Cảm quan và cách hành xử về thời gian trong thơ hát nói Nguyễn Công Trứ - Trần Thị Thanh Nhị

Say rượu đưa đến sự tự do tuyệt đối, không vướng bận: Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng / Không Phật, không tiên không vướng tục (Ngất ngưởng), Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc / Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười / Thú gì hơn thú ăn chơi (Hành tàng). Say sưa giúp giải thoát khỏi những điều tạp nhạp, phiền toái hàng ngày: Cầm kì thi tửu với giang sơn / Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế (Ngày tháng thanh nhàn). Tác giả chịu ảnh hưởng của tư tưởng cách vật trí tri, từ sự chiêm nghiệm, suy tư về cuộc đời, nhận thấy ông trời hay Tạo hóa thật vô tình và độc ác biết bao khi giới hạn cuộc sống con người trong một khoảng thời gian ngắn ngủi: Lão trục, thiếu lai, ưng bất phóng / Nhục tùy vinh hậu định tu quân / Lò âm dương san sẻ bình phân / Cân tạo hóa đỉnh đinh rất nhặt (Cán cân tạo hóa). Thời gian một đứa trẻ năm tuổi hay thời gian ông lão bảy mươi, hay ba vạn sáu ngàn ngày của ai đi chăng nữa sống đến trăm tuổi cũng đều ngắn ngủi cả. Điều đáng buồn hơn nữa là có nhiều người cứ để ngày tháng cuộc đời trôi qua một cách hoài phí, vô tâm. Đáng thương hơn nữa là những con người bị kẹt vào vòng danh lợi với vinh nhục, dù người khác tìm cách thức tỉnh cũng u mê: Đôi kẻ biết sao không tỉnh lại / Dầu thiên hô, vạn hoán cũng u ơ / Xót cho ta biết sao giờ (Cán cân tạo hóa). Quan niệm của tác giả về cuộc đời mang tính triết học, cuộc đời là một trò chơi lớn, trong đó bao hàm nhiều trận chơi, trò chơi, cuộc chơi nhỏ khác nhau. Không chỉ cầm, kì, thi tửu là trò chơi mà chính trị, công danh cũng là một trò chơi, chơi cũng là làm mà làm cũng là chơi, con người tham dự nhiều vai, đắp đổi không giữ nguyên, không lấy làm hổ thẹn khi bị chuyển vị trí: “Khi thủ khoa, khi tham tán, khi tổng đốc đông / Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng” (Ngất ngưởng). Chính Nguyễn Công Trứ cũng từng nói lúc làm tướng không lấy thế làm vinh, lúc bị đày làm lính thú không vì thế mà thấy nhục. Ở mọi vị trí con người đều tìm được chỗ đứng, giá trị, ý nghĩa của mình. Con người trong thơ hát nói Nguyễn Công Trứ là con người đạt đến độ thăng hoa của trò chơi, cuộc chơi, đạt đến trạng thái say sưa. Say sưa là một cảm giác mê mải, duy trì cảm hứng ấy trong một trạng thái khá lâu dài, không bị chi phối bởi các yếu tố xung quanh. “Thơ túi, rượu bầu” mang lại sự ngất ngây, sảng khoái của men say vị đời lên hương và vị hồn lên men. Nhưng “nghề chơi cũng lắm công phu”. Người tham dự trò chơi không phải một cách mù mờ, mù quáng mà phải chơi như thế nào cho đẹp, thanh nhã, tài hoa, sành sỏi, lịch duyệt, nâng lên thành nghệ thuật thưởng lãm: “Chơi cho lịch mới là chơi / Chơi cho đài các cho người biết tay” (Chơi cho phỉ chí) nó vượt lên sự dung tục, thô bỉ, tầm thường, trác táng, bạt mạng. Chơi trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, một phần tạo nên ý nghĩa, mang giá trị nhân sinh: Nhân sinh bất hành lạc / Thiên tuế diệc vi thương (Dịch nghĩa: Con người ở đời không hành lạc thì dẫu sống vạn năm cũng đáng thương). Con người dù có tồn tại vạn năm như vũ trụ nhưng sống một cách vô cảm, trơ lì không biết cách hưởng thụ, cảm nhận những giá trị cuộc đời thì cũng vô nghĩa biết bao. Cảm quan về thời gian viên miễn của vũ trụ đối lập với cái hữu hạn của đời người đã giúp Nguyễn Công Trứ xây dựng một đề cương cho cuộc sống vừa phát triển cao độ con người xã hội vừa đi đến tận cùng con người cá nhân. Nếu sự nghiệp công danh của ông để lại tiếng vang trong lịch sử thì sự nghiệp sáng tác để lại dấu ấn đặc biệt trong nền văn học nước nhà. Bằng cách đó, Nguyễn Công Trứ tồn tại mãi mãi cùng thời gian, trong dòng chảy vô tận.

