“Chúng không tiết lộ một bí mật nào: những gì chúng đề cập đến đều đã được dân
chúng bàn tán từ khá lâu” [6, tr. 98]. Như vậy, sự xuất hiện của tờ rơi trong một xã hội
bao giờ cũng là biểu hiện của sự nghi ngờ vào chính quyền, báo hiệu của sự bất ổn
thường trực. “Đó là triệu chứng của một xã hội rối loạn” [6, tr. 160]. Như vậy, giá trị
thông tin của tờ rơi là không đáng kể, bởi vì: “Họ nói toàn những chuyện thiên hạ biết
tỏng - Đó chính là một đặc tính của những tờ rơi” [6, tr. 133]. Nhưng mục tiêu của các
tờ rơi hướng đến lại là: “Một làng bị những lời bịa đặt viết trên tờ rơi tiêu diệt chỉ trong
bảy ngày. Dân chúng của làng ấy giết chết lẫn nhau. Những kẻ sống sót bỏ làng ra đi
mang theo những hài cốt người thân để khẳng định rằng mình sẽ chẳng bao giờ về quê
nữa” [6,tr. 40]. Cái chết thương tâm của Paxto, Pepe Adamo, không khí căng thẳng tột
độ trong những đêm giới nghiêm nhằm chống lại việc dán tờ rơi, đã cho thấy sức mạnh
và tầm ảnh hưởng đến tâm lí quần chúng một cách rộng rãi của loại hình thông tin phi
chính thống này.
Tờ rơi mặc dù có quyền lực xã hội và tầm ảnh hưởng sâu rộng, nhưng lại là loại hình
thông tin chỉ nhắm đến tầng lớp bề trên trong xã hội, thành phần có quyền lực, tài sản
hoặc danh dự cá nhân cần bảo vệ. Do đó, nếu tầng lớp trên luôn tỏ ra dễ tổn thương bởi
các tờ rơi, thì thành phần bình dân trong xã hội lại gần như “miễn nhiễm”: “cha Anghel
quan sát thấy trong nhà những người nghèo người ta cũng nói đến các tờ rơi nhưng với
một hình thức khác hẳn và với thái độ vui vẻ lành mạnh” [6, tr. 137]. Như vậy, nếu tờ
rơi với tầng lớp trên là một sự bôi nhọ, tố cáo, thì với quần chúng bình dân, nó chỉ là
một thứ “văn học dân gian” truyền khẩu vui nhộn. Vấn đề của Mỹ Latinh đó là một xã
hội cùng nhau “viết tờ rơi”, ngay cả đối với những người canh gác đêm chống tờ rơi
cũng: “dán tờ rơi để giải buồn trong lúc canh gác” [6, tr. 208]. Lời tiên tri của
Caxangdra về việc cả làng cùng viết tờ rơi đã phản ánh một thực trạng nhiễu loạn đến
mức không thể điều hòa trong xã hội Mỹ Latinh. Nó cũng phản ánh cho việc đấu tranh
không có mục đích chung và không quy tụ dưới một ngọn cờ thống nhất. Thông tin của
những tờ rơi ở Mỹ Latinh do vậy biểu hiện cho tính đa trị một cách sâu sắc, nhưng nó
vừa chỉ ra ưu thế, lại vừa phản ánh nhược điểm cố hữu của hình thức thông tin này.
Là một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của G. G. Marquez, Giờ xấu đã hoàn
thành nhiệm vụ tiên phong của mình trong việc đặt nền móng cho cảm quan nghệ thuật
hậu hiện đại đối với văn học Mỹ Latinh nói chung và bản thân tác giả nói riêng. Nhiều
thủ pháp nghệ thuật được đặt ra trong cuốn tiểu thuyết này (tự sự mê lộ, biên niên sử
huyền ảo, cảm quan đa trị ), đã được Marquez không ngừng hoàn thiện và xây dựng
thành bút pháp nghệ thuật đặc trưng của tác giả trong những tác phẩm sau này. Giờ xấu
theo đó có thể là giây phút mà cái chết thảm khốc của chàng nhạc công Paxto ở đầu
truyện xảy ra, cũng có thể là giây phút mà cái chết oan nghiệt của chàng trai trẻ Pepe
Adamo xảy ra vào cuối truyện, đúng theo kết cấu trùng điệp của “cái chết vòng tròn”.
Giờ xấu cũng có thể là giờ giới nghiêm căng thẳng đến nghẹt thở mỗi đêm hết sức phổ
biến ở Colombia. Nhưng quan trọng hơn, Giờ xấu là một ám dụ nghệ thuật, nhằm chỉ về
bản chất sử tính và thời gian nghệ thuật ở Mỹ Latinh, một vùng đất chưa bao giờ thôi
“cô đơn” trong hoàn cảnh hậu hiện đại.
