Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu của thị trường trong tương lai vừa là mục tiêu phục vụ của các cơ sở kinh doanh vừa là căn cứ để lập kế hoạch.
Nhu cầu trong tương lai của người dân địa phương về các loại vật tư đầu vào, về bao tiêu các sản phẩm đầu ra cũng như về vật phẩm tiêu dùng đời sống nông thôn đều là những mục tiêu phục vụ của các cơ sở làm dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; Đồng thời cũng chính những nhu cầu trong tương lai ấy cùng với những thông tin thị trường khác có liên quan lại là căn cứ để các cơ sở dịch vụ nông nghiệp, nông thôn lập ra các kế hoạch dịch vụ của mình.
Việc nắm vững các nhu cầu trong tương lai đòi hỏi các cơ sở dịch vụ nông nghiệp, nông thôn phải điều tra, phân tích và dự báo một cách công phu.Để dự báo được nhu cầu trong tương lai, trước tiên phải dự báo dài hạn (từ 5 năm trở lên), trên cơ sở đó dự báo trung hạn (từ hơn 1 năm đến dưới 5 năm) trên cơ sở đó dự báo từng năm rồi hàng vụ. Kế hoạch dịch vụ của các cơ sở dịch vụ nông nghiệp, nông thôn theo kì hạn, cũng được lập theo trình tự đó.
12 trang |
Chia sẻ: nhung.12 | Lượt xem: 1229 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chuyên đề 9: Tổ chức và quản lý các dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề 9
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ
CÁC DỊCH VỤ TRONG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước ta đến năm 2020 đã được Đảng và Nhà nước chỉ ra trong Nghị quyết số 26 - NQ/TW ngày 05 tháng 08 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn như sau:
Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại; đồng thời với phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn.
Như vậy, hoàn thiện công tác tổ chức và quản lý các dịch vụ nông nghiệp, nông thôn sao cho có hiệu quả cao là một trong những vấn đề cấp bách nhất để xây dựng thành công nông thôn mới ở nước ta hiện nay.
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÁC DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN (DVNN, NT)
1. Khái niệm về dịch vụ nông nghiệp, nông thôn
1.1. Dịch vụ
- Dịch vụ, xét trong phạm vi toàn xã hội, gồm toàn bộ những hoạt động gián tiếp để sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, bao gồm:
Những hoạt động phục vụ cho sản xuất.
Những hoạt động phục vụ cho đời sống.
- Xét trong phạm vi ngành nông nghiệp, dịch vụ được phân ra:
Những hoạt động phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (DVNN).
Những hoạt động phục vụ cho đời sống nông thôn (DVNT).
1.2. Dịch vụ nông nghiệp, nông thôn
- Dịch vụ nông nghiệp, bao gồm:
+ Những hoạt động cung ứng các loại vật tư “đầu vào” và vốn cho sản xuất nông nghiệp.
Những hoạt động bao tiêu các loại sản phẩm “đầu ra” từ sản xuất nông nghiệp của nông dân.
Những hoạt động tạo ra những điều kiện - yếu tố thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp của các hộ (mà nếu để từng hộ tự làm thì hoặc họ không thể làm được hoặc làm thường bị lỗ do quy mô dịch vụ nhỏ hơn quy mô hòa vốn và chất lượng thấp do không chuyên).
- Dịch vụ nông thôn, bao gồm:
Những hoạt động cung ứng các vật phẩm tiêu dùng cho đời sống nông thôn.
Những hoạt động tạo ra những điều kiện - yếu tố thuận lợi hơn cho đời sống nông thôn (mà nếu để từng hộ tự làm thì họ hoặc cũng không thể làm được hoặc làm thường bị lỗ và chất lượng thấp).
Như vậy, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn gồm tất cả những hoạt động phục vụ cho sản xuất nông nghiệo (cung ứng vốn và các loại vật tư đầu vào, bao tiêu các sản phẩm đầu ra và tạo ra những điều kiện, yếu tố thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp) và đời sống nông thôn (cung ứng các vật phẩm tiêu dung và tạo ra những điều kiện, yếu tố thuận lợi cho đời sống nông thôn) để cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn không ngừng phát triển.
2. Phân loại dịch vụ nông nghiệp, nông thôn
2.1. Phân loại dịch vụ nông nghiệp
2.1.1. Phân loại dịch vụ nông nghiệp theo quá trình sản xuất nông nghiệp
Theo quá trình sản xuất nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp được phân ra:
Dịch vụ trước sản xuất nông nghiệp (dịch vụ vốn, vật tư, đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học,).
