Dịch tễ học (hay dịch học) là môn nghiên cứu đa chiều, một mặt, quan sát tần độ xuất hiện bệnh trong tập đoàn và sự biến động của tần độ đó theo thời gian, nghiên cứu các nhân tố chi phối tần độ và biến động đó, làm rõ các đặc tính của bệnh đó trong tập đoàn và đề ra những phương pháp chế ngự bệnh dịch hiệu quả, mặt khác, nghiên cứu các tình huống có thể chi phối sự xuất hiện một hiện tượng bệnh lý hay hội chứng nào đó nhằm tìm ra mối quan hệ nhân quả và cuối cùng là tìm ra nguyên nhân chính yếu quyết định hiện tượng bệnh lý đó.
24 trang |
Chia sẻ: tlsuongmuoi | Lượt xem: 4516 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Vì vậy chúng được coi là yếu tố môi giới
truyền bệnh hay vector truyền bệnh. Có hai phương thức truyền bệnh do động vật chân
đốt gây ra: cơ học và sinh học.
Trong phương thức truyền bệnh cơ học, những sinh vật trên chỉ đơn thuần là vật
mang và chuyển mầm bệnh từ chỗ này sang chỗ khác. Ruồi là một ví dụ về phương thức
truyền bệnh cơ học. Chúng mang mầm bệnh ở chân, vòi, thân hoặc trong ống tiêu hóa.
Thời gian mầm bệnh sống trên cơ thể chúng rất ngắn. Giữa mầm bệnh và sinh vật mang
mầm bệnh không có mối quan hệ sinh vật học nào cả.
Trong phương thức truyền bệnh sinh học, mầm bệnh tồn tại, sinh sản trong sinh
vật mang mầm bệnh. Khi đã mang mầm bệnh sinh vật đó có thể truyền bệnh suốt cả đời
sống của nó (ví dụ, chấy, rận chứa mầm bệnh sốt phát ban, ve bét mang các
arenavirut,...). Cũng có loại mầm bệnh phải trải qua một hoặc một số giai đoạn sinh
trưởng trong cơ thể sinh vật mang mầm bệnh (muỗi Culex đối với virut viêm não Nhật
Bản) rồi mới trở nên cảm nhiễm và gây phát bệnh. Gia súc, gia cầm và các động vật cảm
nhiễm khác có thể là ký chủ trung gian trong quá trình dịch hoặc ngược lại chỉ là ký chủ
chung mạt (ký chủ cuối cùng - dead-end host) của vi sinh vật mầm bệnh. Các ký chủ
trung gian có thể tham gia vào quá trình làm tăng số lượng tế bào (hoặc virion) mầm
bệnh gọi là ký chủ khuyếch đại (host-amplifier).
Nếu sinh vật chân đốt mang mầm bệnh có thể truyền mầm bệnh cho các hệ sau
của chúng thì chúng không những là sinh vật môi giới (vector truyền lây) mà còn được
coi là nguồn bệnh. Trong lớp Nhện và lớp Côn trùng có rất nhiều loài (ruồi, muỗi, rận,
ve, bọ chét,...) có thể là vector truyền lây bệnh truyền nhiễm. Ruồi nhà có thể mang vi
khuẩn nhiệt thán, lao, xoắn khuẩn, virut dịch tả lợn, lở mồm long móng. Khi đó, trực
trùng lao có thể sống trong ruồi 16 ngày. Ruồi trâu hút máu động vật, mang và truyền
bệnh nhiệt thán, bệnh tiêm mao trùng, bệnh tula (bệnh thỏ hoang), bệnh leptô
(leptospirosis, hay bệnh nghệ). Muỗi truyền bệnh sốt rét cho người, mang mầm bệnh gây
bệnh thiếu máu truyền nhiễm của ngựa. Muỗi, ruồi nhà, ruồi trâu chứa vi khuẩn Brucella
nhiều ngày. Rệp, ve chứa vi khuẩn này trong nhiều năm, có thể truyền cho đời sau. Bọ
chét truyền bệnh tula, bệnh sốt rét,...
Các loại động vật khác: Tất cả các loại động vật khác không cảm thụ hoặc ít cảm
thụ bệnh đều có thể là những nhân tố trung gian truyền bệnh cơ học. Mầm bệnh dính vào
cơ thể (thân, chân, đầu, cánh,...) của các loài động vật trên và được truyền đi. Mầm bệnh
có thể truyền bệnh qua phân sau khi đi qua đường tiêu hóa như trường hợp quạ ăn xác
chết vì bệnh nhiệt thán sẽ bài một số lượng lớn nha bào theo phân. Gia cầm, chim có thể
truyền bệnh nhiệt thán, đóng dấu lợn, dịch tả lợn,... Các loại dã thú như chồn, cáo, chó
sói, dơi,... có thể truyền bệnh dại, lở mồm long móng, sẩy thai truyền nhiễm,... Các loại
dã thú, các loài gậm nhấm không những là nguồn tàng trữ các ổ dịch thiên nhiên mà còn
là những nhân tố truyền bệnh.
Trong các loài động vật cần chú ý đến các loài chim và gậm nhấm, nhất là chuột.
Với khả năng bay lượn, chim có khả năng mang mầm bệnh đi xa, có khi rất xa, từ lục địa
này sang lục địa khác. Với số lượng khổng lồ và gồm nhiều loại, chuột sinh sống khắp
nơi, tiếp xúc thường xuyên với gia súc và các chất chứa mầm bệnh. Chuột vì vậy có vai
trò rất nguy hiểm trong việc truyền bệnh cảm nhiễm cho gia súc và người. Đối với gia
súc, chuột có thể truyền các bệnh như lao, lở mồm long móng, đóng dấu lợn, tụ huyết
trùng, sẩy thai truyền nhiễm, bệnh xoắn trùng (leptô), dại, dịch tả lợn,...
Tóm lại, nhân tố trung gian truyền bệnh có rất nhiều loại. Bệnh truyền từ con bệnh
sang con vật khỏe bằng nhiều đường thông qua một nhân tố trung gian, có khi phải qua
một chuỗi nhân tố trung gian. Vì vậy, một biện pháp vô cùng trọng yếu trong công tác
phòng chống bệnh là phải tìm cách phá hủy các nhân tố trung gian đó, như giữ vệ sinh
thức ăn, nước uống, tiêu diệt chân đốt, chuột,...
5. Truyền lây dọc và truyền lây ngang
Truyền lây cảm nhiễm từ bố mẹ sang con gọi là truyền dọc, truyền lây giữa các cá
thể trong tập đoàn mà không phải từ bố mẹ sang con gọi là truyền ngang. Trong cơ chế
truyền dọc mầm bệnh cảm nhiễm được truyền sang con qua tinh trùng, trứng hoặc sang
thai qua tử cung, hoặc qua đường sinh dục khi sinh đẻ, hoặc con con bị nhiễm do bú sữa
hoặc tiếp xúc với mẹ sau khi sinh. Ở gia cầm, các loại chim và bò sát,... truyền lây theo
chiều dọc là truyền lây qua trứng. Nếu mầm bệnh cảm nhiễm xâm nhập vào trứng trước
khi hình thành vỏ trứng thì gọi là truyền lây trong trứng hay cảm nhiễm trong trứng (in-
egg infection). Trong trường hợp mầm bệnh cảm nhiễm lây truyền vào trứng sau khi vỏ
trứng đã hình thành hoặc khi trứng ở bên ngoài thì gọi là cảm nhiễm trên trứng (on-egg
infection).
Các bệnh cảm nhiễm truyền lây dọc cho phôi và thai thường dẫn đến sẩy thai, đẻ
con chết, không thụ thai, giảm lượng con sinh ra (đối với động vật đa thai), con yếu,
trứng không phôi, trở ngại sinh sản, suy giảm miễn dịch hay dung nạp miễn dịch. Ở các
bệnh như brucellosis ở bò, vibriosis, Akabane, viêm mũi khí quản truyền nhiễm bò, phó
thương hàn ngựa, virut viêm não Nhật Bản của lợn, bệnh parvovirut lợn và bạch lỵ gà
con,... động vật mẹ thường cảm nhiễm ẩn tính hoặc biểu hiện bệnh tương đối nhẹ độ
nhưng ở phôi, thai hoặc con non thường thấy tổn hại trầm trọng. Ví dụ về trường hợp
truyền lây cảm nhiễm dọc sau sinh có thể là những bệnh hô hấp mãn tính như bệnh viêm
phổi do Mycoplasma (suyễn) ở lợn và bò, bệnh viêm teo mũi ở lợn,... Trong những
trường hợp này động vật mẹ là những vật mang trùng nhưng con con cảm nhiễm trong
thời kỳ bú sữa. Sau đó, động vật con trở thành vật mang trùng, nếu sinh trưởng thành
động vật giống (sinh sản) thì lại truyền lây cho thế hệ sau. Các bệnh Mycoplasma và bạch
lỵ gà con ở gia cầm cũng truyền mầm bệnh tương tự. Còn bệnh bạch huyết bò thường
truyền lây từ mẹ sang con qua sữa. Những bệnh này truyền lây dễ dàng theo chiều ngang
nhưng sự truyền lây dọc đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mầm bệnh trong tập
đoàn động vật.
