Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có thể chia làm 3 vùng. Vùng cao núi đá phía bắc nằm sát chí tuyến bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Khí hậu mang nhiều sắc thái ôn đới, chia làm 2 mùa, mùa mưa và mùa khô.
21 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 3407 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Du Lịch Hà Giang tiềm năng và thế mạnh, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CHƯƠNG 1: Khái khát chung về Hà Giang và một số điểm đến tiêu biểu
Vị trí địa lý
Diện tích: 7.945,8 km²Dân số: 683,5 nghìn người (năm 2006)Tỉnh lỵ: Thị xã Hà GiangCác huyện: Ðồng Vãn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình.Dân tộc: Việt (Kinh), Tày, H'Mông, Dao, Sán Dìu.
Hà Giang, mảnh đất địa đầu cực Bắc của Việt Nam, nơi có những ngọn núi cao lưng trời và nhiều sông suối.Phía bắc tỉnh Hà Giang giáp Trung Quốc (chiều dài đường biên 274km), phía đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía tây giáp Yên Bái và Lào Cai, phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang.
1.2 Địa hình
Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có thể chia làm 3 vùng. Vùng cao núi đá phía bắc nằm sát chí tuyến bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Khí hậu mang nhiều sắc thái ôn đới, chia làm 2 mùa, mùa mưa và mùa khô.
Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp. Khí hậu vùng này chia làm 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và thị xã Hà Giang. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 24ºC – 28ºC, mùa đông nhiệt độ có khi xuống -5ºC.
1.3 Dân tộc, tôn giáo
Hà Giang là nơi có nhiều di sản văn hoá đặc sắc với truyền thống lâu đời của hơn 20 dân tộc, một địa danh du lịch đáng nhớ bởi cảnh quan thiên nhiên và con người ở đây không giống với bất kỳ một nơi du lịch nào trong nước.
1.4 Giao thông
Thị xã Hà Giang cách Hà Nội khoảng 320km. Hà Giang có quốc lộ 2 tới Yên Bái, quốc lộ 34 tới Cao Bằng, quốc lộ 279 tới Lào Cai.
1.5 Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Hà Giang có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh cao tới 2.419m, có nhiều khu rừng nguyên sinh, rừng có nhiều gỗ quí, có tới 1.000 loại cây dược liệu quí hiếm. Động vật có hổ, công, trĩ, phượng, tê tê... và hàng trăm loại chim thú khác.
Hà Giang có cao nguyên Đồng Văn nên thơ hùng vĩ, có chợ tình Khâu Vai hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đến với Hà Giang, du khách được tiếp cận với những sản phẩm kết tinh từ truyền thống văn hoá độc đáo của cư dân miền núi, đó là các loại khăn thêu, túi vải, áo váy với các loại hoa văn rực rỡ, tinh tế.
Du khách có dịp tham dự những phiên chợ vùng cao của cư dân địa phương và khám phá nhiều điều mới lạ.
Chợ vùng cao Đồng Văn
Vị trí: Chợ Đồng Văn thuộc xã Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng phong cảnh núi rừng trùng điệp ngút tầm mắt và tìm hiểu thêm về lối kiến trúc Việt - Hoa của ngôi chợ cổ Đồng Văn
Đồng Văn là huyện địa đầu cực bắc của tỉnh Hà Giang, nằm trong khu vực cao nguyên đá tai mèo độc đáo vào bậc nhất của nước ta. Tới đây, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng phong cảnh núi rừng trùng điệp ngút tầm mắt, được biết thêm về đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân Đồng Văn; một trong những điểm mà du khách nên đến là chợ Đồng Văn.
Từ Tp. Hà Giang, theo quốc lộ 4C, ngược lên phía đông bắc khoảng trên 150km, du khách sẽ tới chợ Đồng Văn.
Từ Tp. Hà Giang, theo quốc lộ 4C, ngược lên phía đông bắc khoảng trên 150km, du khách sẽ tới chợ Đồng Văn.
Chợ Đồng Văn là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc như: Tày, Nùng, Hán, Mông, Hoa, Dao, Kinh… Chợ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ, tết trong năm. Chợ nằm dưới chân núi Đồn Cao, ngay bên cạnh khu phố cổ Đồng Văn. Toàn khu chợ được thiết kế theo lối kiến trúc Việt - Hoa và có sự giao thoa rất tinh tế hợp với phong thủy miền cao nguyên: những dãy cột đá ba bốn người ôm được đục đẽo rất đẹp; khu chợ bề thế, vững chãi giữa lòng chảo thung lũng cao nguyên Đồng Văn như một nét chấm phá đầy ấn tượng. Công trình chợ Đồng Văn với kết cấu hình chữ U thật tráng lệ, thâm trầm lối kiến trúc trên đá được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1925 - 1928.
Nhìn từ xa, du khách sẽ thấy khung cảnh của phiên chợ vùng cao thật là đẹp và sinh động. Từng đoàn người nô nức, dắt díu nhau về chợ: người đi bộ thì mang theo gùi rau, quả, lồng gà, lồng chim, con trâu, con bò; người đi xe đạp, xe máy thì ở đằng sau xe là những tải hàng hóa hay những chú lợn... còn những người khác thì xúng xính trong những bộ trang phục dân tộc từ các bản làng xa xuống chơi chợ. Tất cả có vẻ như đều rất phấn khởi, hồ hởi vì sau những ngày làm việc mệt mỏi, đến cuối tuần, họ lại được tụ họp tại đây để cùng trao đổi, thưởng thức những sản phẩm của vùng quê mình.