Dịch vụ trong quá trình sản xuất nông nghiệp (làm đất, gieo thẳng,
BVTV, tưới tiêu, thú y,).
- Dịch vụ sau quá trình sản xuất nông nghiệp (vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ,).
2.1.2. Phân loại dịch vụ nông nghiệp theo tính chất kinh tế - kĩ thuật
Theo tính chất kinh tế - kĩ thuật của dịch vụ; Dịch vụ nông nghiệp được phân ra:
Dịch vụ tài chính (tín dụng, cung ứng vốn)
Dịch vụ thương mại (cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm)
Dịch vụ kĩ thuật (làm đất, tưới tiêu, bảo vệ thực vật, thú y, chế biến)
Dịch vụ khuyến nông (đào tạo tập huấn)
2.1.3. Phân loại dịch vụ nông nghiệp theo mức độ thu phí
Theo mức độ thu phí, dịch vụ nông nghiệp được phân ra:
Dịch vụ miễn phí.
Dịch vụ thu phí.
Dịch vụ hỗ trợ (giảm giá)
2.1.4. Phân loại dịch vụ nông nghiệp theo sản phẩm vật chất cụ thể được mua bán
Theo sản phẩm vật chất cụ thể được mua bán, dịch vụ nông nghiệp được phân ra:
- Dịch vụ có sản phẩm vật chất cụ thể được mua bán, gồm:
Dịch vụ các loại vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, gia cầm và cá); Các hợp tác xã nông nghiệp làm tương đối tốt.
Dịch vụ bao tiêu các sản phẩm đầu ra từ sản xuất nông nghiệp; các hợp tác xã nông nghiệp làm rất kém.
- Dịch vụ không có sản phẩm vật chất cụ thể được mua bán, gồm:
Dịch vụ tạo ra những điều kiện – yếu tố thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp như dịch vụ dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kĩ thuật, làm đất, gieo thẳng, bảo vệ thực vật, thủy nông, thú y, tuốt lúa, chế biến bảo quản nông sản.Các hợp tác xã nông nghiệp mới làm tương đối tốt mấy dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp
2.2. Phân loại dịch vụ nông thôn
Dịch vụ nông thôn chủ yếu được phân loại theo sản phẩm vật chất cụ thể được mua bán trên thị trường. Theo đó dịch vụ nông thôn được phân ra:
- Dịch vụ kèm sản phẩm vật chất: là những dịch vụ chủ yếu thỏa mãn nhu cầu đời sống vật chất của người dân nông thôn như dịch vụ lương thực thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác, các hàng hóa khác tiêu dùng trong nông thôn.
- Dịch vụ không kèm sản phẩm vật chất: là những dịch vụ tạo ra những điều kiện – yếu tố thuận lợi hơn cho đời sống nông thôn, chủ yếu thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần của người dân nông thôn như dịch vụ thu gom rác thải, trông giữ xe, tổ chức đám cưới, chăm sóc người già; neo đơn; tàn tật; chăm giữ trẻ; trang điểm cô dâu, chú rể, gội, sấy, làm đầu, sang sửa móng chân tay, rửa xe, sửa chữa các loại, câu cá giải tríhay cho thuê phòng ở trong các hộ gia đình địa phương.
3. Mục tiêu của dịch vụ nông nghiệp, nông thôn
Với vai trò “hỗ trợ” cho kinh tế nông hộ phát triển, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn có mục tiêu hàng đầu là phục vụ cho kinh tế nông hộ đạt hiệu quả cao hơn, tăng nhanh thu nhập cho nông dân, sau đó mới là lợi nhuận của cơ sở làm dịch vụ.
Tình hình chung hiện nay là những tổ chức làm dịch vụ nông nghiệp nào tuân thủ mục tiêu này với tất cả các mặt hàng/ hoạt động dịch vụ (mặt hàng/ hoạt động dịch vụ) của mình thì tổ chức đó ngày càng lâm vào khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản; nếu chỉ tuân thủ mục tiêu này với mấy mặt hàng/ hoạt động dịch vụ “bắt buộc” , còn những mặt hàng/ hoạt động dịch vụ còn lại đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu thì vẫn tồn tại và có cơ phát triển.
