mạnh mẽ, ở tính cách nhân từ, khoan dung của các vua, đặc biệt ở buổi đầu vương triều như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông mà còn ở toàn bộ chính sách của nhà nước bao quát các lĩnh vực mở mang kinh tế, phát triển văn hóa, ổn định xã hội. Những chính sách trên, nói chung, nhằm vun trồng, nuôi dưỡng, khoan thư sức dân, tạo nên một xã hội văn minh, ổn định và phát triển hài hòa. Đặc biệt trong công cuộc chống giặc giữ nước, hoàng đế, vương hầu, quý tộc - bộ phận đầu não của bộ máy nhà nước - tỏ ra là những người kiên quyết nhất, gương mẫu nhất; tên tuổi vâ công tích của họ được lịch sử mãi mãi ghi nhớ. Chính vì vậy, trước nạn ngoại xâm, nhà nước Lý - Trần có khả năng và đã thực sự huy động được tiềm lực của toàn dân, tập hợp được cả nước chống giặc, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thồ của đất nước.  Nói rõ hơn, đó là một nhà nước trung ương tập quyền mạnh mà không chuyên quyền cực đoan, thân dân, biết đặt lợi ích của vương triều trong lợi ích của dân tộc, gắn vận mệnh của vương triều với vận mệnh của Tổ quốc. Với đặc điểm ưu việt đó, nhà nước thời Lý - Trầncó uy tín và sức mạnh tập hợp trí tuệ, huy động nhân lực, tài lực, vật lực của mọi tầng lớp xã hội từ quý tộc đến nô tỳ, đề ra đúng đắn chiến lược, chiến thuật chiến tranh giữ nước, vượt qua mọi khó khăn, gian nguy giành thắng lợi cuối cùng.  Tuy nhiên, nói đến chiến tranh, đặc biệt ở thời trung đại dù dưới bất cứ loại hình nào, cũng chủ yếu là sự đọ sức trực tiếp của lực lượng vũ trang trên chiến trường. Trong cuộc đọ sức này số lượng, chất lượng, quyết tâm chiến đấu của quân đội, tài thao lược của đội ngũ tướng lĩnh, là những yếu tố mang tính quyết định.  Thời Lý - Trần, sau bước dò dẫm, thử thách ban đầu vào thế kỷ X, việc phục hưng và xây dựng đất nước giàu mạnh, có thể nói được đặt ra như một mệnh lệnh của lịch sử. Thế nhưng, trong bối cảnh chính trị ở khu vực còn nhiều biến động, đặc biệt trong quan hệ với các lân bang, tham vọng xâm lược, tái nô dịch của Tống, Nguyên; lấn chiếm, quấy phá, cướp bóc của Chiêm Thành đã thực sự là nguy cơ thường trực. Vì vậy, để bảo vệ nền độc lập tự chủ, bảo đảm hòa bình cho sự nghiệp xây dựng đất nước, việc xây dựng một lực lượng vũ trang quốc phòng mạnh, sẵn sàng đập mọi kẻ thù xâm lược lớn nhỏ luôn luôn được đặt ra cấp bách, đồng thời với công cuộc phục hưng đất nước.  Từ thành tựu trong xây dựng lực lượng vũ trang thời Ngô - Đinh - tiền Lê, nhà nước quân chủ Lý - Trần đã có ý thức phát triển một lực lượng quân sự mạnh mẽ gồm nhiều thứ quân: quân chính quy của triều đình gồm Cấm quân và Sương quân; quân địa phương ở các lộ, phủ, châu; quân vương hầu và hương binh với lực lượng dân quân ở hương, giáp, xã. Nếu như trong quân chính quy, Cấm quân bảo vệ kinh đô và triều đình, Sương quân cùng quân các lộ chia nhau canh giữ nơi hiểm yếu và các trung tâm lộ phủ, thì gia binh của vương hầu gắn liền với chính sách ban cấp thái ấp, được phân bố ở những vùng trọng điểm của đất nước. Trong khi đó dân binh, hương binh từ nguồn tráng đinh lại có mặt ở khắp mọi miền theo đơn vị hành chính cấp cơ sở.  Từ một nhìn nhận bề ngoài, điểm các loại binh ta thấy hiện ra một lực lượng vũ trang khá đông đảo. Có thể nói mỗi tráng đinh là một người lính, mỗi thôn xã là một pháo đài có thể độc lập tác chiến. Mặt khác, ta cũng dễ dàng nhận thấy đây là nguồn nhân lực chủ chốt trong lao động sản xuất dựng nước. Để giải quyết mâu thuẫn về nhân lực đặt ra trong hai nhiệm vụ chiến đấu giữ nước và lao động dựng nước, nhà nước đã thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”. Trong lực lượng chính quy, trừ Cấm binh, còn lại đều thay phiên nhau về làm ruộng. Riêng gia binh và hương binh có nhiệm vụ phục dịch, sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, được luyện tập chiến đấu bảo vệ hương, giáp, xã, trang ấp. Đây là nguồn hậu bị lớn lao, được huy động sung vào các đội quân của vương hầu hoặc giao cho các tướng lĩnh điều khiển khi có chiến tranh. Với chính sách “ngụ binh ư nông” nhà nước Lý - Trần luôn luôn sẵn sàng có một số lượng các loại quân hậu bị đông đảo, mà không ảnh hưởng đến sản xuất, đồng thời giảm đến mức tối đa gánh nặng nuôi quân. Cũng từ đó, nhà nước tạo nên được tình trạng ổn định trong việc phân bố lao động lúc thời bình và kịp thời động viên thời chiến.  Quân đội thời Lý - Trần được rèn luyện và trang bị chu đáo. Ở Thăng Long có điện Giảng võ hay Giảng Võ đường, được quan niệm như một trung tâm huấn luyện, đào tạo tri thức quân sự, kỹ năng kỹ thuật chiến đấu cho người cầm quân. Còn tại các địa phương, các binh chủng, quân lính đến phiên tại ngũ được thường xuyên luyện tập. Chính vì thế, quân đội thời Lý - Trần càng nổi tiếng hùng mạnh và lập được nhiều chiến công lừng lẫy.  