Can thiệp khủng hoảng

Tóm tắt ý chính: - Can thiệp khủng hoảng cho cộng đồng đang gặp những bức xúc liên quan đến tranh chấp, bất đồng  Một số điểm cần lưu ý khi thực hiện can thiệp cho cho cộng đồng đang gặp những bức xúc liên quan đến tranh chấp, bất đồng: để người dân được lên tiếng, dàn xếp những mâu thuẫn, ngăn cản bạo lực, bình tĩnh và chuyên nghiệp, thường xuyên báo cáo tình trạng bạo lực, nhận ra giới hạn bản thân và tự bảo vệ, cập nhật thông tin cho nhóm và người quản lý  Tiến trình can thiệp: đánh giá, lập kế hoạch, thực hiện, tái đánh giá, tổng kết

pdf26 trang | Chia sẻ: truongthinh92 | Lượt xem: 1589 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Can thiệp khủng hoảng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài 1: SƠ LƯỢC VỀ KHỦNG HOẢNG Ngày nay, từ “khủng hoảng” được sử dụng trong nhiều lãnh vực khác nhau như: khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chánh, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng tinh thần Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu rõ khủng hoảng tinh thần là gì, đặc tính và những biểu hiện của nó ra sao. Nhiều người nhầm lẫn khủng hoảng với chứng rối nhiễu tâm lý; hay một bệnh lý về tinh thần. Song thực tế khủng hoảng tinh thần chỉ là một trạng thái tâm lý có mở đầu, diễn tiến và kết thúc. I. KHÁI NIỆM KHỦNG HOẢNG - Khủng hoảng là một một tình trạng mất cân bằng hay một sự đảo lộn các hoạt động của cảm xúc và lý trí do một biến cố bất ngờ hay một sự kiện bất thường gây nên. Sự kiện hay biến cố này ảnh hưởng tiêu cực trầm trọng tới cá nhân, nhóm hay cộng đồng. - Khủng hoảng là một giai đoạn hay một trạng thái không ổn định, đặc biệt trước những thay đổi nghiêm trọng ngoài mong đợi hay những tình huống nguy kịch. II. ĐẶC TÍNH CỦA KHỦNG HOẢNG Không phải mọi căng thẳng đều là khủng hoảng. Thông thường, khủng hoảng có những đặc tính sau: - Thời gian khủng hoảng thường giới hạn - kéo dài khoảng từ vài giờ đến vài tuần. Trạng thái cân bằng mới sẽ được thiết lập trong khoảng từ 4 - 6 tuần. Đôi khi khủng hoảng diễn ra theo từng cơn, trong khoảng thời gian ngắn. Cũng có trường hợp, do không được hỗ trợ, hoặc không có chiến lược ứng phó phù hợp, khủng hoảng có thể quay trở lại mỗi khi có sự kiện gợi nhớ về nỗi tổn thương cũ; hoặc diễn ra triền miên trong cuộc sống của một người. Song có một điều chắc chắn rằng khủng hoảng không tồn tại mãi nếu chúng ta biết cách đương đầu với nó - Khi bị khủng hoảng, các phương án đối phó thường ngày tỏ ra không còn hữu hiệu nữa. Thiền, lời khuyên của bạn bè hay người thân không còn tác dụng gì - Những vấn đề cũ chưa được giải quyết có nguy cơ tái bùng phát - Khủng hoảng là mối nguy hiểm có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng kể cả tự tử, nhưng đồng thời cũng là cơ hội vì nó buộc con người phải cố gắng nỗ lực giải quyết hay tìm sự giúp đỡ để sống còn - Khủng hoảng trải qua những giai đoạn có thể đoán trước được III. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA KHỦNG HOẢNG Theo Resnk HLP, Ruben HL (1975) trong quyển Emergency Psychiatric Care, các giai đoạn của khủng hoảng được phân chia như sau: Trước khi bị khủng hoảng, cá nhân ở trong một tình trạng thăng bằng, hoạt động chức năng bình thường. Dưới sự tác động của một biến cố tiêu cực bất ngờ, đời sống của một người sẽ gặp nhiều xáo trộn với những cảm xúc, tình cảm, thái độ, hành vi khác với những kinh nghiệm thường nhật. Cá nhân trong khi gặp khủng hoảng có thể thử dùng các phương án đối phó khác nhau để giải quyết vấn đề. Sau giai đoạn khủng hoảng (thường khoảng tối đa là 6 tuần), người đó có thể có phản ứng theo ba loại sau: - Loại phát triển: thân chủ vực dậy từ biến cố và sau đó, với sự trợ giúp của chuyên gia, học những kỹ năng mới và phát triển các điểm mạnh - Loại quân bình: thân chủ trở lại mức độ tiền/trước khủng hoảng nhưng không phát triển thêm các chức năng xã hội mới - Loại đóng băng khủng hoảng: thân chủ không cải thiện nhưng tập thích nghi bằng cách dính vào các thứ độc hại như sử dụng chất gây nghiện là rượu, ma túy, tình dục... Điều này làm cho thân chủ ở trong tình trạng có vấn đề kinh niên IV. CẢM XÚC, SUY NGHĨ VÀ HÀNH VI CỦA NGƯỜI GẶP KHỦNG HOẢNG Theo Hoff Ann Lee (1978), những người bị khủng hoảng thường có một số dấu hiệu chung sau: - Khó quản lý cảm xúc Giai đoạn xáo trộn a. Mức độ thực hiện chức năng cao hơn b. Trở lại mức độ thực hiện chức năng như trước khi bị khủng hoảng * Cộng đồng Chấp nhận * Gia đình Hi vọng mới * Bản thân Ổn định (Bắt đầu hồi phục) c. Ở lại trong khủng hoảng, giảm sút chức năng Tác động Trước khủng hoảng Khủng hoảng Sau khủng hoảng Chối từ Mặc cả Tức giận / thất vọng Trầm uất / buồn sầu Chấp nhận / cam chịu Giai đoạn giải quyết Thử nghiệm và mắc lỗi - Có khuynh hướng tự vẫn hoặc giết người - Uống rượu hoặc làm dụng chất gây nghiện - Phạm pháp - Không có khả năng sử dụng hiệu quả những nguồn hỗ trợ sẵn có Những dấu hiệu này cho ta biết rằng người đó đang bị đe dọa và rất cần sự trợ giúp. Một cách cụ thể, khi ở trong tình trạng như vậy, người này thay đổi cảm xúc, cách nghĩ và cách làm khác với bình thường như mô tả sau: 1. Cảm xúc Căng thẳng là một phần tất yếu của cuộc sống. Nó giúp ta lập ra những kế hoạch phù hợp và có những hành động thiết thực. Thế nhưng ở mức độ trầm trọng hơn, người gặp khủng hoảng thường lo lắng và căng thẳng cao độ. Có thể họ cũng cảm thấy sợ hãi, giận dữ, tội lỗi hoặc bồn chồn. Lo sợ thái quá thì sẽ để lại những hậu quả tiêu cực. Lo sợ được thể hiện bằng nhiều cách như: - Cảm giác kinh hãi, sốc, trầm uất/ buồn sầu - Sợ mất sự kiểm soát - Không có khả năng tập trung vào việc gì hết - Cảm giác vô vọng, không nơi nương tựa - Tủi hổ - chủ yếu là do thấy mình bất tài, kém cõi và cần cậy dựa vào người khác - Tức giận - cơ chế “giận cá chém thớt” (trút những cảm xúc tiêu cực lên người khác) - Lòng tự trọng giảm = sự tự tin giảm, có hình ảnh bản thân rất thấp, thấy mình không có giá trị hay năng lực gì - Các biểu hiện thể lý cho thấy sự lo sợ cao độ gồm xuất mồ hôi hột, mắc tiểu hoài, tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa, tim mạch đập nhanh, đau