9 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 445 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết giờ xấu của G. G. Marquez - Phan Tuấn Anh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 02(14)/2010: tr. 22-30
CẢM QUAN HẬU HIỆN ĐẠI
TRONG TIỂU THUYẾT GIỜ XẤU CỦA G. G. MARQUEZ
PHAN TUẤN ANH
Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế
Tóm tắt: Giờ xấu là một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của
G.G.Marquez, nhưng đã sớm đặt nền móng quan trọng trong việc xây dựng
cảm quan hậu hiện đại mang bản sắc Mỹ Latinh. Trong cuốn tiểu thuyết này,
bằng việc soi chiếu với thực tại chính trị - xã hội, Marquez đã phác họa
nguyên nhân và bản chất nỗi cô đơn của Mỹ Latinh. Bằng hình thức sự tự đa
điểm nhìn cùng hình tượng “tờ rơi”, nhà văn người Colombia đã cụ thể hóa
cảm quan hậu hiện đại của mình thành những hình tượng văn học và nghệ
thuật trần thuật độc đáo.
“Sự diễn dịch cái hiện thực mà chúng tôi sống bằng những mô hình không phải của
chúng tôi chỉ khiến chúng tôi trở nên xa lạ hơn, kém tự do tự tại hơn, và cô đơn hơn bao
giờ hết” [3, tr. 710].
Cảm quan hậu hiện đại (Postmodern sensibility) theo I. P. Ilin [1, tr. 8] là một thuật ngữ
bắt nguồn từ chủ nghĩa hậu cấu trúc (Post-structuralism), về sau được các nhà lý thuyết
hậu hiện đại bổ sung và phát triển. Xét về mặt nội hàm, cảm quan hậu hiện đại trước
tiên là một thuật ngữ mang tính thế giới quan, nó dựa trên hai nguyên tắc cơ bản của
nhận thức luận hậu hiện đại, đó là chaos (hỗn độn) và epistemological uncertainty (bất
tín nhận thức). Các nhà hậu hiện đại nhìn thế giới không phải dưới một chỉnh thể theo
quan hệ nhân - quả, mà là một tập hợp hỗn độn các sự vật hiện tượng theo quan hệ hiện
tượng - ngẫu nhiên. Từ đó, thế giới là một thế giới phi trật tự, phi hệ qui chiếu, phi định
mức giá trị. Những chấn thương tinh thần trong xã hội hậu hiện đại (hai cuộc thế chiến,
thảm họa Holocaust, chiến tranh lạnh) đã biến thế giới thành một tập hợp phi lý,
chính vì thế, bản thân quan niệm “Chaos” thực chất cũng chỉ là cách đề xuất quan niệm
về trật tự và cấu trúc thế giới mới, nhưng đó là quan niệm có tính “giải kiến tạo” về thế
giới thực tại hậu hiện đại. Nguyên tắc “bất tín nhận thức” lại xuất phát từ nền tảng văn
hóa - xã hội hậu hiện đại, với sự “thậm phồn” (hyper) của thế giới thông tin (quảng cáo,
Internet, phần mềm máy tính), được kiến tạo từ văn hóa mạng và “ngôn ngữ nhị
phân” (ngôn ngữ lập trình máy tính), đã đưa thông tin trở thành sản phẩm mất thẩm
quyền, một vật ngụy tạo (simulacre). Từ đó, văn học hậu hiện đại chối từ mọi nỗ lực
diễn giải và nhận thức thế giới một cách toàn vẹn, thống nhất. Thứ hai, cảm quan hậu
hiện đại còn mang ý nghĩa là một thuật ngữ trong lĩnh vực lý thuyết văn học, nhằm chỉ
“lối viết tiểu luận nhiều ẩn dụ. Đây là nói về hiện tượng “tư duy nghệ thuật”. Gắn với
sự khủng hoảng của chủ nghĩa duy lý” [1, tr. 9].
