Giới thiệu Ngô Thì Sĩ và tác phẩm Khuê ai lục

A. Phần I: Ngô Thì Sĩ (吳時士; 1726-1780), tự: Thế Lộc, hiệu: Ngọ Phong (午風), đạo hiệu: Nhị Thanh cư sĩ [1]. Ông là nhà sử học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở thế kỷ 18 tại Việt Nam; được Phan Huy Chú đánh giá là người có "học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ cho tông phái nho gia, là một đại gia ở Nam Châu"[2]. I. Tiểu sử: Ngô Thì Sĩ sinh ngày 20 tháng 9 năm Bính Ngọ (15 tháng 10 năm 1726) tại làng Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (sau thuộc tỉnh Hà Đông, và nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội). Ông sinh ra trong một dòng họ lớn [3] ở làng, có nhiều người nổi tiếng hay chữ . Ông nội ông là Ngô Trân, hiệu Đan Nhạc, là một người nổi tiếng về sức học uyên bác và tài văn chương, được người đương thời liệt là một trong "bảy con hổ của kinh thành Thăng Long" (Trường An thất hổ).

doc11 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2142 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giới thiệu Ngô Thì Sĩ và tác phẩm Khuê ai lục, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Giới thiệu Ngô Thì Sĩ và tác phẩm Khuê ai lục *Bùi Thụy Đào Nguyện, soạn. A. Phần I: Ngô Thì Sĩ (吳時士; 1726-1780), tự: Thế Lộc, hiệu: Ngọ Phong (午風), đạo hiệu: Nhị Thanh cư sĩ [1]. Ông là nhà sử học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở thế kỷ 18 tại Việt Nam; được Phan Huy Chú đánh giá là người có "học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ cho tông phái nho gia, là một đại gia ở Nam Châu"[2]. I. Tiểu sử: Ngô Thì Sĩ sinh ngày 20 tháng 9 năm Bính Ngọ (15 tháng 10 năm 1726) tại làng Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (sau thuộc tỉnh Hà Đông, và nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội). Ông sinh ra trong một dòng họ lớn [3] ở làng, có nhiều người nổi tiếng hay chữ... Ông nội ông là Ngô Trân, hiệu Đan Nhạc, là một người nổi tiếng về sức học uyên bác và tài văn chương, được người đương thời liệt là một trong "bảy con hổ của kinh thành Thăng Long" (Trường An thất hổ). Ông là con trưởng Ngô Thì Ức, cũng nổi tiếng hay chữ. Năm 14 tuổi, ông Ức đỗ thứ hai kỳ thi Hương nhưng sau đó hỏng liền hai khoa thi Hội, nên không để chí vào khoa cử nữa. Khi Ngô Thì Sĩ lên 10 tuổi, thì ông Ức mất. Từ 7 đến 11 tuổi, Ngô Thì Sĩ được ông nội rèn dạy. Sau đó, ông được cho ra Thăng Long theo học các bậc danh nho như Nghiêm Bá Đĩnh, Nhữ Đình Toản[4]. Năm Quý Hợi (1743), Ngô Thì Sĩ thi đỗ Hương tiến (Cử nhân), nhưng bị hỏng khoa thi Hội ngay sau đó. Năm 1752, Ngô Thì Sĩ lại đi thi Hội, nhưng bị khảo quan Trần Tố đánh hỏng (vì “nhầm”)[5]. Chúa Trịnh Doanh rất tiếc, truất chức của Trần Tố và trao cho Ngô Thì Sĩ chức Thiêm tri Công phiên thẩm ứng vụ (trước đó ông giữ một chức nhỏ trong Binh tào). Năm 1756 nhân đỗ đầu một kỳ thi