Chức năng của người kể chuyện trong tám triều vua Lý

Narrator in the work itself is the product of the creative writer to tell the story and the character of functional. Narrator allergic the – all – powerful, third in Tam trieu vua Ly has successfully implemented the basic functions to recreate his historical events and historical figures. The successful construction allergic image the narrator, the third in the novel, Hoang Quoc Hai has made significant contributions to innovation in terms of narrative seen from the movement of the narrator in historical fiction genre.

pdf9 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 492 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chức năng của người kể chuyện trong tám triều vua Lý, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 04(20)/2011: tr. 85-93 CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG TÁM TRIỀU VUA LÝ LÊ THỊ THU TRANG Trường Đại học Đồng Tháp NGUYỄN THÀNH THI Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh Tóm tắt: Người kể chuyện trong tác phẩm tự sự là sản phẩm sáng tạo của nhà văn để kể lại câu chuyện và là một nhân vật mang tính chức năng. Người kể chuyện dị sự – toàn năng, ngôi thứ ba trong Tám triều vua Lý đã thực hiện thành công những chức năng cơ bản của mình trong việc tái hiện sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử. Việc xây dựng thành công hình tượng người kể chuyện dị sự, ngôi thứ ba trong Bộ tiểu thuyết, Hoàng Quốc Hải đã có những đóng góp đáng kể vào sự cách tân về phương diện trần thuật nhìn từ sự vận động của người kể chuyện trong thể loại tiểu thuyết lịch sử. 1. MỞ ĐẦU Theo Hayden White thì giữa lịch sử và tự sự có mối quan hệ mật thiết với nhau. Xuất phát từ quan niệm đó, chúng tôi đã mạnh dạn tìm hiểu thể loại tiểu thuyết lịch sử nói chung và Tám triều vua Lý nói riêng dưới góc nhìn Tự sự học. Từ góc nhìn này, người nghiên cứu đã tìm hiểu một số phương diện trần thuật đặc biệt của Bộ tiểu thuyết, trong đó, vấn đề người kể chuyện là một trong những phương diện cơ bản của nghệ thuật trần thuật trong tác phẩm. Việc sáng tạo thành công nhân vật người kể chuyện dị sự, ngôi thứ ba với việc thực hiện thành công ba chức năng trần thuật đã góp phần làm nên sức sống cho Bộ tiểu thuyết vĩ đại này. 2. CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG TÁM TRIỀU VUA LÝ – MỘT VẬN DỤNG SÁNG TẠO CỦA HOÀNG QUỐC HẢI Theo Pospelov, người kể chuyện là người môi giới giữa các hiện tượng được miêu tả và người đọc, là người chứng kiến và cắt nghĩa các sự việc xảy ra. R. Barthes cho rằng người kể chuyện là một nhân vật giấy, mang chức năng môi giới giữa thế giới nghệ thuật được miêu tả với độc giả tiếp nhận. T. Todorov lại cho rằng: “Người kể chuyện không chỉ mang chức năng kể, mà còn định giá và đánh giá” [4, tr. 262]. Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa, chung quy, người kể chuyện trong tác phẩm tự sự chính là một nhân vật mang tính chức năng. Đó là một nhân tố mà tác giả ủy thác trong tác phẩm để thực hiện chức năng kể lại câu chuyện. Trong tác phẩm tự sự, người kể chuyện luôn bị trừu tượng hóa thành một nhân vật, hoặc là ẩn tàng, hoặc là hiện diện. Việc tác giả lựa chọn kiểu người kể chuyện nào để thuật lại câu chuyện không phải hoàn toàn ngẫu nhiên mà nó mang tính quan niệm, nhằm mục đích chuyển tải tư tưởng, nội dung một cách hiệu quả nhất. Trong Tám triều vua Lý, Hoàng Quốc Hải đã sáng tạo nên một kiểu LÊ THỊ THU TRANG – NGUYỄN THÀNH