Trong các binh chủng đủ loại, triệt đề lợi dụng ưu thế địa hình nhiều sông ngòi và truyền thống sông nước của nhân dân, thủy binh được đặc biệt coi trọng. Cũng như việc chế tạo vũ khí chiến cụ, chiến thuyền hầu như đã trở thành một công nghệ được chú ý đầu tư xây dựng. Trong chiến đấu đẩy lùi giặc Bắc, dẹp yên mặt nam, thủy binh đã tỏ ra có ưu thế và hiệu quả nổi bật. Cùng với thủy binh, hương binh giữ một vị trí trọng yếu trong lực lượng vũ trang thời Trần, với ý nghĩa chiến đấu tại chỗ bảo vệ xóm làng và bổ sung kịp thời cho chính binh theo yêu cầu khẩn cấp của chiến đấu giữ nước. Trên cơ sở đội quân hương binh này mà vua Trần đã phát lệnh cho cả nước nơi nào có giặc thì phải ra sức tiêu diệt giặc, hình thành thế cả nước chống giặc và đã xuất hiện những “làng chiến đấu” với vết tích còn lại đến ngày nay. Cũng vì vậy mà có lực lượng hậu bị to lớn: “Hoan, Diễn, do tồn thập vạn binh”.  Một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền mạnh biết gắn bó và quan tâm đến đời sống của nhân dân, có hiệu lực trong huy động và tổ chức cả nước chống giặc, một lực lượng quân đội hùng mạnh, đông đảo với chính sách “ngụ binh ư nông” là hai yếu tố cực kỳ trọng yếu trong kế sách giữ nước thời Lý - Trần. Cực kỳ quan trọng bởi vì thiếu một trong hai yếu tố đó thì sẽ không tiến hành được công cuộc chống giặc, giữ nước. Tuy những điều này rất quan trọng, nhưng chưa đủ để bảo đảm chống giặc thắng lợi. Những yếu tố đó chỉ phát huy được hiệu lực trên cơ sở khối đoàn kết toàn dân, tạo được thế vua tôi đồng lòng, cả nước góp sức, “chúng chí thành thành”.  Vẫn hay rằng trước quốc nạn, những mâu thuẫn trong nội bộ thường được gác lại nhằm tập trung sức chống giặc giữ nước. Nhưng lịch sử đã diễn ra không hẳn thời nào cũng như vậy. Trường hợp vương triều Hồ chống giặc Minh vào đầu thế kỷ XV bị thất bại là một ví dụ. Để có được khối đoàn kết toàn dân vững chắc không thể là kết quả của năm, của tháng; càng không thể đợi đến khi có giặc mới xây dựng. Ở đây có vai trò của nhà nước, mặc dù đoàn kết, yêu thương, đùm bọc vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Một nhà nước quan liêu chuyên chế, đối lập với lợi ích của nhân dân tuyệt nhiên không thể tập hợp được dân chúng. Cụ thể hơn, nhà nước trung ương tập quyền một khi trở thành quan liêu chuyên chế, lấy lợi ích của vương triều làm mục đích cai trị, thì nhà nước đó không có khả năng đề ra và ban hành những chính sách có hiệu quả để thu phục lòng người, gắn bó các tầng lớp xã hội khác nhau về vị trí, lợi ích và nguyện vọng thành một khối như nhà nước quân chủ Nguyễn sau này. Thời Lý -Trần, do tính chất tiến bộ trong thời kỳ đi lên của nó, nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đã tạo nên được một xã hội phát triển với các mối quan hệ gần gũi, chan hòa từ trong cung đình cho đến hương, giáp, xã. Sự cách biệt giữa vua - tôi, giữa các đẳng cấp xã hội từng xuất hiện nhưng chưa sâu sắc, đặc biệt từ giữa thế kỷ XIV về trước. Nho giáo được nhà nước tiếp thụ có chọn lọc và chưa chiếm vị trí độc tôn. Những người đứng đầu nhà nước chủ trương sử dụng Nho giáo như một học thuyết trị nước, đào tạo quan lại, nhưng lại là đệ tử của Phật. Họ còn lập ra thiền phái riêng của nước Đại Việt. Đó là phái Thảo Đường (nhà cỏ) thời Lý, phái Trúc Lâm (rừng tre) thời Trần đề cao phương châm nhập thế, thuyết tại tâm. Chính vì vậy, Phật giáo đạt đến cực thịnh ở thời Lý, còn khá mạnh mẽ ở thời Trần và được quan niệm như quốc giáo. Qua hiện tượng này ta biết được hệ tư tưởng bao trùm trong xã hội thời Lý - Trần là từ bi, bác ái của nhà Phật. Phật giáo ở thời kỳ này kết hợp hài hòa với những tín ngưỡng dân gian bản địa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước đã thực sự là chất men kích thích và kết dính mọi thành viên xã hội trong cuộc sống đời thường cũng như trong chiến đấu giữ nước. Phật giáo có ảnh hưởng rộng rãi trong nhân dân. ảnh hưởng của nho giáo có hạn. Đây là đặc trưng của thời Lý - Trần , khác với thời Lê Sơ - thế kỷ XV về sau. Đặc trưng này đã chi phối đường lối, chính sách quản lý của nhà nước phong kiến quân chủ trung ương tập quyền Lý - Trần, hướng về nhân ái, khoan dung, phù hợp với tâm tư tình cảm và lợi ích của các tầng lớp xã hội. Thời Lý - Trần, sự phân hóa xã hội đã rõ nét được vận hành theo nguyên lý đó và trên đại thể đã tạo nên được mối liên kết chặt chẽ trong thời bình cũng như thời chiến. Đó là khối đồng tâm nhất trí toàn dân, bao gồm từ hoàng đế, vương hầu quý tộc đến tầng lớp tận cùng xã hội là nô tỳ. Trên cơ sở này việc tổ chức, điều hành công cuộc chống xâm lược của nhà nước, sức mạnh của lực lượng vũ trang phát huy hiệu lực to lớn và giành được nhiều chiến công oanh liệt.  Một nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh gắn bó với dân, một tổ chức quân đội tinh nhuệ thiện chiến, một khối đoàn kết toàn dân trên dưới một lòng là ba nhân tố cơ bản nhất của kế sách giữ nước thời Lý - Trần. Từ đó các mặt xây dựng kinh tế, làm cho dân giàu nước mạnh, đường lối ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo trên cơ sở bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc được nhà nước Đại Việt coi trọng và phát huy tác dụng.  Trong mối quan hệ quốc tế, trước hết là đối với các lân bang, nhà nước Lý - Trần không chỉ tỏ ra biết mình mà còn biết người, hiểu thời và biết thế, do đó, đã thực hành đường lối đối ngoại sáng suốt, linh hoạt. Trải qua bốn thế kỷ, nước Đại Việt đã tồn tại vững mạnh, có uy tín. Trên cơ sớ sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự, nhà nước Lý - Trần có một chính sách đối ngoại đúng đắn đối với từng đối tượng: kiên quyết, mềm dẻo, nhún nhường có điều kiện với nước lớn; khoan hòa linh hoạt nhưng nghiêm khắc với nước nhỏ ... Sự kết hợp giữa các sức mạnh nội tại với đường lối ngoại giao khôn khéo đã đem lại hiệu quả to lớn: bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, giữ vững hòa bình để xây dựng đất nước.  Một lần đánh thắng Tống, ba lần đánh thắng Nguyên - Mông, bảo vệ biên cương phía Bắc. Nhiều lần đánh thắng Chiếm Thành, đẩy lùi hiểm họa phía Nam, tạo cho đất nước một thế đứng vững chãi chứng minh hùng hồn cho kế sách giữ nước đúng đắn sáng tạo của tổ tiên ta.  Trên sáu thế kỷ đã trôi qua, kế sách giữ nước thời Lý - Trần vẫn tỏa ánh sáng đến thời đại chúng ta, còn như rất mới mẻ. Những chiến công hiển hách của toàn quân, toàn dân ta gắn liền với tên tuổi các vị tướng lĩnh kiệt xuất tiêu biểu như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo trong chiến đấu giữ nước mãi mãi còn tươi thắm như hoa thơm trái ngọt với hương sắc vĩnh hằng. Tuy nhiên quá khứ không thay thế cho hiện thực, mà chỉ để lại những di sản quý báu và bài học phong phú để các thế hệ tiếp theo kế thừa, vững tin trong quá trình tác động và cải tạo hiện thực nhằm xây dựng và bảo vệ đất nước phát triển phồn vinh  PHỤ LỤC THÁI ÚY, VIỆT QUỐC CÔNG LÝ THƯỜNG KIỆT (1019-1103) Thời trẻ ông có tên là Ngô Tuấn, ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, Gia Lâm, Hà Nội) con của Sùng tiết tướng Ngô An Ngữ, sau theo gia đình sang sinh sống tại phường Thái Hòa (Hà Nội).  Bình sinh Ngô Tuấn rất khôi ngô, tuấn tú, thông minh, linh lợi; là người có chí, thích nghề võ, ban ngày thường luyện tập cung kiếm, bày trận đồ, ban đêm chong đèn đọc binh thư. Ông chóng thành tài và liên tiếp được thăng chức: 20 tuổi, đã được vua yêu, đưa vào giúp việc trong cung, 22 tuổi giữ chức Hoàng môn chi hậu trong quân Túc vệ, luôn ở cạnh bên vua.  Khi Lý Thái Tông lên ngôi, Ngô Tuấn được đưa ra giúp việc triều chính. Ông được phong thái bảo, cầm “tiết việt” đi thanh tra quan lại ở vùng Thanh - Nghệ. Năm 1069, khi Lý Thái Tông thân đi đánh Chiêm Thành để ổn định biên giới phía nam, ông được cử làm tướng tiên phong, lập nên công lớn, được vua phong Thái úy, tước khai quốc công và ban tứ tính (họ vua). Từ đó, ông mang tên Lý Thường Kiệt.  Năm 1075, nhà Tống chuẩn bị xâm lược Đại Việt. Lúc triều đình Lý hội đàm về kế sách đánh giác, ông đề ra chủ trương: ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước đề chặn mũi nhọn của chúng. Đó là cơ sở chiến lược tiên phát chế nhân mà ông là người đầu tiên đề xuất.  Là người nhìn xa trông rộng, ông chủ trương xây dựng khối đoàn kết trong triều, củng cố thế nước, chủ động đề nghị Linh Nhâm thái hậu cho gọi Lý Đạo Thành về giữ chức Thái phó để cùng bàn việc giữ nước.  Trong khi hành quân, ông nghiêm quân lệnh, chỉ thị cho quân sĩ không được tơ hào của dân và ban hành Lộ bố văn, nói rõ mục đích chiến đấu.  Biết chắc quân Tống sẽ tiến công, ông chủ trương xây dựng phòng tuyến lớn ở sông Như Nguyệt. Năm 1077, 30 vạn quân Tống do tướng Quách Quỳ chỉ huy tràn sang, ông trực tiếp lãnh đạo quân dân cả nước kháng chiến. Lúc quân Tống bị chặn ở Như Nguyệt, thủy quân Tống bị đánh tan ở Đông Kênh (Quảng Ninh). Nhiều trận quyết chiến diễn ra ác liệt, khiến quân Tống không còn tiến công được, đành phải “án binh” chờ viện.  Khi thời cơ đến, ông tổ chức phản công chiến lược, thực hành trận quyết chiến đánh thẳng vào trại quân của tướng giặc, khiến quân Tống bị bất ngờ, không kịp trở tay, không chống đỡ nổi. Lúc giặc đã “10 phần chết 8”, ông cho biện sĩ sang hòa nghị, mở đường thoát cho chúng. Quách Quỳ chấp thuận rút quân về.  