Hình tượng Bác Hồ trong một số tiểu thuyết tiêu biểu cho thiếu nhi sau năm 1975

Khác với các sáng tác giai đoạn trước, tiểu thuyết viết về Bác Hồ cho thiếu nhi hơn ba thập kỉ qua đã tiếp cận hình tượng nhân vật trong sự đa dạng, phong phú về tâm lí, tính cách. Vượt lên những khuôn mẫu, lối mòn công thức, nhà văn nhìn nhận và khai thác mọi vấn đề trong chiều sâu mới, chân thực, toàn diện, khách quan hơn. Không chỉ hướng tới những vấn đề có ý nghĩa lớn lao như lịch sử, cộng đồng, người viết còn quan tâm nhiều hơn đến từng biểu hiện chân thực, sinh động của thế giới nội tâm, chú trọng cả những cái bình thường lẫn phi thường trong nhân cách của Bác thuở thiếu thời. Chính quan niệm con người đời thường - thế tục đã góp phần đắc lực để đổi mới thi pháp, mang lại chất văn xuôi - một phẩm chất tiêu biểu của truyện đương đại, tạo ra sự cộng hưởng giữa chức năng giáo dục và chức năng thẩm mĩ của văn học dành cho trẻ em hôm nay. Sức hấp dẫn của các tiểu thuyết này không chỉ là do bút pháp phác họa hình tượng theo lối tả thực cổ điển hay dày công tạo dựng một cốt truyện chỉn chu, giàu kịch tính mà còn là vì chúng đã lí giải một cách thuyết phục mối quan hệ giữa cội nguồn truyền thống với sự hình thành bản lĩnh, nhân cách, vẻ đẹp tâm hồn Bác ngay từ thời thơ trẻ; nhờ thế đã tạo nên những rung động sâu xa, bền vững nơi bạn đọc xuất phát từ những nhận thức, tình cảm và trách nhiệm đúng đắn, tích cực đối với cha ông, Tổ quốc mình./.

pdf12 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 279 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hình tượng Bác Hồ trong một số tiểu thuyết tiêu biểu cho thiếu nhi sau năm 1975, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HÌNH TƯỢNG BÁC HỒ TRONG MỘT SỐ TIỂU THUYẾT TIÊU BIỂU CHO THIẾU NHI SAU NĂM 1975 BÙI THANH TRUYỀN* Cuộc đời Bác là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều nghệ sĩ. Trong Lời tựa cho lần xuất bản thứ hai của cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh1, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Hồ Chủ tịch sống mãi trong những tư tưởng và tình cảm lớn, trong toàn bộ hoạt động cách mạng của nhân dân Việt Nam ta, của mọi người chúng ta. Đồng thời Hồ Chủ tịch cũng sống mãi trong những tác phẩm văn học và nghệ thuật có giá trị diễn tả một cuộc đời đã trở thành lịch sử, những trang sử đẹp nhất và vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam ta”. Xét từ góc độ văn học, mỗi thời đoạn, do những thay đổi khách quan của đời sống xã hội, sự chuyển biến chủ quan trong nhận thức, quan niệm của người viết, đề tài anh hùng, lãnh tụ nói chung, Bác Hồ nói riêng, được nhìn nhận, tái hiện ở những phương diện không hoàn toàn giống nhau hòng đem lại cho người đọc một cái nhìn toàn diện và chân xác về vĩ nhân dân tộc. Sự gặp gỡ giữa đặc tính văn chương và lịch sử, truyền thống và hiện đại trong một số tiểu thuyết sau năm 1975 viết về tuổi trẻ của Bác trên một số phương diện nghệ thuật cơ bản mà chúng tôi đề cập dưới đây đã phần nào khẳng định sự chuyển biến về mặt thi pháp của văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại. 1. Sự hòa quyện giữa bình thường và phi thường, gần gũi và cao khiết So với giai đoạn trước, con người trong truyện và thơ cho trẻ em sau năm 1975 được nhìn nhận một cách toàn diện, mới mẻ hơn. Ngoài những phẩm chất cao cả, siêu việt, người viết còn tô đậm chất đời thường, phần nhân tính phổ quát ở họ. Không còn xa lạ, chói chang trong vầng hào quang thần tượng mà gần gũi như kiểu “một người lạ đã quen biết”, nhờ thế, nhân vật dễ được sự đón nhận, đồng cảm và yêu thích của trẻ nhiều hơn. Hai tiểu thuyết Búp sen xanh (BSX) và Bông sen vàng (BSV)2 của Sơn Tùng là một thể nghiệm thành công cho khuynh hướng tích cực, hiện đại này. * TS. Trường Đại học Sư phạm Huế. 1 Sơn Tùng (2005), Búp sen xanh (in lần thứ 14), Nxb. Kim Đồng, Hà Nội. 2 Sơn Tùng (2007), Bông sen vàng, Nxb. Thông Tấn, Hà Nội. Hình tượng Bác Hồ trong 107 Xuất phát từ quan niệm “viết văn tức là đi chép việc, cống hiến cho bạn đọc, nên viết về Bác thì phải quan tâm