Đào tạo theo tín chỉ ở các trường đại học: Những vấn đề đặt ra và giải pháp thực hiện

Kinh nghiệm từ các trường đại học nước ngoài rất tốt, nhưng vận dụng cụ thể vào trường rất khó đạt kết quả mĩ mãn, vì thiếu điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và phương tiện dạy và học. Các chuyên gia hỗ trợ thường dừng ở góc độ kinh nghiệm lý thuyết, rất ít thử nghiệm cho từng trường. - Ở Việt Nam, mặc dù có nhiều trường triển khai thực hiện rất sớm, nhưng cũng gần như chưa có trường đại học nào (cả công lập), đạt được mức độ hoàn thiện về loại hình đào tạo này. Do đó việc học tập kinh nghiệm chỉ ở một vài lĩnh vực riêng lẻ từ các trường, nên kết quả đạt được biểu hiện sự chắp vá, thiếu hoàn thiện đồng bộ

pdf12 trang | Chia sẻ: thuychi20 | Lượt xem: 787 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đào tạo theo tín chỉ ở các trường đại học: Những vấn đề đặt ra và giải pháp thực hiện, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐÀO TẠO THEO TÍN CHỈ Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN PGS.TS. Phạm Xuân Hậu Khoa Du lịch - Trường Đại học Văn Hiến 1. Đặt vấn đề Từ năm 1993, một số trường đại học ở nước ta đã bước đầu thực hiện chuyển đổi việc đào tạo từ hình thức niên chế sang hình thức hệ thống tín chỉ và có được những kết quả nhất định. Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã chỉ ra nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương pháp và quá trình đào tạo đại học, trong đó đổi mới đào tạo phải đạt được ba mục tiêu: “Trang bị cách học; phát huy tính chủ động của người học; sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy và học, Đồng thời xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tạo điều kiện thuận lợi để người học tích lũy kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và ngoài nước”. Từ đó đến nay, Bộ GD&ĐT cùng các trường, các viện nghiên cứu đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, từ lý luận đến thực tiễn, ở trong và ngoài nước để tìm ra giải pháp hợp lý nhất, phù hợp với điều kiện của giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, bài toán cho việc thực hiện hiệu quả hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ vẫn chưa có lời giải thực sự thuyết phục trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt là hệ thống các trường đại học ngoài công lập. Bài viết này trình bày vài nét cơ bản về mục tiêu, bối cảnh và một số giải pháp nhằm góp thêm vào việc thực hiện thành công đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở hệ thống các trường đại học nói chung và đại học Văn Hiến nói riêng. 2. Mục tiêu và những tiêu chuẩn phải đảm bảo 2.1. Những mục tiêu đề ra * Mục tiêu chung Thực hiện một qui trình đào tạo đáp ứng yêu cầu và phù hợp với năng lực của từng người học, nhờ đó nâng cao được chất lượng đào tạo, đồng thời góp phần rút ngắn khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng nguồn nhân lực. * Những mục tiêu cụ thể - Từng bước hoàn thiện và hiện đại hóa hoạt động đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo. - Tạo quyền chủ động cho người học (lấy người học làm trung tâm), để người học chủ động mọi kế hoạch cho quá trình học tập; nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu và thói quen tự học suốt đời của mình. - Đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, để đào tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập khu vực, quốc tế. - Phát triển môi trường học tập với cơ chế linh hoạt, mềm dẻo trong quá trình học tập, để tiết kiệm thời gian, kinh phí đào tạo; thuận tiện trong liên thông các ngành học. 2.2. Những tiêu chuẩn phải đảm bảo * Về chương trình và nội dung đào tạo - Chương trình đào tạo phải bao gồm hệ thống các học phần nhằm trang bị cho người học các kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của thị trường