Không khí chợ Đồng Văn càng náo nhiệt, đông vui hơn khi du khách đến gần chợ. Ngay từ ngoài cổng, người bán, kẻ mua vui vẻ trao đổi mua bán với nhau bằng ngôn ngữ riêng của từng dân tộc. Bên trong chợ, từng dãy hàng hóa bày đủ các loại mặt hàng cùng những khu bán gia súc, gia cầm được sắp xếp rõ ràng để phục vụ nhu cầu khách mua. Các mặt hàng ở đây chủ yếu là các loại rau quả, gia vị, lương thực, sản phẩm thổ cẩm nhiều màu sắc, vật dụng gia đình cùng một số loại gia súc, gia cầm như: lợn, trâu, bò, chim, gà....
Cũng như một số phiên chợ vùng cao khác, chợ Đồng Văn cũng phục vụ các món ẩm thực của người dân tộc như: Món thắng cố, bánh bột tam giác mạch, rượu ngô...
Nếu có dịp tới thăm Hà Giang, mời du khách hãy ghé thăm chợ Đồng Văn.
Tới đây, du khách sẽ có dịp được hòa mình vào không khí sôi động, đông vui của một khu chợ cổ và cũng là tìm hiểu thêm về khu phố cổ Đồng Văn.
Lũng Cú
Vị trí: Lũng Cú - mảnh đất địa đầu Tổ quốc, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang khoảng 200km. Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ có dịp được tận hưởng bầu không khí trong lành, tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của một số dân tộc.
Từ thị xã Hà Giang, theo quốc lộ 4C ngược lên phía đông bắc khoảng 160km, du khách sẽ đến xã Đồng Văn, huyện Đồng Văn. Từ đây, tiếp tục xuôi theo con đường trải nhựa nối liền hai xã Lũng Cú - Đồng Văn khoảng 40km, du khách sẽ đến với đỉnh Lũng Cú.
Từ xa, Lũng Cú hiện ra thật sinh động: một vùng đất với 3/4 là đá, nổi bật lên là cột cờ Tổ quốc có hình dáng giống cột cờ Hà Nội, trông xa giống như một ngọn tháp; xung quanh là phong cảnh núi rừng hùng vĩ, trùng điệp... Khi tới gần, vẻ đẹp nơi đây càng rõ nét hơn: Một cột cờ được dựng trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn), dưới chân cột có khắc phù điêu mang rõ nét hoa văn của trống đồng Ðông Sơn, lá cờ Tổ quốc tung bay phất phơ trong gió và in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc. Quan sát kỹ hơn một chút, du khách sẽ thấy giữa lưng chừng núi Rồng có một cái hang khá rộng và đẹp, đồng bào ở đây gọi là hang Sì Mần Khan.
Xã Lũng Cú có tổng diện tích tự nhiên là 3.460 ha với chín thôn, bản, đó là: Lô Lô Chải, Séo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn và có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hơn 16km.
Tại đây, khi vào mùa đông thời tiết rất lạnh và thi thoảng có tuyết rơi. Trong số chín thôn, bản của Lũng Cú thì Séo Lủng thuộc phần đất thượng cùng cực bắc với bên trái là thung lũng Thèn Ván sâu thăm thẳm, bên phải là dòng sông Nho Quế - dòng sông bắt nguồn từ Mù Cảng - Vân Nam - Trung Quốc đổ về Ðồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).
Bà con dân tộc ở Lũng Cú chủ yếu là làm nương rẫy và làm ruộng bậc thang. Riêng đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô vẫn bảo tồn nghề dệt truyền thống với các công đoạn làm sợi lanh, dệt vải.
Bên cạnh đó, Lũng Cú còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá tiêu biểu từ thời Hùng Vương. Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Chính vì vậy, người Lô Lô ở Lũng Cú bây giờ sử dụng thành thạo trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Ðông Sơn.
Là vùng đất của chè Shan, rượu mật ong, rượu ngô, đào phai, hoa lê, tuyết trắng và món thắng cố trong buổi chợ phiên... cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc như: Mông, Lô Lô, Giáy... Lũng Cú thật sự mang trong mình nét đẹp mê hồn hấp dẫn biết bao du khách.
Quả thật, nếu du khách có dịp đến đây vào mùa xuân, du khách vừa được tận hưởng bầu không khí trong lành, vừa được nghe tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn của người Mông say mê, quyến rũ và tiếng trống đồng âm vang bên bếp lửa bập bùng...
Bãi đá cổ Nấm Dẩn - Vẻ đẹp bí ẩn
Vị trí: Bãi đá cổ Nấm Dẩn thuộc địa phận xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Đặc điểm: Nơi đây có giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng và nghiên cứu khoa học.