4. Yêu cầu của dịch vụ nông nghiệp, nông thôn
Để mang lại hiệu quả cao cho cả người hưởng dịch vụ - nông dân lẫn người làm dịch vụ (hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, tư nhân,) thì người làm dịch vụ nông nghiệp, nông thôn cần quán triệt các yêu cầu sau đây:
4.1. Cung cấp kịp thời các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp
Các yếu tố “đầu vào” cho sản xuất nông nghiệp phải được cung ứng đúng số lượng, đúng chất lượng, đúng địa điểm và thời điểm phát sinh các nhu cầu dịch vụ tương ứng, bởi sản xuất nông nghiệp có lịch thời vụ nghiêm ngặt. Yêu cầu này đòi hỏi mặc dù dịch vụ nông nghiệp mang tính tạm thời nhưng phải có chuyên môn rất cao và dịch vụ phải được tổ chức rất chặt chẽ theo xứ đồng; vật tư chỉ được phép mua về đúng thời điểm với số lượng cần thiết tránh ứ đọng lãng phí vốn; các nguồn lực dôi dư sau mùa vụ (khi nông nhàn) phải được sử dụng triệt để, hiệu quả nhất
4.2. Đảm bảo dịch vụ có chất lượng tốt, giá cả hợp lý
Phải đảm bảo dịch vụ có chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý, ví dụ chất lượng giống quyết định năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, theo đó quyết định hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, khi cung ứng giống mới bắt buộc phải tư vấn chu đáo mọi mặt loại giống mới đó cho người dân.
4.3.Đáp ứng được yêu cầu của đời sống xã hội
Những hoạt động phục vụ cho đời sống nông thôn không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu đời sống vật chất mà còn phải thoả mãn cả đời sống tinh thần ngày càng cao của người dân nông thôn. Yêu cầu này đòi hỏi người làm những hoạt động phục vụ cho đời sống nông thôn phải dự báo được loại những hoạt động phục vụ cho đời sống nông thôn để kịp thời chuyển đổi mặt hàng/ hoạt động dịch vụ và kinh doanh đón đầu, đồng thời phải định ra giá bán phi hợp với điều kiện của nông thôn khi mà khách hàng là những người thân quen, ruột thịt,
5. Đặc điểm cơ bản của hoạt động dịch vụ nông nghiệp, nông thôn
Dịch vụ nông nghiệp phải được thực hiện trên quy mô hay phạm vi đủ lớn mới có hiệu quả
Những hoạt động phục vụ cho đời sống nông thôn phải được thực hiện trên quy mô hay phạm vi đủ lớn mới có hiệu quả bởi khi đó mới giảm được các chi phí và tăng được chất lượng dịch vụ. Muốn vậy, những dịch vụ đó không thể do từng hộ tự làm lấy mà phải do các tổ chức chuyên trách như hợp tác xã nông nghiệp hay tổ hợp tác trên địa bàn đảm nhiệm.
5.2. Dịch vụ nông nghiêp, nông thôn ngày càng phải chấp nhận cạnh tranh gay gắt
Ở nước ta hiện nay, làm dịch vụ nông nghiệp, nông thôn bao gồm các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, tư nhân, Đoàn thể trên địa. Vì vậy, muốn cạnh tranh thắng lợi phải có chiến lược kinh doanh hợp lí. Chẳng hạn, cơ sở không nên làm dịch vụ tràn lan mà chọn những mặt hàng/ hoạt động dịch vụ nào mà mình có lợi thế nhất và thực tiễn sản xuất nông nghiệp địa phương bức xúc đòi hỏi làm mặt hàng/ hoạt động dịch vụ “bắt buộc” (nên trao đổi với chính quyền xã) và chọn những mặt hàng/ hoạt động dịch vụ nào có lợi nhuận trên vốn đầu tư lớn nhất để kinh doanh lấy lãi
II. NỘI DUNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÁC DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN XÃ
1. Trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc tổ chức và quản lý các dịch vụ nông nghiệp, nông thôn
Với tư cách là cấp lãnh đạo và quản lý nhà nước trực tiếp ở cơ sở, cấp xã (gồm cả Đảng ủy và UBND xã) phải chịu trách nhiệm toàn diện về sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn. Để tổ chức và quản lý tốt các dịch vụ nông nghiệp, nông thôn, cấp xã cần thực hiện tốt một số công việc dưới đây:
- Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp thực sự vững mạnh, đóng được vai trò chủ đạo trong dịch vụ nông nghiệp, nông thôn ở địa phương; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hợp tác xã hoạt động, thường xuyên tư vấn và phối kết hợp chặt chẽ với hợp tác xã trong mọi việc có liên quan như tư vấn cho hợp tác xã chọn được người chủ nhiệm có đức có tài; lập và tổ chức thực hiện kế hoạch dịch vụ đạt mục tiêu của địa phương đề ra; ký được các hợp đồng thương mại; dự các lễ kí hợp đồng giữa hợp tác xã với cá đối tác cũng như với bà con nông dân; giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện phát sinh giữa nông dân với hợp tác xã; làm nhân chứng ở các vụ kiện kinh tế giữa hợp tác xã với các đối tác bên ngoài; tạo điều kiện cho hợp tác xã có địa điểm đặt trụ sở và mặt bằng kho bãi, có tín chấp để vay vốn ngân hàng
- Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ hợp tác được hình thành trên địa bàn xã để họ tự do cạnh tranh dịch vụ nông nghiệp, nông thôn với các hợp tác xã nông nghiệp và tư nhân đang làm. Tuy nhiên, xã phải luôn giám sát chặt chẽ sự hoạt động của các cơ sở làm dịch vụ, nhất là các cơ sở dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi. Những cơ sở nào không đủ điều kiện làm dịch vụ theo quy định của Nhà nước thì xã kiên quyết dẹp bỏ, không cho làm tràn lan, không phân biệt đó là cơ sở của tư nhân, của hợp tác xã hay của tổ hợp tác.
