Chợ ở Tiền Giang nhìn từ góc độ văn hóa học

Mạng lưới chợ của tỉnh Tiền Giang hình thành từ khá lâu, gắn liền với lịch sử ra đời của các chợ làng, chợ xã và mang dấu ấn riêng. Quá trình hình thành và phát triển mạng lưới chợ ở địa bàn Tỉnh cũng gắn liền với truyền thống buôn bán của dân cư và có tác động trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tỉnh nhà. Vì thế, chợ đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán của người dân Tiền Giang. Trên cơ sở nghiên cứu ban đầu, người viết đã giải mã một số nét chính về văn hóa chợ ở Tiền Giang. Đó là các kiểu họp chợ đa dạng (trên đất liền, trên sông nước); cách thức vận chuyển hàng hóa phong phú; nguyên tắc đo lường mang tính phóng khoáng; những tín ngưỡng, phong tục tập quán, kiêng kỵ trong kinh doanh, mang dấu ấn đặc trưng của địa phương. Đồng thời, hệ thống tên chợ ở Tiền Giang còn phản ánh những giá trị hiện thực vùng đất Tiền Giang qua các mặt: địa lý, ngôn ngữ, lịch sử. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của tác giả sẽ bổ sung thêm vào nguồn tài liệu tham khảo, nghiên cứu về các hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa truyền thống trong lĩnh vực văn hóa thương nghiệp của tỉnh Tiền Giang.

pdf7 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 375 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chợ ở Tiền Giang nhìn từ góc độ văn hóa học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 88 – 94 88 CHỢ Ở TIỀN GIANG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ VĂN HÓA HỌC Võ Văn Sơn1 1Trường Đại học Tiền Giang Thông tin chung: Ngày nhận bài: 04/11/2016 Ngày nhận kết quả bình duyệt: 04/01/2017 Ngày chấp nhận đăng: 12/2017 Title: Markets in Tien Giang regarding perspectives of cultural studies Keywords: Market, products, South of Vietnam, Tien Giang, culture Từ khóa: Chợ, hàng hóa, Nam Bộ, Tiền Giang, văn hóa ABSTRACT Markets in Tien Giang have unique images because of being associated with the rivers like floating markets selling vegetables and farm products or some markets are located in the center of villages but near the river in order to transport goods conveniently. This paper presents various cultures of Tien Giang Market, including market networks, sales methods, measurement, transportation, religious practices, and taboo of the market system in Tien Giang. TÓM TẮT Chợ ở Tiền Giang có hình thái độc đáo gắn liền với sông nước, từ chợ nổi tấp nập thuyền ghe bán rau quả và nông sản trên sông đến các chợ nằm ở vị trí trung tâm làng xã gần bến sông, để thuận tiện chuyên chở hàng hóa. Bài báo giới thiệu những nét chính về văn hóa chợ của Tiền Giang: Tổng quan về mạng lưới chợ; Các kiểu họp chợ; Phương thức mua bán, đo lường, vận chuyển hàng hóa; Tập quán tín ngưỡng, kiêng kỵ của hệ thống chợ ở Tiền Giang. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Chợ (1) là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, tiêu thụ hàng hóa, nhằm giải quyết các nhu cầu trong đời sống hàng ngày của người dân. Chợ cùng với những hoạt động của mình đã gắn chặt với tâm thức của người dân Việt Nam. Bên cạnh “nhà”, “làng”, “nước”, chợ trở thành một phần không gian văn hoá theo suốt cuộc đời mỗi con người. Ngoài việc trao đổi, mua bán, chợ còn là nơi giao lưu tình cảm anh em, bạn bè, gia đình, chòm xóm. Có thể nói, chợ là tấm gương phản chiếu sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân ở một vùng, khu vực nhất định. Khách phương xa, nếu muốn khám phá những nét thú vị, đặc sắc về một vùng đất và con người nơi