THI 86   nhân vật để kể lại câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của tám vị vua triều Lý, đó chính là kiểu người kể chuyện dị sự – toàn năng, ngôi thứ ba. Người kể chuyện dị sự với cách kể chuyện điềm đạm, dửng dưng và sử dụng ngôn ngữ ở dạng trung tính rất phù hợp với thể loại tiểu thuyết lịch sử. Theo đó, câu chuyện được kể và hiện thực được mô tả có tính khách quan cao, làm cho độc giả có cảm giác câu chuyện mà người kể chuyện kể lại rất đầy đủ, chân thật và đáng tin cậy. Theo G. Genette, mỗi dạng kể chuyện thường gắn với những chức năng trần thuật cụ thể. Từ đó, ông đã đưa ra năm chức năng cơ bản của người kể chuyện, bao gồm: chức năng trần thuật; chức năng quản lý, bao quát câu chuyện được kể; chức năng truyền đạt thông tin; chức năng chứng thực câu chuyện được kể và chức năng biểu lộ tư tưởng, quan điểm, ý kiến. Trong Tám triều vua Lý, đồng thời với việc sáng tạo ra kiểu người kể chuyện dị sự – toàn năng, giấu mặt, không đứng cùng bình diện với các nhân vật lịch sử là người kể chính, Hoàng Quốc Hải đã trao quyền cho nhân vật người kể chuyện thực hiện nhiều chức năng. Giữ vai trò quan trọng trong một bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, người kể chuyện ở đây không chỉ thuật lại câu chuyện lịch sử, mà còn thực hiện nhiều chức năng khác như: tổ chức, bao quát hệ sự kiện lịch sử về triều đại nhà Lý; bộc lộ quan điểm lịch sử 3. MẤY CHỨC NĂNG CHỦ YẾU CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG TÁM TRIỀU VUA LÝ 3.1. Chức năng thuật lại câu chuyện lịch sử Do đặc trưng về mặt thể loại nên người kể chuyện dị sự trong tiểu thuyết lịch sử đóng vai trò là người thuật lại câu chuyện lịch sử, phục dựng một giai đoạn, một thời đại lịch sử cụ thể với tất cả những biến cố và sự kiện cơ bản. Có thể nói, đây là một trong những chức năng cơ bản của người kể chuyện trong tiểu thuyết lịch sử. Bởi lẽ, nhà văn ngay từ những ý định ban đầu đã chọn những sự kiện, biến cố hay nhân vật lịch sử làm đề tài trong sáng tác của mình. Khi tiếp xúc với tác phẩm, điều đầu tiên mà độc giả mong chờ là sự kiện, nhân vật nào, câu chuyện gì được tác giả lựa chọn để tái hiện, phản ánh, trước khi tìm hiểu ý đồ, tư tưởng, lớp ngữ nghĩa ẩn sâu sau mỗi con chữ mà tác giả hàm ẩn, thông qua người kể chuyện do mình sáng tạo ra muốn gửi gắm. Trong Tám triều vua Lý, người kể chuyện dị sự đứng bên ngoài bao quát gần như toàn bộ những sự kiện, biến cố của câu chuyện. Thông qua bộ tiểu thuyết, người kể chuyện đã phục dựng lại toàn bộ bức tranh hiện thực đời sống xã hội dưới triều Lý trải qua 216 năm với bao vinh quang, thăng trầm và giông bão. Thiền sư dựng nước, là câu chuyện về quá trình lên ngôi của Lý Công Uẩn diễn ra trong sự ủng hộ của quần thần và nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Đây còn là bức tranh nhiều màu sắc về công cuộc chấn hưng và xây dựng đất nước của vua tôi nhà Lý. Việc dời đô từ kinh đô Hoa Lư về Đại La là một sự kiện trọng đại mang ý nghĩa lịch sử to lớn, cho thấy tầm nhìn xuyên thiên niên kỷ của vị vua khởi nghiệp nhà Lý. Con ngựa nhà Phật là bức tranh về công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hiến Đại Việt, là hiện thực chiến trận thảm khốc trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành của vua Lý Thái tông năm Quý Mão (1044). Bình Bắc CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG TÁM TRIỀU VUA LÝ 87 dẹp Nam, kể lại quá trình vua tôi nhà Lý tìm đối sách bang giao với nhà Tống để rảnh