Hình tượng con người miền núi trong tiểu thuyết của Triều Ân

Văn xuôi các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển và được khẳng định trong đời sống văn học Việt Nam. Các tiểu thuyết của Triều Ân ra đời vào thời kì văn xuôi dân tộc thiểu số nở rộ mạnh mẽ, những năm 80 – 90 của thế kỉ XX. Đây là thời kì chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Cơ cấu kinh tế miền núi có nhiều biến động, quan hệ đạo đức giữa người với người phần nào bị xuống cấp. Thông qua hệ thống nhân vật đa dạng và phong phú với nhiều tầng lớp người thuộc nhiều ngành nghề khác nhau nhà văn muốn ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người miền núi trong thời đại mới. Cái mới bao giờ cũng chiến thắng cái cũ, cái tốt bao giờ cũng được tôn vinh và cái ác luôn bị lên án, triệt tiêu. Đồng thời, nhà văn cũng bác bỏ những hủ tục, lên án những tàn dư của xã hội phong kiến còn sót lại và phản ánh một hiện trạng khá phổ biến đó là sự lầm lạc về lối sống, suy nghĩ, tính cách. của một bộ phận người dân miền núi trong thời buổi cơ chế thị trường.

pdf7 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 437 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hình tượng con người miền núi trong tiểu thuyết của Triều Ân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Cao Thị Hảo và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 91(03): 39 - 45 39 HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI MIỀN NÚI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA TRIỀU ÂN Cao Thị Hảo*, Dương Trung Tín Trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên TÓM TẮT Qua việc khảo sát 3 tiểu thuyết của Triều Ân là: Nắng vàng bản Dao (1992), Nơi ấy biên thuỳ (1994), Dặm ngàn rong ruổi (2000), người viết đã chỉ ra những hình tượng nhân vật tiêu biểu như: những con người miền núi vượt qua bức tường phong kiến lạc hậu; những con người bị tha hoá đạo đức trong vòng xoáy của cơ chế thị trường và những con người hướng thiện giầu lòng nhân ái. Qua những hình tượng nhân vật sinh động, độc đáo và mang hơi thở cuộc sống của người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, người đọc có thể thấy được cách khám phá con người, nhìn nhận cuộc đời cũng như tâm hồn nhà văn. Từ khoá: Tiểu thuyết của Triều Ân, Văn học dân tộc thiểu số Văn học thiểu số miền núi được coi là một mảng văn học đặc sắc. Chính các nhà văn người dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng vào việc khám phá, phát hiện vẻ đẹp chân, thiện, mỹ của đồng bào dân tộc mình. Nói tới thành tựu của dòng văn học này, không thể không nhắc tới Triều Ân – nhà văn dân tộc Tày khá tiêu biểu. Ông xuất hiện trên văn đàn vào khoảng thập niên 60 - 70 của thế kỉ trước với nhiều thành công trên lĩnh vực thơ ca và truyện ngắn. Nhưng có lẽ chỉ khi thử sức với thể loại tiểu thuyết vào khoảng những năm 90, “người đọc mới có dịp nhìn nhận một cách đầy đủ và toàn diện hơn sự nghiệp văn học cùng những đóng góp đáng ghi nhận của nhà văn với văn học các dân tộc ít người” [1] này.* Về nhân vật trong tiểu thuyết của Triều Ân, một số nhà nghiên cứu đã đề cập đến. Bích Thu cho rằng: nhân vật trong tiểu thuyết của Triều Ân luôn phải “nếm trải” những “nhọc nhằn, cay đắng trên những “rặm ngàn rong ruổi” của mình”, trải qua “những thử thách ngặt nghèo để nhân vật tự lựa chọn, ứng xử, qua đó bộc lộ cá tính và nhân cách của mỗi cá nhân” [2]. Nguyễn Văn Long cũng khẳng định sự cố gắng của tác giả trong việc “thâm nhập sâu hơn vào thế giới tinh thần của các nhân vật để thể hiện và lí giải những mạch nguồn sâu xa của sức sống và những cảm thức về đời sống, về thế giới tự nhiên của con người miền núi” [3]. Tuy nhiên, những bài viết này chủ yếu nghiên cứu trên diện khái * Email: caohaokv@yahoo.com quát, chưa đi sâu để chỉ ra những đặc điểm cụ thể của hình tượng con người miền núi trong tiểu thuyết Triều Ân. Với việc khảo sát 3 tiểu thuyết: Nắng vàng bản