ấy thì không đâu bằng nơi họp chợ. Câu nói cửa miệng “nhất cận thị, nhị cận giang” (nhất gần chợ, nhì gần sông) hay “đem ra chợ bán, đi ra chợ mua” đã trở thành một nét văn hóa quen thuộc của người dân Nam Bộ. Với vị trí đắc địa, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Tiền Giang đã sớm thu hút đông đảo lưu dân người: Việt, Hoa, Chăm, Khmer,... đến định cư, sinh sống lập nghiệp (Đỗ Thị Hảo, 2010) Sự phát triển kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, ngư nghiệp tạo điều kiện cho sự trao đổi hàng hóa giữa các lĩnh vực của địa phương. Hình thức trao đổi các loại hàng hóa ấy diễn ra ở các tụ điểm mua bán ở chợ. Chợ ở Tiền Giang có hình thái độc đáo gắn liền với sông nước, từ chợ nổi tấp nập thuyền, ghe bán rau quả và nông sản trên sông, đến các chợ nằm ở vị trí trung tâm làng xã gần bến sông, để thuận tiện chuyên chở hàng hóa. Chợ ở Tiền Giang ra đời và phát triển cùng với sự hình thành làng xã. Ngay từ khi mới thành lập, chợ ở Tiền Giang là nơi hội tụ dân cư nhiều nơi đến mua bán nhộn nhịp. Vì thế, chợ ở Tiền Giang không chỉ là là nơi mua bán mà còn là biểu tượng An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 88 – 94 89 văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Tiền Giang. Mặc dù đã có vài tác giả thực hiện một số công trình, bài viết khác nhau về chợ ở Tiền Giang nhưng hiện tại, vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu chợ ở Tiền Giang dưới góc độ văn hóa học. Vì vậy, chọn nghiên cứu văn hóa chợ ở Tiền Giang cũng là một phương cách để tác giả dự phần “giải mã” các đặc trưng về: ngôn ngữ, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội... của tỉnh nhà. Đồng thời, hy vọng việc nghiên cứu này còn bổ sung một phần tư liệu cho việc nghiên cứu chợ ở Nam Bộ nói chung. Hình 1. Chợ Mỹ Tho thế kỷ XIX (Ảnh chụp lại: Võ Văn Sơn) Hình 2. Chợ Gò Công thế kỷ XIX (Ảnh chụp lại: Võ Văn Sơn) 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1 Mạng lưới chợ ở Tiền Giang Do nhu cầu điều phối, trao đổi và mua bán hàng hóa của nhân dân nên hệ thống chợ ở Tiền Giang đã sớm hình thành và phát triển. Tác giả Nguyễn Phúc Nghiệp: “Thống kê của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí thì đầu thế kỷ XIX, Tiền Giang có 6 chợ, đến giữa thế kỷ XIX, có thêm 9 chợ nữa được thành lập, nâng tổng số chợ ở Tiền Giang lên 15. Cuối thế kỷ XIX, Tiền Giang có 42 chợ, được phân bố ở 155 làng. Trong đó, có những chợ lớn như: chợ Mỹ Tho, chợ Gò Công, chợ Thanh Sơn (Cai Lậy), chợ An Bình (Cái Bè)... đóng vai trò quan trọng trong việc buôn bán, điều phối nông sản hàng hóa của địa phương và cả khu vực” (Nguyễn Phúc Nghiệp, 1998, tr. 174). Năm 2015, Tiền Giang có 171 chợ nằm rải rác ở khắp các xã, phường, thị trấn, thị xã và thành phố (huyện Cái Bè: 35 chợ, huyện Cai Lậy: 29 chợ, huyện Châu Thành: 18 chợ, huyện Chợ Gạo: 18 chợ, huyện Gò Công Đông: 16 chợ, huyện Gò Công Tây: 17, huyện Tân Phú Đông: 7 chợ, huyện Tân Phước: 6 chợ, thị xã Cai Lậy: 10 chợ, thị xã Gò Công: 13 chợ và thành phố Mỹ Tho: 12 chợ). Theo số điểm kinh doanh tại chợ, hệ thống chợ được phân loại thành: 5 chợ hạng I, 21 chợ hạng II và 145 chợ hạng III (Sở Công thương Tiền Giang, 2015, tr. 4). Mạng lưới chợ ở Tiền Giang phân bố khá đồng đều giữa các huyện, thị, thành. Mỗi huyện, thị, thành đều có một chợ tương đối lớn ở trung tâm. Ngoài chợ trung tâm, mỗi huyện, thị, thành lại có nhiều chợ ở các xã, phường, thị trấn và ấp. Nhiều chợ mang tính chất vùng, có quy mô khá lớn và sầm uất như: chợ Cái Bè, chợ Cai Lậy, chợ Mỹ Tho, chợ Chợ Gạo, chợ Gò Công, đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội của tỉnh nhà. 2.2 Các kiểu họp chợ ở Tiền Giang Qua khảo sát 171 chợ, người nghiên cứu phân chia kiểu họp của các chợ ở Tiền Giang thành hai hình thức: chợ họp trên sông nước và chợ họp trên đất liền. Đa phần các chợ ở Tiền Giang đều họp trên mặt đất (170/171 chợ). Vị trí của chợ thường ở nơi tập trung dân cư đông đúc, là đầu mối giao thương của các làng, xã, thị trấn, thị xã, thành phố. Tính chất chung của chợ họp trên đất liền đó là nơi mua bán công cộng, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân địa phương. Bởi ở đó, bất cứ ai có nhu cầu, đều có thể đến để mua bán và trao đổi hàng hóa, dịch vụ với nhau. An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 88 – 94 90 Các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trên chợ thường được diễn ra theo quy luật và chu kỳ, thời gian như chợ họp ban đêm hoặc ban ngày, vào những ngày giờ nhất định, sao cho thuận tiện việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Thời gian họp chợ được hình thành còn do nhu cầu trao đổi hàng hóa, dịch vụ của từng vùng, hoặc do địa phương quy định. Phần lớn, thời gian họp chợ ở thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy kéo dài hơn các chợ ấp, chợ xã, thị trấn ở nông thôn, vì số lượng dân cư đông đúc và nhu cầu mua sắm của người dân cao. Nguyễn Phúc Nghiệp từng ghi nhận: “Trong thế kỷ XVIII ở Nam Bộ (có Tiền Giang) đã xuất hiện nhiều thị tứ, nhiều tụ điểm buôn bán sầm uất, thể hiện những ưu thế vượt trội của chợ họp trên đất liền” (Nguyễn Thị Thoa, 2012, tr. 64). Vì thế, chợ họp trên đất liền đã trở thành một bộ phận cấu thành rất quan trọng của mạng lưới thương mại của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, chợ nổi Cái Bè (thị trấn Cái Bè) là kiểu họp chợ duy nhất trên sông nước (sông Tiền), được hình thành từ hơn ba trăm năm trước. Tại chợ, người bán và người mua đều dùng ghe, thuyền làm phương tiện di chuyển, vận tải và trao đổi hàng hóa với nhau. Thương lái của chợ nổi Cái Bè hoạt động với hai hình thức: cố định và đi động. Dạng cố định là những thương lái buôn bán hàng hóa tại chỗ trên xuồng ghe. Dạng chợ lưu động là thương lái dùng xuồng ghe của mình chở hàng đi bán ở khắp nơi trên sông, chủ yếu cung cấp hàng hóa cần thiết hàng ngày cho người dân sống ở ven sông và khách du lịch. Hàng hóa buôn bán tại chợ nổi Cái Bè chủ yếu là nông sản (bao gồm các loại trái cây, rau, củ, hoa, cây cảnh). Như vậy, buôn bán hoàn toàn bằng thuyền ghe trên sông nước là đặc trưng nổi bật nhất của chợ nổi ở Nam Bộ nói chung và Tiền Giang nói riêng. Nó phản ánh yếu tố địa lý của vùng dày đặc sông nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa sinh hoạt trong đời sống vật chất của người dân, ngay cả khi họ hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Qua đó cho thấy, trong điều kiện địa hình sông nước chằng chịt như ở Tiền Giang, người dân vẫn có thể tận dụng và sáng tạo để làm kinh tế và phát triển kinh tế một cách thuận lợi nhất. Vì vậy, tác giả Nhâm Hùng cho rằng, “Một ngôi chợ sung túc, hoàn chỉnh sẽ được cấu trúc như sau: nhà lồng chợ - phố xá – bến sông. Nhiều chợ lớn còn liền lạc với cầu cảng, cầu tàu, kho bãi, nhà vựa” (Nhâm Hùng, 2009, tr. 15). 