sưu tầm những câu chuyện về Bác”, cách xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm của nhà văn trong hai tác phẩm đã được Nguyên Ngọc chỉ ra: “Sơn Tùng không viết những điều vĩ đại, phi thường của Hồ Chí Minh, mà viết những góc riêng tư, nhân văn của Cụ”3. Với quan niệm, cách làm ấy, tác giả đã nhận thấy sự thống nhất giữa hai tính cách thoạt nhìn ngỡ như là đối lập trong nhân vật. Trước hết là cách khắc họa hình tượng theo lối truyền thống - tái hiện những nét đặc trưng về ngoại hình, nội tâm có tính chất dự báo một con người, một nhân cách lớn của tương lai như: bẩm sinh thông minh, sáng láng: “Có cái bụng sáng hơn đèn”, “mau biết đến cả việc mà người lớn lắm khi chưa kịp nghĩ tới”, “có thiên tư đặc biệt từ năm lên ba”; giỏi lập luận: “Nói cách chi nghe đều xuôi cả”; có thiên tư “lãnh noãn tự tri” (ấm lạnh tự biết – tức không chờ phải nói mà lòng tự biết nói); có triển vọng “ngôn hành tương cố” (nói đi đôi với làm); ham học hỏi, hiểu biết: “Đã hỏi thì hỏi đến nơi”, “có thể mặc áo vá, để đầu trần, đi chân đất, ăn cháo, ăn rau, nhưng cháu không thể nhịn học, nhịn xem sách, nhịn nghe những chuyện bổ ích”; có năng khiếu hội họa, văn học: “Biết nhận xét, biết thưởng thức nghệ thuật, có năng khiếu nghệ thuật thật sự”, “một thi nhân chân cảm”; lắm tài: “Luyện được cả giống mèo cá để trước miệng mà không kêu, không sấn vô cắp chạy”; bạo dạn hơn cả người lớn: “Một mình đi đêm nỏ sợ ma”; sớm có óc “kiến kim chi cổ” v.v Còn ngoại hình thì như một tiên đồng giáng thế: “Cậu ấy người thanh mảnh, mười ngón tay thon dài như mười búp măng, da trắng như trứng gà bóc, mặt vuông tượng, hai con mắt sáng như hai ông sao, lông mày dài hơn mắt, đúng là mày ngài mắt phượng, trán trượng phu. Môi lại đỏ chon chót như nhuộm phẩm điều, mũi cao thon thon, nhưng không nhọn, không quắm như mũi tây đoan”. Quả là “một đứa bé chưa đến tuổi lên mười mà có một phong thái, một khí phách lớn”. Điều đó khiến cho bao người lớn phải bất ngờ, nghi hoặc, bối rối xen lẫn yêu thương, thán phục và tràn đầy hi vọng: “Đây là Nguyễn Sinh Côn hay là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, tay cầm lá cờ thêu sáu chữ: “Phá cường địch báo Hoàng ân” từ miền lịch sử Bình Than hiện về chất vấn 3 Nhà văn Sơn Tùng (2009), “Nếu không làm được phúc thì đừng gieo họa”, Văn nghệ, Số 12 (21/ 3), trang 4. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 3/2011 108 các ông!”. Cậu bé ấy sẽ là "người gánh trọng trách của thế kỉ sau”; “là thế hệ được trao chìa khóa vàng mở cửa thế kỉ XX ở đất nước này”. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, tác giả BSX, BSV sẽ không tạo được chỗ đứng riêng bởi tác phẩm chỉ là sự nối dài không mấy cách tân so với những người đi trước. Ấn tượng sâu đậm mà Nguyễn Sinh Côn để lại trong độc giả là những suy nghĩ, hành động, tình cảm rất đỗi con người. Cũng hiếu động, “nghịch trổ trời” như bao đứa trẻ cùng trang lứa: “Trèo cau lấy bẹ để làm thuyền”, “trèo cây thị hái quả ương”, “leo cả lên hồi nhà tìm chim sẻ đã sẩy chân giẫm lên bệ bát cổ của bà, làm vỡ một lúc chục cấy (cái) đĩa bạt trúc hóa rồng”, rủ bạn trốn học đi câu cá, hay rủ đám trẻ trong xóm đi trêu chó để chúng sủa om sòm, bị láng giềng đến nhà la mắng cả bà ngoại v.v (BSX). Người đọc sẽ thú vị và cảm thấy gần gũi khi gặp ở đây một cậu bé Côn hồn nhiên, thơ ngây trong trò chơi con trẻ: “Côn núp trong bóng tối chạy ra “vồ” vào lưng mẹ, “hừ” một tiếng! Chị cử Sắc hơi giật mình. Côn cười sằng sặc”, trong những cái mẹo chợt nghĩ ra với mong muốn mang lại cho mẹ niềm vui bất ngờ: “Côn ghé vào nhà Đầu - Trái - Bưởi, mượn bộ quần áo vá nhiều miếng, lại còn lấy dây buộc túm chéo một cách lôi thôi. Côn mặc trùm nó ra ngoài bộ quần áo đang mặc trong người. Đầu đội cái nón mê, đeo bên hông một cái bị cũ kĩ, mặt mũi, bàn tay, bàn chân bôi lọ lem luốc, tay cầm gậy đi về nhà. Côn cũng vờ đi cà nhắc một cách thiểu não”, trong những lời “nói nũng với cha”, trong lối sống hòa đồng, giản dị: “Còn bé thơ, con một ông cử nhân, một ông thầy học nổi tiếng mà cậu đối xử, ăn ở bình dân với mọi người