pdf10 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 845 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cảm quan và cách hành xử về thời gian trong thơ hát nói Nguyễn Công Trứ - Trần Thị Thanh Nhị, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 04(20)/2011: tr. 67-76 CẢM QUAN VÀ CÁCH HÀNH XỬ VỀ THỜI GIAN TRONG THƠ HÁT NÓI NGUYỄN CÔNG TRỨ TRẦN THỊ THANH NHỊ Trường Đại học sư phạm – Đại học Huế Tóm tắt: Nguyễn Công Trứ là một tác giả có vai trò đặc biệt trong văn học Việt Nam. Sự xuất hiện của ông đã góp phần hoàn thiện và làm phát triển lên đến đỉnh cao thể loại hát nói. Trong thơ văn cổ điển, hiếm có tác giả nào có nỗi niềm ám ảnh khôn nguôi về thời gian như Nguyễn Công Trứ. Thơ hát nói của ông thể hiện sự cảm nhận về thời gian vũ trụ tuần hoàn và sự tự ý thức về thời gian hữu hạn kiếp người. Lập công danh, vui chơi, hưởng lạc, sống hết mình, sáng tạo nghệ thuật là những giải pháp, cách hành xử ông đề xuất cho con người trong dòng thời gian tuôn chảy. Cuộc đời ông như là một minh chứng cho sự làm chủ cao độ về thời gian để đạt được những kết quả cao nhất không chỉ trong công danh, sự nghiệp mà cả trong sáng tạo nghệ thuật, lưu danh thiên cổ. Thời gian nghệ thuật là một phần cấu tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Thông qua cảm nhận và cách xây dựng thời gian của tác giả trong tác phẩm, người đọc có thể một phần hiểu được những thông điệp nghệ thuật tác giả muốn chuyển tải “thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại độc đáo của con người trong thế giới” [2, tr. 323]. Nguyễn Công Trứ là một tác giả có vai trò đặc biệt trong văn học Việt Nam. Sự xuất hiện của ông đã góp phần hoàn thiện và làm phát triển đến đỉnh cao thể loại hát nói. Trong địa hạt này hồn thơ ông như cánh diều được bay lượn trong bầu trời xanh khoáng đạt, tự do. Khác với các thể loại thơ trung đại khác thường nhằm chở đạo, hát nói là thứ văn chương được viết ra nhằm nhu cầu giải trí, nó thường hướng đến những giá trị nhân sinh, hưởng thụ, đời thường. Trong thơ văn cổ điển, hiếm có tác giả nào có nỗi niềm ám ảnh khôn nguôi về thời gian như Nguyễn Công Trứ. Có lẽ chính sự ý thức sắc nhọn về thời gian mà ông đã có một sự nghiệp lẫy lừng không chỉ trong chính trị mà cả trong nghệ thuật như một cách lưu danh với đời. Chính vì thế mà hôm nay chúng ta được biết đến ông - Nguyễn Công Trứ - “Ông hoàng thơ hát nói” (chữ dùng của Nguyễn Viết Ngoạn). 1. SỰ TUẦN HOÀN CỦA THỜI GIAN VŨ TRỤ Thơ hát nói Nguyễn Công Trứ mang cảm thức chung về thời gian trong thơ ca trung đại như là sự đề cao vị trí chủ đạo của thời gian thiên nhiên vũ trụ bất biến tĩnh tại. Trong cảm nhận con người, thời gian vũ trụ kéo dài không có kết thúc: Qua ngày mai lại có ngày mai / Khen ai khéo khéo lo dài (Thú say sưa) *; Còn xuân mai lại còn hoa (Thú rượu thơ). Vũ trụ tuần hoàn theo chu kì xuân sinh hạ trưởng thu liễm đông tàng, khi mùa đông rét mướt trôi qua, vũ trụ mở ra một vòng quay, chu kì mới, con người như * Những dẫn chứng thơ hát nói Nguyễn Công Trứ được trích dẫn ở bài này đều nằm trong tài liệu: Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1994), Việt Nam Ca trù biên khảo, NXB Thành phố Hồ Chí Minh. TRẦN THỊ THANH NHỊ 68 hòa vào nhịp quay của vũ trụ để tận hưởng niềm vui và sức sống mới: Thảnh thơi thủa đông qua xuân đến / Ngấn hàn băng từng phiến tan không / Cỏ hoa đua muôn tía nghìn hồng (Ngày xuân). Trong cái nhìn về thời gian, mùa đông của tác giả đượm màu sắc triết học: Điểm điểm trong chừng lĩnh sấu / Phút tin xuân đã hé đầu cành / Đành hay âm cực dương sinh (Vịnh mùa đông). Nhà thơ nhìn mùa đông ẩn tàng trong sự vận động ngấm ngầm âm cực dương sinh. Trong cảm quan về thời gian vũ trụ, con người cảm nhận thời gian ấy một đi không trở lại, chỉ như mũi tên một chiều bay vút về phía trước “thệ giá như tư phù, bất xá trú dạ” (Khổng Tử) (Dịch nghĩa: cứ chảy mãi vậy thôi, bất kể ngày đêm) khiến cho con người hiện tại hoài cổ, ngưỡng vọng về quá khứ và tiếc nuối những giá trị xưa nay không còn. Quá khứ ấy có thể là một thời đại, chế độ cũ còn trong hồi ức, còn lưu lại một chút vết dấu trong hiện tại: Hoa thảo kỷ kinh xuân đại tạ / Giang sơn trầm tiếu cổ hưng vương / Tranh thiên nhiên riêng một bức tang thương /Đã mấy độ sao dời vật đổi / Nào vương cung đế miếu đâu nào (Trường An hoài cổ) (Dịch nghĩa: Cỏ hoa tàn tạ đã trải bao nhiêu xuân / Giang sơn cười thầm cuộc hưng vong xưa). Nhìn vào dòng chảy của thời gian và những biến chuyển thăng trầm của cuộc đời không thể tránh cảm giác đau lòng, nuối tiếc: Bóng quang âm nào đã mấy mươi / Mà non nước xui nên lòng cảm kích (Vịnh hậu Xích Bích). Cũng có khi đó là sự nuối tiếc về cái đẹp không còn hiện diện trong hiện tại: Hương tiêu Nam quốc mĩ nhân tận / Oán nhập đông phong phương thảo đa (Tây Hồ hoài cổ) (Dịch nghĩa: Hương tàn người đẹp phương nam hết/ Buồn thấy gió đông thổi vào cỏ thơm nhiều). Khi con người đặt mình trong dòng chảy thời gian hiện tại, thường có sự ngưỡng vọng về quá khứ người xưa trong sự so sánh, đối chiếu: Ngã kim nhật tọa tại chi địa / Cổ nhân tằng tiên ngã tọa chi / Nghìn muôn năm âu cũng thế ni / Ai hay hát mà ai hay nghe hát (Ngày tháng thanh nhàn). Chỗ mà hôm nay người hiện tại đang ngồi thì người xưa cũng đã ngồi ở đó. Không biết lúc đó người xưa kia có nghĩ đến người xưa của người xưa và có nghĩ đến người sẽ ngồi trong tương lai không? Khoảnh khắc như vậy đã tạo nên một sự kết dính thời gian về quá khứ đến hiện tại và tương lai. Thời gian ấy cũng là thời gian tuần hoàn bốn mùa lặp đi lặp lại theo chu kì, chảy trôi một cách thờ ơ, điềm nhiên với sự ngắn ngủi, giới hạn của thời gian con người. Con người đau khổ khi được ý thức trước thực tế tuổi tác, thọ yểu và sự bất lực của mình. Thơ ca phần lớn nói đến cái hữu hạn, cái đớn đau, cái nhỏ bé của kiếp người. Phạm trù thời gian chỉ được xác nhận trong các khoảng cách lớn: kim - cổ, xưa – nay, các khoảng cách nghìn năm, vạn năm dài rộng tồn tại mãi mãi đối lập với cái khoảnh khắc trăm năm, hạn hẹp của thời gian con người. Vì thế, thoắt xuất hiện, hiện diện trong dòng thời gian vô tận, con người bé nhỏ ước ao được ghi một dấu ấn nào đó của mình, găm lại vào dòng tuôn chảy thời gian. Một trong những khao khát con người vũ trụ muốn là tạo nên một sự đối sánh với tiền nhân, lại vừa để lại tiếng thơm cho hậu nhân bằng danh tiếng: Túi kinh luân từ trước đến nghìn sau / Hơn nhau một tiếng công hầu (Trên vì nước dưới vì nhà), bằng tấm lòng son: Nhân sinh tự cổ thùy vô tử / Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (Chí nam nhi) nhưng cũng có khi lời hẹn ấy không mang giá trị vì hẹn thì dù CẢM QUAN VÀ CÁCH HÀNH XỬ VỀ THỜI GIAN TRONG THƠ HÁT NÓI... 69 sao cũng không chắc thực hiện được vì thế, con người chỉ biết đốt hết mình cho khoảnh khắc hiện tại: Ba vạn sáu nghìn ngày thấm thoắt / Từ trắng răng đến thủa bạc đầu... Nay phút chốc kim rồi lại cổ / Có hẹn gì sau chẳng bằng nay (Kiếp nhân sinh). Gắn với thời gian vũ trụ ta thường thấy xuất hiện cặp đôi của những biểu tượng ứng chiếu với thời gian như hoa, lá, cỏ, cây, chim báo sự tuần hoàn của đất trời. Những biểu tượng mây, núi và nước là những hình ảnh hay đi với nhau thường được dùng biểu tượng cho sự vĩnh hằng tự tại của vạn vật. Nó vận động theo quy luật nào đó, nhưng là vô tâm, vô ý. Nước muôn đời vẫn chảy mãi về đông và ngàn xa mây trắng vẫn lửng lơ trên núi xanh như ngàn xưa, mặc cho sự nổi trôi của con người, cho bao thăng trầm của thế sự. Con người cố gắng hòa nhập mình vào thiên nhiên vũ trụ chính là muốn dựa cái hồn đầy xao động, xôn xao đầy dục vọng, lợi danh để tìm kiếm sự tĩnh lặng, an nhiên của thiên nhiên mây núi: Gió trăng chứa một thuyền đầy / Của kho vô tận biết ngày nào vơi / Trăng chênh chếch đầu non mới ló / Thuyền một lá xông ngang ghềnh bạch lộ / Buông chèo hoa len lỏi giữa sơn cương /Đành hay đất trời dành cho / Hai kho phong nguyệt nghìn thu hãy còn / Còn trời còn nước còn non (Vịnh tiền Xích Bích). 2. TÍNH NGẮN NGỦI, PHÙ DU CỦA THỜI GIAN KIẾP NGƯỜI Với những con người có ý thức sâu sắc về cuộc sống thì thời gian là một niềm khắc khoải: Trăm năm là ngắn một ngày dài ghê (Tản Đà), Ngày vui ngắn chẳng tày gang (Nguyễn Du), Đốt đuốc chơi đêm kẻo tiếc xuân (Nguyễn Trãi) Nguyễn Công Trứ là một trong những nhà thơ có nỗi ám ảnh lớn về thời gian. Nguyễn Công Trứ dùng nhiều hình tượng để ví về thời gian nhưng đặc biệt nhất là dòng nước: Hoa khai xuân hề diệp lạc thâu / Ngày tháng đi dòng nước chảy mau / Lần lữa mãi cũng bạc đầu tráng sĩ (Chơi xuân kẻo hết xuân đi). Tác giả đã lấy cái trôi chảy hữu hình của dòng nước để miêu tả sự chảy trôi vô hình của thời gian. Một mặt, dòng nước thời gian ấy đem đến sự sống, vẻ tốt tươi của hoa thắm Hoa khai xuân hề nhưng mặt khác, sự chảy trôi ấy lại lấy đi sự sống, tuổi trẻ, mang đến sự tàn phai rơi rụng, già nua, lá vàng khi thu đến (diệp lạc thâu) và con người già đi theo năm tháng (bạc đầu tráng sĩ). Trong sự thức nhận của tác giả về thời gian con người trong sự đối sánh với vũ trụ thì thời gian con người thật ngắn ngủi, hữu hạn, mong manh. Trong dòng chảy vô cùng vô tận của vũ trụ thì con người thật bé nhỏ chỉ là một con ếch nhảy vào vang tiếng nước xao (Ao cũ / Con ếch nhảy vào / Vang tiếng nước xao – Thơ Haiku). Con người đến với cõi đời này như một người khách ở trọ trần gian: Cõi trần thế nhân sinh là khách cả / Nợ phong lưu kẻ giả có người vay (Nợ phong lưu), kiếp nhân sinh ngắn ngủi và mong manh, dễ tan biến nhường bao: Ôi nhân sinh là thế ấy / Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao / Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào / Vừa tỉnh giấc nồi kê vừa chín (Chơi là lãi). Cảm thức về đời như một giấc chiêm bao đưa lại một cái nhìn đượm màu chua chát. Giấc chiêm bao kia không chỉ có ngắn ngủi (ngắn tựa chiêm bao) mà còn có tính phi thực, dường như những gì con người tranh đấu, sống trên cõi đời này đều vô nghĩa. TRẦN THỊ THANH NHỊ 70 Trong tâm tưởng nhà thơ, thời gian quý giá biết bao nhiêu, nhất là khoảng thời gian tuổi trẻ thì càng quý hơn, dẫu là vàng cũng khó mua, khó đổi. Ta bắt gặp trong nhiều bài thơ hát nói, Nguyễn Công Trứ nói về mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu như là những khoảnh khắc thời gian đẹp nhất. Mùa xuân là mùa khởi đầu cũng là mùa đẹp nhất, giàu sức sống nhất trong năm, là thời gian của vũ trụ nhưng được tác giả mượn để chỉ thời gian xuân sắc, căng nồng sức sống của con người. Nguyễn Công Trứ hay nói đến “chơi xuân kẻo hết xuân đi” không chỉ gặp cái tâm trạng tiếc xuân phải cầm đuốc chơi đêm như Nguyễn Trãi mà là một nghĩa bóng đầy ẩn dụ về sự tận hưởng lúc còn đang xuân thì, tuổi trẻ, mặt khác cũng có thể hiểu là chơi lúc mọi thứ đang còn xuân. Tuổi trẻ là mùa xuân của con người (đây là giai đoạn đã qua niên thiếu còn non nớt cũng chưa đến thời già nua, khô cạn) mà bước vào thời kì trưởng thành, sung mãn, căng tràn: Trẻ ngây thơ, già tuổi tác tính mà chi / Giữa trần gian quang cảnh bấy nhiêu thì (Thú nguyệt hoa). Nhưng tuổi trẻ con người lại dễ dàng qua mau: Bóng quang âm thấm thoát vụt qua / Kiếp phù sinh chừng một giấc Nam Kha /Hảo tiết hoan ngu đà dễ mấy / Trăm năm nhân cảnh là nhường ấy / Một khắc xuân tiêu đáng mấy chăng (Chữ nhàn). Những ngày tháng tươi đẹp dễ có được mấy. Chính cái áp lực vì sự giới hạn ấy mà tác giả khuyến khích con người sống ở đời: Năng đắc kỉ thời khai khẩu tiếu / Cơ chu hoàn phụ thủ quang âm / Nợ phong lưu như rứa lãi rồi / Nghìn vàng chuốc lấy trận cười (Thú nguyệt hoa). Khi nào vui được, cười được cảm nhận được hạnh phúc hãy biết mở lòng, mỉm cười đón nhận, đừng chần chừ, đắn đo suy tính khi ngày tháng chảy trôi. Tác giả nhiều lần nhắc đến cụm từ chỉ thời gian tuổi trẻ như “độ thiếu niên”: Mặt tài tình đương độ thiếu niên (Chơi xuân kẻo hết xuân đi), “thì”: Cuộc cầm thi phó mặc đương thì (Chơi xuân kẻo hết xuân đi). Độ trẻ trung ấy các giác quan con người tinh tế, nhạy cảm để có thể tận hưởng, cảm nhận đến tận độ những niềm vui và trải nghiệm của đời: Sống toàn tim, toàn trí, sống toàn hồn / Sống toàn thân và thức nhọn giác quan (Xuân Diệu). Một trong những xúc cảm được nhà thơ nhắc đến nhiều là “hành lạc”. Đó có thể là cầm kì thi tửu: Cầm, kì, thi, tửu khách /Thơ một túi gieo vần thơ Đỗ Lí / Rượu lưng bầu rót chén Lưu Linh / Đàn Bá Nha gảy khúc tính tang tình / Cờ Đế Thích đi về xe pháo mã (Còn nhiều hưởng thụ), có khi là sự trải nghiệm về xúc giác, nhục thể: E đến khi hoa rữa trăng tàn / Xuân nhất khắc, dễ nghìn vàng khôn đổi chác / Tế suy vật lí tu hành lạc / Hà dụng phú danh bạn thử nhân /Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bấy (Chơi xuân kẻo hết xuân đi). Với tác giả thì Ba vạn sáu nghìn ngày thấm thoắt (Kiếp nhân sinh); ông trời thật “keo kiệt”: Đã sinh người lại hẹn lấy năm /Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy (Chơi xuân kẻo hết xuân đi) nhưng trong hơn ba vạn ngày ấy, không phải con người được hưởng trọn vẹn hết mà còn phải trừ hao ra của “trẻ ngây thơ”, “già tuổi tác”, “khi bệnh tật”, “lúc u sầu” để mà chắt lọc, cô đặc lại những giây phút đẹp đẽ nhất của “hảo tiết hoan ngu”, của khoảnh khắc xuân đáng giá nghìn vàng. Trong sự cảm nhận về thời gian con người, có một khoảng thời gian đáng được lưu tâm là sự tồn tại của cái đẹp ở trên đời. Nhất là cái đẹp ấy đang ở giai đoạn, thời kì đương ấp ủ, phong nhụy của “Hoa xuân nọ còn phong nộn nhị / Nguyệt thu kia chưa hé hàn quang / Hồng lâu còn khóa then sương / Thâm khuê còn rấm mùi hương khuynh thành” (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều), Nguyễn Công Trứ trân trọng, đề cao cái CẢM QUAN VÀ CÁCH HÀNH XỬ VỀ THỜI GIAN TRONG THƠ HÁT NÓI... 71 khoảnh khắc ấy: Khi chưa xuân khép nép đứng bên tường/ Còn phong nhị đợi Đông Hoàng về cáng đáng (Yêu hoa). Khoảnh khắc ấy cũng là lúc con người còn xuân thì, là sự tồn tại của sắc đẹp, cái đẹp của hồng nhan trên đời. Trong sự vận động của thời gian, hoa, lá, nhan sắc, tuổi trẻ, xuân thì