tuyển người, Ngô Thì Sĩ trở thành một thành viên trong Văn ban của phủ chúa Trịnh, được giao trách nhiệm soạn thảo giấy tờ, và làm Tùy giảng cho con chúa là Thế tử Trịnh Sâm. Năm 1761, ông được sai làm “bạn tiếp” tiếp sứ nhà Thanh sang sắc phong và điếu tang Lê Ý Tông. Năm 1763, ông được cử làm Cấp sự trung công khoa. Năm 1764, ông làm Giám sát ngự sử đạo Sơn Tây, rồi Đốc đồng Thái Nguyên (1765). Năm Bính Tuất (1766), đời Cảnh Hưng, ông thi đỗ Hoàng giáp, năm sau (1767), được thăng Đông các hiệu thư rồi đổi làm Hiến sát sứ Thanh Hoa (tức Thanh Hóa). Khi ở đây, ông khai thác núi Bàn A dựng chòi xem sóng biển và lập hội Quan lan sào, tự mình làm hội trưởng. Năm 1769, ông được về triều; năm sau (1770), làm Tham chính Nghệ An. Năm 1771, ông coi việc chấm thi ở trường thi Nghệ An, bị Nguyễn Văn Chu, người ở Hà Tĩnh kiện vì ăn của đút của học trò, bị án “hoàn dân thụ dịch” (nghĩa là trả về làm dân chịu sai dịch) vào năm 1772 [6]. Năm 1774, chúa Trịnh Sâm đi tuần phương Nam, biết ông bị oan, mới có ý cất dùng. Năm 1775, cho triệu ông vào kinh giữ chức Hiệu lý Viện Hàn lâm kiêm Hiệu chính quốc sử, sau đó thăng Thiêm đô ngự sử. Năm 1777, ông được bổ làm Đốc trấn Lạng Sơn. Trong thời gian ở đây, sau khi ổn định được tình hình địa phương, giúp dân an cư, ông đặt doanh Lộc Mã, dựng đình Kinh lược, sửa sang động Song Tiên, khai thác động Nhị Thanh làm cho nó trở thành một thắng tích. Cuối năm Canh Tý (1780), ông mất ở nơi đó, lúc 54 tuổi. Ngô Thì Sĩ là cha của các danh sĩ: Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hương và là cha vợ của Phan Huy Ích. II. Tác phẩm: *Sử học Việt sử tiêu án (Những nghi án nêu lên trong sử Việt) Đại Việt sử ký tiền biên Đại Việt sử ký tục biên (soạn chung) *Văn học Anh ngôn thi tập (Tập thơ chim vẹt học nói), quyển thượng và quyển hạ Anh ngôn phú tập (Tập phú chim vẹt học nói) Quan lan thi tập (Tập thơ xem sóng) Nhị thanh động tập (Tập thơ làm ở động Nhị Thanh) Khuê ai lục (Ghi nỗi buồn đau về chuyện phòng khuê) Ngọ phong văn tập (Tập văn Ngọ phong), quyển nhất và quyển nhị Hậu hiệu tần thi tập Bảo chương hoằng mô Sách chế khải tập Khoa sớ tập biên Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, ông còn có Hải Dương chí lược (hay Hải Đông chí lược). III. Trích đánh giá: Phan Huy Chú: Tổ tiên (ông) trước mấy đời theo nghiệp Nho. Lúc trẻ ông sẵn nề nếp gia đình, càng chăm học; do văn chương mà được nổi tiếng. Trong cuộc tuyển cử để lấy người, ông được đứng đầu, rất được Nghị tổ (Trịnh Doanh) yêu và chú ý...Nhà vốn nghèo mà chí không nhụt. Ông có bài văn trách ma nghèo... Lúc tạm giữ chức Thiêm đô ngự sử, ông có điều trần 4 việc: Xin định rõ phép khảo xét (các quan), xin sửa sang luật lệ kiện tụng, xin truy tôn bậc tiên nho, xin sửa lại thể thức làm văn. Ông lại điều trần về việc binh, việc dân, chúa đều khen ngợi và nghe lời. Qua một