Học kì sở hữu trí tuệ - Giải quyết vụ việc Đàm Vĩnh Hùng nhái ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Trên thị trường âm nhạc mấy năm qua xuất hiện một ca sỹ có nghệ danh là Đàm Vĩnh Hùng. Đàm Vĩnh Hùng tự nhận là người ái mộ Đàm Vĩnh Hưng và thể hiện tình cảm này bằng việc hát lại những ca khúc ăn khách của thần tượng, sau đó in sang ra những album đang tràn ngập trên thị trường băng đĩa lậu. Hầu hết các ca khúc mà Đàm Vĩnh Hùng hát trong album là những nhạc phẩm Đàm Vĩnh Hưng từng biểu diễn và mua độc quyền, thậm chí phần hòa âm cũng giống hoàn toàn. Ngoài ra, những tấm poster Đàm Vĩnh Hùng được chụp ảnh và thiết kế rất giống Đàm Vĩnh Hưng đã được phát tán dán đầy đường phố. Bằng kiến thức đã học, anh, chị hãy cho biết ý kiến về vụ việc trên?.

doc12 trang | Chia sẻ: tlsuongmuoi | Lượt xem: 2143 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Học kì sở hữu trí tuệ - Giải quyết vụ việc Đàm Vĩnh Hùng nhái ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ “Trên đời không có gì vĩ đại bằng con người. Trong con người không có gì vĩ đại bằng trí tuệ”( Aham- Minton). Suốt chiều dài lịch sử phát triển của xã hội loài người, trí tuệ luôn là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật số với những ứng dụng to lớn của nó trong mọi mặt của đời sống xã hội ngày càng khẳng định điều đó. Tuy nhiên, tài sản tri thức là tài sản vô hình và cũng mặc định như tài sản hữu hình. Vì vậy, sự hình thành, chuyển dịch và chấm dứt, cũng như bảo hộ các quyền phát sinh từ tài sản vô hình có những điểm khác biệt so với tài sản hữu hình. Do đó, hầu hết các nước trên thế giới đều ban hành những quy định pháp luật riêng biệt để điều chỉnh các quan hệ liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, bảo hộ sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực còn khá mới mẻ. Tuy vậy, pháp luật nước ta cũng đã có các quy định cụ thể về bảo vệ quyền tác giả - bảo vệ quyền của những người sáng tạo, chủ sở hữu của những tác phẩm là sản phẩm của sự sáng tạo bằng trí tuệ của con người. Bên cạnh đó pháp luật còn quy định về bảo hộ quyền liên quan nhằm bảo hộ cho những người đưa tác phẩm đến với công chúng để có thể khuyến khích họ thực hiện tốt công việc truyền tải tác phẩm, làm tăng khả năng tiếp cận của công chúng đối với tác phẩm. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm những quyền này diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực với các hình thức và mức độ thể hiện khác nhau, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc. Để có cái nhìn toàn diện hơn chúng ta cùng đi vào xem xét giải quyết 1 vụ việc cụ thể sau: Trên thị trường âm nhạc mấy năm qua xuất hiện một ca sỹ có nghệ danh là Đàm Vĩnh Hùng. Đàm Vĩnh Hùng tự nhận là người ái mộ Đàm Vĩnh Hưng và thể hiện tình cảm này bằng việc hát lại những ca khúc ăn khách của thần tượng, sau đó in sang ra những album đang tràn ngập trên thị trường băng đĩa lậu. Hầu hết các ca khúc mà Đàm Vĩnh Hùng hát trong album là những nhạc phẩm Đàm Vĩnh Hưng từng biểu diễn và mua độc quyền, thậm chí phần hòa âm cũng giống hoàn toàn. Ngoài ra, những tấm poster Đàm Vĩnh Hùng được chụp ảnh và thiết kế rất giống Đàm Vĩnh Hưng đã được phát tán dán đầy đường phố. Bằng