Bệnh bạch huyết gà cũng là bệnh truyền lây chủ yếu qua trứng. Trong trường hợp
đó những gà con đã bị cảm nhiễm qua trứng trở nên dung nạp miễn dịch suốt đời không
bao giờ sản sinh kháng thể, do đó phát sinh chứng virut huyết làm tăng khả năng truyền
lây ngang.
Trường hợp dung nạp miễn dịch do truyền lây dọc có thể là bệnh dịch tả lợn, bệnh
tiêu chảy niêm mạc bò,... động vật con khi nào cũng trở thành vật mang trùng. Lợn con
được sinh ra từ những lợn nái mắc bệnh dịch tả lợn mãn tính thường cảm nhiễm virut
trong thời kỳ phôi thai và hình thành dung nạp miễn dịch. Những lợn con này không có
phản ứng đề kháng với cảm nhiễm virut dịch tả lợn nhưng không phát bệnh và chết ngay
là nhờ thừa hưởng kháng thể thụ động chống dịch tả lợn từ sữa mẹ (miễn dịch thụ động).
Chúng duy trì nguồn virut lâu dài trong tập đoàn lợn và mầm bệnh này sẽ phát sinh dịch
một khi miễn dịch đàn trở nên giảm sút.
V. Tập đoàn động vật cảm thụ
1. Cơ cấu tuổi của tập đoàn và cảm nhiễm
Động vật cảm thụ bệnh là khâu thứ ba không thể thiếu được của quá trình sinh
dịch. Có nguồn bệnh và nhân tố trung gian truyền bệnh thuận lợi nhưng nếu cơ thể súc
vật không cảm thụ với bệnh (do có miễn dịch bẩm sinh hoặc miễn dịch tiếp thu) thì dịch
không thể phát sinh. Sức cảm thụ của súc vật đối với bệnh là điều kiện bắt buộc để dịch
phát sinh và phát triển. Sức cảm thụ đối với bệnh của súc vật phụ thuộc vào sức đề kháng
(bẩm sinh và tiếp thu, đặc hiệu và không đặc hiệu) của chúng. Vì vậy, làm tăng sức đề
kháng không đặc hiệu (làm tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc, vệ sinh, phòng bệnh,...) và sức
đề kháng đặc hiệu (tiêm phòng) là những biện pháp chủ động và tích cực nhằm xóa bỏ
khâu thứ ba của quá trình sinh dịch, làm dịch không thể phát sinh.
Nhìn chung, có khuynh hướng là tuổi càng tăng cao tính đề kháng của ký chủ đối
với mầm bệnh cảm nhiễm càng tăng, nhưng sau đó khi động vật già thì tính đề kháng
giảm. Điều này phản ánh sự thành thục và sự lão hóa của sức đề kháng của cơ thể cũng
như của đáp ứng miễn dịch. Cảm nhiễm tinh trùng, trứng, phôi, thai dẫn đến vô sinh,
giảm số lượng con đẻ ra hoặc sản lượng trứng, đẻ thai chết hoặc con chết non, nhưng
trong nhiều trường hợp ở động vật mẹ cũng như các động vật thành thục khác trong đàn
không nhận thấy sự bất thường. Cảm nhiễm parvovirut, enterovirut, bệnh viêm não Nhật
bản ở lợn, cảm nhiễm adenovirut và virut viêm não tủy gà thuộc dạng này. Nhiều bệnh
truyền nhiễm đường ruột đa phát với tỷ lệ chết cao ở kỳ sơ sinh nhưng tuổi càng cao thì
tỷ lệ bệnh cũng như tỷ lệ chết giảm hẳn.
Khi tuổi càng tăng dạng bệnh cũng thường thấy thay đổi. Cảm nhiễm E. coli ở lợn
phát chứng bại huyết ở lợn sơ sinh, bệnh ỉa chảy phân trắng ở kỳ bú sữa, bệnh phù (bệnh
phù đầu) ở kỳ sau cai sữa, nhưng ở lợn trưởng thành thấy phát bệnh cục bộ như bệnh
viêm phổi, viêm khớp, viêm vú,... Cảm nhiễm Salmonella gây sẩy thai ở ngựa con
thường phát bệnh bại huyết và viêm đa khớp, ở ngựa trưởng thành gây nung mủ cục bộ,
còn ở ngựa chửa thường gây sẩy thai, tuổi càng cao bệnh càng trở nên cục bộ.
Sự phát sinh bệnh viêm dạ dày - ruột truyền nhiễm (TGE) ở một trại nuôi lợn tập
trung thường kéo dài 2 - 3 tuần. Nguyên nhân là miễn dịch trong đàn phát triển nhanh do
cảm nhiễm lan rộng nhanh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp của trại chăn nuôi lợn sinh
sản và lợn vỗ béo quy mô lớn dịch cấp tính kéo dài ít nhất là 2 năm. Virut phát triển trong
động vật non mẫn cảm, còn những động vật này khi trưởng thành với mức độ thụ cảm
nhất định trở thành vật mang trùng và là nguồn bệnh cảm nhiễm lưu cửu trong đàn. Khi
có động vật non sơ sinh với độ cảm thụ cao hơn thì virut lại tiếp tục phát triển làm cho
quá trình dịch kéo dài. Do đó, gần đây chăn nuôi gà, lợn, bò tập trung thường cơ cấu đàn
theo độ tuổi. Điều này làm cho việc quản lý chăm sóc nuôi dưỡng thuận lợi hơn và có tác
dụng ức chế sự duy trì bệnh cảm nhiễm rất có hiệu quả.
2. Miễn dịch tập đoàn
Một khi bệnh truyền nhiễm phát sinh trong đàn động vật thụ cảm bệnh thường lan
rộng, nhưng một bộ phận không phát bệnh và tiếp tục sống qua vụ dịch. Điều này là do
khi bệnh lưu hành số cá thể động vật hồi phục và miễn dịch tăng, hình thành một bức
tường thành gồm những cá thể miễn dịch ngăn sự phát tán của dịch. Đối với việc tiêm
phòng vacxin phòng bệnh cũng vậy, hiệu quả phòng bệnh thường không đạt 100% nhưng
làm cho sự lưu hành bệnh dịch trở nên khó khăn. Hiện tượng đề kháng của toàn đàn như
vậy được gọi là miễn dịch đàn (herd immunity), miễn dịch tập đoàn hay miễn dịch quần
thể. Trong việc làm tăng tính miễn dịch cho đàn bằng tiêm vacxin người ta chỉ cần đạt
mục tiêu tạo được tỷ lệ đáp ứng miễn dịch có hiệu quả khoảng 70 - 80% cá thể.
Miễn dịch đàn thay đổi theo thời gian. Mức độ miễn dịch đàn do cảm nhiễm tự
nhiên giảm theo thời gian do miễn dịch cá thể giảm dần cùng với việc xuất hiện thế hệ
động vật mới không được miễn dịch. Khi miễn dịch tập đoàn hạ thấp đến một mức độ
nhất định thì bệnh lại lưu hành trở lại. Cũng có thể cho rằng sự biến hóa có tính chu kỳ
của dịch là do sự biến động của miễn dịch tập đoàn tạo ra.
Phương thức đánh giá miễn dịch đàn thông thường thông qua điều tra kháng thể.
Lấy huyết thanh một cách định kỳ, trắc định hiệu giá kháng thể, xác định tỷ lệ động vật
mang kháng thể, điều tra phân bố hiệu giá kháng thể là những công tác cần thiết cho việc
đánh giá miễn dịch đàn. Nhờ đo được sự biến động mức đề kháng nên có thể ước định
được nguy cơ phát sinh dịch. Dự báo dịch cúm ở người thường nhờ vào phương pháp
này. Trong các trại gà lớn, việc trắc định phân bố hiệu giá kháng thể do tiêm phòng
vacxin và trên cơ sở kết quả này đề ra kế hoạch tiêm phòng là việc làm thường gặp.