tháng, ông được sai ra trấn Lạng Sơn. Bấy giờ hạt Lạng Sơn đói vì mất mùa, dân 7 châu phần nhiều đi nơi khác và chết đói ngoài đường. Khi ông đến, tìm cách cấp cứu. Rồi chiêu dụ dân lưu tán về khai khẩn ruộng hoang, tự mình đôn đốc việc cày bừa để khuyến khích dân biên giới. Đến vụ gặt mùa lúa tốt lắm. Do đó trộm giặc tiêu tan, trong hạt yên ổn. Khi việc tuần phòng rỗi rãi, ông lại nhởn nhơ nơi núi khe, tìm chốn thanh u, dò nơi hiểm trở, không có chỗ nào ông không đến. Ở phía Bắc trấn thành cách sông, ông mở mang động Nhị Thanh làm cảnh trí rất lạ. Khi việc quan thong thả ông thả thuyền tới động, leo lên bậc đá ngâm thơ, uống rượu; thật là hứng thú, phóng khoáng... Trần Thị Băng Thanh: Ngô Thì Sĩ vốn là một người hăng hái làm việc. Ông thấu được rằng quyền lợi kẻ ăn lộc nước gắn bó mật thiết với cuộc sống yên lành của "dân đen"...Ngô Thì Sĩ cũng là người đưa ra nhiều dự án, đề nghị sửa đổi về các mặt: thuế khoá khai hoang, chỉnh đốn văn thể, thay đổi chính sách, chấn chỉnh các cấp quan liêu...Ông mong muốn "vua làm hết phận vua, tôi làm hết phận tôi" để cứu vãn tình trạng bê bối của xã hội Bắc Hà đương thời, nhưng rất tiếc ở hoàn cảnh ấy, ý muốn hay tài năng một cá nhân không dễ gì xoay chuyển nổi cục diện... Là một chính khách, một quan chức, nhưng bên cạnh đó, ở Ngô Thì Sĩ còn nổi bật lên một tư chất khác, đó là một tâm hồn nghệ sĩ, một con người đa cảm. Ở ông, mọi rung động đều mãnh liệt, sâu sắc. Ông luôn nhìn thấu tâm tư con người và cảm thông cùng họ, từ những bâng khuâng vì một duyên cớ mơ hồ đến những trăn trở, day dứt về số phận, cuộc sống... Với nội dung và số lượng phong phú của hơn 2000 trang tác phẩm, Ngô Thì Sĩ đã là một tác gia lớn không chỉ của dòng họ Ngô Thì. Ông đã đóng góp nhiều tư liệu quý qua hai hộ sử Tiền biên, Tục biên đồng thời còn là một ngòi bút bình luận sử, bình luận văn chương sắc sảo, nhiều ý kiến mới và giàu chất trữ tình qua Việt sử tiêu án. Ngô Thì Sĩ sáng tác nhiều, nhưng tựu trung có thể quy vào bốn đề tài lớn: nông thôn, kẻ sĩ, quan chức, tình yêu và hạnh phúc gia đình. Bốn mảng đề tài đó trong văn học các thế kỷ trước cũng đã được đề cập đến, nhưng đặc sắc riêng của Ngô Thì Sĩ là cách lý giải, nhìn nhận. Tài năng Ngô Thì Sĩ được tạo thành từ nhiều nguồn...tuy nhiên, điều kiện quan trọng nhất để Ngô Thì Sĩ có được sự nghiệp trước tác phong phú là tinh thần lao động nghiêm túc, say mê và tính năng động, sáng tạo trong học tập. Tất cả những điều đó cũng xuất phát từ một tấm lòng yêu dân, yêu đất nước, một tấm lòng đôn hậu, giàu tinh thần nhân ái. Ngày nay xem xét toàn bộ cuộc đời hoạt động và trước tác của Ngô Thì Sĩ, xem xét những đóng góp của ông trên các lĩnh vực chính sự và trước tác, có thể khẳng định ông là một nhân cách đẹp, một nhà văn, một nhà sử học có nhiều cống hiến, lãnh tụ của Ngô gia văn phái và là một trong không