kiến thức đã học, anh, chị hãy cho biết ý kiến về vụ việc trên?. NỘI DUNG Theo tìm hiểu em được biết vụ việc trên xảy ra vào năm 2005 khi mà Luật sở hữu trí tuệ ( SHTT) năm 2005 chưa có hiệu lực. Trước khi Luật SHTT có hiệu lực, việc giải quyết các tranh chấp được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 (vì Bộ Luật Dân sự năm 2005 đến 1/7/2006 mới có hiệu lực) và Nghị định 76 NĐ-CP ngày 29/11/1996 hướng dẫn quy định của Bộ luật dân sự.Tuy nhiên trong bài làm của mình em sẽ đi xem xét, nhận xét về hành vi của các chủ thể có liên quan trong vụ việc trên, trên cơ sở các quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản pháp luật hiện hành. VỀ PHÍA CA SĨ ĐÀM VĨNH HƯNG. Đứng dưới góc độ với các ca khúc mà Đàm Vĩnh Hưng đã đăng kí độc quyền thì Đàm Vĩnh Hưng là chủ sở hữu quyền tác giả những ca khúc đó. Theo quy định tại Luật SHTT, nhạc sĩ có quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của mình. Trong đó gồm “quyền nhân thân” ( Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên khi tác phẩm được công bố, sử dụng; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén …) và “quyền tài sản” ( Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; cho ca sĩ biểu diễn tác phẩm, sao chép tác phẩm …). Đồng thời, theo Điều 41 Luật SHTT: “Tổ chức, cá nhân được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này theo thoả thuận trong hợp đồng là chủ sở hữu quyền tác giả” thì Đàm Vĩnh Hưng là chủ sở hữu quyền tác giả đối với những ca khúc mà Đàm Vĩnh Hưng đã mua độc quyền. Theo Điều 36 Luật SHTT và Điều 27 Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự ( sau đây gọi tắt là Nghị định 100/2006/NĐ-CP) quy định: “Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”-thì khi bất kì một ca sĩ nào muốn sử dụng, khai thác các ca khúc đó đều phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Việc Đàm Vĩnh Hùng tự ý sử dụng những ca khúc mà Đàm Vĩnh Hưng đã đăng kí độc quyền trong album của mình là đã xâm phạm tới quyền tác giả được luật SHTT ghi nhận và bảo vệ (vấn đề này em sẽ làm rõ hơn ở phần sau), do đó Đàm Vĩnh Hưng có quyền khởi kiện dân sự về quyền tác giả theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định 100/2006 NĐ- CP đồng thời có thể áp dụng các biện pháp khác quy định tại khoản 1 Điều 198 của Luật SHTT để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đứng dưới góc độ phong cách biểu diễn, hòa âm, phối khí trong các ca khúc của mình đã biểu diễn thì Đàm Vĩnh Hưng là một người biểu diễn do đó Đàm Vĩnh Hưng có đầy đủ các quyền của người biểu diễn đã được luật SHTT ghi nhận. Việc Đàm Vĩnh Hùng thể hiện các ca khúc mà Đàm Vĩnh Hưng đã biểu diễn với phần hòa âm giống hoàn toàn đã xâm phạm tới hình tượng biểu diễn của người biểu diễn- ở đây là Đàm Vĩnh Hưng. Do đó Đàm Vĩnh Hưng hoàn toàn có quyền yêu cầu Đàm Vĩnh Hùng chấm dứt việc phát hành các album mà trong đó có các ca khúc mà Đàm Vĩnh Hùng đã thể hiện với phần hòa âm giống hoàn toàn sự thể hiện của mình, đồng thời xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại... Trên đây là hai cách nhìn nhận của cá nhân em về tư cách của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong vụ việc đã nêu. Dù xem xét ở khía