sử dụng nhân lực, nhưng vẫn đảm bảo việc thực hiện theo đúng mục tiêu đào tạo của Bộ GD&ĐT; đảm bảo phù hợp với mong muốn của người học. - Nội dung đào tạo phải đảm bảo được tính khoa học hệ thống; tính toàn diện, cập nhật hiện đại; tính kế thừa; tính cân đối; tính liên thông; tính mềm dẻo và tính khả thi, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tiễn. * Về thời lượng và kế hoạch đào tạo - Phải đảm bảo một số lượng tín chỉ cho quá trình học tập 4 năm, với khoảng 120 – 140 tín chỉ, được phân bố hợp lý giữa hệ thống kiến thức cần tích lũy thuộc lĩnh vực giáo dục đại cương, khối ngành, chuyên ngành. Số tín chỉ của từng học phần phải phù hợp với khối lượng nội dung cần giảng dạy. - Kế hoạch đào tạo phải khoa học, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người học đăng ký các học phần phù hợp với điều kiện và nguyện vọng cá nhân, nhưng vẫn giữ được trình tự các học phần tiên quyết và không tiên quyết; học phần bắt buộc và học phần tự chọn. * Về đề cương của các học phần - Cần công bố cho người học đề cương vào đầu học kỳ. - Đề cương cần cung cấp những nội dung cơ bản, thiết yếu như: mục đích yêu cầu, CĐR, thời lượng, phương pháp và kế hoạch học tập; những nội dung trọng tâm của học phần cần phải trang bị. - Phải cung cấp đầy đủ các thông tin về giảng viên giảng dạy các học phần như: họ tên, học hàm, học vị, ngành và nơi đào tạo, đơn vị công tác, địa chỉ liên hệ (điện thoại, email,...); thông tin chung về học phần sẽ học theo trình độ, mục tiêu học phần (mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể,...), thời lượng (lý thuyết, thực hành, lên lớp, tự học,); công bố về hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập, đảm bảo tính khoa học, phù hợp, công khai, khách quan, công bằng. Cung cấp thông tin về học liệu phục vụ giờ học phần (giáo trình, tập bài giảng, tài liệu tham khảo, và các loại khác,) có tên tài liệu, địa chỉ của tài liệu, tác giả của tài liệu, để người học chủ động tự chuẩn bị phục vụ học tập. * Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo Nhà trường cần đảm bảo các điều kiện cụ thể và công khai chi tiết trước các kỳ học tối thiểu là 01 tháng, về một số thông tin như: - Số lượng phòng, địa chỉ các lớp học, thời gian sử dụng phòng, đủ và đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu người học khi đăng ký. - Hiện trạng về tình trạng phòng học (diện tích, sức chứa, trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ học tập), đảm bảo mức cao nhất để việc giảng dạy, học tập hiệu quả. - Khả năng hỗ trợ của nhà trường về phương tiện đi lại khi các cơ sở đào tạo có khoảng cách xa nhau. 2.3. Vài nét về đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở một số quốc gia và Việt Nam *Đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở một số quốc gia Trước hết phải kể đến là ở Mỹ, một quốc gia có hệ thống giáo dục đại học phát triển vào bậc nhất thế giới (có 17/20 trường đại học xếp vào bậc nhất thế giới). Vào những năm đầu của thế kỷ XIX, giáo dục đại học ở Mỹ vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc của giáo dục cổ điển truyền thống, sinh viên được đào tạo theo chương trình cứng gồm tất cả những môn bắt buộc; điều này đã dẫn đến hậu quả, hầu hết các giáo sư không muốn thể hiện lòng nhiệt tình với chuyên môn, cải tiến phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Từ khi chuyển đổi sang học chế tín chỉ, đòi hỏi phải có hệ thống quản lý theo dõi quá trình đào tạo rất phức tạp. Trong khi Mỹ không có cơ quan quản lý nhà nước cấp Liên bang để giám sát giáo dục đại học. Quốc hội Mỹ không ban hành đạo luật, không có vai trò gì trong xây dựng chương trình đào tạo quốc gia, qui định học phí, chỉ tiêu tuyển sinh và nhân sự nội bộ của trường đại học. Nhưng đến thế kỷ XX, hệ thống đào tạo tín chỉ đã được áp dụng rộng rãi trong hệ thống các trường đại học. Ở một số nước khác như Trung Quốc đã áp dụng hệ thống đào tạo tín chỉ trên nền tảng sử dụng tín chỉ Mỹ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình từ những thập niên 80-90 của thế kỷ XX. Ở các nước châu Âu đã có khuyến cáo đến năm 2010 triển khai áp dụng học chế tín chỉ trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, tạo điều kiện cho viêc đào tạo liên thông học tập của sinh viên trong khu vực Châu Âu và thế giới. Ở các nước khu vực Đông Á, Châu Phi, Đông Nam Á cũng đang vận dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ, điển hình là Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. * Đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở Việt Nam Sau năm 1975 - 1985, khi thống nhất đất nước, nền giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, còn tồn tại 02 nguồn ảnh hưởng: nền giáo dục xã hội chủ nghĩa (miền Bắc), nền giáo dục chủ nghĩa thực dân mới (ở miền Nam). Từ năm 1986, cùng với cơ chế chính sách đổi mới đất nước, giáo dục nói chung và giáo dục đại học cũng thay đổi đáng kể. Từ quá trình thống nhất chương trình đào tạo 02 giai đoạn đào tạo niên chế; đào tạo niên chế kết hợp học phần chuyển sang đào tạo tín chỉ theo mô hình mềm dẻo của Mỹ. Năm 1993-1994, Bộ GD&ĐT đã khuyến khích các trường đại học cải tiến học chế học phần sang cơ chế tín chỉ mềm dẻo của Mỹ. Một số trường dựa trên những đặc điểm, điều kiện ưu thế của mình, đã đi đầu trong việc thử nghiệm mô hình này như: Đại học Đà Lạt, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Thủy sản Nha Trang, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và đến nay, hầu hết các trường đại học trong cả nước (cả công lập và ngoài công lập) đã và đang thực hiện phương thức đào tạo này. Mặc dù các trường đều xác định rõ bản chất của học chế tín chỉ là: tìm cách tốt nhất để đáp ứng được những mong muốn và yêu cầu của người học; đem lại hiệu quả đào tạo ngày càng tăng cao hơn; chất lượng đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực của xã hội; khai thác triệt để nguồn lực vốn có của trường (GV trình độ cao, các nhà khoa học, cơ sở vật chất kỹ thuật được hiện đại hóa); thiết lập một qui trình đào tạo, chất lượng đào tạo thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường (xã hội cần gì - chuyên môn đó sẽ được đào tạo đáp ứng); tạo khả năng liên thông thuận lợi trong các trường, các hệ; rút ngắn thời gian học tập hoặc có thể đạt được mục tiêu thêm bằng cấp trong thời gian học tập, nhưng tiến độ thực hiện ở các trường ngoài công lập diễn biến chậm, hiệu quả chưa cao. Nhìn chung, thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở các trường đại học Việt Nam trong những năm qua cho thấy, tất cả hệ thống các trường đại học đều chưa thực sự tổ chức thực hiện theo đúng yêu cầu của loại hình đào tạo này (đặc biệt là các trường thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, sư phạm, các trường ngoài công lập); sinh viên tốt nghiệp chưa được xã hội tin cậy cao. 3. Những thuận lợi, khó khăn của các trường ngoài công lập khi thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ 3.1. Vài đặc điểm riêng của các trường ngoài công lập Hiện nay, có khoảng hơn 61 trường đại học ngoài công lập (2013) trên tổng số hơn 400 trường đại học và cao đẳng (cả công lập và ngoài công lập) của cả nước. - Trong quá trình phát triển, nhiều trường đã tạo lập được cơ sở đào tạo của riêng mình, có thể đảm bảo chủ động cho quá trình đào tạo. Nhưng cũng còn không ít trường vẫn phải thuê mướn cơ sở để tổ chức đào tạo dẫn tới bị động trong việc đầu tư trang bị cơ sở vật chất nên mọi hoạt động đều rất hạn chế. - Đội ngũ lãnh đạo và giảng viên chủ chốt của các trường hầu hết vẫn chủ yếu là những nhà giáo, nhà khoa học có học vị, học hàm cao đã nghỉ hưu hoặc tham gia thỉnh giảng. Đội ngũ giảng