3. Vòng cảm nhiễm
Trong các trường hợp trong tập đoàn ở khu vực rộng gồm nhiều loại động vật thụ
cảm trong đó có các động vật hoang dã thường có hiện tượng bệnh cảm nhiễm truyền lan
thành chuỗi lây truyền giữa các động vật này, tạo thành vòng cảm nhiễm (infection
cycle). Vòng cảm nhiễm có tính địa lý do phụ thuộc chủng loại, phân bố và mật độ của
động vật thụ cảm trong hệ sinh thái nhất định. Trong trường hợp bệnh dịch tả lợn châu
Phi các loại ve bét ở châu Phi là ổ chứa mầm bệnh, virut tồn tại lưu cửu trong tập đoàn ve
bét. Ở tập đoàn lợn đã cảm nhiễm virut từ ve bét có thể còn xảy ra cảm nhiễm do tiếp xúc
và điều này làm cho vòng cảm nhiễm lan rộng. Tuy nhiên, do tỷ lệ chết cao và mật độ lợn
thấp nên dịch không thể duy trì. Lợn rừng hoặc những động vật hoang dã khác cũng bị
cảm nhiễm từ ve bét nhưng chúng duy trì virut lâu dài ở dạng ký chủ chung mạt (dead-
end host) và không trở thành nguồn bệnh. Ngược lại ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ve
bét và lợn là những ổ chứa virut. Ở khu vực này độc lực của virut đối với lợn giảm, virut
có thể lan truyền và duy trì trong đàn lợn. Điều này có được còn nhờ mật độ nuôi lợn ở
vùng này cao hơn ở châu Phi.
Ổ chứa virut viêm não Nhật Bản là lợn. Sau khi cảm nhiễm lợn mắc chứng virut
huyết nhiều ngày với hiệu giá virut cao, cho nên muỗi hút máu cảm nhiễm virut với tỷ lệ
cao nhiều ngày. Muỗi cảm nhiễm đốt người và động vật có vú (ngựa, bò, lợn, chuột,...)
làm những động vật này cũng bị cảm nhiễm. Tuy vậy, các loài động vật ngoài loài lợn
thường không mắc chứng virut huyết nên không thể làm cho muỗi trở nên mang virut. Do
đó vòng cảm nhiễm cũng bị cắt đứt. Lợn được coi là ký chủ khuyếch đại (host-amplifier)
của virut viêm não Nhật Bản, trong khi các loài động vật khác được coi là ký chủ chung
mạt (dead-end host) đối với virut này. Diệt muỗi (thả cá diệt ấu trùng muỗi,...) và gây
miễn dịch chủ động cho lợn có thể cắt được vòng cảm nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản.
Đối với mầm bệnh dại ổ chứa mầm bệnh chủ yếu ở châu Âu là cáo, ở Bắc Mỹ là
chồn (skunk) còn ở Nam Mỹ là dơi hút máu, cho nên ở mỗi vùng có vòng cảm nhiễm với
những đặc trưng riêng. Do nguồn bệnh là động vật hoang dã nên bệnh dại khó bị chống
chế, cho đến nay vẫn còn có khuynh hướng lan rộng.
VI. Cơ chế và phương thức truyền bệnh
1. Cơ chế truyền mầm bệnh
Mầm bệnh cảm nhiễm không chỉ thích nghi với việc ký sinh trong cơ thể động vật
mà còn sự dịch chuyển từ động vật này sang động vật khác. Sự thích nghi của một vi sinh
vật đối với sự dịch chuyển và thay đổi cá thể ký chủ với cơ chế lây truyền tương ứng
cũng thiết yếu đối với việc duy trì tính liên tục của quá trình dịch. Thậm chí khi có mặt
của cả nguồn mầm bệnh cảm nhiễm và động vật thụ cảm cũng không xuất hiện được dịch
nếu không được bảo đảm quá trình truyền vi sinh vật mầm bệnh từ động vật bệnh (hay
mang trùng) sang động vật khỏe tức là không thực hiện quá trình truyền mầm bệnh.
Động lực tự nhiên làm cho loài vi sinh vật mầm bệnh dịch chuyển được từ động
vật nguồn bệnh sang động vật cảm thụ khỏe được thiết lập trong quá trình tiến hóa lâu dài
bảo đảm trường hợp lây nhiễm mới và tính liên tục của quá trình dịch gọi là cơ chế
truyền mầm bệnh. Cơ chế này bao gồm ba khâu (ba pha): 1) thải mầm bệnh từ cơ thể, 2)
tồn tại của mầm bệnh, trong đa số trường hợp, ở ngoại cảnh, và 3) xâm nhập của mầm
bệnh vào cơ thể ký chủ mới. Trong đa số trường hợp các bệnh truyền nhiễm cơ chế
truyền mầm bệnh diễn ra ở dạng ba pha này. Đặc điểm của quá trình truyền lây phụ thuộc
vào chỗ khu trú của mầm bệnh (ổ bệnh, hay ổ cảm nhiễm) trong cơ thể động vật bị cảm
nhiễm cũng như những con đường bài xuất mầm bệnh, còn sự xâm nhập vào cơ thể mới
được thực hiện thông qua cửa cảm nhiễm. Có những vi sinh vật bệnh nguyên có tính đơn
hướng, chúng chỉ ký sinh ở một tổ chức hoặc một cơ quan, chẳng hạn vi khuẩn bệnh
Johne (á lao) chỉ ký sinh ở đường ruột. Nhưng cũng có những bệnh nguyên có tính đa
hướng và tính toàn hướng, ký sinh ở nhiều hoặc ở tất cả các tổ chức, chẳng hạn, virut
dịch tả lợn, lở mồm long móng, vi khuẩn lao,... Tuy nhiên, chỉ những vị trí khu trú của vi
sinh vật trong cơ thể khả dĩ làm quá trình lây truyền mầm bệnh từ con vật bệnh sang vật
lành là có ý nghĩa dịch học.
Nơi khu trú đầu tiên của mầm bệnh trong cơ thể là kết quả hợp quy luật tiến hóa
thích nghi của vi sinh vật đối với sự ký sinh và thay đổi ký chủ. Tính đặc hiệu của nơi cư
trú đầu tiên quyết định con đường bài xuất của mầm bệnh khỏi cơ thể cũng như quy định
ngoại cảnh mà mầm bệnh bài xuất ra cũng như lây nhiễm con vật mới. Vì vậy, trong
những điều kiện giống nhau cơ chế truyền lây được thực hiện theo một dạng thức của
riêng mỗi loại mầm bệnh và điều đó bảo đảm tính đặc hiệu của dạng cơ chế truyền lây
đối với mỗi loại bệnh.
Trong cơ chế truyền lây các bệnh, các pha bài xuất và xâm nhập của mầm bệnh là
những bước diễn ra chỉ trong thời gian ngắn. Pha bài xuất mầm bệnh từ một cơ thể có thể
gắn với quá trình sinh lý (hô hấp, tiết nước bọt, đi tiêu, đi tiểu, bào mòn biểu bì,...) cũng
như các hiện tượng bệnh lý (ho, chảy nước mũi, nôn, tiêu chảy, sẩy thai,...) và còn cả quá
trình hút máu của các động vật chân đốt. Sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh vào cơ
thể động vật thụ cảm có thể diễn ra bằng hai con đường: 1) qua các cơ quan hình ống
thông với bên ngoài, và 2) qua da và lớp niêm mạc. Do đó, mặc dù vi sinh vật bệnh
nguyên rất đa dạng, vị trí khu trú đặc hiệu của mầm bệnh chỉ giới hạn ở bốn hệ thống của
cơ thể: tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp và các lớp che phủ cơ thể. Do đó, với bệnh truyền
nhiễm của động vật, nhìn chung người ta phân biệt bốn phương thức truyền lây mầm
bệnh cảm nhiễm: phân - miệng, hô hấp, nhờ vector truyền lây và tiếp xúc.
Pha tồn tại của mầm bệnh bên ngoài cơ thể ở ngoại cảnh là giai đoạn dài nhất và
quan trọng nhất trong cơ chế lây truyền. Ở môi trường ngoài, mầm bệnh không chỉ được
bảo tồn mà còn cùng với các vật thể của giới tự nhiên vô sinh và hữu sinh (yếu tố chuyển
vận) có thể dịch chuyển và phát tán trên diện tích rộng lớn. Hơn nữa, việc lây truyền một
vi sinh vật bệnh nguyên từ cơ thể cảm nhiễm sang cơ thể khỏe trong đa số trường hợp
bệnh được thực hiện cùng với sự tham gia trực tiếp của môi trường ngoài bị ô nhiễm. Vì
vậy các yếu tố môi trường tham gia vào quá trình truyền lây của mầm bệnh được gọi là
các yếu tố truyền lây. Chúng bao gồm các vật thể vô sinh ô nhiễm các vi sinh vật bệnh
nguyên (thức ăn, nước, đất, không khí, chuồng trại, dụng cụ chăm sóc, xác chết,...).