cạnh nào đi chăng nữa thì Đàm Vĩnh Hưng đều có quyền khởi kiện dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định 100/2006 NĐ- CP đồng thời có thể áp dụng các biện pháp khác quy định tại khoản 1 Điều 198 của Luật SHTT để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước những hành vi mà Đàm Vĩnh Hùng đã thực hiện. VỀ PHÍA ĐÀM VĨNH HÙNG. Về việc Đàm Vĩnh Hùng sử dụng những bài hát độc quyền và hình tượng biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Có thể thấy việc nhái nghệ danh của các ca sĩ nổi tiếng đã quá phổ biến trong những năm gần đây ví dụ như: Triệu Quang Hà (nhái Quang Hà), Triệu Hồng Ngọc (Nhái Hồng Ngọc), Tiểu Bảo Quốc (Nhái Bảo Quốc), Đoan Trường (Nhái Đan Trường), Kim Tiểu Long (nhái Kim Tử Long), Vương Hiểu Minh (nhái Huỳnh Hiểu Minh), Hoàng Châu (Nhái Hoàng Châu Cách Cách)…Và Đàm Vĩnh Hùng chỉ là một trong những ca sĩ đó. Nếu đơn giản chỉ là nhái 1 cái tên thì vấn đề rõ ràng là không có gì, nhất là với những ca sĩ đã thành danh như Đàm Vĩnh Hưng thì “dù có 1000 Đàm Vĩnh Hưng cũng không ảnh hưởng gì”(13) đến Đàm Vĩnh Hưng cả. Bởi lẽ với 1 ca sĩ việc đầu tư cho tên tuổi của mình là cả một quá trình. Ăn theo như vậy thì trước sau gì cũng bị đào thải, việc không là chính mình, ca sĩ đã tự dìm mình xuống. Đàm Vĩnh Hùng đã quá dại dột khi chọn cho mình cách như vậy để nổi tiếng. Tuy nhiên, ở đây ta không bàn luận vấn đề thiệt hơn thế nào với Đàm Vĩnh Hùng khi “nhái” tên của“ Đàm Vĩnh Hưng” mà em sẽ đi vào phân tích, đánh giá những hành vi mà ca sĩ Đàm Vĩnh Hùng đã thực hiện trên cơ sở kiến thức đã học. Thứ nhất: về việc “Đàm Vĩnh Hùng tự nhận là người ái mộ Đàm Vĩnh Hưng và thể hiện tình cảm này bằng việc hát lại những ca khúc ăn khách của thần tượng”. Ta khẳng định việc Đàm Vĩnh Hùng lí giải việc hát lại những ca khúc của Đàm Vĩnh Hưng chỉ nhằm mục đính cho vui, thể hiện sự hâm mộ của mình với thần tượng là hoàn toàn vô lí. Qua tìm hiểu, em được biết sau khi sự việc được báo chí đề cập, Đàm Vĩnh Hùng đã chủ động gọi điện cho Đàm Vĩnh Hưng để giãi bày lý do của việc làm này là quá hâm mộ anh, chỉ có ý định thực hiện album cho vui và cầu mong được tha thứ. Rõ ràng "Không thể có chuyện hâm mộ, làm chơi mà có lời bạt, in poster giới thiệu và phát hành với số lượng lớn như vậy”(13).Có thể thấy, ở đây Đàm Vĩnh Hùng đã cố tình lợi dụng tên tuổi của Đàm Vĩnh Hưng để đánh bóng tên tuổi và thu lợi nhuận cho mình. Thứ hai, “Các ca khúc Đàm Vĩnh Hùng hát trong album hầu hết là những nhạc phẩm Đàm Vĩnh Hưng từng biểu diễn và mua độc quyền”- Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quyền tác giả. Như trên ta đã khẳng định Đàm Vĩnh Hưng là chủ sở hữu quyền tác giả đối với những ca khúc mà Đàm Vĩnh Hưng đã đăng kí độc quyền. Theo Điều 36 Luật SHTT và Điều 27 Nghị định 100/2006/NĐ-CP thì: “Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này” do đó, Đàm Vĩnh Hưng có quyền: “biểu diễn tác phẩm trước công chúng” tức là “độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được” (Khoản 1 Điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP), cụ thể là khi Đàm Vĩnh Hưng đã được tác giả đồng ý cho sử dụng độc quyền những ca khúc đó (có thời hạn hoặc vô thời hạn) thì chỉ duy nhất Đàm Vĩnh Hưng