2.3 Phương thức mua bán, đo lường, vận chuyển hàng hóa 2.3.1 Các hình thức buôn bán ở chợ Ở chợ nông thôn Nam Bộ nói chung và Tiền Giang, hình thức buôn bán, trao đổi hàng hóa rất linh hoạt, thể hiện qua các hàng hóa không chỉ bán ở chợ mà có thể ở mọi nơi, mọi lúc, thông qua nhiều cách thức khác nhau. Điển hình như: buôn cố định tại chỗ (buôn đứng và buôn ngồi), bán hàng rong. Hình 3. Buôn ngồi ở chợ Cũ (Ảnh: Võ Văn Sơn) Hình 4. Buôn đứng ở chợ Thạnh Trị (Ảnh: Võ Văn Sơn) - Buôn ngồi: là hình thức người bán ngồi tại sạp và trưng bày các mặt hàng mình cần bán; người mua đi chợ và ghé mua. Hình thức này rất phổ biến và chủ yếu ở các chợ họp cố An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 88 – 94 91 định. Người bán (tiểu thương) chỉ việc ngồi tại những sạp, quầy hàng hóa của mình sắp đặt sẵn trong chợ để buôn bán hàng ngày. Do việc buôn bán này diễn ra một cách đều đặn hàng ngày và lâu dài cho nên người bán cũng có một lượng khách hàng ổn định, thân thiết. - Bán hàng rong: người bán mang hàng hóa đi khắp nơi trong chợ, hay tỏa về các vùng quê nông thôn, hoặc tới từng nhà người dân để buôn bán. Họ vận chuyển bằng các loại phương tiện thô sơ như: xuồng, ghe, xe đạp, xe đẩy, xe máy, xe ba gác, thậm chí là một đôi quang gánh... Phần đông đi bán các mặt hàng nhỏ, lẻ phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân như thực phẩm tươi sống, kẹo bánh, muối, mắm 2.3.2 Các hình thức đo lường hàng hóa ở chợ Các tiểu thương ở Tiền Giang thường xác định việc đo lường hàng hóa bằng cân, đong, đo đếm, thậm chí họ có thể ước lượng số lượng, trọng lượng hàng hóa. Ở các chợ truyền thống đến hiện đại của Tiền Giang đều tồn tại hai kiểu cách mua bán cơ bản là bán sỉ và bán lẻ. Nếu người mua muốn mua sỉ thì người bán sẽ bán với giá rẻ hơn so với người mua lẻ. Hai kiểu mua bán sỉ và lẻ được cụ thể bằng cách đo lường chung, đó là bằng giạ, ký lô, lường bằng lít, chai, lon và đếm thì có đếm thiên, trăm, chục Có khi tính bằng mớ, rổ, cần xé Tất cả những cách thức đo lường đó đã được giới thương nhân tự đặt ra và chấp thuận. Từ đó, họ mang ra sử dụng như một quy tắc bất thành văn. Người mua, người bán cứ theo đó mà tính toán, đo lường. Hình 5. Cảnh buôn bán ở chợ Mỹ Tho năm 1925 (Ảnh chụp lại: Võ Văn Sơn) Hình 6. Cảnh bán cá ở chợ Mỹ Tho năm 1969 (Ảnh chụp lại: Võ Văn Sơn) 2.3.3 Phương thức vận chuyển hàng hóa Ở Tiền Giang cũng như các vùng khác, phương thức vận chuyển hàng hóa thường phụ thuộc vào tính chất địa lý của từng nơi và còn dựa vào nhu cầu của người mua, người bán. Ở các chợ Tiền Giang, các thương lái thường vận chuyển hàng hóa bằng các phương tiện như: xuồng, ghe, tắc ráng, xe tải, xe chuyên chở, xe máy, xe đạp 2.4 Cách thức rao hàng, chào hàng Rao hàng, chào hàng là những hình thức tiếp thị, quảng bá sản phẩm bằng ngôn ngữ thông thường của người bán hàng. Thông qua những tiếng rao, lời chào, chủ yếu thu hút khách hàng ghé xem và mua sản phẩm của mình, góp phần thêm sự rộn rã, nhộn nhịp trong sinh hoạt của mỗi phiên chợ” (Võ Văn Sơn, 2015, tr. 88). Những người buôn bán ở chợ cố định trên đất liền thường dùng những ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày để rao hàng, hay chính xác hơn là chào hàng. Người bán thường tự khen chất lượng hàng hóa của mình bằng những lời quảng bá như: “Chị ơi! Mua mớ rau muống đi, rau tươi lắm nè!”