Mặc dù nhiều vi sinh vật bệnh nguyên không có khả năng tồn tại lâu ngoài môi
trường, thời gian sống còn của chúng ở đó có thể đo bằng ngày, nhưng cũng có vi sinh
vật mầm bệnh tồn tại ở ngoại cảnh hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm. Điều này phụ
thuộc vào hàng loạt yếu tố mà trước hết là vào bản chất của mầm bệnh và đặc điểm của
môi trường ngoài. Trong phạm trù các yếu tố truyền lây mầm bệnh người ta chú trọng
đặc biệt đến các vật chuyển tải mầm bệnh, tức là các vật trung gian sống là các động vật
chân đốt (côn trùng và ve bét), cũng như các động vật hoang dã và gia súc. Việc vận
chuyển có thể được thực hiện một cách cơ giới, nếu giữa vật mang và mầm bệnh không
có mối liên hệ sinh học nào, và một cách đặc hiệu nếu có sự liên hệ sinh học nhất định
(sinh sản của ký sinh vật trong động vật mang). Trong trường hợp cuối (vận chuyển đặc
hiệu) các vật trung gian sinh học còn được gọi là ổ chứa mầm bệnh.
Trong cơ chế lây truyền mầm bệnh cảm nhiễm có thể có sự tham gia của một
hoặc một số yếu tố truyền lây. Tổ hợp các yếu tố tham gia vận chuyển mầm bệnh và
tương tác của chúng với động vật thụ cảm khỏe xác định đặc điểm quá trình dịch gọi là
các con đường truyền lây, hay con đường phát tán mầm bệnh cảm nhiễm. Trong dịch học
người ta phân biệt, một cách có cơ sở khoa học và có định hướng ứng dụng, bốn con
đường phát tán mầm bệnh cảm nhiễm: 1) nhờ tiếp xúc, 2) qua không khí, 3) thức ăn và
nước, và 4) nhờ vector truyền lây.
Sự lây lan của mầm bệnh từ cơ thể bệnh sang cơ thể khỏe không những là một
yếu tố cần thiết của quá trình sinh dịch, mà còn cần thiết cho sự tồn tại của mầm bệnh
trong thiên nhiên. Quá trình lây lan đó của bệnh cảm nhiễm do những quy luật nhất định
chi phối, Gramasepsky gọi là quy luật truyền bệnh hay cơ chế truyền mầm bệnh, như sau:
Nơi khu trú đầu tiên có tính chất chuyên biệt đối với từng loại mầm bệnh và ảnh
hưởng đến cách bài mầm bệnh ra khỏi cơ thể. Nếu nơi khu trú đầu tiên là phổi thì mầm
bệnh chỉ bài ra ngoài theo nước mũi, đờm; nếu là ruột thì bài ra ngoài theo phân; nếu là
máu thì chỉ ra khỏi cơ thể nhờ chân đốt hút máu.
Cách bài xuất mầm bệnh ra ngoài cơ thể quyết định nơi tồn tại của mầm bệnh ở
ngoại cảnh: nếu theo đờm, nước bọt thì mầm bệnh sẽ lưu lại ở không khí, nếu theo phân
thì sẽ lưu lại ở đất, nước, cây cỏ,...
Nơi tồn tại và khu trú đầu tiên của mầm bệnh quyết định phương thức mầm bệnh
xâm nhập vào cơ thể con vật khỏe. Thí dụ, nếu mầm bệnh ở trong không khí thì nó phải
xâm nhập qua đường hô hấp để về phổi.
Phương thức xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể phải đảm bảo cho nó tới được
nơi khu trú đầu tiên.
2. Phương thức truyền bệnh
Căn cứ vào nơi khu trú đầu tiên và chủ yếu là cách truyền mầm bệnh, có thể chia
ra hai nhóm phương thức truyền bệnh: trực tiếp và gián tiếp.
2.1. Phương thức truyền bệnh trực tiếp
Trong phương thức truyền bệnh này mầm bệnh được truyền thẳng từ con bệnh
sang con khỏe không phải thông qua các nhân tố trung gian. Ví dụ, trong bệnh dại
phương thức truyền lây chủ yếu là trực tiếp. Trong phương thức này, tính chất dây
chuyền giữa các con vật là yếu tố quan trọng duy trì dịch. Mầm bệnh của những bệnh lây
truyền trực tiếp thường là loại ký sinh bắt buộc, không thể sinh sản trong môi trường
nhân tạo được, và thường có sức đề kháng kém với ngoại cảnh.
2.2. Phương thức truyền bệnh gián tiếp
Trong phương thức này, mầm bệnh phải thông qua các nhân tố trung gian mới
truyền được bệnh. Có những bệnh bắt buộc phải lây gián tiếp, ví như các bệnh ký sinh
trùng đường máu. Trong các bệnh truyền gián tiếp, mầm bệnh có sức đề kháng tương đối
cao với ngoại cảnh, và có thể tồn tại một thời gian trên các nhân tố trung gian truyền
bệnh. Sức đề kháng của mầm bệnh càng cao thì thời gian tồn tại của nó trong ngoại cảnh
càng lâu, khả năng sinh dịch càng kéo dài, nhưng không ồ ạt, ác liệt, mà âm ỉ, dịch có
tính chất địa phương. Sức đề kháng của mầm bệnh càng yếu thì thời gian sống ở ngoại
cảnh càng ngắn nhưng dịch thường càng ồ ạt, lan rộng và biểu hiện rõ ràng.
Căn cứ vào cơ chế truyền bệnh, có thể chia ra bốn phương thức truyền bệnh
chính.
- Truyền theo đường tiêu hóa hay đường phân - miệng: Nơi khu trú đầu tiên của
mầm bệnh là ruột. Mầm bệnh bài ra ngoài theo phân, sống tạm thời ở ngoại cảnh trên các
nhân tố trung gian như thức ăn, nước uống, đất, ruồi nhặng,... rồi xâm nhập vào đường
tiêu hóa chủ yếu theo thức ăn, nước uống. Đường truyền bệnh này là đường từ phân tới
miệng.
- Truyền theo đường hô hấp: Nơi khu trú đầu tiên là phổi. Mầm bệnh theo nước
bọt, nước mũi bắn ra ngoài, sống trong không khí, rồi lại xâm nhập vào phổi khi con vật
hít phải, đường truyền bệnh này còn gọi là đường không khí - mũi.
- Truyền bệnh theo đường máu: Nơi khu trú đầu tiên là máu. Mầm bệnh từ máu
súc vật bệnh, được các động vật chân đốt trung gian hút máu hút ra theo máu vào ống
tiêu hóa của chúng, sống một thời gian dài trong những động vật chân đốt này và được
truyền vào máu súc vật khỏe khi chúng bị động vật chân đốt mang mầm bệnh chích hút.
Đường truyền bệnh này là đường máu - động vật chân đốt hút máu - máu.
- Truyền bệnh qua da và niêm mạc: Do có nhiều nơi khu trú đầu tiên nên có nhiều
đường truyền bệnh và nhiều loại nhân tố trung gian truyền bệnh.
Dựa vào các phương thức truyền bệnh, người ta có thể phân loại bệnh truyền
nhiễm theo các nhóm bệnh nhất định, và nhờ phân loại theo quan điểm dịch học này
chúng ta có thể đề ra những phương hướng và các biện pháp phòng trừ thích hợp với từng
loại bệnh.
3. Các giai đoạn của quá trình dịch bệnh cảm nhiễm
Quá trình dịch có tính quy luật. Bản chất sinh học của quá trình dịch bị chi phối
bởi tính đặc hiệu của tác động qua lại của các yếu tố chính của nó. Một quá trình dịch có
thể tiếp tục dài bất tận nếu ba khâu của nó là nguồn bệnh, cơ chế truyền lây và động vật
thụ cảm tồn tại và tương tác qua lại. Các khâu nêu trên của một chuỗi dịch bảo đảm
không chỉ sự xuất hiện mà còn sự phát triển tiếp theo của quá trình dịch, nghĩa là trở
thành động lực của quá trình dịch.
Các động lực của một quá trình dịch có những mối tương tác phức tạp đặc trưng.