- Mọi hoạt động dịch vụ nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, xã cần tổ chức và quản lý theo hướng xây dựng xã trở thành xã nông thôn mới.
- Không can thiệp trái pháp luật vào công việc nội bộ của các cơ sở làm dịch vụ nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt của các hợp tác xã nông nghiệp.
2. Nội dung tổ chức, quản lý dịch vụ nông nghiệp, nông thôn
Tổ chức và quản lý các dịch vụ nông nghiệp, nông thôn gồm hai nội dung chính là tư vấn và giám sát các hoạt động dịch vụ của các hợp tác xã, tổ hợp tác và tư nhân trên địa bàn, cụ thể là:
Tư vấn về lập kế hoạch dịch vụ nông nghiệp, nông thôn.
Tư vấn về ký kết các hợp đồng cần thiết.
Tư vấn về tổ chức một số dịch vụ quan trọng.
Giám sát của UBND xã đối với các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
2.1. Tư vấn về lập kế hoạch dịch vụ nông nghiệp, nông thôn
Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu của thị trường trong tương lai vừa là mục tiêu phục vụ của các cơ sở kinh doanh vừa là căn cứ để lập kế hoạch.
Nhu cầu trong tương lai của người dân địa phương về các loại vật tư đầu vào, về bao tiêu các sản phẩm đầu ra cũng như về vật phẩm tiêu dùng đời sống nông thôn đều là những mục tiêu phục vụ của các cơ sở làm dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; Đồng thời cũng chính những nhu cầu trong tương lai ấy cùng với những thông tin thị trường khác có liên quan lại là căn cứ để các cơ sở dịch vụ nông nghiệp, nông thôn lập ra các kế hoạch dịch vụ của mình.
Việc nắm vững các nhu cầu trong tương lai đòi hỏi các cơ sở dịch vụ nông nghiệp, nông thôn phải điều tra, phân tích và dự báo một cách công phu.Để dự báo được nhu cầu trong tương lai, trước tiên phải dự báo dài hạn (từ 5 năm trở lên), trên cơ sở đó dự báo trung hạn (từ hơn 1 năm đến dưới 5 năm) trên cơ sở đó dự báo từng năm rồi hàng vụ. Kế hoạch dịch vụ của các cơ sở dịch vụ nông nghiệp, nông thôn theo kì hạn, cũng được lập theo trình tự đó.
Tư vấn về lập kế hoạch thị trường với từng mặt hàng/ hoạt động dịch vụ đã được chọn
Lập kế hoạch thị trường đầu ra gồm một số công việc sau đây:
Thứ nhất: Đề xuất danh mục các mặt hàng/ hoạt động dịch vụ mà cơ sở có khả năng làm trong nhiệm kỳ quản lý
Danh mục này thường bao gồm:
Những mặt hàng/ hoạt động dịch vụ mà cơ sở đang làm, gồm những mặt hàng/ hoạt động dịch vụ ‘bắt buộc” và “không bắt buộc”.
Những mặt hàng/ hoạt động dịch vụ mà cơ sở có thể làm thêm, cũng gồm những mặt hàng/ hoạt động dịch vụ ‘bắt buộc” và “không bắt buộc” mà được đề xuất bằng phương pháp “trí tuệ tập thể”.
Thứ hai: Phân tích, đánh giá tính khả thi của từng mặt hàng/ hoạt động dịch vụ trong danh mục nói trên và ra quyết định lựa chọn mặt hàng/ hoạt động dịch vụ có tính khả thi.