hàng xóm, láng giềng”, trong từng cách ứng xử tế nhị với bạn bè: “Chơi với bạn có lúc đã quên để tâm về bạn còn đang thua thiệt hơn mình mà mình cứ nhâng nhâng tuy không cố ý thì cũng là vô tâm”, trong cái nết thực thà, tốt bụng với mọi người: “Học được chữ cũng đem chia chữ cho bạn, vô kinh đô cũng lo lắng đem phần quà chuyện lạ về cho bà, cho dì, cho chị, cho bạn ở quê nhà”... Côn cũng là cậu bé giàu lòng thương người, thường “làm phúc cho người nghèo, lén xúc gạo, khoai lát đem cho”, dạt dào tình cảm, hay xúc động: “đọc sách Nhị thập tứ hiếu cũng trào nước mắt”, sống chân thành, thủy chung bè bạn: “Tình đồng môn có khi hơn cả tình đồng tộc”, hiếu thảo vô cùng với mẹ cha và biết lo lắng, thương yêu em rất mực... Chỉ một chi tiết rất bình thường trong BSX, người đọc cũng nhận ra sự chín chắn, sớm trưởng thành ở cậu bé còn trong tuổi đánh khăng, đánh đáo này: “Con con có thèm chè ngọt cha ạ. Nhưng con nỏ thích ăn ở dọc đường mô. Về nhà mệ nấu chè cho con ăn, thích hơn”. Những tháng năm vào đời trên đất Hình tượng Bác Hồ trong 109 cảng Sài Gòn, “làm việc gò xương sống, vẹo xương sườn, mà còn bị đòn roi, đá đít, bạt tai chẳng khác gì thân trâu ngựa”, tình yêu đầu đời đã chớm nở ở Thành, bất chấp sự thù địch, khắc nghiệt của hoàn cảnh không “hơn kiếp con vật là bao nhiêu”. Điều đó bộc lộ rất rõ qua những câu nói nghẹn ngào với Út Huệ: “Tôi không ở đây nữa Mai sớm, tôi đi xa”, qua tâm trạng của chàng trai xứ Nghệ khi con tàu sắp rời Bến Nhà Rồng: “Anh Ba bất chợt nhìn Út Huệ, nhìn con tàu. Anh rùng mình. Một luồng giá lạnh từ đỉnh đầu xuống gan bàn chân như phân chia con người anh làm hai”. Sự song hành, hòa quyện giữa hai phẩm chất bình thường - phi thường đó, nói như nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, là “điều đáng quý” ở nhân vật. Nhờ vậy mà Côn (cũng như Nguyễn Tất Thành sau này) luôn có được một phong thái đặc biệt: hòa vào mọi lớp người mà vẫn không lẫn. Trong Cha và con (CVC)4 của Hồ Phương, cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Côn như khôn trước tuổi. Những suy nghĩ của cậu thể hiện sự chững chạc, giàu lòng nhân ái, sớm có những trở trăn rất người lớn: "Trong đêm nghe tiếng khóc từ xa vọng lại, nghe rất não nề, ai oán. Côn ngồi lặng đi... Tiếng khóc xé ruột kia đã làm cho cậu rối cả tâm can. Cậu nằm bên bà, mắt cứ chong chong gần như suốt đêm. Đó chính là tiếng khóc của những bà, những chị có chồng, có con bị bắt đi phu”. Đi xem cải lương, nhìn cô gái sắm vai Kiều Nguyệt Nga hao hao như Phượng Quý, bao hình ảnh của những ngày tháng ở Huế hiện về vẹn nguyên, sống động trong lòng cậu: "Ôi, tưởng đã quên... Phải, tưởng rằng đã quên... Cả một trời Dương Nổ và Huế bỗng như oà mở trên đầu, trước mặt Côn với biết bao kỉ niệm ngọt bùi xưa kia với cha, mẹ, với anh Khiêm,... và tất cả các bạn khác nữa, mà trong đó hiển nhiên không thể thiếu Phượng Quý... Phượng Quý ơi, bây giờ bạn ở đâu, đang làm gì? Cha ơi, lúc này cha đang sống trong mọi nỗi buồn đau khổ - con biết - nhưng cha đang ở đâu, còn ở Huế hoặc họ đã đuổi khéo cha đi khỏi kinh thành?" Sự phối kết giữa ngôn ngữ đối thoại và độc thoại, việc sử dụng lăng kính đời thường để tái hiện chân dung nhân vật là một nét độc đáo trong bút pháp trần thuật của tiểu thuyết thiếu nhi đương đại, một tiếng nói đa thanh, cởi mở, dân chủ của văn xuôi thời Đổi mới. Cũng với BSX, BSV, Sơn Tùng đã làm mới một quan niệm đã có từ trước: Nhân cách, tương lai con người được hình thành từ một nền tảng 4 Hồ Phương (2007), Cha và Con, Nxb. Kim Đồng, Hà Nội. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 3/2011 110 vững vàng. Nền tảng ấy chính là gia đình, dòng tộc và môi trường văn hóa - lịch sử in hằn dấu ấn thời đại. Một thiên bẩm không phải ở một thế giới xa xôi huyền bí nào mà từ trong nòi giống của các bậc hiền tài ấy tạo thành; rồi sớm được nuôi dưỡng, dạy dỗ, lớn lên có chí học, chí hành mới thành vĩ nhân được. Nguyễn Sinh Côn là minh chứng sinh động cho quan niệm này. Cậu bé ấy được sinh ra trong một gia đình “vừa có gia phong, vừa có gia giáo”, “giàu chữ lại giàu cả nhân đức nữa”, “có một nếp sống thanh cao và trí tuệ”. Mẹ cậu - người phụ nữ “thảo hiền, thương người như thể thương thân. Có một miếng ăn ngon, bà cũng bớt ra chia sớt với bà con láng giềng. Ai đứt bữa, ai tối lửa tắt đèn, bà chìa tay giúp đỡ trong tình lá lành đùm lá rách” - luôn lấy câu “giấy rách giữ lấy lề” để khuyên dạy con mình: “Từ trước tới giờ mẹ tôi không cho anh em tôi nhận bất cứ món quà nào dầu nhiều dầu ít của ai khi chưa được cha mẹ cho phép”. Ông Nguyễn Sinh Sắc, cha Côn, là một người nghiêm khắc mà độ lượng: “Ái chi năng vật lao hồ. Đôn hậu dĩ sùng lễ” (yêu con há lẽ không hướng cho con biết chịu khó, biết làm dày nền phúc và tôn trọng điều lễ). Sớm nhận ra những điều đáng quý ở con mình nên ông đã hết lòng “chú ý rèn cho Côn sớm phát triển thiên tư”, “dưỡng tử giáo độc thư, thư trung hữu kim ngọc” (nuôi con phải biết dạy con đọc sách, vì trong sách có vàng ngọc), “chuyên tâm cho việc dạy cháu Côn học với trọng trách: dưỡng tinh súc nhuệ” (nuôi dưỡng sự tinh anh, dùi mài nhuệ khí để rồi gánh vác việc lớn). Ông cũng là người luôn luôn tâm niệm “phải tạc ngay vào tâm trí các con những bức tranh lịch sử bi tráng của quê hương, của đất nước ở cái thời mà ta chứng kiến, ta nghe, ta lượm lặt gom góp được” để khơi gợi ở con trẻ tình cảm và trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc. Chính gia đình là khởi thủy tạo nên tính cách của mỗi người, đã tạo khắc vào con người những nguyên tắc đầu tiên của cuộc đời. Tinh hoa gia đình thanh cao và cả cái dấu ấn dân tộc hào hùng đã hợp thành dưỡng chất nuôi lớn nhân cách của Bác ngay từ thuở còn thơ. Đây cũng chính là một chủ ý của các tác giả nhằm tô đậm quan niệm rất mới mẻ nhưng cũng rất xưa cũ của văn hóa, văn học dân tộc: vĩ nhân, bên cạnh những điều phi thường, cũng chính là một con người bằng xương bằng thịt, được kết tinh từ truyền thống gia đình, tình làng nghĩa xóm, sức mạnh cộng đồng và thời đại. Tương tự như thế, Hồ Phương, trong CVC, cũng đã dành nhiều trang viết tâm huyết, sắc sảo để làm nổi bật vai trò, sự ảnh hưởng tích cực của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong quá trình bồi đắp, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của cậu bé Côn để hình thành nhân cách, lí tưởng, bản Hình tượng Bác Hồ trong 111 lĩnh chính trị ở Nguyễn Tất Thành sau này. Xuất phát từ một quan niệm rất mới mẻ: Nghĩa vụ của đấng sinh thành chủ yếu là dẫn đường, nâng đỡ chứ không bao giờ để con cái phải biến thành cái cây bị còi cọc, cớm nắng vì cái bóng của mình, nên cách rèn cặp con cái của ông cũng rất hiện đại so với đương thời - chú trọng giáo dục thực tiễn thay vì dùng hình phạt để bắt buộc trẻ phải suốt ngày nấu sử sôi kinh. Những buổi đàm đạo chuyện văn chương, thế sự với các văn nhân, chí sĩ yêu nước, ông thường cho con hầu trà, hầu rượu rồi gợi ý để Côn bàn thảo về quan điểm của họ, qua đó bộc lộ cái chí, tâm và trí của mình. Những chuyến “tháp tùng” cha đi dạy học và giao du, thăm viếng nhiều nơi, bằng nhiều phương tiện khác nhau cũng đã có tác dụng rất lớn trong việc mở mang tầm nhìn và sức nghĩ ở Côn. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã từng nói: "Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền đất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền - như là chỉ nhìn thấy cái ngọn mà không nhìn thấy cái gốc"5. Tâm đắc với lời dạy của Người, trong các sáng tác của mình, Sơn Tùng và Hồ Phương đã mang lại cho người đọc một quan niệm, một cái nhìn khá mới mẻ: Con người là sự tổng hòa của nhiều phương diện, nhiều mối quan hệ xã hội. Chú trọng mặt này hay hạ thấp mặt kia cũng tạo ra sự bất cập, thiếu toàn diện trong chân dung một nhân cách lớn - đặc biệt là nhân cách Con - Người - Vĩ - Nhân như Hồ Chí Minh. “Khi Bác là một tượng đài cao ngất giữa non sông đất nước, thì tuổi thơ trong sáng của Người chính là cái nền. Khi Bác là một ngọn cờ vời vợi giữa bầu trời bao la, thì tuổi thơ trong sáng của Người chính là cái gốc. Khi Hồ Chủ tịch là một biển cả mênh mông của tình yêu con người, thì chính vì thời niên thiếu của Bác đã hội tụ biết bao tinh hoa của Dân tộc”6. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nguyên tắc hư cấu, sáng tạo - đặc quyền của nghệ thuật ngôn từ - với tinh thần tôn trọng tối đa sự thật lịch sử khi khắc chạm hình tượng nhân vật trung tâm Nguyễn Sinh Côn - Nguyễn Tất Thành đã đem lại những đổi mới thực sự tích cực trong quan niệm nghệ thuật về con người của cả ba tiểu thuyết. Điều đó vừa cho thấy sự cách tân, bức phá trong tư duy nghệ thuật cùng kĩ thuật viết cho thiếu nhi của văn xuôi đương đại, vừa khẳng định tình cảm, trách nhiệm 5 Hồ Chí Minh: Tuyển tập, TậpII, trang 480. 6 Lời bàn của Đào Phan trong Bông sen vàng, Sđd, trang 319. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 3/2011 112 của nhà văn đối với độc giả tuổi bé. Lời của nhân vật Đào Tấn cũng chính là tôn chỉ của Sơn Tùng khi xây dựng hình tượng Bác Hồ thời niên thiếu xuyên suốt hai tác phẩm BSX, BSV: “Tôi đã viết ra nhân vật, tôi phải có bổn phận với nhân vật của tôi”. Cách làm tập thể của tác giả trong quá trình viết BSV đã phần nào cho thấy điều ấy: Lần dò từ Nghệ An ra Hà Nội, rồi vào Huế và Phan Thiết, cho đến cả Sài Gòn trước và sau giải phóng, để tìm tòi các nhân chứng trực tiếp hoặc gián tiếp biết thời niên thiếu của Bác. Chính trách nhiệm trước lịch sử, trách nhiệm với những đứa con tinh thần của mình ở người viết đã một lần nữa khẳng định quyết tâm khám phá chân lí cuộc sống, đặc biệt là những mê cung vi tế thuộc về con người. Đây là một nhân tố tích cực góp phần thúc đẩy sự cất cánh của văn học thiếu nhi hôm nay bởi nó tỏ ra thích ứng với sự thay đổi trong nhu cầu cũng như thị hiếu tiếp nhận của bạn đọc. Dẫu cùng có một mục tiêu chung là tạo cho người đọc một cái nhìn mới mẻ nhưng cũng đầy trân trọng, yêu kính lãnh tụ, nhưng mỗi nhà văn lại lựa chọn một cách đặt vấn đề, cách tái tạo hình tượng không hoàn toàn giống nhau. BSX tái hiện lại tuổi trẻ của Bác qua cả ba giai đoạn; mỗi giai đoạn đều có một cái kết giàu tính chất “tiên cảm”: Khép lại “Thời thơ ấu” là “tiếng gió hú trên núi. Mọi người đăm đăm nhìn theo bóng Phan Bội Châu đang rảo bước trên con đường mịt mù mưa gió”; với “Thời niên thiếu” là hình ảnh “những áng mây nhuộm nắng ban mai bay ra biển xa xăm” và “Tuổi hai mươi” là cuộc chia tay trên Bến Nhà Rồng với tình yêu thầm kín và lòng mong mỏi của người con gái Sài Gòn – Út Huệ, gương mặt người thương và cả khuôn mặt Việt Nam “choán choáng lấy trái tim anh!” Trọng tâm của BSV là viết về thời niên thiếu của Bác ở Huế. CVC tập trung vào khoảng thời gian gia đình ông Sắc dắt díu nhau vào Huế lần hai, khi ấy Côn đã 13 tuổi và bắt đầu được gọi bằng cái tên Nguyễn Tất Thành. Chính nơi này Bác đã có một tuổi thơ êm đềm, nhưng cũng không ít chấn động với liên tiếp hai cái tang của mẹ và em trai. Nếu BSV khẳng định sâu sắc thêm một quy luật từng hé mở trong BSX: Nhân cách hình thành từ tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Côn chính là "cái gốc" đầy nhân bản cho cốt cách thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, thì Hồ Phương quan niệm: "Tôi cố gắng viết sao cho người đọc không có cảm giác Bác Hồ như thần thánh từ lúc còn là trẻ thơ”. Tác giả CVC từng tâm sự: "Tôi không đến nỗi quá ngần ngại là đã có nhiều người viết về Bác. Bởi cứ nghĩ: trong văn chương, mỗi người đều có những suy nghĩ riêng và những rung động cùng những sáng tạo nghệ thuật riêng. Mọi sự trùng lặp về tài liệu không bao giờ có Hình tượng Bác Hồ trong 113 thể giết chết được cảm hứng cùng những khám phá hoặc phá bỏ những cái nhìn khác nhau của tác giả". Sự cảm phục, nhưng không lí tưởng hoá lãnh tụ dân tộc đã giúp các tác giả tái hiện sinh động hình tượng, làm cho người đọc nhớ đến Bác, gần gũi thêm với Bác với một cảm xúc trong sáng, rất người. Nhờ quan niệm và phong cách khác nhau như thế, hình tượng Bác Hồ kính yêu đã được nhìn nhận từ nhiều chiều nên khá toàn vẹn, sinh động, hấp dẫn... 2. Những cách tân trong lựa chọn và thể hiện các chi tiết nghệ thuật Chi tiết là điểm tựa của thế giới hình tượng ngôn từ, nhất là những sáng tác thuộc thể loại tự