Trong chiến công lớn của quân dân Đại Việt có phần đóng góp lớn lao của Thái úy Lý Thường Kiệt, vị tổng chỉ huy toàn quân lúc đó.  Sau chiến thắng ngoại xâm, Lý Thường Kiệt lo việc nội trị và ngoại giao. Ông có nhiều công lao xây dựng triều chính, phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân. Vua Lý Thánh Tông nhận ông làm em nuôi và cử ông đi coi châu Ái, một địa bàn chiến lược phía nam đất nước. Văn bia chùa Linh Xứng ghi lại công đức của ông như sau: “làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ quần chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng... Thái úy biết dân lấy no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên, không để lỡ thời vụ... Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự tốt đẹp đều ở đấy cả”.  Mặc dầu khi tuổi đã cao ông vẫn lo lắng việc nước. Năm ông đã 83 - 84 tuổi mà vẫn chỉ huy hai cuộc hành quân lớn, dẹp quân phiến loạn Lý Giác ở Diễn Châu và đánh tan quân Chiêm Thành quấy phá ở Bố Chính. Ông có công trong việc sửa định binh chế, đổi mới bộ máy quân đội, tổ chức các đơn vị từ Cấm quân đến dân binh.  Với những công lao đó, cả triều đình nhà Lý đều quý trọng ông. Ngay khi ông còn sống, vua Lý Nhân Tông đã cho làm bài ca để tán dương công trạng. Ông được lịch sử gọi là anh hùng kiệt xuất, một con người hiến dâng cả tâm hồn, sức lực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước.  Ông là một nhà tư tưởng, nhà chính trị, quân sự tài giỏi. Binh pháp của ông đánh đâu thắng đấy.  Khi ông mất, cả nước thương tiếc, nhân dân tưởng nhớ lập đền thờ ở làng An Xá. Công lao và sự nghiệp của ông sống mãi với non sông đất nước.  ĐỀN THỜ LÝ THƯÒNG KIỆT Ở HÀ TRUNG, THANH HÓA  ________________________________________ Den_tho_LyThuongKiet_o_ThanhHoa.jpg  QUỐC CÔNG TIẾT CHẾ, HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN  (1228 - 1300) Trần Quốc Tuấn quê ở phủ Thiên Trường (Nam Hà), sinh năm 1228, khi họ Trần vừa thay thế họ Lý làm vua trong một đất nước đầy biến động. Lúc đó vua Trần Cảnh (Trần Thái Tông) mới 11 tuổi là chồng Lý Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh do xếp đặt của Trần Thủ Độ nên không tránh khỏi sự dị nghị của hàng ngũ tông thất nhà Lý. Bấy giờ câ triều đình mới đều mong mỏi Trần Thái Tông sớm có hoàng tử để thế ngôi. Công chúa Thuận Thiên, vợ Trần Liễu, anh vua, đang có mang. Trần Thủ Độ bắt ép Liễu nhường vợ cho Cảnh để vua sớm có người kế vị. Trần Liễu túc giận dấy binh nổi loạn. Thủ Độ dẹp tan, nhưng tha chết cho Liễu. Tuy vậy, Trần Liễu mang nặng hận thù, kén thầy giỏi dạy cho con trai thành bậc văn võ toàn tài và ký thác vào con mình mối thù riêng sâu nặng ấy. Trước khi mất Liễu cầm tay con nói: “Con mà không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Người con ấy của Trần Liễu chính là Trần Quốc Tuấn.  Từ nhỏ, Quốc Tuấn đã có tướng mạo oai hùng, tỏ ra thông minh hơn người, ai cũng khen Quốc Tuấn kỳ tài, ngày sau có thể kinh bang tế thế. Lớn lên, Quốc Tuấn càng thông minh xuất chúng, đọc rộng biết nhiều, tài kiêm văn võ. Trần Liễu thấy vậy càng mừng vì cho là con mình sẽ thực hiện được ước vọng riêng tư.  Cuộc đời Trần Quốc Tuấn trải qua một lần gia biến, ba lần quốc nạn, nhưng ông luôn luôn tỏ ra là một bậc hiền lương, anh hùng, Thù nhà ông không đặt lên trên quyền lợi của dân nước, xã tắc. Ông dẹp thù riêng để vun trồng cho mối đoàn kết trong tông tộc, trong triều đình, khiến cho nó trở thành cuội nguồn của mọi chiến thắng. Quốc Tuấn để lời cha dặn trong lòng, nhưng không cho là phải. Khi đã có quyền cao chức trọng, ông đem lời cha dặn thử hỏi gia nô là Yết Kiêu và Dã Tượng. Cả hai người đều can ông: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời, nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay đại vương há chăng đã phú quý rồi sao? Chúng tôi xin thề chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu...” . Quốc Tuấn nghe vậy cảm phục đến khóc khen ngợi hai người. Ông lại đem chuyện riêng vờ hỏi con mình. Hưng Vũ Vương trả lời ngay: “Dẫu khác họ cũng còn không nên, huống chi là một họ”. Quốc Tuấn nhìn con mà vui trong lòng. Còn Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng lại nói: “Tống Thái Tổ vốn là một người làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ”; tức là có ý khích việc cướp ngôi. Quốc Tuấn giận lắm, tuốt gươm kể tội Quốc Tảng nói rằng: “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra” và toan chém Quốc Tảng, may nhờ có Hưng Vũ Vương xin cho. Quốc Tuấn dặn Vũ Vương: “Khi ta chết, hãy đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”.  