G.G.Marquez (sinh 1928) là nhà văn đã kết hợp cảm quan hậu hiện đại của mình với bút
pháp nghệ thuật mang đặc trưng của cả một trào lưu (chủ nghĩa hiện thực huyền ảo), với
nội dung tư tưởng đã định danh cho cả nền văn hóa (Mỹ Latinh). Chính vì vậy, cảm
CẢM QUAN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT GIỜ XẤU CỦA G. G. MARQUEZ
23
quan hậu hiện đại của Marquez vừa có tính phổ quát, vừa mang tính địa phương, và là
một cột mốc không thể nào không tính đến trong tiến trình phát triển của văn học hậu
hiện đại. Trong suốt chặng đường sáng tạo hơn 49 năm, vắt dài qua hai thế kỉ XX và
XXI, Giờ xấu (La mala hora - 1962) có thể xem là thành tựu tiểu thuyết đầu tiên, nơi
tác giả bắt đầu xây dựng cảm quan hậu hiện đại kiểu Mỹ Latinh của mình, từ những dự
phóng ban đầu trong Bão lá úa (La hojarasca - 1952). Giờ xấu vốn có tên nguyên bản
là Cái thị trấn cứt đái này, là tiểu thuyết thứ ba của nhà văn thiên tài người Colombia,
được ấp ủ khi ông viết về một vùng đất tồi tàn, nghèo khổ, bẩn thỉu và nghẹt thở trong
sự căng thẳng do những “tờ rơi” gây ra.
1. ĐIỀU KIỆN HẬU HIỆN ĐẠI CỦA MỸ LATINH
Trong lễ trao giải Nobel văn học năm 1982 tại viện Hàn lâm Thụy Điển, một “gã người
Colombia lang thang và hoài cổ” [3, tr. 710] mang tên G.G.Marquez đã lấy tên cho diễn
từ của mình là Nỗi cô đơn của châu Mỹ Latinh. Trong suốt sự nghiệp lẫy lừng của mình,
mọi cuốn tiểu thuyết của Marquez hầu như chỉ tập trung khai thác chủ đề nỗi cô đơn,
mà cội nguồn của nó xuất phát từ những vấn đề không bao giờ giải quyết được liên
quan đến số phận, văn hóa, chính trị của cả một nửa châu lục. Cảm quan hậu hiện đại
của tác giả chính vì thế, trước tiên phải tính đến trong tương quan với thực tại Mỹ
Latinh xuyên suốt thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI. Là một tiểu thuyết được viết trong một
hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khi tác giả đang đi công du tại châu Âu, qua một loạt các
thành phố như Geneve, Roma, Paris thì biết mình bị thất nghiệp và không thể hồi
hương, do chính phủ Pinilla đã đóng cửa tòa soạn El Espectador - nơi Marquez đang
làm việc. Những ý tưởng ban đầu được Marquez phác thảo trong những tháng ngày
sống vạ vật, được bà chủ nhà tốt bụng giúp đỡ trong một khu nhà trọ Latinh rẻ tiền
mang tên Cujas ở Paris. Tuy nhiên, sự hoàn thiện cuốn tiểu thuyết này phải đến những
tháng ngày tác giả lưu vong tại Venezuela sau đó. Chính trong hoàn cảnh đặc biệt như
vậy, Marquez đã có đủ không gian và thời gian để suy ngẫm về số phận, bản chất và
những vấn đề của Mỹ Latinh trong một cảm quan cô đơn mang đậm tính hậu hiện đại.
Giờ xấu không khai thác nỗi cô đơn từ sự chia lìa, đổ vỡ tình yêu, tình bạn hay các quan
hệ tình cảm gia đình như tiểu thuyết lãng mạn. Giờ xấu cũng chối từ xem xét nỗi cô đơn
từ tính bản thể bất khả diễn giải như các tiểu thuyết hiện sinh và phi lý. Cảm quan cô
đơn trong tiểu thuyết thứ ba của Marquez được khai thác từ những vấn nạn đã biến Mỹ
Latinh thành một xứ sở “điên rồ”, được biểu hiện thông qua số phận và đời tư của hàng
loạt tuyến nhân vật: cha Anghen, pháp quan Accadio, người quản gia Carmichaen, Xexa
Mongtero, bác sĩ Hirando Số phận của tất cả những nhân vật này, dù mang bi kịch
riêng, nhưng đều nằm trong bi kịch chung của vùng đất Nam Mỹ. Trong Giờ xấu, Mỹ
Latinh đã được phác thảo nên là vùng đất của áp bức chính trị và bạo lực đường phố.
Nền chính trị của Mỹ Latinh nói chung và Colombia nói riêng, thường được Marquez
gọi một cách mỉa mai là: nền dân chủ hoặc nền cộng hòa. Song về thực chất, mọi tác
phẩm của nhà văn người Colombia lại phác thảo nên điều ngược lại, đó chỉ là một nền
chính trị độc tài, chuyên chế, gian lận và sử dụng bạo lực tràn lan. Nơi mà đảng cầm
quyền không bao giờ ra sức thu hút cử tri trước các cuộc bầu cử bằng việc vận động
PHAN TUẤN ANH
24
tranh cử lành mạnh, thực hiện các chính sách dân túy như đã cam kết, mà bằng cách lợi
dụng lực lượng sức mạnh (quân đội, cảnh sát) nhằm đàn áp và ám sát chính trị.