viên trẻ được đào tạo từ nhiều quốc gia cũng dần được tăng cường nhưng tỉ lệ không nhiều. - Số lượng sinh viên tuyển vào học khá nhiều, nhưng hầu hết là những người đăng ký nguyện vọng 2 và 3 nên thường được coi là “tốp sau” về chất lượng đầu vào. - Kinh phí sử dụng cho quá trình đào tạo không có sự hỗ trợ của nhà nước mà hoàn toàn phụ thuộc vào thực tế thu từ nguồn học phí của người học, mức thu cũng tùy theo qui định của từng trường (trường nhiều, trường ít). - Có khá nhiều người trong bộ máy quản lý điều hành nhà trường không phải là người có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học. 3.2. Những thuận lợi Về phương diện lý thuyết, ở các trường ngoài công lập có khá nhiều thuận lợi: * Về cơ chế quản lý, điều hành: - Có điều kiện vận hành cơ chế điều hành theo cơ chế mở, mềm dẻo linh hoạt, đặc biệt là tuyển chọn và sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, giảng viên. - Tinh giản bộ máy cán bộ quản lý các cấp (ban giám hiệu, trưởng phó các đơn vị khoa, phòng, ban,) và đội ngũ nhân viên; tăng thu nhập hàng tháng cho giảng viên. - Tăng và tập trung quyền lực điều hành và chịu trách nhiệm của người đứng đầu, trong quá trình giải quyết công việc. * Về đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý - Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên có trình độ cao, hầu hết đã có quá trình công tác quản lý và giảng dạy ở các trường đại học nhiều năm nên: + Có trình độ chuyên môn sâu, có ưu thế trong việc bồi dưỡng cho giảng viên trẻ. + Có kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, có phương pháp giảng dạy hiệu quả; có kinh nghiệm xem xét, đánh giá kết quả học tập đúng năng lực và trình độ. * Điều kiện hỗ trợ quá trình thực hiện - Hầu hết các trường công lập đã triển khai loại hình đào tạo này, và không ít trường đã thành công, đó là nền tảng để các trường ngoài công lập học tập kinh nghiệm, phát huy ưu thế của riêng mình để đem lại kết quả cao hơn. - Hệ thống công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh, hiện đại là nơi cung cấp kiến thức cho người học thông qua việc chủ động, độc lập, tự tìm tòi, sáng tạo trong quá trình học. - Quyền chủ động về liên kết, hợp tác trong đào tạo với các trường đại học, viện đào tạo trong nước và quốc tế, là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện đào tạo, dựa trên những kinh nghiệm của các trường. 3.3. Những khó khăn, hạn chế Nhìn vào thực tế (cả khách quan và chủ quan), đào tạo theo tín chỉ còn quá nhiều khó khăn với các trường, cần phải vượt qua. * Về cơ sở vật chất - Phần lớn các trường ngoài công lập thường có nhiều cơ sở đào tạo, nằm cách xa nhau; qui mô của mỗi cơ sở không lớn, sức chứa hạn chế, việc di chuyển giữa các cơ sở khó khăn. - Trang thiết bị phục vụ dạy và học chỉ đạt ở một chỉ số thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực hành, thí nghiệm, tự học tự nghiên cứu (các phương tiện máy móc, kỹ thuật hiện đại, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, thư viện, hội quán, phòng làm việc của các giáo sư và nhà khoa học, giảng viên,). - Do chưa chủ động về cơ sở đạo tạo (do thuê mướn), nên kế hoạch hiện đại hóa phương tiện và hợp tác đào tạo dài hạn rất khó khăn. * Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và cán bộ nhân viên - Đội ngũ cán bộ quản lý cấp trường cao tuổi, hầu hết còn thiếu kinh nghiệm với loại đào tạo này. Những cán bộ quản lý trẻ, năng động, có tư duy sáng tạo, nhưng chưa đủ kinh nghiệm nên khó tập hợp được lực lượng, đội ngũ tâm huyết trong quá trình triển khai công việc. - Đội ngũ quản lý các đơn vị chức năng (P.Quản lý đào tạo, P.Kiểm định và đảm bảo chất lượng, P.Quản lý sinh viên,) của các trường hầu như chưa được bồi dưỡng hoàn thiện và chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức, quản lý loại hình đào tạo này. - Hầu hết các