Đèo heo hút gió
“Cái Xuân gặp anh bộ đội nào đó ở chốn đèo heo hút gió này là một điều mừng, hãy để cho họ tận hưởng niềm vui nghiêm chỉnh ấy nên thôi không úm nữa”. (Xuân Thiều/ Trời xanh).
Trong tiếng Việt, thành ngữ đèo heo hút gió còn biểu hiện ý nghĩa “xa xôi, cách trở của những vùng, miền, của những đường đi lối lại nói chung”. Thí dụ: “Hiện nay bát hoa men đã tới quê tôi nhưng một số nơi quá đèo heo hút gió hãy còn dùng bát vỡ, móng tre” (Văn nghệ 9-1960). “Trước kia tôi hoàn toàn không biết rằng đi trên những thiên lý đường đi, dù đường đèo heo hút gió xa lắc mấy trùng cũng không ai bỏ đường ra đấy cho thiên cho địa” (Xuân Diệu. “Đi trên đường lớn”). Dù hiểu với ý nghĩa nào thì thành ngữ đèo heo hút gió đều được nói về sự xa vắng, cách trở, gây cảm giác hoang sơ, buồn lặng và cô đơn. Tuy nhiên, muốn hiều rõ từng từ từng chữ trong thành ngữ thì lại không đơn giản. Cho đến nay, cách nghĩ các chữ heo, hút trong đèo heo hút gió chưa thống nhất. Phần lớn mọi người đều nhận thức heo, hút là hai yếu tố của một từ phức heo hút với nghĩa “ở vào nơi vắng và khuất, gây cảm giác buồn và cô đơn”. Theo đó, thành ngữ đèo heo hút gió là kết quả của sự giao kết ba từ đèo-heo hút-gió. Ưu thế của cách hiểu này là giải thích rõ được hết mọi từ trong thành ngữ. Nhưng, ở đây cũng bộc lộ những bất hợp lý, khó có thể biện minh được. Trước hết trong tiếng Việt, heo hút không có khả năng kết hợp với gió. Heo hút thường đi sau các danh từ chỉ vị trí, địa danh chứ không thể đứng trước hoặc sau các danh từ chỉ hiện tượng thiên nhiên như mưa, gió, sấm, chớp, . để bổ nghĩa về tính chất “xa vắng cách trở, cô đơn”. Hơn nữa, nếu xem heo hút là một từ như cách hiểu này, người ta không giải thích được dạng thức hút gió đèo heo vốn là một biến thể của thành ngữ đèo heo hút gió. Thí dụ: “Họ tống đến nơi quân dịch đang gào, nơi hút gió đèo heo” (Trinh Đường. “Hoa gạo”).
65 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 4304 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
với thể xác. Hồn và phách luôn tồn tại cùng thể xác khi người ta còn sống. Khi người ta chết thì hồn bay lên không, phách nặng, phụ thuộc vào phần hình của con người, thì tiêu xuống cõi âm.
Với ý nghĩa như vậy, hồn và phách luôn là một nửa của sinh mạng con người. Trong tiếng Việt thành ngữ hồn xiêu phách lạc biểu thị cái ý “mất hết tinh thần và sinh lực do sự sợ hãi”.
Thành ngữ đang xét có rất nhiều biến thể: hồn xiêu phách rụng, hồn kinh phách lạc, hồn kinh phách rời, hồn rơi phách lạc, hồn tan phách rời, hồn bay phách rụng.
Trong thơ văn, các biến thể trên thường được dùng ở dạng đảo lại trật tự kiểu như hồn lạc phách xiêu, phách lạc hồn kinh, lạc phách xiêu hồn.
Ngoài các biến thể trên, thành ngữ hồn xiêu phách lạc còn có hai thành ngữ đồng nghĩa là kinh hồn bạt vía và hồn vía lên mây.
Nói toạc móng heo
Ý nghĩa chung của thành ngữ này là như vậy, song cơ chế nảy sinh ý nghĩa đó lại không đơn giản. Như đều biết, móng heo (móng lợn) là một loại sừng cứng bao bọc kín hết ngón chân lợn. Cái vỏ bọc bên ngoài vừa vững, vừa kín như vậy, hẳn là khó lòng biết rõ cái được bảo vệ ở bên trong. Vậy thì, muốn biết ngón chân heo chỉ có cách làm toạc móng. Quả nhiên, làm toạc móng heo, một mặt là làm mất cái che đậy bên ngoài, mặt khác làm bộc lộ rõ hoàn toàn phần bên trong của chân heo. Có lẽ vì thế, đặt nói bên cạnh toạc móng heo tạo nên thành ngữ nói toạc móng heo với sự liên hệ ý nghĩa “làm mất cái vỏ bề ngoài, làm rõ cái bên trong”. Sự liên hội này đã đưa vào trong nội dung ý nghĩa của thành ngữ hai nét nghĩa: nói không che đậy, nói trắng ra.
Thành ngữ nói toạc móng heo còn có biến thể là nói toạc móng lợn, song biến thể này ít được sử dụng.
Quýt làm cam chịu
Đối với chúng ta, quýt và cam là hai giống cây ăn quả rất được ưa thích, thường trồng trong vuờn. Hai giống cây này cùng họ hàng, rất gần gũi nhau, có thể lai giống lẫn nhau. Quýt lai cam và cam lai quýt là chuyện bình thường.
Vậy thì quýt làm cam chịu vốn có nghĩa ra sao khi xét về nguồn gốc ?
Một số người làm vườn giải thích rằng: cam và quýt tuy cùng họ với nhau thật, nhưng nếu trồng chung trong một vườn thì cam sẽ kém ngon, còn quýt sẽ to quả hơn, và vị của nó cũng đã khác đi rồi. Vì thế, muốn có cam hay quýt thuần chủng, giữ được hương vị riêng thì phải trồng tách biệt, mỗi loại cây một nơi. Trong một vườn, đã trồng cam thì thôi trồng quýt, mà đã trồng quýt thì thôi trồng cam. Cam mà “làm”, thì quýt phải “chịu”, và ngược lại. Với cách hiểu nghĩa gốc của câu tục ngữ như vậy, thì cam và quýt ở đây là những loài cây trồng, đối tượng của người làm vườn, còn làm hay chịu là hành động của nguời làm vườn ấy !
Nhưng cũng còn một cách hiểu khác.
Ai đã đọc truyện Trạng Lợn, hẳn còn nhớ một câu chuyện nhỏ sau đây: Chuyện kể rằng Trạng được người đời đồn đại là có tài bói toán siêu hạng. Một hôm công chúa bị mất đôi vòng ngọc quý do nước ngoài đem cống vua ta. Cả triều đình xôn xao, mất ăn mất ngủ. Viên quan coi việc an ninh lập tức cho lính triệu ngay Trạng Lợn vào triều và trao cho việc truy tìm thủ phạm. Trạng biết là khó gỡ, nhưng không dám chối từ, bèn tìm cách hoãn binh, xin cho được mười lăm ngày để suy tính. Nằm trên một căn gác cao tĩnh mịch, Trạng nghĩ quanh quẩn đã được bảy ngày mà vẫn chẳng tìm ra được diệu kế gì, bụng lấy làm lo lắm. Nếu không hiến được kế tìm ra thủ phạm thì có thể mất đầu ! Nghĩ quẩn quá, Trạng đập tay xuống chiếu mà than rằng: “Hừ, rõ thực quýt làm cam chịu”. Không ngờ, trong vụ ấy thằng Quýt thông đồng với thằng Cam ăn trộm vòng ngọc của công chúa. Hai tên trộm vì quá lo lắng đã đến rình dưới căn gác để nghe trộm xem động tĩnh thế nào. Khi nghe thấy Trạng phán như vậy, chúng hoảng hốt, vội ra đầu thú để mong được giảm nhẹ tội. Thế là Trạng không chỉ thoát tội, mà còn lập được công to nhờ có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa từ cam và từ quýt trong lời than của Trạng với tên riêng của hai thằng kẻ trộm! Sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy lại nên chuyện và có thể chấp nhận được vì nó có cơ sở trong cuộc sống. Ta đã chẳng từng gặp những cái tên rất dân dã, như anh Mít, anh Xoài, anh Nghêu, anh Ốc, thị Hến, cô Thơm, thằng Cò, cái Hĩm... đó sao!
Và như thế thì câu quýt làm cam chịu ban đầu cũng chỉ biểu thị một tình huống cụ thể tương tự như chuyện thằng Quýt làm cái việc ăn trộm vòng ngọc mà thằng Cam thì phải chịu tội. Về sau, do tính điển hình của sự việc và cảnh huống mà câu này trở thành tục ngữ với nghĩa khái quát hơn, ứng với mọi cảnh huống tương tự: Người này làm, còn người kia phải chịu hậu quả.
Dĩ nhiên, ngay cách lý giải vừa nêu cũng chỉ là một giả thuyết.