đều chảy trôi, nhà thơ muốn níu lại những gì đẹp nhất: Xin cho trời đất lâu dài / Hồng nhan phải giống ở đời mãi du (Lời tiểu thiếp tự tình). Có sự tương đồng trong cảm thức của Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Du: Hồng nhan tự cổ như danh tướng / Bất khẳng nhân gian kiến bạch đầu. Cái chết và sự già nua luôn theo đuổi từ phía sau: Lão trục thiếu lai ung bất phóng / Nhục tùy vinh hậu định tu quân / Lò âm dương san sẻ bình phân / Con Tạo hóa cầm quân nhiệm nhặt / Mới đó đỉnh mấy còn ngăn ngắt / Phút đâu mái tuyết đã phau phau (Cái già theo đuổi). Hồng nhan, nhan sắc không thể dài lâu ở đời, chính vì thế nó càng quý giá và đáng trân trọng hơn. Cái đẹp thường gắn với nỗi buồn là một cảm thức chung của nhân loại. Trong cuộc đời mỗi người, tình yêu là một trong những trạng thái đem lại nhiều khoảnh khắc đầy xúc cảm. Quý giá và đáng trân trọng biết bao những khoảnh khắc quý giá của sự hội ngộ của những cặp lứa xứng đôi, là những thanh âm, màu sắc có sự tương hợp của đời: Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên / Trong nhất kiến tình duyên như đã /Duyên chỉ thắm bỗng dần dần đưa lại / Dẫu nghìn dặm Băng sơn Quế hải / Đã tình duyên xe lại cũng nên gần (Duyên gặp gỡ). Điều này càng dễ xảy ra với những kẻ là “giống đa tình”: Đa tình là nợ / Mắc míu vào đố gỡ cho ra (Chữ tình). Tình yêu biến con người thành kẻ si và ngốc nghếch: “Càng tài tình càng ngốc càng si / Chữ tình là chữ chi chi” (Chữ tình). 3. CÁCH HÀNH XỬ VỚI QUỸ THỜI GIAN HẠN HẸP Khi Nguyễn Công Trứ nói về sự ngắn ngủi của thời gian con người cũng là một cách để ông đánh thức sự tự ý của mình và người khác về thực tế: Lão trục thiếu lai ưng bất phóng / Mới đó đỉnh mây còn ngăn ngắt / Phút đâu mái tuyết đã phau phau” (Cán cân tạo hóa). Con người không thể vượt ra ngoài trong không gian và thời gian, nó không thể vượt ra ngoài quy luật của sự tồn tại. Tính phù sinh ấy làm con người xót xa, bẽ bàng, đau khổ nhưng không thể vì thế mà chối bỏ, phủ nhận cuộc đời này mà càng phải tìm ra một lối sống hạnh phúc, vui vẻ. Tác giả nhắc đến thời gian một cách chính xác, chi tiết như ngày xuân chín chục, ba vạn sáu nghìn ngày như nhắc nhủ con người về sự tồn tại tối đa trên cõi đời và từ đó có cách sắp xếp, ứng xử với quỹ thời gian, làm chủ nó và biết khai thác triệt để những tiềm năng bản thân. Trong thơ hát nói của ông thường xuất hiện những lời quyết tâm, hẹn ước trong tương lai với giang sơn về một sự nghiệp rực rỡ, đầy đóng góp: Quyết tang bồng cho phỉ chí trượng phu / Đã sinh ra ở trong phù thế / Nợ trần ai quyết sẽ tính xong /Thanh vân trông đó mà coi (Có chí thì nên); Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý / Dã thị giang sơn chung tú khí / Quả nhiên đài các xuất danh công /Nợ làm giai quyết sẽ trả xong / Trần ai ai dễ biết ai (Trần ai ai dễ biết ai). Lời hò hẹn và sự quyết tâm ấy đã được minh chứng bằng chính cuộc đời của ông. Từ những hoài bão tuổi trẻ, thực tiễn cuộc sống, những hiểu biết về Nho – Phật – Lão, ông đi đến việc xây dựng chương trình đời sống cho người nam nhi trong xã hội xưa mà đến nay chúng ta vẫn có thể tham khảo: TRẦN THỊ THANH NHỊ 72 “Thời hối tàng sống nơi làng xã, giữ cương thường, nuôi chính khí, vui cảnh ngộ, phù thế giới, cầm chính đạo. Thời hiển đạt đem tài lương đống lập công nghiệp để lưu phương bách thế, trả nợ vũ trụ. Thời nhàn dật sau khi công danh đã thành thì rút lui, tiêu dao sơn thủy, hưởng thụ cầm kỳ thi tửu. Nguyễn Công Trứ đã dựng nên một mẫu kẻ sĩ “văn võ kiêm toàn”, đầu óc kinh luân hơn tài thi phú, lúc xử thế thì giữ hạnh rất cao, lúc xuất thì phục vụ rất hùng, để rồi sau hết công thành danh toại, coi giàu sang như cái dép rách, ném đi mà lui về với cuộc sống lâm tuyền” [3, tr. 226]. Một mâu thuẫn đặt ra là làm cách nào con người vừa có thể sống, cống hiến cho cộng đồng lại vừa có thể phát triển tự do con người cá nhân mình, như một nhân cách độc lập, riêng biệt, riêng tư và tự do? Làm thế nào để cho hai nhánh ấy trên một cây đời có thể cùng phát triển, sinh trưởng, không nhánh nào phải bị lép, bị hi sinh hoặc triệt tiêu? Làm thế nào để tạo nên sự hài hòa, cân bằng? Từ nhánh cây đời, từ nguồn nội lực bẩm sinh của Nguyễn Công Trứ tiết ra một dòng năng lượng chiết tỏa vào hai nhánh cây, để nhánh nào cũng sum sê, tỏa bóng. Một con người cá nhân tự do, phong lưu nhàn lạc cũng xuất hiện đĩnh đạc, hiên ngang không kém con người lập công, lập danh trở thành quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ hát nói Nguyễn Công Trứ. Nếu lập công danh mang lại cho người quân tử niềm vinh hạnh đóng góp cho đời, một cách lưu lại dấu ấn về sự tồn tại trên thế gian thì còn có những hoạt động khác như ngao du, nhàn tản, cảm nhận cuộc sống, sáng tạo nghệ thuật để có những trải nghiệm thẩm mỹ chính là một cách quan trọng để nuôi dưỡng tâm hồn tạo nên sự phát triển cân đối giữa thể xác và tâm hồn. Về con người lập công danh để lưu dấu bản thể đã được nhiều nhà nghiên cứu bàn đến vì thế chúng tôi chỉ đề cập đến “người ham chơi” (chữ dùng của Hoàng Phủ Ngọc Tường) trong thơ hát nói Nguyễn Công Trứ. Chơi – với tác giả cũng là một cách hành xử với thời gian. Trong tư duy văn hóa trung đại, các bậc tao nhân mặc khách thường chọn cho mình thú vui như cầm, kì, thi, họa, tửu tiêu dao sơn thủy. Cách chơi hưởng thụ của tác giả cũng nằm trong mạch nguồn truyền thống đó nhưng cũng có nét vượt ra ngoài truyền thống ở việc công khai thừa nhận yếu tố thân xác, nhục thể của: Khi đắc ý mắt đi mày lại/ Đủ thiên thiên, thập thập thêm nồng (Yêu hoa). Một trong những thú chơi được tác giả nhắc đến là: Cầm (âm nhạc). Nguyễn Công Trứ vừa là nhà nghệ sĩ sáng tạo ra điệu hát cung đàn và là người ngồi nghe thưởng lãm. Âm nhạc vốn xuất phát từ tâm hồn con người mà ra: “gió không phải là vật chất mà là khí, tre là vật chất nhưng không có tâm, bởi thế tre thu lấy gió và tạo ra âm thanh” (Ngô Thế Lân). Khi gió (khí) đến, tre sẽ phát ra âm thanh, gió đi, âm thanh của tre cũng ngừng, âm nhạc được tạo ra từ gió chứ không phải từ tre hay chính cái khí của con người là thứ tạo ra âm nhạc. Âm nhạc cũng là cách con người tìm kiếm, kết giao tri âm tri kỉ: Ai hay hát mà ai hay nghe hát (Vịnh tỳ bà). Vốn xuất phát từ tấm lòng nên tiếng nhạc, lời hát bật ra từ trái tim cũng là một cách giãi bày tâm sự, khi không có kẻ tri âm thì: Khúc đàn này biết gảy cùng ai (Vịnh tỳ bà). Con người cảm nhận những xúc cảm trong lòng mình và hòa nó vào giai điệu của vũ trụ để sáng tạo nên những giai điệu. Giai điệu ấy được cất lên ghi lại dấu ấn khoảnh khắc CẢM QUAN VÀ CÁCH HÀNH XỬ VỀ THỜI GIAN TRONG THƠ HÁT NÓI... 73 tâm hồn con người, để một phút giây trong quá khứ tưởng chừng như trôi qua sẽ tồn tại mãi mãi. Bằng âm nhạc, con người được sống, tận hưởng những phút giây trọn vẹn, tận độ, đắc ý của thời khắc hiện tại: Vắt chân ngồi với bạn khách cầm ca / Cơn đắc ý thùng thùng đôi tiếng trống (Thú thanh nhàn). Thi (Thơ ca): Người xưa có cho rằng ở đời có ba điều làm cho bất hủ là: lập công (công nghiệp vẻ vang trong bốn cõi), lập đức (đức hạnh truyền đến muôn đời), lập ngôn (ngôn luận văn chương), được một trong ba điều đã khó, huống chi là cả ba. Nhưng Nguyễn Công Trứ là một trong những người làm được điều này. Nếu lập công danh để trả nợ hóa công, lưu công danh thiên cổ thì sáng tác thơ ca là một cách trả món nợ phong lưu với đời. Một bài thơ là một sự sáng tạo khiến cho: Thi thành nhất bức thiên sơn tịch/ Cô hạc hoành giang lược tiểu chu” (Vịnh hậu Xích Bích) (Dịch nghĩa: Bài thơ làm xong nghìn núi im lặng / Ngang sông một con chim hạc bay qua chiếc thuyền con). Nguyễn Công Trứ tìm đến thơ ca như là cách lưu dấu lại những trải nghiệm đã có vừa là một cách tạo ra niềm vui để hưởng những trải nghiệm mới. Thế giới nghệ thuật của người nghệ sĩ chính là thế giới của mộng mơ, mộng mơ là trạng thái sáng tạo cho người sáng tạo và người thưởng thức. Theo quan niệm của Freud, thực sự sáng tạo văn học là giấc mơ tỉnh thức của nhà văn, những huyễn tưởng, những ước muốn được phóng chiếu, được cấu trúc hóa thành thế giới hình tượng nghệ thuật của văn học. Quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn gắn với giải tỏa những ẩn ức, ẩn khuất trong tâm hồn. Nhà văn kéo bạn đọc ra khỏi thế giới thực đi vào thế giới của tưởng tượng, mộng ảo. Trong thế giới ấy, những khát vọng, đam mê, thèm muốn, hoan lạc không đạt được ở thế giới thực đều trở thành hiện thực bằng tưởng tượng. Với ông, tìm kiếm cái đẹp và tự biến mình trở thành một phần của cái đẹp là cách làm đầy độc đáo và tinh tế của con người ứng xử lại sự phù du ngắn ngủi của thời gian. Con người trở thành một nghệ sĩ sáng tạo: “Nghề chơi cũng lắm công phu”, sự sáng tạo trong các trò chơi cầm kì thi tửu. Trong mỗi lĩnh vực ấy đều in đậm dấu ấn cá thể của tác giả. Đây cũng là một cách để khẳng định sự tồn tại với đời. Trong sự thăng hoa của sáng tạo