- Phân tích, đánh giá tác động của môi trường đến kinh doanh mặt hàng/ hoạt động dịch vụ
+ Phân tích, đánh giá tác động của môi trường vĩ mô: Môi trường chính trị của đất nước, môi trường kinh tế của đất nước và địa phương, môi trường công nghệ liên quan đến mặt hàng/ hoạt động dịch vụ, môi trường pháp luật của đất nước liên quan đến mặt hàng/ hoạt động dịch vụ và môi trường quốc tế.
+ Phân tích, đánh giá tác động của môi trường vi mô: Khách hàng của cơ sở, đối thủ cạnh tranh của cơ sở, người cung cấp giống, vật tư, người tư vấn và làm dịch vụ khuyến nông cho cơ sở
Phân tích, đánh giá tác động của môi trường nhằm lường trước những cơ hội (thúc đẩy kinh doanh) và hiểm họa (kìm hãm kinh doanh) nào sẽ đến và phân loại chúng theo mức độ tác động để có những giải pháp ứng xử phù hợp.
- Phân tích, đánh giá tác động của bản thân cơ sở đến kinh doanh mặt hàng/ hoạt động dịch vụ:
Nghĩa là đánh giá hiện trạng từng mặt của cơ sở (tổ chức, vốn, kinh nghiệm kinh doanh, trình độ quản lý,) tác động ra sao đến kinh doanh mặt hàng/ hoạt động dịch vụ đang xem xét nhằm tìm ra những điểm mạnh (thúc đẩy kinh doanh) và những điểm yếu (kìm hãm kinh doanh) của chính mình so với các đối thủ và phân loại chúng theo mức độ tác động để có những giải pháp ứng xử phù hợp.
- Đánh giá tác động tổng hợp của các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, hiểm họa đến kinh doanh mặt hàng/ hoạt động dịch vụ và ra quyết định lựa chọn
2.2.Tư vấn về ký kết các hợp đồng cần thiết
Tư vấn cho các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ kiến thức, kỹ năng ký kết một số hợp đồng sau :
- Hợp đồng mua bán hàng hóa: Hợp đồng này được ký kết với các tổ chức, cá nhân chuyên cung ứng giống, vật tư hay khuyến nông... Cần thiết phải ký loại hợp đồng này theo mẫu quy định của Nhà nước.
- Hợp đồng vận chuyển hàng hóa: Hợp đồng này được ký kết với các tổ chức, cá nhân chuyên vận chuyển hàng hóa. Cũng cần thiết phải ký loại hợp đồng này theo mẫu quy định của Nhà nước.
- Hợp đồng cung ứng dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp: Hợp đồng này được ký kết với các hộ nông dân và cũng nên ký theo mẫu quy định của Nhà nước.
- Hợp đồng giao khoán dịch vụ: Hợp đồng này thường được các hợp tác xã nông nghiệp ký kết với các tổ dịch vụ của mình sau khi đã ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ với các hộ.
2.3.Tư vấn về tổ chức một số hoạt động dịch vụ quan trọng
2.3.1. Tư vấn về tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm
Để tổ chức dịch vụ bao tiêu sản phẩm đạt hiệu quả cao cho cả nông dân lẫn người làm dịch vụ, thì người làm dịch vụ cần thực hiện tốt một số công việc theo trình tự dưới đây:
- Hình thành cho được mặt hàng tiêu thụ đầu tiên và tìm được khách hàng tin cậy đầu tiên mua hàng cho mình
+ Có 3 cách chính hình thành mặt hàng tiêu thụ đầu tiên là: Tự mình đi tìm kiếm lấy; nhờ tư vấn môi giới và nhờ chính quyền các cấp (thường gắn với các dự án của Nhà nước).
+ Cũng có 3 cách chính để tìm được khách hàng tin cậy đầu tiên là: Qua sách báo, tạp chí và phương tiện thông tin đại chúng; qua giới thiệu của bạn bè, của các nhà khoa học, của chính quyền các cấp và trực tiếp tự đi tiếp xúc với các doanh nghiệp, các công ty chế biến tiêu thụ nông sản gần xa rồi về sàng lọc, cân nhắc và ra quyết định lựa chọn.
Phân tích, đánh giá thật kỹ mạnh, yếu, cơ hội, hiểm họa của mặt hàng tiêu thụ để xác định cho đúng chiến lược kinh doanh lâu dài, thích hợp với mặt hàng (xem 2.2.1).
Ký kết hợp đồng sản xuất - tiêu thụ chặt chẽ và lâu dài với đối tác tin cậy
Nên ký cả hợp đồng nguyên tắc (hợp đồng chung) trước khi bước vào vụ sản xuất và hợp đồng chi tiết với từng lô hàng trước khi giao hàng.