Nhiều khi người ta không cần biết đến lai lịch của thành ngữ, tục ngữ, nhưng người ta vẫn sử dụng nó một cách thuần thục và sinh động. Đối với thành ngữ quýt làm cam chịu (hay cam làm quýt chịu) cũng vậy.
Trong tiếng Việt còn có một thành ngữ rất gần nghĩa với câu quýt làm cam chịu. Đó là câu kẻ ăn ốc người đổ vỏ. Song, câu thành ngữ thứ hai này thường dùng để nói về một cảnh huống hơi khác là: một người được hưởng thụ, còn một người khác lại phải gánh chịu hậu quả.
Vừa ăn cướp vừa la làng
Tiếng Việt còn có Thành ngữ : Vừa đánh trống vừa ăn cướp hay: Vừa đánh trống vừa la làng.
Trong cuộc sống chẳng thiếu gì kẻ xấu, ma lanh, gian xảo. Có kẻ đã ăn cướp của người khác rồi lại còn lu loa lên như thể mình bị mất của, để đổ vấy cho kẻ khác là phạm nhân. Thêm nữa, có kẻ làm trò cướp giật, bị đuổi bắt lại khôn khéo nhập đám đuổi bắt, thậm chí còn đóng cả vai người đánh trống ngũ liên, hô hoán đuổi bắt cướp. Cứ như thế, trong cuộc sống, trong văn học dân gian đã xảy ra bao nhiêu chuyện phiền nhiễu oái oăm, chướng tai gai mắt. Người mất của đôi khi bị oan uổng, bị đánh đập tàn nhẫn, bị trừng trị nhầm. Rõ là tiền mất tật mang. Trái lại kẻ ăn cướp do ma lanh mà đã kiếm chác được của cải lại còn được cảm thông, an ủi, thậm chí đôi khi được tiếng là có công bắt cướp. Những thủ đoạn gian xảo đó được gọi bằng cái tên đích thực là vừa ăn cướp vừa la làng hay vừa đánh trống vừa ăn cướp. Do ra đời gắn liền với những vụ việc có thật trong cuộc sống như thế, các thành ngữ này trước hết được dùng để chỉ những thủ đoạn của bọn ăn cướp, vừa cướp của lại vừa vu oan cho người bị mất là kẻ ăn cướp hoặc vừa ăn cướp lại còn tham gia đuổi cướp tỏ ra là kẻ có công. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa đánh trống vừa ăn cướp được sử dụng với nghĩa khái quát hơn hàm chỉ những hành vi cố ý làm việc ác lại còn lớn tiếng vu cáo kẻ khác, làm ra vẻ như mình là nạn nhân. Đó là hành vi đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận.
Cùng với các thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa đánh trống vừa ăn cướp, trong tiếng Việt còn có thành ngữ vừa đánh trống vừa la làng. Thành ngữ này có ý nghĩa và cách dùng tương tự các thành ngữ đã xét ở trên.
Về con đường hình thành thành ngữ vừa đánh trống vừa la làng có thể lí giải theo hai hướng. Thứ nhất, thành ngữ này là kết quả giao kết, tương hợp giữa hai thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng và vừa đánh trống vừa ăn cướp. Thứ hai, thủ đoạn la làng đổ vấy tội cho người khác, lối giả vờ đuổi cướp bằng hình thức hô hoán, đánh trống của chính kẻ cướp vốn rất phổ biến, lặp đi lặp lại trong cuộc sống đã được người đời nhận thấy và lấy làm đặc trưng cho thủ đoạn của những kẻ chuyên hành động theo lối rắn đổ nọc cho lươn. Rốt cuộc, ở câu thành ngữ vừa đánh trống vừa la làng không nói gì đến chuyện cướp bóc, không có sự đánh giá xấu hay tốt nhưng lại hiển hiện lên hành vi xấu, thủ đoạn gian manh của kẻ cướp nói riêng, lũ người xấu nói chung. Đó cũng chính là lời cảnh tỉnh người đời phải biết sáng suốt suy xét, đánh giá đúng thủ đoạn của kẻ xấu để đối xử đúng, không lẫn lộn vàng thau.
Trướng rủ màn che
Trướng là bức màn che cửa, có thêu hình trang trí, đẹp, sang trọng, ngày trước nhà quyền quý hay dùng. Và thành ngữ trướng rủ màn che được dùng để chỉ cuộc sống đài các, êm đềm, được nuông chiều trong sự vinh hoa phú quý của tầng lớp thượng lưu trong xã hội phong kiến, nhất là đối với các lớp con cái của họ. Trong truyện Kiều Nguyễn Du viết:
“Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”
Cuộc sống giữa nhung lụa nơi lầu son gác tía khép kín ngăn cách với thế giới “hỗn tạp”, rách rưới, ồn ào bên ngoài như thế khiến cho con người mất dần đi mối liên hệ với cuộc sống sinh động của muôn người ngoài xã hội đời thường. Những lo toan, những đắng cay, nhọc nhằn của người đời, cao hơn thế nữa, vận mệnh của một dân tộc, họ cũng chẳng hay biết và chẳng buồn biết tới. Chính cái hiện thực cuộc sống có được ở những người giàu sang, quyền quý xưa đã làm nảy sinh trong ý nghĩ của người đời sự so sánh nó với một lớp người trong xã hội ngày nay, chỉ biết chăm lo, vun vén cho cuộc sống riêng của mình, có tất cả rồi thì sao nhãng công việc cho đời, thu mình, khép kín lại. Và rồi, lớp người ấy bỗng hoảng hốt khi ngẫm lại mình và nhìn ra cuộc đời sống động, thấy mình đã đứng ra ngoài để tự chiêm ngưỡng một cách vô duyên, lạc lõng. Nói trướng rủ màn che, trướng phủ màn che hay màn che trướng rủ cũng là trong cái ý ấy cả. Vừa là một nhận xét, cũng vừa là một lời chê trách nhẹ nhàng, lặng lẽ.
Lo bò trắng răng
Nếu ai đó hay lo lắng vu vơ, lo những chuyện không đâu, những chuyện không đáng phải lo, thì sẽ được coi là người “lo bò trắng răng”.
Thành ngữ này được ra trên cơ sở của một thực tế rõ ràng là răng của bò bao giờ cũng trắng. “Bò trắng răng” là một sự thật hiển nhiên. Cho nên “lo bò trắng răng” là lo cái điều vốn hiển nhiên là như thế, cái điều không đáng, không cần phải lo!
Cũng có nhiều người giải thích theo cách khác, cho rằng trắng ở đây có nghĩa là không (như nghĩa của trắng trong mất trắng tức là mất không). Và do đó, lo bò trắng răng nghĩa là lo bò không có răng. Cách giải thích này cũng có vẻ hợp lý. Song, nếu bằng vào câu ca dao:
Lo gì mà lo bò trắng răng
Mua ba đồng thuốc nhuộm răng cho bò
Thì ta thấy cách luận giải trình bày ở trên là cơ sở hơn. Vả lại, cái thực tế về sự thiếu hụt hàm trên của bò cũng được dùng làm cơ sở để tạo nên một thành ngữ khác, đồng nghĩa với thành ngữ “lo bò trắng răng”. Đó là “lo bò không có hàm trên”.
Thành ngữ thứ hai có nghĩa còn rõ hơn, cụ thể hơn song không được dùng phổ biến như thành ngữ lo bò trắng răng.
Nát như tương
Về cách làm tương, trong dân gian có câu: “xôi giặt ba ngày, đậu liền rang, chín tương hai muối ngọt như đàng”. Nghĩa là để cơm nếp mốc ủ ba ngày, rồi rang đậu tương bỏ ngâm, sao cho ba lần nổi ba lần chìm, sau đó mới cho muối theo tỉ lệ muối hai tương chín. Làm đúng theo quy cách như vậy, thì tương sẽ ngọt như đàng (đường). Trong quy trình này, hạt đậu tương phải chịu sự chìm nổi theo thời gian, thành ra khi tương có thể ăn được thì hạt đậu tương cũng nát. Hèn gì trong lời ăn tiếng nói của nhân dân xuất hiện thành ngữ nát như tương hay nát như tương bần (bần: Bần yên Nhân, nơi làm tương ngon nổi tiếng thuộc Hưng Yên ngày nay). Trước hết, nát như tương được dùng để chỉ sự nát vụn, nát nhừ của vật thể.