Bãi đá cổ Nấm Dẩn được phát hiện vào năm 2004 bởi các nhà khoa học Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Giang. Khu di tích đá cổ chạm khắc các hình vẽ có cách đây cả nghìn năm nằm trong một thung lũng rộng thuộc địa phận xã Nấm Dẩn. Khác với di tích đá cổ ở Sa Pa (Lào Cai), bãi đá cổ Nấm Dẩn còn được ít người biết đến nhưng vẻ đẹp của các hình vẽ và những điều bí ẩn xung quanh các phiến đá thì không kém phần hấp dẫn và lôi cuốn.
Các di tích cự thạch này nằm giữa dãy núi Tây Ðản và dãy núi đồi Nấm Dẩn, ngay gần sát với con suối Nậm Khoòng. Nhiều tảng đá trầm tích lớn nằm dọc bờ suối với hình thù đa dạng và độc đáo. Có tảng đá như một bàn cờ phẳng, có tảng lại giống tấm phản nằm hay một chiếc ghế ngồi. Trên bề mặt và ở các rìa cạnh của tấm đá vẫn giữ được nguyên trạng phong hóa tự nhiên.
Nhân dân trong vùng gọi khu vực này là Nà Lai (ruộng nhiều chữ) vì trên một số tảng đá có khắc hình, chữ. Các hình khắc vẽ rất đa dạng, mang vẻ đẹp riêng trong phong cách tạo hình của nghệ thuật cổ. Ngoài hơn 80 hình khắc vẽ, trên bề mặt tảng đá còn có khoảng 80 lỗ vũm, được khoét với đường kính trung bình 5 - 6cm, sâu 1 – 2cm, các vũm phân bố chủ yếu ở đầu phía tây của tảng đá. Mỗi tảng đá là một điều bí ẩn, gắn với những câu chuyện ly kỳ mang dấu ấn tín ngưỡng, thể hiện sự linh nghiệm cầu ứng các đấng thần linh của nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng.
Cho đến nay, ở Việt Nam, những dấu tích nghệ thuật tạo hình thời tiền sử còn tìm thấy khá ít. Theo các nhà KH, di tích cự thạch Nấm Dẩn có niên đại khoảng 2000 năm. Đây có thể là di tích mộ của thủ lĩnh cộng đồng hoặc là khu đất thiêng, thờ cúng thần linh, tổ tiên và các nhân vật lỗi lạc của cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, di tích cự thạch Nấm Dẩn còn có khả năng liên quan đến tục thờ thần đá của các cư dân tiền sử.
Có thể nói Bãi đá cổ Nấm Dẩn có giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng và giá trị nghiên cứu khoa học cao. Nơi đây chứa đựng tiềm năng du lịch rất lớn và là một địa điểm tham quan rất thú vị cho du khách.
Thời gian tới, đang có khá nhiều hãng lữ hành có ý định đưa di tích này trở thành điểm đến trọng điểm trong chương trình du lịch đi bộ, thăm các bản làng ở Hà Giang.
Dinh họ Vương
Vị trí: Dinh họ Vương (Vương Chí Sình) nằm trên địa bàn xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách huyện lỵ Đồng Văn chừng 24km. Đặc điểm: Đây là một công trình kiến trúc đẹp, hiếm có và rất độc đáo của vùng cao nguyên này.
Đoạn đường dẫn vào dinh chỉ dốc thoai thoải, được lát bằng những phiến đá lớn, vuông vức, bằng phẳng. Dinh được bao bọc bởi hai bức tường thành xây bằng đá, dày khoảng 60cm đến gần 1m, cao từ 2,5 đến 3m. Vòng thành trong dày và kiên cố hơn vòng thành ngoài. Cả hai vòng thành đều bố trí nhiều lỗ châu mai. Khoảng đất giữa hai tường thành rộng khoảng 50m, được trồng cây.
Dinh có 10 ngôi nhà, 6 ngôi nằm cùng một hướng, 4 ngôi kia nằm theo hướng khác. Ngôi nhà chính quay mặt ra phía cổng. Các ngôi nhà đều được làm bằng gỗ quý từ cột, kèo, sàn, vách. Mái nhà lợp bằng ngói máng. Tại ngôi nhà chính còn lưu bức hoành phi với bốn chữ "Biên chinh khả phong" được vua Nguyễn ban cho. Các bức chạm trên đá, trên gỗ cho thấy sự tinh xảo và tài nghệ của người thợ. Công trình đã được xếp hạng di tích và bảo vệ từ năm 1993.
Di tích này đáng để bạn dừng chân và quên đi mọi vất vả sau những chặng đường cheo leo hiểm trở. Công trình toát lên vẻ thâm nghiêm trong khung cảnh tĩnh mịch nơi vùng cao biên giới.
Núi đôi Quản Bạ
Vị trí: Núi đôi Quản Bạ nằm bên quốc lộ 4C, cách thị xã Hà Giang chừng 40km, thuộc địa phận huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Đặc điểm: Đó là hai quả núi trông như hai trái đào tiên.
Đặc điểm: Đó là hai quả núi trông như hai trái đào tiên. Du khách qua đây đều có dịp chiêm ngưỡng “tác phẩm nghệ thuật” của tạo hoá ban tặng cho vùng đất này. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá.
Hai trái núi gắn với truyền thuyết “Núi Cô Tiên” rất thi vị.Với địa thế đẹp, thời tiết trong lành của vùng cao, vùng núi đôi Quản Bạ đang trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn của tỉnh Hà Giang.
