Dạy và học tiếng Anh theo hệ thống tín chỉ

Việc đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học trước kia dựa vào các kỳ thi lấy chứng chỉ A,B,C. Ngày nay, trước sự phát triển xã hội và toàn cầu hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị dùng khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu CEFR (Common European Framework of Reference for Languages: Teaching, Learning & Assessment) làm hệ thống tiêu chuẩn và quy chiếu trong việc đào tạo, học tập và đánh giá ngoại ngữ. Khung trình độ năng lực ngoại ngữ gồm 6 bậc. Mỗi bậc tương thích với các bậc trình độ ngoại ngữ quốc tế. Do vậy việc thi lấy chứng chỉ TOEIC của IIG (Tổ chức Khảo thí và Kiểm định chất lượng quốc tế) người học được công nhận có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Việc đánh giá kết quả học tập môn tiếng Anh được thực hiện qua quyết định chuẩn đầu ra của Ban giám hiệu. Cụ thể, đầu ra tiếng Anh của ngoại ngữ không chuyên hệ cao đẳng là 350 điểm TOEIC, tương đương với khung A2, với hệ đại học chuẩn đầu ra là 450 điểm TOEIC, tương đương B1. Việc cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cho sinh viên khi ra trường sẽ nói lên uy tín, chất lượng của cơ sở đào tạo

pdf6 trang | Chia sẻ: thuychi20 | Lượt xem: 758 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Dạy và học tiếng Anh theo hệ thống tín chỉ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
DẠY VÀ HỌC TIẾNG ANH THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ TS. Nguyễn Thị Tuyết Khoa Giáo dục đại cương - Trường Đại học Văn Hiến 1. Các nguyên lý cơ bản trong đào đạo theo hệ thống tín chỉ Năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành “Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ”, và yêu cầu năm 2011 là hạn chót để các trường chuyển đổi sang hệ thống đào tạo mới này. Một năm sau đó, ngày 30-9-2008 Thủ tướng chính phủ đồng thời phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân giai đoạn 2008- 2020” với những quy định mới về việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Những điều trên thể hiện rất rõ quyết tâm đổi mới giáo dục, coi trọng vấn đề chất lượng trong giáo dục đào tạo của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết TW2 Khóa VIII đã nhấn mạnh cần đổi mới phương pháp giáo dục-đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học, từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương pháp hiện đại vào quá trình dạy học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh. Những tư tưởng chỉ đạo nêu trên của Đảng đã nêu rõ nguyên lý cơ bản của việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Nguyên lý thứ nhất đó là nguyên lý dân chủ hóa. Nguyên lý này đã mang lại sự thay đổi rất lớn về quan niệm giáo dục. Đó là không phải người dạy mà người học có quyền quyết định nội dung đào tạo cho chính họ và quyền tích lũy kiến thức theo nhu cầu và sở thích của họ. Mục tiêu đào tạo lấy người học làm trung tâm được thể hiện trong nguyên lý này. Nguyên lý thứ hai, Nguyên lý đại chúng hóa giáo dục đại học đã tạo cơ hội cho mọi công dân thực hiện quyền được học suốt đời. Đây là một biện pháp nâng cao trình độ dân trí để tạo ra một nguồn nhân lực mới có tri thức cao đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế. Nguyên