Với việc miêu tả trực quan trạng thái nát nhừ, bể vụn của vật thể, thành ngữ nát như tương có nghĩa gần giống như thành ngữ nát như cám. Tuy nhiên, nát như tương còn có ý nghĩa trừu tượng hơn. Trong đời sống ngôn ngữ hàng ngày, thành ngữ này thường dùng để biểu thị sự hư hỏng, đổ nát của một tổ chức, một thể chế…
Thành ngữ nát như tương, trong nhiều trường hợp còn được dùng để chỉ một trạng thái tinh thần: đau đớn ưu phiền đến mức độ cao:
“Đào trên mây, hạnh giữa trời
Nghĩ cho nát dạ người như tương”
(Nguyễn Huy Tự. “Hoa tiên”)
Ở phương diện này, đôi khi chúng ta thấy thành ngữ nát như tươm được dùng thay thế nát như tương:
“Mảnh riêng còn nát như tươm
Càng ngơ ngẩn bóng càng năn nỉ tình”
Cái đớn đau dày vò tâm can đến mức độ cao mà thành ngữ nát như tương biểu thị còn có thể được lặp lại trong các thành ngữ nát gan nát ruột (nát ruột nát gan) héo gan héo ruột (héo ruột héo gan).v.v…
Trong tiếng Việt, nát như tương còn thấy xuất hiện với chức năng biểu thị chất lượng kém, trình độ tồi của một số sản phẩm trí tuệ: văn nát như tương, lý sự nát như tương:
“Đến điều lí sự nát như tương
Ngẫm sự văn chương đen tựa mực”
Hẳn là nát trong văn như tương, lý sự nát như tương, không phải là từ nát chỉ sự vỡ vụn, nhừ bấy của vật thể. Trong trường hợp này, nát là yếu tố biểu thị sự kém cỏi về trí tuệ. Chúng ta đã từng thấy ý nghĩa này trong từ dốt nát của tiếng Việt.
Cửa Khổng sân Trình
Trong thành ngữ nổi bật tên tuổi hai nhân vật tiêu biểu của đạo Nho: Khổng (Khổng Tử) và Trình (Trình Tử). Khổng Tử là người học rộng, tài cao, vốn là người nhà Chu nước Lỗ (551 trước công nguyên). Khổng Tử soạn lại Lục Kinh, Kinh Thi, phê bình Kinh dịch, dịch Kinh lễ, Kinh nhạc làm Kinh Xuân – Thu và Lục nghệ. Đạo của Khổng Tử dạy gồm 8 tôn chỉ: hiếu, dễ, trung, thứ, tu, tề, trị, bình. Học trò của Khổng Tử rất nhiều. Về sau, chính họ đã chép những lời dạy của thầy mình thành Luận ngữ. Còn Trình Tử, tức là Trình Điều, một danh nho thời Tống thì cũng không hiếm người theo học. Như vậy, nói đến cửa Khổng sân Trình là nói đến hai bậc thầy nổi tiếng trong mối quan hệ với học trò của họ. Thầy và trò là tiêu biểu cho nhà trường, do đó thành ngữ cửa Khổng sân Trình dễ dàng được hiểu là trường học, nơi dạy đạo Nho thuở trước. Thành ngữ cửa Khổng sân Trình còn có biến thể là sân Trình cửa Khổng.
Ngoài ra, trong văn học cổ còn dùng các từ ngữ như sân Trình, cửa Trình, cửa Tuyết, sân Tuyết với ý nghĩa tương tự như cửa Khổng sân Trình. Các dạng thức này được hình thành từ điển tích được ghi lại trong Chu Tử ngữ học. Số là, có hai học trò là Du Tạc và Dương Thời đến nhà Trình Tử ra mắt thầy. Đến nơi thì thầy đang nhắm mắt ngẫm nghĩ. Họ không dám cắt dòng suy nghĩ của thầy, cứ như vậy đứng lặng yên. Mãi đến khi thầy Trình mở mắt thì tuyết đã rơi ở chỗ hai cậu học trò đứng dày đến một thước. Do tích này mà các từ ngữ sân Trình, cửa Trình, sân Tuyết, cửa Tuyết chẳng những biểu hiện nơi học tập đạo Nho mà còn thêm nét nghĩa hàm chỉ ý chí quyết tâm cầu học của những người có chí tiến thủ theo con đường đèn sách thuở trước:
“Thông minh sẵn có tư trời
Còn khi đồng ấu mãi vui cửa Trình”
(Bích Câu kỳ ngộ)
Sức dài vai rộng
Trong tiếng Việt, sự kết hợp giữa các từ sức và dài tưởng như không bình thường bởi vì người Việt thường nói sức bền, sức mạnh, sức khoẻ… chứ ít nói tới sức dài. Cách nghĩ này là do chỉ chú ý tới nghĩa của dài trong sự biểu thị độ dài ngắn trong thời gian. Dài trong tiếng Việt còn được dùng để chỉ quãng thời gian nào đó trong sự so sánh với quãng thời gian khác ngắn hơn ngày dài, đêm dài, đời còn dài. Vì vậy, tổ hợp sức dài chẳng những hàm chỉ sức dồi dào, sức nhiều mà còn hàm chỉ cả sự trẻ trung của con người. Vậy mà, bên cạnh sức dài lại còn có sự phụ trợ của vai rộng. Vai rộng là hình ảnh tả thực về thân thể, vóc dáng của những người khoẻ mạnh. Đồng thời, ở tổ hợp này có lẽ còn tiềm ẩn một ý nghĩa biểu trưng, mà theo đó chúng ta có thể thấy ở đây con người có khả năng đảm đương, gánh vác được những công việc nặng nhọc.
Như vậy, sự tương hợp về nghĩa giữa hai tổ hợp sức dài và vai rộng đã tạo nên ý nghĩa chung của thành ngữ sức dài vai rộng.
Tiền trảm hậu tấu
Tiền trảm hậu tấu có nghĩa là chém trước tâu sau (tiền: trước, trảm: chém, hậu: sau, tấu: tâu, thưa). Trong tiếng Việt thành ngữ tiền trảm hậu tấu thường dùng để chỉ những việc làm không chờ đợi cấp trên, cứ làm, cứ hành động trước, xong xuôi mọi chuyện rồi mới báo cáo, thưa gửi.
Đối với việc chém giết một nhân mạng, một con người mà không cần chờ cấp trên y án, cứ thế mà hành quyết rồi mới tâu thưa, đó là một quyền chỉ được trao cho trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Cho nên, hành vi tiền trảm hậu tấu được coi là hành vi tự quyền ứng phó linh hoạt trong điều kiện không thể chờ lệnh cấp trên.
Song khi không được trao quyền đó mà cứ tiền trảm hậu tấu thì đó lại là hành vi tuỳ tiện, liều lĩnh, vô tổ chức.
Nhấn mạnh ý nghĩa “làm trước, báo cáo sau” thành ngữ tiền trảm hậu tấu trong nhiều trường hợp đồng nhất với hành vi đặt mọi chuyện vào sự đã rồi, đẩy người ta vào thế buộc phải chấp nhận kết quả đó không thể thay đổi, đảo ngược tình thế được nữa.
Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương
Ẩn kín đằng sau nó là một bài học quý giá đối với mọi người. Rằng trong cuộc sống “đừng dở dở ương ương cho người ta ghét”!
Câu tục ngữ khôn cho ngươi ta rái, dại cho người thương thuộc loại tục ngữ đối. Phép đối trong câu tục ngữ này theo hai bậc. Bậc đối thứ nhất là đối ý, trong đó khôn cho người ta rái đối với dại cho người ta thương. Bậc đối thứ hai là đối lời, trong đó khôn đối với dại và rái đối với thương. Nhờ có phép đối này mà ta có thể xác minh được nghĩa của từ rái, vốn chưa sáng rõ trong câu tục ngữ này. Theo phép đối, nhất là đối lời, nghĩa là rái phải trái với thương. Lần vào kho từ vận tiếng Việt, quả nhiên, chúng ta bắt gặp từ rái với nghĩa là sợ, hãi. Đó là một từ cổ còn được bảo tồn trong phương ngữ. Từ rái này cũng còn xuất hiện trong câu tục ngữ đối khác là yêu như chị em gái, rái như chị em dâu. Xác định được nghĩa của từ rái, thì tất cả mọi từ trong câu tục ngữ khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương đều trở nên sáng rõ và dễ hiểu.
Bách phát bách trúng
Chuyện kể rằng:
Ngày xưa, thời Xuân Thu Chiến Quốc, dưới trướng của Sở Công Vương có hai người bắn súng lừng danh thiên hạ. Một người tên là Phan Đáng, còn người kia tên là Dưỡng Do Cơ.
Có một lần, trong lúc tập luyện, Phan Đáng bắn ba phát tên đều trúng vào hồng tâm, lấy làm đắc ý lắm. Lúc ấy, Dưỡng Do Cơ cũng ở đó, tỏ vẻ không thán phục, bảo rằng: “Bắn trúng hồng tâm có gì là đặc biệt. Cách xa một trăm bước, mũi tên của tôi có thể xuyên qua bất kỳ chiếc lá nào của cây dương liễu”. Nói rồi, Dưỡng Do Cơ giương cung. Quả nhiên, mũi tên xuyên qua chiếc lá dương liễu trên cành cây um tùm.
Nhưng Phan Đáng vẫn không chịu, liền chọn lấy ba lá liễu ở ba chỗ khác nhau, đánh dấu và thách Dưỡng Do Cơ bắn trúng. Dưỡng Do Cơ chỉ nhìn qua, rồi lùi vào vị trí để bắn. Thế rồi, cả ba mũi tên như có mắt, lần lượt xuyên qua ba chiếc lá trước sự kinh ngạc của mọi người.