tay đối phó với mặt nam. Con đường định mệnh, cuốn tiểu thuyết có độ dồn nén sự kiện chặt chẽ. Với 983 trang sách, người kể chuyện đã dồn nén thời gian lịch sử kéo dài đến 153 năm với vô vàn hệ sự kiện và biến cố lịch sử. Việc lên ngôi của ấu chúa Lý Nhân tông đã khoét sâu thêm những mâu thuẫn trong lòng triều đình phong kiến, dẫn đến cuộc chính biến năm Quý Sửu (1073), tạo nên một vết nhơ trong lịch sử và nó đã “gióng lên hồi chuông báo tử” cho triều đại nhà Lý. Từ đó, các triều vua tiếp theo như Lý Thần tông, Lý Anh tông, Lý Cao tông tiếp tục trượt dài trên con đường suy thoái không gì cứu vãn dẫn đến diệt vong dưới triều Lý Huệ tông. 3.2. Chức năng tổ chức, bao quát hệ sự kiện lịch sử về triều đại nhà Lý Bên cạnh việc kể lại câu chuyện với đầy đủ những sự kiện, biến cố và nhân vật lịch sử, người kể chuyện trong Tám triều vua Lý còn mang chức năng bao quát, tổ chức, lựa chọn, trình bày các cứ liệu lịch sử bằng cách xây dựng, dẫn dắt các tình huống, chi tiết, xử lý cốt truyện, hư cấu, sáng tạo các sự kiện, biến cố và nhân vật lịch sử. Với chức năng này người kể chuyện đã giúp Hoàng Quốc Hải hiện thực hóa câu chuyện lịch sử và truyền tải những ý đồ, tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Với khả năng bao quát cao, người kể chuyện trong Tám triều vua Lý đã rất khéo léo, tinh tế khi không kể lại toàn bộ bức tranh xã hội thời Lý. Không lần theo từng vết chân của tám vị vua nhà Lý, người kể chuyện chỉ lựa chọn những sự kiện, biến cố quan trọng nhất có ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của họ. Đó cũng là các sự kiện và biến cố có tính chất quyết định đến sự hưng thịnh, suy thoái hay tiêu vong của một triều đại. Tuy nhiên, người kể chuyện cũng không đi sâu vào câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của tất cả tám vị vua mà chỉ tập trung câu chuyện vào bốn vị vua đầu tiên của nhà Lý, đó là Lý Thái tổ, Lý Thái tông, Lý Thánh tông, Lý Nhân tông với nhiều sự kiện và biến cố đặc biệt. Với Thiền sư dựng nước, người kể chuyện đã lựa chọn, sắp xếp các sự kiện tiêu biểu mang tính khái quát cao theo một trật tự tuyến tính về quá trình lên ngôi và chấn hưng đất nước của vua Lý Thái tổ: cái chết được dự báo trước của hôn quân Lê Long Đĩnh, sự lên ngôi trong hào quang chói sáng của Lý Công Uẩn được quần thần và các vị thiền sư hết lòng ủng hộ, Lý Công Uẩn dời đô về Đại La, nhà vua bước vào công cuộc chấn hưng đất nước với những việc làm cụ thể như phá bỏ các hình phạt hà khắc, khuyến khích phát triển nông nghiệp, công thương nhằm chăm lo đời sống nhân dân đặc biệt, biến cố được người kể chú ý nhấn mạnh đó là việc Lý Đức Chính dẹp loạn tam vương để lên ngôi hoàng đế năm Mậu Thìn (1028). Tất cả được tác giả kể lại một cách tự nhiên làm cho độc giả có cảm giác như các sự kiện đó không rời rạc mà liên kết với nhau thành một hệ thống chặt chẽ, logic và sống động. Con ngựa nhà Phật bao gồm nhiều hệ sự kiện kể về công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của vua Lý Thái tông như khuyến khích phát triển nông nghiệp đặc biệt là phát triển nghề chăn tằm, dệt lụa; ban hành bộ Hình thư năm Nhâm Ngọ (1042); dẹp loạn LÊ THỊ THU TRANG – NGUYỄN THÀNH THI 88   Nùng Trí Cao; đối phó với giặc phương Bắc và thảo phạt giặc phương Nam, tiêu biểu là việc Lý Thái tông thân chinh thảo phạt Chiêm Thành năm Quý Mão (1044). Với Bình Bắc dẹp Nam, người kể chuyện đã phục dựng lại bức tranh toàn cảnh về công cuộc trị bình, phát triển đất nước của