Anbe Anhxtanh, nhà bác học vĩ đại của thế kỷ XX sống ở chính nước tư bản phát triển nhất, trước khi qua đời đã viết những dòng tâm huyết: “Theo tôi, chính sự què quặt của các cá nhân là điều xấu nhất trong các tai hoạ của chủ nghĩa tư bản Tôi tin chắc chỉ có một cách loại bỏ những tai hoạ nghiêm trọng ấy là thiết lập một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kèm theo một hệ thống giáo dục nhằm vào những mục tiêu xã hội” (10).
Định hướng xã hội chủ nghĩa là đạo đức, là một bảo đảm đạo đức. Chủ nghĩa cộng sản trong bản chất của nó như C. Mác nói, là: “Chủ nghĩa nhân đạo hiện thực”. Xử lý những vấn đề đạo đức con người trong xã hội hiện đại trước sau vẫn là sứ mệnh của Chủ nghĩa xã hội.
6 trang |
Chia sẻ: phanlang | Lượt xem: 1873 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đạo đức truyền thống ở Việt Nam hiện nay mấy vấn đề lý luận và thực tiễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
MẤY VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
TRẦN CHÍ MỸ
NCS, CBGD Trường ĐHKHXH &NV TPHCM
Cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) ở Việt Nam hiện nay đang là những nhân tố mới tác động mạnh mẽ đến đạo đức truyền thống của dân tộc, tạo nên những biến đổi dữ dội và nhanh chóng trong lĩnh vực này.
Những tác động và biến đổi đó có mặt tích cực và tiêu cực của nó. Chúng ta không thể không nhìn nhận và thích ứng với những mặt tích cực và tiêu cực của những tác động và biến đổi đó. Thái độ hư vô chủ nghĩa hoặc khư khư giữ lấy mọi giá trị đạo đức truyền thống đều bất lợi đối với sự tiến bộ của đạo đức lẫn kinh tế, xã hội.
1. Đạo đức xã hội, cái thiện, cái ác nơi con người không phải thiên định, bẩm sinh, bất biến mà là một hiện tượng lịch sử, nảy sinh trong đời sống xã hội, phản ánh các quan hệ xã hội, do đó biến đổi cùng với sự biến đổi của xã hội.
Nguyên nhân sâu xa của sự biến đổi đời sống xã hội, trong đó có đời sống đạo đức là những nhân tố thuộc về đời sống vật chất, thuộc về kinh tế. C. Mác đã chỉ ra rằng: “Tôn giáo, gia đình, nhà nước, pháp quyền, đạo đức, khoa học, nghệ thuật… chỉ là những hình thức đặc thù của sản xuất và phục tùng quy luật chung của sản xuất” (1). Tục ngữ Việt Nam có câu “Có thực mới vực được đạo”. Lại cũng có câu “đói cho sạch, rách cho thơm” –đây là một lời khuyên, một lời căn dặn kèm theo một sự đòi hỏi đối với con người rằng điều kiện vật chất kinh tế có khó khăn, thiếu thốn cũng phải sống có văn hoá, có đạo đức chứ không phải đói là sạch, rách là thơm. Đó là chưa kể phải đề phòng “Bần cùng sinh đạo tặc”.
Tuy nhiên, kinh tế không quyết định một cách máy móc đối với đạo đức. Kinh tế phát triển, mức sống cao không tự nhiện đem đến một nền đạo đức tốt đẹp. Nhiều nước tư bản phát triển, có trình độ văn minh vật chất và mức sống cao nhưng theo nhận xét của chính những người trong cuộc thì: “Trong các nền văn minh gọi là phát triển của chúng ta, tồn tại một tình trạng kém phát triển thảm hại về văn hoá, trí não, đạo đức và tình người” (2).
2. Sự biến đổi tích cực hay tiêu cực của đạo đức vừa phụ thuộc một cách quyết định vào cơ sở kinh tế vừa phụ thuộc vào một loạt nhân tố khác, tuy không phải là quyết định như: chính trị (định hướng, chính trị, nhà nước, pháp luật); truyền thống văn hoá, lịch sử, giáo dục, phong tục, tín ngưỡng… Ở đây cần nhắc lại ý kiến của Ph. Angghen phê phán chủ nghĩa duy kinh tế trong thời đại của ông (3). Về phần mình, Ph. Angghen cũng đã nhìn nhận rằng: “Mác và tôi, một phần nào, phải chịu trách nhiệm về việc những anh em trẻ đôi khi nhấn mạnh quá mức vào mặt kinh tế. Đối với kẻ thù, chúng tôi phải nhấn mạnh nguyên lý chủ yếu mà họ phủ nhận, và chúng tôi cũng ít có thì giờ, có địa điểm và cơ hội để mang lại một vị trí xứng đáng cho những nhân tố khác tham gia vào sự tác động qua lại đó” (4).