Cần ký được hợp đồng bằng văn bản, có đầu tư ứng trước để lấy tiền đó đầu tư ứng trước cho nông dân.
+ Nên ký hợp đồng từ đầu năm, nếu không ký được từ đầu năm thì bắt buộc phải ký được từ đầu vụ, dứt khoát không để xảy ra tình trạng trước khi thu hoạch mới vội vàng ký hợp đồng sản xuất – tiêu thụ, nghĩa là phải ký được hợp đồng, nắm được vốn đầu tư ứng trước của đối tác mới tổ chức nông dân sản xuất theo hợp đồng.
+ Nên ký hợp đồng bán theo giá thị trường vào thời điểm thu hoạch, không nên ký hợp đồng bán theo giá cố định hoặc theo khung giá (giá sàn - giá trần).
- Buộc đối tác phải giữ cam kết hợp đồng
Mời chính quyền xã dự chứng kiến lễ ký kết hợp đồng.
Thường xuyên chủ động thăm hỏi, gặp gỡ đối tác để bàn bạc, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm cùng đối tác trước khi hợp đồng kết thúc.
- Tổ chức triển khai nghiêm túc hợp đồng đã ký với đối tác và quy vùng sản xuất hàng hóa theo hợp đồng đã ký.
+ Thông qua thôn bản, thông báo cho các hộ nông dân biết để họ đăng ký sản xuất và bán sản phẩm.
2.3.2. Tư vấn về tổ chức dịch vụ tín dụng nội bộ hai chiều
Trong phạm vi chức năng của mình, xã phải tư vấn cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn làm dịch vụ tín dụng nội bộ 2 chiều sao cho có hiệu quả với bà con địa phương cũng như với các hợp tác xã, tổ hợp tác làm dịch vụ này. “Hai chiều” ở đây là huy động tiền gửi tiết kiệm của các hộ và lại lấy tiền tiết kiệm đó cho các hộ vay phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (và nếu có điều kiện phục vụ cho cả đời sống nông thôn nữa).
Kinh nghiệm cho thấy, nếu có phương pháp tuyên truyền vận động tốt và cán bộ tín dụng nhiệt tình, giỏi nghiệp vụ thì sẽ dần dần tổ chức được phong trào gửi tiền tiết kiệm đều đặn hàng tháng (ví dụ vào cuối hàng tháng) sâu rộng trong nhân dân địa phương. Hợp tác xã hay tổ hợp tác dùng chính số tiền gửi tiết kiệm này cho các hộ có nhu cầu vay phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn (cũng nên vào thời điểm cuối hàng tháng như trên để dễ dàng hạch toán). Nếu số tiền gửi tiết kiệm trong tháng không đủ cho vay theo nhu cầu xin vay của các hộ thì một số đơn xin vay phải để lùi sang tháng sau hoặc phải giảm bớt số lượng tiền gửi cho các đơn vay ( nghĩa là khi đó hợp tác xã hay tổ hợp tác phải xét đến sự ưu tiên cho vay). Nếu ngược lại thì số tiền không cho vay hết, về nguyên tắc, phải gửi vào ngân hàng để lấy lãi.
2.3.3. Tư vấn về tổ chức dịch vụ vệ sinh môi trường
Hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường ở nông thôn nước ta hiện nay cần tập trung vào thu gom và xử lý chất thải cả trong thôn bản lẫn ngoài đồng ruộng.
Trong thôn bản, nơi nào đã xây dựng và thực hiện được hương ước, trong đó quy định cụ thể về địa điểm, thời điểm tập trung chất thải, vỏ bọc chất thải; nuôi nhốt lợn, gà, chó; mức đóng góp lệ phí môi trường và chế độ thưởng phạt cụ thể thì ở nơi đó vệ sinh thôn bản tốt và ngược lại; nơi nào chưa xây dựng và thực hiện được hương ước như trên thì phế thải trong chăn nuôi và sinh hoạt của các hộ dân vẫn xả bừa bãi khắp đường làng, kênh nước chảy,gây nhớp nháp, nhày nhụa, bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối khắp nơi, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe con người.