vua tôi Lý Thánh tông. Ý thức rõ tầm quan trọng của việc đề cao cảnh giác, mài sắc ý chí chống ngoại xâm, nhà Lý đã xác định: “Cái họa phương Bắc là họa muôn đời, không bao giờ được quên mà lơi là. Lơi là với phương Bắc là mất nước” [2, tr. 105]. Do đó, muốn giữ gìn được toàn vẹn cương thổ, vua tôi nhà Lý phải có đối sách phù hợp “cương, nhu uyển chuyển và công thủ tùy thời” và sách lược bang giao là “cận giao viễn công” [2, tr. 573]. Trong thời điểm hiện tại, Lý Thánh tông đã lựa chọn con đường “Đánh Chiêm Thành để rảnh tay đối phó với mặt Bắc”, cụ thể là cuộc chinh phạt Chiêm Thành năm Ất Dậu (1069). Với 983 trang sách, Con đường định mệnh đã mang đến cho độc giả những sự kiện và biến cố về cuộc đời, sự nghiệp của năm vị vua cuối cùng và quá trình suy vong của triều Lý. Người kể chuyện, với 762 trang đầu, đã dựng lên bức tranh về công cuộc kháng Tống của quân dân Đại Việt và quá trình chấp chính của vua Lý Nhân tông. Trong khi đó, chỉ với 221 trang còn lại, kể một cách tỉnh lược tất cả các sự kiện đặc biệt về cuộc đời và sự nghiệp của bốn vị vua cuối cùng của triều Lý như Lý Thần tông, Lý Anh tông, Lý Cao tông và Lý Huệ tông. Trong Tám triều vua Lý, rất nhiều sự kiện và nhân vật tiêu biểu được tác giả lựa chọn để bao quát toàn bộ bức tranh về một triều đại vàng son trong lịch sử. Tất cả các sự kiện được chọn lọc đều rất tiêu biểu và trung thành với chính sử. Tuy nhiên, trong từng sự kiện, tác giả đã sáng tạo rất nhiều chi tiết và nhân vật nhằm làm cho những sự kiện ấy hiện lên sinh động hơn, gần với hiện thực hơn. Tác giả không chú ý đến những mốc thời gian cụ thể như trong chính sử mà chú ý đến những giá trị và ý nghĩa của những sự kiện đó có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời, sự nghiệp của nhân vật cũng như sự tồn vong của một triều đại. Từ đó, người đọc có thể nhận thức rõ hơn về cuộc đời, số phận, nhân cách, đời sống nội tâm của những nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là cuộc đời và sự nghiệp của những vị vua anh minh, tài giỏi như Lý Thái tổ, Lý Thái tông, Lý Thánh tông và Lý Nhân tông. 3.3. Chức năng bộc lộ quan điểm lịch sử Khi sáng tạo nên một tác phẩm bất cứ nhà văn nào cũng mong muốn thể hiện một quan niệm, một tư tưởng về cuộc sống, về con người hay bộc lộ quan điểm về chính trị, lịch sử, xã hội. Trong tiểu thuyết lịch sử, ngoài hai chức năng cơ bản là chức năng kể chuyện và chức năng sắp xếp các chi tiết, xử lý tình huống, người kể chuyện còn mang chức năng lý giải, chiêm nghiệm và dự báo lịch sử. Lúc này, người kể chuyện cũng chính là tác giả hàm ẩn bộc lộ những nhận định, đánh giá của mình về các vấn đề trong câu chuyện. Thông qua những lời nói trực tiếp hoặc những lời nói gián tiếp từ nhân vật, những đoạn dẫn dắt và đặc biệt nhất, thông qua số phận của con người trước những biến cố lớn lao của lịch sử, nhà văn đã thể hiện quan điểm của mình trên tất cả các mặt của đời sống. CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG TÁM TRIỀU VUA LÝ 89 Bên cạnh đó, việc miêu tả những biến động to lớn của lịch sử, những hệ lụy đối với con người, ông đã bộc lộ lập trường về các vấn đề chính trị – xã hội mang tính chất nhân loại và thời đại. 3.3.1. Quan điểm về nguồn gốc thành bại của triều đại nhà Lý, về tư tưởng chống giặc ngoại xâm và xây dựng vương triều Sự chuyển giao quyền lực một cách êm thấm từ tay nhà Lê sang nhà Lý, đã đưa dân tộc thoát khỏi “đêm trường” đau khổ. Nhà Lý bắt tay vào công cuộc chấn hưng đất nước và phục hồi sức dân. Lý Thái Tổ vốn xuất thân từ cửa Phật nên sớm thấm nhuần tư tưởng của Phật giáo, vì thế, Phật giáo sớm có ảnh hưởng đến đường lối, tinh thần nhân trị của không chỉ Lý Công Uẩn mà còn các vị vua triều Lý khác thông qua đội ngũ tăng quan trực tiếp tham gia đào tạo, tham mưu các công việc triều chính. Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn đã tích cực chăm lo cái ăn, cái mặc và học hành cho nhân dân với những chính sách vô cùng nhân đạo như: tha tô thuế trong ba năm liền (vua Thái tổ tha tô thuế tới ba lần trong mười tám năm trị vì), khuyến nông, phát triển công thương, tu bổ và xây dựng chùa chiền làm nơi dạy học; trọng dụng người tài và cắt cử họ vào những vị trí then chốt của bộ máy nhà nước; hướng xã hội đi vào con đường công bằng, hiếu thiện; đặc biệt, hợp quần là lẽ sống còn của quốc gia Đại Việt Chính sự dìu dắt sáng suốt và lòng tận tụy vì dân vì nước của một bậc minh quân, tài giỏi – Lý Công Uẩn, cùng với những trợ giúp lớn lao của Thiền Sư Vạn Hạnh – đất nước đã dần dần phục hồi và đi vào ổn định. Đời sống nhân dân no ấm, đất nước thái bình, xã hội được xác lập theo quan điểm tam giáo đồng nguyên: Xã hội Nho – Tâm linh Phật – Thiên nhiên Đạo, trong đó, đạo Phật trở thành quốc đạo. Với các nước lân bang, nhà Lý đề ra chính sách phù hợp, đúng đắn “cương, nhu uyển chuyển và công thủ tùy thời” và sách lược bang giao là “cận giao viễn công” đã giữ vững nền độc lập, thái bình, thịnh trị lâu dài cho dân tộc trong suốt hơn hai trăm năm. Trong những cuộc kháng chiến chống giặc phương Bắc hay những cuộc chinh phạt Chiêm Thành, với sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, vua tôi đồng lòng, nhà Lý đã giành những chiến công hiển hách, vang dội. Những chiến công ấy không những là kết quả của tài thao lược, sự sáng suốt dùng người của những người ở ngôi cửu ngũ như Lý Thái tổ, Lý Thái tông, Lý Thánh tông mà còn là tấc lòng trung quân ái quốc của những anh hùng, hào kiệt như Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lê Văn Thịnh, Lý Nhật Trung, Lý Kế Nguyên Từ triều Lý Thần tông, Lý Anh tông, nhà Lý bắt đầu suy thoái nghiêm trọng và sự suy thoái cùng cực là do thói ăn chơi sa đọa, trác táng của Lý Cao tông. Đến đời Lý Huệ tông, dân tình loạn lạc, giặc cướp khắp nơi, vua là người nhu nhược, ngu hiền nên không có cách nào chấn hưng đất nước. Nhà Lý buộc phải suy vong và sụp đổ sau cuộc đảo chính năm Ất Dậu (1225) dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung. Nhà Trần lên ngôi, nhà Lý kết thúc sứ mệnh lịch sử. Nguyên nhân sụp đổ của nhà Lý được Lý Quang Bật và Lý Long Tường đúc kết qua những dòng suy ngẫm: “nhà Lý có dấu hiệu suy vong từ thời Lý Thần tông và các triều đại sau đó càng trượt dài vào con đường u tối. Nhân tài ngày một cạn kiệt, các vua lên ngôi trong tuổi ấu thơ, quyền bính LÊ THỊ THU TRANG – NGUYỄN THÀNH THI 90   nằm trong tay mấy bà thái hậu ngu hèn, tham ố chuyên tâm cố kết bè đảng củng cố quyền lực, mê đắm dục lạc. Các vua lớn lên đều là những kẻ yếu hèn, ngu muội coi đất nước như vật sở hữu của riêng mình. Tới đời Cao tông và Huệ tông, hai cha con nhà vua đều hành đất nước tựa như người xà ích mù giong cỗ xe chở nặng đang lao xuống dốc với con ngựa dữ cùng chiếc dây cương mục trong tay” [3, tr. 942]. Việc suy thoái và sụp đổ của mọi triều đại, trong đó có triều Lý ở Việt Nam, đều chịu sự chi phối chung của quy luật lịch sử. Điều quan trọng là, trước khi sụp đổ triều đại đó đã kịp thời đóng góp những gì cho tiến trình phát triển của dân tộc. Đúng như người kể chuyện trong tác phẩm này từng đúc kết: “Thật ra sự mất còn của một triều đại tựa như sự chuyển xoay của thời tiết, với lịch sử của nó chẳng có ý nghĩa gì. Duy có điều đáng bàn là khi tồn tại nó đã làm gì cho dân, cho nước, nó đóng góp được những gì cho tiến trình tiến hóa của dân tộc hay nó kéo lùi tiến trình đó lại khiến cho lịch sử phải bận tâm chê trách” [3, tr. 983]. 