Đề tài Một số vấn đề lý luận và hoạt động về dạy tự học tại trường đại học Trà Vinh

Giảng viên cần dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc nâng cao nhận thức của sinh viên về hoạt động tự học. Bên cạnh việc giao các nhiệm vụ tự học cho sinh viên, giảng viên cần tăng cường việc kiểm tra đánh giá hoạt động tự học của sinh viên; hướng dẫn các kỹ năng tự học cho sinh viên; động viên khuyến khích sinh viên trong việc tự học và quan tâm giúp đỡ sinh viên giải quyết những khó khăn trong quá trình tự học.

pdf8 trang | Chia sẻ: chaien | Lượt xem: 1725 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Một số vấn đề lý luận và hoạt động về dạy tự học tại trường đại học Trà Vinh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học – Số 01 (2013): 76 – 83 Trường Đại học An Giang 76 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ HOẠT ĐỘNG VỀ DẠY TỰ HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH Phạm Văn Tuân1 ABSTRACT This study presented the theoretical perspectives of the self-study to assess some activities of self-study teaching at Tra Vinh University. The results suggested that lecturers and university managers needed to create many different self-study activities for students to improve their enthusiasm and effectiveness. The findings also indicated lecturers and university managers concerned much to students’ self-study but their implementation to improve the self-study was limited. Keywords: teaching, self-study, Tra Vinh University Title: Perspectives on teaching of self-study and self-study activities at Tra Vinh University TÓM TẮT Nghiên cứu này trình bày một số vấn đề lý luận về tự học để đánh giá một số hoạt động dạy tự học tại Trường Đại học Trà Vinh. Kết quả nghiên cứu lý luận cho thấy để nâng cao tính tích cực và hiệu quả tự học của sinh viên, giảng viên và nhà trường cần quan tâm thực hiện nhiều hoạt động dạy tự học khác nhau cho sinh viên. Kết quả nghiên cứu thực tiễn hoạt động dạy tự học tại Trường Đại học Trà Vinh cho thấy giảng viên và nhà trường đã quan tâm đến hoạt động dạy tự học cho sinh viên nhưng việc thực hiện chưa được triệt để. Từ khóa: tự học; dạy tự học, Trường Đại học Trà Vinh 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hoạt động học tập trong trường đại học của sinh viên là một hoạt động phức tạp nhằm lĩnh hội hệ thống tri thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp để trở thành những chuyên gia giỏi trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định. Để đạt được kết quả này đòi hỏi sinh viên không chỉ học mà còn phải tích cực tự học. Tự học được xem là hoạt động tự thân của sinh viên, nhưng hiệu quả tự học không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của sinh viên mà còn chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ hoạt động dạy tự học. Trong trường đại học, dạy tự học là một thành phần quan trọng của dạy học, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giảng viên và của nhà trường. Tổ chức dạy tự học hiệu quả góp phần rất lớn vào việc nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên và chất lượng đào tạo của nhà trường. Tại Trường Đại học Trà Vinh, kể từ năm 2009 hầu hết các chương trình đào tạo bậc đại học và cao đẳng của nhà trường chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ, điều này làm cho hoạt động dạy tự học của giảng viên và nhà trường dành cho sinh viên càng trở lên cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Vậy hoạt động dạy tự học là gì? Đâu là những vấn đề giảng viên và nhà trường cần quan tâm thực hiện trong quá trình dạy tự học cho sinh viên? Hoạt động dạy tự học tại Trường Đại học Trà Vinh hiện nay được thực hiện như thế nào? Đâu là các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng? là các câu hỏi thúc đẩy chúng tôi lựa chọn nghiên cứu này. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để trả lời các câu hỏi nghiên cứu chúng tôi tiến hành nghiên cứu tài liệu, khảo sát 200 sinh viên bậc đại học hệ chính quy các ngành Kế Toán, Quản trị kinh doanh, Thủy sản, Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Ngữ văn Khmervà 30 giảng viên Trường Đại học Trà Vinh bằng các phương pháp phỏng vấn sâu 1 NCS. Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Trà Vinh Email: phamtuan_tb83@yahoo.com Tạp chí Khoa học – Số 01 (2013): 76 – 83 Trường Đại học An Giang 77 và điều tra bằng bảng hỏi. Mỗi câu hỏi trong bảng hỏi gồm 4 phương án trả lời: Rất thường xuyên; Thường xuyên; Thỉnh thoảng; Không bao giờ, tương ứng với thang điểm từ 1 đến 4. Điểm trung bình của mỗi câu trả lời được quy ước thành 4 mức độ, khoảng cách giữa các mức độ là 0,80 điểm, cụ thể: - ĐTB<=1,6: Hoạt động dạy tự học được quan tâm thực hiện ở mức độ cao - 1,6<ĐTB<=2,4: Hoạt động dạy tự học được quan tâm thực hiện ở mức độ trung bình - 2,4<ĐTB<=3,2: Hoạt động dạy tự học được quan tâm thực hiện ở mức độ thấp - 3,2<ĐTB<=4,0: Hoạt động dạy tự học chưa được quan tâm thực hiện 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1 Một số vấn đề lý luận về dạy tự học trong trường đại học 3.1.1 Tự học và vai trò của tự học đối với sinh viên Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về tự học, có thể kể đến một số tác giả tiêu biểu như: Theo tác giả Lê Khánh Bằng (1998), “Tự học là tự mình suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ và phẩm chất tâm lý để chiếm lĩnh một số lĩnh vực khoa học nhất định”. Theo tác giả Trần Thị Minh Hằng (2011), “Tự học là quá trình cá nhân tự giác, tự lực, tích cực lĩnh hội những vấn đề được đặt ra trong cuộc sống bằng hành động của chính mình để đạt được những mục đích nhất định”. Lêvitôv (1970) cho rằng “Tự học là hoạt động tích cực của cá nhân với các thành phần tâm lý của sự lĩnh hội, đó là thái độ tích cực của người học trong tự học các quá trình tư duy, các quá trình ghi nhớ,các quá trình tâm lý có liên quan mật thiết với nhau để hoạt động tự hoc đạt kết quả”. Theo tác giả Rubakin (1973), “Tự học là quá trình lĩnh hội tri thức, kinh nghiệm xã hội lịch sử trong thực tiễn hoạt động cá nhân bằng cách thiết lập các mối quan hệ cải tiến kinh nghiệm ban đầu, đối chiếu với các mô hình phản ánh hoàn cảnh thực tại, biến tri thức của loài người thành vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo của bản thân chủ thể. Tác giả Nguyễn Cảnh Toàn (2001) cho rằng “Tự học là tự mình động não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ (so sánh, quan sát, phân tích, tổng hợp), và có khi cả cơ bắp (khi phải sử dụng công cụ) cùng các phẩm chất của mình, cả động cơ, tình cảm, nhân sinh quan, thế giới quan (như trung thực, khách quan, có chí tiến thủ, không ngại khó,) để chiếm lĩnh một lĩnh vực hiểu biết nào đó của nhân loại, biến lĩnh vực đó thành sở hữu của mình”. Từ những quan niệm nêu trên về tự học, chúng tôi cho rằng hoạt động tự học của sinh viên có những đặc điểm cơ bản sau: - Tự học là quá trình học tập tự giác, tích cực, độc lập của sinh viên; - Tự học của sinh viên diễn ra dưới sự hướng dẫn, giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp của giảng viên; - Trong quá trình tự học, sinh viên huy động các chức năng tâm lý (nhận thức – thái độ - hành vi”) của bản thân, bằng những hành động học tập cụ thể lĩnh hội những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp. - Tự học diễn ra trong môi trường học tập, chịu sự tác động bởi các điều kiện học tập của sinh viên. Tự học có vai trò vô cùng quan trọng đối với hiệu quả học tập trong trường đại học và sự phát triển nhân cách của người sinh viên. Tự học không những giúp sinh viên đào sâu, nắm vững kiến thức đã học trên lớp; mở rộng, cập nhật những kiến thức mới; mà còn giúp sinh viên hình thành kỹ năng học tập; bồi dưỡng hứng thú học tập; đặc biệt tự học là công cụ giúp sinh viên học tập suốt đời. Tự học có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc dạy tự học của giảng viên và nhà trường. 