Chợ tình Khau Vai
Vị trí: Chợ tình Khau Vai thuộc xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đặc điểm: Đây là một phiên chợ tình độc đáo của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Mới 3 giờ chiều 26/3 (âm lịch), phiên chợ Khau Vai nằm trong làng người Nùng, trong một thung lũng khá rộng và bằng phẳng đã chật người. Đủ màu sắc phục trang của các dân tộc H’Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng…khiến cả phiên chợ cứ rực lên như rừng hoa chuối.
Các cô gái, chàng trai thậm chí cả người già, người trung tuổi ai nấy đều không giấu nổi được nét rạo rực, bồn chồn trên khuôn mặt, trong bộ quần áo mới phẳng phiu, có lẽ đã được giành cất cả năm đến phiên chợ…trọng đại này mới đem ra dùng.
Từ ngày hôm trước, lều quán đã được dựng khắp thung lũng, nhưng nhiều nhất vẫn là những quán rượu ngô, thắng cố, nơi dừng chân đầu tiên của các cặp tình nhân trẻ cũng như già, mới cũng như cũ. Và cũng ngay từ chiều hôm trước, nhiều cặp vợ chồng, tình nhân vì đường xa, đã “xôi đùm, ngô nắm” lên yên ngựa, hoặc thong thả theo đường núi cho kịp chợ tình trong tiếng khèn, tiếng hát réo rắt suốt ngày đêm không tắt trên các triền núi xa xa dẫn đến Khau Vai ngày chợ.
Cuộc sống ở vùng núi cao thường là rất buồn tẻ. Cả năm mới có một phiên chợ, lại là phiên chợ tình, bởi vậy, có nhiều gia đình cả bố, mẹ, con dâu, con trai dắt díu nhau đến chợ vui như chảy hội. Thậm chí có nhiều cặp vợ chồng lấy nhau từ hơn chục năm nay, đã có với nhau bốn mặt con và sống cách chợ Khau Vai gần hai ngày đường cũng lặn lội đến đây tìm niềm vui...
Bóng chiều chạng vạng bắt đầu đổ xuống thung lũng Khau Vai trong thanh âm nhộn nhịp tiếng nói cười, đi lại, gọi nhau và cả tiếng lục lạc, vó ngựa của phiên chợ lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui nhất. Đó đây trong các lều quán bắt đầu xuất hiện những cặp tình nhân ngồi sát bên nhau, vừa chụm đầu trò chuyện vừa nhắm thức ăn và…uống rượu.
Rượu được rót tràn bát, như tình cảm của người vùng cao lúc nào cũng lai láng không bến bờ. Họ uống cho ngày gặp lại sau một năm xa cách, có thể đằng đẵng, đầy nhớ nhung, đến khi nào không thể uống và không nên uống nữa, họ sẽ dắt tay nhau ra ngọn núi phía xa xa kia để tự tình thâu đêm đến sáng mới trở về với vợ, chồng mình.
Những người già nhất xã Khau Vai bây giờ cũng không ai biết chợ tình Khau Vai có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ lúc còn để chỏm họ đã thấy có chợ tình rồi.
Truyền thuyết bắt nguồn phiên chợ là câu chuyện tình của một người con trai H’Mông và một người con gái Giáy yêu nhau. Song, tình yêu của họ đã gây ra ra hiềm khích giữa hai bộ tộc. Để tránh cuộc đối đầu đẫm máu, họ buộc phải xa rời nhau. Tuy nhiên, chàng trai và cô gái thề nguyền rằng, dù không lấy được nhau và phải lập gia đình với người khác thì mỗi năm họ sẽ gặp nhau một lần vào đêm 26/3 tại chợ Khau Vai bây giờ. Chợ tình Khau Vai được hình thành từ đó, mới đầu chỉ là nơi hẹn hò của những người đã lỡ dở tình duyên với nhau và là đêm chợ truyền thống của người dân tộc H’Mông, nhưng sau đó được các dân tộc khác hưởng ứng. Đến bây giờ Khau Vai đã trở thành phiên chợ hẹn hò, tìm kiếm tình yêu của tất cả mọi người từ thanh niên cho đến người đã có gia đình.
Phiên chợ tình Khau Vai càng về đêm càng trở nên sâu lắng, chỉ có tiếng trò chuyện thì thầm và tiếng khèn, tiếng hát réo rắt gọi bạn tình vang lên từ những ngọn núi, đồi xa xa.
Du khách dẫu một lần đến với chợ tình Khau Vai hẳn sẽ không quên được những giây phút đầy thi vị này.
Cao nguyên Đồng Văn
Vị trí: Cao nguyên Đồng Văn thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.Đặc điểm: Đồng Văn có Lũng Cú được coi là “nóc nhà của Việt Nam”, nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên, trái ngon, dược liệu quý.
Đồng Văn là một huyện vùng cao biên giới của Hà Giang, huyện lỵ cách thị xã Hà Giang 146km. Huyện có 19 xã thì 9 xã có đường biên giới với Trung Quốc. Mùa đông nhiệt độ có lúc xuống đến 1ºC, nhưng mùa hè nóng nhất chỉ khoảng 24ºC. Bầu trời hầu như quanh năm mưa và mù nên ở đây người dân có câu: "thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày" và "đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng". Ðồng Văn có điểm cực Bắc của Việt Nam tại Lũng Cú.