sự. Chọn được những chi tiết đắc địa sẽ là điều kiện để tác phẩm “bám” được trong tâm trí người đọc. Với văn học cho thiếu nhi, chi tiết càng mới mẻ, hấp dẫn càng có tác dụng kích thích hứng thú của trẻ. Hiểu rõ điều đó, trong ba tiểu thuyết của mình, Sơn Tùng và Hồ Phương đã rất dụng công tìm kiếm, tạo dựng hệ thống chi tiết giàu tính thẩm mĩ, nhiều ám gợi. Đọc BSX, BSV, CVC, có một chi tiết ám ảnh không dứt tâm trí người đọc, gợi ra ở họ nhiều liên tưởng, suy ngẫm mới lạ, đó là đôi mắt của cậu bé Nguyễn Sinh Côn và sau này là người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Không hẹn mà gặp, cả hai tác giả khi khắc chạm hình tượng Bác Hồ thời niên thiếu đều chú trọng đặc tả đôi mắt để từ đó hé lộ dần thế giới nội tâm đằng sau “cửa sổ tâm hồn” của nhân vật - đôi mắt bừng sáng một nhân cách vĩ đại: “Muốn hiểu lòng dạ người con gái thì hãy ngắm miệng lúc cô ta cười. Muốn biết người con trai có chí lớn thì nhìn vào đôi mắt lúc anh ta bắt gặp sự bất ngờ... Cháu Côn có đôi mắt ấy” (BSV). Trong tiểu thuyết của Sơn Tùng, đôi mắt cậu bé Côn nói với chúng ta rất nhiều điều trong thinh lặng, bởi nó là tổng hòa nhiều sắc độ tình cảm: khi mơ màng lắng cả tâm hồn ngây thơ vào câu chuyện cha kể, đẫm lệ khi đọc sách Nhị thập tứ hiếu, nghẹn ngào khi cầm tờ Chiếu Cần Vương với sự cảm phục vô bờ vị vua (Hàm Nghi) tuổi nhỏ mà phải sớm gánh vác trọng trách giang sơn. Đó cũng là một ánh mắt nảy lửa vì căm thù thực dân xâm lược, vì uất hận trước sự hèn nhược của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Đôi mắt ấy đẹp hơn hẳn qua lời nhận xét của các bậc tiền bối: "Cháu có đôi mắt hội hoạ ... Cháu có đôi mắt tinh tường vô cùng". Nói như thầy giáo Lê Văn Miến trong BSX - một người thầy mà Thành luôn kính vì đức, trọng vì tài – thì anh là con người “hiền đức tại tâm, anh hoa tại mục” (đức lớn ở lòng, sự thông minh hiện lên trong mắt). Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 3/2011 114 Với CVC, Hồ Phương lại chú trọng sự song hành giữa sáng mắt - sáng lòng của người thiếu niên chí lớn trên những dặm đường thiên lí cùng cha. Thành đã có sự thay đổi, trưởng thành trong cách nhìn, cách nghĩ: "Có nhiều người ghét Tây, nhưng cũng có những kẻ... mang ơn Tây". Cũng qua những chuyến đi ấy, càng ngày Thành càng thấy dân ta đã, đang và sẽ còn chịu nhiều khổ cực một khi chưa đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược. Thực chất của cái chính sách “khai hóa” đầy mị dân, thâm độc của thực dân Pháp cũng không thể nào vượt qua được đôi mắt tinh tường của anh. Ngoài sự chăm chuốt đặc tả ngoại hình, hành động, ở BSX, Sơn Tùng còn hướng sự chú ý đến các chi tiết của không gian tâm trạng để làm nổi bật mối tương cảm giữa vạn vật, đất trời với lòng người: ngày bà ngoại mất, “một đám mây như dải băng trắng trôi qua ngọn núi Độc Lôi, che khuất mặt trời. Bóng râm trùm xuống một vùng xâm xẩm tối”. Ngày hoàng triều có biến, “hai anh em ngồi thẫn thờ nhìn về cổ thành. Nắng quái chiều hôm trắng nhợt vắt dài trên lầu Ngũ Phụng như một dải băng tang”. Đó còn là điệp âm của tiếng chim quốc: day dứt trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, khắc khoải trong đêm hè lặng vắng, buồn bã, tê tái cùng lữ khách trên những dặm dài gió bụi. Tiếng chim như nỗi lòng đau nước, thương nhà của muôn dân nô lệ, trong đó có trái tim nhạy cảm của cậu bé Côn. Đặc biệt là chi tiết giàu tính biểu trưng, nhiều hàm nghĩa gắn với nhan đề tác phẩm: Búp sen xanh. Hương sen ngào ngạt ngày bé Côn cất tiếng khóc chào đời. Sen hiện diện “giữa đất trời khô cháy bao la”, “làm dịu bầu nóng hạ”. Sen - món quà đầu đời mà người anh Nguyễn Sinh Khiêm “nói chệch âm vì chưa thật rõ tiếng” dành tặng cho em bằng cả tấm lòng mình. Sen theo Côn vào những giấc ngủ trẻ thơ, là tặng vật “ngan ngát quê hương” của người bạn đầu trần chân đất với niềm mong mỏi “Côn mang theo để nhớ hương sen quê nhà”. Sen cũng gắn với những rung động đầu đời trong sáng, đẹp đẽ, rất đỗi con người của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành những ngày tháng “đời thợ” ở Bến Nhà Rồng: “Anh