3.1.2 Dạy tự học trong trường đại học 3.1.2.1 Dạy tự học và vai trò của dạy tự học Tạp chí Khoa học – Số 01 (2013): 76 – 83 Trường Đại học An Giang 78 Trong khi dạy học là vấn đề đã được nhiều nhà tâm lý giáo dục quan tâm nghiên cứu thì dạy tự học tuy không phải là vấn đề mới nhưng chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều. Trên cơ sở khái niệm về dạy học, chúng tôi cho rằng: Dạy tự học là quá trình tương tác giữa giảng viên hoặc giữa các nhà giáo dục với sinh viên, thông qua các hoạt động học tập trên lớp hoặc các chương trình tập huấn nhằm hình thành ở sinh viên nhận thức đúng đắn về hoạt động tự học, thái độ tích cực với việc tự học và các phương pháp, kỹ năng tự học hiệu quả. Dạy tự học có một số đặc điểm sau: - Dạy tự học là một thành phần quan trọng của quá trình dạy học; - Dạy tự học không trực tiếp hình thành ở sinh viên những tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, dạy tự học cung cấp cho sinh viên công cụ cần thiết để lĩnh hội hệ thống tri thức, kỹ năng nghề nghiệp hiệu quả; - Dạy tự học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giảng viên; của các nhà giáo dục; - Dạy tự học phải được tiến hành xong xong với việc dạy học; - Dạy tự học có thể tiến hành trên lớp hoặc kết hợp với các hoạt động ngoại khóa; - Nội dung dạy tự học rất phong phú, đa dạng. 3.1.2.2 Các nội dung cần quan tâm trong dạy tự học và cách thức thực hiện Dạy tự học là một hoạt động phức tạp. Dạy tự học trong trường đại học không chỉ nhằm cung cấp cho sinh viên những phương pháp, kỹ năng tự học. Trong dạy tự học, giáo viên và nhà trường cần quan tâm đến ba vấn đề cơ bản sau: Hình thành ở sinh viên nhận thức đúng đắn về hoạt động tự học Nhận thức về hoạt động tự học được hiểu đơn giản là những hiểu biết của sinh viên về các vấn đề liên quan đến hoạt động tự học, bao gồm: hiểu biết về bản chất của hoạt động tự học, vị trí vai trò và ý nghĩa của tự học trong trường đại học, các hành động tự học sinh viên cần thực hiện, các nội dung tự học, các phương pháp tự học và các yêu cầu của việc tự học. Đây là nội dung đầu tiên và cũng là nội dung vô cùng quan trọng của dạy tự học, là cơ sở cho các nội dung dạy tự học khác. Nhiệm vụ của giảng viên trong nội dung này là giúp sinh viên có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về các vấn đề liên quan đến hoạt động tự học. Vì chỉ khi có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về các vấn đề liên quan đến hoạt động tự học mới hình thành ở sinh viên thái độ tích cực đối với việc tự học và tính tích cực trong việc rèn luyện các kỹ năng tự học. Cách thức thực hiện: - Giáo viên dành thời gian trao đổi với sinh viên về những vấn đề: vị trí vai trò và ý nghĩa của tự học, các hành động tự học và các yêu cầu của việc tự học đối bộ môn do mình phụ trách trong buổi đầu khi giới thiệu môn học; - Xác định rõ các nội dung và thời lượng tự học đối với sinh viên trong đề cương môn học: khi giới thiệu đề cương môn học giáo viên cần làm rõ những nội dung sẽ giảng trên lớp và đâu là những nội dung sinh viên phải tự nghiên cứu thêm ở từng bài học, chương học và của cả môn học; - Tổ chức hội thảo các cấp về các vấn đề liên quan đến hoạt động tự học của sinh viên trong trường đại học. Hình thành ở sinh viên thái độ tích cực đối với hoạt động tự học Thái độ của sinh viên đối với việc tự học có ảnh