Về sau, trong cuốn sử ký của nhà viết sử nổi tiếng Tư Mã Thiên, có đoạn viết: “Nước Sở có một người tên là Dưỡng Do Cơ, là một người bắn tên rất kỳ tài, cách xa trăm bước mà “bách phát bách trúng”.
Dưỡng Do Cơ chỉ bắn cả thảy có bốn phát tên trong cuộc thi tài ấy, mà sao Tư Mã Thiên lại viết là “bách phát bách trúng?” Thì ra, “bách” (nghĩa là một trăm) không được dùng để chỉ số lượng cụ thể và xác định. Một nhà thiện xạ được ca ngợi là “bách phát bách trúng” không nhất thiết phải giương cung đến một trăm lần. “Bách” ở đây được dùng với nghĩa biểu trưng là “nhiều, rất nhiều”, còn kết cấu “bách... bách...” biểu thị sự đối xứng truyệt đối như là “bao nhiêu... thì... bấy nhiêu”.
Trong tiếng Việt, thành ngữ này có hai dạng đồng nghĩa được dùng song song: “bách phát bách trúng” và “trăm phát trăm trúng”.
Về sau “bách phát bách trúng’ còn để chỉ khả nămg của những người làm việc gì cuũng đạt kết quả như ý muốn. Cũng vậy, hiện nay, “trúng” đâu phải chỉ là trúng đích mà còn có nghĩa là đạt kết quả, là thành công nữa.
Ướt như chuột lột
Điều đáng băn khoăn ở thành ngữ này là tại sao lại có thể nói “Ướt như chuột lột?” Chuột lột thì có liên hệ gì đến sự ướt át? Theo nhiều ý kiến, dạng đích thực của thành ngữ “ướt như chuột lột” phải là “ướt như chuột lụt”. Trời mưa lụt, nước ngập trắng bão trắng đồng, lũ chuột đâu còn chỗ ẩn náu, buộc phải lóp ngóp bơi trong nước trông mới tang thương thảm hại làm sao! Người chạy lụt đã khổ, nhưng chuột chạy lụt lại càng khốn nạn hơn. Bởi vậy, nói “ướt như chuột lụt” mới lột tả được sự gian truân vất vả, sự ướt át và thực trạng đáng thương của tất cả những ai phải chịu cảnh dầm mưa dãi nắng. Nhưng tại sao từ chuột lụt lại chuyển sang chuột lột? Có lẽ do hình ảnh con chuột bị ướt trong những ngày lụt lội ít được người đời quan sát, nên không để lại ấn tượng đậm và phổ biến trong dân gian, dễ dàng di chuyển, bỏ qua. Mặt khác, do vần uột và ụt đứng kề tiếp nhau khó phát âm; theo nguyên tắc đồng hoá trượt, ụt được trượt sang ột dễ đọc hơn. Thứ ba, trong thành ngữ, nghĩa toàn phần có thể được nhận biết nhờ vào phần đứng đầu là ướt và người bản ngữ thấy có thể thoả mãn điều mình nói, mình nghe.
Chén tạc chén thù
Trong cuộc rượu đãi khách, trước tiên chủ nhà thường rót chén mời khách uống. Chén rượu từ tay người chủ rót để mời khách ấy gọi là chén thù. Uống xong, khách lại tự tay rót chén rượu nâng lên mời chủ để đáp lại tấm lòng thân tình, nồng thắm của người chủ dành cho mình. Chén rượu do khách rót nâng lên mời chủ ấy là chén tạc. Dân gian đã chớp lấy một chi tiết nhỏ trong cuộc tạc thù giao tiếp nhau để biểu trưng cho toàn cuộc vui với không khí thân mật, cởi mở giữa chủ và khách, giữa những người dự tiệc với nhau.
“Vợ chồng chén tạc chén thù
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi”
(“Truyện Kiều” - Nguyễn Du)
Ý nghĩa của thành ngữ chén tạc chén thù thường chỉ hạn hẹp ở sự hàm chỉ việc tiếp rượu trong cuộc ăn uống vui vẻ, thân mật. Tuy nhiên, đôi lúc người Việt cũng mở rộng giới hạn này ra. Theo đó, chén tạc chén thù được dùng để chỉ sự ăn uống nhậu nhẹt nói chung, nay người này mời, mai người kia tiếp đãi lại cho tương xứng. Và, rộng hơn thế nữa, thành ngữ chén tạc chén thù còn nói lên lối sống cánh hẩu, thích bè cánh, có đi có lại giữa những con người tham lam, vụ lợi.
Điều đáng chú ý là thành ngữ chén tạc chén thù vốn là kết quả của sự tương hợp hai danh ngữ (chén tạc + chén thù) nhưng trong hoạt động ngôn ngữ thì thành ngữ này lại thường hành chức với tư cách là vị ngữ.
Thành ngữ chén tạc chén thù có một số biến thể khác là chén thù chén tạc. Ý nghĩa và cách sử dụng hai dạng thức này hoàn toàn đồng nhất.
Trong tiếng Việt, gần nghĩa với thành ngữ chén tạc chén thù là các thành ngữ chén chú chén anh, chén bác chén chú.
Ông chẳng bà chuộc
Vợ chồng nhà chẫu chàng không có sự nhất trí trong việc cho anh nông dân nọ chuộc lại viên ngọc thần. Thành ra suốt ngày vợ chồng bọn họ cứ “to tiếng” với nhau. Vợ thì một mực “chuộc thì chuộc” (đồng ý cho chuộc), còn chồng thì dứt khoát “chẳng chuộc” (không cho chuộc). Tiếng kêu ra rả trái ngược nhau của hai loại chẫu chàng là tiền đề sáng tạo nên câu chuyện về sự bất hoà của vợ chồng chẫu chàng. Kèm theo câu chuyện dân gian này là sự ra đời của thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”.
Thành ngữ “ông chẳng bà chuộc” biểu thị sự chủng chẳng không ăn khớp, không hợp nhau về ý nghĩa cũng như việc làm giữa người này và người khác.
Gần nghĩa với thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, trong tiếng Việt còn có thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt”. Tuy nhiên thành ngữ này được sử dụng với phạm vi hẹp hơn. Thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt” biểu thị sự không ăn khớp nhau, không hiểu nhau, mỗi người nói một nẻo. Sự không ăn khớp nhau ở đây chỉ dừng lại ở phạm vi nhận thức mà nguyên nhân của nó là do không hiểu ý nhau một cách vô ý thức. Ngược lại, ở thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, sự không ăn khớp nhau được thể hiện ở cả lời nói, ý nghĩ và cả ở việc làm. Sự không ăn khớp này là tất yếu và hoàn toàn có ý thức.
Kín cổng cao tường
Chúng ta biết rằng, trong truyện Kiều, sau hai lần gặp gỡ, chàng Kim đã sinh lòng tương tư nàng Kiều đến mức “Phòng văn hơi giá như đồng, trúc se ngọn thỏ tơ chùng phím loan”, chểnh mảng cả việc đèn sách và vội “xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”. Thế nhưng nhà họ Vương:
“Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh”...
Ở đây, đại thi hào Nguyễn Du đã đưa thành ngữ kín cổng cao tường vào câu thơ rất tài hoa, gián tiếp miêu tả tâm trạng của chàng nho sinh đang tương tư người đẹp, có gì đó như là nỗi thất vọng trước một sự ngăn cách khó lòng vượt qua nổi? Kín cổng cao tường nghĩa là gì vậy? Chung quanh thành ngữ này, có hai ý kiến khác nhau. Có người cho rằng câu thành ngữ trên phải là kín cống mới đúng, bởi vì nó đăng đối với cạn dòng lá thắm ở câu dưới: cống có kín thì “lá thắm” mới “cạn dòng” không chảy ra được! Và như vậy, câu thơ miêu tả được đúng tâm trạng tương tư của chàng Kim sau buổi gặp Thuý Kiều (Hoàng Tiến. Người giáo viên nhân dân số 16-1989).