Ba mở choàng mắt. Bất chợt anh có cảm giác gương mặt Út Huệ như một búp sen từ đầm sen quê nhà hiện lên”; “Gương mặt người con gái Sài Gòn chập chờn trước mắt anh như một búp sen quê hương”. Hình ảnh hoa sen, hương sen hiện diện suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, trong những không - thời gian khác nhau đã góp phần đắc lực thể hiện nhân cách, lí tưởng của nhân vật: một người con luôn gắn với nguồn cội dân tộc, lắng đọng trong mình bao tinh chất của truyền thống cha ông. Hình tượng Bác Hồ trong 115 Đó chính là sức mạnh tinh thần để nhân vật “đứng vững dáng Con Người giữa cuộc đời khổ ải”. 3. Đặc sắc của hình tượng nhân vật từ chất liệu ngôn từ Xuất phát từ mục đích làm nổi rõ mối liên hệ giữa sự hình thành, hoàn thiện nhân cách một vĩ nhân với cội nguồn dân tộc như đã nói ở trên, trong cả ba tiểu thuyết, Sơn Tùng và Hồ Phương đã chủ động khai thác thế mạnh của ngôn ngữ dân gian để khắc họa tính cách nhân vật. Sự gia tăng chất liệu văn học bình dân như một thủ pháp “lắp ghép” nhuần nhuyễn vào cấu trúc tác phẩm là một cách tân đáng ghi nhận của người viết. Trải dài trên một không gian rộng lớn suốt từ Bắc chí Nam, bằng vốn sống dồi dào của một người từng trải, tác giả CVC đã tái hiện sinh động, nhuần nhuyễn ảnh hưởng qua lại giữa quá trình trưởng thành của nhân vật trung tâm Nguyễn Sinh Côn - Nguyễn Tất Thành với cái nôi văn hóa của mỗi vùng miền, đặc biệt là lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán của nhiều tầng lớp người khác nhau. Với BSX, BSV, tần suất những sáng tác văn học truyền miệng khá cao và thực sự phát huy lợi điểm của chúng. Có những câu tục ngữ, ca dao được sử dụng nguyên văn: “Sinh con sáng dạ làu làu - Nhớ mẹ ngày trước chăm lau đĩa đèn”, “Sinh con quý tử khó nuôi - Trồng cây ngon trái lắm người lăm le”, “Nhà có phúc sinh con giỏi lội - Nhà có tội sinh con hay trèo”, “Con dại cái mang”, “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “Rồng chầu ngoài Huế - Ngựa tế Đồng Nai - Nước sông trong sao lại chảy hoài - Thương người nho sĩ lạc loài đến đây”, (BSX); “Oan hồn thì hồn hiện”, “Nghe như vịt nghe sấm”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ vét lá đầu đường”, “Bao giờ bánh đúc có xương - Bao giờ mẹ ghẻ lại thương con chồng”, “Cha già con cọc”, “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”, “Dẫu thơm dẫu đẹp hoa lài - Đàn bà con gái chớ cài lên khăn”, “Người hiền nuôi sói hóa nai - Người ác nuôi thỏ lại lai lợn lòi”, “Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một bệnh”, “Đưa con vô Nội mất con - Phò mã tốt áo chẳng còn cố tri”, (BSV). Có trường hợp được tái tạo lại, dưới dạng lời dẫn gián tiếp - một thành phần trong đối thoại của nhân vật: “Chúc cháu đi được trơn bọt ngọt lạch, chân cứng đá mềm” (BSX); “Con nòi của giống, ông cha nói nỏ có sai”, “Cậu là con nhà khoa bảng, con nhà thầy, nhà quan mà đến nhà tui, phận bần hàn ni là rồng đến nhà tôm”, “Anh em mình nhỏ đầu nên dễ chui, hai anh nhể”, “Con phải nhớ câu: “Nhịn miệng thết khách”. Không ai lại làm cái việc: “Đãi khách nhẹ dầu tăm, mình ăn gắp nặng đũa”. Những kẻ vô tâm mới cắm đầu ăn cho Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 3/2011 116 no bụng mình chẳng nghĩ đến phần ai. Nhà mình tuy ít của, nhưng biết có miếng ăn chia cho đều, có cái tình thì thương cho khắp. Của ăn thì hết, của cho thì còn. Con nhớ kĩ cái điều ấy” (BSV) Có trường hợp nôm na, chân mộc, nhưng cũng không ít phát ngôn rất hàm súc, thâm thúy của người tài cao, học rộng: “Ẩm thủy tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn), “Hữu chí giả, sự cánh thành” (người có chí thì việc ắt sẽ nên). Có câu dẫn ra để minh định, đồng tình, nhưng cũng có lúc nó là nguyên cớ cho sự tranh biện, bộc lộ chính kiến: “Mẹ ơi, cái tục lệ coi bông hoa lài như cô gái không đứng đắn, nó thế nào ấy? Lại còn gán cho những người đàn bà con gái cài hoa lài lên khăn cho thơm cũng bị coi là người hư hỏng? Sao các cụ, các thầy lại thích uống trà ướp hoa lài? Ồ! Tục lệ ấy ngẫm thấy không hay mà còn dở nữa mẹ ạ” (BSV). Những đại diện