Đọc tiểu thuyết Sau phút sinh lý của Lê Văn Trương, nghĩ về ranh giới mong manh giữa thủy chung và phản bội

Lê Văn Trương vẫn nổi tiếng với thế giới nhân vật người hùng của ông. Mỗi tác phẩm, tác giả lại đem đến cho người đọc sự trân quí một người hùng nào đó ở một khía cạnh nào đó trong cuộc đời cuộc đời của họ. Đó là Giáng Vân trong Cánh sen trong bùn, là Trọng Khang trong Trường đời, là Chí trong Trận đời, là Vượng trong Người anh cả, Nhưng trong tiểu thuyết Sau phút sinh ly, người đọc thấy tác giả đã coi cả Tuấn, Châm và Cẩm đều có thể được trân trọng gọi là người hùng. Tuấn đã hi sinh cái cảm xúc thăng hoa của tình yêu, hi sinh cả cái cơ ngơi nếu lấy Cẩm có thể anh sẽ được thừa hưởng để thủy chung với người vợ tào khang của mình. Châm cả đời hi sinh cho chồng con, chưa có một chút gì dám tự mình thưởng hưởng. Cẩm đã dằn lòng quên đi mối tình đầu ngang trái nhưng cũng đầy ngọt ngào và nồng say của mình vì đạo lý và vì người mình yêu thương, vì nếu như nàng cố tình tranh giành, Châm có thể mất Tuấn lắm. Cả ba người cùng hi sinh vì nhau như thế, khiến cho phần kết của câu chuyện thật bâng khuâng, đầy lắng đọng. Ranh giới của thủy chung và phản bội mỏng manh biết bao nhiêu. Giữ được nó ở bên bờ này hay bị đổ sang bờ bên kia nhờ cả vào một sợi dây vô hình nhưng bền chắc vô cùng: đó là đạo lý. Hơn 70 năm đã qua, thiết nghĩ, câu chuyện về nghĩa tình vẫn không bao giờ xưa cũ. Trong giai đoạn xã hội sống đầy thực tế và có phần bản năng như bây giờ, nhắc lại chuyện đạo lý liệu có ai cho là giáo điều?

pdf6 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 406 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đọc tiểu thuyết Sau phút sinh lý của Lê Văn Trương, nghĩ về ranh giới mong manh giữa thủy chung và phản bội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lê Thị Ngân Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 3 - 8 3 ĐỌC TIỂU THUYẾT SAU PHÚT SINH LY CỦA LÊ VĂN TRƯƠNG, NGHĨ VỀ RANH GIỚI MONG MANH GIỮA THỦY CHUNG VÀ PHẢN BỘI Lê Thị Ngân* Trường Đại học Khoa học - ĐH Thái Nguyên TÓM TẮT Tiểu thuyết gia Lê Văn Trương (1906- 1964) đã tạo ra được nhân vật người hùng được một thời chấp nhận và say mê. Tiểu thuyết Sau phút sinh ly được nhà xuất bản Tân Dân in lần đầu vào năm 1942. Lê Văn Trương đã làm mới những vấn đề tưởng chừng đã cũ bằng cách thổi vào đó một luồng sinh khí mới và để nhân vật của mình thể hiện một cách sinh động triết lý “Người hùng” qua từng trang truyện. Trong tác phẩm, cái ranh giới mong manh giữa tình yêu cao thượng và dục vọng thấp hèn, giữa hi sinh và ích kỉ, giữa thủy chung và phản bội đã được tác giả thể hiện khá linh diệu. Con người, để giữ được đạo lý, nhiều khi đã phải đấu tranh quyết liệt và hi sinh hết sức đau đớn. Từ khóa: Lê Văn Trương, người hùng, tình yêu, đạo lý, thủy chung, phản bội Sau thời gian tiếp biến và chuyển mình, đến những năm 30 của thế kỉ XX, đời sống văn học Việt Nam thật sự chuyển sang đường ray của một nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự tiếp xúc với văn học Pháp nói riêng và văn học phương Tây nói chung đã làm cho sinh hoạt văn học tiền chiến trở nên