Ngoài đồng ruộng, vấn đề vệ sinh môi trường vẫn đang bị “bỏ ngỏ”: Vô số những bao nilon, vỏ bao đựng thuốc sâu,được vứt bừa bãi khắp các bờ ruộng, kênh mương, đường giao thông nội đồngngày càng nhiều mà mọi người dân vẫn cứ thờ ơ vô cảm với cảnh tượng đó. Tuyên truyền và tổ chức dịch vụ bảo vệ môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc nhất ở nhiều vùng nông thôn hiện nay. Trong số 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới thì tiêu chí bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. Bởi vậy, thành lập các tổ dịch vụ bảo vệ môi trường cả trong thôn bản lẫn ngoài đồng ruộng, trong đó có phân rõ trách nhiệm từng người phụ trách bảo vệ môi trường từng khu vực thôn bản, xứ đồng và có quy định mức đóng góp lệ phí bảo vệ môi trường cụ thể với từng hộ là công việc cấp bách trong xây dựng nông thôn mới. Hợp tác xã hay tổ hợp tác phải thu lệ phí đó để thanh toán ngược lại cho các tổ và cá nhân thu gom, xử lý. Ngoài ra, xã phải chỉ đạo các thôn bản xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp và đặc biệt phải tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường bắt buộc trước hết với cán bộ xã, thôn bản, đảng viên và sau đó cho toàn thể nhân dân trong xã.
2.4. Giám sát của cấp xã đối với các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, ngoài chức năng tư vấn về dịch vụ nông nghiệp, nông thôn cho các cơ sở làm dịch vụ, cấp xã phải thường xuyên giám sát các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, nông thôn diễn ra trên địa bàn xã mình theo đúng pháp luật, đồng thời không can thiệp trái pháp luật vào công việc nội bộ của các tổ chức (hợp tác xã, tổ hợp tác) và cá nhân làm dịch vụ. Muốn vậy, cấp xã cần thực hiện tốt một số nội dung công việc sau đây:
Một là: Giám sát các ngành nghề dịch vụ của hợp tác xã, tổ hợp tác và tư nhân có đúng với đăng kí hay không?
Nếu phát hiện thấy có biểu hiện vi phạm pháp luật về ngành nghề kinh doanh thì cấp xã phải kịp thời nhắc nhở và yêu cầu cơ sở phải chấp hành theo đúng pháp luật. Nếu cơ sở kinh doanh vẫn cứ cố tình làm trái thì xã phải can thiệp kịp thời, kiên quyết không để ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã.
Hai là: Giám sát nội dung, phương thức của từng hoạt động dịch vụ của các cơ sở có đúng với nguyên tắc và mục tiêu của dịch vụ nông nghiệp, nông thôn hay không?
Nếu phát hiện thấy, hoặc được bà con địa phương phản ánh, có những bất cập về nội dung, cung cách dịch vụ như chất lượng dịch vụ không đảm bảo, phong cách dịch vụ kém văn minh, giá cả dịch vụ tùy tiện so với giá thị trườngảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn thì xã phải kịp thời điều tra xác minh vụ việc. Nếu thực tế đúng là như vậy thì xã kiên quyết yêu cầu các cơ sở dịch vụ đó quán triệt mục tiêu và các nguyên tắc dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; đồng thời phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho người dân - khách hàng của họ. Nếu cơ sở vẫn cố tình không quán triệt và từ chối trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì xã phải phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm những cơ sở vi phạm đó theo luật định để làm gương cho những cơ sở khác, không phân biệt đó là cơ sở nào (hợp tác xã, tổ hợp tác hay tư nhân) nhằm đảm bảo cho nông dân địa phương được hưởng những dịch vụ nông nghiệp, nông thôn chất lượng nhất, giá cả phải chăng nhất với phong cách dịch vụ văn minh nhất có thể.
Ba là: Giám sát các cơ sở dịch vụ có chấp hành nghiêm chỉnh nội quy bảo vệ môi trường hay không.
Trên thực tế rất nhiều cơ sở dịch vụ nông nghiệp, nông thôn vẫn đang đổ bừa bãi chất thải rắn, nước thải khắp ven đường, kênh mương nước chảy, những bãi đất trống lớn nhỏ trong làng xãgóp phần làm cho nạn ruồi muỗi ngày càng phát triển và mùi hôi thối ở khắp nơi, ngấm cả xuống các nguồn nước ngầm, gieo rắc các mầm bệnh, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của cộng đồng và cực kỳ phản mỹ quan thôn bản mà vẫn chưa có chế tài nào xử lý.
Với những cơ sở dịch vụ đã được nhắc nhở vài lần về chấp hành nội dung bảo vệ môi trường mà vẫn cứ vi phạm thì xã phải phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiên quyết đình chỉ hoạt động dịch vụ của cơ sở và bắt xử lý hết những ô nhiễm môi trường mà cơ sở đã gây ra.