được hát những ca khúc này. Bất kỳ ca sĩ nào cũng không được phép sử dụng lại (trong phạm vi và thời hạn sử dụng của Đàm Vĩnh Hưng) và nếu những ca sĩ đó muốn khai thác, sử dụng thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cùng các quyền lợi vật chất khác cho Đàm Vĩnh Hưng. Ở đây Đàm Vĩnh Hùng đã hát các ca khúc mà Đàm Vĩnh Hưng đã mua độc quyền mà không hề xin phép – như vậy hành vi của Đàm Vĩnh Hùng đã xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Khoản 8 Điều 28 Luật SHTT: “Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này” Theo điều 18 Nghị định 47/2009/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi tắt là Nghị định 47/2009/NĐ-CP)thì hành vi của Đàm Vĩnh Hùng có thể bị:“Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000”. Thứ ba, Việc Đàm Vĩnh Hùng thể hiện những ca khúc ăn khách của Đàm Vĩnh Hưng( không kể đến việc hát những ca khúc mà Đàm Vĩnh Hưng đã mua độc quyền như đã nêu ở trên) với phần hòa âm phối khí cũng giống hoàn toàn là đã xâm phạm tới hình tượng biểu diễn của Đàm Vĩnh Hưng. Như một số ca sĩ lí luận rằng: "Tôi có làn hơi thiên phú, có khả năng bắt chước thì mới hát giống người nổi tiếng. Tôi ngưỡng mộ họ nên muốn mình giống họ"(14). Quả thật đó là quyền tự do cá nhân, trên thế giới cũng chưa thấy có vụ nào tranh chấp hay giải quyết cho việc đăng ký độc quyền "nghệ âm" dù khá nhiều người cảm thấy bất bình. “Mặc dù "âm sắc" không hề được quy định là quyền nhân thân của công dân nhưng sao có thể bắt chước, "nhái giọng" một cách hiển nhiên như vậy?” (14). Chưa nói đến việc có bị pháp luật xử lí hay không thì những hành vi đó cũng sẽ bị dư luận xã hội lên án. Ở đây, việc Đàm Vĩnh Hùng biểu diễn các ca khúc nổi tiếng của Đàm Vĩnh Hưng đồng thời bắt chước phong cánh biểu diễn đến cả phần hòa âm cũng giống hoàn toàn là đã xâm phạm đến hình tượng biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, bởi 1 trong các quyền nhân thân của người biểu diễn là: bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của người biểu diễn. Hình tượng biểu diễn là một khái niệm trừa tượng và có nội hàm khá rộng được tạo bởi nhiều yếu tố khác nhau như phong cánh biểu diễn, âm giọng, thái độ, cử chỉ....mà “Hòa âm là tìm cách trộn các âm thanh giữa các loại nhạc cụ khác nhau theo chiều thời gian để nêu bật chủ đề của bản nhạc và ý đồ truyền tải của người biểu diễn”(15), “Phối khí là tìm cách phối hợp các nhạc khí để ý đồ hòa âm đạt hiệu quả”(15) do đó có thể thấy: sự hòa âm, phối khí mỗi một ca khúc thể hiện sự sáng tạo,ý tưởng, phong cách biểu diễn riêng của mỗi một ca sĩ ,nó tạo nên hình tượng biểu diễn và gắn liền với tên tuổi của họ. Vì vậy người biểu diễn cần được bảo hộ về hình tượng biểu diễn. Pháp luật SHTT quy định đó là quyền nhân thân của người biểu diễn (ở đây Đàm Vĩnh Hưng) –đã là quyền được pháp luật ghi nhận thì các cá nhân khác (ở đây là Đàm Vĩnh Hùng) có nghĩa vụ tôn trọng quyền này. Do vậy, việc Đàm Vĩnh Hùng bắt chước phong cách và phần hòa âm các ca khúc giống hoàn toàn với Đàm Vĩnh Hưng đã xâm phạm tới hình tượng biểu diễn của Đàm Vĩnh Hưng. Hành vi này tùy theo mức độ có thể bị xử lí theo Điều 29 Nghị định 47/2009/NĐ-CP. Việc Đàm vĩnh Hùng in poster và tiếp tay với băng