sôi nổi. Làn sóng văn minh Âu hóa lúc đó như sự đáp ứng đầy thách thức trước cơn chuyển dạ của văn học Việt Nam trong buổi giao thời. Một phong trào sáng tác rộng lớn trên tất cả mọi thể loại, và với sự kết tinh các thành tựu trong không ít tác giả - tác phẩm tiêu biểu. Các văn sĩ châu tuần quanh các tòa báo, các nhà xuất bản, kiếm sống bằng ngòi bút và được xã hội công nhận. Họ là Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Lê Văn Trương, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Trần Huyền Trân, Vũ Trọng Phụng, Thâm Tâm, Nam Cao, Tô Hoài, Thanh Châu v.v (Danh sách này còn có thể kéo dài hơn nữa). Trong đó, Lê Văn Trương là nhà văn ăn khách hơn cả. Với sức viết đặc biệt của mình (hơn 200 cuốn tiểu thuyết cho cuộc đời sáng tác, ông đã tạo ra được một kiểu nhân vật “người hùng” "được cả một thời chấp nhận và say mê”.[2]* Đã từng bị coi là huênh hoang tiên sinh, là hạng triết học nửa mùa, đã từng chịu những * Tel: 0912 022777, Email:lengandhkhtn@gmail.com lời khinh khi, đố kị của văn đoàn Tự lực nhưng Lê Văn Trương vẫn hồn nhiên là mình, dám là mình, dù có “nhàm chết người” cũng vẫn là mình một cách nhất quán trong suốt đời thực và đời văn. Ông đã coi viết văn là một nghề để sống và để tự ấn định mặt nạ nhân cách của mình trên sàn diễn cuộc đời. Không chịu “khép phòng văn hì hục viết” (thơ Chế Lan Viên) như Tự lực văn đoàn, Lê Văn Trương chường mặt ra giữa đời, xông pha và ngao du sang tận Xiêm, Cao Miên, Tàu mở điền, buôn bán, làm thầu khoánvà viết văn. Và tuồng như đi đến đâu, ông mang cả phong trần theo đến đấy. Con người ấy, với sức lao động của mình đã tạo nên một thành tựu, một bản sắc riêng trong đời văn. Xã hội Việt Nam giai đoạn 1930-1945 là xã hội thuộc địa hỗn mang với quan niệm đạo đức bị đảo lộn, ranh giới để phân định các giá trị dường như rất mong manh. Nhưng một điều dễ nhận thấy nhất của thời buổi “Á – Âu tranh nhau, Đông - Tây lẫn lộn” là cuộc sống của người dân một nước nông nghiệp kiểu châu Á vốn luẩn quẩn, trì trệ, dù có xảy ra bao nhiêu cuộc “bể dâu” thì luân thường vẫn cứ được xem là “khuôn vàng thước ngọc”. Trung thành với quan điểm sáng tác của mình, Lê Văn Trương đã làm cho “xu hướng văn tải đạo mới đượm khí sắc thời đại mà đua nở với các xu hướng khác "[3]. Là luân lý mà Lê Thị Ngân Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 3 - 8 4 không giáo điều, là tải đạo mà không cứng nhắc chính bởi ông đã "chuyển ngòi bút nghệ thuật thức thời để phát huy những thứ không lỗi thời"[3]. Sau phút sinh ly là một trong những tác phẩm thể hiện được tính thức thời ấy của Lê Văn Trương. Trong tác phẩm, cái ranh giới mong manh giữa tình yêu cao thượng và dục vọng thấp hèn, giữa hi sinh và ích kỉ, giữa thủy chung và phản bội đã được tác giả thể hiện khá linh diệu. Con người, để được coi là sống có đạo lý, nhiều khi đã phải đấu tranh quyết liệt và hi sinh đau đớn như thế nào. Tiểu thuyết Sau phút sinh ly được nhà xuất bản Tân Dân in lần đầu vào năm 1942. Tình yêu nam nữ, đạo lý vợ chồng, tình người luôn chạm được đến thẳm sâu trái tim mỗi người. Lê Văn Trương đã làm mới những vấn đề tưởng chừng đã cũ bằng cách thổi vào đó một luồng sinh khí mới và để nhân vật của mình thể hiện một cách sinh động triết lý “Người hùng” qua từng trang truyện. Xã hội Việt Nam giai đoạn 1930-1945 đã bị lối sống tư sản hóa thâm nhập. Trong môi trường ấy, các tầng lớp và giai cấp xã hội ở thành thị - tư sản và công nhân, tiểu thương, tiểu chủ, công chức, dân nghèo thành thị, trí thức tân tiến và nhà nho “Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng” cho tới các cô sen, cậu bồi tuy rất khác nhau về mức sống và khả năng thực hiện ước mơ của mình, rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau về thái độ đối với chế độ đương thời, vẫn gần nhau về những nét tâm lý, thị hiếu: thích đua đòi, ăn chơi hưởng lạc, muốn sống và giải trí trong môi trường náo nhiệt, khao khát cái lạ, cái luôn luôn đổi thay. Tức là, lối sống Âu hóa đã trở thành một thứ mốt thời thượng, một vòng quay tịnh tiến khiến con người phần nào thoát khỏi khuôn khổ chật hẹp của lễ giáo phong kiến phương Đông. Tinh thần này khúc xạ khá rõ nét trong Sau phút sinh ly của Lê Văn Trương. Tuấn là một công chức tiểu tư sản 26 tuổi, có vợ và hai con. Hơn hết Tuấn được coi là một trí thức Tây học vì anh biết tiếng Tây, hiểu văn hóa Tây và cái tinh thần thể thao của anh cũng đáng được xem là Tây lắm. Tuấn yêu vợ và hết lòng vun đắp cho cái gia đình nhỏ ấy của mình. Cái nghĩa vụ làm cha, làm chồng của Tuấn sẽ hoàn hảo biết bao nếu vào một sớm mai kia trong lúc tập thể dục Tuấn không bắt gặp ánh mắt nhìn của Cẩm - con gái bà chủ nhà. Cái thân thể tráng kiện, một mình nhấc bổng cả giang sơn ấy của Tuấn đã làm xao động tâm hồn của Cẩm - một thiếu nữ mới 17 tuổi, e lệ, dịu dàng, gia giáo và nhất là nàng cũng là một người con gái đẹp! Cái nhìn vụng trộm khó giấu ấy đã khiến Tuấn chóng nhận ra. Trong Tuấn thấy “rộn ràng những ý nghĩ khác”. Tâm hồn Tuấn dường như bị lung lay, dao động. Nhất là khi biết Cẩm trộm ngắm mình trong bộ véc đẹp, trong anh thấy nhẹ nhõm, phơi phới lạ thường. Có một chút gì như thể sự tự hào của Tuấn khi được có một người con gái đẹp như thế để mắt. Lần đầu tiên trong đời, Tuấn sinh ra ý nghĩ so sánh vợ mình với người con gái khác. Bằng ấy chi tiết mở đầu tác phẩm đã giúp người đọc hình dung phần nào thiên cơ của truyện. Câu chuyện sẽ trở nên nhạt nhẽo nếu thiếu đi sự khập khiễng giữa Cẩm và Châm - vợ Tuấn. Cẩm là một người con gái đẹp, “nói tiếng Tây rất đúng mẹo và có một giọng giống đầm lắm”[1], nàng lại còn biết thưởng thức cái đẹp và có gu thẩm mỹ nữa. Trong đó vợ anh là một người phụ nữ đảm đang, siêng cần nhưng chỉ là cô gái gốc gác quê mùa, không có cái Tây học như Cẩm. Tuấn so sánh, và, tự thấy cái suy nghĩ của mình thật lố bịch. Anh thấy phục vợ, nếu không nói là biết ơn vợ và thấy người con gái kia quá xa vời, chẳng thể so với người vợ tảo tần của mình được. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ ban đầu. Cũng có thể đó là suy nghĩ tự răn mình của Tuấn. Cuộc đời là những chuỗi bất ngờ không ai lường hết được. Một ngày, mẹ con Cẩm đang tranh cãi với mấy người thợ mộc về việc họ đóng đồ không đúng yêu cầu. Đám thợ thấy mẹ con Cẩm toàn đàn bà con gái, cậy thế Lê Thị Ngân Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 3 - 8 5 mạnh lấn tới. Sự việc đang đến hồi nguy nan thì Tuấn xuất hiện và dàn xếp êm đẹp trong tích tắc bằng chính cơ bắp và tài ăn nói của mình. Tuấn xuất hiện như một chàng hiệp sĩ. Cẩm quan sát không thiếu một hành động nào của Tuấn và Tuấn cũng vì muốn gây ấn tượng với Cẩm mà làm như thế. Chi tiết này là một cái cớ thật hợp lý để Tuấn có cơ hội gần Cẩm. Một sự vô tình đầy ngọt ngào. Luôn luôn dành một niềm ngưỡng mộ và biết ơn với vợ, đã từng cảm thấy “một hối hận chớm mọc trong linh hồn”[1] nhưng ngay sau cái lần ấy, Tuấn đã nghĩ nhiều hơn về Cẩm. Bởi vì Cẩm hơn Châm, mà cái sự hơn ấy lại hợp với Tuấn lắm. Được mẹ con bà Cả cảm ơn và dành cho niềm tri ân, Tuấn lại càng cảm thấy mình đang dần trở nên vĩ đại trong mắt Cẩm. Tuấn có cơ hội dạy Cẩm học võ, học đàn. Cái sự dạy dỗ ấy như một thứ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, mầm mống tình cảm yêu đương đang được nhen lên. Tình cảm ấy lại làm bà Cả nghĩ theo chiều hướng khác. Bà cảm động khi thấy Tuấn chăm lo cho Cẩm như anh lo cho em, săn sóc việc nhà như việc của mình thì đã nhận Tuấn làm con nuôi. Núp sau cái bóng ấy, quan hệ giữa Tuấn và Cẩm càng khiến người ta không thể nghi ngờ. Nó được bảo vệ kiên cố bằng lòng tin của cả Châm và bà Cả. Tuấn như được sống thêm một cuộc đời khác từ khi có được tình cảm của Cẩm dành cho, không lúc nào Tuấn thôi nghĩ về Cẩm và vô hình chung, anh đã đẩy Châm sang một bên. Người đọc dễ dàng nhận thấy, Tuấn chỉ thuộc về Châm phần xác còn phần hồn anh ký thác nơi Cẩm. Anh trở nên khao khát cái thân thể nõn nường của Cẩm, càng khát khao anh càng cảm thấy cái thân hình sồ sề của một người đàn bà đang bụng mang dạ chửa như Châm hoàn toàn không phù hợp với thân thể cường tráng và khổ người đẹp như anh. Người bố của hai đứa con ấy, trong lúc vợ về quê thu thóc nợ đã thả sức vui chơi đàn địch với người con gái khác cho thoả mãn với những khát khao trong tinh thần. Họ dạy nhau học, họ chăm sóc cho nhau từng li từng tí - “Mới hửng sáng, Cẩm đã xuống dựng Tuấn dậy lên gác sân tập võ. Rồi Cẩm pha sữa cho Tuấn uống”[1]. Họ thả mình trong những đêm trăng bát ngát cùng đàn và rượu Tây trong khi người vợ ở quê đang tất bật thu lúa. Tuấn đang lạm dụng lòng tin của Châm! Anh đã từng cho rằng cái ý nghĩ sánh vai cùng Cẩm là gian tà, đã từng hối hận, bứt rứt nhưng rồi anh không vượt qua được. Từ khi Cẩm xuất hiện, Tuấn sống ngợp trong cái gọi là cảm xúc của tình yêu. Tình cảm mà Tuấn dành cho Châm lúc này đơn thuần chỉ vì trách nhiệm, tình nghĩa, lòng trung thành và những đứa con chung. Trong lòng Tuấn có trăn trở, chỉ là trăn trở bởi lòng chịu ơn với Châm. Lí trí luôn nhắc nhở Tuấn rằng mình đã có vợ, rằng vợ mình là một người hi sinh cho chồng con, cho gia đình, nhưng lí trí ấy không thắng sức hút mạnh mẽ và ghê gớm từ phía Cẩm. Dù tòa án lương tâm dằn vặt, sự tra tấn mình, anh vẫn cứ ao ước có được Cẩm. Những phút giây bên nhau ngọt như mộng ước, những cử chỉ trìu mến đong đầy yêu thương tưởng chừng như không có điểm dừng thì cái tin Châm thu thóc xong sắp ra đã làm “cả hai đều