Về thực chất, những cuộc bầu cử tại Mỹ Latinh chỉ là một sàn diễn kịch của những thủ
đoạn và âm mưu. Nơi người ta ngang nhiên: “Ngay sau những cuộc tuyển cử cuối cùng
cảnh sát đã tuyên bố sung công và phá hủy các bàn tuyển cử của đảng đối lập” (trang
93). Chính thực trạng này đã tạo ra cảm quan đặc biệt trong những tác phẩm của
Marquez: cảm quan về sự xoay vòng của không thời gian nghệ thuật. Giống như số
phận cá nhân của Tướng quân Simon Bolivar (Tướng quân giữa mê hồn trận), bà mẹ trăm
tuổi Úrsula Iguarán (Trăm năm cô đơn), hai nhân vật điển hình cho sự xoay vòng của thời
gian nghệ thuật cả trên phương diện hình hài (ngày càng teo nhỏ lại) và phương diện ký
ức (lẫn lộn quá khứ với hiện tại), Giờ xấu miêu tả cả một nền chính trị xoay vòng. Theo
đó, không có điều gì thực sự mới mẻ, cách mạng, canh tân đã diễn ra ở Mỹ Latinh, mà chỉ
là sự xoay vòng cái hiện thực đã có dưới một vỏ bọc mới. “Đúng ra nỗi sợ chỉ là cảm
giác thắng cuộc bởi vì cái đã có trong ý thức của tất cả mọi người nay đã thành hiện
thực: chẳng có gì thay đổi cả” [6, tr. 185]. Bản thân sự lặp đi lặp lại một cách nhàm chán,
căng thẳng, ngột ngạt các sự kiện trong không gian nghệ thuật tác phẩm cũng biểu trưng
cho cảm quan vòng tròn của Marquez. Mở đầu các cảnh trần thuật, gắn với từng nhân vật
cụ thể khác nhau, bao giờ cũng là một sự kiện, hoặc một tâm trạng được đồng hiện từ
những cảnh trần thuật trước của chính nhân vật đó. Đặc điểm của sự kiện hoặc tâm trạng
được đồng hiện đó là sự tù túng, mệt mỏi, bẩn thỉu hoặc đầy âu lo. Với Xã trưởng đó là
cơn đau răng không dứt, với cha Anghen đó là xác những con chuột chết không bao giờ
hết, với tất cả mọi người trong khu phố tồi tàn là mùi khẳn lặn của xác con bò chết trôi
trên sông, tiếng lũ chó cắn nhau kịch liệt trong đêm và đặc biệt là những tờ rơi được dán
trên bờ tường mỗi khi bình minh đến. Hiện thực được xoay vòng một cách ngột ngạt đã
khiến tác phẩm không vận động cốt truyện theo hướng: trình bày - thắt nút - phát triển -
cao trào - mở nút, mà thực chất là sự xoay vòng các sự kiện.
Tình trạng o bế thông tin, không có tự do báo chí và lưu vong chính trị cũng là những
vấn nạn khác của Mỹ Latinh được tác giả phác họa trong tác phẩm. Các đặc trưng này
gắn liền với số phận và tâm tư cá nhân của Marquez, khi bản thân tác giả khi sáng tác
Giờ xấu đang là một người lưu vong, một nhà báo thất nghiệp vì tòa soạn bị chính
quyền đóng cửa. Thông qua lời phát ngôn của người thợ cạo: “Trên đất nước chúng ta
bây giờ chỉ còn các tờ báo chính thức và trong lúc tôi còn sống thì những thứ ấy không
thể bén mảng tới đây” [6, tr. 65], Marquez đã cho thấy thông tin báo chí ở Mỹ Latinh
chỉ là thông tin một chiều, phát ngôn cho các đại tự sự. Lời khuyên của bà góa
Mongtien với các con: “Các con tôi đang hạnh phúc ở châu Âu và chúng chẳng cần
phải làm gì ở cái đất nước man rợ này” [6, tr. 175], cũng cho thấy sự xót xa và thất
vọng của quần chúng với số phận đất nước. Đặc điểm nghệ thuật đáng chú ý trong Giờ
xấu đó là, tất cả các quan niệm, tư tưởng, phát ngôn liên quan đến số phận, bản chất
Mỹ Latinh đều là những phát ngôn cá nhân và cụ thể của từng nhân vật. Tác giả
không thay nhân vật phát ngôn qua lời người kể chuyện, hoặc không sử dụng nhân vật
như một cái loa nhằm phát ngôn cho ý định của mình. Tất cả những phát ngôn và nhận
định của các nhân vật đều gắn với môi trường sống, tính cách và số phận cá nhân của
CẢM QUAN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT GIỜ XẤU CỦA G. G. MARQUEZ
25
họ. Việc Xã trưởng đồng thời là một thiếu úy, một cảnh sát trưởng đã phản ánh một
thực trạng khác của Mỹ Latinh, đó là nạn cầm quyền của giới quân sự, biến chính phủ
trở nên độc tài và luôn sẵn sàng sử dụng bạo lực. Chính trị và quân sự luôn là hai phạm