đầu, tức ngực, đau bụng, nổi ban, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, không thiết tha với chuyện quan hệ tình dục 2. Suy nghĩ và nhận thức - Cảm xúc - đặc biệt là lo lắng cực độ - sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và tiến trình suy tư của con người. Trong lúc gặp khủng hoảng, một người sẽ tập trung mọi sự chú ý của mình vào nỗi đau đớn hiện tại và suy nghĩ mãi biến cố gây nên khủng hoảng. Hậu quả là trí nhớ, và cách họ nhận thức đã bị biến đổi. Họ khó có thể phân loại các sự vật, sự việc; khó xâu chuỗi lại các biến cố trước đó. Họ chỉ nhìn mọi sự theo quan điểm lệch lạc của mình; họ bị rơi vào mê cung không lối thoát. Họ còn không biết được mình là ai và mình có những kỹ năng gì nữa. Tình trạng đau khổ và rối loạn có thể làm hao hụt hoặc biến mất khả năng ra quyết định, năng lực giải quyết vấn đề và những kỹ năng cần thiết để vượt qua khủng hoảng của họ. Sự xáo trộn trong tiến trình nhận thức và năng lực giải quyết vấn đề này làm gia tăng nỗi lo âu vốn có của người bị khủng hoảng. Đôi khi, có những người khi rơi vào tình trạng này e sợ rằng mình phát điên lên mất. - Cần lưu ý rằng, quá trình nhận thức bị trục trặc trong giai đoạn khủng hoảng không phải là một dạng bệnh tâm thần. Nhận thức của người bệnh tâm thần luôn có vấn đề. Còn đối với người bị khủng hoảng, sự rối loạn nhận thức chỉ diễn ra trong một thời gian khủng hoảng và sẽ nhang chóng trở lại bình thường một khi khủng hoảng được giải quyết. - Mitchell và Resnik (1981) đưa ra một biểu đồ so sánh sự khác nhau giữa khả năng suy nghĩ và cảm xúc của một người trong lúc bình thường với trong lúc khủng hoảng như sau: - Lúc bình thường, khả năng suy nghĩ ở mức cao hơn cảm xúc. Trái lại, khi gặp khủng hoảng, khả năng suy nghĩ giảm sút và cảm xúc lại trào dâng rất cao, lấn án lý trí của ta. Tuy vậy, ta luôn có hy vọng rằng ta có thể hồi phục lại trạng thái bình thường sau khi khủng hoảng qua đi. 3. Hành vi - Thông thường, hành vi thường tương ứng với những gì người ta nghĩ và cảm nhận. Nếu một người đang lo lắng quá mức và có những nhận thức sai lệch về những việc đang xảy ra thì người ấy sẽ có những hành vi khác thường. Dấu hiệu hành vi rõ rệt cho thấy một người đang gặp khủng hoảng đó là mất khả năng thực hiện những công việc hàng ngày theo cách thông thường. Ví dụ họ không thể làm những công việc nội trợ như mọi khi, không tập trung học tập được, làm những việc vớ vẩn, vô nghĩa nào đó một cách không có ý thức TỈ LỆ GIỮA LÝ TRÍ VÀ TÌNH CẢM LÝ TRÍ LÝ TRÍ TÌNH CẢM KHI KHỦNG HOẢNG LÚC BÌNH THƯỜNG TÌNH CẢM - Bên cạnh đó, những hành vi xã hội cũng thay đổi. Họ có thể rút lui, co cụm lại, cắt đứt những liên lạc xã hội đã có trước đó hoặc giữ khoảng cách với người khác, kể cả người thân hay bạn bè. Hoặc trái lại, họ làm mọi cách để không ở một mình, họ tỏ ra lệ thuộc, bám chặt vào ai đó hay đòi hỏi người khác phải làm chuyện này, chuyện nọ chọ họ. - Một số người trong khi khủng hoảng lại có những hành động bốc đồng gây hại cho bản thân và cho người khác như lái xe bạt mạng, rạch tay, tìm cách tự tử, tấn công người khác để giải tỏa căng thẳng, ức chế. Một số khác thì khước từ sự giúp đỡ của bạn bè vì cảm thấy tuyệt vọng, không còn là mình nữa, không muốn đương đầu nữa, và không chấp nhận rằng mình bất lực. - Để né tránh những đau khổ hiện tại, nhiều người bắt đầu sử dụng và ngày càng trở nên phụ thuộc vào các chất kích thích như rượu, ma túy, thuốc lắc; hoặc các hành vi khác như hành vi tình dục, chơi game Song, càng về sau lượng chất kích thích họ sử dụng tăng lên, sự phụ thuộc của họ càng lớn và nỗi đau khổ càng trở nên bế tắc hơn. - Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của mỗi người sẽ khác nhau, không ai giống ai hoàn toàn. Cũng vậy, phản ứng của một người không phải lúc nào cũng thống nhất. Ở mỗi thời điểm, hoặc mỗi sự kiện, người ấy sẽ có những phản ứng riêng. Vì lẽ đó, nhân viên công tác xã hội cần khám phá ra những phản ứng của từng người ở thời điểm hiện tại với những biến cố lúc này đây. Cách đơn giản nhất để tiếp cận được tình trạng tổn thương của thân chủ là đặt câu hỏi như: “Anh/chị cảm nhận thế nào về những chuyện đã hoặc đang xảy ra? Anh chị đã và đang làm gì để đối phó với những gì đang đánh động mình?...” Tóm tắt ý chính: - Khái niệm khủng hoảng: tình trạng mất cân bằng, sự đảo lộn các hoạt động của cảm xúc và lý trí do một biến cố bất ngờ gây nên - Đặc tính của khủng hoảng: giới hạn thời gian, khả năng đối phó không còn hữu hiệu, vấn đề cũ có thể tái phát, nguy hiểm nhưng cũng là cơ hội phát triển, có thể đoán trước được - Các giai đoạn của khủng hoảng: Tiền khủng hoảng (hoạt động chức năng bình thường), khủng hoảng (nhiều rối loạn) và hậu khủng hoảng (hoặc phát triển, hoặc trở lại bình thường hoặc đóng băng) - Cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người gặp khủng hoảng thường mang tính tiêu cực, không giống với khi bình thường trong đó mức độ nhận thức suy giảm và mức độ cảm xúc leo thang Bài 2: CAN THIỆP KHỦNG HOẢNG I. MỤC TIÊU CỦA CAN THIỆP KHỦNG HOẢNG Can thiệp khủng hoảng là một quá trình chủ động tác động lên việc thực hiện chức năng của cá nhân trong suốt giai đoạn người đó mất cân bằng. Việc can thiệp khủng hoảng nhằm các mục tiêu cụ thể sau: - Làm giảm bớt tác động tức thời của biến cố bất ngờ gây khủng hoảng - Huy động mọi năng lực và tài nguyên xã hội của thân chủ và của những ai có ảnh hưởng trực tiếp đến thân chủ để giúp thân chủ đối phó với những tác hại của khủng hoảng - Cung cấp sự bảo vệ cho những người liên quan - Giúp những người bị ảnh hưởng sớm trở lại mức độ thực hiện chức năng trước khi bị khủng hoảng II. TIÊU CHÍ ĐỂ CAN THIỆP KHỦNG HOẢNG Để có thể biết chắc cần can thiệp khủng hoảng, thông thường, người ta thường dựa vào một số tiêu chí như sau: - Hoàn cảnh đặc biệt hiểm nghèo gây ra lo lắng, xáo trộn đời sống hiện tại của thân chủ cách trầm trọng - Một biến cố nguy hiểm làm tăng thêm sự lo lắng đã có nơi thân chủ - Một bằng chứng rõ ràng cho thấy thân chủ đang trong cơn khủng hoảng tâm lý - Thân chủ có động cơ mạnh mẽ và ước muốn vượt qua khủng hoảng - Thân chủ có tiềm năng điều chỉnh tâm lý trở lại như trước hoặc vượt mức so với giai đoạn trước khi bị khủng hoảng - Khả năng nhận ra những nguyên nhân tâm lý nào đã dẫn đến hoàn cảnh hiện tại III. NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN TRONG CAN THIỆP KHỦNG HOẢNG - Can thiệp tức thời và nhanh chóng: Khủng hoảng là lúc thân chủ gặp hiểm nguy (vì có nguy cơ tự vẫn) trong đó thời gian can thiệp rất giới hạn. Khi ai đó yêu cầu giúp đỡ, nhân viên công tác xã hội sẽ nhận định xem thân chủ có gặp khủng hoảng không. Nếu xét rằng có, ta cần đến gặp họ ngay, càng sớm càng tốt. - Hành động: Trong can thiệp khủng hoảng, nhân viên công tác xã hội chủ động tham gia và hướng dẫn quá trình đánh giá hoàn cảnh cũng như cùng với thân chủ lập kế hoạch hành động để thân chủ thực hiện - Giới hạn mục đích: Mục đích tối thiểu của can thiệp khủng hoảng là đẩy lùi tác động tiêu cực của thảm họa, giúp thân chủ phục hồi lại trạng thái cân bằng, đồng thời hy vọng rằng sẽ có một sự tiến triển hơn nào đó nơi thân chủ - Hy vọng và mong chờ: Nhân viên công tác xã hội trước tiên phải đầy tràn hy vọng rằng thân chủ sẽ vượt qua khó khăn, và sẽ phát triển. Niềm hy vọng này sẽ thể hiện trong phương cách tiếp cận, thái độ và sự tin tưởng rằng sẽ có những thay đổi đáng kể nơi thân chủ và hoàn cảnh hiện tại. - Nâng đỡ: Nhân viên công tác xã hội phải là người đầu tiên nâng đỡ thân chủ thật nhiều, luôn hiện diện cùng với thân chủ trong suốt quá trình can thiệp. Cần thận trọng khi nâng đỡ thân chủ sao cho vừa đủ mà không quá dư thừa, không cần thiết. - Tập trung vào giải quyết vấn đề: Đây là cột trụ của can thiệp khủng hoảng; nó định hình và hỗ trợ toàn bộ tiến trình can thiệp. Ta sẽ xác định vấn đề đã dẫn đến khủng hoảng và sau đó hỗ trợ thân chủ trong việc lập kế hoạch, thực hiện các bước nhằm giải quyết vấn đề. Ta và thân chủ sẽ quy hướng vào vấn đề và vào tiến trình giải quyết vấn đề, tránh lệch hướng và lạc lối. - Tự nhận thức bản thân: Nhân viên công tác xã hội cần thường xuyên đánh giá và tìm hiểu sự tự nhận thức về bản thân của thân chủ, để xem xét cẩn thận những tác động do việc can thiệp tạo ra và để bảo đảm cũng như gia tăng những tác động đó. Ta có thể thực hiện công việc này bằng nhiều cách như gia tăng tương quan tốt đẹp với thân chủ, giảm sự phòng thủ với thân chủ, huy động năng lực và điểm mạnh của thân chủ để giải quyết vấn đề. - Tự lực: Từ ban đầu, cần để ý nuôi dưỡng sự tự lực và chống lại sự lệ thuộc. Điều này đòi hỏi ta biết cân bằng giữa sự tự lực và nhu cầu hỗ trợ của thân chủ. IV. CÁC BƯỚC TRONG CAN THIỆP KHỦNG HOẢNG Theo Corwin (2002) và Dixon (1987) tiến trình can thiệp khủng hoảng được thực hiện qua 8 bước như trình bày bên dưới. Các bước này có thể được lồng ghép với nhau và được ứng dụng chung cho nhiều dạng khủng hoảng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, tùy mỗi cá nhân với những đặc tính khác nhau sẽ cần một sự quan tâm cách riêng, vì thế nhân viên công tác xã hội cần linh hoạt, uyển chuyển khi vận dụng những bước can thiệp này vào thực tế. Cũng cần lưu ý là nên ghi chép cẩn thận ở mỗi bước để có thể thường xuyên theo dõi, điều chỉnh và lượng giá tiến trình can thiệp cũng như viết báo cáo ca sau này. 1. Bước 1: Nhanh chóng thiết lập tương quan tích cực Khủng hoảng được xem là nguy hiểm, đe dọa an sinh của những cá nhân có liên quan, vì thế: - Cần can thiệp nhanh chóng, tức thời, gặp thân chủ càng sớm càng tốt - Ân cần đón tiếp thân chủ, với lòng kính trọng, sự nhiệt tình và chấp nhận thân chủ vô điều kiện - Giới thiệu bản thân mình là một người trợ giúp thân chủ - Quan tâm đến cảm xúc của thân chủ Tiến trình can thiệp tùy thuộc vào tương quan giữa nhân viên công tác xã hội và thân chủ ngay cuộc gặp gỡ đầu tiên. Nhân viên công tác xã hội cần cố gắng tạo ra bầu khí dễ dàng, thoải mái để thân chủ có thể nói chuyện được. Tuy nhiên, đây không chỉ là một cuộc nói chuyện thông thường nhưng phải là một cuộc nói chuyện hữu ích. Muốn thế, ta cần quan tâm đến chất lượng giao tiếp với thân chủ. Sau đây là một số nguyên tắc giúp hai bên giao tiếp tốt với nhau: - Từng người một nói. Người nghe phải chú tâm nghe, để hiểu được quan điểm của người kia. Thỉnh thoảng đưa ra những câu hỏi phản hồi để kiểm tra xem mình có hiểu đúng đối phương không. - Mỗi người nói cho chính mình chứ không nói thay cho người khác. - Phân biệt rõ ràng giữa tư tưởng và cảm xúc, giữa sự kiện và quan điểm. - Không nên bỏ qua những gì còn mơ hồ hoặc chung chung, cần phải nói cụ thể, rõ ràng để mọi người cùng hiểu như nhau. - Giải thích và làm sáng tỏ, chứ không tranh cãi khi khác biệt ý kiến và quan điểm. Nếu không thể giải quyết được những khác biệt này thì nên ghi chép lại và đôi khi có thể gác qua một bên. - Mỗi người có thể nói hết ý của mình mà không bị người khác cắt ngang, nhưng cần đối thoại chứ không phải độc thoại. - Mọi người đều tham gia đàm luận và ai cũng có cơ hội lên tiếng. Bên cạnh đó, khi giao tiếp với thân chủ là một nhóm, một gia đình, ta cần quan tâm đến một số điểm khác: - Chịu trách nhiệm - nhân viên công tác xã hội cần kiểm soát buổi gặp gỡ, duy trì việc giao tiếp tốt, kiểm soát mức độ và những biểu hiện thù địch, ngăn ngừa áp lực hoặc tổn thương cho cá nhân, và kiểm soát mức độ lo lắng của từng cá nhân lẫn của những người khác. - Giám sát âu lo - nhân viên công tác xã hội nên ý thức mức độ lo âu trong cả nhóm và ở mỗi cá nhân và điều chỉnh mức độ đó. - Tạo bầu khí - nhân viên công tác xã hội nên lưu ý đến bầu khí cuộc trao đổi và liên tục hướng nó đến trạng thái mình mong muốn. Bầu khí bao gồm cảm xúc, cảm nhận trong cuộc trao đổi như căng thẳng, ước muốn, sự thù địch, tính hài hước. Có hai kỹ thuật đặc biệt giúp duy trì bầu khí tích cực.  Đổ thêm vào - đây là kỹ thuật làm gia tăng bầu khí tích cực, giảm thiểu sự thù nghịch, và giúp nâng cao lòng tự trọng. Kỹ thuật này dựa trên giả thuyết cho rằng, con người vốn dĩ ai cũng đều tốt lành (nhân chi sơ tính bản thiện) và mọi hành động đều có ít nhất một động cơ tích cực và vị tha. Nếu thấy bầu khí đang thuận lợi, nhân viên công tác xã hội có thể động viên, thúc đẩy mọi người duy trì hoặc gia tăng sự tin tưởng và thân thiện với nhau.  