. Để bán được giá, người bán cũng dùng những từ ngữ để gợi cho người mua phải suy nghĩ về chất lượng sản phẩm như: “Chị thêm vài ngàn nhưng mua được hàng tốt nhất, tiền nào của nấy mà”. Đôi khi, người bán còn dùng lời thề thốt để tạo lòng tin cho người mua: “Em thề có trời đất chứng giám, em không cân thiếu cho anh đâu”. Riêng đối với những người dân buôn bán trên chợ nổi Cái Bè, phong cách chào hàng có phần đặc biệt và lý thú. Họ không phải dùng đến lời rao, hay chào hàng bằng miệng nữa, mà rao hàng An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 88 – 94 92 bằng “cây bẹo”. Giới thương hồ thường dùng một cây tre dài (hay còn gọi là cây sào). Ở đó, người ta “bẹo” lơ lửng những món hàng có trên ghe, mỗi thứ một ít gọi là hàng mẫu. Để khi khách hàng tới, họ thấy người thương hồ này bẹo thứ gì thì có nghĩa là trong ghe bán thứ hàng hóa đó. Khách đi chợ cứ ghé thẳng tới ghe và mua hàng. Đây là hình thức tiếp thị khá thú vị, thu hút sự tò mò của rất đông khách du lịch từ xa đến. 2.5 Tập quán tín ngưỡng, kiêng kỵ 2.5.1 Tập quán tín ngưỡng Ở các chợ của Tiền Giang, đa phần các tiểu thương đều bố trí bàn thờ Thần Tài và Ông Địa tại quầy sạp, nơi họ buôn bán, để thờ cúng và cầu mong phát tài. Những ngày mùng hai, mùng mười và ngày mười sáu âm lịch trong tháng, tiểu thương thường cúng dĩa “tam sên”, bao gồm một miếng thịt nhỏ, một con tôm, một trứng vịt cho Thần Tài và Thần Thổ Địa, để cầu mong có nhiều khách đến mua hàng. Ngoài ra, các ngày mười sáu tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười âm lịch, người bán hàng còn tổ chức cúng cô hồn rất trọng thể, với ý nghĩa cúng thí vong linh và cầu mong các vong linh oan khuất ấy sẽ không quấy phá, mà ngược lại phò hộ cho họ buôn may bán đắt. Lễ vật cúng gồm: trà, bánh, gạo muối, giấy tiền vàng bạc.... Đặc biệt, tín ngưỡng của các thương lái ở chợ nổi Cái Bè lại có nét riêng. Họ thường bố trí một bàn thờ Phật hay Bà Thủy (Thủy Long), Bà Cậu trên ghe xuồng của mình, với mong muốn được may mắn, thoát khỏi tai ương, nếu có nạn sẽ được “bề trên” che chở. Những ngày mùng hai và mười sáu âm lịch trong tháng, họ thường mua hoa tươi, bánh trái để cúng. 2.5.2 Tập quán kiêng kỵ Yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của người bán và đã hình thành những tập quán kiêng kỵ trong kinh doanh. Đốt phong long (đốt vía) là một trong những tục kiêng kỵ trong kinh doanh của người Việt Nam nói chung và người dân Tiền Giang nói riêng. Đối với người bán, người mua mở hàng đầu tiên vào sáng sớm ảnh hưởng trực tiếp đến thành quả buôn bán của họ suốt ngày hôm đó. Giả như người đi chợ hỏi mua một món hàng, đã trả giá rồi mà không mua, lại bỏ đi sang gian hàng khác; lúc ấy người bán sẽ thực hành đốt phong long để xua đi sự xui xẻo “nặng vía” mà người mua mang tới. Yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến người đi mua hàng ở chợ. Ví dụ, một số người kiêng mua hàng với số lượng là 4 (ví dụ 4 trái dưa, 4 con cá, 4 ký gạo) vì họ cho rằng số 4 là số tử, không mang lại may mắn trong cuộc sống của họ. Ngoài ra, người đi mua hàng còn kỵ nếu gặp tiền lẻ hay những vật dụng cá nhân của người khác đánh rơi thì không nên lượm lặt. Vì thông thường, một số người đang gặp hạn thường tự giải hạn bằng cách vứt bỏ những thứ ấy, xem như vứt bỏ cái xui của họ. Nếu mình nhận lấy thì sẽ lãnh lại cho họ. Bên cạnh đó, một số người có tâm lý hạn chế xuất hành vào những ngày mùng 5, 14, 23 âm lịch. Bởi vì: “Mùng năm, mười bốn, hăm ba, Đi chơi cũng thiệt, huống là đi buôn" (Nhiều tác giả, 2001, tr. 55). 