đĩa lậu sản xuất đĩa. Theo vụ việc đã nêu: “Những tấm poster được chụp ảnh và thiết kế rất giống Đàm Vĩnh Hưng đã được phát tán dán đầy đường phố”. Trước hết, khẳng định: poster của Đàm Vĩnh Hùng đã được in mà không hề có một giấy phép nào của cơ quan chức năng. Quảng cáo bằng poster là một loại hình thức, phương tiện quảng cáo phải có giấy phép.Trong đề bài không hề đề cập đến việc khi Đàm Vĩnh Hùng in poster đã được phép của cơ quan chức năng hay chưa nhưng ta vẫn có thể khẳng định là poster của Đàm Vĩnh Hùng đã được in mà không hề có một giấy phép nào của cơ quan chức năng bởi: Khi cấp phép cho việc quảng cáo poster, tờ rơi cơ quan chức năng đều yêu cầu người đăng ký xuất trình giấy phép phát hành ca khúc hoặc băng đĩa, giấy chứng nhận đã đóng tác quyền ca khúc. Mà từ trên ta đã khẳng định trong album của mình Đàm Vĩnh Hùng đã sử dụng nhiều ca khúc mà Đàm Vĩnh Hưng đã biểu diễn, đặc biệt có một số ca khúc Đàm Vĩnh Hưng đã đăng kí độc quyền, mà không hề xin phép như vậy rõ ràng Đàm Vĩnh Hùng không có giấy chứng nhận đã đóng tác quyền ca khúc và cũng đương nhiên sẽ không được cơ quan có chức năng cấp giấy phép cho việc quảng cáo poster. Nếu cơ quan có chức năng cấp giấy phép cho Đàm Vĩnh Hùng thì rõ ràng cơ quan chức năng đã có sai phạm. Tuy nhiên đó chỉ là giả sử bởi qua tìm hiểu vụ việc này qua những bài báo, em được biết những tấm poster của Đàm Vĩnh Hùng đã được in mà không hề có một giấy phép nào của cơ quan chức năng. Do đó hành vi này của Đàm Vĩnh Hùng đã vi phạm các quy định về giấy phép hoạt động quảng cáo và theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Nghị định Số 75/2010/NĐ-CP Nghị định của Chính phủ ngày 12 tháng 07 năm 2010 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá ( sau đây gọi tắt là Nghị định số 75/2010/NĐ-CP) thì có thể bị “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi băng-rôn quảng cáo không có giấy phép” Thứ hai, chưa kể đến việc poster của Đàm Vĩnh Hùng được in có giấy phép của cơ quan chứ năng hay chưa chỉ xét riêng việc những tấm poster của Đàm vĩnh Hùng chụp ảnh và thiết kế rất giống Đàm Vĩnh Hưng đã gây nhầm lẫn với poster của Đàm Vĩnh Hưng. Poster là một phương tiện quảng cáo. Một trong số những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo theo quy định tại Điều 5 Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001 là: “Quảng cáo nói xấu, so sánh hoặc gây nhầm lẫn với cơ sở sản xuất, kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của người khác; dùng danh nghĩa, hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo mà không được sự chấp thuận của tổ chức, cá nhân đó.” Như vậy, việc Đàm Vĩnh Hùng cho chụp ảnh và thiết kế poster để quáng bá hình ảnh và album của mình rất giống với Đàm Vĩnh Hưng lại cộng thêm cái tên “ ĐÀM VĨNH HÙNG” ghi trên đó vô hình chung có thể làm mọi người nhầm lẫn với Đàm Vĩnh Hưng. Theo điểm c khoản 4 điều 28 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP thì Đàm Vĩnh Hùng có thể bị “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng” cho hành vi làm “...c) Quảng cáo nói xấu, so sánh hoặc gây nhầm lẫn với hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của người khác”. Thứ 3, việc những tấm poster của