trù đồng nhất ở Mỹ Latinh, ai đó nắm súng đạn, nắm quân lính, họ sẽ nắm “nền cộng
hòa” và mặc sức thao túng nền “dân chủ”. Lực lượng cảnh sát không phải là lực lượng
hành pháp, mà là lực lượng khủng bố quần chúng, bởi đa phần xuất thân của cảnh sát lại
là những tên tội phạm hình sự. Như lời thú nhận của viên Xã trưởng: “Hiện tại, chẳng
cần phải giấu giếm ai điều này: có ba người trong số họ là tội phạm hình sự được moi
ra từ các trại tù và bọn chúng cải trang thành lính cảnh sát” [6, tr. 168]. Xã trưởng còn
là một biểu hiện đặc sắc cho hình tượng trung tâm của tiểu thuyết Marquez - hình tượng
về tên độc tài. Từ quân sự bước vào nắm chính quyền, cai trị bằng bàn tay sắt nhưng
cũng có thừa sự giảo quyệt nhằm mị dân, Xã trưởng là hình tượng người quản lý xã hội
điển hình của Mỹ Latinh, vốn mang bàn tay bọc nhung nhưng luôn cầm súng máy.
Cảm quan cô đơn của Marquez như vậy đến từ thực tiễn nền chính trị và xã hội Mỹ
Latinh trong thời hậu hiện đại. Nền độc lập trên vùng đất này đã được thiết lập từ tay đế
quốc Tây Ban Nha, nhưng đó là một nền độc lập giả tạo, bởi nó thiếu hẳn đi hai giá trị
cơ bản của một xã hội tiên tiến: đó là sự tự do và nền dân chủ. Như vậy, Giờ xấu so với
những tiểu thuyết sau này của Marquez tỏ ra đậm tính hiện thực hơn, phản ánh một cách
trực tiếp những vấn nạn của một vùng đất, trong một giai đoạn lịch sử đầy bão táp.
2. TỰ SỰ NHIỀU ĐIỂM NHÌN KIỂU HẬU HIỆN ĐẠI
Hiếm có tiểu thuyết nào của G. G. Marquez mà tác giả lại sử dụng nhiều điểm nhìn trần
thuật luân phiên nhau, chỉ trong một dung lượng tiểu thuyết thuộc loại ngắn (267 trang
bản dịch) như Giờ xấu. Điểm nhìn là vị trí nghệ thuật của người quan sát (focalizer) trong
văn bản trần thuật. “Một tác phẩm bị gắn chặt vào điểm nhìn của người quan sát khi nó
thể hiện (và không vượt quá) những suy nghĩ, nhận xét, kiến thức, những cảm nhận trong
tưởng tượng và ngoài thực tế của ông/bà ta cũng như định hướng văn hóa và tư tưởng
của ông/bà ta” [5, tr. 41]. Trong các văn bản văn học hậu hiện đại, đặc trưng này tỏ ra
phức tạp và thú vị hơn, bởi mỗi văn bản bản hậu hiện đại thường xảy ra sự xen cắt, giao
hòa và luân phiên rất nhiều điểm nhìn khác nhau. Sự phức hợp điểm nhìn trong các văn
bản hậu hiện đại lại không đơn thuần là sự luân phiên về mặt trần thuật, mà thường xuyên
mâu thuẫn, truy đuổi, phủ định và đấu tranh lẫn nhau. Chính đặc trưng bất tín nhận thức
và hỗn độn trong cảm quan hậu hiện đại, đã được cụ thể hóa bằng thủ pháp tự sự nhiều
điểm nhìn trong tiểu thuyết Giờ xấu và một loạt những sáng tác sau này của ông. Mặc dù
chưa đạt chất lượng nghệ thuật tinh xảo, sâu sắc như truyện ngắn Cụ già với đôi cánh
khổng lồ, nhưng Giờ xấu là bước thử nghiệm đầu tiên rất đáng ghi nhận. Theo lý thuyết tự
sự học, có thể chia điểm nhìn thành hai loại cơ bản là điểm nhìn bên trong và điểm nhìn
bên ngoài, mỗi điểm nhìn đều có một lợi thế riêng. Nếu điểm nhìn bên trong có lợi thế về
việc phác thảo nội tâm nhân vật, thì điểm nhìn bên ngoài có lợi thế về khả năng miêu tả
khách quan, bao quát hiện thực. Văn học hậu hiện đại đã dung hợp cả hai lợi thế của điểm
nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài, bằng xu hướng sử dụng ngôi kể thứ ba (thường
gắn với điểm nhìn bên ngoài trong văn học hiện đại), nhưng lại mang điểm nhìn và luân
PHAN TUẤN ANH
26
phiên điểm nhìn theo những nhân vật khác nhau. Mặc dù chủ yếu sử dụng điểm nhìn bên
ngoài, nhưng với việc kết hợp luân phiên liên tục điểm nhìn theo những nhân vật khác
nhau, Marquez phần nào đã mở ra những hướng cách tân mới, khi tiểu thuyết của ông liên
tục thực hiện khả năng xâm nhập vào bên trong điểm nhìn của nhân vật. “Nghệ thuật sử
dụng nhiều điểm nhìn trong phản ánh hiện thực là cách đề cao tinh thần dân chủ trong tự
sự của chủ nghĩa hậu hiện đại” [2, tr. 136].