3. Ở Việt Nam hiện nay, sự nghiệp CNH, HĐH, cơ chế thị trường và hội nhập vào thế giới đương đại, bên cạnh những tác động tích cực, cũng đã bộc lộ mặt trái của nó, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức truyền thống của dân tộc.
Sự tính toán đơn thuần về đồng tiền và lợi nhuận lắm lúc gạt bỏ những điều lương thiện, chân chính và đạo nghĩa. Khi tiền được sùng bái và tôn thờ thì nó sẽ trở thành một lực lượng có tác dụng xuyên tạc phổ biến “những cá tính” (5) và “những liên hệ xã hội” (6). Tiền càng được tôn sùng bao nhiêu thì sức mạnh xuyên tạc bản chất con người của nó càng trở nên vô hạn, khó lường và đáng sợ bấy nhiêu. Nó làm “lẫn lộn và thay đổi mọi sự vật” (7).
Đại thi hào Anh Uyliam Sếcxpia đã viết trong vở kịch “Ti –môn ở Aten” rằng:
“Ở đây có vàng là đủ để làm đen thành trắng,
Xấu thành đẹp, mọi tội lỗi thành công lý,
Mọi cái thấp hèn thành cao quý,
Kẻ hèn nhát thành dũng sĩ
Và người già thành trẻ và tươi” (8).
Sống trong một xã hội kinh tế hàng hoá chưa phát triển, đại thi hào Việt Nam Nguyễn Du cũng đã nhạy cảm thấy trước:
“Trong tay sẵn có đồng tiền
Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”.
Hội nhập quốc tế là cơ hội để tranh thủ những khả năng vật chất kỹ thuật, công nghệ, những kinh nghiệm và tri thức hiện đại đang rất cần thiết cho sự phát triển đất nước. Mặt khác không thể bỏ qua là cả những căn bệnh phương tây, những phản giá trị cũng nhân cơ hội này mà lây lan, đột nhập vào đời sống tinh thần của nhân dân ta, phá hoại đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Cũng về mặt này, chúng ta không bao giờ được quên rằng, trên thế giới hiện nay đang có những thế lực nuôi tham vọng nhất thể hoá, toàn cầu hoá tư bản chủ nghĩa, họ muốn áp đặt những giá trị riêng của họ lên cả toàn cầu. Quên điều đó là ngây thơ về chính trị và trong thực tiễn không tránh khỏi phải trả giá đắt.
Nhớ lại 150 năm trước, trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C. Mác – Ph.Angghen đã dự báo: “Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh. Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục. Nó buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt. Nó buộc các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình ảnh của nó” (9).
So với chủ nghĩa tư bản cổ điển, chủ nghĩa tư bản hiện đại có nhiều phương tiện tối tân hơn để thực hiện tham vọng đó, có điều làm được hay không, quyết định không phải ở bản thân nó.
Quá trình CNH, HĐH là một tất yếu để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của nó đối với đạo đức truyền thống của dân tộc cũng không nhỏ. Đó là tình trạng nghèo nàn và xấu đi của các quan hệ con người, bao gồm quan hệ giữa con người với con người và quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
Tóm lại, xét từ góc độ đạo đức, cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, CNH, HĐH đều có mặt tích cực và tiêu cực của nó.
Vậy đạo đức truyền thống của dân tộc phải được xử lý như thế nào để cho nó trở thành đôi cánh chứ không phải gánh nặng với sự phát triển của đất nước theo định hướng XHCN? Chúng tôi hiểu, phạm vi vấn đề đặt ra là hết sức rộng lớn. Trong giới hạn khả năng và sức lực của mình, chúng tôi chỉ có thể giải trình một số khía cạnh của vấn đề bằng một số giải pháp mà thực tiễn mấy năm qua đòi hỏi và gợi ý:
-Phân tích tình hình xã hội, xác định các giá trị đạo đức truyền thống và hệ giá trị đạo đức mới để xây dựng, để thực hiện.
Mỗi khi hoàn cảnh lịch sử, cơ sở kinh tế – xã hội và hệ tư tưởng thay đổi thì đạo đức truyền thống cũng có những biến đổi, vừa có mặt kế thừa và phát triển, có mặt đào thải và loại bỏ, vừa có sự hình thành những giá trị đạo đức mới.