Chẳng hạn, động vật bị cảm nhiễm khi gây ô nhiễm môi trường tạo điều kiện tiên quyết
cho sự thực hiện sau đó của cơ chế truyền lây và làm tăng lượng nguồn bệnh mới. Kết
quả của quá trình lây nhiễm hàng loạt là một phần động vật trong các điều kiện tự nhiên
chết đi còn trong những động vật sống sót phát triển miễn dịch tập đoàn sau cảm nhiễm,
theo quy tắc tác động ngược, có tác động giảm hoạt tính của dịch. Điều này hạn chế sự
lan truyền tiếp theo hoặc thậm chí làm gián đoạn quá trình dịch trên một lãnh thổ nhất
định. Như vậy, giữa các động lực của một quá trình dịch có mối tác động qua lại chặt
chẽ. Trong khi đó, ý nghĩa mỗi khâu trong các khâu của chuỗi dịch trong trường hợp
bệnh cụ thể không giống nhau, và là điều cần phải tính đến trong công tác chống dịch.
Sự tự điều tiết của một hệ thống sinh học như một quá trình dịch bảo đảm bởi
mâu thuẫn nội tại chủ yếu của nó, và nằm ở chỗ sự tương tác của các động lực là điều
kiện bắt buộc tạm thời của sự xuất hiện và nguyên nhân làm yếu hoặc thậm chí làm gián
đoạn một quá trình dịch trong một lãnh thổ nhất định. Liên quan với mâu thuẫn này, một
quá trình dịch trong một vụ dịch xuất hiện bình lặng thường trải qua một cách có chu kỳ:
xuất hiện, lan truyền và ngừng tắt. Tính quy luật của sự xuất hiện của nó cho phép phân
chia sáu giai đoạn trong động thái dịch: giữa các dịch, trước dịch, phát triển dịch, cao trào
dịch, tắt dịch và sau dịch.
Kỳ giữa các vụ dịch (kỳ yên lặng) là khoảng thời gian giữa hai đợt dịch. Giai đoạn
này đặc trưng bởi những trường hợp bệnh riêng rẽ có tác dụng duy trì dịch nhưng không
kéo theo sự tăng trưởng đột ngột tỷ lệ ca bệnh mới cũng không có sự lan truyền bệnh.
Mang trùng và cảm nhiễm không triệu chứng chiếm ưu thế. Ở nhiều động vật còn mang
miễn dịch nhưng số động vật mẫn cảm tăng dần.
Kỳ trước dịch là thời kỳ vẫn duy trì các điều kiện để xuất hiện dịch do động vật
mất miễn dịch, do sản sinh động vật non không miễn dịch hoặc/và do nhập thêm vào đàn
những động vật mẫn cảm. Đặc trưng của kỳ này là tăng số lượng động vật bệnh tức tăng
nguồn bệnh và xuất hiện những trường hợp bệnh có triệu chứng lâm sàng điển hình. Kết
cục là thiết lập được những điều kiện thích hợp đối với sự lây truyền mầm bệnh cảm
nhiễm đó.
Kỳ phát triển dịch tiếp sau kỳ trước dịch và đặc trưng bởi các điều kiện thích hợp
cho sự lây truyền bệnh và sự chiếm ưu thế của các dạng bệnh lâm sàng điển hình cấp tính
và quá cấp tính. Hoạt tính của các khâu riêng biệt của chuỗi dịch và mối liên hệ giữa
chúng tăng, dẫn đến sự tăng tốc số lượng động vật mắc bệnh mới. Tuy nhiên, trong lúc
này đã xuất hiện những động vật miễn dịch và điều này là tiền đề cho sự ngừng tắt dịch.
Kỳ cao trào dịch diễn ra sau kỳ phát triển dịch và là giai đoạn đỉnh điểm của vụ
dịch. Số lượng động vật mắc bệnh mới tăng cao nhất. Bệnh chủ yếu cấp tính, số ca quá
cấp tính giảm. Số lượng động vật miễn dịch tiếp tục tăng.
Kỳ tắt dịch đặc trưng bởi việc giảm số lượng động vật mắc bệnh mới, tăng đáng
kể số lượng động vật miễn dịch, cơ chế lây truyền mầm bệnh bị phá vỡ. Trong giai đoạn
này các trường hợp bệnh không kịch liệt chiếm ưu thế, diễn biến bệnh thường á cấp tính
và mãn tính hoặc xuất hiện cảm nhiễm thui.
Kỳ sau dịch là giai đoạn bệnh không lây truyền, số lượng động vật miễn dịch cao
đạt cực đại. Số ca bệnh mới giảm đến mức đơn vị. Chủ yếu là cảm nhiễm ẩn tính và
mang trùng.
Động học của dịch nêu trên chỉ có tính mô hình, có thể có những vụ dịch phức tạp
hơn nhiều và tiến triển dịch thường bị thay đổi bởi sự can thiệp của con người. Khi đó
tính giai đoạn của dịch có thể bị mất.
VII. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát sinh dịch
Quá trình phát sinh dịch chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Các yếu tố đó tác
động đến các khâu của quá trình phát sinh dịch, ảnh hưởng đến quá trình đó làm cho dịch
động vật có nhiều tính chất khác nhau.
1. Các yếu tố thiên nhiên
Các nhân tố thiên nhiên bao gồm những điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết ánh
sáng và có thể có những yếu tố vũ trụ mà ta chưa nghiên cứu hết. Các yếu tố trên không
những ảnh hưởng đến sự sống, sự hình thành và phát triển các loài động vật mà còn ảnh
hưởng đến sức khỏe, sức sản xuất của động vật cũng như sự phát triển các loại bệnh tật.
Đối với dịch bệnh, các yếu tố thiên nhiên ảnh hưởng có lợi hoặc không có lợi đến các
khâu trong quá trình sinh dịch, như sau:
Ảnh hưởng đến nguồn bệnh: Nếu nguồn bệnh là gia súc, gia cầm thì các điều kiện
thiên nhiên tác động đến thức ăn và phương thức chăn nuôi thường làm ảnh hưởng đến
sức đề kháng của động vật, làm dịch dễ hoặc khó phát sinh, do đó làm tăng hoặc giảm
nguồn bệnh. Nếu nguồn bệnh là dã thú, động vật chân đốt thì ảnh hưởng của điều kiện
thiên nhiên càng rõ rệt, vì điều kiện thiên nhiên quyết định vùng cư trú, sự phát triển về
loài, về số lượng và về sự hoạt động của chúng.
Ngoài ra, vì điều kiện thiên nhiên còn thông qua nguồn bệnh mà ảnh hưởng đến
độc lực của mầm bệnh, ảnh hưởng đến mầm bệnh càng rõ khi nó được bài xuất ra ngoài
(như làm tăng hoặc giảm số lượng, làm mầm bệnh phân tán rộng hay hẹp trong thiên
nhiên).
Ảnh hưởng đến các yếu tố trung gian truyền bệnh: Đối với các yếu tố trung gian
truyền bệnh không phải là sinh vật (đất, nước, dụng cụ, đồ vật,...) điều kiện thiên nhiên
ảnh hưởng đến thời gian tồn tại của mầm bệnh, đến mức độ phát tán rộng hay hẹp của
mầm bệnh. Nếu yếu tố trung gian là sinh vật thì điều kiện thiên nhiên ảnh hưởng đến
vùng cư trú, đến sự sinh sản và phát triển về loài, về số lượng và về sự hoạt động của
chúng, do đó làm tăng hoặc giảm vai trò truyền bệnh của chúng.
Ảnh hưởng đến động vật thụ cảm: Các yếu tố thiên nhiên (khí hậu, ánh sáng, ẩm
độ,...) thường xuyên tác động đến cơ thể súc vật làm tăng hoặc làm giảm sức đề kháng
của chúng. Điều kiện thiên nhiên còn ảnh hưởng đến mật độ động vật (do mức độ sinh
sản thấp hay cao, điều kiện nuôi tập trung hay phân tán), làm cho mức độ cảm thụ đối với
bệnh trong đàn thay đổi, điều kiện và mức độ lây lan thay đổi.
Thiên nhiên nhiệt đới ở nước ta tạo nên những đặc điểm riêng về nhiệt độ, ẩm độ,
ánh sáng, không khí, đất nước,... Điều kiện thiên nhiên đó ảnh hưởng đến từng mùa, từng
vùng, đối với sức khỏe, sức sinh sản và đối với sự phát sinh và lây lan các bệnh truyền
nhiễm. Hiểu biết sâu sắc những ảnh hưởng của các yếu tố thiên nhiên, khắc phục các yếu
tố có hại và lợi dụng các yếu tố có lợi là rất hữu ích đối với công tác phòng chống bệnh.