Dao (1992), Nơi ấy biên thuỳ (1994), Dặm ngàn rong ruổi (2000), chúng tôi hi vọng sẽ khẳng định một phần những đóng góp của Triều Ân trong việc khắc hoạ hình tượng con người miền núi sinh động, độc đáo và mang hơi thở cuộc sống của người dân tộc thiểu số phía Bắc trong thời kỳ đổi mới. Qua đó, người đọc có thể thấy được cách khám phá con người, nhìn nhận cuộc đời cũng như tâm hồn của nhà văn một cách khá rõ nét. Những con người vượt qua “bức tường” phong tục, tập quán lạc hậu Trong tiểu thuyết Nắng vàng bản Dao, Triều Ân đã xây dựng thành công hình tượng những con người có tri thức dám đấu tranh chống lại những hủ tục “thâm căn cố đế” mang lại sinh khí mới cho cuộc sống của đồng bào miền núi. Họ là những trí thức đại diện tiêu biểu cho người dân tộc thiểu số miền núi. Đó là cô giáo Lan, Phó chủ tịch xã Tòng. Ngọc Lan là cô giáo dân tộc Tày, đầy nhiệt tình, tận tụy với nghề nghiệp, với học trò. Cô tiêu biểu cho những người có tư tưởng tiến bộ, chấp nhận đánh đổi tình yêu, khát vọng hạnh phúc gia đình để mang đến ánh sáng khoa học, tri thức văn hóa rạng rỡ cho người dân miền núi. Nhìn ngoại hình ta có thể hình dung được phần nào cuộc đời đầy gian truân vất vả của cô: “ Khuôn mặt trái xoan đã có ít nhiều đổi thay. Đôi gò má nhô cao hơn. Đôi Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên Cao Thị Hảo và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 91(03): 39 - 45 40 mắt bồ câu lanh lợi lúng liếng xưa kia ẩn dưới hai hàng lông mày lá liễu nay đã nhuốm vẻ thẫn thờ mệt mỏi. Đuôi mắt đã có vài vết nhăn mờ”[4]. Từ khi lấy chồng, cuộc đời cô giáo trẻ bước vào những khó khăn thấm đẫm nước mắt, tủi thân có, tuyệt vọng có và hi vọng mai sau cũng có. Chiến tranh lạnh giữa mẹ chồng – nàng dâu, tập tục người Tày – người Dao, cái cũ – cái mới bắt đầu từ đây. Ngay trong ngày cưới cô đã phải trải qua những thử thách đầy khắc nghiệt của mẹ chồng: rước dâu phải đi lối cửa sau chật hẹp, lầy lội vì mặc đồ trắng xui xẻo, gánh nước suối đun nước cho mẹ chồng rửa mặt không phát hiện ra kim khâu mẹ chồng bỏ ở đáy thùng nên thân phận“chỉ còn trị giá bằng hai con trâu”. Không những thế, mẹ chồng cô còn không cho con dâu đi ở tập thể vì cho rằng cô sẽ “đẻ từng lứa, từng đàn như chó cái”. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy xã: xây chuồng trâu bò, chuồng lợn, chuồng tiêu, Lan cùng chồng xây xong nhà vệ sinh kiểu mẫu thì mẹ chồng nhìn thấy la lên: “Lùng đao ơi! (trời đất ơi) Con dâu Tày nó về Đô liang làm loạn. Nó là con quỷ...”. Qua mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, chúng ta đã thấy phần nào sự lạc hậu, bảo thủ trong tư tưởng của một bộ phận người dân miền núi trong những năm đầu đổi mới. Đồng thời ta cũng cảm nhận được nỗi vất vả của cô giáo Lan trong tiểu thuyết nói riêng và những người làm công tác vận động đổi mới ở miền núi trong giai đoạn lịch sử đó nói chung. Nhưng Lan vẫn bước đi trên con đường mình đã chọn với hi vọng sẽ thay đổi được suy nghĩ của mẹ chồng và chứng minh chỉ có khoa học mới làm cuộc sống con người tốt hơn. Cô âm thầm đấu tranh gạt bỏ những tư tưởng lạc hậu, thiếu tính khoa học bằng hành động. Bằng chứng là cô đã thuyết phục được Piao đi chữa bệnh ở bệnh viện đông y, giải tỏa mối nghi ngờ trong lòng chồng chứ không phải chữa bệnh bằng những tục lệ cúng bái “tiền mất tật mang” mà mẹ chồng đặt ra. Đối lập với suy nghĩ, việc làm của Lan là những việc làm luôn gắn với tư tưởng mê tín dị đoan của mẹ chồng cô. Lan có thai, mẹ chồng Lan xuống làng người Tày đón bà then lên làm lễ “bắc cầu xin hoa” rất tốn kém. Người Dao có tục “kin chai”, dăm năm lại có một lần. “Nhưng là năm nào thì lại do thầy mo hoặc bà then quyết định. Năm ấy cả làng xóm phải mổ hết chó, mèo, gà vịt đang có, một thời gian sau mới nuôi gây lại”. Lan đã không làm theo mà mang gà xuống trường nuôi nên mẹ chồng cho cô là yêu quái nên mới ăn gà đã thành tinh. Lễ đầy tháng hai cháu bà đưa