3. KẾT LUẬN Mạng lưới chợ của tỉnh Tiền Giang hình thành từ khá lâu, gắn liền với lịch sử ra đời của các chợ làng, chợ xã và mang dấu ấn riêng. Quá trình hình thành và phát triển mạng lưới chợ ở địa bàn Tỉnh cũng gắn liền với truyền thống buôn bán của dân cư và có tác động trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tỉnh nhà. Vì thế, chợ đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán của người dân Tiền Giang. Trên cơ sở nghiên cứu ban đầu, người viết đã giải mã một số nét chính về văn hóa chợ ở Tiền Giang. Đó là các kiểu họp chợ đa dạng (trên đất liền, trên sông nước); cách thức vận chuyển hàng hóa phong phú; nguyên tắc đo lường mang tính phóng khoáng; những tín ngưỡng, phong tục tập quán, kiêng kỵ trong kinh doanh, mang dấu ấn đặc trưng của địa phương. Đồng thời, hệ thống tên chợ ở Tiền Giang còn phản ánh những giá trị hiện thực vùng đất Tiền Giang qua các mặt: địa lý, ngôn ngữ, lịch sử. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của tác giả sẽ bổ sung thêm vào nguồn tài liệu tham khảo, khi An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 88 – 94 93 nghiên cứu về các hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa truyền thống trong lĩnh vực văn hóa thương nghiệp của tỉnh Tiền Giang. Chú thích: (1) Định nghĩa:“Chợ là loại hình kinh doanh thương nghiệp có tính truyền thống và phổ biến ở nước ta; được tổ chức tại một địa điểm công cộng; hoạt động theo các chu kỳ thời gian nhất định, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ nhằm thoả mãn nhu cầu sản xuất vật chất, tinh thần của người dân và được quản lý theo luật pháp hiện hành của nhà nước” (Võ Văn Sơn, 2015, tr. 20). (2) Vùng đất Tiền Giang có lịch sử hình thành và phát triển trên 300 năm: “Từ thế kỷ XVII, người Việt từ vùng Ngũ Quảng với nhiều đợt di dân đã đến khai phá vùng đất hoang vu, biến nơi rừng rậm, đầm lầy, sấu bơi, cọp chạy thành những cánh đồng mênh mông, những vườn cây trĩu quả, làm nên nhưng làng xóm trù phú của vùng châu thổ” (Cổng Thông tin điện tử Tiền Giang, 7/7/2015, Tiền Giang đất lành, trái ngọt). Truy cập từ ve-Tien-Giang. MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CHỢ Ở TIỀN GIANG Hình 7. Mua bán ở chợ nổi Cái Bè (Ảnh: Võ Văn Sơn) Hình 8. Cây bẹo ở chợ nổi Cái Bè (Ảnh: Võ Văn Sơn) Hình 9. Một góc chợ Cai Lậy (Ảnh: Võ Văn Sơn) Hình 10. Một góc chợ Cũ (Ảnh: Võ Văn Sơn) Hình 11. Một góc chợ Gạo (Ảnh: Võ Văn Sơn ) Hình 12. Một góc chợ Gò Công (Ảnh: Võ Văn Sơn) An Giang University Journal of Science – 2017, Vol. 18 (6), 88 – 94 94 Hình 13. Chợ Mỹ Tho ngày nay (Ảnh: Võ Văn Sơn) Hình 14. Chợ Biển Tân Thành (Ảnh: Võ Văn Sơn) TÀI LIỆU THAM KHẢO Cổng Thông tin điện tử Tiền Giang. (7/7/2015). Tiền Giang đất lành, trái ngọt. Truy cập từ: thieu-ve-Tien-Giang. Đỗ Thị Hảo. (chủ biên 2010). Chợ Hà Nội xưa và nay. Nhà xuất bản Phụ Nữ. Huỳnh Thị Dung. (2004). Chợ Việt. Nhà xuất bản Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Lương Minh & Các Ngọc. (2012). Chợ tỉnh. chợ quê. Nhà xuất bản Trẻ Nhâm Hùng. (2009). Chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long. Nhà xuất bản Trẻ. Nhiều tác giả. (2001). Tuyển tập tục ngữ - ca dao Việt Nam. Nhà xuất bản Văn học Nguyễn Phúc Nghiệp. (1998). Kinh tế nông nghiệp Tiền Giang thế kỷ XIX. Nhà xuất bản Trẻ. Nguyễn Thị Thoa. (2011). Vai trò của Chợ trong đời sống người Việt. (Luận văn thạc sĩ không xuất bản). Trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.. Sở Công thương Tiền Giang. (2015). Đề án phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Tiền Giang. Trần Ngọc Thêm. (chủ biên năm 2013). Văn hóa Người Việt vùng Tây Nam Bộ. Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ. Võ Văn Sơn. (2015). Văn hóa chợ ở Tiền Giang. (Luận văn thạc sĩ không xuất bản). Trường Đại học Trà Vinh. Võ Văn Sơn. (2015). Về một số địa danh chợ ở Tiền Giang. Tạp chí khoa học Trường Đại học Tiền Giang, (số 2), tr. 150.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf10_vo_van_son_0_0844_2034792.pdf