Nghịch lý - đây là kỹ thuật mà trong đó các thân chủ, đặc biệt là gia đình bị đặt vào những vị trí xung đột nhau và buộc mọi người phải nỗ lực để thay đổi sao cho tương quan giữa họ trở nên tốt hơn. 2. Bước 2: Gợi mở và khuyến khích thân chủ bộc lộ cảm xúc, tình cảm đau buồn - Hầu như những người gặp khủng hoảng đều bộc lộ rõ ràng một số cảm xúc đau khổ và bối rối. Nhân viên công tác xã hội khéo léo giúp thân chủ giải tỏa được những cảm xúc đang chất chứa trong lòng họ, và khai thông những ưu sầu. Nhân viên công tác xã hội tỏ ra đồng cảm, chăm chú lắng nghe, trấn an thân chủ rằng, những xúc động mạnh nơi họ là những phản ứng hết sức bình thường trong tình huống khó khăn này. Bên cạnh đó, nhân viên công tác xã hội có thể hướng dẫn thân chủ một số kỹ thuật thư giãn cơ bản, để giúp họ giảm căng thẳng. - Các câu hỏi có thể sử dụng: Xin nói cho tôi biết cảm xúc của anh/chị thế nào? Anh/ chị cảm thấy ra sao? Điều gì đã khiến anh /chị cảm nhận như vậy? Xin anh chị mô tả anh chị cảm thấy thế nào? - Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây không phải là thời điểm để điền vào bảng câu hỏi, hay thực hiện trắc nghiệm nhân cách Trong thời gian này, ta cần động viên, khuyến khích cá nhân bộc lộ cảm xúc thật của mình. Thỉnh thoảng trong tình trạng khủng hoảng, thân chủ có thể gặp khó khăn trong việc trình bày một cách rõ ràng những điều mình muốn nói. Khi gặp phải những trường hợp như thế, nhân viên công tác xã hội cần kiên nhẫn chờ đợi. Bất kỳ những dấu hiệu khó chịu, hối thúc, mất kiên nhẫn của nhân viên công tác xã hội sẽ có thể gây bất lợi cho việc bộc lộ của thân chủ và làm hỏng tiến trình can thiệp khủng hoảng. 3. Bước 3: Trao đổi với nhau về biến cố tạo nên khủng hoảng - Việc thảo luận với nhau về biến cố tạo nên khủng hoảng chỉ có thể bắt đầu sau khi thân chủ đã nói ra được hết những cảm xúc đớn đau trong lòng. Trong khi trao đổi với nhau, cần chú ý đến cách thức thân chủ giải thích và bộc lộ những khó khăn. Nếu thân chủ thiếu nhất quán và logic, nhân viên công tác xã hội nên sử dụng những kỹ thuật vấn đàm để giúp thân chủ làm sáng tỏ những suy nghĩ, những nhận định và những cảm xúc của mình. Nhân viên công tác xã hội cần chủ động, tích cực tham dự vào, và hướng dẫn trong buổi làm việc đầu tiên. Lắng nghe, thu thập và làm sáng tỏ thông tin là rất quan trọng ở bước này. 4. Bước 4: Đánh giá các vấn đề, tài nguyên và điểm mạnh - Một khi các bước trên tiến triển tốt đẹp, nhân viên công tác xã hội chuyển sang đánh giá vấn đề, tài nguyên, điểm mạnh và những thứ khác. Nhân viên công tác xã hội phải bảo đảm được ít nhất ba điểm sau. Thứ nhất, họ phải nhanh chóng nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình thân chủ, những suy nghĩ của họ về hoàn cảnh hiện tại, hệ thống gia đình họ. Thứ hai, họ phải biết được tiến trình khủng hoảng, chuỗi các sự kiện nào đã dẫn đến khủng hoảng. Thứ ba, họ phải xác định vấn đề nào đã khơi mào cho chuỗi các sự kiện này. Có như thế, nhân viên công tác xã hội mới xác định được nguyên nhân nào tạo ra tình trạng khủng hoảng, quan điểm của thân chủ về hoàn cảnh hiện tại, mức độ thực hiện các chức năng nhận thức, hành vi của họ. - Bên cạnh đó, ngay từ đầu nhân viên công tác xã hội cần phải nhìn thấy được, khám phá và ghi nhận mọi nỗ lực giải quyết vấn đề, cơ chế ứng phó và thích nghi, tài nguyên và mọi điểm mạnh của thân chủ. Một cách cụ thể, kết thúc bước này, nhân viên công tác xã hội phải có thể trả lời rõ ràng các câu hỏi sau đây:  Chuyện gì đã xảy ra?  Vấn đề ở đây là gì?  Việc đó xảy ra khi nào?  Việc đó xảy ra ở đâu?  Tại sao việc đó lại xảy ra?  Ai là những người liên quan?  Thân chủ nhìn nhận vấn đề thế nào?  Đã từng trải qua sự kiện tương tự trước đó?  Thân chủ có tài nguyên, kỹ năng, điểm mạnh, điểm yếu gì?  Có những giải pháp, những chọn lựa, hành động gì để giải quyết vấn đề?  Những hành động đó có thể đem lại những kết quả gì? 5. Bước 5: Phân tích và giải thích cho thân chủ về tình trạng khủng hoảng Nhân viên công tác xã hội phân tích rõ ràng sự kiện gây nên khủng hoảng và giải thích cho thân chủ biết lý do tại sao họ lại có những phản ứng như thế. Lưu ý không nên giải thích cách phản ứng của thân chủ mà tập trung giải thích nguyên nhân và ý nghĩa của sự kiện đối với thân chủ. Bằng cách này, nhân viên công tác xã hội giúp thân chủ nhận thức và hiểu biết về tình trạng của họ. 6. Bước 6: Phục hồi chức năng nhận thức (khôi phục lý trí) Thông thường, trong suốt giai đoạn khủng hoảng, thân chủ tràn ngập lo âu, cảm giác tuyệt vọng, thất bại, mặc cảm có lỗi, tự ti. Phục hồi nhận thức là khôi phục, làm gia tăng lòng tự tôn - tự trọng, thúc đẩy niềm hy vọng và những mong đợi tích cực nơi thân chủ. Nhân viên công tác xã hội giúp thân chủ tin tưởng vào khả năng, năng lực của bản thân cùng những tài nguyên sẵn có để họ có thể vượt qua cơn khủng hoảng. 7. Bước 7: Lên kế hoạch, phân chia công việc, và giúp thân chủ hành động - Đôi bên cùng nhau xây dựng một kế hoạch dự kiến lâu dài nhằm điều chỉnh một số lệch lạc trong nhận thức, tận dụng mạng lưới hỗ trợ và xem xét các chiến lược ứng phó, để nhắm đến giải quyết vấn đề của thân chủ. Kế hoạch của đôi bên cần phải cụ thể, đo lường được, có hành động thực tế và thời gian rõ ràng (SMART). - Phương pháp phân chia công việc là một kỹ thuật quan trọng trong can thiệp khủng hoảng, trong đó, cả thân chủ và nhân viên công tác xã hội đồng thời tham gia thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Về phía thân chủ, họ cam kết thực hiện một số việc cụ thể trước lần gặp tiếp theo. Phương pháp này huy động nỗ lực và mọi chú ý của thân chủ, giúp họ biết tổ chức hoàn cảnh xáo trộn hiện tại. Đây là một công cụ chủ đạo, hướng thân chủ vào một hướng đi cụ thể, có mục đích rõ ràng. Nó làm cho thân chủ thay đổi hình ảnh bản thân và quan niệm của mình đối với hoàn cảnh hiện tại. Nó giúp thân chủ giảm bớt căng thẳng, để tập trung vào giải quyết vấn đề. Về phía mình, trong kế hoạch của bản thân, nhân viên công tác xã hội cũng xác định mục tiêu cho mỗi lần gặp, và cách thức quản lý cuộc