hưởng rất lớn đến hành động và hiệu quả tự học của sinh viên. Một trong những nội dung quan trọng trong dạy tự học là giảng viên cần hình thành ở sinh viên thái độ tích cực đối với việc tự học, với các biểu hiện cụ thể như: sinh viên có trách nhiệm với việc tự học, có nhu cầu tự học, có hứng thú tự học, có cố gắng nỗ lực trong việc tự học.. Cách thức thực hiện: - Thông báo với sinh viên một cách cụ thể, rõ ràng về các nhiệm vụ tự học; - Có những quy định cụ thể, rõ ràng về cách thức đánh giá kết quả tự học của sinh viên; Tạp chí Khoa học – Số 01 (2013): 76 – 83 Trường Đại học An Giang 79 - Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả tự học của sinh viên; sử dụng kết quả đánh giá việc tự học của sinh viên vào đánh giá điểm quá trình môn học; - Khơi gợi các nội dung tự học mà sinh viên quan tâm, yêu thích; - Động viên, khích lệ, ghi nhận thành tích của những sinh viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ tự học; - Giúp đỡ sinh viên giải quyết các khó khăn nảy vccsinh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ tự học. - Cung cấp đầy đủ các điều kiện cần thiết cho hoạt động tự học của sinh viên như: khu, phòng tự học, thư viện, sách báo cách loại, hệ thống máy tính nối mạng internet, các hoạt động học thuật Dạy các kỹ năng tự học cho sinh viên Kỹ năng tự học được hiểu là năng lực thực hiện có hiệu quả các hành động tự học. Ở sinh viên đại học không phải em nào cũng có kỹ năng tự học, ngay cả ở những em có nhận thức và thái độ tích cực với việc tự học nên đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của dạy tự học. Nhiệm vụ của giảng viên và nhà trường trong nội dung dạy tự học này là giúp những sinh viên chưa có kỹ năng tự học hoặc những sinh viên còn thiếu hụt một số kỹ năng tự học hình thành các kỹ năng tự học cần thiết như: kỹ năng xác định các nội dung tự học/nhiệm vụ tự học; kỹ năng xác định các mục tiêu tự học; kỹ năng lập kế hoạch tự học; kỹ năng ôn tập; kỹ năng tìm kiếm và tự nghiên cứu tài liệu; kỹ năng làm việc nhóm/học nhóm với bạn bè; kỹ năng nghiên cứu khoa học; kỹ năng tiếp cận môi trường làm việc thực tế; kỹ năng đánh giá kế hoạch tự học; kỹ năng trình bày kết quả tự học Cách thức thực hiện: - Giảng viên dành thời gian hướng dẫn sinh viên hoặc hướng dẫn lồng ghép trong quá trình tổ chức cho sinh viên thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp; - Tăng cường giao các nhiệm vụ tự học cho sinh viên; - Nhà trường mở các lớp tập huấn bồi dưỡng các phương pháp, kỹ năng tự học cho sinh viên; - Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề hay hội thảo về kỹ năng tự học dành cho sinh viên; - Tổ chức các cuộc thi về phương pháp học và tự học cho sinh viên. Ba nội dung trong dạy tự học có quan hệ mật thiết với nhau, là những yếu tố quan trọng giúp sinh viên thực hiện hoạt động tự học có hiệu quả. Chính vì vậy, trong dạy tự học cho sinh viên, giảng viên và nhà trường cần quan tâm thực hiện tốt ba nội dung gắn với các cách thức thực hiện trên. 3.2 Kết quả nghiên cứu thực trạng hoạt động dạy tự học tại Trường Đại học Trà Vinh Kết quả khảo sát 200 sinh viên hệ đại học chính quy các ngành Kế toán, Luật, Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh, Sư phạm ngữ văn Khmer và 30 giảng viên Trường Đại học Trà Vinh về các hoạt động liên quan đến dạy tự học của nhà trường và của giảng viên cho kết quả như sau: Bảng 3.1 Đánh giá của Giảng viên và Sinh viên về mức độ thực hiện các hoạt động dạy tự học tại Trường Đại học Trà Vinh Stt Các hoạt động dạy tự học cho sinh viên của giảng viên và nhà trường Sinh viên Giảng viên TB Chung ĐTB Độ lệch chuẩn ĐTB Độ lệch chuẩn ĐTB Độ lệch chuẩn Tạp chí Khoa học – Số 01 (2013): 76 – 83 Trường Đại học An Giang 80 1 Giảng viên dành thời gian