thấy quặn ruột” – “thôi thế là từ nay hết những giây phút thân mật mà người ta hòa cảm giác vào nhau”[1]. Cẩm cáo ốm. Mà nàng ốm thật. Còn Tuấn như người đã chết. Chàng sụt đi trông thấy. Trước ánh mắt xót xa của Châm, Tuấn đã dối vì nhớ Châm mà Tuấn sa sút! Giá mà Châm biết cái tin mình lên đã làm cho Tuấn thành ra như thế! Giá như Châm gắt gỏng, Châm lạnh nhạt với anh thì anh còn thấy dễ chịu hơn, đằng này người vợ quê mùa ấy, người vợ không biết tiếng Tây ấy lại lại rơm rớm nước mắt vì thương chồng ở nhà một mình, tuyệt nhiên không có một ý nghĩ lỉnh kỉnh nào hơn. Đọc tác phẩm ta thấy Châm là một người phụ nữ hiền đảm, rất mực cổ xưa. Một người vợ luôn dành một niềm tin tuyệt đối nơi đức ông chồng, lúc nào cũng chỉ thấy ở chồng mình “siêu thường như thể - trên đời này tốt nhất là anh”. Người mẹ ấy đã không chịu mặc tân thời, không chịu phấn sáp nước hoa chỉ muốn Lê Thị Ngân Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 3 - 8 6 để dành tiền cho con sau này ăn học. “Nàng đã được bảo vệ bằng một triết lý yêu đời do giáo dục của gia đình và hoàn cảnh của nàng trước kia gây nên, nàng chỉ thấy ở đời những góc đẹp”[1]. Ta tự hỏi tại sao trong tác phẩm này Lê Văn Trương lại để nhân vật Châm không biết một chút gì về mối quan hệ của Tuấn và Cẩm? Dù chỉ là mảy may nghi ngờ cũng không? Đàn bà thường giỏi linh cảm. Có thể chứng cớ chưa có, nhưng linh giác mách nước cho họ. Mà sự lúng túng của Tuấn, sự gượng gạo của Cẩm khi hàng ngày giáp mặt nhau, chả nhẽ Châm không hay? Đọc Lê Văn Trương, độc giả thấy nhân vật nữ chính của tiểu thuyết gia thường trong sáng đến tận cùng như thế. Tác giả không nỡ để “linh hồn trong sáng” của nàng vương phải những vẩn đục. Giá như Châm đời thường hơn một chút, nàng đã biết được mối quan hệ này. Và nếu chi tiết ấy có thật trong tác phẩm thì cũng rất có thể tinh thần của tác phẩm lại đi theo một hướng khác, tức là Tuấn đã thành người phản bội rồi. Từ ngày Châm lấy thóc ở quê ra, Tuấn và Cẩm không có những đêm trăng đẹp nữa. Cả hai đều có cảm giác như bị tù đày. Cẩm như chết mòn trong tinh thần vì từ nay sẽ không được làm nũng Tuấn nữa, sẽ không còn những cảm giác hồi hộp yêu đương. Tuấn đau khổ đến tận cùng bởi sự giằng xé giữa một bên là cảm xúc yêu đương với người tình, một bên là tình thương đối với người vợ. Tuấn biết bên kia vách, Cẩm cũng đang vật vã vì đau đớn, vì hờn ghen, vì cảm giác tội lỗi. Để thoát khỏi trạng thái này, Tuấn đã tự cho mình buông thả không cần biết ngày đêm – “Tuấn đi chơi vì chàng không chịu được cách mình một bức tường, có một người con gái đau đớn vì mình mà mình không có quyền được an ủi”[1]. Tuấn phát điên, Tuấn thấy nhục vì phải lừa dối. Và như một thông lệ của những kẻ đang bế tắc, con người bất đắc chí ấy tìm đến sự giải sầu giải uất trong men rượu. Nhưng cả rượu cũng chẳng làm cho anh vơi đi mà chỉ làm cho anh thêm thấm thía nỗi khổ sở đắng cay của mình. Mỗi một lần uống là anh lại cảm thấy đau xót, hối hận, hổ thẹn Anh vùi mình vào thế giới nửa người nửa ma chỉ để “ru ngủ một cơn buồn”. Đó không phải là thứ hối hận ồn ào hời hợt của kẻ lấy việc xỉ vả mình để khoe khoang cũng