gặp gỡ, các công việc cần làm để hỗ trợ thân chủ cách hiệu quả. - Một công cụ nữa giúp hoàn thành công việc đó là lập kế hoạch có sự tham gia. Điều này có nghĩa là cùng với thân chủ lập tiến trình hành động theo từng bước một, hết bước này đến bước khác. Bên cạnh đó, ta cùng với thân chủ đoán trước những gì có thể không đi đúng hướng, những yếu tố khách quan có thể xuất hiện gây hại bất ngờ và làm thế nào để đối phó với chúng. Việc sử dụng công cụ này đem lại hai lợi ích to lớn. Thứ nhất, thân chủ sẽ không ảo tưởng rằng, mọi vấn đề của họ sẽ được giải quyết ổn thỏa, thuận buồm xuôi gió, và vì đã được chuẩn bị nên họ sẽ ở tâm thế sẵn sàng lướt thắng khi gặp những trở ngại đầu tiên. Nếu đoán trước được những trở ngại có thể gặp phải, thân chủ sẽ sẵn sàng lên kế hoạch để đối phó và làm cho sự việc dễ dàng thuận lợi hơn. Ít nhất nhân viên công tác xã hội và thân chủ sẽ diễn tập cách thức giải quyết khó khăn trước khi xảy ra để tránh bất ngờ cho thân chủ. Thứ hai, việc lập kế hoạch có sự tham gia cho thân chủ thấy rằng, thay vì ngồi tranh cãi không biết phải làm gì đây, thì giờ đây họ đã biết trước phải làm gì rồi và bắt tay vào hành động. 8. Bước 8: Kết thúc can thiệp và theo dõi - Sau khi khủng hoảng đã được giải quyết, cá nhân đã trở lại mức độ trước khi bị khủng hoảng thì có thể kết thúc can thiệp. Nhân viên công tác xã hội nên sử dụng một phương thức kết thúc can thiệp cụ thể. Cần giúp thân chủ so sánh giữa trước khi can thiệp và hiện tại để xem họ đạt được mức độ nào, họ đã làm gì để tiến triển đến như bây giờ. Làm như thế là ta đã nhìn nhận những thành quả tích cực và những kỹ năng đối phó mới họ đã đạt được, và giúp họ nhận ra giá trị của mình. Ta nên đối chiếu lại kết quả với kế hoạch can thiệp để xem có đạt được mục tiêu đề ra không. Ta cũng không nên quá tự tin với những kết quả hiện thời, và nên mở ngõ để thân chủ có thể quay lại nếu cần sự trợ giúp sau này. Ta cần bày tỏ cho thấy rằng, mình vẫn tiếp tục quan tâm giúp đỡ thân chủ, bằng cách xin thân chủ cho mình thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm họ trong một thời gian nữa. - Bước theo dõi thì khá đơn giản. Mục tiêu của các cuộc điện thoại để theo dõi đó là kéo dài sự hỗ trợ từ xa và động viên thân chủ tiếp tục đối phó với các vấn đề. Một khi nhân viên công tác xã hội gọi điện thoại cho thân chủ thì cũng giúp cho thân chủ nhận ra rằng, họ có thể quay trở lại xin trợ giúp nếu cần. - Phần thứ hai của bước kết thúc ca đó là viết một bản tóm tắt ca, trong đó, ta phân tích vấn đề và mô tả các bước đã thực hiện. Bên cạnh đó, nhân viên công tác xã hội cần ngồi lại suy nghĩ và xem xét lại sự tiến bộ của thân chủ trong suốt quá trình can thiệp, những gì đã làm tốt và những gì chưa làm được, lý do tại sao. Công việc này rất cần thiết vì nhân viên công tác xã hội có thể hay quên, hay nhầm lẫn ca này với ca kia, và vì đôi khi thân chủ có thể gọi điện thoại hỏi ta một số việc. - Một khía cạnh quan trọng khác của can thiệp khủng hoảng đó là chuyển gởi. Đây là một phần của việc xây dựng mạng lưới và vận động nguồn lực. Cần chuyển gởi cách khéo léo sao cho thân chủ không cảm thấy mình bị bỏ rơi, bị khước từ, bị mất đi sự nâng đỡ. Sau khi chuyển gởi cũng cần theo dõi một thời gian để biết chắc thân chủ được trợ giúp. - Cần lưu ý rằng trong quá trình can thiệp khủng hoảng, không áp dụng các bước trên đây một cách cứng ngắc, theo thứ tự mà có thể thực hiện linh hoạt, xen kẽ tùy từng trường hợp. Tóm tắt ý chính: - Mục tiêu của can thiệp khủng hoảng: tác động lên việc thực hiện chức năng của người bị khủng hoảng sau khi đã làm giảm bớt những tác hại của khủng hoảng - Tiêu chí để can thiệp khủng hoảng: hoàn cảnh, bằng chứng, ước muốn, tiềm năng - Tám nguyên tắc căn bản trong can thiệp khủng hoảng: Tức thời - nhanh chóng, hành động cụ thể, có mục đích rõ ràng, luôn hy vọng, luôn nâng đỡ, tập trung giải quyết vấn đề, nâng cao khả năng tự lực và tự nhận thức - Tám bước trong can thiệp khủng hoảng:  Nhanh chóng thiết lập tương quan tích cực  Gợi mở và khuyến khích thân chủ bộc lộ cảm xúc, tình cảm đau buồn  Trao đổi với nhau về biến cố tạo nên khủng hoảng  Đánh giá các vấn đề, tài nguyên và điểm mạnh  Giải thích cho thân chủ  Phục hồi chức năng nhận thức  Lên kế hoạch, phân chia công việc, và giúp thân chủ hành động  Kết thúc can thiệp và theo dõi Bài 3: CAN THIỆP KHỦNG HOẢNG CHO THÂN CHỦ CÓ THÂN NHÂN VỪA MỚI QUA ĐỜI I. CÁC GIAI ĐOẠN PHẢN ỨNG TRƯỚC CÁI CHẾT Trong cuộc đời mỗi người, đôi khi ta phải đối diện với những cái chết báo trước. Cái chết này có thể là của bản thân mình hoặc có thể của người thân nào đó. Lý thuyết của Elisabeth Kubler-Ross về sự hấp hối và cái chết (1969) giúp ta hiểu rõ hơn quá trình con người đối diện trước những cái chết báo trước: - Giai đoạn 1: Phủ nhận Đây là giai đoạn đầu tiên, trong đó người ta biết được thông tin rằng, họ hoặc người thân đang hấp hối. Trong giai đoạn phủ nhận này, người ta có thể nghĩ rằng “Không, không phải mình đâu!” hoặc là “Chắc phải có sự nhầm lẫn gì đây!” hoặc “Tại sao lại là người thân của tôi chứ?” - Giai đoạn 2: Tức giận Một khi con người đã qua giai đoạn phủ nhận, phản ứng tiêu biểu kế tiếp mà ta thấy được đó là tức giận. Đây là cách thức con người giải tỏa những cảm xúc mãnh liệt của mình. Người ta có thể mắng nhiếc người xung quanh, gia đình và thậm chí cả Trời đất nữa. Một số kiểu giận dữ có thể có là “Tại sao lại là vậy hả Trời?” hoặc “Tại sao ông Trời lại làm điều này với tôi!” hoặc “Tôi đã làm gì để đáng chịu như thế này?” - Giai đoạn 3: Mặc cả, ngã giá Một khi cơn giận đã nguôi đi, người ta có thể thử mặc cả với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc với Trời để phục hồi lại sức khỏe. Kiểu phản ứng tiêu biểu là “Nếu tôi khỏe trở lại, tôi sẽ đi nhà thờ/ chùa, tôi sẽ dâng cúng tiền bạc, của cải” hoặc “Nếu cho tôi thêm thời gian, tôi sẽ” hoặc “Tôi hứa tôi sẽ sống tốt hơn nếu để cho tôi sống”. Thậm chí những người không tin vào Chúa cũng thường mặc cả với một quyền lực cao cả hơn nào đó. - Giai đoạn 4: Trầm cảm Một khi nhận ra mặc cả không đưa lại kết quả gì, người ta thường rơi vào trầm