trên lớp trao đổi với sinh viên về các vấn đề tự học và tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc tự học 2.70 0.61 2.57 0.58 2.64 0.59 2 Giảng viên thông báo về các nhiệm vụ tự học và giao các nhiệm vụ tự học cho sinh viên 1.82 0.59 1.84 0.47 1.83 0.53 3 Giảng viên có những quy định cụ thể đối với hoạt động tự học của sinh viên 2.62 0.82 2.56 0.63 2.59 0.72 4 Giảng viên động viên, khích lệ sinh viên tự học 2.80 0.89 2.80 0.92 2.80 0.91 5 Giảng viên kiểm tra, đánh giá hoạt động tự học của sinh viên 2.52 0.67 2.20 0.57 2.36 0.62 6 Giảng viên hướng dẫn các kỹ năng tự học cho sinh viên 2.43 0.81 2.96 0.87 2.70 0.84 7 Giảng viên giúp đỡ sinh viên giải quyết các khó khăn trong quá trình tự học 2.20 0.77 2.44 0.82 2.32 0.79 8 Nhà trường mở các lớp tập huấn về phương pháp tự học cho sinh viên 2.18 0.84 2.0 0.59 2.09 0.71 9 Nhà trường tổ chức các hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề về Tự học 4.0 0.0 4.0 0.0 4.0 0.0 10 Nhà trường tổ chức các hội thi liên quan đến hoạt động tự học của sinh viên 4.0 0.0 4.0 0.0 4.0 0.0 TB Chung 2.73 0.60 2.76 0.58 2.75 0.59 * Ghi chú: 1 – Rất thường xuyên, 2 – Thường xuyên; 3 – Thỉnh thoảng; 4 - Không bao giờ Với ĐTBC = 2.75, kết quả này cho thấy hoạt động dạy tự học tại Trường Đại học Trà Vinh mới chỉ được giảng viên và nhà trường quan tâm thực hiện ở mức độ trung bình, trong đó ĐTB theo đánh giá của sinh viên là 2.73 và ĐTB theo đánh giá của giảng viên là 2.76. Kết quả kiểm định cho thấy không có sự khác biệt về mặt thống kê giữa điểm đánh giá của sinh viên và giảng viên về hoạt động dạy tự học. Trong các hoạt động được khảo sát, hoạt động được giảng viên quan tâm thực hiện nhiều nhất là “Giảng viên giao các nhiệm vụ tự học sinh viên” (ĐTB = 1.83) kế đến là hoạt động “Giảng viên giúp đỡ sinh viên giải quyết các khó khăn trong quá trình tự học” (ĐTB = 2.32), hoạt động giảng viên ít quan tâm thực hiện nhất là “động viên, khích lệ sinh viên tự học” và kế đến là “hướng dẫn các kỹ năng tự học cho sinh viên”. Về phía nhà trường, trong ba hoạt động được khảo sát, hoạt động được nhà trường quan tâm thực hiện nhiều nhất là “mở các lớp tập huấn về phương pháp tự học cho sinh viên”, hai hoạt động không được nhà trường quan tâm thực hiện là “tổ chức các hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề về Tự học” và “tổ chức các hội thi liên quan đến hoạt động tự học của sinh viên”. Xét ở từng hoạt động dạy tự học cụ thể, chúng tôi nhận thấy giữa đánh giá của giảng viên và sinh viên về mức độ thực hiện các hoạt động có sự khác biệt nhưng không lớn. - Đối với hoạt động “Giảng viên dành thời gian trên lớp trao đổi với sinh viên về các vấn đề tự học và tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc tự học”, giảng viên tự đánh giá về mức độ thực hiện nhiều hơn so với sinh viên (ĐTB đánh giá của sinh viên là 2.70; ĐTB giảng viên tự đánh giá là 2.57). Tuy nhiên điểm đánh giá của cả giảng viên và sinh viên cho thấy mức độ thực hiện hoạt động này ở giảng viên chỉ ở mức độ trung bình. Trao đổi với một số giảng viên về nguyên nhân của vấn đề này chúng tôi được biết trong giờ lên lớp giảng viên chủ yếu dành thời gian cho việc giảng dạy nội dung bài học, hơn nữa thời gian trên lớp có hạn, nội dung bài giảng nhiều nên giảng viên không Tạp chí Khoa học – Số 01 (2013): 76 – 83 Trường Đại học An Giang 81 có đủ thời gian để thực hiện hoạt động này tuy đa số giảng viên thấy được tầm quan trọng của nó. Cô P cho biết “tôi thấy hoạt động này rất cần thiết nhưng do thời gian trên lớp cho một môn học không nhiều và nội dung môn học cần dạy rất nhiều nên giảng viên không có thời gian đề làm”. - Đối với hoạt động “Giảng viên thông báo các nhiệm vụ tự học và giao các nhiệm vụ tự học cho sinh viên”. Đây