Người ta nói rằng nếu chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến Ðồng Văn, bởi Lũng Cú là "nóc nhà của Việt Nam" nơi mà "cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời". Ðồng Văn nổi tiếng về trái ngon: đào, mận, lê, táo, hồng... về cây dược liệu quý: tam thất, thục địa, hồi, quế... Ðồng Văn còn nổi tiếng về phong cảnh như núi non, hang động, những rừng hoa đủ sắc màu... Chính nơi đây đã tạo cho các nghệ sỹ nguồn cảm hứng sáng tác nên những tác phẩm hội hoạ, nhiếp ảnh độc đáo trên thế giới về thiên nhiên: núi rừng, ruộng bậc thang... Ðến với Ðồng Văn là dịp để thử lòng can đảm của bạn bởi đèo cao vực thẳm, nhiều khi phải đi bộ. Nhưng đổi lại, bạn được những ngày đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ, sống bên những con người còn nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn cũng sẽ được thả hồn trong tiếng khèn, tiếng sáo. Biết đâu nó sẽ làm bạn phải ngẩn ngơ khi rời chốn xa xôi này
CHƯƠNG 2: TIỀM NĂNG VÀ THẾ MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ GIANG
1. Phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói
Bên cạnh các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, về thu hút đầu tư, một điều không thể phủ nhận là Hà Giang có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch. Hà Giang còn nhiều khu rừng nguyên sinh chưa được khai thác, môi trường sinh thái trong lành và chứa đựng nhiều tiềm ẩn kỳ thú. Các rừng đá trập trùng, nhấp nhô ẩn hiện trong mây bạc, nhiều đỉnh núi cao trên 2.000 m như Pu Ta Kha, Tây Côn Lĩnh; nhiều hang động đầy bí ẩn như Tùng Bá, Lùng Má, (huyện Vị Xuyên), Tùng Vài (Quản Bạ), Hang Mây, Sảng Tủng (Đồng Văn); các danh thắng như núi Cô Tiên, Cổng Trời (Quản Bạ). Bên cạnh đó, Hà Giang có Cột cờ Lũng Cú được mệnh danh “nóc nhà của Tổ quốc”, có Phố cổ Đồng Văn huyền bí, có Chợ tình Khâu Vai nên thơ, có di tích nhà họ Vương... Ngay cả cao nguyên Đồng Văn hùng vĩ với những cổng trời quanh năm mây phủ cũng là một tiềm năng của ngành công nghiệp không khói... Thành tựu nổi bật nhất của tỉnh Hà Giang trong 117 năm qua, đặc biệt là sau 17 năm tái lập tỉnh là tập trung xoá đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở đường giao thông đến huyện, xã và thôn, bản; đảm bảo cho 100% trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường... Bên cạnh đó, công tác bảo tồn văn hoá truyền thống vẫn luôn được chú trọng và triển khai thường xuyên như là một nhiệm vụ thường trực của không chỉ những người có trách nhiệm ở địa phương. Phát triển du lịch tất nhiên phải dựa vào cái vốn là môi trường sinh thái và văn hoá truyền thống, xác định dựa vào chứ không khai thác. Từ việc phát triển kinh tế nhờ du lịch, có thể bảo tồn môi trường sinh thái và văn hoá truyền thống của Hà Giang. Xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, Hà Giang đã chọn cho mình một hướng đi chủ đạo, bên cạnh các hướng đi “hỗ trợ” nhưng không kém phần quan trọng là thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp địa phương. Những hướng đi bằng chính đôi chân của mình trong những năm tới đang hứa hẹn sớm đưa Hà Giang thực sự trở thành địa phương phát triển toàn diện và bền vững.
Di sản văn hóa là sản phẩm sáng tạo trong quá trình hoạt động của con người, là kết tinh của mối quan hệ tổng hòa giữa môi trường - con người - văn hóa. Di sản văn hóa là sức mạnh nội sinh tiềm tàng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của một dân tộc, của một địa phương. Hệ thống di sản văn hoá và di sản thiên nhiên là cơ sở hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch. Do vậy, bảo tồn phát huy các di sản để mãi trường tồn và đem lại lợi ích thiết thực, hiệu quả là công việc rất cần thiết và có ý nghĩa, không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người.
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, kết nối các tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế.