Trần Quốc Tuần và Trần Quang Khải là hai đại thần trong triều, nhưng hai người lại là đại diện hai chi họ Trần vốn có hiềm khích. Một người là con Trần Cảnh, một người là con Trần Liễu, là hai anh em dối đầu của thế hệ trước. Khi quân Nguyên sắp sang xâm lược, trước cảnh xã tắc lâm nguy, Trần Quốc Tuấn vì lợi ích chung mà xóa thù nhà, chủ động hòa giải với Trần Quang Khải. Sử chép, tại bến Đông, Quốc Tuấn mời Thái sư sang thuyền mình chơi cờ, trò chuyện và sai nấu nước thơm, rồi tự mình tắm cho Quang Khải, làm cho Quang Khải càng cảm kích. Sự hòa hợp đó chính là sự thống nhất ý chí của toàn bộ vương triều, củng cố thêm sức mạnh đánh giặc. Trong chiến tranh, ông luôn luôn hộ giá bên vua. Tuy ông chỉ cầm chiến gậy bịt sắt thế mà vẫn có người dị nghị, gờm mắt vì sợ ông giết vua. Biết ý ông liền vứt bỏ đầu sắt nhọn, chỉ chống gậy trơn khi ở gần vua. Sự nghị kỵ cũng chấm dứt.  Giỏi tâm lý, yên lòng quân để giữ lòng dân, đoàn kết nội bộ vì nghĩa lớn quốc gia, quả Trần Quốc Tuấn đã có tấm lòng trung trinh, son sắt vì vua vì nước. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử thì mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp”. Ông tuy ngôi cao chức trọng mà vẫn giữ tiết nhã nhặn, lòng trung trong sáng, được mọi người tôn quý vì tin yêu.  Trần Quốc Tuấn dùng người hiền lương và thường tiến cử những người tài giúp nước. Môn khách của ông có nhiều người sau trở nên anh hùng, văn chương chính sự đều có tiếng trên đời như Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, v.v… Ông đánh giá cao những người bên mình, cho rằng: “Chim hồng hộc bay cao được nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không thì chỉ là chim thường thôi”. Trần Quốc Tuấn rất thương yêu binh lính, họ cũng rất trung thành với ông, đội quân cha con ấy đã trở thành một đội quân bách thắng.  Trần Quốc Tuấn là bậc tướng cột đá chống trời, rường cột của quốc gia. Ông là nhà quân sự đại tài, được vua giao quyền tiết chế, thống đốc tất cả vương hầu, tông thất, điều động binh nhung, khí giời... Ông có công lao đệ nhất trong ba lần đại phá Nguyên - Mông. Là vị thống soái luôn luôn chủ động linh hoạt, biết mình biết người, biết rút lui, phòng ngự và tiến công đúng lúc. Khi đại quân rút, ông vẫn giữ vững được lòng dân, lòng quân. Cái tài giỏi của ông là biết chuyển từ thế hiểm nghèo thành điều kiện thuận lợi, tạo nên thời cơ lớn; khi chuyền sang phản công - tiến công, ông biết chọn đúng hướng, đánh những trận quyết định khiến kẻ thù không kịp trở tay, trong chốc lát đã bị đánh bại. Ông “xem xét quyền biến, tùy thời mà làm” Tài năng quân sự của ông dựa trên cơ sở sức mạnh quyết chiến của quân và dân, với mềm tin sắt đá và năng lực chỉ huy của các tướng. Câu nói bất hủ “năm nay đánh giặc nhàn”, khi hàng chục vạn quân Nguyên sắp sang xâm lược (1288) càng chứng tỏ tầm nhìn biết rõ địch, ta, tinh thần làm chủ chiến trận của ông. Tư tưởng quân sự tiên tiến của Trần Quốc Tuấn nảy sinh và phát huy trong thực tiễn chiến tranh giữ nước của dân tộc. Từ lời hịch kêu gọi tướng sĩ đầy khí phách hiên ngang đến bản di chúc lịch sử đều khẳng định cái cốt cách của tư tưởng quân sự Trần Quốc Tuấn là “dĩ đoản chế trường”, “chúng chí thành thành” cả nước chung sức quyết tâm chiến đấu, vua tôi đồng tâm, quân với tướng như cha con một nhà...  Trần Quốc Tuấn là nhà lý luận quân sự nổi tiếng. Ông đã soạn hai bộ binh thư: Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư là sách gia truyền, để dạy các tướng lĩnh cách cầm quân đánh giặc. Trần Khánh Dư, một tướng giỏi cùng thời đã hết lời khen: đó là sách “năm hành cảm ứng với nhau, chín cung cân nhắc với nhau, cương và nhu phối hợp với nhau, chẵn và lẻ quanh vòng với nhau, không lẫn âm với dương, thần với sát ...”.  Trần Quốc Tuấn là bậc tướng giỏi gồm đủ tài đức trọn vẹn. Là tướng Nhân, ông hết lòng thương yêu quân dân, chỉ cho mọi người con đường sống. Là tướng Nghĩa, ông luôn coi việc phải hơn điều lợi. Là tướng Trí, ông biết lẽ đời sẽ dẫn đến đâu. Là tướng Dũng, ông sẵn sàng xông pha vào chiến trận dẫu lúc nguy nan nhất để đánh giặc, lập công; cho nên trận Bạch Đằng oanh liệt nghìn đời là đại công của ông vậy. Là tướng Tín, ông bày tỏ trước cho quân lính biết theo ông sẽ được gì, trái lời ông sẽ bị gì. Bởi vậy, ba lần kháng chiến chống Nguyên - Mông, ông đã lập công lớn, được vua tin dùng, gia phong Thượng Quốc công, cho quyền muốn phong tước cho ai cũng được.  