cho Lan “xâu bánh nếp cóoc mò đi bán xúi” cho nhà ông Quải để trả thù xưa, nhưng Lan lại treo lên cây cho thú rừng ăn... Dường như ngòi bút nhà văn không chỉ hướng đến những gì tươi sáng cho tương lai mà còn mong muốn con người phải biết thông cảm, bao dung cho những thiếu sót của người khác. Lan đã thể hiện được thông điệp ấy của nhà văn, không chỉ mong muốn mang tri thức văn hóa cho người dân vùng núi cao mà cô còn có tấm lòng nhân hậu, vị tha, cảm thông trước sự bảo thủ, lạc hậu của mẹ chồng. Cuộc sống của Lan nhiều khi chìm trong nước mắt tưởng chừng như tới mức tuyệt vọng khi chồng chết, con chết, mẹ chồng kiện vì tội giết chồng nhưng cô vẫn nhen nhóm hi vọng “Phải để ánh sáng khoa học rọi vào những khoảng trống tối tăm mê tín dị đoan, vào những tập tục lạc hậu, vào thói bảo thủ nhỏ nhen...”. Trong câu nựng đứa con thứ hai của Lan ta thấy được niềm hi vọng của cô ở thế hệ tương lai: “Dung đi học để biết khoa học đầy đủ, để tuyệt đối tin rằng ở đời này không có ma quỷ”. Thông qua nhân vật Lan, tác giả không chỉ gửi gắm mong muốn người dân miền núi sẽ có cuộc sống văn minh hơn mà nhà văn còn ngợi ca phẩm chất cao quí của những con người miền núi trong xã hội mới. Dù mất mát thật lớn lao, nhưng họ vẫn âm thầm vượt qua, làm chủ cuộc đời mình và hướng tới khoảng trời tươi sáng ở phía trước. Trong lúc đau khổ nhất con người cần phải có nghị lực và niềm tin. Đó chính là thông điệp mà nhà văn đã gửi gắm cho bạn đọc yêu quý của mình. Bên cạnh Lan, còn có phó chủ tịch xã Chu Văn Tòng - người đại diện cho pháp luật, lên tiếng chống lại sự mê tín dị đoan của người dân bản Đô liang. Ông Tòng được coi là cán cân công lí “đem cái văn minh của người Tày vùng thấp lên vùng cao của người Dao”. Ông đã giải thích rất tỉ mỉ cho bà Đô – chị gái mình khi có những suy nghĩ mê tín: “Chị ơi, ngày nào cũng tốt cả. Hôm nay đi nương lấy Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên Cao Thị Hảo và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 91(03): 39 - 45 41 được nhiều măng mộc nhĩ như chị và cháu, là ngày tốt. Hôm ấy định làm gì mà làm xong, là ngày tốt. Mưa có việc ngày mưa. Nắng có việc ngày nắng. Ngày mưa ngày nắng đều tốt cả”. Những lí lẽ biện luận của ông thể hiện sự nhận thức khách quan, không lệ thuộc vào những tư tưởng mê tín dị đoan. Khi bà Đô dựa trên sự mê tín mà nói sai về con dâu mình “Nó là con quỷ đi lăng nhăng nên đẻ con thành đàn như chó con. Chó bố là mực đẻ ra con mực, chó bố lông nâu đẻ ra chó con nâu”. Ông Tòng giải thích một cách có khoa học: “Đôi lông mày xếch giống Piao, hai tai gẫy vặn như tai Piao, được bú ít hơn, nên cháu Dung mặt nó choắt hơn”. Với vị trí là phó chủ tịch xã, ông Tòng đứng ra xét xử đơn kiện của chị gái mình kiện con dâu giết chồng, giết con, ai cũng nghĩ ông sẽ bênh vực cho bà Đô - nhưng không, ông làm việc rất công tâm, công bằng. Ông đã dùng những lí lẽ pháp lí để chứng minh cho mọi người dân thấy những việc làm mê tín, dị đoan là sai trái. Kết luận cuối cùng của ông về vụ xét xử, vừa là sự cảnh tỉnh nhân dân nhưng cũng chính là tiếng nói bảo vệ khoa học, bảo vệ ánh sáng văn minh: “Qua xét xử, có cả lời khai bà then bản Buống, chúng ta khẳng định rằng không có ma quỷ, ai nói rằng có là mê tín dị đoan, ai vu người khác là ma quỷ biến hóa thì có tội lỗi”. Qua việc miêu tả hệ thống nhân vật đấu tranh chống những tập tục lạc hậu, cổ hủ ở miền núi, ta cũng nhận thấy: ngòi bút của nhà văn rất chú trọng đến việc miêu tả hành động nhân vật, còn đời sống tâm lý nhân vật với những trăn trở nội tâm ít được khắc hoạ rõ nét. Chính vì vậy, việc xây dựng tính cách nhân vật chưa đạt tới mức điển hình. Cách viết ấy có lần nhà văn bộc bạch: “Tôi viết văn làm thơ bắt đầu xuất phát từ tình cảm chân thành của mình đối với hiện thực cuộc sống, từ đó thể hiện tư tưởng và chủ đề và bắt tay viết, chứ không quan tâm một cách có dụng ý (đôi lúc lạm dụng nữa) tìm cái cầu kì, tìm