Những cái gì có thể kế thừa và phát triển, cái gì cần phải thải loại? Những giá trị đạo đức mới cần xây dựng là gì? Thực tế cho thấy không phải bất kỳ ai, lúc nào cũng có thể nhận biết và xử lý đúng đắn những vấn đề đó. Một số người này thì dựa vào chuẩn mực cũ kỹ của đạo đức truyền thống để cổ vũ một mô thức ứng xử lỗit hời, hoặc để phê phán không chỉ những hiện tượng tiêu cực mà cả những cái mới không chịu gò vào khuôn mẫu cổ xưa. Một số người khác thì coi những chuẩn mực đạo đức truyền thống là thủ phạm của tình trạng đói nghèo và lạc hậu của đất nước… Hàng loạt cái mới trong đời sống tinh thần của xã hội xuất hiện từ quan hệ nội sinh và từ con đường du nhập, trong đó có cả giá trị và phản giá trị. Cái thiện, cái ác, cái đẹp, cái xấu nhiều nơi, nhiều lúc như vàng thau lẫn lộn. Tình hình đó làm cho việc lựa chọn các giá trị, các chuẩn mực đạo đức đích thực để mong muốn, để noi theo đối với mỗi cá nhân, gia đình, mỗi tập thể và cộng đồng đang rất khó khăn, lúng túng. Đã có không ít trường hợp nhầm lẫn một cách khôi hài và tội nghiệp: vứt bỏ viên ngọc để nhặt lấy hòn sỏi; phỉ báng các giá trị truyền thống, ôm choàng lấy những giá trị lai căng từ phương Tây.
Do đó, xác định các giá trị đạo đức truyền thống và hệ giá trị đạo đức mới để xây dựng, để thực hiện là một việc rất quan trọng và rất cần thiết để lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động và mọi quan hệ con người, làm tiêu điểm để các tầng lớp nhân dân theo đó mà gióng hướng, mà không đi lạc, phân biệt thiện ác, tốt xấu…, để mọi người tự xác định đúng thái độ và hành vi của mình trước mọi diễn biến của cuộc sống.
-Tăng cường triệt để vai trò của nhà nước trong việc tạo điều kiện giảm thiểu những biến đổi tiêu cực, thúc đẩy và phát huy những biến đổi tích cực của đạo đức.
Cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế là một tất yếu mang tính thời đại. Nhưng cũng phải thấy rằng đó là một quá trình đầy mâu thuẫn phức tạp. Ơ Việt Nam, mâu thuẫn bao trùm là mâu thuẫn giữa khuynh hướng tự giá đi lên chủ nghĩa xã hội và khuynh hướng tự phát đi theo chủ nghĩa tư bản. Hai khuynh hướng này tồn tại đan xen, tác động và đấu tranh lẫn nhau hết sức phức tạp, quyết liệt trên mọi lĩnh vực và trong mọi phạm vi của cuộc sống con người. Dựa vào quyền lực và thực lực của mình, Nhà nước sử dụng những biện pháp thích hợp để điều tiết các lợi ích và các quan hệ lợi ích để hạn chế, ngăn chặn sự phân hoá quá mức dẫn đến tình trạng đối kháng, xung đột lợi ích trong xã hội. Cần lưu ý rằng, địa hạt mà đạo đức biểu hiện ra không chỉ ở chỗ giải quyết các lợi ích mà còn và quan trọng hơn là ở chỗ giải quyết các quan hệ lợi ích. Sự thống nhất trong tính đa dạng của các lợi ích do sự điều tiết của Nhà nước tạo nên sẽ là cơ sở kinh tế – xã hội cho sự hình thành đạo đức mới. Mặt khác, pháp luật của Nhà nước là chỗ dựa của đạo đức trong việc điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ với người khác, với cộng đồng xã hội và với thiên nhiên. Đạo đức có kết hợp được với pháp luật mới có thể giúp con người không chỉ phân biệt được mà còn đấu tranh cho cái thiện, cái ác, cái tốt, cái đẹp thắng cái xấu. Hoàn thiện và thực thi pháp luật của Nhà nước là điều kiện quan trọng đảm bảo cho kinh tế và đạo đức vận động và phát triển theo định hướng đã được xác định.
-Coi trọng và tăng cường giáo dục đạo đức trong toàn xã hội nhằm thúc đẩy một cách tự giác sự hình thành, phát triển và hoàn thiện dần của đạo đức mới.