không phải là thứ hối hận có tính chu kỳ của những kẻ dùng để xoa dịu cái lương tâm rách nát của mình trong khi mình vẫn buông thả theo cái xấu. Với Tuấn đó là sự giằng xé chảy máu giữa hai thái cực: giữa một bên là sự ân hận của mình khi đã phụ lòng tin của Châm, đã gần như là phản bội Châm với một bên là cái khát khao trong tình yêu với Cẩm. Tuấn là loại nhân vật có tư tưởng, cũng là một kiểu “người hùng” mà Lê Văn Trương cất công xây dựng. Tuấn đã đóng dấu được suy nghĩ của mình rằng vĩnh viễn từ nay không thể có Cẩm từ sau buổi nói chuyện trên gác ấy. Họ đã nói hết cùng nhau, bộc bạch hết suy nghĩ trăn trở mà chỉ hai người mới hiểu. Cẩm yêu cầu Tuấn chấm dứt ngay lối sống hiện tại và “thương em với tấm lòng ân ưu của một người”[1] mặc dù Cẩm biết và mãi mãi biết một khi đã không thuộc về Tuấn thì cô sẽ không thuộc về ai. Cả hai đều thấy việc thuộc về nhau là hoàn toàn không thể. Mối quan hệ này sẽ không đến một cái đích nào cả bởi về bản chất đó là một cuộc tình mù quáng, nói gì thì nói cũng đã giẫm đạp phần nào lên gia pháp hôn nhân! Cẩm đã chọn cách chôn vùi những kỷ niệm đẹp đã có và sống như trước kia. Tuấn khác, để giải quyết dứt điểm cơn “bão tình” này anh quyết định sẽ kén chồng cho Cẩm tuy việc ấy không khác việc anh tự đem muối xát lòng mình. Cẩm đã không nghe theo sự sắp đặt ấy của Tuấn. Sau lần sát cánh cuối cùng cùng Tuấn trong chuyến thi đấu tại Hà Nội để tranh giải quán quân bóng bàn Bắc kì, Cẩm đã thú nhận đã nói dối Kế và Bằng trong bữa cơm hôm ấy. Nàng nói với hai người rằng nàng đã có người hỏi để họ dập tắt hi vọng có đựơc Cẩm. Nói ra điều này, Cẩm cũng đồng thời khẳng định, nàng chỉ muốn giữ nguyên một tấm lòng yêu Lê Thị Ngân Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 3 - 8 7 với Tuấn mà thôi. Nhưng Tuấn đã quyết tâm. Ngày nào chưa cưới được chồng cho “cô Cẩm” ngày ấy “anh Cả” còn thấy bứt rứt trong lòng. Phải yên vị với cái ý nghĩ rằng Cẩm đã có chồng Tuấn mới không bị giày vò nữa. Giải pháp này cho thấy Tuấn đã thực sự “nhận chân lấy cái thiên chức của mình”, đã dừng lại một cách đúng lúc, đã nhận ra rằng chỉ có Châm mới là bến đỗ bình an nhất của cuộc đời mình. Anh phải giữ trọn một mối chung thủy với Châm, tin vào một hạnh phúc gia đình có thật mà trước kia mình luôn có, vào niềm tin son sắt của Châm. Đám cưới của Cẩm và Kế, Tuấn cố tình tránh mặt không đến dự. Dù rất cảm động tấm lòng của bà Cả nhưng Tuấn biết mình không thể làm khác, ở lại dự đám cưới - rất có thể chỉ chuốc lấy một chứng tích trong tâm hồn mà thôi. Cả nhà Tuấn rời Hải Phòng trong yên lặng và đêm tối. Với Tuấn nó không khác một cuộc chạy trốn. Khoảnh khắc ấy có hai con người lặng lẽ bước trong nhau, lòng rạo rực – “Hình như họ quên hết cả loài người. Họ bước mà cũng không biết rằng mình bước, lúc ấy chân họ chỉ có bản năng sai khiến”[1], họ không còn bận lòng về những lối đi ẩm ướt và cũ kỹ trong lòng nhau bởi thời gian khi ấy là một cái gì quá đỗi xa xỉ, và người bước cạnh nhau để tiếc thôi, chỉ tiếc thôi cũng vội vã lắm rồi Người đọc có cảm tưởng như nhà văn muốn dẫn người đọc đi mãi hơn là muốn người đọc tưởng tượng sau chuyến