cách thể hiện cầu kì” [5]. Nhưng nổi bật hơn cả là sự dụng công tìm hiểu và không ngừng sáng tạo, hòa mình trong cách cảm, cách nghĩ của người miền núi để hiểu cuộc sống và tâm tư tình cảm của họ một cách sâu sắc của nhà văn. Thấm qua từng trang viết, Triều Ân muốn bạn đọc hiểu rằng: con người dù gặp khó khăn, dù tuyệt vọng đến đâu cũng có khả năng vượt qua. Và cuộc sống chỉ có thể phát triển và tốt đẹp hơn nhờ có tri thức, có hiểu biết khoa học. Những tư tưởng lỗi thời, lạc hậu sẽ bị thủ tiêu, ánh sáng văn minh sẽ được tỏa sáng trên khắp bản làng đồng bào dân tộc miền núi. Những con người bị tha hóa đạo đức trong vòng xoáy của cơ chế thị trường Xã hội hiện đại phát triển, kéo theo đó là sự xuất hiện của cơ chế thị trường trong thời kì “mở cửa”. Lối sống truyền thống của người dân miền núi ít nhiều đã đổi thay theo vòng xoáy của xã hội xô bồ nhộn nhịp này. Con người sống khôn ngoan hơn, tráo trở hơn, thậm chí đánh đổi cả nhân cách, tình ruột thịt để mang lại lợi ích chấyc nhân mình. Xã hội đồng tiền đã chi phối mạnh mẽ tới cách suy nghĩ, cách đối xử giữa con người với nhau. Trong các tiểu thuyết của Triều Ân, nhà văn đã phản ánh một cách chân thực những con người đó. Tiêu biểu là các nhân vật: Tháo (Nơi ấy biên thùy); Lìn, Hồng Ngọc, Dương Kim... (Dặm ngàn rong ruổi). Nhân vật Tháo trong Nơi ấy biên thùy là một người có lối sống rất tàn nhẫn. Từ bé, Tháo được sống trong một gia đình giàu có nhất vùng, không ai không biết tiếng: “Chuồng đầy trâu đàn. Ruộng vàng thóc lúa. Cá nhảy vui mặt ao”. Sống trong một gia đình uy thế nên đi đâu Tháo cũng kiêu căng, tự mãn:“Ta là anh Tháo ở Nà Cải làng bên đây mà. Ai lại không biết tiếng tăm của ta”. Hắn dùng mọi thủ đoạn cướp Niêm từ tay chồng sắp cưới của cô, nhưng lại cưới Niêm về làm dâu “như ra chợ mua một con vật về để nuôi”. Người đọc không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng dã man: “Tháo đánh Niêm và ngồi lên bụng Niêm như cưỡi ngựa. Niêm đẻ non. Cái thai là một cục thâm tím”. Ngòi bút của nhà văn dường như trở nên “lạnh” hơn khi miêu tả những hành động tàn nhẫn của hắn. Tháo đi đào vàng và có quan hệ lăng nhăng với Tình, nghe người ta nói có thể bị nhiễm bệnh lậu, giang mai hắn định trút hậu quả xấu xa của hắn cho người vợ đáng thương:“Tháo phải về nhốt Niêm lại một ngày để trút hết vi trùng lậu hay giang mai gì đó Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên Cao Thị Hảo và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 91(03): 39 - 45 42 sang cho Niêm, may ra Tháo thoát khỏi bệnh hiểm nghèo này”. Hắn sẵn sàng đối xử độc ác với người vợ hiền lành, bắt vợ phải gánh chịu tội lỗi cho mình. Là nạn nhân của cuộc hôn nhân không tình yêu, nên khi thích thì hắn mang Niêm về, không thích hắn dễ dàng quăng Niêm đi như một thứ đồ vật cũ, nát. Với Tháo, giờ đây Niêm chỉ là “cái xác mục ruỗng, là con ốc ta ăn chỉ còn cái vỏ” nên hắn cho Triển - người yêu cũ của Niêm - chuộc cô về với khoản tiền rất lớn. Trong con người này luôn ẩn dấu một lòng tham vô đáy và sự ích kỉ, tàn nhẫn đến khôn cùng. Cái chết vì tìm vàng “phá hang ngang vách núi” là bản án cao nhất cho sự độc ác, phi nhân tính của Tháo. Cuộc đời hắn luôn xoay quanh chữ “tiền”. Lúc sống tác oai, tác quái nhờ có thế lực của đồng tiền, lúc chết cũng vì sự tham lam vàng bạc. Nhân vật Lìn trong tiểu thuyết Dặm ngàn rong ruổi là một cô gái mang trong mình hai dòng máu Tày – Dao. Lìn được mọi người trong bản liệt vào hàng những người đáo để, lăng loàn. Ngoại hình của cô phần nào đã toát lên tính cách:“Mặt trơ trán bóng. Mắt một mí sưng húp ẩn dưới hai hàng lông mày mờ mờ gần như không có”. Cô ta tỏ ra rất sành sỏi, trải đời khi tâm sự với Phón – em gái cùng cha khác mẹ:“ Ở đời, muốn được thì phải có mánh khóe, có mưu lược Phón ạ. Khi cần làm hại uy tín người khác để có lợi cho mình ta vẫn thẳng tay”. Lấy chồng, chồng chết, Lìn về sống cùng gia đình nhưng luôn ghen tị với hạnh