Thiên nhiên hào phóng ưu đãi cho Hà Giang rất nhiều cảnh quan đẹp, đặc sắc. Đặc biệt, Cao nguyên đá Đồng Văn là kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, mang trong mình rất nhiều di sản văn hoá và thiên nhiên, đó là: Đỉnh Lũng Cú được ví như "Vầng trán kiêu hãnh của tổ quốc" đánh dấu điểm cực Bắc của đất nước; những thị trấn vùng sơn cước cổ kính tồn tại hàng trăm năm, xinh xắn, thơ mộng, mát mẻ có thể sánh với Đà Lạt và Sa Pa; những rừng đá, nương đá, khối đá, núi đá bạt ngàn, chót vót; sông Nho Quế với Mã Pì Lèng là đệ nhất hùng quan của cả nước… Bên cạnh những danh lam thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cao nguyên đá Đồng văn còn ẩn chứa những bản sắc văn hoá dân tộc vùng cao vô cùng độc đáo: những chợ phiên ngập trong sắc màu sặc sỡ của váy áo và trang sức đặc trưng của các dân tộc, với các sản vật phong phú cùng với sự mộc mạc thấm đậm tình người của người dân
địa phương; các lễ hội truyền thống của đồng bào như lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ hội nhảy cây của người Lô Lô và đặc biệt nhất, cũng là tiêu biểu nhất có lẽ là Chợ tình Khau vai - một hiện tượng văn hoá đặc sắc không những đối với Việt Nam mà có lẽ trên cả thế giới; những di tích kiến trúc (Dinh thự nhà Vương, phố cổ Đồng Văn); những làng bản thanh bình và độc đáo,… Tập hợp những di sản đó đã làm nên một Cao nguyên đá Đồng Văn có sức hút thật mạnh mẽ đối với khách du lịch và đồng thời được các nhà nghiên cứu du lịch, nhà khoa học đánh giá rất cao, hiện nay các ngành chức năng đang lập Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Công viên địa chất và Di sản thiên nhiên thế giới.
Không những chỉ cao nguyên đá Đồng Văn nơi tập trung mật độ dày các di sản văn hoá và thiên nhiên, Hà Giang còn được đánh giá là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá. Với vốn văn hoá truyền thống khá phong phú và đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh để lại một khối lượng di sản không nhỏ cho thế hệ hôm nay như: Các di chỉ khảo cổ tiền sơ sử được phát hiện tại nhiều địa phương (hang Đán Cúm, Nà Chảo ở Bắc Mê; di chỉ Đồi Thông ở thị xã Hà Giang; Bãi đá khắc cổ Nấm Dẩn ở Xín Mần…), di tích lịch sử cách mạng (di tích khu Trọng con; Căng Bắc Mê); ngoài ra còn rất nhiều các di sản khác được phân bố rộng khắp các địa bàn trong tỉnh đã minh chứng sự tồn tại và phát triển của nền văn hoá - là những gạch nối liên tục của sự phát triển và giao thoa văn hoá qua nhiều thế hệ, đồng thời thể hiện bản sắc và giá trị văn hoá của vùng đất địa đầu của tổ quốc. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến nét đẹp, sự quyến rũ của ruộng nương bậc thang ở huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần vào mùa lúa chín, đưa du khách tìm hiểu đến một phương thức canh tác đặc thù của vùng cao Hà Giang.
Giá trị văn hoá tinh thần, đời sống sinh hoạt, canh tác hàng ngày của người dân, các lễ hội truyền thống (lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, lễ hội Gầu tào của người Mông, lễ hội lồng tồng của người Tày; lễ hội cúng thần rừng
của người Nùng, lễ cấp sắc của người Dao...) tại các làng bản là sức sống bền vững. Các lĩnh vực văn hoá của đồng báo dân tộc Hà Giang với các phong tục, tập quán cũng như những giá trị văn hoá của các dân tộc trong tỉnh rất đa dạng, phong phú, chưa bị mai một, còn mang đậm nét bản sắc văn hoá của địa phương; đó là các làn điệu dân ca mượt mà đằm thắm, các điệu múa dân tộc truyền thống với trang phục đặc sắc, các môn thể thao dân tộc,vv... đã tạo nên sự gắn kết cộng đồng, cũng là tài nguyên, di sản vô giá để phát triển du lịch cộng đồng - là loại hình du lịch hấp dẫn hiện nay, nhất là đối với du khách quốc tế. Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều quan tâm tới vấn đề giữ gìn các di sản văn hóa dân tộc, tạo điều kiện để làm sống dậy mọi tiềm năng văn hóa, xem di sản văn hoá là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch. Chấm dứt hoàn toàn những hiện tượng làm hao mòn mất mát di sản: phá cảnh quan đá tai mèo cạnh đường đi để lấy đá làm vật liệu xây dựng; đập nhũ trong hang động lấy về làm của riêng; tổ chức lễ hội tràn lan và lộn xộn, xây dựng các làng du lịch theo kiểu phong trào, chỉ lấy số lượng mà ít quan tâm đến hiệu quả và chất lượng….Đến nay tỉnh đã có nhiều di sản được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tới đây sẽ phải tiếp tục khảo sát, đánh giá, lập hồ sơ để đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận thêm nhiều di sản nữa ở tất cả các lĩnh vực và cấp độ. Để những di sản này từng bước phát huy giá trị, lợi thế góp phần làm cho du lịch Hà Giang phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp chỉ đạo quyết liệt để bảo tồn những di sản văn hoá và thiên nhiên và khai thác những lợi thế đó để phát triển du lịch bằng những giải pháp cụ thể trong công tác này. Sẽ có rất nhiều việc phải làm, có những việc phải làm ngay và có thể xong ngay nhưng có những việc cần phải làm liên tục trong thời gian dài. Thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng, tăng cường đầu tư hạ tầng, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh tiêu biểu, nghiên cứu phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh
hoạt văn hoá văn nghệ dân gian, xây dựng thành lễ hội tiêu biểu của vùng để giới thiệu thu hút khách du lịch.