nhiều nhân vật lớn, tiên phong của thế kỷ 18. Nguyễn Lộc: Trong những công trình trước tác của Ngô Thì Sĩ, đáng chú ý hơn cả là quyển Việt sử tiêu án. Ông soạn sách này nhằm mục đích sửa chữa lại những sai lầm trong sử cũ. Trong sách, nhiều ý kiến của ông khá xác đáng, thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc, được các nhà sử học đời sau, trong đó có Phan Huy Chú trích dẫn lại. Về sáng tác thơ văn, hầu hết viết bằng thể thơ Đường luật, thỉnh thoảng mới có bài theo thể cổ phong, thể phú...Nội dung phần lớn viết về những phong cảnh ở những nơi ông có dịp đặt chân tới, không có gì thật đặc sắc. Ngoài đề tài thiên nhiên, ông dành riêng tập Khuê ai lục để viết về nỗi đau khổ của ông trước cái chết của người vợ thứ. Lời thơ thống thiết, xúc động. Về văn, ông có bài Cách tệ sách (Sách trừ tệ nạn) cũng đáng chú ý. Trong bài này, ông trình bày rất rõ tình cảnh khổ cực, đói nghèo, lưu tán của nhân dân lúc bấy giờ do nhiều nguyên nhân gây ra như chiến tranh, nạn hà hiếp cướp bóc của cường hào, thiên tai mất mùa và đề nghị phương hướng giải quyết tình trạng ấy. Tạ Ngọc Liễn: Qua hàng loạt các bài biểu, bài khải...chứng tỏ ông là nhà chính trị có tầm nhìn xa rộng, có tâm huyết và có nhiều ý tưởng cải cách nền chính sự đương thời với mong muốn làm cho xã hội ổn định, nhân dân được sống, lao động yên vui. Trên lĩnh vực sử học, ông là một sử gia nổi tiếng, vì có tinh thần làm việc cẩn trọng, có ngòi bút sinh động, có nhiều phát hiện mới và có suy nghĩ riêng. Trong Ngô gia văn phái, có nhiều người viết sử tài ba, và ông chính là người mở đầu cho truyền thống ấy của dòng họ Ngô Thì. Về thơ cũng như văn xuôi, dù bàn chuyện chính sự hay bộc lộ tình cảm trữ tình, ngòi bút của ông thường khoáng đạt, đa dạng và hướng vào đời sống thực, ít dùng lối ước lệ, tượng trưng…Riêng ở văn, tính lạc quan, tính hài hước cũng là một phong cách văn chương của Ngô Thì Sĩ. Về quan niệm sáng tác, ông cho rằng văn chương phải thiết thực, hữu dụng, mới mẻ và có cốt cách riêng. Ông đả phá lối thơ chuộng hình thức, phù phiếm... *** Đúc kết lại, Ngô Thì Sĩ là một tác giả có nhiều bài thơ trữ tình, ngâm vịnh cảnh thiên nhiên, ca ngợi lòng ưu ái nhân hậu. Ông còn là người đi trước trong loại văn hồi ức, tự truyện, đã đưa lại cho văn học trung đại Việt Nam một nét trữ tình mới. Ông cũng có nhiều trang điều trần, ghi chép sắc sảo, in đậm phong cách nghị luận và ý thức chấn chỉnh, đổi mới đất nước. IV. Tài liệu liên quan: Trịnh Doanh và sau này cả Trịnh Sâm đều quý trọng tài thơ văn của Ngô Thì Sĩ. Có lần Trịnh Doanh giao cho các quan trong ban Văn làm bài phú về Chu Công, riêng Ngô Thì Sĩ, chúa đã sai Trung sứ chờ lấy từng đoạn đem về phủ cho chúa đọc, lại sai người thỉnh thoảng đem hoa quả ban cho... Tuy văn chương sắc sảo, nhiều ý tứ mới lạ nhưng vì phóng khoáng, không theo khuôn phép, nên mấy lần