phúc của em gái mình. Mọi cử chỉ của Phón và Lương – người yêu của Phón đều bị Lìn kiểm soát. Những lúc như thế diện mạo của Lìn hiện ra dưới ngòi bút của nhà văn giống “con quỉ hoặc mụ yêu tinh trong trí tưởng tượng của loài người”. Cô ta trơ tráo nói thẳng với em gái: “Ở đời phải biết trở mặt.....Nói rõ cho mày biết: Tao ghen với mày”. Cô ta càng ngày càng trở thành con người ích kỉ, chỉ thích thoả mãn bản thân. Không chỉ ghen tuông với tình yêu mà em gái đang có, Lìn còn đang tâm chia rẽ tình cảm vợ chồng Phón, tìm mọi cách giăng bẫy để đưa Lương vào tròng rồi chiếm chồng của em gái một cách độc ác. Từ những lời nói bịa đặt trong đêm hội xuân, rồi đến hành động đốt thư của Phón gửi về khi cô đi học lớp đào tạo kế toán hợp tác xã ở trên tỉnh gây cho vợ chồng Phón mất niềm tin, ngờ vực lẫn nhau như: Lìn nói điều này Lương chớ phiền lòng: một phiên chợ nọ, đi chợ, Lìn được nghe nói: Phón đi học gặp người yêu cũ là Thụ, hai người đã chắp nối lại mối tình xưa” . Hay những lời thủ thỉ với Phón khi đi đón em gái kết thúc khóa học: “ Em thấy không bao nhiêu thư em gửi về, chị biết cả, nó có đọc đâu? Đốt hết. Khi lòng nó đã đổi thay, khi hàng ngày nó lêu lổng ít có mặt ở Đông Có...”. Phón nghe xong lên cơn đau tim, ngất xỉu, ngã xuống “rù rằng”. Lìn không cần biết số phận của em gái ra sao, quơ hành lí giấy tờ của Phón đạp xe phóng như điên, nung nấu một dã tâm:“Nếu Phón chết thật, coi như mình không biết...”. Lìn là một con người thật xảo trá, chỉ nghĩ lợi cho bản thân mình mà quên đi tình nghĩa máu mủ ruột già. Dường như bản chất con người cá nhân, ích kỷ, tàn ác đã ăn sâu vào máu cô. Đạo đức con người Lìn ngày càng bị trượt dốc, một cái dốc thăm thẳm, vô hình chứa đầy lọc lừa và tội ác. Lìn đóng kịch tạo ra cảnh Phón đã chết, hồn Phón thành ma gà nhập vào Lìn, làm cho cả nhà ai cũng tin. Về sau, mọi người không ai dám nghĩ tới Phón nữa. Qua các hình tượng nhân vật của nhà văn, ta nhận thấy: tác giả không chỉ có tài quan sát, có vốn văn hóa dân gian phong phú mà ông còn rất am hiểu tâm lí con người vùng cao. Mọi hành động, việc làm của người dân hay tập tục, quan niệm của họ được chuyển hóa vào nhân vật trong tác phẩm rất hợp tình, hợp lí và thuận theo cách nghĩ, nếp sống của người dân miền sơn cước. Con người xảo trá ấy thấy thỏa mãn vì “cái tròng do Lìn giương lên đã bắt được đối tượng theo ý muốn”: Lương đã trở thành chồng cô. Nhưng sự trở về của Phón – cô em gái tội nghiệp của cô được những người tốt bụng cứu sống đã khiến Lìn phải trốn chạy, ra đi. Lìn bỏ nhà đi tìm cha, bỏ lại nơi bản làng quá khứ tội lỗi của mình. Bước vào cuộc sống cùng cha đẻ nơi thị xã sầm uất, nhộn nhịp, sự sa đọa về mặt nhân cách đạo đức của cô càng trầm trọng hơn trước. Kết hôn cùng bác sĩ Phương nhưng cô không an phận với cuộc sống êm đẹp của mình. Cô coi thường chồng, đối xử với chồng và mọi người xung quanh thô lỗ, ngạo mạn hơn trước. Cô phủ nhận công lao dạy dỗ của thầy giáo Long là cha đẻ:“Ai dạy dỗ tôi? Không Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên Cao Thị Hảo và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 91(03): 39 - 45 43 cần ơn ai cả. Nay hay xưa đều phải lo tính toán làm giàu...”. Cô đuổi chồng ra khỏi nhà chỉ vì anh Phương là một người ham sách vở, ham nghiên cứu khoa học, không có nhiều tiền bạc. Lìn sống trâng tráo hơn, thủ đoạn và liều lĩnh hơn. Cô ta sẵn sàng hiến thân cho anh thuế vụ để các chuyến hàng buôn lậu được chót lọt; biết cách ăn gian, nói dối “ trí trá nói điêu. Hàng mua mười giao mười lăm. Người mua mặc cả giao mười ba, Lìn nói đã mua mười ba mới dám xin hai giá”. Lìn ly hôn với bác sĩ Phương để kết hôn với Hồng Ngọc. Bởi với cô “có tiền là có tất cả”. Nhưng cô đã bị Hồng Ngọc lừa và lợi dụng. Ngày thì Ngọc bắt làm việc vất vả, đêm về thì bị hắn đánh đấm túi bụi, chẳng mấy mà Lìn ốm yếu, xanh xao, phải lê chân về nhà họ Lý. Quá thất vọng và đau đớn, Lìn phát cuồng đi