lý thứ ba là nguyên lý dạy học tích cực. Nội dung trong Nghị quyết TW2 Khóa VIII chỉ ra tầm quan trọng của nguyên lý dạy học tích cực trong đào tạo theo học chế tín chỉ. Luật Giáo dục nhấn mạnh đổi mới phương pháp giáo dục là phải phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, phù hợp với từng đặc điểm của lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho từng học sinh. Nguyên lý dạy học tích cực được cho là mục tiêu quan trọng của học chế tín chỉ. Theo GS.TSKH. Lâm Quang Thiệp, “Học là quá trình tự biến đổi mình và làm phong phú mình bằng cách chọn nhập và xử lý thông tin từ môi trường xung quanh”, “Dạy là việc giúp cho người học tự mình chiếm lĩnh những kiến thức, kỹ năng và hình thành hoặc tăng cường tình cảm, thái độ.” Dạy và học là một quá trình của hai hành động song song và có tác động qua lại lẫn nhau. Tôi xin được trình bày quan điểm của mình về nguyên lý thứ ba thông qua việc đánh giá, phân tích cách học tiếng Anh của sinh viên, việc dạy tiếng Anh của giảng viên và vài ý kiến liên quan đến chuẩn đầu ra tiếng Anh, phương pháp dạy học Blended Learning và lựa chọn giáo trình giảng dạy tiếng Anh. 2. Vị trí, vai trò và trách nhiệm của sinh viên Đào tạo theo hệ thống tín chỉ là một phương pháp đào tạo tiên tiến. Nó ra đời vào năm 1872 tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ (the United States Credit System, USCS). Người học không còn ở vị trí bị động mà là ở vị trí chủ động, là người vận động chính trong quá trình đào tạo. Điều này đòi hỏi sinh viên phải có khả năng tư duy, suy luận, có kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. Tuy nhiên dựa trên thực tế ở Việt Nam, sinh viên được chia ra thành năm nhóm dựa vào tinh thần, thái độ và ý thức trong học tập. - Nhóm thứ nhất, là nhóm được đánh giá có tinh thần, thái độ học tập độc lập, tự giác cao. Việc học tập tự giác, có ý thức của sinh viên không chỉ thể hiện ở trên lớp, mà ngoài giờ học họ còn tự tìm thêm tài liệu, đọc thêm sách báo bằng tiếng Anh, tìm cơ hội tiếp cận người nước ngoài để nâng cao khả năng ngôn ngữ cho mình. Sinh viên thuộc nhóm này nếu gặp thầy giỏi, môi trường thuận lợi có thể học cao hơn để trở thành nhà nghiên cứu. - Nhóm thứ hai, sinh viên có ý thức rất tốt đối với việc học. Họ tin rằng tinh thần tự giác trong học tập là điều thực sự cần thiết không những cho việc có được một kết quả học tập tốt mà còn thuận lợi cho nghề nghiệp tương lai của họ. Động cơ nghề nghiệp sẽ mang lại nhiều hứng thú học tập cho họ. Sinh viên thuộc nhóm này thường đi học chuyên cần, làm bài đầy đủ, tích cực tham gia xây dựng bài. Theo họ, môi trường học tập trên lớp thực sự mang lại hiệu quả cao. Họ học tự giác và thường đạt kết quả cao trong học tập. Kiến thức tốt có được ở đại học sẽ giúp họ cơ hội vào một vị trí tốt, với lương bổng hậu hĩnh trong công việc sau này. - Nhóm thứ ba, sinh viên thiếu tinh thần kỷ luật tự giác. Hành động của họ thiếu chủ động, không biết tự sắp xếp thời gian một cách hợp lý. Nhóm này thường học qua kinh nghiệm nhiều hơn là thích ngồi học một cách nghiêm chỉnh trên lớp. Họ hay bỏ học, lười học và học tùy tiện, chủ quan. Mục đích học của họ chỉ đơn giản là lấy được bằng tốt nghiệp để đi xin việc. Trên thực tế, sinh viên