là hoạt động được cả giảng viên và sinh viên đánh giá đang được thực hiện ở mức độ cao – thường xuyên (ĐTB đánh giá của sinh viên là 1.82; ĐTB giảng viên tự đánh giá là 1.84). Bạn H, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh khi được phỏng vấn đã cho biết “khi giới thiệu môn học thầy cô đều nói rõ các nhiệm vụ tự học đối với sinh viên và sau mỗi giờ học thầy cô đều giao bài tập về nhà cho tụi em, thậm chí là rất nhiều nữa”, Cô T cho biết “Trước khi bắt đầu môn học, theo quy định giảng dạy chung của nhà trường tôi thường dành thời gian giới thiệu rất chi tiết về môn học và các nhiệm vụ tự học của sinh viên và trước khi kết thúc mỗi buổi học tôi đều giao cho sinh viên rất nhiều bài tập về nhà làm và giao cho sinh viên chuẩn bị bài mới cho buổi học sau”. Như vậy có thể thấy hoạt động này đang được các giảng viên Trường Đại học Trà Vinh quan tâm thực hiện khá tốt. Vì đa số giảng viên khi được phỏng vấn đều cho rằng sinh viên muốn học tốt môn học thì ngoài việc học ở trên lớp cần phải thực hiện thêm các bài tập về nhà, chuẩn bị bài mới...nên trong giờ học giảng viên cần tăng cường cho sinh viên làm bài tập và cuối buổi học cần cho sinh viên bài tập về nhà để các em làm. - Đối với hoạt động “Giảng viên có những quy định cụ thể đối với hoạt động tự học của sinh viên”, giảng viên và sinh viên đánh giá hoạt động này đang được thực hiện ở mức độ trung bình (ĐTB đánh giá của sinh viên là 2.62; ĐTB giảng viên tự đánh giá là 2.56). Bạn P cho biết “nhiều thầy cô chỉ giao bài tập cho tụi em nhưng không nói rõ yêu cầu cụ thể là cần làm bao nhiêu bài và thầy cô sẽ kiểm tra như thế nào, nếu làm tốt chúng em sẽ được gì và không tốt thì sẽ như thế nào”. Như vậy đây là một trong những hoạt động mà giảng viên Trường Đại học Trà Vinh cần phải quan tâm thực hiện hơn nữa trong thời gian tới. - Đối với hoạt động “Giảng viên động viên, khích lệ sinh viên tự học”. Đây là hoạt động mà cả giảng viên và sinh viên đánh giá đang được thực hiện ở mức độ thấp nhất trong các hoạt động dạy tự học cho sinh viên (ĐTB đánh giá của sinh viên và giảng viên đều là 2.80). Kết quả này cho thấy tuy giảng viên có thông báo về các nhiệm vụ tự học cho sinh viên và giao nhiệm vụ tự học cho sinh viên nhưng lại chưa quan tâm việc động viên, khích lệ sinh viên tự học. Phỏng vấn sinh viên chúng tôi được biết trong điểm đánh giá môn học có điểm quá trình nhưng điểm này thường được giáo viên đánh giá bằng bài kiểm tra trên lớp hoặc đánh giá kết quả tự học ngay trên lớp của sinh viên, rất ít giảng viên đánh giá điểm này thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ tự học ngoài giờ lên lớp của sinh viên. Những sinh viên tích cực trong việc tự học, đặc biệt là tự học ngoài giờ lên lớp rất ít được giảng viên chú ý, ghi nhận, khích lệ. Một số giảng viên khi được phỏng vấn cũng thừa nhận điều này. Thầy S cho biết “Nhà trường quy định đối với điểm quá trình của một môn học giảng viên phải lấy ít nhất hai cột điểm, tôi thường cho sinh viên hai cột điểm này bằng cách kiểm tra viết và kết quả thảo luận nhóm ở trên lớp”. - Đối với hoạt động “Giảng viên kiểm tra, đánh giá hoạt động tự học của sinh viên”, theo đánh giá của giảng viên và sinh viên thì hoạt động này cũng đang thực hiện ở mức độ trung bình (ĐTBC = 2.36). Giảng viên có đánh giá việc thực hiện hoạt động này thường xuyên hơn so với đánh giá của sinh viên (ĐTB đánh giá của sinh viên là 2.56 và giảng viên là 2.20). Khi tìm hiểu về nguyên nhân của việc hạn chế trong việc thực hiện hoạt động này ở giảng viên, cô T cho biết “do ý thức tự học của sinh viên chưa cao, sau mỗi giờ học tôi đều giao nhiệm vụ tự học về nhà cho sinh viên, mấy bữa đầu trước khi vào học bài mới và trong quá trình giảng bài tôi có tiến hành kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ này ở một số sinh viên nhưng hầu như các em không thực hiện, sau đó tôi thấy Tạp chí Khoa học – Số 01 (2013): 76 – 83 Trường Đại học An Giang 82 mất thời gian quá nên không kiểm tra nữa mà dành thời gian để giảng bài”. Một số sinh viên khi được phỏng vấn về vấn đề này cũng cho biết có một số giảng viên mấy buổi đầu rất quan tâm kiểm tra nhưng sau đó không thấy kiểm tra nữa, các bạn cho rằng đây cũng chính là nguyên nhân làm cho nhiều sinh viên không chịu tích cực tự học. - Đối với hoạt động “Giảng viên hướng dẫn các kỹ năng tự học cho sinh viên”, sinh viên đánh giá việc thực hiện hoạt động này ở giảng viên thường xuyên hơn so với đánh giá của giảng viên (ĐTB đánh giá của sinh viên là 2.43 và của giảng viên là 2.96). Tuy nhiên theo đánh giá chung hoạt động này cũng chỉ mới được thực hiện ở mức độ trung bình (ĐTBC = 2.70). Em H, sinh viên năm thứ nhất ngành Quản trị kinh doanh khi được phỏng vấn cho biết “các thầy cô khi lên lớp rất ít hướng dẫn tụi em cách học, đặc biệt là cách tự học ở nhà nên đối với việc thực hiện một số yêu cầu như về nhà nghiên cứu tài liệu, làm các bài tập xêmina chúng em gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện. Có thầy cô chỉ hướng dẫn chúng em cách học ở trên lớp như cách nghe giảng, ghi chép bài và làm việc nhóm”. Cô T khi được phỏng vấn cho biết thêm “do thời lượng môn học ít mà nội dung phải giảng dạy nhiều nên tôi đa phần dành thời gian cho việc hướng dẫn sinh viên thực hiện các kỹ năng chuyên môn gắn với môn học còn việc hướng dẫn sinh viên về các kỹ năng tự học thực sự còn hạn chế”. Như vậy kết quả nghiên cứu này cho thấy việc hướng dẫn các kỹ năng tự học cho sinh viên ở giảng viên Trường Đại học Trà Vinh hiện nay còn nhiều hạn chế. Chúng tôi cho rằng để nâng cao tính tích cực tự học cho sinh viên thì đầy là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà giảng viên phải quan tâm thực hiện. - Đối với hoạt động “Giảng viên giúp đỡ sinh viên giải quyết các khó khăn trong quá trình tự học”. Theo đánh giá chung hoạt động này cũng chưa được giảng viên quan tâm thực hiện nhiều (ĐTBC = 2.32). Hoạt động tự học của sinh viên là hoạt động phức tạp, đặc biệt là đối với sinh viên năm thứ nhất do có nhiều nhiệm vụ tự học khá mới mẻ với các em. Chính vì vậy, việc gặp phải khó khăn trong quá trình tự học là điều khó tránh khỏi như những khó khăn về cách thức thực hiện, các khó khăn về mặt xúc cảm như thấy mệt mỏi, chán nản do không biết làm hay làm không hài lòngViệc quan tâm giúp đỡ các em giải quyết các khó khăn trong quá trình tự học là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần nâng cao tính tích cực tự học ở sinh viên. - Về phía nhà trường qua khảo sát ba hoạt động cụ thể chúng tôi nhận thấy việc quan tâm thực hiện công tác dạy tự học cho sinh viên chưa được quan tâm đúng mức, cụ thể: + Đối với hoạt động “mở các lớp tập huấn về phương pháp tự học cho sinh viên”, theo đánh giá chung của giảng viên và sinh viên thì hoạt động này mới chỉ được thực hiện ở mức độ trung bình (ĐTBC = 2.09), trong khi đó đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của nhà trường. Qua quan sát thực tế cũng như phỏng vấn sâu một số giảng viên và sinh viên chúng tôi được biết trong thời gian qua đại diện nhà trường là Trung tâm hỗ trợ phát triển Dạy và Học đã mở một số lớp tập huấn về phương pháp học tập cho sinh viên nhưng số lượng phương pháp học tập được tập huấn còn rất hạn chế chủ yếu tập trung vào một số phương pháp như nghiên cứu tài liệu, thuyết trình, làm việc nhóm. Bên cạnh đó số lượng các khóa tập huấn cũng chưa nhiều. Về nguyên nhân của vấn đề này, một cán bộ tập huấn cho biết nhà trường có kế hoạch thông báo cho sinh viên đăng kí tham gia nhưng