đi thi, khảo quan đều nhận ra văn bài của ông, cố tìm ra lỗi dù rất nhỏ để truất bỏ. Chúa Trịnh Doanh một đôi lần bắt phúc khảo nhưng việc đã rồi nên không thể sửa chữa được. Về sự việc này Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút chép như sau: Đầu đời Cảnh Hưng (1740 - 1786) có ông Ngô Thì Sĩ nổi tiếng là bậc hay chữ, bị bọn quan đương thời ghen ghét, khi đến thi Hội các khảo quan dò xét hễ thấy quyển nào giọng văn hơi giống thì bảo nhau: “Quyển này hẳn là khẩu khí Ngô Thì Sĩ”, thế là họ hết sức bới móc đánh hỏng đi. Trịnh chúa Nghị Tổ (Trịnh Doanh) biết có thói tệ ấy nên khi thi cử xong rồi, truyền đem quyển hỏng của Ngô Thì Sĩ ra duyệt lại. Các khảo quan bấy giờ, nhiều người bị truất phạt, nhưng vẫn không cấm chỉ được cái tệ ấy. Khoa Bính Tuất (1766), Ngô công bị bệnh tả, vào trường đệ tứ, cố làm qua loa cho xong quyển. Khảo quan chấm quyển bảo nhau: “Quyển này làm văn thì luyện đạt lắm, đáng là văn Hội nguyên, nhưng văn khí hơi yếu, không phải giọng văn Ngô Thì Sĩ”. Chấm đến quyển của ông Nguyễn Bá Dương lại bảo nhau: “Quyển này văn khí khác thường, giống giọng văn Ngô Thì Sĩ nhưng làm văn lại kém, Thì Sĩ tất không làm như thế”. Vì họ hồ đồ không biết định quyển nào là văn Ngô Thì Sĩ mà đánh hỏng nên Thì Sĩ mới đỗ hội nguyên.” V. Nghi vấn: Theo Trần Văn Giáp và Trần Thị Băng Thanh, thì Ngô Thì Sĩ mất sau lần đi công cán trên ải Nam Quan trở về vào nằm nghỉ trong động Nhị Thanh, có lẽ là do bị cảm lạnh[7]. Nhưng có sách lại cho rằng Ngô Thì Sĩ đã uống thuốc độc chết. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Trước khi Ngô (Thì) Nhậm tố cáo cơ mưu của Trịnh Khải, có đem bàn với cha là Ngô (Thì) Sĩ. Ngô (Thì) Sĩ cố sức ngăn…Đến khi hay tin Ngô (Thì) Nhậm đã tố cáo, Ngô (Thì) Sĩ buồn bực mà uống thuốc độc tự tử. Ngô (Thì) Nhậm, vì có công tố giác, được thăng làm Hữu Thị lang bộ Công, nhưng thiên hạ lúc ấy lại có câu rằng: "Sát tứ phụ nhi Thị lang", nghĩa là "giết bốn người cha mà làm Thị lang". Sách Lê Quý dật sử chép tương tự: ...(Ngô Thì) Sĩ thấy con bè đảng xu phụ Tuyên Phi (Đặng Thị Huệ), vu khống Thế tử, ông bất bình, ra sức khuyên ngăn, nhưng (Ngô Thì) Nhậm không nghe, ông phẫn uất uống thuốc độc tự tử...(Sau vụ án) cất nhắc Ngô Thì Nhậm làm Công bộ tả thị lang, vì tố cáo Thế tử (Trịnh Khải) nên được ban thưởng, thăng vượt cấp bảy lần. Chép khác có Hoàng Lê nhất thống chí. Theo sách này, chỉ có một mình Nguyễn Huy Bá đứng ra tố giác, còn Ngô Thì Nhậm thì đã có lời khuyên Nguyễn Khắc Tuân phải hỏa tốc về kinh can ngăn Trịnh Khải dừng lại cơ mưu, nhưng không được nghe. Đến khi ông Tuân bị bắt giam, ông Nhậm định tìm cách gỡ tội, nhưng vì việc tang (cha mất) nên phải về. Để sáng tỏ vấn đề này cần phải nghiên cứu thêm. Chú thích Khi Ngô Thì Nhậm làm quan ở trấn Kinh Bắc, đã dâng ông Phật hiệu là Nhị Thanh trường thọ quan tự tại phúc lượng đại hải chân như vô tận ý bồ tát (theo Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (tập I),tr. 109). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (tập I), phần Nhân vật chí, tr. 399). Nam Châu tức Sơn Nam thượng. Trong làng Tó có ba dòng họ lớn, đó là họ Nguyễn, họ Ngô Vi và Ngô Đình (trước Ngô Thì Sĩ, dòng họ Ngô của ông, tên có lót chữ Đình). Thời điểm Ngô Thì Sĩ ra Thăng Long theo học với ông Đĩnh và ông Toản, ở đây chép theo Trần Thị Băng Thanh (Ngô Thì Sĩ, tr.14); Trần Văn Giáp thì cho rằng khi ông Sĩ đã đậu Hương Tiến (1743), mới theo học hai ông thầy vừa kể (Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tr. 109). Trần Thị Băng Thanh, Ngô Thì Sĩ, tr. 15. Đề cập đến vụ án này, Trần Thị Băng Thanh viết: “Điều kỳ lạ là triều đình không nghị bàn, hạ lệnh cách chức ngay. Hoàng Ngũ Phúc, một quan đại thần rất có thế lực trong triều, lúc đó đang cầm quân ở Nghệ An, lại thêm vào án kỷ luật bốn chữ “hoàn dân thụ dịch” (nghĩa là trả về làm dân chịu sai dịch). Người đương thời và nhiều sử sách, kể cả Việt sử thông giám cương mục, đều xác nhận trong vụ án kỷ luật đó, Ngô Thì Sĩ chỉ là nạn nhân của sự gièm pha nghi kỵ lúc đó đang dấy lên gay gắt trong triều. Trịnh Sâm bấy giờ đã lên ngôi chúa được gần năm năm, trong thời gian đó cũng có một số hành vi lấn át vua Lê, nhiều đình thần bàn tán chê bai. Người ta lấy một câu thơ Ngô Thì Sĩ vịnh cảnh Hồ Tây: Tây Hồ tình vũ cánh nghi chu (Mưa hay tạnh, Tây Hồ đều đáng thả thuyền chơi), sửa thành một câu thơ nói bóng gió chuyện chính sự: Tây Hồ thảo thụ khủng phi Chu (Cây cỏ Hồ Tây e không còn là của nhà Chu nữa). Do vậy Trịnh Sâm sinh “ngờ” Ngô Thì Sĩ. Mặt khác vì sợ thế lực Hoàng Ngũ Phúc, một số triều sĩ viết thư nặc danh nhắc Trịnh Sâm nên hạn chế quyền hành của viên tướng đầy quyền uy này. Nhưng tin ấy khi đến tai Ngũ Phúc thì “triều sĩ” đã thành “Ngô Sĩ” và đây chính là duyên cớ để Phúc thêm vào bốn chữ “hoàn dân thụ dịch” trong lệnh cách chức ông”. Sách tham khảo Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, tập I, Nxb Văn học, 1984. Bùi Dương Lịch, Lê quí dật sử. Bản dịch của Phạm Văn Thắm. Nxb KHXH, Hà Nội, 1987. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (tập I). Nxb Khoa học Xã hội, 1992. Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút. Nxb Trẻ và Hội nghiên cứu giảng dạy Văn học TP. HCM cùng ấn hành, 1989. Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (tập I). Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1984. Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004. Trần Thị Băng Thanh, Ngô Thì Sĩ. Nhà xuất bản Hà Nội, 1987. Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb KHXH, 1992. Tạ Ngọc Liễn, Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam. Nxb Thanh Niên, 2008. B. Khuê ai lục I. Giới thiệu: Khuê ai lục được Ngô Thì Sĩ khởi sự viết vào năm 1770, tức ngay sau khi người vợ kế mất (30 tháng 8 năm 1770), và hoàn thành sau đó một vài năm. Đây là tác phẩm văn học bằng chữ Hán, gồm 17 bài thơ, khúc; hai đôi liễn đối (trong đó có một đôi của Phạm Nguyễn Du tặng); 10 bài văn tế và một tiểu truyện theo thể văn xuôi. Có thể xem Khuê ai lục là một tập ghi chép lại diễn biến tâm trạng của tác giả khi người vợ yêu của ông chết trẻ (29 tuổi) trong lúc sinh nở, mà ông vì bận việc quan ở Nghệ An, không về kịp. Người vợ ấy chỉ sống với Ngô Thì Sĩ chưa được bảy năm. Nàng vốn thông minh, đẹp, tài hoa và nết na. Thuở trẻ, cha mẹ nàng đã cho học múa hát, định đem tiến cung nhưng nàng không thuận. Nàng cũng đã từ chối một vài nơi quyền quý đến dạm hỏi, nhưng lại nhận lời về làm vợ Ngô Thì Sĩ, dù ông nhiều tuổi hơn và đang gặp hoàn cảnh hết sức khó khăn: vợ đầu chết năm 32 tuổi (cũng vì lý do sinh nở) để lại năm con nhỏ, còn ông thì mới được giữ một chức quan thấp ở phủ chúa, lương bổng không nhiều. Vì vậy, đối với nàng, ông vừa yêu, vừa trọng. II. Giá trị trong văn học Việt: PGS.TS Trần Thị Băng Thanh viết: Cả hai lần vợ mất, Ngô Thì Sĩ đều bận việc công vắng nhà. Đó là nỗi ân hận, xót xa suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời ông, đặc biệt là đối với người vợ kế, người mà ông rất mực yêu thương. Nếu như theo quan niệm nhà nho “người ta không sụt sùi trước một người đàn bà” (Nguyễn Đổng Chi), thì trái lại Ngô Thì Sĩ đã vật vã đau đớn thật sự khi mất vợ. Trước nỗi bất hạnh to lớn không thể chia xẻ cùng ai, ông đã gửi gắm mọi suy nghĩ, tình cảm của mình vào Khuê ai lục. Đó là sự thấp thỏm khi ra đi làm quan phải để người vợ đau ốm ở lại; nỗi lo lắng đến bồn chồn trên đường trở về khi được tin bệnh nàng trở nên nguy kịch, và cuối cùng là nỗi đau xót lúc đứng bên chiếc quan tài…Tiếp theo sự bàng hoàng đến ngơ ngác của những ngày tang lễ là tâm trạng cô đơn trống trải, là nỗi nhớ tiếc đến vật vã mỗi khi nhìn đến những kỷ vật của nàng còn để lại: cây đàn, quyển sách, gương lược, giỏ may, chiếc giường nằm giản dị, những bõ quần áo xuềnh xoàng và nhất là khi nhìn hai đứa con thơ dại vẫn bi bô cười nói... Cũng theo Trần Thị Băng Thanh, thì trong văn học Việt Nam cũng như văn học phương Đông thời phong kiến, loại văn viếng, tế người đã khuất được phổ biến từ lâu. Nhưng dần dần nhiều tác phẩm loại này đã trở thành khuôn sáo, không còn giá trị biểu cảm nữa. Khuê ai lục, trái lại, tác giả đã không hề "làm văn", nhưng mỗi lời ở trong đấy đều rất truyền cảm, rất chân thật, khiến nó thấm vào lòng người đọc cho đến hôm nay, làm nên "tính hiện đại" của tác phẩm. Thêm nữa, là từ tiếng khóc riêng tư, Ngô Thì Sĩ đã phản ánh một số nét tâm trạng chung của tầng lớp Nho sĩ Việt Nam ở thế kỷ 18, tức giai đoạn khủng hoảng sâu sắc của Nhà nước phong kiến Lê- Trịnh. Đó là mối băn khoăn về những quan hệ bước đầu rạn nứt giữa hạnh phúc cá