thuộc nhóm này khá phổ biến. Giảng viên giảng dạy theo phương pháp kiểu dạy nêu vấn đề với nhóm này thường dễ bị thất bại. - Nhóm thứ tư, sinh viên thuộc nhóm này thường thích học vẹt. Họ lĩnh hội tri thức khoa học chỉ bằng con đường thuộc lòng những ý, những câu có sẵn chứ không chịu tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra lôgic của vấn đề. Nhóm sinh viên này bị ảnh hưởng rất nhiều của lối học theo truyền thống cũ. Sinh viên thuộc nhóm này đi học khá chăm chỉ. Họ ghi chép và thuộc lòng bài giảng của giảng viên, họ có thể học thuộc các vấn đề viết trong giáo trình. Họ sẽ được điểm cao nếu như đề thi chỉ đơn thuần mang tính “trả bài”. Họ sẽ gặp lúng túng, thậm chí bỏ giấy trắng nếu câu hỏi lệch đi hay đề thi mang tính suy luận. Xét về góc độ nhận thức, hành vi nhớ được xem là cấp độ thấp nhất của quá trình nhận thức, vì đây chỉ là quá trình tái tạo lại những kiến thức đã ghi nhận một cách máy móc. - Nhóm thứ năm, sinh viên thuộc nhóm này bị đánh giá là có lòng tự trọng thấp. Họ luôn ỷ lại, không muốn tự làm bài mà chỉ thích chờ người khác làm xong là chép và thuộc lòng. Họ thường mang tài liệu vào phòng thi và copy bài của người khác mà không cảm thấy áy náy. Nhóm sinh viên này chỉ biết dùng giáo trình và tài liệu do giáo viên cung cấp. Họ hầu như không tự học tập, nghiên cứu thêm. Nói tóm lại, để biến đổi mình, sinh viên phải hiểu học là lĩnh hội tri thức mang tính độc lập trí tuệ cao. Giáo trình hay, thầy giỏi chưa đủ, họ phải biết củng cố, mở rộng tri thức bằng việc tự nghiên cứu, đọc thêm nhiều sách báo để tìm hiểu sâu vấn đề. Sinh viên còn phải tập kỹ năng phân tích, tổng hợp vấn đề, chuyển hóa thành tri thức của mình và biết áp dụng nó vào thực tiễn. Qua phân tích năm nhóm sinh viên trên, ta thấy rõ học tập thành công hay không phụ thuộc vào hành vi, trách nhiệm của chính sinh viên. Điều này hoàn toàn đúng theo quan điểm của triết học là “Sự vật muốn phát triển phải tự thân vận động”. Và đây cũng là mục đích mà dạy học theo hệ thống tín chỉ hướng tới. 3. Vị trí, vai trò, trách nhiệm người thầy Đào tạo đại học, cao đẳng theo hệ thống tín chỉ là một cuộc cách mạng lớn. Nó đã đảo ngược vị trí, vai trò và trách nhiệm của trò và thầy. Trước đây giảng viên chỉ dùng lời nói của mình để truyền đạt cho sinh viên một khối lượng kiến thức một cách thụ động, máy móc. Vai trò của thầy ở vị trí số một. Không thầy đố mày làm nên. Cách dạy này gọi là kiểu phương pháp dạy thông báo. Trên thực tế còn rất nhiều giảng viên dùng phương pháp này. Tệ hơn nữa, họ còn đưa thêm phần ngữ pháp, phần phát âm bên ngoài để giảng giải thêm. Như vậy giờ học tiếng Anh đáng lý ra phải là giờ rèn luyện bốn kỹ năng đã trở thành giờ giảng lý thuyết. Tài liệu, giáo trình giảng dạy tiếng Anh ở các trường đại học, cao đẳng đa phần là sách nước ngoài. Đây là điều hết sức thuận lợi. Qua giảng dạy, nghiên cứu tôi nhận thấy các tác giả đều là những nhà chuyên môn và nhà sư phạm giỏi. Vấn đề họ đưa ra có logic từ câu đầu đến câu cuối của từng bài, từng chương. Mọi mục tiêu của tác giả đều phải thông qua bốn kỹ năng. Nếu sinh viên được giảng viên hướng dẫn, gợi mở, tiếp cận nội dung một cách tự nhiên theo kiểu dạy học nêu vấn đề, sinh viên sẽ mạnh dạn, tự tin, chủ động, tránh việc