lang thang và chết trong thê thảm, kết thúc cuộc sống quay quắt chạy theo tiền bạc với mưu mô và thủ đoạn của mình. Có lẽ đó là cái giá mà cuộc đời Lìn phải trả bằng cả tính mạng. Đồng tiền mang lại cho cô sung sướng nhất thời nhưng không thể mua được sự thanh thản trong tâm hồn cô. Phẩm chất, nhân cách của nhân vật dưới sự tác động của cơ chế thị trường đã dần thoái hoá, biến chất, bị bào mòn và cuối cùng đi đến hủy diệt. Trong tuyến nhân vật phản diện của tiểu thuyết Dặm ngàn rong ruổi, không chỉ có Lìn tráo trở, lọc lừa mà còn xuất hiện Hồng Ngọc. Mới ngoài 20 tuổi nhưng anh ta đã biết sống tính toán, mưu lợi cá nhân bằng những món hàng phạm pháp và lợi dụng sự cả tin của các cô gái trẻ. Với con người này, tình yêu đồng nghĩa với sự lợi dụng. Ngọc yêu Lan và làm cho cô có thai nhưng nhà Lan không có thế lực gì nên “Khi đi buôn xảy ra điều gì bất trắc, trăm lời kêu của nó cũng không thấu trời”. Vì Lìn là con “thầy giáo cũ của các ông lãnh đạo ngành ở hàng tỉnh, là thầy cũ của nhiều ông thuế vụ”, nên Ngọc tìm cách khen nịnh kéo Lìn về phía mình để phục vụ cho những cuộc làm ăn phi pháp. Tình yêu đã được hắn đem ra so bì, cân đong, tính toán thiệt hơn như một món hàng ! Con người Ngọc tàn nhẫn và nhơ nhớp: “Đời Ngọc mới hăm ba tuổi đầu mà đã cưới hoặc không cưới, nghĩa là qua tay Ngọc, năm sáu cô gái. Cưới đấy mà không làm được việc cho đi. Hoặc sỉ nhục không chịu được, người con gái tự đông bỏ nhà mà đi. Hoặc đánh gần chết, vợ phải trốn chạy lấy thân”. Hắn còn thâm hiểm và xảo quệt vô cùng. Trước mặt thì khen Lìn hết lời nhưng thực chất trong lòng hắn đã tính sẵn các món lợi cho mình. Đối với anh ta, Lìn chỉ là một kẻ làm thuê rất đáng “đồng tiền bát gạo”: “Nó đáng ăn hạt cơm nhà này, đáng đeo nhẫn đầy ngón tay, đeo hột xoàn để khoe cái cổ tròn lẳn trắng ngần nở nang da thịt vì được ăn uống tốt.... Nó phải là người nhà thì mới tận tâm với việc buôn bán, mới không ăn cắp bớt tiền hàng”. Chính vì thế, Ngọc dã tâm tác động Lìn bỏ chồng lấy hắn. Một mũi tên trúng hai đích, vừa được vợ mà cũng có người giúp việc đắc lực không mất một đồng nào, lời lãi tăng cao. Điều đó cho thấy, Hồng Ngọc không chỉ thâm hiểm mà còn rất khôn ngoan, thủ đoạn, mang bản chất con buôn. Suy nghĩ “có tiền là có tất cả” đã biến Ngọc cũng như những người hám lợi khác mù quáng một cách vô lương tâm. Nhà văn Vi Hồng miêu tả những nhân vật phản diện, xấu xa luôn gắn với tư duy dân gian. Từ cách đặt tên nhân vật như: Ngô Khang Sa, Mã Thả An, Lăng Thị Thu Lả...đến cách đặt tên địa danh, bản mường: Nặm Đút, Nước Hang Rơi, Nặm Tốc Rù...đều đậm chất dân gian. Trái lại, Triều Ân dường như lại thoát li khỏi tư duy dân gian, cách kể và tả có phần hiện đại hơn. Điều đó thể hiện ngay từ tên tác phẩm như: Dặm ngàn rong ruổi, Nơi ấy biên thùy, Nắng vàng bản Dao; tên xã: Bắc Thôn, Quang Minh, Hòa An, Trùng Khánh...; cho tới tên người khá hiện đại: Hồng Ngọc, Dương Kim... Vì vậy, tác phẩm của ông đậm chất hiện thực hơn – một hiện thực sống động của cuộc sống con người miền núi những năm 90 của thế kỉ XX. Nhìn chung, thông qua nhân vật Tháo, Lìn, Hồng Ngọc... ta thấy được sự xuống cấp về lối sống, đạo đức của một bộ phận người dân ở nơi núi rừng hẻo lánh. Sở dĩ, họ trở thành những con người như vậy là do bị tác động bởi cơ chế thị trường, bởi thế lực đồng tiền. Những việc làm vô đạo đức của họ cuối cùng cũng phải trả giá. Đồng thời, qua các nhân vật này nhà văn cũng muốn cảnh tỉnh những người có lối sống, việc làm không đúng đắn Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên Cao Thị Hảo và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 91(03): 39 - 45 44 trong xã hội hiện đại: Giá trị vật chất chỉ tồn tại vững bền khi đó là những thành quả do mồ hôi công sức mình làm ra. Những con người hướng thiện, giàu lòng nhân ái Tình yêu thương giữa người với người là một tình cảm thiêng liêng cao đẹp. Với con người miền núi, tình cảm ấy