con người sẽ có cảm giác sánh ngang tầm thượng đế, tạo hóa. Vì không chỉ có thượng đế, tạo hóa mới có quyền tạo dựng, con người cũng có quyền tạo dựng. Bằng sự sáng tạo, con người có thể vượt qua được giới hạn của bản thân vì Thi thành thảo thụ giai thiên cổ (Nguyễn Du). Bằng sáng tạo con người có thể sống muôn đời. Không những thế, qua thơ ca con người có thể vượt qua cái cảm giác hữu hạn vô nghĩa của mình trước cuộc đời. Bằng sự trải nghiệm qua thơ ca, cá nhân có thể tìm thấy niềm vui đích thực trong giây phút này, giây phút của hiện tại, mặt khác nó cũng là cách vượt thời gian, trở về quá khứ đối thoại với tiền nhân, vượt đến tương lai với hậu nhân. Như thế, con người phong lưu, con người thơ ca có thể vượt qua những giới hạn trói buộc. Không thể phủ nhận thêm một điều nữa là con người bị sức ép, bị câu thúc bởi những ràng buộc xã hội cũng sẽ được giang thẳng cánh, vươn vai sảng khoái trong địa hạt thơ ca, nghệ thuật, thú vui: Đường ăn chơi mỗi vẻ một hay / Đàn năm cung réo rắt tính tình dây / Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó / Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ (Cầm, kì, thi, tửu). Thơ ca là lĩnh vực của cấu trúc ngôn từ, của ý tưởng khởi phát và biểu hiện nó là thần TRẦN THỊ THANH NHỊ 74 hứng, mang lại những phút giây vui vẻ vì thế có thể coi đây cũng là một trò chơi. Hơn nữa, trong trò chơi thơ ca lại bao hàm dung chứa, biểu hiện nhiều trò chơi, trò vui khác. Tửu (Rượu): Cảm giác về say giúp con người vượt qua những rào cản, ranh giới vốn bị những đạo đức, luật lệ xã hội đặt ra. Con người trở về với cảm giác hồn nhiên, thuần nhất, không phân biệt đúng sai, trắng đen, thiêng tục, cởi bỏ những cứng nhắc gò bó. Say là một trạng thái lệch chuẩn. Có nhiều trạng thái và cái say khác nhau, ở đây chúng tôi không lạm bàn nhiều, chỉ dừng lại ở cái say rượu. Cũng như núi đẹp nhờ mây, đại ngàn huyền bí nhờ cao nhân dị sĩ, sông thiêng có hà bá, cái hào sảng, khí khái của người anh hùng, lãng tử được bộc lộ một phần là nhờ rượu. Thường thì có ba cách uống rượu: tục tửu, thường tửu, tiên tửu. Tục tửu là uống bét nhè, phóng đãng, không làm chủ được mình. Thường tửu là uống cho vui thích, sảng khoái, tiên tửu là uống di dưỡng tinh thần, trợ hứng cho thi ca, nghệ thuật. Trong văn học và trong lịch sử thưởng thức rượu đạt đến một cảnh giới thuộc về thưởng lãm văn hóa, nâng lên thành “tửu đạo”. Người xưa cầu kì trong việc thưởng lãm như rượu bồ đào uống trong chén ngọc dạ quang làm rượu có mầu máu đỏ, rượu trúc diệp thanh phải uống trong chén dương chi bạch ngọc, uống rượu lê hoa phải dùng chén phỉ thúy làm tăng màu rượu xanh, rượu trắng uống bằng chén sừng trâu để chế ngự mùi men, rượu bách thảo mĩ tửu gồm 100 thứ hoa cỏ thơm uống bằng chén trúc để thơm hơn. Trước hết, con người trong thơ hát nói Nguyễn Công Trứ không phải là con người say sưa bê tha, cổ súy cho việc uống rượu mặc dù ông thường nói: Say sưa say mới thú / Hỏi làng say ai đủ thú say / Mượn màu hào hứng đâm bây / Thả giọng phong lưu cưỡng ẩm (Thú say sưa). Nhưng kì thực con người thơ đến với rượu trước hết như một sự trợ hứng khởi phát nghệ thuật. Tác giả thường xuyên nói đến trạng thái rượu say sưa đi kèm các loại hình nghệ thuật khác, đặc biệt là thơ ca và nhạc: Thảnh thơi thơ túi rượu bầu (Chí nam nhi), Thảnh thơi bầu rượu túi thơ (Nợ phong lưu), Thơ một túi gieo vần Đỗ Lý / Rượu lưng bầu rót chén Lưu Linh / Đàn Bá Nha gảy khúc tính tang tình (Còn nhiều hưởng thụ), Tranh thiên nhiên một áng yên ba / Dễ khiển hứng câu ca chén rượu (Tây hồ hoài cổ), Cuộc tỉnh say bàn rượu chén trà / Cơn đắc ý thùng thùng đôi tiếng trống (Thú thanh nhàn). Khi có rượu, con người dễ đi vào trạng thái thăng hoa để sáng tạo, đạt đến độ thỏa mãn, đắc ý. Say rượu đưa đến sự tự do tuyệt đối, không vướng bận: Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng / Không Phật, không tiên không vướng tục (Ngất ngưởng), Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc / Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười / Thú gì hơn thú ăn chơi (Hành tàng). Say sưa giúp giải thoát khỏi những điều tạp nhạp, phiền toái hàng ngày: Cầm kì thi tửu với giang sơn / Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế (Ngày tháng thanh nhàn). Tác giả chịu ảnh hưởng của tư tưởng cách vật trí tri, từ sự chiêm nghiệm, suy tư về cuộc đời, nhận thấy ông trời hay Tạo hóa thật vô tình và độc ác biết bao khi giới hạn cuộc