số lượng sinh viên đăng kí tham gia rất ít nên không thể mở được nhiều lớp. Điều này cho thấy bên cạnh việc tăng cường mở các lớp tập huấn và mở rộng nội dung các phương pháp tập huấn nhà trường cần phải quan tâm tới việc tìm kiếm biện pháp nâng có tính tích cực tham gia ở sinh viên. + Đối với hai hoạt động “tổ chức các hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề về Tự học” và “tổ chức các hội thi liên quan đến hoạt động tự học, phương pháp tự học của sinh viên”. Kết quả khảo sát đánh giá ở giảng viên và sinh viên cho thấy trong thời gian qua nhà trường chưa tổ chức thực hiện hai hoạt động này. Trong thời gian qua nhà trường mới chỉ tổ chức các hội thảo hay hội thi về phương pháp giảng dạy của giảng viên. Chúng tôi cho rằng đây là hai hoạt động hết sức cần thiết Tạp chí Khoa học – Số 01 (2013): 76 – 83 Trường Đại học An Giang 83 nhằm nâng cao ý thức của sinh viên đối với nhiệm vụ tự học cũng như tạo sân chơi lành mạnh, hình thành các kỹ năng tự học ở sinh viên. Từ những phân tích ở trên có thể thấy để nâng cao tính tích cực tự học của sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Giảng viên và nhà trường cần quan tâm thực hiện nhiều hoạt động dạy tự học khác nhau cho sinh viên. 4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Tự học và dạy tự học có vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo trong trường đại học. Quan sát thực tiễn hoạt động dạy và học tại Trường Đại học Trà Vinh trong những năm qua chúng tôi nhận thấy hoạt động tự học của sinh viên và vấn đề dạy tự học cho sinh viên đã được nhiều giảng viên và nhà trường quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Để góp phần vào việc tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của trường, giảng viên và nhà trường cần tiếp tục đầu tư, quan tâm đến vấn đề dạy tự học cho sinh viên và cần tập trung vào các hoạt động cụ thể như: - Giảng viên cần dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc nâng cao nhận thức của sinh viên về hoạt động tự học. Bên cạnh việc giao các nhiệm vụ tự học cho sinh viên, giảng viên cần tăng cường việc kiểm tra đánh giá hoạt động tự học của sinh viên; hướng dẫn các kỹ năng tự học cho sinh viên; động viên khuyến khích sinh viên trong việc tự học và quan tâm giúp đỡ sinh viên giải quyết những khó khăn trong quá trình tự học. - Nhà trường cần mở thêm nhiều lớp tập huấn, mở rộng các nội dung tập huấn về phương pháp, kỹ năng tự học cho sinh viên; có các hình thức động viên khích lệ sinh viên tham gia các khóa tập huấn; tổ chức các hội nghị, hội thảo hay các cuộc thi về phương pháp, kỹ năng học và tự học dành cho sinh viên. TÀI LIỆU THAM KHẢO Lê Khánh Bằng. (1998). Tổ chức phương pháp tự học cho sinh viên Đại học sư phạm. Nhà xuất bản Hà Nội. Trần Thị Minh Hằng. (2011). Tự học và các yếu tố tâm lý cơ bản trong tự học của sinh viên sư phạm. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. Lê Văn Hồng. (chủ biên). (1998). Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm. Hà Nội: Nhà xuất bản giáo dục. Lêvitôv, N.D. (1970 ). Tâm lý học trẻ em và tâm lý học sư phạm. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. Rubakin, M.A. (1973). Tự học như thế nào. Hà Nội: Nhà xuất bản Thanh Niên. Nguyễn Cảnh Toàn. (2001). Tự giáo dục, tự học, tự nghiên cứu Trường Đại học Sư phạn Hà Nội. Trung tâm văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Nguyễn Cảnh Toàn & Lê Khánh Bằng. (chủ biên). (2008). Phương pháp dạy và học đại học. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Ngày nhận bài: 07/10/2013 Ngày bình duyệt: 09/10/2013 Ngày chấp nhận: 09/11/2013

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfmot_so_van_de_ly_luan_va_hoat_dong_ve_day_tu_hoc_tai_truong_dai_hoc_tra_vinh_969.pdf