ưu tú của văn học truyền khẩu này vẫn tồn tại đẳng lập với vốn ngôn từ uyên thâm của Nho gia cũng như ngôn ngữ sắc cạnh, mới mẻ của đời sống hiện đại. Chất dân gian đan xen một cách hợp lí, đúng lúc, với dung lượng vừa phải góp phần thể hiện rõ tính cách nhân vật, khẳng định căn cốt của sự hình thành tư cách và phẩm giá con người phải từ cội nguồn truyền thống. Người đọc cũng dễ nhận thấy quan niệm nghệ thuật tiến bộ của tác giả: Con người, nhất là những bậc vĩ nhân, luôn là sự lắng kết tinh hoa văn hóa cộng đồng; đó là điểm tựa của niềm tin, của lẽ sống, của lí tưởng... Nhờ vậy, lúc nào, ở đâu trong tâm hồn họ cũng hiện diện rõ ràng một gương mặt đất nước, quê hương. Nguyên nhân thành công của kĩ thuật hòa phối tinh diệu các phong cách ngôn ngữ này là bởi cả nhân vật lẫn người viết “luôn luôn gần người biết đi dưới ánh sáng của nhân dân” (BSV). Chính vì thế, tính giáo dục được nâng lên một mức cao hơn nhưng vẫn rất dung dị, phù hợp với tầm đón nhận của người đọc. Sự hiện diện lớp ngôn ngữ truyền thống đã tạo ra những thay đổi rất lớn về mặt kết cấu, cốt truyện. Trong BSX, bên cạnh hệ thống tục ngữ, ca dao nói trên, Sơn Tùng còn đưa vào không ít những truyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết dân gian (Thạch Sanh, Mị Châu - Trọng Thủy, Tống Trân Cúc Hoa, Lạc Long Quân và Âu Cơ, Truyền thuyết Tướng cụt đầu,), những câu hát ru, những bài đồng dao của trẻ con. Ở BSV, mạch truyện giãn nở, khi ra xa, lúc về gần nhờ hàng loạt những câu chuyện, những huyền tích: sự tích Chử Đồng Tử, các tích trong Tả truyện, những bài vè dân gian, những câu đồng dao ngộ nghĩnh, những điệu hành vân, điệu hò mái nhì man mác v.v Đây cũng là nhân tố để tác giả tô đậm Hình tượng Bác Hồ trong 117 tính cách của cậu bé Nguyễn Sinh Côn: Một con người luôn khát khao học hỏi, ham hiểu biết, một nhân cách lớn được bồi đắp nên bằng chính dưỡng chất của nguồn cội dân tộc. * * * Tiến trình văn học Việt Nam sau năm 1975 nói chung, tiểu thuyết cho thiếu nhi nói riêng, thể hiện rất rõ quy luật kế thừa và cách tân của hoạt động sáng tác văn hóa nghệ thuật. Quy luật này cho thấy sự chủ động, sáng tạo cùng ý thức trách nhiệm của nhà văn khi tiếp cận những mảng hiện thực đã cũ hoặc khá nhạy cảm với quyết tâm bổ sung, làm mới thành tựu văn học dân tộc. Tìm sự mới lạ dâng hiến độc giả nhỏ tuổi qua đề tài Bác Hồ - một đề tài không còn nhiều tính thời sự, lại đã có không ít những thành tựu được ghi nhận, để các em càng kính yêu, càng thấy gần gũi hơn với Bác là một sự dũng cảm giàu tính nhân văn và rất đáng trân trọng của người viết. Khác với các sáng tác giai đoạn trước, tiểu thuyết viết về Bác Hồ cho thiếu nhi hơn ba thập kỉ qua đã tiếp cận hình tượng nhân vật trong sự đa dạng, phong phú về tâm lí, tính cách. Vượt lên những khuôn mẫu, lối mòn công thức, nhà văn nhìn nhận và khai thác mọi vấn đề trong chiều sâu mới, chân thực, toàn diện, khách quan hơn. Không chỉ hướng tới những vấn đề có ý nghĩa lớn lao như lịch sử, cộng đồng, người viết còn quan tâm nhiều hơn đến từng biểu hiện chân thực, sinh động của thế giới nội tâm, chú trọng cả những cái bình thường lẫn phi thường trong nhân cách của Bác thuở thiếu thời. Chính quan niệm con người đời thường - thế tục đã góp phần đắc lực để đổi mới thi pháp, mang lại chất văn xuôi - một phẩm chất tiêu biểu của truyện đương đại, tạo ra sự cộng hưởng giữa chức năng giáo dục và chức năng thẩm mĩ của văn học dành cho trẻ em hôm nay. Sức hấp dẫn của các tiểu thuyết này không chỉ là do bút pháp phác họa hình tượng theo lối tả thực cổ điển hay dày công tạo dựng một cốt truyện chỉn chu, giàu kịch tính mà còn là vì chúng đã lí giải một cách thuyết phục mối quan hệ giữa cội nguồn truyền thống với sự hình thành bản lĩnh, nhân cách, vẻ đẹp tâm hồn Bác ngay từ thời thơ trẻ; nhờ thế đã tạo nên những rung động sâu xa, bền vững nơi bạn đọc xuất phát từ những nhận thức, tình cảm và trách nhiệm đúng đắn, tích cực đối với cha ông, Tổ quốc mình./.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf32139_107785_1_pb_4785_2012738.pdf
Tài liệu liên quan