Chú trọng hơn nữa công tác xã hội hoá trong bảo tồn và phát huy di sản trong đó quan tâm việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân để cộng đồng người dân địa phương - chủ nhân thật sự của các di sản có được quyền làm chủ di sản của mình, từng bước tham gia vào công tác bảo vệ, quản lý và nhận được các lợi ích kinh tế do du lịch tạo ra từ khai thác di sản.
Đẩy mạnh quảng bá trên các kênh thông tin để bạn bè, du khách trong nước và quốc tế được biết nhiều hơn về Hà Giang - vùng đất giàu bản sắc văn hoá và ẩn chứa nhiều tài nguyên di sản văn hoá và thiên nhiên mà nhiều người còn chưa biết tới.
Phát huy di sản văn hoá gắn với xây dựng hệ thống du lịch cộng đồng ở các địa phương một cách đồng bộ và khoa học để các hoạt động này nhanh chóng trở thành những sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, làm cho đời sống văn hoá của nhân dân ngày càng phong phú, lành mạnh. Bảo tồn một cách tích cực các di sản vừa góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, giảm thiểu sự hủy hoại do thời gian, thiên nhiên khắc nghiệt, bởi mặt trái của toàn cầu hóa, thị trường hóa và hiện đại hoá đối với di sản, giữ cho sự trường tồn của tài nguyên du lịch để phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một định hướng quan trọng của tỉnh. Nhiệm vụ đặt ra không chỉ riêng cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch mà là nhiệm vụ chung của các cấp các ngành của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và toàn xã hội.
Tin tưởng và hi vọng hệ thống di sản văn hoá và thiên nhiên sẽ từng bước phát huy lợi thế để góp phần cho ngành du lịch Hà Giang phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai không xa.
VH- Du lịch đã được xác định là 1 trong 3 mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang trong giai đoạn tới.
Hiện nay, tỉnh đang hoàn chỉnh Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2015- 2020 nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Dự kiến đến năm 2015, các sản phẩm về tour, tuyến, dịch vụ du lịch sẽ được đưa vào khai thác - đó là những thông tin ông Nguyễn Trùng Thương - Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang cho biết tại cuộc làm việc vừa diễn ra giữa tỉnh Hà Giang với lãnh đạo các ban, ngành, lãnh đạo các hội nghề nghiệp và doanh nghiệp lữ hành Hà Nội.
Năm 2010, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt 270.000 lượt người, doanh thu du lịch đạt 280 tỉ đồng. Nhưng tính từ đầu năm 2011 đến nay, lượng khách du lịch đến Hà Giang tăng đột biến, toàn tỉnh đón 280.000 lượt người.
Hà Giang hiện có 23 dân tộc anh em sinh sống, còn bảo tồn những nét đẹp văn hoá, lịch sử phong phú, đặc biệt là cao nguyên đá Đồng Văn (trải rộng trên 4 huyện Quản Bạ- Yên Minh- Đồng Văn- Mèo Vạc) đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu... là những tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch độc đáo.
Tháng 7.2011 UBND tỉnh Hà Giang sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức chuyến đi thực tế cho các nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo, doanh nghiệp du lịch để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh (tháng 8.2011) và thúc đẩy quảng bá du lịch Hà Giang tới du khách cả nước.
Từ lợi thế địa, văn hóa
Các tỉnh biên giới của nước ta là nơi có nhiều tài nguyên và cảnh quan du lịch hấp dẫn. Địa hình đồi núi của các tỉnh phía Bắc, miền Trung- Tây Nguyên với những dãy núi cao như Hoàng Liên Sơn hùng vĩ đã kiến tạo nên những vùng cảnh quan đẹp, tạo sức hấp dẫn lớn cho phát triển du lịch. Khu vực Tây Nam Bộ, vùng Đồng Tháp Mười lại là vùng đậm đặc văn hóa sông nước miệt vườn với sự đa dạng của giao lưu văn hóa các dân tộc. Có thể nói, khu vực biên giới cũng là một trong những nơi thiên nhiên ưu đãi với khí hậu thích hợp cho hoạt động du lịch. Các tỉnh biên giới cũng là nơi sở hữu nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, có nhiều diện tích rừng nguyên sinh với nhiều loại động, thực vật điển hình và tập trung các hang động đẹp. Về văn hóa, khu vực biên giới là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam mà điển hình là người Tày, Nùng ở vùng Đông Bắc; Thái, Mường ở Tây Bắc; miền Tây Thanh- Nghệ- Tĩnh; người Chứt, Vân Kiều ở miền Trung; người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai ở Tây Nguyên; người Chăm, Khmer ở Tây Nam Bộ. Với các bản sắc văn hóa hết sức đặc trưng được thề hiện qua các lễ hội, làng nghề, các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, kho tàng văn hóa dân gian, ẩm thực… là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hết sức có giá trị đối với hoạt động du lịch.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Giao thông- Vận tải đã đầu tư xây dựng và triển khai nhiều dự án đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không nhằm góp phần phát triển KT- XH toàn diện các tỉnh biên giới. Tại biên giới Việt- Trung, tuyến đường cao tốc Nội Bài- Việt Trì- Yên Bái- Lào Cai đã được khởi công tháng 4- 2009 và sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuyến đường sắt Hà Nội- Phố Lu, Hà Nội- Lạng Sơn đã được nâng cấp. Dự kiến tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội- Lào Cai cũng đã được Bộ Giao thông- Vận tải đề xuất. Các tuyến đường bộ trên tuyến biên giới Việt- Lào như Quốc lộ 1, 9, 7, 8A, 12A… đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn cũng đang được mở rộng, nâng cấp và cải tạo. Tháng 8- 2008, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra Quyết định số 946/QĐ- TTg phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam- Lào đến năm 2020. Hệ thống giao thông đường bộ nối 2 nước Việt Nam- Campuchia đến năm 2010 cơ bản sẽ hoàn thành. Quốc lộ 13 nối ra cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước). quốc lộ 62 nối ra cửa khẩu Bình Hiệp (Long An), quốc lộ 91 nối ra cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang)…, đặc biệt là quốc lộ 22 (đường xuyên Á) nối ra cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ là tuyến đường tạo nhiều thuận lợi cho du lịch đường bộ.