Đàm Vĩnh Hùng phát tán khắp đường phố là vi phạm các quy định về địa điểm, vị trí quảng cáo. Cơ quan chức năng khi cấp giấy phép quảng cáo poster cho các tổ chức cá nhân trong giấy phép đều quy định rõ: Không được phép dán poster, phát tờ rơi ngoài đường phố, nơi công cộng, chỉ phát hành poster, tờ rơi tại địa điểm kinh doanh, buôn bán băng đĩa. Chưa kể đến việc những tấm poster của Đàm Vĩnh Hùng được in không có giấy phép nào của cơ quan chức năng mà “việc tự ý dán poster trên cột điện, phát tán tờ rơi ngoài đường phố là đã bất chấp quy chế về quảng cáo, làm mất mỹ quan thành phố”(16). Theo quy định, thì hành vi này đã vi phạm các quy định về địa điểm, vị trí quảng cáo được quy định tại Điều 29 nghị định 75/2010/ NĐ-CP, theo đó có thể bị “Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với mỗi băng - rôn quảng cáo không đúng nơi quy định trong giấy phép” Hành vi “in sang các album tràn ngập thị trường băng đĩa lậu”. Một trong những mối lo ngại của giới ca sĩ và cả những nhà sản xuất khi quyết định thực hiện album là bị thị trường băng đĩa lậu “xơi tái”. Không đành lòng nhìn những đứa con của mình bị phát tán không danh chính ngôn thuận như vậy, các ca sĩ chung tay vào cuộc. “Người đi đầu trào lưu này phải nhắc đến ca sĩ Ưng Hoàng Phúc. Trước khi single Căn gác trống của anh được trình làng, công ty quản lý và phát hành sản phẩm âm nhạc của anh đã PR rất nhiều. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một ca sĩ phát hành album dưới dạng đĩa bluray. Phiên bản đặc biệt này sẽ chỉ được phát hành 1.000 bản và chỉ được bán trực tuyến chứ không phát hành trên các quầy băng đĩa theo hình thức truyền thống”(17). Đấy là việc các ca sĩ tự bảo vệ, nhưng sẽ ra sao nếu đĩa lậu cũng chính là đĩa gốc được chính các ca sĩ nhân bản ra bán lậu ? Trên thực tế giá một đĩa gốc từ 50.000đ-100.000đ, và như vậy không phải ai cũng có đủ khả năng mua đĩa gốc. Trong khi đĩa lậu bán rẻ và có những đĩa chất lượng cũng không kém đĩa gốc là mấy. Cùng với tâm lý: “in đĩa lậu lại không cần giấy phép như thế nhanh hơn, chứ đĩa gốc chờ có giấy phép cũng mất rất nhiều thời gian”(18) mà một số ca sĩ mới ví dụ như Đàm Vĩnh Hùng đã không ngần ngại liên hệ với đầu nậu để phát hành đĩa CD. Mặt khác, theo trình tự, muốn sản xuất một sản phẩm băng đĩa, nhà sản xuất phải nộp đơn và danh mục bài hát cho Sở VH-TT địa phương xin cấp phép. Băng, đĩa ca nhạc phải có giấy phép và dán nhãn mới được lưu hành. Theo quy định thủ tục cấp giấy phép lưu hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu thì trong hồ sơ yêu cầu phải có : “Đơn đề nghị cấp phép lưu hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu trong đó ghi rõ: nội dung (chủ đề) băng, đĩa, tên tác phẩm, tác giả, nguồn gốc; Giấy tờ chứng minh chủ sở hữu bản quyền sản phẩm...”18 Chỉ xét riêng yếu tố thứ hai là giấy tờ chứng minh chủ sở hữu bản quyền sản phẩm thì Đàm Vĩnh Hùng và cá nhân, tổ chức cùng Đàm Vĩnh Hùng sản xuất và phát tán các album này đã không thể đáp ứng, bởi hầu hết các ca khúc mà Đàm Vĩnh Hùng sử dụng trong album đều là những ca khúc mà ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã đăng kí độc quyền, mà như trên ta đã khẳng định rằng Đàm Vĩnh Hùng đã xâm phạm tới quyền