2. Các yếu tố xã hội
Bệnh truyền nhiễm là một hiện tượng sinh vật học, nhưng dịch bệnh lại xảy ra
trong một xã hội nhất định, nên đó là một hiện tượng xã hội và chịu ảnh hưởng quyết
định của các yếu tố xã hội. Các yếu tố xã hội bao gồm điều kiện sinh hoạt của xã hội như
điều kiện ăn ở, đời sống vật chất, trình độ văn hóa, trình độ khoa học kỹ thuật, tập quán
xã hội, hoạt động kinh tế, các tai biến xã hội như chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh của
người,... đều ảnh hưởng trực tiếp tới dịch bệnh của động vật. Tất cả những điều kiện sinh
hoạt trên đều phụ thuộc vào chế độ xã hội. Chừng nào trình độ kinh tế và văn hóa còn
thấp, đời sống vật chất của đông đảo quần chúng nhân dân còn yếu kém và quan niệm về
bệnh dịch còn lệch lạc thì chừng đó dịch bệnh của gia súc cũng như của người vẫn còn
tồn tại.
VIII. Hình thức và biến động của phát sinh và lưu hành dịch
1. Hình thức phát sinh dịch
Các yếu tố thiên nhiên và xã hội kết hợp với đặc tính của mầm bệnh chi phối quá
trình phát sinh dịch, làm dịch có thể biểu hiện dưới những hình thức khác nhau, như sau:
1.1. Dịch tán phát (dịch lẻ tẻ)
Số con phát bệnh lẻ tẻ trong một thời gian dài, một vài con mắc bệnh ở chuồng
này rồi lan sang một vài con ở chuồng khác, ví dụ bệnh tụ huyết trùng, uốn ván,...
1.2. Dịch địa phương
Dịch địa phương phát ra giới hạn trong một địa phương, một vùng, không lan
rộng, ví dụ bệnh nhiệt thán.
1.3. Dịch lưu hành và dịch đại lưu hành
Trong dịch lưu hành bệnh phát ra và lan rộng ở một số nơi trong một thời gian
ngắn. Phạm vi dịch có thể là một huyện, có khi là một tỉnh (ví dụ, bệnh dịch tả lợn).
Trong dịch lớn (đại dịch hay dịch đại lưu hành) bệnh phát ra ồ ạt, lan tràn rất
nhanh, rất rộng, trong thời gian ngắn lan hàng mấy tỉnh, có khi cả nước hoặc nhiều nước
(cúm, dịch tả trâu bò, lở mồm long móng,...).
Cách phân ra các loại dịch trên chỉ là tương đối nhưng có ý nghĩa nhất định đối
với việc chẩn đoán bệnh và phòng chống dịch bệnh cảm nhiễm.
2. Sự biến động tần suất phát sinh dịch
2.1. Tính chất mùa
Mùa trong năm với những đặc điểm riêng về cường độ bức xạ, nhiệt độ, thời gian
chiếu sáng trong ngày, lượng mưa,... ảnh hưởng tới sự phát triển của cây cỏ, ảnh hưởng
đến số lượng và chất lượng thức ăn gia súc. Cũng như vậy, các yếu tố trung gian truyền
bệnh là sinh vật tùy theo mùa mà thay đổi về loài, về số lượng và cường độ hoạt động.
Mùa ảnh hưởng đến cơ năng sinh lý và sức đề kháng của cơ thể gia súc, ảnh hưởng đến
sự tồn tại của mầm bệnh trong cơ thể gia súc và ngoại cảnh. Hoạt động xã hội, lễ tết có
tính chất mùa kết hợp với các yếu tố thiên nhiên cũng làm cho dịch có tính chất mùa.
Ở phía bắc nước ta, người ta cũng nhận thấy một số đặc điểm phát sinh theo mùa.
Do chế độ gió mùa, phía bắc nước ta có hai mùa rõ rệt. Ở miền Nam, vùng châu thổ sông
Cửu Long chịu ảnh hưởng của mùa nước lũ, dịch bệnh ở gia súc cũng thể hiện tính chất
mùa rõ rệt.
Mùa mưa ở Nam Bộ và Bắc Bộ trùng mùa hè trong lịch năm, có thời tiết ấm áp,
mưa nhiều, rất thuận lợi cho cây trồng và các loại rau cỏ phát triển, do đó gia súc được ăn
no đủ. Nhưng mùa mưa cũng là mùa thuận lợi cho một số mầm bệnh phát triển (vi khuẩn
tụ huyết trùng phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt, nha bào nhiệt thán do mưa và
nước ngập đưa từ lòng đất lên mặt đất), các loại côn trùng và ve bét sinh sản nhanh và
phát dục ngắn ngày (ruồi chỉ sinh nở vào mùa hè có độ nhiệt thích hợp với chúng), do đó
vào mùa này thường gặp các bệnh tụ huyết trùng trâu bò, bệnh nhiệt thán (vùng đồng
bằng), bệnh tiên mao trùng và nhiều bệnh không truyền nhiễm khác như bệnh lợn con
tiêu chảy cứt trắng, bệnh chướng hơi dạ cỏ, nghẽn lá sách, say nắng, cảm nóng,...
Mùa hanh khô ở Bắc Bộ và Nam Bộ trùng mùa đông trong lịch năm, cây cỏ cằn
cỗi, gia súc thiếu thức ăn, mầm bệnh giữ được độc lực ngoài thiên nhiên, lại là mùa gia
súc cày kéo phải làm việc nhiều trong điều kiện mưa phùn gió bấc (ở miền Bắc), nên đó
là mùa có nhiều bệnh do virut phát triển như bệnh dịch tả trâu bò, bệnh dịch tả lợn, bệnh
Newcastle (Niucatxơn),...
Mùa hanh khô cũng là mùa của các bệnh giun sán, bệnh lê dạng trùng,... cũng là
mùa của những bệnh do dinh dưỡng kém (bệnh cầu trùng gà,...) dễ phát sinh khi cơ thể
thiếu vitamin. Vào mùa này do gia súc nhai lại thiếu cỏ nên phải gặm cỏ khô cứng sát đất
nên dễ nhiễm nha bào nhiệt thán (ở miền núi) và do có những tháng mùa mưa phùn ẩm
ướt, độ ẩm không khí cao trong khi nhiệt độ hạ thấp (ở miền Bắc) làm giảm sức đề kháng
của cơ thể và làm vi khuẩn tăng độc lực và sinh sản, dẫn đến bệnh đóng dấu lợn.
2.2. Tính chất chu kỳ
Bệnh dịch động vật xuất hiện về cơ bản theo chu kỳ nhất định khi con người chưa
tác động đến. Theo tài liệu nước ngoài, bệnh dịch tả trâu bò có chu kỳ 3 - 5 năm (Ấn Độ),
bệnh lở mồm long móng có chu kỳ 5 năm (Đức). Ở nước ta, tính chất chu kỳ của bệnh
chưa được nghiên cứu nhiều.
Cho đến nay, việc giải thích tính chất chu kỳ của dịch vẫn chưa được đầy đủ.
Người ta cho rằng, sở dĩ dịch có tính chất chu kỳ là do sự biến đổi tính cảm thụ bệnh của
động vật có tính chất chu kỳ. Sau một trận dịch, số động vật còn lại được miễn dịch, tính
cảm thụ của cả đàn đối với bệnh giảm đến mức thấp nhất. Sau đó một thời gian, đàn động
vật có mật độ cao dần do sinh đẻ thêm, nhập thêm động vật chưa được miễn dịch, do
động vật lành bệnh trước kia đã hết miễn dịch, và khi mật độ của đàn tăng đến mức cao
nhất và gặp các điều kiện bên ngoài bất lợi đối với sức đề kháng thì dịch lại tái phát ra.
Tính chất chu kỳ cũng biểu hiện rõ rệt đối với dịch của dã thú. Tính chất chu kỳ có lẽ
trùng hợp với những biến đổi có tính chất chu kỳ trong vũ trụ.
Những hiểu biết về tính quy luật ở trên giúp chúng ta các biện pháp vệ sinh phòng
bệnh mùa hè, mùa đông, đề ra lịch tiêm phòng hàng năm trước khi phát bệnh. Bằng sự
hoạt động chủ động và tích cực của mình, con người có thể xóa bỏ tính quy luật của dịch
bệnh. Ví dụ, ở nước ta cho đến khoảng năm 1987 đã xóa bỏ tính chất vùng và tính chất
chu kỳ của bệnh dịch tả trâu bò.