Có thể Giờ xấu không phải là tiểu thuyết thành công hay phức tạp nhất về mặt đa điểm
nhìn tự sự trong sự nghiệp của Marquez, nhưng đây là tiểu thuyết thực hiện sự luân phiên
điểm nhìn đều đặn nhất, mang nhiều điểm nhìn gối đầu nhau nhất trong một tác phẩm.
Mỗi điểm nhìn gắn với một cảnh đoạn trần thuật khác nhau, với dung lượng trần thuật gần
như bằng nhau. Có thể kể đến một loạt điểm nhìn cơ bản, gắn với những tuyến trần thuật,
và nhân vật có vai trò quan trọng trong diễn biến của diễn ngôn truyện kể, bao gồm: tuyến
của cha Anghen, tuyến của Xexa Mongtero, tuyến của Xã trưởng, tuyến của Pháp quan
Accadio, tuyến của Roberto de Axit, tuyến của bà quả phụ Axit, tuyến của Carmichaen,
tuyến của bà góa Mongtien, tuyến của bác sĩ Hirando. Trong đó, có ba tuyến gắn liền với
điểm nhìn của ba nhân vật đóng vai trò quan trọng nhất, thường xuyên xuất hiện, và mang
ý nghĩa riêng, đó là tuyến của cha Anghen, tuyến của Pháp quan Accadio và tuyến của Xã
trưởng. Điểm nhìn của cha Anghen vẫn nặng về tính đạo đức tôn giáo, cố gắng giải quyết
mọi việc trong thực tại bằng những nỗ lực giữ gìn giáo luật (cấm chiếu phim có nội dung
“kích động”, bắt những người chung sống phải kết hôn, đòi đối xử nhân đạo với tù
nhân). Tuy nhiên, điểm nhìn này đã sớm tỏ ra bất lực và thất bại trước thực tiễn, một
khi tôn giáo đã mất đi thẩm quyền của nó trong một thời đại mà “sự ngây thơ bị đánh
mất” (Umberto Eco). Niềm tin vào thượng đế của cha Anghen đã không thể cứu chuộc
được cái răng đau của Xã trưởng, nên hắn nhận ra rằng: “Ngài (Xã trưởng - PTA) cầu
kinh rất thành tâm nhưng ngài nhận thấy rằng trong lúc càng cố giao thiệp trực tiếp với
thượng đế thì cơn đau răng lại càng dữ dội hơn” [6, tr. 84]. Trước lời khuyên bảo phải
kết hôn với người mình đang chung sống, cô “vợ” của Pháp quan Accadio vừa dạng háng
ra, vừa tranh cãi: “Thưa cha, tốt hơn hết là hãy cứ hành động một cách chân thành. Mọi
người đã sống như vậy rồi nhưng sống với những ngọn đèn đã tắt” (trang 107). Với hành
động đòi trả xác Pepe Amado của cha Anghen, Xã trưởng đã: “giương nòng súng về phía
cha. “Hãy đứng yên, cha yêu quý ạ” [6, tr. 261].