sống con người trong một khoảng thời gian ngắn ngủi: Lão trục, thiếu lai, ưng bất phóng / Nhục tùy vinh hậu định tu quân / Lò âm dương san sẻ bình phân / Cân tạo hóa đỉnh đinh rất nhặt (Cán cân tạo hóa). Thời gian một đứa trẻ năm tuổi hay thời gian ông lão bảy mươi, hay ba vạn sáu ngàn ngày của ai đi chăng nữa sống đến trăm tuổi cũng CẢM QUAN VÀ CÁCH HÀNH XỬ VỀ THỜI GIAN TRONG THƠ HÁT NÓI... 75 đều ngắn ngủi cả. Điều đáng buồn hơn nữa là có nhiều người cứ để ngày tháng cuộc đời trôi qua một cách hoài phí, vô tâm. Đáng thương hơn nữa là những con người bị kẹt vào vòng danh lợi với vinh nhục, dù người khác tìm cách thức tỉnh cũng u mê: Đôi kẻ biết sao không tỉnh lại / Dầu thiên hô, vạn hoán cũng u ơ / Xót cho ta biết sao giờ (Cán cân tạo hóa). Quan niệm của tác giả về cuộc đời mang tính triết học, cuộc đời là một trò chơi lớn, trong đó bao hàm nhiều trận chơi, trò chơi, cuộc chơi nhỏ khác nhau. Không chỉ cầm, kì, thi tửu là trò chơi mà chính trị, công danh cũng là một trò chơi, chơi cũng là làm mà làm cũng là chơi, con người tham dự nhiều vai, đắp đổi không giữ nguyên, không lấy làm hổ thẹn khi bị chuyển vị trí: “Khi thủ khoa, khi tham tán, khi tổng đốc đông / Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng” (Ngất ngưởng). Chính Nguyễn Công Trứ cũng từng nói lúc làm tướng không lấy thế làm vinh, lúc bị đày làm lính thú không vì thế mà thấy nhục. Ở mọi vị trí con người đều tìm được chỗ đứng, giá trị, ý nghĩa của mình. Con người trong thơ hát nói Nguyễn Công Trứ là con người đạt đến độ thăng hoa của trò chơi, cuộc chơi, đạt đến trạng thái say sưa. Say sưa là một cảm giác mê mải, duy trì cảm hứng ấy trong một trạng thái khá lâu dài, không bị chi phối bởi các yếu tố xung quanh. “Thơ túi, rượu bầu” mang lại sự ngất ngây, sảng khoái của men say vị đời lên hương và vị hồn lên men. Nhưng “nghề chơi cũng lắm công phu”. Người tham dự trò chơi không phải một cách mù mờ, mù quáng mà phải chơi như thế nào cho đẹp, thanh nhã, tài hoa, sành sỏi, lịch duyệt, nâng lên thành nghệ thuật thưởng lãm: “Chơi cho lịch mới là chơi / Chơi cho đài các cho người biết tay” (Chơi cho phỉ chí) nó vượt lên sự dung tục, thô bỉ, tầm thường, trác táng, bạt mạng. Chơi trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, một phần tạo nên ý nghĩa, mang giá trị nhân sinh: Nhân sinh bất hành lạc / Thiên tuế diệc vi thương (Dịch nghĩa: Con người ở đời không hành lạc thì dẫu sống vạn năm cũng đáng thương). Con người dù có tồn tại vạn năm như vũ trụ nhưng sống một cách vô cảm, trơ lì không biết cách hưởng thụ, cảm nhận những giá trị cuộc đời thì cũng vô nghĩa biết bao. Cảm quan về thời gian viên miễn của vũ trụ đối lập với cái hữu hạn của đời người đã giúp Nguyễn Công Trứ xây dựng một đề cương cho cuộc sống vừa phát triển cao độ con người xã hội vừa đi đến tận cùng con người cá nhân. Nếu sự nghiệp công danh của ông để lại tiếng vang trong lịch sử thì sự nghiệp sáng tác để lại dấu ấn đặc biệt trong nền văn học nước nhà. Bằng cách đó, Nguyễn Công Trứ tồn tại mãi mãi cùng thời gian, trong dòng chảy vô tận. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1994). Việt Nam Ca trù biên khảo. NXB TP Hồ Chí Minh. [2] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1999). Từ điển thuật ngữ Văn học. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. [3] Trần Nho Thìn (2003). Nguyễn Công Trứ về tác gia và tác phẩm. NXB Giáo dục. TRẦN THỊ THANH NHỊ 76 Title: THE FEELING AND BEHAVIOR WITH TIME IN “HAT – NOI POEMS” OF NGUYEN CONG TRU Abstract: Nguyen Cong Tru was a writer who took a very special play in Vietnamese Medieval Literature. He paticipated his effort to perfect and develope the category “hát nói” to its top. In classical literature, there was rarely writer who had the obsession with time like Nguyen Cong Tru. His “song – says poems” showed his feeling about the circulation of the universe and the self-conscious about limited time for human life. Established the names, entertained, enjoyed his life and created art were the solutions and behavior that he proposed people in the flow of time. His own life was an evidence of the high master of time to achieve the best results not only in name, in career but also in creative arts. He left his name for eternity. ThS. TRẦN THỊ THANH NHỊ Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf13_182_tranthithanhnhi_12_tran_thi_thanh_nhi_7218_2020965.pdf
Tài liệu liên quan