3.3.2. Quan điểm về công trạng và tội trạng của các nhân vật lịch sử Nhân vật trong Tám vua triều Lý được nhà văn khắc họa với những mức độ khác nhau. Với dung lượng gần 3.509 trang sách, trải dài trong 216 năm, nhà văn đã tập trung bút lực xây dựng nên những bức chân dung sinh động về cuộc đời và sự nghiệp của bốn vị vua đầu tiên của triều Lý cùng những đóng góp của họ vào tiến trình phát triển của lịch sử triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Lý Công Uẩn là người có công khởi nghiệp nhà Lý. Với những chính sách phù hợp, đúng đắn ông đã thực hiện thành công công cuộc chấn hưng đất nước và mang lại đời sống ấm no cho nhân dân. Với tầm nhìn chiến lược, Lý Thái tổ còn là người có công trong việc dời đô từ vùng đất Hoa Lư chật hẹp sang vùng đất Đại La rộng lớn với thế “rồng cuộn hổ ngồi” làm trung tâm cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Đồng thời, ông còn là vị vua đầu tiên đưa xã hội Việt Nam đi vào con đường công bằng, hiếu thiện với chính sách tam giáo đồng nguyên Nho – Phật – Lão, trong đó, đạo Phật trở thành quốc đạo trong suốt hai triều đại Lý – Trần. Lý Thái tông đã tiếp nối truyền thống của vua cha để xây dựng một vương triều vững mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự. Trong hai mươi sáu năm cầm quyền, Lý Thái tông đã thúc đẩy đất nước phát triển về mọi mặt. Sự đạo cũng như sự đời đều phát triển lành mạnh, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển lâu bền của triều Lý. Đến đời vua Lý Thánh tông, đất nước bước vào thời kỳ cực thịnh. Ông không chỉ quan tâm chăm lo phát triển kinh tế mà còn chăm lo đến việc học. Với sự giúp đỡ và sự tận trung của hai bề tôi kiệt xuất là Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành, Thánh tông đã chuẩn bị đầy đủ tiềm lực nhằm chống lại âm mưu xâm lược của nhà Tống, đồng thời, bình định xong giặc Chiêm Thành, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kình chống giặc phương Bắc với quy mô lớn. Khi Lý Thánh tông băng hà vào năm 1072, Linh nhân hoàng thái hậu Ỷ Lan nhiếp chính, đã lãnh đạo đất nước giành thắng lợi vang dội trong cuộc chiến tranh chống Tống. Lịch sử phát triển của một triều đại đều tuân theo quy luật tuần hoàn: khởi nghiệp – hưng thịnh – suy vong – sụp đổ và được thay thế bằng một triều đại khác. Sự hưng thịnh hay suy vong đều phụ thuộc vào người cầm cân nảy mực, người đứng đầu bộ máy nhà nước, người ở ngôi cửu ngũ chí tôn. Đúng như Vị sư phó của Khai hoàng vương từng CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG TÁM TRIỀU VUA LÝ 91 đúc kết: “Vua giỏi vua sáng thì dân được nhờ, dân sùng kính. Vua tàn bạo thì dân khổ, nước loạn. Nước loạn thì địa vị của vua phải lung lay rồi sụp đổ” [1, tr. 512]. Vua Lê Long Đĩnh là một minh chứng cụ thể. Để được nắm quyền thống trị, y đã giết chết anh ruột của mình là Lê Trung tông, tự lập làm vua. Trong bốn năm trị vì, y đã “biến đất nước thành một nhà tù vĩ đại, biến cả đất nước thành một pháp trường. Dân chúng thì đói khổ, sợ sệt, ly tán không