2.3. Tính chất vùng
Nhiều bệnh dịch động vật thường xảy ra ở những vùng nhất định, rồi sau đó mới
lây lan sang những vùng khác. Thời tiết đất đai, cây cỏ ở một vùng đều ảnh hưởng đến sự
phát triển và sức đề kháng của một loại động vật, ảnh hưởng đến sự phát triển của một
loại nhân tố trung gian truyền bệnh, đến sự tồn tại của một loại mầm bệnh, do đó mà một
số bệnh có thể phát sinh ở một vùng nhất định. Tuy chưa nghiên cứu kỹ ảnh hưởng của
từng vùng đến sự phát sinh các loại bệnh tật, nhưng người ta đã thấy được một số bệnh
truyền nhiễm chính xảy ra có tính chất vùng.
Phía Bắc nước ta, về địa hình, hình thành ba vùng rõ rệt. Vùng núi có khí hậu tốt,
nhiều cỏ rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc nhai lại lớn nhưng cũng là
vùng thuận lợi cho các loại động vật chân đốt phát triển (ruồi trâu, ruồi vàng, bọ chét,...)
nhiều bệnh ký sinh trùng đường máu thường xảy ở vùng núi như bệnh tiên mao trùng, lê
dạng trùng. Vùng núi còn có nhiều dã thú nên là ổ chứa tích trữ nhiều loại mầm bệnh như
dịch tả lợn,...
Vùng trung du là vùng thường xảy ra một bệnh ký sinh trùng đường máu như lê
dạng trùng, huyết bào tử trùng. Vùng đồng bằng có nhiều điều kiện phát triển chăn nuôi
tiểu động vật, nhưng thường xảy ra các bệnh Newcastle (có khắp nơi), bệnh nhiệt thán, tụ
huyết trùng (ở những nơi ẩm thấp, lầy lội), bệnh lợn đóng dấu (ở những vùng đất phù sa
ven sông).
2.4. Tính chất xu thế của dịch và tiến hóa của bệnh truyền nhiễm
Bệnh truyền nhiễm của động vật cũng như của người đều có một quá trình tiến
hóa. Quá trình đó hiện nay vẫn đang diễn ra và thể hiện ngày càng rõ rệt qua tác động
của con người.
Nếu quan sát trong thời gian kéo dài chúng ta sẽ thấy tần suất xuất hiện bệnh nào
đó thay đổi. Kết quả của việc tiêm vacxin phòng bệnh ngày càng phổ cập (do vacxin ngày
càng rẻ hơn, tổ chức công tác tiêm phòng càng tốt hơn,...) và ngày càng hiệu quả dẫn đến
sự thay đổi loại hình dịch, nhiều dịch lưu hành trước đây (như dịch tả lợn, dịch tả trâu
bò,...) đã chỉ phát thành dịch tán phát (lẻ tẻ).
Tìm hiểu lịch sử tiến hóa của bệnh người ta thấy có bệnh từ thuở người còn là
vượn vẫn còn tồn tại cho đến nay (bệnh sốt rét), có bệnh đã mất đi, có bệnh mới đã xuất
hiện. Những bệnh đang tồn tại cũng đã có ít hoặc nhiều thay đổi về tính chất dịch, có khi
thay đổi cả về sự biểu hiện. Bệnh truyền nhiễm có tiến hóa vì đó là kết quả tất yếu của sự
đấu tranh giữa cơ thể sinh vật và mầm bệnh trong những điều kiện luôn thay đổi của
ngoại cảnh.
Từ thời đại nguyên thủy đến nay, ngoại cảnh tự nhiên đã có nhiều biến đổi. Ngoại
cảnh do con người tạo ra cho gia súc cũng thay đổi rất nhiều, do đó cơ thể động vật và
mầm bệnh thích nghi được để tồn tại cũng phải có những thay đổi so với tổ tiên.
Về phía mầm bệnh, sự phát triển của thế giới hữu cơ đã kèm theo sự hình thành
và phát triển của nhiều sinh vật ký sinh, những sinh vật ký sinh đó lại chịu ảnh hưởng của
cơ thể ký chủ đấu tranh chống lại chúng, dẫn đến việc chọn lọc những cá thể hoặc loài có
những biến đổi để thích nghi với cơ thể động vật và duy trì khả năng gây bệnh. Về phía
cơ thể động vật, nói chung đã có nhiều biến đổi qua lịch sử tiến hóa lâu dài, đặc biệt là
những biến đổi mạnh do chọn lọc nhân tạo từ khi động vật được thuần hóa đến nay.
Tất cả những biến đổi đó của điều kiện thiên nhiên, xã hội, của các yếu tố sinh
vật, đã làm cho bệnh truyền nhiễm có quá trình tiến hóa của nó. Loại bệnh, sự biểu hiện
của bệnh, tính chất dịch có những biến đổi nhất định, cũng có khả năng có những bệnh
mới vẫn đang tiếp tục hình thành và dần dần xuất hiện.
Để chẩn đoán bệnh và đề ra các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả, cần phải
đứng trên quan điểm tiến hóa bệnh truyền nhiễm.
IX. Ổ dịch và ổ dịch thiên nhiên
Ổ dịch là nơi cư trú của một hoặc những nguồn bệnh cảm nhiễm trong những giới
hạn lãnh thổ mà ở đó trong những hoàn cảnh nhất định tồn tại nguy cơ truyền lây cho
động vật khỏe thụ cảm. Ổ dịch có thể là một trại chăn nuôi, một khu chuồng hoặc toàn bộ
lãnh thổ của trại, một khu chăn thả,... mà ở đó có động vật nguồn bệnh của bệnh truyền
nhiễm. Áp dụng đối với động vật hoang dã, ổ dịch có thể là một khu rừng, những bãi
hoang, là nơi cư trú của các động vật bài xuất và làm lây truyền mầm bệnh. Ổ dịch là
mầm mống nguyên phát của một quá trình dịch, tạo nên mối nguy cơ tiềm tàng cho sự lan
truyền tiếp theo của bệnh, là nơi tương tác của ba khâu của chuỗi dịch. Nói cách khác, ổ
dịch là nơi xuất hiện và duy trì "mồi lửa" của bệnh truyền nhiễm làm bùng phát "đám
cháy" ở những nơi khác. Cùng với ổ dịch nguyên phát thường xuất hiện ổ dịch thứ phát,
là yếu tố bảo đảm tính liên tục của quá trình dịch.
Cần phân biệt ổ dịch (là nơi có quá trình dịch) với khái niệm ổ bệnh (hay bệnh
sào, là nơi biến đổi bệnh lý trong cá thể động vật bệnh). Khái niệm ổ dịch áp dụng đối với
mọi bệnh cảm nhiễm, nhưng mỗi một ổ dịch có những đặc trưng dịch học riêng tương
ứng với bệnh đó. Chẳng hạn, đặc điểm bệnh và những điều kiện cụ thể trong đó bệnh
xuất hiện là những yếu tố cần tính đến khi xác định ranh giới của ổ dịch. Toàn bộ lãnh
thổ mà trong giới hạn đó có sự tác động của cơ chế truyền mầm bệnh từ nguồn bệnh đều
nằm trong ổ dịch. Ổ dịch của các bệnh có cơ chế lây truyền qua không khí có thể chỉ là
khu chuồng trại trong đó động vật sống, nhưng với bệnh lây truyền nhờ động vật chân đốt
môi giới thì giới hạn ổ dịch là cả vùng lãnh thổ trong đó có động vật chân đốt hoạt động.
Ổ dịch có thể là đang hoạt động nếu duy trì nguy cơ lan truyền bệnh. Điều kiện để
thanh trừ một ổ dịch là loại bỏ hoặc vô trùng các nguồn mầm bệnh cảm nhiễm và vô
trùng các vật ngoại giới. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mầm bệnh vẫn tiếp tục tồn tại
ở môi trường ngoài (vi khuẩn nhiệt thán trong đất) hoặc trong động vật chân đốt là nguy
cơ của sự xuất hiện lại ổ dịch. Ổ dịch còn có thể là mới hoặc đang tắt, hoặc ổ dịch cố định
và ổ dịch thiên nhiên.
Ổ dịch mới là nơi mới xuất hiện dịch động vật do mang mầm bệnh mới từ ngoài
vào, khi đó số lượng trường hợp bệnh mới tăng dần. Ổ dịch đang tắt đặc trưng bởi sự
giảm dần hoặc giảm nhanh đột ngột số trường hợp bệnh mới do thực hiện các biện pháp
chống dịch hoặc do quá trình tự nhiên cảm nhiễm hết đại bộ phận đàn. Giảm số lượng
nguồn bệnh hoạt động làm giảm nguy cơ lan truyền bệnh. Ổ dịch cố định là nơi phát bệnh
và có thể phát bệnh lặp lại sau một khoảng thời gian nào đó vì bảo tồn được các điều kiện
tự nhiên ổn định bảo đảm khả năng tiềm tàng xuất hiện bệnh. Nguyên nhân của sự ổn
định của ổ dịch có thể là sự tồn tại các động vật nhỏ mang trùng trong đàn động vật hoặc
sự mang trùng ở gậm nhấm sống gần người, hoặc sự tồn tại lâu dài của mầm bệnh ở trong
đất (trường hợp cuối đúng ra chỉ là lãnh thổ ô nhiễm chứ không phải ổ dịch).