cảm. Đôi khi trầm cảm là chủ động: người ta chủ động than thở những mất mát đang đến hoặc sẽ đến. Đôi khi trầm cảm là thụ động: người ta trở nên câm lặng và co lại không tiếp xúc với ai. - Giai đoạn 5: Chấp nhận Sau khi đã trải qua những giai đoạn trước, con người có được sự bình an để chấp nhận rằng, họ hoặc ai đó sẽ chết. Nếu đạt đến giai đoạn chấp nhận này, họ thường có thể giải quyết những việc còn dang dở và viết đoạn kết cho những mối quan hệ và cuộc đời mình. Kubler thấy rằng, nhiều người đã trải qua những giai đoạn như thế và một số người bị mắc kẹt ở một giai đoạn thì không thể bước tiếp giai đoạn tiếp theo, và như thế họ sẽ gặp khủng hoảng. Tuy nhiên cũng có một số người sẽ bỏ qua một hoặc hai giai đoạn nào đó, hoặc có người lại quay về giai đoạn trước đó. Học thuyết này cho biết những phản ứng trước sự hấp hối và cái chết. Ta có thể sử dụng nó để hiểu thêm những trạng thái cảm xúc của thân chủ khi đối diện với những mất mát, để giúp họ có thể chấp nhận và có được sự bình an trước những mất mát này. II. CÁC YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH MỨC ĐỘ ĐAU BUỒN, KHỦNG HOẢNG VÌ MẤT NGƯỜI THÂN Sau đây là những yếu tố nhân viên công tác xã hội cần xem xét trước khi can thiệp, để đáng giá mức độ đau buồn hay khủng hoảng vì mất người thân của thân chủ: - Người đã khuất là ai đối với thân chủ: người thân trong gia đình, bạn bè - Bản chất mối tương quan gắn bó giữa đôi bên: mức độ gắn bó, vai trò của người đã khuất - Nguyên nhân của cái chết: tự nhiên, tai nạn, tự tử, bị giết - Các sự việc trong quá khứ: đã từng mất những người rất thân yêu, hoặc đã từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng khác trong đời chưa - Tính cách: cách thức bộc lộ cảm xúc, giải quyết căng thẳng, và ứng phó - Bối cảnh xã hội: nền tảng văn hóa, tôn giáo, sắc tộc, nghi lễ III. NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA SỰ ĐAU BUỒN VÌ MẤT NGƯỜI THÂN Tình cảm hoặc cảm xúc Buồn sầu Tức giận Lo âu Cô độc Không nơi nương tựa Sốc Tê liệt Mong mỏi Dằn vặt Mặc cảm tội lỗi Tự trách móc Suy nghĩ hoặc nhận thức Hoài nghi Nhầm lẫn Ưu tư Ảo giác Không thể quyết định được chuyện gì Nhận thấy người chết hiện diện Cảm nhận về mặt thể chất Mất nhân cách Khô miệng Cổ họng căng cứng Quá nhạy với tiếng động Thiếu năng lượng Dạ dày trống rỗng Tức ngực Thở hổn hển Suy cơ Hành vi Ngủ không yên Ăn không ngon Thở dài Khóc lóc Tránh giao tiếp Có những hành vi quên trước quên sau Tìm kiếm và gọi tên người đã chết Tránh/cất giữ cẩn thận/sử dụng những đồ vật của người đã chết Bắt chước hành vi của người đã chết Thăm lại những nơi chốn nhắc nhớ về người đã chết IV. TRỊ LIỆU CHO THÂN CHỦ CÓ NGƯỜI THÂN QUA ĐỜI 1. Mục tiêu can thiệp cho thân chủ có người thân qua đời Xác định và giải quyết những xung đột nội tâm đã làm cản trở thân chủ vượt qua giai đoạn thương tiếc. 2. Tiến trình trị liệu Tiến trình này gồm 9 bước trong đó thân chủ đóng vai trò chủ động, nhân viên công tác xã hội làm nhiệm vụ hỗ trợ, nâng đỡ. - Loại trừ những đau yếu về thể chất - Lập thỏa thuận và xây dựng tình liên đới - Khơi lại những kỷ niệm về người đã khuất - Đánh giá 4 công việc chưa hoàn tất - Đối phó với những tác động do những kỷ niệm về người đã khuất gây ra - Khám phá và tháo dỡ những đồ vật có liên quan đến người đã khuất - Nhận ra tính chất của việc mất mát người thân - Đối phó với sự tưởng nhớ - Nói lời từ biệt sau cùng với người đã khuất Bảng sau đây tóm tắt những công việc thân chủ có người thân qua đời cần làm, để vượt qua khủng hoảng, những cảm xúc, hành vi của họ và cách thức nhân viên công tác xã hội có thể trợ giúp. Cảm xúc / Hành vi Cách trợ giúp Những công việc người đang thương tiếc người thân cần phải làm Người đau buồn có những cảm xúc và kinh nghiệm gì? Bạn có thể làm gì cho những người đang đau buồn? 1. Chấp nhận thực tế và tính chất của nỗi mất mát 1. Có nhu cầu kể đi kể lại chuyện buồn - Ăn không ngon, ngủ không yên - Nhìn thấy, nghe thấy người đã chết 1. Lắng nghe - Hỏi về những mất mát của họ - Giúp họ hiểu cảm giác của mình - Khuyến khích tự chăm Cảm xúc / Hành vi Cách trợ giúp sóc bản thân 2. Đi vào cảm xúc và kinh nghiệm đau buồn hoặc nỗi mất mát 2. Trầm uất, buồn sầu - Mặc cảm tội lỗi, tức giận - Sợ tương lai - Thay đổi nhu cầu tình dục - Không có khả năng tập trung và ra quyết định 2. Lắng nghe - Khuyến khích họ nói về người đã khuất - Giúp chấp nhận những cảm xúc trào dâng khi hồi tưởng lại quá khứ 3. Có được những kinh nghiệm mới để tập sống mà không có người quá cố 3. Lo lắng về sự thay đổi vai trò và sự chuyển tiếp sang giai đoạn mới 3. Hỗ trợ trong thực tế - Giúp họ tính toán phương cách lấp đầy khoảng trống 4. Tái đầu tư năng lượng bằng cách thức mới và phát triển những tương quan mới 4. Lo lắng về những tương quan mới 4. Giúp tìm kiếm những niềm vui mới và làm mới lại những tương quan cũ - Tiếp tục tìm bạn với họ (đây là lúc người nhạy cảm cảm nhận mình bị bỏ rơi) 3. Nguyên tắc tham vấn Các nguyên tắc sau đây hướng dẫn nhân viên công tác xã hội giúp thân chủ tự nhìn nhận hoàn cảnh, bản thân và vươn lên sau mất mát - Giúp thân chủ mô tả nỗi mất mát - Giúp thân chủ nhìn nhận và diễn tả cảm xúc - Giúp tiếp tục sống mà không có người đã khuất - Tạo điều kiện thuận lợi để thân chủ bớt xúc cảm về người đã khuất - Cho thời gian thương tiếc - Giải thích những hành vi “bình thường” - Chấp nhận sự khác biệt - Liên tục nâng đỡ - Xem xét mọi cơ chế phòng vệ và phương thức ứng phó - Xác định bệnh lý và chuyển gởi nếu cần 4. Những dấu hiệu cho thấy nỗi đau vẫn còn đó, chưa được giải quyết - Nói về người đã khuất với sự đau xót cao độ - Một biến cố nhỏ cũng tạo ra phản ứng đau buồn cao độ - Chủ đề mất mát cứ xuất hiện hoài trong buổi tham vấn - Không sẵn lòng dẹp bỏ những kỷ vật, và vật dụng của người đã mất - Bắt chước và có những triệu chứng thể chất giống người đã mất - Thay đổi lối sống tận căn cho giống như người đã mất - Tự hủy hoại bản thân - Trầm uất kéo dài - Ám ảnh về bệnh tật và cái chết - Buồn không thể tả. 5. Một số cách thức giúp đỡ thân chủ đối phó với cảm xúc mạnh trong tình trạng khủng hoảng - Thân chủ đang bị sốc và lo sợ hãi hùng  Giúp thân chủ chuyển đến một môi trường an toàn hơn nếu an nguy của thân chủ bị đe dọa  Trấn an, động viên thân chủ và giúp họ thấy được sự hiện diện của ta là nhằm giúp đỡ họ  Dành nhiều thời gian nói chuyện với thân chủ  Hướng dẫn họ trực tiếp làm những việc cụ thể (vì trong trường hợp này nhiều thân chủ không biết phải làm gì) - Thân chủ phủ nhận hoàn cảnh  Cứ để thân chủ phủ nhận dù không đồng tình với họ  Nhẹ nhàng và thận trọng nhắc lại các chi tiết cụ thể của vấn đề  Đồng cảm và thông cảm  Không hứa hẹn những điều không thực tế - Thân chủ đang rất tức giận  Để họ có cơ hội bộc lộ. Nên nhớ họ không giận ta mà đang tức giận và phản ứng vô ý thức.  