chỉ ngồi nghe, lười biếng trong suy nghĩ. Theo Albert Einstein “Việc đánh giá giá trị đào tạo và giáo dục ở một trường đại học và cao đẳng không phải chỉ là ở đây học được cái gì về mặt kỹ thuật hay nghề nghiệp mà còn là được huấn luyện cách tư duy mà không thể học được từ sách vở”. Điểm khác cơ bản của đào tạo theo hệ thống tín chỉ so với đào tạo theo niên chế là thay đổi phương pháp dạy học. Nếu như người dạy không thay đổi quan niệm đào tạo mới này, họ sẽ rất lúng túng vì không thể giảng giải khối lượng kiến thức trong 45 tiết thay vì 180 tiết như trước kia. Họ sẽ tìm cách cắt giảm nội dung chương trình, phần còn lại giao sinh viên tự nghiên cứu. Với sĩ số sinh viên đông như hiện nay thì việc kiểm tra bài làm ngoài giờ học đối với thầy là công việc không dễ dàng. Làm vậy thì việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ chỉ là hình thức, kiểu bình mới rượu cũ. Giờ làm việc trên lớp bị giảm xuống không đồng nghĩa với việc cắt giảm chương trình. Người dạy phải thiết kế đề cương chi tiết môn học, tuân thủ nó để nội dung giảng dạy đạt được mục tiêu như đã đề ra. Người dạy phải chủ động, tích cực nghiên cứu khoa học, tham gia các hội thảo khoa học để không ngừng cập nhật thông tin mới liên quan đến vấn đề mình giảng dạy và để có cơ hội học hỏi, tiếp thu được những phương pháp giảng dạy mới. Người thầy bên cạnh việc giỏi về chuyên môn, họ còn phải có kỹ năng sư phạm. Thầy phải biết lắng nghe, biết khuyến khích, quan tâm đến từng thành phần sinh viên khác nhau. Thầy phải rất công bằng trong đánh giá sinh viên. Thầy phải có nghệ thuật truyền đạt kiến thức sao cho phát huy được tính tích cực, độc lập, chủ động của sinh viên, giúp họ dần làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học, biết cách học kiểu đại học. 4. Đánh giá kết quả học tập của sinh viên Việc đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học trước kia dựa vào các kỳ thi lấy chứng chỉ A,B,C. Ngày nay, trước sự phát triển xã hội và toàn cầu hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị dùng khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu CEFR (Common European Framework of Reference for Languages: Teaching, Learning & Assessment) làm hệ thống tiêu chuẩn và quy chiếu trong việc đào tạo, học tập và đánh giá ngoại ngữ. Khung trình độ năng lực ngoại ngữ gồm 6 bậc. Mỗi bậc tương thích với các bậc trình độ ngoại ngữ quốc tế. Do vậy việc thi lấy chứng chỉ TOEIC của IIG (Tổ chức Khảo thí và Kiểm định chất lượng quốc tế) người học được công nhận có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Việc đánh giá kết quả học tập môn tiếng Anh được thực hiện qua quyết định chuẩn đầu ra của Ban giám hiệu. Cụ thể, đầu ra tiếng Anh của ngoại ngữ không chuyên hệ cao đẳng là 350 điểm TOEIC, tương đương với khung A2, với hệ đại học chuẩn đầu ra là 450 điểm TOEIC, tương đương B1. Việc cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cho sinh viên khi ra trường sẽ nói lên uy tín, chất lượng của cơ sở đào tạo. Để có chuẩn đầu ra đạt chuẩn quốc tế, người dạy ngoài đòi hỏi phải thích ứng với phương pháp giảng dạy mới, còn phải thiết kế được chương trình đào tạo và lựa chọn giáo trình nước ngoài được biên soạn trên cơ sở dùng CEF như một công cụ tham chiếu. 5. Dạy và học tiếng Anh theo phương pháp Blended Learning Dạy và học theo hệ thống tín chỉ rất thích hợp trong thời đại công nghệ thông tin đang được sử dụng rộng rãi. Không phải ngẫu nhiên và tùy tiện khi thời gian dành cho các môn học nói chung và tiếng Anh nói riêng chỉ còn 45 tiết, tức 3 tín chỉ. Người học một giờ học trên lớp phải học ở nhà hai giờ mới có được kết quả học tập khả quan. Người dạy phải làm việc với người học cả trên lớp và cả ngoài giờ học. Như vậy có nghĩa là phương pháp dạy học theo hệ thống tín chỉ người thầy yêu cầu người thầy ngoài làm việc trực tiếp trên lớp với người học kiểu “face to face”, còn phải quản lý người học trực tuyến-online mà ta hiểu đó là dạy theo phương pháp E-learning. Với E-learning, sinh viên có thể dễ dàng tương tác với thầy ngoài giờ học, giảng viên có thể thường xuyên kiểm tra, đánh giá các bài làm ở nhà của sinh viên qua online. Sự kết hợp đồng thời của hai phương pháp “face to face” và “E-learning” được gọi là phương pháp “Blended learning”, được hiểu đây là phương pháp dạy học hỗn hợp hay phương pháp tích hợp. “Blended learning” rất phù hợp với việc dạy học theo hệ thống tín chỉ. Nó làm thay đổi tư duy và thói quen lâu nay của người dạy và người học. Nó làm thay đổi cách dạy đơn thuần thông báo, cách học vẹt, thụ động mà ngược lại, nó làm thay đổi quan niệm của người dạy và tăng tính tự tin, tự giác, có ý thức của người học. Để đạt mục tiêu đào tạo, vấn đề phương pháp giảng dạy, giáo trình, chuẩn đầu ra phải được kết hợp song song, đồng bộ và chặt chẽ, khoa học. Cụ thể: - Hãy lựa chọn giáo trình nước ngoài đã được biên soạn dựa theo khung CEF. Hiện nay ngoài bìa các loại sách dùng giảng dạy tiếng Anh của các nhà xuất bản Longman, Oxfort, Cambridge, McGraw-Hill thường ghi rõ ký hiệu khung CEFR A1, A2, B1, B2 hay C1, C2. - Lựa chọn giáo trình có dùng phương pháp “Blended Learning” - Không nên dùng sách luyện thi TOEIC với tư cách là giáo trình giảng dạy. TOEIC viết tắt của Test of English for International Communication. Đó là một bài thi lấy chứng chỉ Anh văn giao tiếp quốc tế chứ không phải là một môn học. Muốn thi TOEIC đạt điểm theo ý muốn, sinh viên ngoài việc học giáo trình và sử dụng thêm tài liệu liên quan đến phát triển 4 kỹ năng ngôn ngữ, phải tiếp cận với các giáo trình Business English. Các bộ giáo trình này giúp sinh viên hiểu biết và xử lý các tình huống trong giao tiếp quốc tế. 6. Kết luận Việc đào tạo theo học chế tín chỉ là quá trình đào tạo tiến tiến đem lại rất nhiều lợi ích cho người học. Với cách đào tạo mới này, tất cả mọi người đều có thể chủ động học tập theo năng lực, điều kiện của mình và hơn nữa, năng lực tự nghiên cứu của người học được phát huy tối đa. Việc nắm vững chuyên môn và giao tiếp tiếng Anh lưu loát sẽ giúp sinh viên khi ra trường có đủ điều kiện cạnh tranh khi xin việc và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức đáp ứng sự phát triển của xã hội và toàn cầu hóa. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. All scales CEFR.DOC 2. Framework_en.pdf 3. Quyết định số: 51 /QĐ-ĐHQG-ĐH&SĐH 4. Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28/02/2011 của Bộ GDĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf11_day_va_hoc_tieng_anh_theo_he_thong_tin_chi_4979.pdf