Ý kiến thứ hai cho rằng, đính chính thành ngữ trên như vậy là đã làm thay cụ Nguyễn Du một cách tuỳ tiện. Bởi lẽ, nếu cho rằng “kín cống” mới đăng đối với “cạn dòng lá thắm”, thì “cao tường” làm sao đăng đối với “dứt đường chim xanh” ở câu dưới được, phải là “cao giàm” hoặc là “dày lưới” chứ, làm sao tường cao ngăn nổi “chim xanh”? (Nguyễn Văn Lưu. Trâu chẳng về chuồng, Văn nghệ số 22-1989). Ý kiến của Nguyễn Văn Lưu xem ra có sức thuyết phục và gần với chân lý hơn. Thực ra, sự đăng đối trong hai câu thơ của cụ Nguyễn Du vừa dẫn ở trên, là về ý chứ không phải về chữ: Thành ngữ “kín cổng cao tường” ở câu trên đã được minh hoạ, cụ thể hoá bằng hai điển tích “lá thắm” và “chim xanh” ở câu dưới. Theo “Từ điển truyện Kiều” của Đào Duy Anh, kín cổng cao tường nghĩa là “cái cổng đóng kín, cái tường xây cao, người ngoài không vào, cũng không thể nhìn thấy gì” (trang 237). Ở đây kín cổng cao tường là sự miêu tả dinh cơ nhà họ Vương đã làm Kim Trọng phải dừng bước trong phút tương tư, cao hứng đi tìm “bóng giai nhân”.Trong cách nói của dân gian, kín cổng cao tường là hình ảnh tiêu biểu cho dinh cơ của các gia đình giàu sang quyền quý xưa nay: “Cái cơ ngơi kín cổng cao tường của nhà lý Ngưỡng lại bỏ trống hoang”. (Nguyễn Kiên. “Năm tôi mười ba tuổi”).
”Có đủ các thứ dâm loạn từ trong các biệt thự kín cổng cao tường đến những ống cống hai bên xa lộ Sài Gòn đi Biên Hoà” (Tác phẩm mới số 2-1969).
Kín cổng cao tường là những nơi mà người thường không thể đặt chân tới, đó là những nơi thâm nghiêm, cơ mật: “Cơn lụt vụ ô nhục Oa-tơ-ghết này không những đã tràn ngập các bộ, các cục, mà còn ngấm vào tận các ngõ ngách, các phòng lớn, phòng nhỏ, thậm chí tràn cả vào nơi nổi tiếng thâm nghiêm kín cổng cao tường nhất của Nhà Trắng” (Quân đội nhân dân 22-5-1973).
Há miệng mắc quai
Với thành ngữ này, nói chung, người ta chỉ còn “vướng”, không hiểu chữ quai có nghĩa gì? Trong cách giải nghĩa còn nhiều ý kiến khác nhau.
Nhiều người xem thành ngữ há miệng mắc quai vốn được bắt nguồn từ việc quan sát vật hoặc con vật xung quanh, sau đó mới dùng vật để ví với người. Theo hướng này, từ quai có hai cách lý giải khác nhau. Thứ nhất, quai được xem là các loại dây buộc ở miệng một số đồ dùng như giỏ, gùi... Vì sát cạnh miệng lại dây rợ lòng thòng nữa nên khi mở nắp, mở miệng các vật này thì để bị mắc quai. Sự lòng thòng của quai có thể có tính biểu trưng về bản thân sự khuyết điểm, sự mắc mớ, ràng buộc. Thứ hai, quai được xem là từ rút gọn của từ quai thiếc hay hàm thiếc ở miệng con ngựa. Mỗi khi ngựa định mở miệng thì bị quai thiếc ghì chặt thêm, siết lại mạnh hơn. Quả thật, cách hiểu như trên cũng có những cơ sở nhất định. Tuy nhiên, để thuyết phục hơn bắt buộc người giải thích phải có thêm cứ liệu và cách biện minh chắc chắn hơn nữa.
Một số người lại giải thích theo một hướng khác. Theo hướng này thì thành ngữ há miệng mắc quai gắn liền với việc ăn nói của con người. Miệng trong tiếng Việt được biểu trưng cho cả hoạt động nói năng và ăn uống nói chung. Còn quai là từ rút gọn của từ quai hàm, một loại xương gắn liền với hàm, điều khiển hoạt động ăn nói của con người. Việc ăn uống của con người ta được liên hệ chặt chẽ với nhau qua sự điều phối nhịp nhàng của quai hàm. Khi ăn, quai hoạt động theo cách riêng, ngược lại khi nói, quai cũng điều khiển và hoạt động theo cách riêng phù hợp với nói. Vậy, khi ăn mà nói là bị “trái giò” và đương nhiên là khó nói, là “mắc quai”. Đấy là chưa kể mắc cả miếng ăn ở trong miệng nữa! Chính nhờ cái lôgích này mà thành ngữ há miệng mắc quai thoạt tiên được hình thành, nghĩa của nó không chỉ gắn liền với cả việc ăn cụ thể đồ này thức kia mà còn là ăn hối lộ, ăn đút lót. Cái lôgích để hình thành ý nghĩa này là đã ăn (của người ta) thì không thể nói gì (về chuyện xấu của người ta) được nữa.
Từ ý nghĩ ban đầu này, dần dần thành ngữ há miệng mắc quai được mở rộng ra để chỉ những người do mắc khuyết điểm, hay hành động thái quá dẫn đến hậu quả không nói được người khác nữa, nói người là đụng chạm đến bản thân mình. Trong trường hợp này quai được hiểu theo nghĩa biểu trưng là “cái níu giữ, khiến không cho nói ra sự thật về ai đó”. Như vậy, dẫu có cái quai cụ thể hay cái quai vô hình thì nó đều có sức nặng và sức mạnh ghê gớm. Nó có thể trói buộc chân lý và lẽ công bằng ở đời, nó có thể làm người ta đánh mất mình. Ngày nay, khi mà bả vinh hao phú quý đang giăng bẫy khắp nơi, khi mà nạn ô dù và hối lộ đang còn trong xã hội, thì câu thành ngữ há miệng mắc quai âu cũng là một lời răn, lời cảnh tỉnh đối với mọi người.
Oan Thị Kính
Thiện Sỹ là chồng của Thị Kính. Một lần đọc sách mệt, chàng ngủ thiếp đi từ lúc nào. Thấy trên cằm chàng có sợi râu mọc ngược, nghĩ là điềm gở. Nhân lúc chồng đang ngủ, Thị Kính dùng dao cắt sợi râu đó đi. Giật mình thức giấc, chẳng hiểu thực hư ra sao, chàng lu loa rằng vợ dùng dao định giết mình. Thế là nàng mang tội tầy đình, bị chồng ruồng bỏ, xã hội lên án. Nỗi oan này, nàng không sao giãi bày được. Oan ức, đau khổ quá, nàng cắt tóc giả trai đi tu. Những tưởng nhờ nơi cửa Phật để cõi lòng được bằng an, và được yên phận với những tháng ngày còn lại, nhưng nào có được như thế. Với vai chú tiểu, Thị Kính đã làm say lòng Thị Mầu lẳng lơ. Bao lần tán tỉnh, nhưng Thị Mầu không sao làm siêu lòng “chú tiểu”. Bỗng nhiên, Thị Mầu bụng mang dạ chửa, vu vạ cho “chú tiểu” ăn nằm với chị. Một lần nữa, Thị Kính mang tội, bị đuổi ra khỏi chùa. Suốt mấy năm ròng, Thị Kính bồng bế đứa con Thị Mầu đi xin từng giọt sữa và chịu bao tai tiếng nhục nhã. Cho đến khi nàng chết, sự thật mới sáng rõ. Dẫu rằng, nàng được về cõi Niết bàn, nhưng nỗi oan của nàng là một cái gì đó quá nặng nề với người đời.
“Oan Thị Kính” là thành ngữ được dùng để so sánh với những nỗi oan khuất cùng cực mà không giãy bày được.
Lá mặt lá trái
''Bạn bè ngày nay lá mặt lá trái không biết đâu mà lường'' (Ước mơ tuổi trẻ, tr.69).
Người ta quen dùng thành ngữ lá mặt lá trái song có lẽ cũng ít ai biết đến xuất xứ của nó.
Lá mặt tức là mặt phải của lá (trong tiếng địa phương miền Nam mặt là bên phải, tay mặt là tay phải, và /á trái tức là mặt trái của lá. Thành ngữ lá mặt lá trái có thể bắt nguồn từ cách làm các loại bánh lá.
Thông thường, đối với các loại bánh lá, người ta có thể phân biệt chúng qua hình thức bên ngoài như bánh gai gói bằng lá chuối khô, bánh nếp gói bằng lá chuối tươi. Song đối với một loại bánh mà có nhân khác nhau phân biệt sẽ trở nên khó khăn. Trong trường hợp này, người làm bánh phải đánh dấu bằng kiểu buộc lạt hoặc bằng cách tạo dáng khác nhau. Và cách đánh dấu đơn giản nhất là dùng ngay lớp lá ngoài cùng của chiếc bánh: Quay mặt phải của lá ra ngoài hay mặt trái của lá ra ngoài. Chẳng hạn, đối với bánh nếp khi gói mặt phải lá quay ra tức là bánh nhân mặn (đỗ xanh, thịt lợn) còn mặt trái lá quay ra là bánh nhân ngọt (đỗ xanh, đường). Cách đánh dấu như vậy hoàn toàn có tính chất quy ước, chỉ có giá trị đối với từng vùng, từng làng, thậm chí từng người làm bánh. Khi quy ước tạm thời được chấp thuận thì những kẻ không có lương tâm nghề nghiệp đã cố tình vi phạm quy ước, làm ra những chiếc bánh có chất lượng kém thậm chí đánh tráo cả loại bánh ''lá mặt" với loại bánh “lá trái” để kiếm nhiều lời!