được thể hiện rất bình dị, mộc mạc trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nhân vật Nông Bạch Kim trong tiểu thuyết Nắng vàng bản Dao là hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở xã Quang Minh - “trung tâm khoa học” duy nhất của vùng quê miền núi xa xôi này. Là một hiệu trưởng tâm huyết, trách nhiệm anh mong muốn ánh sáng văn hóa soi rọi đến từng nếp sống sinh hoạt, từng nhận thức của người dân. Anh thực hiện chủ trương chính sách của Đảng ủy xã: “Nhà nhà đều xây dựng ba chuồng: chuồng trâu bò, chuồng lợn, chuồng tiêu”, và chỉ đạo cho các cán bộ giáo viên thực hiện. Cùng là dân tộc Tày, anh rất hiểu và thông cảm đối với hoàn cảnh của Lan, anh đối xử, quan tâm tới cô như một người em gái. Khi đồng nghiệp gặp nhiều bất hạnh: chồng chết, con chết.. anh cũng băn khoăn, suy nghĩ và thương cảm. Rõ ràng, Bạch Kim không chỉ là một thầy giáo mẫu mực mà còn là một người có tấm lòng nhân ái bao dung, coi nỗi đau của người khác như nỗi đau của chính mình. Thuần trong tiểu thuyết Dặm ngàn rong ruổi lại là một thầy thuốc hết lòng cứu chữa bệnh cho mọi người. Ở nhân vật này, bất cứ ai tiếp xúc đều cảm nhận ông là con người có “tinh thần tận tụy vì bệnh nhân”, nhiệt tình, không ngại gian khó. Ông đi khắp nơi tìm các vị thuốc chữa bệnh, đỉnh núi cao vời vợi tưởng chừng như chưa bao giờ có dấu chân người ông cũng leo tới để “hái ít lá hồng sí sẻn làm thuốc bổ”. Đối với người thầy thuốc, quan trọng hơn cả là tấm lòng và lương tâm, trách nhiệm. Chính vì vậy, ông Thuần luôn luôn tâm huyết với nghề nghiệp, đối với ai, hoàn cảnh như thế nào ông cũng tận tình chữa bệnh tới khi khỏi. Những bệnh nhân đó là: bà Phúc nhân hậu, cô Lìn có tiếng khinh người, “cướp chồng” của em gái, chị Bướm, hay cả những người đau ốm qua đường mà ông không quen. Không ngại đường xa, Thuần tới chữa bệnh cho Lưu – cô gái bản Bua xinh đẹp nhưng bị bệnh hắc lào toàn thân. Vì bệnh tật nên người yêu đã bỏ cô đi lấy vợ, đến bây giờ ngoài ba mươi mà cô vẫn chưa có chồng. Lương y Thuần tìm mọi cách chữa bệnh cho cô: đắp mủ “giang sa”, thậm chí “cưỡi ngựa về thung lũng gặp y sĩ xã” xin nhau thai làm thuốc. Cuối cùng, hạnh phúc mỉm cười với hai người, Lưu đã khỏi bệnh và lương y được kết duyên với chính bệnh nhân của mình. Cùng với lương y Thuần, bác sĩ Phương cũng là một tấm gương say mê nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học để tìm cách chữa bệnh cho mọi người. Nếu như Thuần là thầy thuốc Đông y “rong ruổi” chữa bệnh khắp các vùng núi cao, thì Phương miệt mài với công trình khoa học, chữa bệnh cho mọi người bằng thuốc Tây y. Anh lên tận ngọn suối trên bản Luộc lấy mẫu nước để đem về phân tích, tìm ra căn nguyên bệnh bướu cổ cho người dân nơi đây. Đá dưới suối trơn, anh trượt chân ngã gãy tay nhưng chai nước để phân tích thì vẫn còn nguyên “Thấy chai nước múc từ ngọn suối còn nguyên vẹn, Phương nở nụ cười. Nhưng tiếp theo anh lại nhăn nhó vì cơn đau”. Có thể nói, Thuần và Phương là những tấm gương mẫu mực “lương y như từ mẫu”, có tình yêu thương con người, lòng nhân đạo sâu sắc, sẵn sàng hi sinh vì nghề nghiệp, vì bệnh nhân. Khác với những nhân vật trí thức như thầy giáo Kim, bác sĩ Phương, Hạng Thị Phón lại là cô gái Tày thuộc tầng lớp bình dân, nhưng là nhân vật lí tưởng mang những tư tưởng nhân văn, triết lí “ở hiền gặp lành”. Cô là em gái cùng mẹ khác cha với Lìn, nhưng cô khác hẳn người chị gái của mình, từ hình dáng:“người tầm thước, đậm đà như cha, nét mày như hai lá trúc xuôi về cuối mắt như mẹ; trông người phúc hậu”. Phón được nhiều người quí mến, bạn bè khâm phục. Phón yêu Lương, một tình yêu chân thành giản dị nhưng lúc nào cô cũng nghĩ tới mọi người trong gia đình. Khi Lương ngỏ lời xây dựng gia đình, Phón chân thành tâm sự những nỗi lòng băn khoăn thầm kín của mình: “Nếu lấy nhau, anh phải thông cảm cho hoàn cảnh của em, chị gái em góa chồng, đàn em còn nhỏ, anh sẽ là trụ cột, phải làm “rể