Thực tế cuộc sống đã xác nhận rằng sự tăng lên của cải vật chất và dịch vụ không phải bao giờ cũng hỗ trợ cho sự phát triển và hoàn thiện của đạo đức. Việc trang bị thêm của cải vật chất mà không đi đôi với việc trang bị ý thức đạo đức thì những của cải vật chất được trang bị thêm đó nhiều khi lại trở thành nguyên nhân của sự phá phách đời sống tinh thần của con người, làm tổn hại tư chất và đạo đức của nó. Không phải cứ giàu lên thì đạo đức thoái hoá cũng không phải cứ nghèo đói là đạo đức trong sáng. Đạo đức có tính chủ động tương đối trong những phạm vi nhất định. Trong cùng một môi trường xã hội nhưng có người, có gia đình thì giữ được nền nếp luân lý của mình; có người, có gia đình lại không giữ được. Giữ được hay không, điều đó tuỳ thuộc rất lớn vào giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng.
Tính năng động, sự khôn ngoan, những nỗ lực ý chí của con người được khơi dậy bởi cơ chế kinh tế mới, bởi giao lưu quốc tế nếu không được sự soi sáng bởi lương tâm và trách nhiệm đạo đức thì chúng không còn là biểu hiện của năng lực bản chất người nữa mà chỉ là những phương tiện và tác nhân kích thích cho những thói xấu đạo đức nảy sinh: lừa đảo, trộm cướp, tham nhũng…
Giáo dục đạo đức góp phần trực tiếp vào việc đánh thức lương tâm, tạo ra một hành lang trách nhiệm đạo đức cho hoạt động năng động của mỗi con người , biến ý chí nỗ lực, sự khôn ngoan của họ thành sức mạnh sáng tạo xã hội mới nhân đạo và nhân văn. Đạo đức là nét cơ bản của tính người. Giáo dục đạo đức góp phẩn làm cho con người mang tính người nhiều hơn. Ơ con người thì :
“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
(Hồ Chí Minh)
-Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong mọi mặt đời sống và hoạt động xã hội.
Chủ nghĩa tư bản có cách đặt vấn đề và cách giải quyết vấn đề đạo đức của họ. Song, không thể có một nền đạo đức cao đẹp trong xã hội bị thống trị bởi các luật của lợi nhuận, của quan hệ “Trả tiền ngay không tình không nghĩa”.
Anbe Anhxtanh, nhà bác học vĩ đại của thế kỷ XX sống ở chính nước tư bản phát triển nhất, trước khi qua đời đã viết những dòng tâm huyết: “Theo tôi, chính sự què quặt của các cá nhân là điều xấu nhất trong các tai hoạ của chủ nghĩa tư bản… Tôi tin chắc chỉ có một cách loại bỏ những tai hoạ nghiêm trọng ấy là thiết lập một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kèm theo một hệ thống giáo dục nhằm vào những mục tiêu xã hội” (10).
Định hướng xã hội chủ nghĩa là đạo đức, là một bảo đảm đạo đức. Chủ nghĩa cộng sản trong bản chất của nó như C. Mác nói, là: “Chủ nghĩa nhân đạo hiện thực”. Xử lý những vấn đề đạo đức con người trong xã hội hiện đại trước sau vẫn là sứ mệnh của Chủ nghĩa xã hội.
THE CURRENT TRADITIONAL MORALS IN VIETNAM – SOME LOGICAL AND PRACTICAL ISSUES
TRAN CHI MY
Industrialization and modernisation process basically disagrees with traditional societies. The process demands new institutions and values. The change of economic model also changes moral standards. This is normal. But what is the best? There has been no correct answer in time. Many cases have tried to restore the old values or idolize foreign ones pitifully.
Strongly based on the the traditional moral values, profound analysis of the present and orentation of the future to identify and establish the values and moral standards of both today and tomorrow are what should and can be done immediately.
CHÚ THÍCH:
(1)C.Mác: Bản thảo kinh tế triết học năm 1844. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962, tr 129.
(1)Richard Bergeron: Phản phát triển, cái giá phải trả của chủ nghĩa tự do, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr338.
(3)Xem:C.Mác- Ph. Ăngghen: Tuyển tập, T VI, Nxb Sự thật, Hà Nội 1984, tr 726-727.
(4) C.Mác-Ph. Ang-ghen: Sđđ, T VI, tr 729.
(5), (6), (7) C. Mác: Bản thảo kinh tế triết học năm 1844, NXb Sự thật, Hà Nội, 1962, tr 182.
(8) Dẫn theo C. Mác: Sđd, tr 177.
(9) C.Mác- Ph. Ăngghen: Tuyển tập, T I, tr 546.
(10) Dẫn theo Vũ Đình Cự: Hệ thống công nghệ mới và xu thế thời đại, trong Tài liệu tham khảo, Trung tâm thông tin công tác tư tưởng Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1996, tr 19.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- dao_duc_truyen_thong_o_viet_nam_hien_nay_56.doc