Ngược với điểm nhìn mang đậm tính đạo đức tôn giáo của cha Anghen, điểm nhìn của
Pháp quan Accadio lại mang đậm tính trần thế. Accadio là một pháp quan có nhân cách
tốt, nhưng sống trong một môi trường chính trị lũng đoạn, độc tài đã khiến ông dần bi
quan và kiếm tìm cách trốn chạy trong tuyệt vọng. Ngoài ra, Accadio là một người
mang nhãn quan trần tục về cuộc đời, biểu hiện qua những cuộc đam mê ái ân mãnh liệt
với cô vợ. Sau khi nhận ra bản chất thực sự của Xã trưởng, cùng sự tác động của tờ
truyền đơn mà người thợ cạo đưa cho, Pháp quan đã “biến mất” mà tác giả không hề đề
cập đến số phận của anh ta nữa. Rõ ràng bản tính trong sáng, ham tự do, đầy sức sống
và luôn đam mê nhục dục của Accadio không thể nào không làm chúng ta liên tưởng
đến bản tính của những “con người thế tục” (Lê Huy Bắc) mang tên Arcadio trong dòng
họ Buendía (Trăm năm cô đơn). Điểm nhìn của Xã trưởng lại đặc trưng cho bản chất
CẢM QUAN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT GIỜ XẤU CỦA G. G. MARQUEZ
27
của những kẻ độc tài, chuyên chế. Cơn đau răng của hắn luôn đứng trên mọi sự kiện,
mọi số phận con người, với phát ngôn tiêu biểu: “Những chiếc răng của tôi đứng trên
các đảng phái” [6, tr. 105]. Những hành động và phát ngôn của Xã trưởng thường
xuyên mâu thuẫn nhau, và Xã trưởng mặc dù là nhân vật xuất hiện nhiều nhất, nhưng lại
là nhân vật mà Marquez hầu như chỉ dùng điểm nhìn bên ngoài để miêu tả nhân vật. Nội
tâm của Xã trưởng là một bí mật, bởi tính giả trá và lường gạt mà nhân vật này thường
xuyên thể hiện trong những phát ngôn và hành động của mình. Nhìn chung, điểm nhìn
của Xã trưởng luôn xuất phát từ lợi ích cá nhân của chính hắn: “Không có thứ ân huệ
nào không có tiền cho người giúp” [6, tr. 110]. Từ đó, Marquez không chỉ làm bộc lộ rõ
điểm nhìn của một nhân vật chính, mà còn chỉ ra bản chất của cả một nền chính trị cùng
những kẻ vận hành nền chính trị đó.
Với sự kiện hầu như tất cả các điểm nhìn đã được nhập làm một khi lệnh giới nghiêm
được ban ra từ trang 198 cho đến trang 192, Marquez đã thực hiện thủ pháp “trăm sông
đổ về một biển” trong trần thuật. Như vậy, tự sự đa điểm nhìn vừa có khả năng tạo ra
những góc nhìn với quan niệm cá nhân khi tách rời, vừa có khả năng dung hợp lại thành
một số phận chung, cảm thức chung khi đồng hiện. Mối quan hệ giữa các tuyến trần
thuật khác nhau, mang điểm nhìn khác nhau cũng để lại những hiệu ứng nghệ thuật đặc
biệt. Có thể tạm tính đến ba giá trị cơ bản như sau:
- Tạm ngưng, gián cách, hoán đổi, chuyển cảnh sự vận động của diễn ngôn truyện
kể.
- Khắc họa sự đối lập giữa không thời gian nghệ thuật giữa hai tuyến kể.
- Thay đổi điểm nhìn về cùng một sự vật - hiện tượng.
Đi liền với tự sự đa điểm nhìn là việc Marquez thường xuyên đặt điểm nhìn trần thuật
trong thì quá khứ, với những kí ức biên niên của các nhân vật. Chính khuynh hướng này
đã thực sự tạo ra những mê lộ trong tự sự, xu hướng mà các tiểu thuyết sau này của nhà
văn người Colombia đã hoàn thiện và đưa đến đỉnh cao trên văn đàn thế giới. Sự đồng
hiện vòng tròn từ kí ức đến thực tại về những sự vật - hiện tượng cũng là nét đáng chú
ý: “Ngài ngồi phịch xuống chiếc chế ngay cạnh giường. Bà góa hồi tưởng lại Hôxê
Môngtien ngồi trên chiếc ghế ấy, ngã nhào vì bị xuất huyết não, mười lăm phút trước
khi chết” [6, tr. 207]. Chính những đặc trưng thủ pháp nghệ thuật nói trên, kết hợp
với sự thay đổi một cách đột ngột tuyến trần thuật, chủ thể mang điểm nhìn, kết hợp với
các yếu tố huyền ảo, đã biến Giờ xấu nói riêng và tiểu thuyết Marquez nói chung là
những mê cung tự sự. Từ đó, thách thức người đọc trong quá trình thông diễn văn bản,
đồng thời tạo ra các khả năng vô hạn cho cả cách hiểu và cách cảm về nghĩa và ý nghĩa
của mỗi tác phẩm.