ai còn muốn sống nữa” [1, tr. 430]. Ngọa triều Lê Long Đĩnh mang hình hài một con người nhưng ẩn đằng sau là một con ác thú. “Bằng những hành vi hung hiểm hơn cả loài dã thú” y đã làm cho đất nước già đi cả trăm năm, “xác xơ, héo úa, hoang rỗng đến kiệt cùng”. Một khi cái ác lên ngôi, kẻ bất nhân vô đạo nắm giữ ngôi cao, tránh sao khỏi cái họa diệt vong. Chính vì thế, Lê Long Đĩnh – kẻ tiêu biểu cho cái ác vừa chết, Lê triều tuyệt diệt ngay. Đến triều đại nhà Lý, mọi thành quả của các tiên đế đã dày công gầy dựng đã bị hủy trong tay Lý Cao tông. Bằng những hành vi hoang dâm vô độ, ăn chơi trác táng và ham xây cất cung điện như một thứ bệnh hoạn, Lý Cao tông đã biến đất nước thành một chiến trường vĩ đại. Dân tình đói khổ, lầm than “Xác người chết đói nằm gối lên nhau ngoài đường sá, nơi quán chợ. Dân oán trăm bề” [3, tr. 904]. Giặc cướp nổi lên khắp nơi. Triều đình hỗn loạn. Việc mua quan bán tước và hối lộ nhan nhản khắp nước. Cao tông ra đi, tài sản lớn nhất ông để lại cho con là một đất nước suy vi đến cùng cực. Lý Huệ tông lên ngôi trong hoàn cảnh đất nước loạn lạc, các thế lực tranh nhau giành thiên hạ, dân đói ly tán khắp nơi. Khắp nước không một nơi nào bình yên, kể cả cung vua. Vua không làm gì hại dân hại nước nhưng phải gánh chịu những hậu quả do vua cha để lại. Nhà vua không đủ tài năng và thiên uy để điều hành đất nước, yên định trăm họ. Vua lại là người yếu đuối, nhu nhược nên đã bị anh em họ Trần giật dây, để rồi cuối cùng phải chuyển giao quyền lực cho nhà Trần bằng cuộc đảo chính êm thấm vào năm 1225. 4. HÌNH TƯỢNG NGƯỜI KỂ CHUYỆN DỊ SỰ TRONG TÁM TRIỀU VUA LÝ – MỘT THÀNH CÔNG ĐÁNG GHI NHẬN CỦA HOÀNG QUỐC HẢI Sự thay đổi của tiến trình văn học, của các hệ hình văn học luôn có sự vận động của hình tượng người kể chuyện. Từ cách kể chuyện truyền thống với người kể chuyện đóng vai trò “thượng đế” đến sự xuất hiện của cái “tôi” kể chuyện đã tạo một bước đột phá vô cùng lớn lao của tiến trình văn học. Tuy nhiên, trong văn học hiện đại, bên cạnh cái “tôi” là người kể chuyện, các nhà văn hiện đại đã chú ý sử dụng người kể chuyện ngôi thứ ba với tư cách là một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm tự sự. Nhà văn Hoàng Quốc Hải là một trong những nhà văn đã tận dụng triệt để vai trò và chức năng của người kể chuyện dị sự – ngôi thứ ba trong cách xây dựng hình tượng người kể chuyện, và Tám triều vua Lý là một minh chứng cụ thể. Tám triều vua Lý được kể bởi người kể chuyện ngôi thứ ba giấu mặt; người kể chuyện đứng bên ngoài những sự kiện, biến cố của câu chuyện và khách quan kể lại câu chuyện. Đó là người kể chuyện toàn năng, bởi thông qua người kể chuyện mà người đọc được cung cấp những hiểu biết và một cái nhìn tương đối toàn diện và sinh động về một triều đại oai hùng trong lịch sử Việt Nam – triều đại nhà Lý. Với phương thức trần thuật này, người kể chuyện trong tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải vừa mang dáng dấp LÊ THỊ THU TRANG – NGUYỄN THÀNH THI 92   của người kể chuyện truyền thống khi được nhà văn trao cho vị trí “thượng đế” trong lối kể, trong việc xây dựng nhân vật, thậm chí trong việc “sắp xếp” số phận nhân vật nhưng lại vừa mang dáng dấp của người kể chuyện hiện đại khi tác giả đã khéo léo trao điểm nhìn cho nhân vật tạo nên phương thức trần thuật nhân vật hay hiện tượng nhường vai trần thuật. Chính sự kết hợp nhiều gương mặt người kể chuyện đã tạo nên sự di động điểm nhìn và sự luân phiên trần thuật, từ đó, nhà văn giúp người đọc có khả năng cảm nhận đa chiều về hiện thực cuộc sống và lịch sử mở ra cận cảnh hơn. Qua người kể chuyện, Hoàng Quốc Hải có cơ hội thể hiện những tư tưởng, tình cảm cũng như quan điểm riêng của mình một cách tự nhiên. Đồng thời, với quan điểm tiếp cận nhân bản, nhà văn đã hướng điểm nhìn trần thuật vào nội tâm nhân vật, khiến việc tạo cho khách thể cũng chính là nhân vật được đầy đặn và đa chiều hơn. Với phương thức nhường vai trần thuật, người kể chuyện có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào tâm hồn của nhân vật để nói lên tiếng nói của họ. Bởi chỉ có thể nói bằng tiếng nói của nhân vật, suy nghĩ bằng cảm xúc của người trong cuộc, mới thấy hết được cung bậc tình cảm, đi sâu vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn con người, từ đó khơi dậy niềm cảm thông sâu sắc của người đọc. Chính sự cách tân nghệ thuật trong việc xây dựng hình tượng người kể chuyện trong bộ tiểu thuyết, nhà văn đã làm cho chúng ta có cảm giác như tất cả các sự kiện, biến cố, chi tiết, tình huống trong câu chuyện cũng như số phận nhân vật được người kể chuyện thâu tóm trong ống kính của nhà quay phim, sau đó, trình chiếu cho người xem, làm cho tất cả mọi diễn biến trong câu chuyện như là những thước phim cuộc đời có thật trong lịch sử. Thậm chí trong chừng mực nào đó, người đọc dường như cảm thấy câu chuyện trong tiểu thuyết lịch sử chân thực hơn trong cả chính sử. 5. KẾT LUẬN Lịch sử đã lùi về quá khứ gần một thiên niên kỉ, tất cả các sự kiện và nhân vật đã trở thành quá vãng với con người hiện đại. Nhưng bằng tài năng sáng tạo và tâm huyết với những giá trị lịch sử dân tộc, Hoàng Quốc Hải đã dày công phục dựng lại một triều đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc – triều đại nhà Lý. Và người hôm nay, đứng từ nhiều góc nhìn để nhận thức lại lịch sử, để chiêm nghiệm và lý giải về những sự kiện lịch sử và những con người trong lịch sử. Từ đó, giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn, toàn diện hơn về lịch sử dân tộc. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hoàng Quốc Hải (2010). Bình Bắc dẹp Nam. NXB Phụ nữ, Hà Nội. [2] Hoàng Quốc Hải (2010). Con đường định mệnh. NXB Phụ nữ, Hà Nội. [3] Ngô Sĩ Liên (2009). Đại Việt sử ký toàn thư. NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. [4] Trần Huyền Sâm (2010). Những vấn đề lý luận văn học Phương Tây hiện đại (Tự sự học kinh điển). NXB Văn học, Hà Nội. CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG TÁM TRIỀU VUA LÝ 93 Title: FUNCTION OF THE NARRATOR IN TAM TRIEU VUA LY Abstract: Narrator in the work itself is the product of the creative writer to tell the story and the character of functional. Narrator allergic the – all – powerful, third in Tam trieu vua Ly has successfully implemented the basic functions to recreate his historical events and historical figures. The successful construction allergic image the narrator, the third in the novel, Hoang Quoc Hai has made significant contributions to innovation in terms of narrative seen from the movement of the narrator in historical fiction genre. LÊ THỊ THU TRANG Phòng Drics, Trường Đại học Đồng Tháp Số 783, Phạm Hữu Lầu, Phường 6, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp Điện thoại: 01696.838.828. Email : ltttrangdthu@gmail.com PGS. TS. NGUYỄN THÀNH THI Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf13_184_lethithutrang_nguyenthanhthi_14_le_thi_thu_trang_946_2020967.pdf