Thành ngữ lá mặt lá trái ra đời từ đó và được dùng phổ biến để biểu thị sự tráo trở, lật lọng của con nguời.
Há miệng chờ sung
Tục ngữ đã dạy: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Vậy mà cũng có kẻ chẳng muốn làm, chỉ chực chờ ăn. Hắn ta nổi tiếng lười biếng. Cái danh ''đại lãn'' quả là rất xứng đáng. Đại Lãn chờ sung há chẳng phải là một sự kiện nổi tiếng đó sao? Một ngày nọ, hắn đến bên một cây sung to. Chao ôi, bao nhiêu là quả chín! Lại nữa, thỉnh thoảng một quả rơi xuống bên gốc cây. Hắn nghĩ ngay ra một diệu kế. Cần phải nằm ngửa, há to miệng, thế nào cũng có quả rơi đúng miệng. Lúc đó, hắn sẽ nhai ngon lành, mà chẳng cần phải hoài công leo trèo, hái lượm gì… Nhiều quả sung lần lượt rơi chung quanh mình, nhưng chẳng có một quả nào rơi vào miệng hắn. Vừa đói, vừa mệt, hắn đành nuốt nước bọt thất vọng đứng dậy. Thành ngữ ''Há miệng chờ sung'' hay “Đại Lãn chờ sung'' chắc là xuất phát từ câu chuyện này.
Với thành ngữ ''Há miệng chờ sung'', nhân dân ta nhằm đả kích những kẻ lười biếng chực ăn sẵn bằng cầu may. Thí dụ: ''Và những kẻ nhụt chí sinh ra há miệng chờ sung, nằm trong buồng riêng quan Tàu chờ thời như Nguyễn Hải Thần” (Tô Hoài. “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”).
Gửi trứng cho ác
Thành ngữ gửi trứng cho ác được hình thành theo một lôgich khá thú vị. Trong thành ngữ này, ác chính là quạ. Mà quạ thì ai cũng biết là một loài chim ăn thịt sống. Hễ ngửi thấy mùi xác chết ở đâu là kéo thành bầy tới kiếm chác, ăn lấy ăn để. Quạ lại còn lần mò ăn trộm trứng trong tổ chim khi chim mẹ rời tổ. Ấy thế mà “bố mẹ” chim nào đó cả tin lại đem gửi trứng cho quạ trông nom thì thật là dại dột. Mặt khác, ở thành ngữ này, từ trứng đáng chú ý, vì nó có giá trị biểu trưng sâu sắc. Đối với chim, trứng là ruột thịt, là giọt máu truyền đời. Do vậy, trứng cần phải được nâng niu giữ gìn như chính mạng sống của chim mẹ. Ngoài chim mẹ chẳng còn ai khác có thể giữ gìn nổi quả trứng “mang nặng đẻ đau” này. Thế mà, đem trứng, vật báu cần bảo vệ nâng niu kia để gửi cho quạ, một kẻ chuyên ăn trộm trứng và đang cần chiếm đoạt để làm thức ăn hơn ai hết thì thật là dại dột và nguy hiểm biết bao? !
Như vậy, về mặt ngữ nghĩa thành ngữ gửi trứng cho ác được xác lập theo một lôgich thuận chiều: đem một thứ quý, cần phải giữ gìn để gửi cho một kẻ xấu đang rình mò và muốn chiếm đoạt chính thứ ấy. Cái lôgich đó chúng ta cũng bắt gặp trong thành ngữ mang mỡ đặt trước miệng mèo. Dân gian thường mượn vật để nói người là như vậy đó.
Thành ngữ gửi trứng cho ác trở thành lời phê phán những việc làm ngốc nghếch, cả tin trao gửi cho kẻ xấu những thứ quý giá mà chính kẻ trông giữ kia đang khao khát và có khả năng đoạt lấy cho riêng mình.
Với ý nghĩa đó, thành ngữ gửi trứng cho ác đã cảnh tỉnh, nhắc nhở người đời đừng cả tin, phải biết phân biệt kẻ tốt người xấu trước khi gửi gắm điều gì, vật gì đó. Nên chọn bạn mà chơi, biết chọn mặt gửi vàng, chứ đừng gửi trứng cho ác!
Giàu làm kép hẹp làm đơn
Trong tiếng Việt, “kép” và “đơn là hai từ trái nghĩa, “kép” là “đôi, hai, cặp”, trái với “đơn” là “một”. Với các ý nghĩa đó, người Việt gọi cái áo có hai lần vải là áo kép, chiếc lá cây gồm hai lá chét gọi là lá kép, cửa sổ hai lớp gọi là cửa sổ kép, bị thiệt thòi nhiều bề gọi là thiệt đơn thiệt kép, mưa gió giãi giề gọi là gió kép mưa đơn, v.v. “Kép” và “đơn” trong câu tục ngữ “giàu làm kép, hẹp làm đơn” chính là nằm trong tương quan ngữ nghĩa ấy.
Trong văn chương Việt Nam, chúng ta thường biết đến nhiều câu đối rất hay của cụ Tam nguyên Yên Đổ, trong đó câu đối mà Nguyễn Khuyến cho người cô đầu ở Hà Nam để thờ mẹ cô, cũng vốn là cô đầu, nhân ngày giỗ:
“Giàu làm kép, hẹp làm đơn, tống táng cho yên hồn phách mẹ. Cá kể đầu, rau kể mớ, tình tang thêm tủi phận đàn con”.
Trong câu đối này, Nguyễn Khuyến đã hóm hỉnh mà lồng câu tục ngữ “giàu làm kép, hẹp làm đơn” vào để an ủi người cô đầu, làm mát dạ người “nơi chín suối”. Câu tục ngữ dùng trong vế đối này hàm chỉ mức độ to nhỏ của việc làm giỗ: nhà giàu có khả năng kinh tế thì làm cỗ to (kép), còn nhà nghèo, eo hẹp kinh tế thì làm cỗ nhỏ (đơn), tùy theo gia cảnh. Câu tục ngữ trên, ngẫm cho kĩ nhiều khi được hiểu với nghĩa rộng còn là cách thể hiện niềm tự hào kín đáo của một người biết lo liệu, thu xếp cho cuộc sống phù hợp hoàn cảnh riêng của mình:
“Giàu làm kép, hẹp làm đơn, cơ cực đường nào, liệu đắn đo là kẻ phải.
Đôi khi, trong sử dụng, câu tục ngữ này có dạng rút gọn là “giàu kép, hẹp đơn”. Về nghĩa, dạng đầy đủ và dạng rút gọn của câu tục ngữ đang xét không có gì khác biệt đáng kể.
Được voi đòi tiên
Voi thường được tượng trưng cho cái gì to lớn khác thường, có tính chất khổng lồ. Trong nhiều ngữ cảnh khác, voi cũng mang ý nghĩa đó: voi nan, (bệnh) chân voi, lấy thúng úp voi, châu chấu đá voi, đầu voi đuôi chuột... Tiên thì thường dùng để biểu hiện cái gì tuyệt mỹ, tuyệt hảo đến mức lí tưởng: đẹp như tiên, sướng như tiên, có phép tiên, thuốc tiên, v.v... Tuy vậy nếu hiểu voi là tiên trong thành ngữ này theo ý nghĩa nói trên thì lại không thỏa đáng. Bởi vì có được số lượng (hoặc khối lượng) lớn nhất rồi, vẫn có quyền đòi hỏi chất lượng cao nhất, mà như thế đâu có phải là tham lam? Đạt được khối lượng thật lớn, lại còn muốn có được chất lượng thật cao nữa, ai dám bảo đó là “được voi đòi tiên”! Vậy thì phải hiểu voi và tiên ở đây là thế nào cho ổn?
Phần lớn thành ngữ và tục ngữ được mọi người chúng ta hiểu giống nhau về ý nghĩa toàn cục. Còn ý nghĩa của từng yêu tố, từng từ được dùng trong đó thì lại có thể hiểu theo những cách khác nhau. Có thể giải thích các yếu tố đó theo khuynh hướng đồng đại, nhưng trong nhiều trường hợp, chỉ có thể giải thích bằng con đường đi vào từ nguyên hoặc tìm vào các phương ngữ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì thành ngữ, tục ngữ thường được tạo ra từ khá lâu và thường gắn với một xuất xứ cụ thể, mặc dầu khó mà xác định được chắc chắn.
Trong tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, các con giống nặn bằng bột màu bán ở chợ làm đồ chơi cho trẻ em, có nơi gọi chung là voi. Trong câu hát đồng dao về con chim trả cũng có từ này. Khi bắt được con chim trả tranh, một loài chim bói cá nhỏ xinh đẹp, trẻ em thường cầm ngược cái mỏ dài của chim lên để chim lơ lửng và đọc câu hát “Tranh tranh trả trả, múa cho ả coi, đến mai đi chợ ả mua voi cho tranh tranh trả trả”.