tác giả. Như vậy họ không đủ điều kiện để được phép sản xuất cũng như lưu hành những album đó. Căn cứ vào Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009, thì hành vi này của Đàm Vĩnh Hùng và các đầu nậu có thể bị xử phạt hành chính theo các quy định tại Nghị định 75/2010/NĐ-CP. Có thể thấy kiểu "bắt tay với đĩa lậu", đưa đĩa master cho đầu nậu để in sang rồi phát hành không giấy phép như Đàm Vĩnh Hùng là một hiện tượng đáng báo động bởi các ca sĩ trẻ đang có tâm lý: “muốn nổi tiếng, muốn được phát bài mình hát ra rả ở các quán cà phê, khắp hang cùng ngõ hẻm thì phải qua con đường đĩa lậu và kết thân với đầu nậu để họ làm đĩa lậu cho mình cho thật đẹp, thật bắt mắt”(18) KẾT THÚC VẤN ĐỀ Trí tuệ vốn là tài sản của công dân, vì vậy, bản thân các quan hệ của quyền tác giả, quyền liên quan quyết định nội dung pháp luật bảo hộ nó. Thực tế cho thấy, hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực với các hình thức và mức độ khác nhau, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, văn học, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng… Tình trạng này gây thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, thương mại, thúc đẩy sự sáng tạo của công dân trong các lĩnh vực khoa học, văn học, nghệ thuật mà còn tạo ra một môi trường bản quyền lành mạnh, thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Qua xem xét vụ việc trên ta thấy chế tài xử phạt để bảo đảm việc thực thi đúng quyền tác giả và quyền liên quan là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn vẫn là việc nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho công chúng, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng quyền tác giả và quyền liên quan không chỉ có tác động tích cực về mặt tinh thần, kinh tế mà quan trọng hơn, giúp bạn bè quốc tế có cách nhìn nhận đúng về thực thi bản quyền tại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật sở hữu trí tuệ, Nxb. CAND, Hà Nội 2009. Bộ luật dân sự năm 2005. Luật sở hữu trí tuệ năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Nghị định 47/2009/NĐ-CP của Chính Phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. Nghị định Số 75/2010/NĐ-CP nghị định của Chính phủ ngày 12 tháng 07 năm 2010 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá. Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009. Quyết định số 55/1999/QĐ-BVHTT ngày 05 tháng 8 năm 1999 của Bộ Văn hóa thông tin ban hành Quy chế sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu hành, kinh doanh băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình ca nhạc sân khấu. Có hiệu lực từ ngày 20/8/1999. Pháp lệnh quảng cáo năm 2001.   Nghị định Số 24/2003/NĐ-CP Nghị định của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo. Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL, ngày 7/6/2011 sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ VHTTDL. Quyết định số 37/2005/QĐ-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2005 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên các vật liệu khác.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docHọc kì sở hữu trí tuệ- giải quyết vụ việc Đàm Vĩnh Hùng nhái ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.doc