Ông Vũ Thế Bình, Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định: Việt Nam có khoảng 4.550km đường biên giới đất liền tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia, bao gồm 25 tỉnh biên giới trải dài từ Bắc vào Nam với 42 cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính là nơi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Từ năm 2005- 2009, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ qua biên giới luôn chiếm khoảng 25- 30% tổng lượng khách quốc tế đến. Trước thực tế khá khả quan này, theo ông Bình, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế như hiện nay, để tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam thì việc phát triển loại hình du lịch biên giới là rất hiệu quả. Theo thông kê, năm 2008, trên địa bàn các tỉnh khu vực biên giới có gần 5 triệu lượt khách quốc tế và hơn 18 triệu lượt khách nội địa qua lại, thu nhập đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng. Do đó, phát triển du lịch sẽ góp phần thúc đẩy phát trienr KT- XH và làm thay đổi diện mạo nhiều tỉnh trong vùng.
Khó khăn và thách thức
Với chủ trương giao lưu, mở cửa hội nhập thu hút đầu tư và khách du lịch nước ngoài, những năm qua đất nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc về KT- VH- XH. Trong đó mở rộng và phát triển du lịch biên giới đang là một xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới bên ngoài. Hoạt động du lịch biên giới đã có những bước phát triển mạnh mẽ, lưu lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng. Theo các báo cáo của BĐBP, lực lượng nòng cốt chuyên trách đứng chân tại các tuyến biên giới, lượng khách du lịch qua các cửa khẩu của Việt Nam hiện nay đã tăng đáng kể. Tính riêng từ năm 2005 đến tháng 9- 2009 khách du lịch các nước qua các cửa khẩu đường bộ đến Việt Nam là 4.232.000 lượt người. Điều này đã phản ánh những nỗ lực của ngành du lịch và các ngành chức năng ở các khu vực biên giới trong việc định hướng, đầu tư, xây dựn cơ chế, chính sách nhằm thu hút khách du lịch các nước đến tham quan du lịch tại Việt Nam.
Du lịch biên giới được đẩy mạnh đồng nghĩa với việc, tại các cửa khẩu biên giới bộ, lượng khách nước ngoài xuất, nhập cảnh sẽ tăng số lượng lớn. Và như vậy đối với lực lượng làm nhiệm vụ quản lý xuất nhập cảnh, bảo vệ biên giới sẽ gặp nhiều khó khăn. Tại hội thảo phát triển du lịch biên giới được tổ chức vào tháng 11 ở Lạng Sơn, Đại tá Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Cửa khẩu BĐBP cho biết: 6 tháng đầu năm 2009, Việt Nam có khoảng 31 vạn lượt khách du lịch nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ. Trong đó, có 5 vạn lượt khách nhập cảnh theo tuyến cửa khẩu Việt Nam- Trung Quốc, 3 vạn lượt khách nhập cảnh theo tuyến Việt Nam- Lào và gần 23 vạn lượt nhập cảnh theo tuyến Việt Nam- Campuchia. Bên cạnh đó, có gần 180 nghìn lượt khách Việt Nam xuất cảnh du lịch qua các cửa khẩu đường bộ… Với sộ lượng người, phương tiện qua lại các cửa khẩu lớn như vậy, lực lượng BĐBP đã gặp rất nhiều khó khăn. Báo cáo của Cục cửa khẩu BĐBP cũng cho biết từ đầu năm 2009 đến nay, lực lượng kiểm soát các cửa khẩu trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ gần 800 đối tượng phạm tội về ma túy, buôn lậu, buôn bán tiền giả, buôn bán phụ nữ, giết người, trộm cắp và vi phạm quy định xuất nhập cảnh. Khi dịch vụ du lịch biên giới phát triển sẽ cũng là điều kiện, cơ hội để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng thông qua du lịch, viện trợ kinh tế để chống phá ta.
Thúc đẩy du lịch biên giới là yêu cầu bức thiết, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh vùng biên, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế xã hội nói chung của đất nước. Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường, hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục. Để phát triển du lịch biên giới cần có sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành cũng như của toàn xã hội. Trong đó cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản như: nâng cao nhận thức về phát triển du lịch các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường xúc tiến quảng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường hợp tác quốc tế về du lịch, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư… để du lịch biên giới thực sự trở thành thế mạnh của du lịch Việt Nam./.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Du Lịch Hà Giang tiềm năng và thế mạnh.doc