nạp tế” (gửi rể có thời hạn) khi các em khôn lớn thì hai chúng mình mới được đi ở riêng hoặc đi ở nơi khác”. Cô luôn nghĩ cho người khác một cách thật lòng Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên Cao Thị Hảo và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 91(03): 39 - 45 45 mà không hề toan tính cho mình. Phón giống như cô Tấm trong truyện cổ tích “Tấm Cám” luôn bị người chị em cùng dòng máu ghen ghét, hãm hại. Những lá thư gửi về cho chồng đều bị Lìn bóc ra đọc và đốt hết, nói những lời bịa đặt khiến tình cảm vợ chồng Phón rạn nứt. Rồi bị chị gái tranh chồng, bỏ rơi khi gặp nạn, đến khi gặp lại cô cũng không hề than trách. Nhưng vì ăn ở hiền lành nên cô đã gặp may mắn, được sum họp cùng gia đình thân yêu của mình. Có thể nói, những nhân vật hướng thiện, có tấm lòng nhân ái xuất hiện khá nhiều trong tiểu thuyết của Triều Ân. Ngoài những nhân vật điển hình như: Bạch Kim, Thuần, Phương, Phón còn có nhiều nhân vật tốt bụng khác như: cô giáo Nải nhiệt tình, tận tụy giúp đỡ đồng nghiệp; bà Ngọc Thị Lơ đức hạnh, mẹ con bà Phúc nhân hậu... Tất cả những con người này đã góp phần tạo nên một thế giới nhân vật lành mạnh, hướng thiện, phản ánh được những phẩm chất tốt đẹp của con người, cũng như giá trị nhân văn cao cả trong đời của sống cộng đồng các dân tộc thiểu số luôn được bảo tồn, duy dưỡng và phát triển. Phải chăng đây cũng là thông điệp mà nhà văn Triều Ân muốn gửi gắm đến bạn đọc ? Văn xuôi các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển và được khẳng định trong đời sống văn học Việt Nam. Các tiểu thuyết của Triều Ân ra đời vào thời kì văn xuôi dân tộc thiểu số nở rộ mạnh mẽ, những năm 80 – 90 của thế kỉ XX. Đây là thời kì chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Cơ cấu kinh tế miền núi có nhiều biến động, quan hệ đạo đức giữa người với người phần nào bị xuống cấp. Thông qua hệ thống nhân vật đa dạng và phong phú với nhiều tầng lớp người thuộc nhiều ngành nghề khác nhau nhà văn muốn ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người miền núi trong thời đại mới. Cái mới bao giờ cũng chiến thắng cái cũ, cái tốt bao giờ cũng được tôn vinh và cái ác luôn bị lên án, triệt tiêu. Đồng thời, nhà văn cũng bác bỏ những hủ tục, lên án những tàn dư của xã hội phong kiến còn sót lại và phản ánh một hiện trạng khá phổ biến đó là sự lầm lạc về lối sống, suy nghĩ, tính cách... của một bộ phận người dân miền núi trong thời buổi cơ chế thị trường. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1], [2] Bích Thu, bài: “Bản sắc dân tộc trong tiểu thuyết của Triều Ân”, in trong Triều Ân tác giả tác phẩm, Hồng Thanh (tuyển chọn), Nxb Văn hóa dân tộc, 2009, tr.55, 57. [3]. Nguyễn Văn Long, bài: “Triều Ân – cây bút văn xuôi đặc sắc dân tộc Tày”, in trong Triều Ân tác giả tác phẩm, Hồng Thanh (tuyển chọn), Nxb Văn hóa dân tộc, 2009, tr.34. [4]. Triều Ân, Tuyển tập thơ văn Triều Ân, Nxb Văn học, Hà Nội (tất cả dẫn chứng dẫn trong bài đều tham khảo từ tài liệu này),(2006). [5]. Lâm Tiến, Văn học và miền núi, Nxb Văn hóa dân tộc, 2002. SUMMARY THE SYMBOL OF MOUNTAINOUS PEOPLE IN TRIEU AN’S NOVELS Cao Thi Hao*, Duong Trung Tin College of Education - TNU Through examining three novels of Trieu An including “Nang vang ban Dao” (1992), “Nơi ay bien thuy” (1994), “Dam ngan rong ruoi” (2000) , the writer has pointed out the iconic characters as typical: mountain people through walls feudal backwardness; the alienation people are ethical whirlpool of market mechanisms and the rich man good direction humanity. Through vivid imagery character, unique and breath life of ethnic minorities in the North, the reader can see how people discover, view life as well as spiritual writers . Key words: Novel of Trieu An, Ethnic minority literature. * Email: caohaokv@yahoo.com Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfbrief_33307_37131_318201216544912012_split_7_288_2052388.pdf