Bốn là: Xã cần tư vấn và hướng dẫn các cở sở dịch vụ nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn (nhất là các hợp tác xã nông nghiệp và tổ hợp tác) làm những dịch vụ mà sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn ở địa phương đang bức xúc đòi hỏi và ngày càng có nhu cầu lớn.
Ví dụ, làm các dịch vụ tín dụng nội bộ để cung ứng thêm vốn cho sản xuất nông nghiệp và nếu có điều kiện thì cung ứng vốn cho cả đời sống nông thôn nữa; hay làm dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi hay tiểu thủ công nghiệp mà địa phương có thế mạnh; hay làm dịch vụ tạo công ăn việc làm như dịch vụ đi xuất khẩu lao động; hay làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho nông dân mà chưa có đầu ra ổn định hay làm dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn và nước thải.tùy thuộc vào dịch vụ nào đang bức xúc đòi hỏi ở nông thôn xã cả trong ngắn hạn, trung hạn lẫn dài hạn.
Ví dụ: Xã Tân Dĩnh – Lạng Giang – Bắc Giang xác định 7 loại dịch vụ dưới đây đang là bức xúc, cần thiết và có nhu cầu ngày càng lớn ở nông thôn xã:
Dịch vụ tín dụng nội bộ hai chiều
Dịch vụ chuyển giao tiến bộ kĩ thuật
Dịch vụ khuyến nông
Dịch vụ thủy lợi
Dịch vụ vệ sinh môi trường
Dịch vụ quản lý chợ nông thôn
Dịch vụ nước sinh hoạt (nước máy)
Và xã yêu cầu hợp tác xã nông nghiệp Tân Dĩnh phải làm tất cả 7 loại dịch vụ này rồi mới mở rộng làm thêm các loại dịch vụ khác. Ngoài ra, xã còn thành lập 1 hợp tác xã tín dụng chuyển dịch vụ vốn cho nông dân mặc dù Hợp tác xã nông nghiệp Tân Dĩnh cũng đang làm dịch vụ này. Xã còn tư vấn và hướng dẫn cho các tư nhân làm dịch vụ đi sâu vào những dịch vụ nào mà họ có thế mạnh nhất mà nông thôn địa phương đang cần nhất như liên kết với hợp tác xã nông nghiệp Tân Dĩnh thu gom và xử lý chất thải, nước thải hay quản lý các chợ nông thôn nhỏ lẻ
Năm là: Xã cần phát hiện ra những bất hợp lý trong việc tổ chức quản lý các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, nông thôn ở địa phương và kiến nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền nghiên cứu.
Ví dụ: Hiện nay ở không ít địa phương, cán bộ thú y, BVTV, khuyến nông do huyện quản lý về con người và lương bổng; nhưng họ lại “nằm vùng” chỉ đạo công tác thú ý, BVTV và khuyến nông tại xã; Cách tổ chức và quản lý như vậy có gắn được trách nhiệm của người cán bộ thú y, BVTV và khuyến nông với công việc và lương họ được hưởng hay không; có mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương hay không thì cấp xã cũng cần phải xem xét cụ thể. Nếu câu trả lời là “không” thì xã phải đề xuất với huyện cách giải quyết, hoàn thiện tổ chức quản lý ra sao. Ví dụ, có thể đề xuất giao cho xã quản lý cả về con người, lương bổng, công việc, trách nhiệm của cán bộ thú y, BVTV, khuyến nông; còn cấp trên chỉ quản lý chuyên môn theo ngành dọc như xã Tiên Lục – Lạng Giang – Bắc Giang đề xuất với huyện Lạng Giang và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Giang.
__________________
Câu hỏi thảo luận: Theo Anh/Chị, tại địa phương nơi Anh/Chị đang công tác, cần khuyến khích phát triển các dịch vụ nông nghiệp, nông thôn nào để đáp ứng nhu cầu của người dân? Trình bày cách thức tư vấn và giám sát các dịch vụ đó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Luật Hợp tác xã năm 2012
Nghị quyết số 26/NQ-TW, ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X v “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”
Quyết định số 800/2010/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
Thông tư số 07/2010/TT-BNN hướng dẫn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Thông tư số 26/2011/TTLT-BNN-BKHĐT-BTC ngày 01/6/2011 hướng dẫn một số nội dung thực hiện quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.
6. Tổ chức quản lý các hoạt động dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp. TS. Lê Bá Thăng, năm 2004.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- chuyen_de_9_to_chuc_quan_ly_cac_dich_vu_trong_nong_nghiep_nong_thon_7332.doc