Tỏ ra tự tin. Nói với họ rằng ta hiểu và biết họ đang tức giận và bực bội nhưng ta hiện diện với họ và sẽ cố gắng giúp họ hết lòng.  Tránh tranh cãi với thân chủ.  Không nên để thân chủ đánh ta. - Thân chủ đau khổ cùng cực  Tích cực lắng nghe thân chủ  Trấn an thân chủ  Tránh phán xét  Tạo điều kiện cho thân chủ bộc lộ cảm xúc đau buồn  Cho thân chủ biết rằng những cảm xúc hiện tại là bình thường  Tỏ ra đồng cảm, lo lắng và nâng đỡ tinh thần của thân chủ Tóm tắt ý chính: - Các giai đoạn phản ứng trước cái chết: phủ nhận, tức giận, ngã giá, trầm cảm, chấp nhận - Các yếu tố quyết định mức độ đau buồn, khủng hoảng vì mất người thân: tương quan, tính cách, mong đợi của xã hội - Những biểu lộ của sự đau buồn vì mất người thân: thân chủ có người thân qua đời biểu lộ những nét rất đặc trưng trong tình cảm, suy nghĩ, cảm nhận về mặt thể chất và hành vi - Trị liệu cho thân chủ có người thân qua đời  Mục tiêu: xác định và giải quyết những xung đột nội tâm  Tiến trình trị liệu: 9 bước với vai trò chủ động là chính thân chủ  10 nguyên tắc giúp thân chủ tự nhìn nhận hoàn cảnh, bản thân và vươn lên sau mất mát  Những dấu hiệu cho thấy nỗi đau vẫn còn đó, chưa được giải quyết  Một số cách thức giúp đỡ thân chủ đối phó với cảm xúc mạnh như lo sợ, tức giận, sốc. Bài 4: CAN THIỆP KHỦNG HOẢNG CHO CỘNG ĐỒNG Không chỉ cá nhân mới gặp khủng hoảng mà cộng đồng có khi cũng phải đối phó với khủng hoảng. Thiên tai, hỏa hoạn, bị thu hồi đất đai, bệnh dịch có thể tác động mạnh đến nhiều gia đình, đến nền kinh tế của cả cộng đồng và cần nhiều thời gian để khôi phục lại. Tuy nhiên, cộng đồng có thể cùng đồng lòng, cộng tác với nhau để vượt qua khủng hoảng và tiến về phía trước. I. CAN THIỆP KHỦNG HOẢNG CHO CỘNG ĐỒNG ĐANG GẶP NHỮNG BỨC XÚC LIÊN QUAN ĐẾN TRANH CHẤP, BẤT ĐỒNG 1. Một số điều cần lưu ý khi thực hiện can thiệp khủng hoảng cho cộng đồng - Kiên quyết để cho người dân (cá nhân hay tập thể) nói lên những bận tâm, nghi vấn, phàn nàn, tức giận của mình trong suốt giai đoạn khủng hoảng cũng như lúc bình yên. Tạo điều kiện để mọi người dễ tiếp cận tác viên, lắng nghe một cách khách quan, nâng đỡ điều đúng, kiềm chế xét đoán chuyện đã qua. - Tìm kiếm cơ hội dàn xếp những quan điểm hoặc những nhóm xung đột, mâu thuẫn nhau; làm sáng tỏ những quan điểm và giúp các bên xem xét vấn đề từ vị trí của đối phương; đề xuất những giải pháp thay thế và khi cần, giúp hòa giải sự khác biệt. - Kiên quyết và chủ động can ngăn việc sử dụng bạo lực như là một phương tiện tự thể hiện hay một giải pháp giải quyết vấn đề; giúp các bên liên quan hiểu rõ những hậu quả tiêu cực của hành vi bạo lực; tìm giải pháp thay thế. - Giữ được sự bình tĩnh, quân bình và tính chuyên nghiệp trong suốt các giai đoạn khủng hoảng, cởi mở đón nhận mọi quan điểm và tôn trọng các bên; luôn giữ vị trí là người lắng nghe trung lập; đừng bị những luận điệu hoặc những đe dọa kích động nhưng hãy nghiêm túc lắng nghe những gì người khác nói hoặc không nói ra. - Giữ thái độ thương thuyết nhưng ngay lập tức phải báo cáo cấp quản lý và những nhóm có liên quan khi thấy nhiều cá nhân hay các nhóm chủ trương sử dụng bạo lực trong cộng đồng; nhân viên công tác xã hội bán chuyên cần báo động cho những người có thẩm quyền biết sự việc khi thấy ai đó có thể gây hại cho bản thân và cho người khác. - Nhân viên công tác xã hội không được khuyến khích dính dáng đến những hoàn cảnh bạo lực hay đe dọa đến tính mạng, cần nhận ra những giới hạn của bản thân và có những hành động phù hợp. Đừng làm anh hùng nhưng phải bảo đảm an toàn cho bản thân. - Cập nhật thông tin cho nhóm và người quản lý trong suốt các giai đoạn khủng hoảng trong cộng đồng. Những cuộc gọi, những bản báo cáo các biến cố xảy ra trong trường hợp này là rất cần thiết. 2. Tiến trình can thiệp khủng hoảng cho cộng đồng - Đánh giá Năm câu hỏi bắt đầu bằng chữ “W”:  Ai là người liên quan? (Who is involved?)  Chuyện gì đã xảy ra? (What has happened)  Việc đó xảy ra khi nào? (When did it happen?)  Việc đó xảy ra ở đâu? (Where did it happen?)  Tại sao việc đó lại xảy ra? (Why did it happen?) - Lập kế hoạch Kế hoạch cần phải:  Ngắn hạn  Thực tế  Tức thời  Định hướng hành động  Có tổ chức  Trong phạm vi khả năng và giới hạn về mặt nhân lực và tài nguyên  Thực hiện với sự tham gia của cộng đồng - Thực hiện kế hoạch - Tái đánh giá - xem kế hoạch được thực hiện ra sao - Tổng kết  Chuyện gì đã xảy ra?  Cái gì đã được thực hiện?  Sẽ làm gì tiếp theo?  Ai cần biết việc này? Lưu ý: Cần ghi chép cẩn thận trong suốt tiến trình can thiệp II. THAM VẤN GIẢI TỎA CĂNG THẲNG KHI CỘNG ĐỒNG VỪA TRẢI QUA BIẾN CỐ NGUY KHỐN Thực ra kỹ thuật này là một dạng can thiệp khẩn cấp, một cuộc trò chuyện của nhà tham vấn với những người vừa mới trải nghiệm những khổ đau và mất mát lớn, ví dụ, do núi lửa, động đất, sóng thần, bắn tỉa, khủng bố và những biến cố nguy khốn khác gây ra. Những biến cố này gây nên sợ hãi, thương tật, mất mát tài sản, bạn bè và người thân. 1. Nạn nhân của biến cố nguy khốn - Nạn nhân trực tiếp - những người tử vong hoặc bị thương - Nạn nhân gián tiếp - gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của nạn nhân trực tiếp - Nạn nhân tiềm ẩn - nhân viên cứu hộ 2. Mục tiêu của tham vấn giải tỏa căng thẳng sau thời điểm nguy khốn - Trợ giúp cá nhân, gia đình nhóm và nhân viên can thiệp khủng hoảng đối phó tích cực với hậu quả của một biến cố nghiêm trọng - Dạy cho họ những phương cách đối