Khi Trần Quốc Tuấn lâm bệnh nặng, vua Trần Anh Tông đến thăm, hỏi về kế đánh phòng; ông khuyên vua: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Đó là lời trăng trối cuối cùng, lời căn dặn thấm thía và sâu sắc của ông đối với các thế hệ con cháu, cho mọi thời đại dựng nước và giữ nước.  Mùa thu, năm Canh Tý (20-8 âm lịch 1300), Thượng Quốc Công, Bình Bắc Đại nguyên soái, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn qua đời. Theo lời dặn, thi hài ông được hỏa táng, thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh ở miền Đông Bắc.  Sau khi ông mất, vua phong tước Hưng Đạo đại vương. Triều đình và nhân dân lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp, Bảo Lộc và nhiều nơi khác. Công lao và sự nghiệp của ông ít ai so sánh được. Vua coi ông là bậc thượng phụ (ông nội), trăm họ kính trọng gọi ông là Hưng Đạo Đại Vương, hoặc là Đức Thánh Trần.  LĐS ĐỀN KIẾP BẠC THỜ TRẦN HƯNG ĐẠO Ở HẢI HƯNG ________________________________________ Den_KiepBac_tho_TranHungDao.jpg  HỊCH TƯỚNG SĨ Trần Quốc Tuấn “Ta từng nghe, Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu giơ lưng chịu giáo che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ1; Thân Khoái chặt tay cứu nạn cho nước2; Kính Đức, một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung3; Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc4. Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình, thì cũng chết uổng nơi xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, để cùng bất hủ với đất trời?  Các người vốn nòi võ tướng không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện ấy, nửa tin nửa ngờ. Thôi việc đời trước, hãy tạm không bàn. Nay ta lấy chuyện Tống, Thát5 mà nói: Vương Công Kiên6 là người thế nào; tỳ tướng của ông là Nguyễn Văn Lập (có thuyết cho là Sơn Lập) lại là người thế nào mà lấy thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu chống lại quân Mông Kha đông hàng trăm vạn, khiến cho sinh linh bên Tống đến nay còn đội ơn sâu. Cốt Đãi Ngột Lang7 là người thế nào, tỳ tướng của ông là Cân Ty Tư8 lại là người thế nào, mà xông pha lam chướng trên đường muôn dặm, phá quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay vẫn còn lưu tiếng tốt9.  Huống chi ta cùng các người, sinh ra phải thời rối ren, lớn lên gặp buổi khó nhọc, ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình, ỷ cái thân dê chó mà bắt nạt tể phụ. Thác lệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để thỏa lòng tham khôn cùng, giả hiệu Vân Nam vương10 mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào ném thịt cho hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau:  Ta từng tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa, ruột đau như cắt, chỉ giận không được ăn thịt, nằm da, nuốt gan, uống máu quân thù, dẫu trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.  Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, người không có áo, ta cho áo mặc, kẻ không có ăn, ta cấp cơm ăn. Quan thấp thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa; lúc trận mạc thì cùng nhau sống chết, khi ở nhà thi cùng nhau vui cười, nếu so với Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi kẻ hụ tá, cũng chẳng kém gì.  Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường thết yên sứ ngụy mà không biết căm, hoặc lấy chọi gà làm vui, hoặc lấy đánh bạc làm thú, hoặc chăm chút vườn ruộng để nuôi gia đình, hoặc quyến luyến vợ con chỉ vì ích kỷ, hoặc lo làm giàu mà quên việc quân việc nước, hoặc ham săn bắn mà bỏ việc đánh việc phòng, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh, vườn ruộng giàu không thể chuộc được tấm thân ngàn vàng, vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu nhiều, khôn mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe, khôn đuổi được quân thù. Chén rượu ngon không đầu độc được quân thù, tiếng hát hay không chọc thủng được tai giặc. Lúc bấy giờ, chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết dường nào; chẳng những thái ấp của ta bị tước, mà bổng lộc các ngươi cũng về tay kẻ khác, chẳng những gia quyến ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng bị người khác bắt đi, chẳng những xã tắc tổ tông của ta bị người khác giày xéo, mà mồ mả cha mẹ các ngươi cũng bị người khác bới đào, chẳng những thân ta kiếp này bị nhục, dẫu trăm đời sau, tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu mãi còn, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là viên bại tướng. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi có muốn thỏa lòng vui thú, phỏng có được không?  