trường chưa có qui chế cụ thể, nhiệm vụ rõ ràng, trách nhiệm và quyền lợi đối với đội ngũ cố vấn học tập (trong đào tạo theo học chế tín chỉ) nên hiệu quả hoạt động khó thuyết phục với xã hội hiện đại. - Những giảng viên có học hàm, học vị cao là cán bộ cơ hữu của trường nhưng chủ yếu làm quản lý, tham gia giảng dạy không nhiều; mặt khác, điều kiện làm việc của trường chưa tạo được động lực để họ phát huy hết năng lực vốn có. - Sức ỳ về tuổi tác và một phần sức ỳ của kinh nghiệm quá khứ cũng gây hạn chế về cách dạy và thực hiện cách đánh giá theo tiêu chí mới của đào tạo tín chỉ. - Những giảng viên được mời giảng, hầu hết là đang giảng dạy tại các trường đại học lớn, nhiệm vụ ở đó cũng rất nặng nề, nên ít tận tâm, gắn bó. Cũng có những giảng viên vì mục đích kinh tế, nên sẵn sàng bỏ dạy ở trường này đến dạy ở trường khác có chế độ thù lao cao hơn, gần nhà hơn, gây sự thiếu ổn định trong quá trình giảng dạy. - Số giảng viên trẻ được đào tạo ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy đúng chuyên ngành không nhiều, bởi đa phần được các trường công lập có “thương hiệu” tuyển dụng. Mặt khác, họ cũng chưa có kinh nghiệm giảng dạy, viết giáo trình, tài liệu giảng dạy, đôi khi họ tỏ ra không thích trở thành cơ hữu nên thiếu gắn bó với trường. - Những giảng viên được phân công nhiệm vụ cố vấn học tập cho các lớp, khó có thể làm tốt bởi nhiều lý do: chưa được bồi dưỡng cụ thể về nội dung, cách thức và yêu cầu đầy đủ đối với người cố vấn học tập; thường phải cố vấn cho những lớp học quá đông sinh viên, nên không có khả năng tiếp cận hết đối tượng khi có những vấn đề cần thiết đặt ra; phải đảm nhiệm số lượng giờ dạy lớn theo qui định, nên phải mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị bài giảng, thời gian dành cho nhiệm vụ cố vấn rất hạn chế. * Đối với người học - Đa phần sinh viên các trường ngoài công lập đến từ các tỉnh, điều kiện học tập khá khó khăn (thuê nhà trọ, tiền học, phương tiện đi lại,...), phải di chuyển từ nhiều địa điểm xa nhau nên giảm ý chí học tập. - Sinh viên có điều kiện phát huy tốt tính tự chủ, năng động sáng tạo, độc lập trong nghiên cứu, giải quyết vấn đề, nhưng hạn chế rất lớn trong lĩnh vực phát triển sức mạnh tập thể, thiếu tinh thần cộng đồng, tăng tính cá nhân “ích kỷ”; đôi khi không thực hiện được đầy đủ mục tiêu giáo dục con người toàn diện của nền giáo dục Quốc gia. - Khi mới rời ghế trường phổ thông vào môi trường đại học, còn rất bỡ ngỡ, chưa quen với môi trường học tập, chưa thực sự tin, chưa hoàn toàn yên tâm về các điều kiện của trường giúp mình tự học, vì còn thiếu thư viện, phương tiện thực hành, phòng thí nghiệm hiện đại, giáo trình, * Các điều kiện hỗ trợ khác - Kinh nghiệm từ các trường đại học nước ngoài rất tốt, nhưng vận dụng cụ thể vào trường rất khó đạt kết quả mĩ mãn, vì thiếu điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và phương tiện dạy và học. Các chuyên gia hỗ trợ thường dừng ở góc độ kinh nghiệm lý thuyết, rất ít thử nghiệm cho từng trường. - Ở Việt Nam, mặc dù có nhiều trường triển khai thực hiện rất sớm, nhưng cũng gần như chưa có trường đại học nào (cả công lập), đạt được mức độ hoàn thiện về loại hình đào tạo này. Do đó việc học tập kinh nghiệm chỉ ở một vài lĩnh vực riêng lẻ từ các trường, nên kết quả đạt được biểu hiện sự chắp vá, thiếu hoàn thiện đồng bộ. 4. Một số giải pháp thực hiện Sự chuyển động của “cỗ máy cái” giáo dục nói chung là hết sức nặng nề, bởi nó gắn chặt với sự phát triển của một quốc gia, dân tộc, không phải chỉ của hiện tại mà cả của nhiều thế hệ tiếp theo. Vì vậy, việc chuyển đổi sang phương thức đào tạo mới, tiên tiến, theo kịp xu thế phát triển của thời đại toàn cầu hóa cần có những giải pháp hợp lý mới có thể đem lại kết quả mong muốn. 4.1. Thay đổi nhận thức của CBQL và GV nhà trường - Phải coi việc thực