Trẻ em địa phương có thể gọi là voi, tên chung cho các con giống (miền Bắc còn có nơi gọi là tò he), hoặc gọi tên riêng của từng con giống: voi, ngựa, gà, vịt, ông tiên... thường trong các mẹt hàng đồ chơi này ở nông thôn, voi là con giống phổ biến hơn cả. “Voi” ở đây không to lớn gì hơn so với các con giống khác, do đó cũng không đắt tiền hơn. Duy chỉ có tiên là loại con giống hiếm hơn, và dĩ nhiên là cũng đắt tiền hơn. Cho nên “được voi đòi tiên” ban đầu có thể chỉ là câu trách các em bé có tính hay vòi vĩnh đối với thứ quà quê cụ thể đó.
Đa nghi như Tào Tháo
Có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Cuộc chiến kéo dài, quân Tào mệt mỏi, tiến thoái lưỡng nan. Thấy tình thế khó nuốt được Thục, Tào bèn ban mật khẩu “Kê cân”. Một tướng giỏi của Tào là Dương Tu nghe lỏm được, liền truyền lệnh cho quân sĩ thu xếp hành trang, chuẩn bị rút. Thấy lạ, quân tả hữu liền hỏi:
Tại sao tướng quân lại cho quân rút sớm vậy?
Dương Tu đáp:
Quan Thừa tướng đã ban mật khẩu “Kê cân” (nghĩa là gan gà) ý muốn nói ăn không được, vứt thì tiếc. Vậy việc rút quân chỉ nay mai thôi.
Biết chuyện này, Tào Tháo khép tội Dương Tu là tiết lộ việc quân cơ, đem ra chém đầu. Nhưng đó chỉ là cái cớ. Cái chính là Tào Tháo biết Dương Tu là tướng có tài, chuyện gì cũng đoán biết được trước nên phải tìm cách hạ sát để trừ hậu họa. Tào Tháo còn là người đa mưu, nhưng vẫn rất sợ quân lính làm phản và bọn thích khách ám hại. Để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, hắn ra lệnh: Đêm ta ngủ thường mơ nơi trận mạc, tung hoành đao kiếm, đừng ai đến gần mà thiệt mạng. Một hôm, đang ngủ say, bỗng hắn trở mình, chăn rơi xuống đất. Tên lính hầu canh cửa thấy vậy bèn rón rén đến bên giường nhặt chăn lên đắp lại cho chủ tướng. Tào Tháo vùng phắt dậy rút ngay gươm đã thủ sẵn ở đầu giường chém người lính rồi lại nằm ngủ tiếp. Hành động chém giết tàn bạo của y không chỉ là lời răn đe khắc nghiệt đối với quân lính mà còn bộc lộ bản chất hay ngờ vực, hay nghi kị đến mức điển hình của một tính cách. Từ đó, tính cách của y đã được khái quát gọn trong năm chữ: Đa nghi như Tào Tháo.
Dở dở ương ương
Cũng như nhiều thành ngữ khác trong tiếng Việt, thành ngữ dở dở ương ương được hình thành bằng ghép láy hai từ dở và ương đi liền nhau.
Nếu chấp nhận rằng có một sự chuyển nghĩa từ dở trong khế dở (khế không ra ngọt mà cũng không ra chua) đến dở trong dở người từ ương trong ổi ương đến ương trong ương gàn, ương ngạnh v.v… thì cũng có thể chấp nhận có hai cách giải thích của thành ngữ dở dở ương ương.
Với nghĩa gốc, dở là ở trạng thái chưa xong, chưa kết thúc; còn ương biểu thị cái trạng thái của trái cây gần chín, cái trạng thái chưa chín hẳn, nhưng cũng chẳng còn xanh nữa! Có thể nói dở và ương đều có một nét nghĩa chung là ở trạng thái, chưa kết thúc của quá trình, ở trạng thái nửa vời, không ra thế nọ mà cũng chẳng ra thế kia. Từ đó, với nghĩa bóng, nghĩa rộng, thành ngữ dở dở ương ương thường được dùng để biểu thị tính cách của những người khôn chẳng ra khôn mà dại chẳng ra dại. Dĩ nhiên cái tính cách, phẩm chất này lại thường thể hiện ở cách nói năng, cách ứng xử, thí dụ:
“Ấy cũng chỉ vì trên đầu có hai thứ tóc nên mới ăn nói dở dở ương ương như thế”. (Tạp chí văn nghệ quân đội 1-1967).
“Gọi là Đạo Khùng vì ông dở dở ương ương lúc cười nói huyên thuyên, lúc im hơi lặng tiếng, khi thì đon đả hỏi chuyện khách viếng thăm, vui vẻ trả lời các câu hỏi, lúc lì lì hoặc gắt gỏng, xua đuổi người đến thỉnh cầu như xua tà” (Khoa học bịp).
Với nghĩa chuyển, dở được dùng để biểu thị tính khí không bình thường, được biểu hiện bằng những hành vi ngớ ngẩn, còn ương là “gàn”, cứ theo ý mình, không chịu nghe ai” (Từ điển tiếng Việt, 1988). Như vậy thì việc giải thích dở dở ương ương là thành ngữ biểu thị tính cách của con người không bình thường, khôn chẳng ra khôn, dại chẳng ra dại cũng là cách giải thích có thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, thì nghĩa của dở dở ương ương được hình thành từ nghĩa chuyển của dở và ương, chứ không phải từ nghĩa gốc của hai từ này.
Thoả chí tang bồng
“Tang bồng” vốn là cách nói tắt của “Tang hồ bồng thỉ”. “Tang” là dâu, “hồ” là cung, “tang hồ” là cung bằng gỗ cây dâu. “Bồng” là “cỏ bồng”, “thỉ” là “tên”, “hồ thỉ” là tên bằng cỏ bồng. Tang hồ bồng thỉ, nghĩa là cung làm bằng gỗ dâu, tên làm bằng cỏ bồng. Tục truyền, ngày xưa ở Trung Quốc, hễ đẻ con trai thì dùng loại cung tên này bắn sáu phát; bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, còn một phát xuống đất. Ngụ ý của việc làm này là sau này trưởng thành, người con trai sẽ mang chí lớn “hai vai gánh vác sơn hà”, tung hoành dọc ngang giữa trời đất.
Với nghĩa ấy, “tang bồng” thường kết hợp với các từ như “Chí tang bồng”, “nợ tang bồng”.
Thành ngữ “thoả chí tang bồng” hay là “phỉ chí tang bồng” dùng để chỉ sự thoả mãn, tự do trong hành động nhằm thực hiện chí lớn, không chịu bất kỳ một sự gò bó, ràng buộc nào.
Cõng rắn cắn gà nhà
Thí dụ : “Nguyễn Ánh đã cõng rắn cắn gà nhà, nên giặc Pháp đã có điều kiện xâm lược nước ta” (Tạp chí văn học 4-1974).
Ý nghĩa thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà được hình thành nhờ tính biểu trưng của các từ ngữ tạo nên nó. Trong thành ngữ này, rắn biểu trưng cho kẻ xấu, độc ác hại người, và hiểu rộng ra là kẻ thù, là bọn giặc. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi trong ý thức của nhân dân ta, rắn bao giờ cũng được liên hệ với cái độc ác, nham hiểm. Rắn đổ nọc cho lươn, rắn đến nhà không đánh thành quái là thế. Còn, gà là vật nuôi quen thuộc, là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ chu đáo. Trong nhận thức dân gian, gà hay được biểu trưng cho tình anh em ruột thịt: “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” (Ca dao). Khi từ gà kết họp với từ nhà , tạo thành tổ hợp gà nhà, thì ý nghĩa đó càng thể hiện rõ. Một khi những người anh em thân thiết mà lại làm hại lẫn nhau, thì người đời sẽ chê trách là ''gà nhà bới bếp nhà”. Cho nên khi nói, rắn cắn gà nhà, thì ý nghĩa nổi bật lên đầu tiên là kẻ ác làm hại những người thân thích của mình. Cái lí thú của thành ngữ này còn ở từ cõng với nghĩa khom lưng đưa rước kẻ khác. Và, trớ trêu thay, hành động cõng ở đây lại là cõng rắn, đưa rước kẻ độc ác, kẻ nguy hiểm về làm hại những đối tượng đáng lẽ mình phải có bổn phận chăm sóc, bảo vệ! Sự kết hợp ý nghĩa biểu trưng của các từ, các thành tố riêng lẻ đã dem lại cho thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà ý nghĩa chung hàm chỉ hành động đem kẻ ác, kẻ nham hiểm đến làm hại người thân của mình, và hiểu rộng ra, đó là hành động phản bội đồng bào, đưa giặc vào giày xéo Tổ quốc thân yêu của mình. Đó là hành động tội lỗi đáng muôn đời nguyền rủa:
“Cõng rắn cắn gà nhà
Nghìn thu tội với sơn hà còn đeo”
(“Bài ca chiến đấu”)
Cùng nghĩa với thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà, trong tiếng Việt còn có thành ngữ rước voi về giày mả tổ. Về cơ bản, ý nghĩa hai thành ngữ này tương tự nhau. Tuy nhiên, thành ngữ rước voi về giày mả tổ có sắc thái biểu cảm mạnh hơn: “Tôi biết rằng các người là con dân nước Việt Nam, song vì bị Pháp bắt buộc, bị chúng lường gạt, cho nên, đi lính cho chúng chứ thực ra không ai muốn cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả tổ, chống lại Tổ quốc để mang tiếng Việt gian” (Hồ Chí Minh. “Tuyển tập”).