nhân và lý tưởng phong kiến. Hơn một lần, Ngô Thì Sĩ đã phải thốt ra lời cái ý nghĩ day dứt này: Nếu sớm biết vì làm quan xa mà phải ly biệt đau khổ đến thế, thì chức vạn hộ hầu có đáng kể gì. Mặt khác, tác phẩm này cũng đã cho thấy cách nhìn khá tiến bộ của Ngô Thì Sĩ về vai trò của người phụ nữ trong tình yêu, trong gia đình. Qua đó, cũng có thể xem ông là nhà thơ tình sớm nhất trong văn học Việt. Vì trước ông, chưa tìm thấy một nhà văn nào có cả tập (như Khuê ai lục) nói về người vợ, người tình một cách thâm trầm da diết đến vậy. Và với Khuê ai lục, Ngô Thì Sĩ đã đóng góp vào dòng văn học trữ tình Việt Nam một nét mới: “màu sắc cận đại của tiếng khóc vợ” (Nguyễn Đỗng Chi). Nét mới ấy đã có ảnh hưởng rộng rãi trong giới văn nhân đương thời và sau này. Chứng cớ là sau Khuê ai lục đã xuất hiện khá nhiều tác phẩm cùng một chủ đề như: "Đoạn trường lục" (Ghi chuyện đứt ruột), "Nhâm Thìn lục" (Ghi chuyện năm Nhâm Thìn), "Ngẫu Ức" (Nỗi nhớ tình cờ) của Phạm Nguyễn Du; "Lâm trình ngữ nội" (Sắp lên đường nói với vợ), "Đăng trình kỷ muộn" (Ghi lại những nỗi buồn lúc lên đường) của Phan Huy Ích; các tác gia trong Ngô gia văn phái với "Hoài nội", "Khuê tư lục", và cả Phạm Thái với "Văn tế Trương Quỳnh Như"... III. Trích tác phẩm: Phiên âm Hán-Việt: Chu trung độc tọa hữu hoài (Nhị thủ) Nhất niên lưỡng độ viễn đăng trình, Lưỡng biệt khuê nhân độc giá hành. Hướng vãng trì hồi do hữu thuyết, Kim lai thê khổ nhược vi tình. Thiều thiều chích bách đề thiên lý, Ám ám hàn đăng dạ ngũ canh. Bất thức sảng linh thùy cố phủ, Hình thần tiều tụy vị tư khanh. Ân lân tương phủ hốt tương quyên, Hàn thự tuần tuần tiết hậu thiên. U thất trầm trầm không ế ngọc, Trường giang điếu điếu độc đăng thuyền. Thiên nả khá vấn đổi nhiên hắc, Nguyệt bạch vô tình nhậm địa viên. Dao ký Thanh Hoa hoàn vãng nhật, Tính chu đàm ngoạn cánh hà niên? Dịch nghĩa: Ngồi một mình trong thuyền tưởng nhớ I Một năm hai lần lên đường đi xa, Hai lần từ biệt vợ, ra đi một mình. Lần trước về chậm còn có cớ mà nói, Ngày nay buồn khổ, làm thế nào cầm lòng được. Thuyền đi lẵng đẵng, đường nghìn dặm, Ngọn đèn lạnh mờ mờ, suốt năm canh. Chẳng biết linh hồn nàng có đoái tưởng đến ta chăng Ta thì hình thần tiều tụy chỉ vì nhớ nàng. II Yêu thương ở cùng nhau, (thế mà) bỗng nhiên bỏ nhau Tiết trời nóng lạnh cứ tuần tự mà thay đổi. Người thì đã bị chôn vùi tấm thân ngọc dưới nấm mồ lặng lẽ, Người thì lên thuyền một mình trên sông dài xa xăm. Trời không thể hỏi được, chỉ đen mịt mù. Trăng vốn vô tình cứ tròn vành vạnh, Còn nhớ lần đi về từ Thanh Hoa, Mới ngày nào còn cùng chuyện trò trên thuyền vui vẻ.[3] Sách tham khảo Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004. Trần Thị Băng Thanh, Ngô Thì Sĩ. Nhà xuất bản Hà Nội, 1987.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docGiới thiệu Ngô Thì Sĩ và tác phẩm Khuê ai lục.doc