hiện đào tạo theo tín chỉ là một thực tế, đang vận động theo qui luật khách quan, từ đó xác định rõ trách nhiệm quản lý, triển khai hoạt động đào tạo của trường là nhiệm vụ quan trọng cần đầu tư thích đáng, giải bài toán khó là sức ép của một “thế giới phẳng” đang đặt ra cho cả hệ thống giáo dục nói chung và trường nói riêng. - Xác định quá trình thực hiện là một chặng đường dài “không được đốt cháy giai đoạn”. Cần xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, trên nền tảng có sự đồng thuận, đóng góp công sức và quyết tâm của toàn thể nhà trường cùng thực hiện lộ trình đã thống nhất. Thực hiện từng lĩnh vực cho hoàn thiện, có sơ kết rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bổ sung từ cơ sở vật chất, xây dựng chương trình - nội dung, đề cương bài giảng, giáo trình, bồi dưỡng đội ngũ cố vấn học tập, phương tiện quản lý đào tạo, phương tiện phục vụ dạy và học, cơ sở học tập. Không thực hiện những nội dung trên một nền tảng chưa đảm bảo vững chắc (triển khai đào tạo rộng, nhưng CSVC và phương tiện không đảm bảo,) 4.2. Đảm bảo tính khoa học, hệ thống đồng bộ và toàn diện - Các hoạt động triển khai cần thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, từ việc quán triệt tinh thần chỉ đạo thực hiện của cơ quan quản lý ngành (Bộ GD&ĐT) đến toàn thể CBQL, GV, CNV nhà trường, về vai trò, tầm quan trọng, trách nhiệm của mỗi người; xác định quyết tâm và sự đồng thuận của toàn trường, đến việc công khai kế hoạch hành động và những mong muốn, kỳ vọng về kết quả đạt được. - Việc triển khai thực hiện đảm bảo đồng loạt ở tất cả từ các đơn vị quản lý tổ chức đào tạo (P.QLĐT, P.KT&ĐBCL, P.QLSV, P.CSVC,), đến các đơn vị thực hiện đào tạo (các khoa, viện, trung tâm,...) sao cho phù hợp với chức trách của các bộ phận và đặc điểm của từng chuyên ngành đào tạo. - Sắp xếp kế hoạch giảng dạy và học tập thật hợp lý để tạo điều kiện cho GV có điều kiện thuận lợi thực hiện đúng qui định về thời gian dạy giờ và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; người học tiết kiệm được thời gian học tập tại lớp, dành nhiều thời gian tự học, tham gia các hoạt động tư vấn, công tác đoàn hội, công tác xã hội để vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa đảm bảo mục tiêu đào tạo toàn diện trong nhà trường. - Có chính sách ưu đãi, động viên khuyến khích với giảng viên, đặc biệt với những GV có trình độ cao để họ giúp đỡ, dẫn dắt GV trẻ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên cứu khoa học và đối với những GV được đào tạo ở nước ngoài, để họ gắn bó lâu dài với trường, dành nhiều tâm huyết xây dựng trường. 4.3. Hiện đại hóa cơ sở đào tạo và phương tiện dạy và học - Các trường cần tăng cường đầu tư mở rộng cơ sở đào tạo với các trang thiết bị hiện đại đảm bảo môi trường lớp học, phòng học (ánh sáng, âm thanh, máy lạnh, độ thông thoáng,...) tạo thuận lợi nhất cho cả người dạy và người học; tránh tối đa việc di chuyển lớp học quá xa trong một buổi học. - Xúc tiến xây dựng các phòng thực hành thí nghiệm hiện đại, các trang thiết bị đủ chuẩn để có thể thực hành, thí nghiệm liên tục, nhiều ca trong buổi học. - Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại đảm bảo cho việc trao đổi giữa GV và SV, giữa cố vấn học tập và SV được thường xuyên, hiệu quả. Đảm bảo thông tin kế hoạch môn học, thời khóa biểu, quản lý kết quả học tập, đăng ký môn học của SV ổn định, chính xác. 4.4. Củng cố, phát triển đội ngũ cố vấn học tập chất lượng cao - Cần đảm bảo đầy đủ số lượng cố vấn học tập cho từng lớp với qui mô phù hợp, không để tình trạng một người làm cố vấn cho 2-3 lớp với số lượng SV quá lớn. - Đội ngũ cố vấn có thể là cố định, cũng có thể được thay đổi theo học kỳ hoặc năm học. Đội ngũ này phải là người thực sự tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm và phải được bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ và những yêu cầu khi có sự thay đổi. - Cần xây dựng qui chế hoạt động và chính sách hỗ trợ thích đáng về vật chất và thời gian với những cố vấn học tập, để họ phát huy hết năng lực giúp SV với hiệu quả cao. 4.5. Về chương trình - nội dung tài liệu hỗ trợ đào tạo - Đầu tư thích đáng về vật chất và tinh thần cho những GV có trình độ, có kinh nghiệm xây dựng chương trình và nội dung các học phần đảm bảo các yêu cầu: Đảm bảo tính khoa học, theo hệ thống lôgic trong các ngành và chuyên ngành học; nội dung các học phần có dung lượng vừa phải, thể hiện ngắn gọn các nội dung cốt lõi của từng học phần và liên kết chặt chẽ với nhau xuyên suốt nội dung toàn học phần; phân bổ thời gian cho các học phần hợp lý, đảm bảo cho người học có điều kiện tham gia kiến thiết nội dung mỗi học phần; chương trình và nội dung phải nhằm đạt được mục tiêu gắn với các cơ sở sử dụng nhân lực nói riêng và nhu cầu xã hội nói chung. - Đầu tư xây dựng cơ sở thư viện hiện đại của trường, tủ sách chuyên môn của khoa có đủ tài liệu cần thiết liên quan đến ngành và chuyên ngành đào tạo, để sinh viên có cơ hội chủ động, độc lập thực hiện quá trình học tập. Kết luận Thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ là một quá trình thực hiện đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu và phù hợp với năng lực của từng người học, nhờ đó nâng cao được chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng nguồn nhân lực. Trong quá trình thực hiện, các trường đại học nói chung và các trường ngoài công lập nói riêng đã không ngừng tìm cho mình những cách thức tốt nhất để tìm đến thành công. Tuy nhiên, để nhìn thấy toàn cảnh những thuận lợi khó khăn chung và riêng của mỗi loại trường để có những giải pháp thực hiện phù hợp với các trường là công việc không dễ. Việc nêu ra những vấn đề về mục tiêu, những yêu cầu cần đảm bảo, các điều kiện cùng những thuận lợi- khó khăn của quá trình thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở các trường ngoài công lập và những giải pháp sẽ góp thêm cho quá trình thực hiện đào tạo theo tín chỉ ở các trường đại học ngoài công lập đạt được kết quả mong muốn, đáp ứng yêu cầu của nhà trường và xã hội. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 2. Dương Hiếu Đẩu (2008), Đổi mới phương pháp dạy học theo hệ thống tín chỉ là bước phát triển tất yếu của giáo dục Việt Nam, HT về Hệ thống đào tạo tín chỉ, những trở ngại và biện pháp khắc phục, đại học Cần Thơ, tr. 24-30. 3. Nguyễn Công Danh (2008), Những khó khăn của việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ, HT về Hệ thống đào tạo tín chỉ Những trở ngại và biện pháp khắc phục, ĐHCT, tr. 20- 23. 4. Phạm Xuân Hậu (2006), Hệ thống đào tạo tín chỉ -việc làm không thể chậm trễ trong cải cách GDĐH ở Việt Nam hiện nay, KYHTKH, Đào tạo theo hệ thống tín chỉ nhận thức và kinh nghiệm triển khai, BLL các trường ĐH&CĐ Việt Nam 2006. 5. Phạm Xuân Hậu (2007), Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo theo tín chỉ ở các trường đại học Việt Nam, KYHTKH, VUN, Đổi mới phương pháp trong đào tạo theo học chế tín chỉ, 9/2007. 6. Phạm Xuân Hậu (2009), Đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ ở nước ta: Quan điểm, nhận thức và giải pháp phát triển, KYHTKH, VUN, 4/2009. 7. Phạm Xuân Hậu (2009), Đổi mới PPGD- một trong những yếu tố quyết định nâng cao chất lượng đào tạo theo tín chỉ ở các trường ĐH Việt Nam, TCKH, ĐH Sài Gòn 5/2009 8. Phan Quang Thế (2007), Đào tạo theo hệ thống tín chỉ tạo động lực cho sự phát triển năng lực cá nhân của người học, KYHTKH, Đào tạo liên thông trong hệ thống tín chỉ, ĐH KT Công nghiệp – ĐH Thái Nguyên.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4_dao_tao_theo_tin_chi_o_cac_truong_dai_hoc_nhung_van_de_dat_ra_va_giai_phap_thuc_hien_8148.pdf
Tài liệu liên quan