Bóc ngắn cắn dài
Thí dụ: “Chuyện ông cụ ngày xưa chỉ bóc ngắn cắn dài nghèo rớt mồng tơi, suốt đời đi dũi đi dậm như con trâu nước mà chỉ ráp nghề đãi bạn” (Vũ Tú Nam. “Kể chuyện quê nhà”).
Thành ngữ bóc ngắn cắn dài được giải thích như trên là đúng nhưng chưa đủ. Trên thực tế, thành ngữ này còn được dùng với ý nghĩa rộng hơn, phê phán lối làm ăn có tính cò con do tham lam, muốn bỏ ít công sức, vốn liếng mà lại muốn thu được lợi nhuận nhiều. Thí dụ:
“Thực dân Pháp trước đây già cỗi, tầm nhìn ngắn, sức nghĩ nông, chỉ nghĩ tới chuyện bóc ngắn cắn dài (Báo Nhân dân 31-10-1976).
Ý nghĩa chung của thành ngữ bóc ngắn cắn dài nẩy sinh trên một lôgich và cơ chế nghĩa khá lí thú. Như đều biết, thành ngữ bóc ngắn cắn dài nói tới một việc rất cụ thể, nói đến chuyện ăn uống một thứ gì có vỏ. Thứ đó là gì không thành vấn đề, bởi ai mà chẳng liên hệ với cái thứ vỏ mềm, khả dĩ ăn được như khoai lang, chuối... Điều quan trọng hơn là, trên thực tế có những kẻ bóc vỏ được một phần ngắn mà khi ăn lại cắn một phần dài hơn, lấn sang cả chỗ chưa bóc vỏ. Lệ thường thì đó là hành vi phàm ăn tục uống. Nhưng người đời không nhất thiết khai thác hoàn toàn ý này. Người ta chỉ còn giữ được cái ý “làm thì ít mà muốn hưởng thì nhiều”. Điều này có liên quan tới nghĩa thứ hai của thành ngữ, tức là phê phán kẻ làm ăn cò con, hám lợi, muốn bỏ sức và bỏ vốn ít nhưng muốn thu về cho nhiều lợi lộc hơn. Thực ra ở thành ngữ này, dân gian đã khai thác theo một hướng khác trên cơ sở nghĩa biểu trưng của các từ cấu tạo nên thành ngữ. Các từ bóc, ngắn, cắn, dài đều có ý nghĩa biểu trưng riêng. Ở đây bóc biểu trưng cho lao động, cho hành động làm (việc), ngắn biểu trưng cho số lượng ít, sản phẩm làm ra không nhiều, trong khi đó cắn biểu trưng cho hành động ăn, việc tiêu dùng nói chung, dài biểu trưng cho số nhiều, phần chi tiêu lớn. Tổng hòa nghĩa của các thành tố này, chúng ta có thành ngữ bóc ngắn cắn dài với ý nghĩa “làm ra được ít mà chi dùng quá nhiều”. Vì đi theo hướng biểu trưng này nên thành ngữ bóc ngắn cắn dài đã xa dần với cái xuất phát điểm của nó, cũng như thực tế quan sát việc ăn uống theo lối bóc ngắn cắn dài. Từ bóc chẳng còn gợi gì đến việc “bóc vỏ” nữa. Thành ra, trong tiếng Việt, đôi khi người ta còn dùng động từ làm để thay vì cho bóc trong thành ngữ này để tạo lập một biến thể khác là làm ngắn cắn dài. Thí dụ: “Tay Bật hai vợ chồng khỏe thế sao đã hết thóc? - Làm ngắn cắn dài. Chị vợ làm trại ở chăn nuôi, buổi đực, buổi cái. Tính lại hay ăn quà như mỏ khoét. Của đâu cho lại” (Hoàng Minh Tường. “Đồng chiêm”).
Dạng thức Làm ngắn còn dài tuy làm mất thế đối xứng giữa các động từ vốn có liên hệ chặt chẽ về nghĩa và hành động bóc và ăn trên thực tiễn, song nó vẫn được tồn tại hiển nhiên trong tiếng Việt, do tính biểu trưng của các thành tố trong thành ngữ đem lại.
Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ bóc ngắn cắn dài được dùng khá linh hoạt. Thành ngữ này được tách, chen, thay đổi vị trí các yếu tố trong đó theo những dạng thức khác nhau tùy theo dụng ý người nói, người viết. Thí dụ:
“Bóc thì ngắn, cắn thì dài
Hàng trong ế ẩm, hàng ngoài nhập siêu”
Ăn cháo đái bát
Thí dụ: “Nhà mày trước nghèo đói, nhờ khởi nghĩa được tí ruộng vườn, tí vợ con. Thế mà rồi ăn cháo đái bát.” (Vũ Cao. “Những người cùng làng”).
Thành ngữ ăn cháo đái bát gồm hai vế: vế thứ nhất nói về việc nhận ân nghĩa (ăn cháo), về thứ hai nói về sự bội bạc ân nghĩa đó (đái bát). \/ề thành ngữ này, một số người còn băn khoăn, không hiểu dạng đích thực của nó là ăn cháo đái bát hay ăn cháo đá bát. Thực ra, điều đó chẳng có nghĩa lý gì, bởi vì hành vi đái bát hay đá bát đều biểu thị sự phũ phàng đến thô bạo của người đời. Dĩ nhiên, hành vi đái bát gây ấn tượng mạnh mẽ, nặng nề hơn và phù hợp với cách nói khoa trương, phóng đại mà dân gian vẫn ưa dùng. Hơn nữa, trên thực tế sử dụng, hầu như ta chỉ gặp dạng ăn cháo đái bát mà thôi. Như vậy, chẳng cần biện luận nhiều, chúng ta cũng dễ dàng chấp nhận dạng thức ăn cháo đái bát là dạng đích thực của thành ngữ đang xét. Vấn đề đáng quan tâm hơn là tại sao dân gian lại dùng cụm từ ăn cháo để biểu hiện việc ân nghĩa? Có bao nhiêu thứ khác, quý hiếm hơn, đáng giá hơn sao không được chọn dùng, trong khi đó lại dùng cháo , một thức ăn bậc thấp nhất, để chỉ cái ân cái nghĩa do người khác mang lại? Thông thường cháo là món ăn nhẹ, dễ tiêu thích hợp với người bệnh đuối sức, không ăn được cơm. Bát cháo từ tay người khác mang lại chăm sóc lẽ nào người bệnh chẳng biết nâng niu trân trọng? Lại nữa cháo trong dân gian các cụ bà thường dùng để cúng lễ ở các miếu dưới gốc đa, sau đó ban phát cho trẻ để lấy phước. Vì thế mà có chuyện “cướp cháo gốc (lá) đa”. Khi gặp nạn đói kém nhiều người quẫn bách cơm không có ăn, áo không có mặc, sống thoi thóp trong hoạn nạn, những người có lòng nhân đức thường nấu cháo để phát chẩn, giúp cho người bị nạn bát cháo cầm hơi. Bát cháo cứu giúp con người ra khỏi cái đói đến chết người cũng chẳng đáng ghi lòng tạc dạ hay sao? Một miếng khi đói bằng mót gói khi no là thế! Những điều liên tưởng ở trên cho thấy cách lập ý lập tứ của thành ngữ ăn cháo đái bát vùa cụ thể vùa rất sâu sắc. Với quan niệm sâu kín đó, nhân dân đã khéo léo tạo nên một sự đối lập gắt gao giữa một bên là ân nghĩa với một bên khác là hành vi phụ bạc đến mức thô bạo nhằm toát lên giá trị phê phán của thành ngữ ăn cháo đái bát đối với những kẻ sống không có trước có sau, sống vô ơn bạc nghĩa.
“Cậu nào lấy mất bi đông người ta rồi. Chỉ được cái ăn cháo đái bát, uống cho khỏe vào rồi vất cả bi đông người ta đi”. (Lê Khánh. “Những ngày vui”).
Cùng nghĩa với ăn cháo đái bát, trong tiếng Việt còn có những thành ngữ như qua cầu rút ván, qua sông đấm vào sóng... Tuy vậy, khi sử dụng cần chú ý đến sự khác nhau rất tinh tế về sắc thái ý nghĩa của chúng.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- maxreading_ebook_707.doc