phó với stress - Giúp họ lập kế hoạch ứng phó với những sự việc bất ngờ khác 3. Các bước thực hiện Tham vấn viên có thể tổ chức các nhóm tối đa 15 người, không có bàn, mọi người làm thành một vòng tròn ngồi sát nhau, có thể ngồi trên đất hoặc chiếu. - Bước 1: Giới thiệu  Người điều phối giới thiệu bản thân  Mỗi tham dự viên tự giới thiệu mình; cần sử dụng bảng tên - Bước 2: Trình bày mục tiêu cuộc tham vấn  Chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc và những phản ứng khi gặp biến cố nguy kịch  Cung cấp thông tin về những ảnh hưởng của biến cố nguy kịch đó đối với cá nhân ở gia đình và nơi làm việc  Xác định và thảo luận những kỹ năng ứng phó để giảm stress  Thảo luận và lập kế hoạch ứng phó với những sự việc bất ngờ - Bước 3: Xác định tính bảo mật  Tham dự viên được cho biết về tính bảo mật của cuộc gặp gỡ này. Mọi thứ thảo luận trong nhóm sẽ không được tiết lộ ra bên ngoài  Đưa ra những quy định:  Nhấn mạnh cho người tham dự biết rằng mọi ý kiến đều được đón nhận, không xét đoán đúng sai  Người tham dự được tự do bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, phản ứng hoặc chỉ đơn thuần im lặng lắng nghe người khác mà thôi - Bước 4: Chia sẻ các sự kiện và cảm xúc  Khuyến khích mỗi tham dự viên nói lên những gì đã xảy ra với mình, khi đó và bây giờ mình cảm thấy thế nào  Khen ngợi / nhìn nhận sự cởi mở và sẵn lòng chia sẻ của nhóm  Cho thấy rằng những cảm xúc và phản ứng của họ là bình thường trong thời điểm khủng hoảng như thế  Thực hiện một số bài tập thư giãn - hít thở sâu, duỗi toàn thân - Bước 5: Xác định các triệu chứng / phản ứng căng thẳng Hỏi người tham dự xem sau khi biến cố xảy ra, họ đã trải nghiệm những gì bất thường và hiện tại họ cảm nghiệm ra sao  Phản ứng thể chất - Biến cố nguy kịch đó đã ảnh hưởng gì đến thể lý của họ?  Phản ứng xúc cảm - Biến cố nguy kịch đó đã ảnh hưởng thế nào đến cảm nhận của họ?  Phản ứng nhận thức - biến cố nguy kịch đó đã ảnh hưởng thế nào đến cách nghĩ của họ?  Phản ứng hành vi - biến cố nguy kịch đó đã ảnh hưởng thế nào đến hành vi của họ?  Phản ứng tinh thần / giá trị - biến cố nguy kịch đó đã ảnh hưởng thế nào đến niềm tin của họ? Việc ý thức những phản ứng đa dạng của bản thân trước biến cố nguy kịch như vậy sẽ giúp cho cá nhân hiểu rõ mình bị tác động thế nào, và những tác động này đã ngăn cản hoặc gây tổn thất đến việc thực hiện chức năng của mình ra sao. Tuy nhiên, cũng cần cho họ biết rằng những phản ứng như thế là những phản ứng bình thường khi gặp một tình huống / hoàn cảnh bất thường. - Bước 6: Đối phó với căng thẳng  Hãy hỏi người tham dự xem họ đã làm gì hoặc bây giờ đang làm gì để đối phó hoàn cảnh căng thẳng hiện tại  Nhấn mạnh cho họ biết rằng những kỹ năng ứng phó họ sẽ học là những phương cách đối phó tích cực với những tác động của biến cố nguy kịch. Khẳng định rằng những kỹ năng ứng phó được sử dụng ở đây sẽ làm gia tăng nhuệ khí của họ - Bước 7: Lập kế hoạch đối phó với những sự bất ngờ Hãy hỏi  Kế hoạch của họ là gì?  Họ muốn làm gì/  Họ sẽ đối phó thế nào trong tương lai? - Bước 8: Nêu cảm tưởng / Lượng giá Hỏi những câu hỏi sau:  Có còn gì anh / chị cần nói mà chưa nói ra không?  Mỗi người cảm thấy thế nào sau buổi gặp gỡ này?  Buổi gặp gỡ này có giúp ích gì không? Giúp như thế nào? - Bước 9: Tổng kết Tập trung vào những phương cách tự giúp bản thân  Nhận ra và chấp nhận những cảm xúc của bản thân đối với hoàn cảnh hiện tại  Chấp nhận hoàn cảnh hiện tại  Lập kế hoạch phù hợp  Thông tin cho nhau, tránh xì xầm  Đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và những công việc hàng ngày để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại  Đánh giá, đo lường xem những lo âu, quá chú tâm vào hoàn cảnh hiện tại và những tương quan nặng nề có hợp lý không  Thực hành tự chăm sóc bản thân: Các bài tập giảm căng thẳng, chăm lo sức khỏe thể chất, nghỉ ngơi đủ  Học những phương cách giúp đỡ người khác bằng:  Hiểu rõ những hành vi căng thẳng của người khác là do đâu mà có  Trau dồi sự bình tĩnh - hít thở sâu, thư giãn vai, nói chậm, giảm âm  Lắng nghe cách khôn ngoan, ngăn cản những suy diễn, khuyến khích nói sự kiện chứ không lên án con người, tránh lải nhải những gì mang tính tiêu cực.  Tham gia vào các hoạt động cộng đồng  Bước 10: Theo dõi  Thông báo cho những người tham gia biết rằng sẽ có một cuộc gặp nữa để theo dõi kết quả. Thống nhất với nhau lịch gặp  Cám ơn cả nhóm, đánh giá cao những chia sẻ và sự hợp tác của họ Tóm tắt ý chính: - Can thiệp khủng hoảng cho cộng đồng đang gặp những bức xúc liên quan đến tranh chấp, bất đồng  Một số điểm cần lưu ý khi thực hiện can thiệp cho cho cộng đồng đang gặp những bức xúc liên quan đến tranh chấp, bất đồng: để người dân được lên tiếng, dàn xếp những mâu thuẫn, ngăn cản bạo lực, bình tĩnh và chuyên nghiệp, thường xuyên báo cáo tình trạng bạo lực, nhận ra giới hạn bản thân và tự bảo vệ, cập nhật thông tin cho nhóm và người quản lý  Tiến trình can thiệp: đánh giá, lập kế hoạch, thực hiện, tái đánh giá, tổng kết - Tham vấn giải tỏa căng thẳng khi cộng đồng vừa trải qua biến cố nguy khốn  Nạn nhân của biến cố nguy khốn: trực tiếp, gián tiếp và tiềm ẩn  Mục tiêu của tham vấn giải tỏa căng thẳng: trợ giúp đối phó hậu quả, quản lý stress và ứng phó với bất ngờ khác  Các bước thực hiện: giới thiệu, trình bày mục tiêu, xác định tính bảo mật, chia sẻ sự kiện và xảm xúc, khám phá những phản ứng, đối phó với căng thẳng, lập kế hoạch đối phó với những bất ngờ khác, lượng giá, tổng kết, theo dõi TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Doyle Polly. (1980). Grief Counseling and Sudden Death. Illinois: Charles C Thomas Publisher [2] Hoff Ann Lee. (1978). People in Crisis: Understanding and Helping. Addison – Wesley Publishing Co., [3] Kubler-Ross Elisabeth. (1969). On Death and Dying. NY: Tavistock Publications. [4] Mitchell & Resnik. (1981). Emergency Response to Crisis. Prentice Hall. [5] Perlita Vincente. (2012). Crisis Management. CFSI [6] Sotto Andrés José. Critical Incident Stress Debriefing

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfcan_thiep_khung_hoang_8832.pdf