tàu ấy, Tuấn sẽ thế nào khi mà trước “phút sinh ly” đó anh chỉ bước một bước nữa thôi là sang bờ bên kia của sự phản bội? Lê Văn Trương vẫn nổi tiếng với thế giới nhân vật người hùng của ông. Mỗi tác phẩm, tác giả lại đem đến cho người đọc sự trân quí một người hùng nào đó ở một khía cạnh nào đó trong cuộc đời cuộc đời của họ. Đó là Giáng Vân trong Cánh sen trong bùn, là Trọng Khang trong Trường đời, là Chí trong Trận đời, là Vượng trong Người anh cả, Nhưng trong tiểu thuyết Sau phút sinh ly, người đọc thấy tác giả đã coi cả Tuấn, Châm và Cẩm đều có thể được trân trọng gọi là người hùng. Tuấn đã hi sinh cái cảm xúc thăng hoa của tình yêu, hi sinh cả cái cơ ngơi nếu lấy Cẩm có thể anh sẽ được thừa hưởng để thủy chung với người vợ tào khang của mình. Châm cả đời hi sinh cho chồng con, chưa có một chút gì dám tự mình thưởng hưởng. Cẩm đã dằn lòng quên đi mối tình đầu ngang trái nhưng cũng đầy ngọt ngào và nồng say của mình vì đạo lý và vì người mình yêu thương, vì nếu như nàng cố tình tranh giành, Châm có thể mất Tuấn lắm. Cả ba người cùng hi sinh vì nhau như thế, khiến cho phần kết của câu chuyện thật bâng khuâng, đầy lắng đọng. Ranh giới của thủy chung và phản bội mỏng manh biết bao nhiêu. Giữ được nó ở bên bờ này hay bị đổ sang bờ bên kia nhờ cả vào một sợi dây vô hình nhưng bền chắc vô cùng: đó là đạo lý. Hơn 70 năm đã qua, thiết nghĩ, câu chuyện về nghĩa tình vẫn không bao giờ xưa cũ. Trong giai đoạn xã hội sống đầy thực tế và có phần bản năng như bây giờ, nhắc lại chuyện đạo lý liệu có ai cho là giáo điều? TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Văn Trương (1942), Sau phút sinh li, Hà Nội, Nhà in Tân Dân. 2. Lan Khai (1940), Mớ tài liệu cho văn sử Việt Nam, Nhà xuất bản Minh Phương 3. Thanh Lãng (1967), Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Quyển hạ, Ba thế hệ của văn học mới (1862- 1945), Trình bày xuất bản Sài Gòn. Lê Thị Ngân Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 121(07): 3 - 8 8 SUMMARY AFTER READING NOVEL SAU PHUT SINH LY OF LE VAN TRUONG, THINK ABOUT FINE LINE BETWEEN GENERAL AND AQUATIC BETRAYAL Le Thi Ngan* College of Sciences – Thai Nguyen University Novelist Le Van Truong (1906-1964) has created a hero accepts and charm. Novel physiological minutes later the New Democratic print publishers first time in 1942. Le Van Truong has new problems seemed outdated by blowing into it a new spirit and to express their characters vividly philosophy "hero" through each story page. In the work, the fine line between love and lust noble vile, between sacrifice and selfishness, between loyalty and betrayal was the author shows quite flexible magic. Man, to keep the moral, sometimes had to fight fierce and downright painful sacrifices. Keywords: Le Van Truong, hero, love, morality, loyalty, betrayal Ngày nhận bài:28/2/2014; Ngày phản biện:01/3/2014; Ngày duyệt đăng: 25/6/2014 Phản biện khoa học: TS. Phạm Phương Thái – Trường Đại học Khoa học – ĐHTN * Tel: 0912 022777, Email:lengandhkhtn@gmail.com

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfbrief_48389_52304_792015948361_0839_2046510.pdf