Nay ta bảo rõ các ngươi: nên nhớ chuyện “đặt mồi lửa vào dưới đống củi”11 làm nguy cơ, nên lấy điều “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội”12 làm răn sợ. Hãy huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông13, nhà nhà đều là Hậu Nghệ, để có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, phơi xác Vân Nam Vương ở Cảo Nhai14. Như vậy, chẳng những thái ấp của ta mãi mãi lưu truyền, mà bổng lộc các ngươi cùng đời đời được hưởng, chẳng những gia quyến của ta được yên ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão, chẳng những tông miếu của ta được muôn đời tế lễ, mà ông cha các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm, chẳng những thân ta kiếp này đắc chí, mà các ngươi trăm năm về sau tiếng thơm vẫn còn. Chẳng những danh hiệu ta lưu truyền mãi mãi, mà họ tên các ngươi cùng sử sách lưu thơm. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui thú phỏng có được không? Nay ta chọn binh pháp các nhà, soạn thành một quyển, gọi là Binh thư yếu lược. Các ngươi nên biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là tôi chủ, nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo, thì trọn đời là cừu thù.  Vì sao vậy? Vì giặc Mông Thát là kẻ thù không đội trời chung mà các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, thế là quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc, khiến cho sau khi dẹp giặc, muôn đời để nhơ, thì còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở nữa ? Cho nên, ta viết bài hịch này để các ngươi biết rõ lòng ta”  Trích Đại Việt sử ký toàn thư, t.II,. Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 81 - 84. ________________________________________ 1. Dư Nhượng: là già thần của Trí Bá nước Tấn thời Chiến Quốc. Trí Bá bị Triệu Tương tử giết, Dự Nhượng đã nuốt than cho khác giọng, giả làm hành khất mưu giết Tương Tử để báo thù cho chủ.  2. Thân Khoái: là viên quân giữ ao cá cho Tề Trang Công đời Xuân thu. Khi Trang Công bị Thôi Trữ giết, Thân Khoái cũng chết theo.  3. Kính Đức tức Uất Trì Cung là tướng cửa Đường Thái Tông (lúc ấy còn là Tần Vương Lý Thế Dân). Khi Thái Tông bị Vương Thế Sung vây đánh. Kính Đức xông lên chém tướng giặc, hộ vệ Thái Tông thoát khỏi vòng vây. 4. Nhan Cảo Khanh làm thái thú Thương Sơn, khi An Lộc Sơn nổi loạn đánh đuổi Đường Huyền Tông. Nhan Cảo Khanh dấy quân đánh lại An Lộc Sơn, sau bị bắt, Cảo Khanh luôn miệng chửi An Lộc Sơn, bị Lộc Sơn cắt lưỡi.  5. Thát: lức Thái Đát, chỉ Mông Cổ.  6. Vương Công Kiên tức Vương Kiên, tri châu Hợp Châu (Tứ Xuyên) đã huy động nhân dân anh dũng chiến đấu ở núi Điếu Ngư, cầm cự với đạo quân Mông Cổ do vua Nguyên-Mông Ke chỉ huy trong bốn tháng trời, cho đến khi Mông Ke ốm chết dưới thành Điếu Ngư, quân Mông Cổ phải rút.  7. Tức Uryang khađai (Uriyangqadai) tên tướng Mông Cổ đã đánh chiếm vùng Vân Nam và tiến quân vào nước ta năm 1258. Tên của Uryang khađai ở các thư tịch có nhiều cách phiên âm: Ngột Lương Hợp Đãi, Ngột Lương Hợp Thai, Ngột Lương Cáp Đãi, Ô Đắc Lý Cáp Đạt, Ô Lan Cáp Đạt-  8. Bản Hoàng Việt văn tuyển chép là Xích Tu Tư.  9. Năm 1253, Hốt Tất Liệt và tướng Urvang Khađai vượt sông Kim Sa đánh chiếm thủ đô nước Đại Lý. Chỉ trong vài tuần, nước Đại Lý bị chinh phục, vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí bị bắt và đầu hàng. Nam Chiếu nói đến trong bài hịch là chỉ nước Đại Lý bấy giờ, ở vùng Vân Nam Trung Quốc.  10. Vân Nam Vương: tên là Hốt Kha Xích (Hugodi) con trai của Hốt Tất Liệt. Cuối năm 1267. Hốt Tất Liệt phong Hốt Kha Xích làm Vân Nam vương, đem quân đóng giữ nước Đại Lý ở Vân Nam.  11. Câu trong sách Hán thư: “Ôm mồi lửa đặt dưới đống củi rồi nằm lên trên, lửa chưa kịp cháy vẫn cho là yên”  12. Câu ở Sở Từ: “kẻ sợ canh nóng thường thổi cả rau nguội”.  13. Bàng Mông, Hậu nghệ: là hai nhân vật bắn cung giỏi trong thần thoại Trung Quốc.  14. Vốn là nơi trú ngụ của các vua “man di” khi vào chầu vua Hán ở Trường An. Ở đây chỉ nơi dành cho các sứ bộ nhà Nguyên lưu trú trong kinh thành bấy giờ. DI CHÚC CỦA HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN Canh Tý, (Long Hưng) năm thứ 8 (1300), tháng 6.  Hưng Đạo Đại vương ốm. Vua (Trần Anh Tông) ngự tới nhà thăm hỏi rằng:  - “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”  Vương trả lời:  - “Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế “thanh dã”1, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng được người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ2 mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh3 là vì có thế.  Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dũng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.  Trích Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. TII, tr. 79.  ______________________________________________ 1. Thanh dã: làm vườn không nhà trống, khiến quân xâm lược tới không có một nguồn hậu cần tại chỗ nào.  2. Thành Bình Lỗ: chưa biết là ở đâu? Nhưng có lẽ là nằm trong vùng hương Bình Lỗ hay quận Bình Lỗ đời Lê Đại Hành, tức khu vực nằm giữa sông Cầu và sông Cà Lồ, gần Phú Lỗ, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội. 3. Đèo Mai Lĩnh: tức đèo Đại Dũ, phía nam huyện Đại Dũ, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.  BÀI TỰA CỦA TRẦN KHÁNH DƯ CHO CUỐN “VẠN KIẾP TÔNG BÍ TRUYỀN THƯ” CỦA TRẦN QUỐC TUẤN Hưng Đạo Vương lại chép nhặt binh pháp các nhà làm “đồ Bát quái của cung” gọi là Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Nhân Huệ Vương Khánh Dư làm bài tựa rằng: “Phàm người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bầy trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết. Ngày xưa Cao Dao làm sĩ sư mà người ta không dám trái mệnh, vua Vũ Thành nhà Chu1 làm văn vũ sư, ngấm ngầm sửa đức để lật đổ nhà Thương mà dấy nghiệp vương, thế là người giỏi cầm quân, không cần phải bầy trận vậy, vua Thuấn múa mộc và lông trĩ mà họ Hữu Miêu tự phải đến, và Tôn Vũ nước Ngô đem mĩ nhân trong cung thử lập trận2 mà phía tây phá nước Sở mạnh, phía bắc làm sợ nước Tần, nước Tần nổi tiếng với chư hầu, thế là người khéo bày trận không cần phải đánh vậy. Đến Mã Ngập nước Tấn theo đồ bát trận, chuyển đánh nghìn dặm, phá được Thu Cô - năng mà lấy lại Lương Châu3, thế gọi là người đánh giỏi không bao giờ thua vậy. Cho nên “trận” nghĩa là bày ra, là khéo léo. Ngày xưa Hiên Hoàng đế lập phép tỉnh điền để đặt binh chế, Gia Cát Lượng xếp đá ong để làm đồ bát trận, Vệ Công4 sửa lại làm trận Lục Hoa. Hoàn On đặt trận Xà thế, có đồ bày ra thứ tự, thành pháp rành rành. Nhưng người đương thì ít người hiểu được, muôn đầu nghìn mối, chỉ thấy rối ren, chưa từng biến đổi, như Lý Thuyên5 định phép mà suy, đời sau không ai hiểu nghĩa là gì. Cho nên Quốc Công ta mới so sánh đồ bản và phương pháp của các nhà, chép thành một tập. Tuy chép cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dừng thì nên bỏ bớt chỗ rờm, lược lấy chất thực, rồi lấy năm hành cảm ứng với nhau, chín cung cân nhắc với nhau, cương và nhu phối hợp với nhau, chẵn và lẻ quanh vòng với nhau, không lẫn âm với dương, thần với sát, phương lợi sao tốt, thần hung tướng ác, ba cát năm hung, đều rõ rệt cả, thâm bớt ba đời, thắng cả trăm trận, cho nên dương thì có thể phía bắc làm Hung Nô phải sợ phía tây làm Lâm Ấp phải kinh. Mới lấy sách này dạy bảo con em làm gia truyền, không tiết lộ cho người ngoài biết. Lại có câu dặn lại rằng: “Sau này con cháu và bồi thần của ta có học được bí thuật này, thì nên lấy lòng sáng suốt mà thi hành bày xếp, không nên lấy ngu tối mà dạy truyền, trái thế thì mình phải chịu tai ương mà vạ lây đến cả con cháu. Thế gọi là tiết lộ cơ trời vậy”.  Trích Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. ______________________________________________ 1. Tức là Vũ Vương và Thành Vương nhà Chu. 2. Thời Xuân Thu, Tôn Vũ người nước Tề làm tướng cho Ngô Vương Hạp Lư, lấy 80 người cung nhân của Hạp Lư chia làm hai đội, đặt ra đội trưởng để diễn tập giả cho Hạp Lư xem. 3. Tân Thư, Việt truyện, q.27 chép là Mã Long, chứ không phải là Mã Ngập. 4. Vệ Công tức là Lý Tĩnh đời Đường Thái Tôn, phỏng theo bát trận đồ của Gia Cát Lượng làm ra trận Lục Hoa, trận lớn học trận nhỏ, doanh lớn bọc doanh nhỏ, gọi là Lý Vệ Công binh pháp. 5. Lý Thuyên: Người đời Đường làm sách “Thái bạch âm kinh” nói về mưu chước hành quân. NIÊN BIỂU CÁC ĐỜI VUA THỜI LÝ - TRẦN THỜI LÝ  1. Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn): 1009 - 1028  2. Lý Thái Tông (Lý Phật Mã): 1028 - 1054.  3. Lý Thánh Tông (Lý Nhật Tông): 1054 - 1072.  4. Lý Nhân Tông (LÝ Càn Đức): 1072 - 1128 5. Lý Thần Tông (Lý Dương Hoán): 1128 - 1137 6. Lý Anh Tông (Lý Thiên Tộ): 1137 - 1175  7. Lý Cao Tông (Lý Long Trát): 1175 - 1210  8. Lý Huệ Tông (Lý Hảo Sảm): 1210 - 1224  9. Lý Chiêu Hoàng (Lý Chiêu Thánh): 1224 - 1226  THỜI TRẦN  1. Trần Thái Tông (Trần Cảnh): 1226 - 1258 2. Trần Thánh Tông (Trần Hoảng): 1258 - 1278  3. Trần Nhân Tông (Trần Khẩm): 1278 - 1293  4. Trần Anh Tông (Trần Thuyến): 1293 - 1314  5. Trần Minh Tông (Trần Mạnh): 1314 - 1329  6. Trần Hiến Tông (Trần Vượng): 1329 - 1341  7. Trần Dụ Tông (Trần Hạo): 1341 - 1369  8. Trần Nghệ Tông (Trần Phủ): 1370 - 1372  9. Trần Duệ Tông (Trần Kính): 1372 - 1377  10. Trần Phế Đế (Trần Nghiễn): 1377 - 1388  11. Trần Thuận Tông (Trần Ngung): 1388- 1398  12. Trần Thiếu Đế (Trần An): 1398 - 1400  Het

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxKế sách giữ nước thời Lý-Trần.docx