Ổ dịch thiên nhiên là lãnh thổ mà mầm bệnh này hay bệnh khác luân chuyển giữa
các động vật hoang dã sống thường xuyên ở đó. Khả năng của một bệnh truyền nhiễm
hình thành những ổ dịch thiên nhiên trong những địa hình xác định gọi là tính sinh ổ dịch
thiên nhiên của bệnh truyền nhiễm đó. Công lao phát hiện tính sinh ổ dịch thiên nhiên của
nhiều bệnh truyền nhiễm lan truyền nhờ vector và bệnh ký sinh trùng thuộc về Paplôpxki
(Pavlovsky, 1884 - 1965). Năm 1938, từ những khảo sát thực tiễn về những bệnh xuất
hiện ở người và gia súc tại những vùng đất mới khai thác trên lãnh thổ Liên bang Xô viết
(cũ), ông đã đề xuất học thuyết về ổ dịch và ổ dịch thiên nhiên của một số bệnh truyền
nhiễm như viêm não của người, tula, dịch hạch,...
Mầm bệnh của các bệnh sinh ổ dịch thiên nhiên có vector lan truyền tồn tại trong
những vùng dịch chủ yếu ở thú rừng, nhất là loại gậm nhấm. Bệnh thường xuyên lưu
hành (dịch) trong những con vật này, lan từ con bệnh sang con khỏe chủ yếu nhờ những
sinh vật hút máu. Bệnh được truyền theo dây chuyền thú rừng - động vật chân đốt môi
giới (vector truyền lây) - thú rừng. Các thú rừng trên có thể phát bệnh và chết, nhất là khi
bị đói ăn, sức đề kháng giảm sút do thời tiết không thích hợp, nhưng chúng thường mắc
bệnh ở thể bệnh mang trùng hoặc thể khỏe mang trùng, còn động vật chân đốt thì không
phát bệnh, chúng đóng vai trò nhân tố trung gian truyền bệnh hoặc nguồn bệnh. Trong
các bệnh có ổ dịch thiên nhiên nhóm này, bao giờ cũng tìm thấy động vật chân đốt môi
giới có chứa mầm bệnh, có loại mầm bệnh tồn tại hàng chục năm trong cơ thể chúng.
Mầm bệnh, thú rừng và động vật chân đốt trung gian đều thuộc vào một sinh cảnh nhất
định. Mối quan hệ tác động giữa ba yếu tố trên trong quá trình tiến hóa khăng khít, không
phụ thuộc vào con người, nhưng phụ thuộc vào những điều kiện thiên nhiên (khí hậu, địa
lý, cây cỏ,...) của sinh cảnh đó. Sinh cảnh đó chính là ổ dịch thiên nhiên.
Trong một số bệnh, mầm bệnh do dã thú bài xuất ra ngoại cảnh, có thể tồn tại ở
đất, nước, cây cỏ một thời gian để lại xâm nhập vào cơ thể súc vật khỏe. Đó là những
bệnh sinh ổ dịch thiên nhiên không có vector lan truyền, như bệnh dại, bệnh leptô, bệnh
tula,... Các bệnh này được truyền theo dây chuyền (vòng cảm nhiễm) thú rừng - thú rừng
hoặc thú rừng - ngoại cảnh - thú rừng. Khi người hoặc gia súc đi vào những vùng đó,
mầm bệnh sẽ từ thú rừng, động vật chân đốt (mang mầm bệnh một cách cơ giới) hoặc từ
ngoại cảnh xâm nhập vào cơ thể để gây bệnh. Bệnh phát ra ở người và gia súc thường
nặng.
Những bệnh có ổ dịch thiên nhiên có những đặc điểm dịch học sau đây:
- Bệnh thường xuất hiện theo những mùa nhất định, có sinh cảnh nhất định ở
những nơi có súc vật, nguồn bệnh và động vật chân đốt.
- Khi bệnh xảy ra ở thú rừng thì nó không phụ thuộc vào xã hội, nhưng khi phát ra
dịch ở gia súc hay ở người thì lại phụ thuộc vào yếu tố xã hội, mặc dù là ổ dịch thiên
nhiên.
Để bệnh có thể xảy ra ở người và gia súc phải có nhiều sinh vật môi giới chứa
mầm bệnh đủ gây ra bệnh và chúng đang đói, người và gia súc tiếp xúc với các sinh vật
đó phải không có miễn dịch đối với bệnh đó.
Hiện nay, rất nhiều bệnh truyền nhiễm của gia súc đã được xác nhận là có tính
sinh ổ dịch thiên nhiên như dịch tả trâu bò (đã không thấy xuất hiện ở nước ta), dịch tả
lợn, lở mồm long móng, dại, nhiệt thán, xoắn khuẩn (leptô), sẩy thai truyền nhiễm, lao, tụ
huyết trùng, phó thương hàn, bệnh tula,... là các bệnh truyền nhiễm của người và gia súc.
Đặc điểm chung của những bệnh này là có những ổ dịch trong thiên nhiên, ở những vùng
nhất định, thường là nơi vùng núi hoang vu chưa hề có dấu chân người và gia súc, nhưng
cũng có thể là đồng bằng. Ở Việt Nam ta đã bắt đầu chú ý đến một số bệnh có ổ dịch
thiên nhiên gây cho người và gia súc khi những hoạt động kinh tế như khai khẩn đất đai,
phát triển vùng đất mới, mở rộng chăn nuôi,... Để chủ động tránh bệnh truyền nhiễm mới,
cần phải tiến hành điều tra các ổ dịch thiên nhiên, và có kế hoạch biện pháp ngăn chặn
thú rừng và tiêu diệt động vật chân đốt trung gian, cách ly chúng khỏi đàn gia súc. Chừng
nào còn có sự đe dọa của ổ dịch thiên nhiên thì dịch bệnh vẫn xảy ra, con người khó có
thể thanh toán được bệnh cảm nhiễm.
Bệnh lây chung người và động vật là những bệnh quan trọng, thường có tên là
zoonosis, và thường có tính sinh ổ dịch thiên nhiên. Những bệnh này là những bệnh có
thể lây từ súc vật sang người hoặc ngược lại. Người, khi đã mắc bệnh từ súc vật truyền
sang thì cũng có thể truyền giữa người với nhau.
Người mắc bệnh chủ yếu là do tiếp xúc với động vật bệnh và các sản phẩm của
động vật (sữa, thịt, nhau thai, lông, da,...) hoặc ăn uống các sản phẩm động vật. Các bệnh
đó nếu mắc nhẹ thì ảnh hưởng đến sức khỏe và sức sản xuất, nặng thì có thể nguy hiểm
đến tính mạng con người. Có rất nhiều bệnh lây chung người và động vật, như bệnh dại,
đóng dấu lợn, nhiệt thán, tỵ thư, lao,... Muốn phòng chống các bệnh trên cần đặc biệt chú
ý phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm. Ngược lại người chăn nuôi cũng phải là người
không mang trùng và thải trùng tạo nguy cơ phát bệnh cho động vật nuôi. Điều này rất có
ý nghĩa trong công tác phòng chống dịch.
Khác với các bệnh lây chung người và động vật cũng như bệnh của nhiều loài vật,
bệnh đặc hữu của loài động vật là những bệnh không xuất hiện ở loài động vật không
phải ký chủ tự nhiên của nó mặc dù động vật này có thể cảm nhiễm (thường là cảm
nhiễm thui). Khi chống một bệnh chỉ có một loài gia súc mắc thì cần phải tập trung mọi
biện pháp vào loài gia súc đó. Điều đó làm giảm nhẹ tốn kém khi thực hiện các biện pháp
phòng chống dịch, cho phép sử dụng chuồng trại, thức ăn,... đối với những loài không
cảm nhiễm. Tuy vậy, một số bệnh đặc hữu loài cũng có tính sinh ổ dịch thiên nhiên (như
bệnh dịch tả lợn trong tập đoàn lợn rừng,...) và cần phải lưu ý điều này trong công cuộc
phòng chống bệnh dịch.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Dịch tễ học bệnh truyền nhiễm.pdf