3. TỜ RƠI - HÌNH TƯỢNG ĐA TRỊ THÔNG TIN
Có thể nói, hình tượng trung tâm trong Giờ xấu không phải là một nhân vật cụ thể nào,
từ cha Anghen cho đến Xã trưởng, mà chính là hình tượng những Tờ rơi - một đặc sản
chính trị đường phố của Mỹ Latinh. Trong tự truyện của mình, Marquez nhớ lại: “Sự
thực là những tờ rơi chỉ được tôi dùng như điểm xuất phát của cốt truyện bởi vì khi viết
PHAN TUẤN ANH
28
ra tôi cũng đồng thời chứng minh rằng gốc rễ vấn đề những tờ rơi là chính trị chứ
không đơn thuần đạo đức như người ta vẫn tưởng” [7, tr. 304]. Tờ rơi đóng một vai trò
cực kì quan trọng trong đời sống chính trị Mỹ Latinh, bởi nó là công cụ thông tin tuyên
truyền ảnh hưởng đến quần chúng rộng rãi nhất. Bản chất thông tin của tờ rơi nằm ở hai
đặc điểm. Thứ nhất: tờ rơi là thông tin nặc danh nhưng mang tính mục đích chính trị rõ
ràng. Thứ hai: thông tin của tờ rơi nhằm gây ra một sự bất ổn trong quần chúng, qua con
đường tuyên truyền hay kích động quần chúng. Bao giờ cũng vậy, thông tin của tờ rơi là
thông tin phi chính thống, phản kháng lại các thông tin do chính quyền đưa ra trên các
phương tiện truyền thông chính thống được kiểm duyệt (báo, đài).
Trên một phương diện nào đó, tờ rơi góp phần đa dạng hóa thông tin đa chiều, là sự
phản biện, cảnh tỉnh với các thông tin chính thống, chính vì thế, nó là biểu hiện của dân
chủ. Nhưng bản chất tờ rơi luôn gây ra bất ổn xã hội, chính vì thế nó là một vấn đề có
tính chất hai mặt trong đời sống Mỹ Latinh. Xexa Mongtero đã bắn chết Paxto chỉ vì
thông tin trên các tờ rơi, Roberto de Axit đã suýt gây ra những điều đáng tiếc cũng chỉ
vì thông tin bôi nhọ danh dự cá nhân trên các tờ rơi. Giữa thông tin bôi nhọ danh dự cá
nhân và hiện thực diễn ra luôn có một khoảng cách rất lớn. Ví dụ:
- Thông tin bôi nhọ: “Về cụ ông người ta đồn rằng cụ đã bắn chết ngay trong chính
căn phòng ấy người đàn ông cụ bắt quả tang đang ngủ với vợ mình” [6, tr. 49].
- Thông tin thực tế: “Sự thực khác hẳn: bằng một súng săn, cụ bắn chết một con khỉ
độc mà cụ bắt gặp nó đang ngồi trên xà nhà trong phòng ngủ, mắt đang thèm
thuồng nhìn bà vợ trong lúc thay quần áo” [6, tr. 49].
Bản chất của tờ rơi là gây ra những lo âu và bất ổn thường trực trong lòng xã hội. Từ
đó, vu khống danh dự và bôi nhọ đời tư cá nhân cũng là một nhiệm vụ chính trị mà các
tờ rơi nhắm đến. Chứ không phải có hai loại tờ rơi, là tờ rơi tuyên truyền chính trị và tờ
rơi bôi nhọ danh dự cá nhân. Tính mục đích chính trị của tờ rơi nằm ngay trong bản
thân việc làm bất an danh dự và tinh thần của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong cơ cấu xã
hội. Tờ rơi là công cụ truyền thông đến đại chúng, nhưng bản thân tờ rơi lại là cơ quan
ngôn luận của cá nhân (dù nặc danh). Đây là một trong những đặc trưng đáng chú ý. Bởi
vậy, việc sản xuất và nội dung thông tin của các tờ rơi luôn mang tính cá thể, đại diện
cho tính đa trị thông tin trong thời hậu hiện đại. Đặc trưng này quy định hình thức của
tờ rơi thường là những bản viết tay, hoặc in thủ công bởi một cá nhân hay một vài cá
nhân ít ỏi: “Những ai nhìn thấy tờ rơi đều thống nhất cho biết rằng chúng được viết
bằng bút lông, bằng mực xanh đen và kiểu chữ in, viết lẫn chữ hoa với chữ thường y
như được một đứa trẻ con viết ra” [6, tr. 98]. Nếu báo chí thường là cơ quan ngôn luận
của tập thể, thì tờ rơi lại là cơ quan ngôn luận của cá nhân. Tính tập thể của tờ rơi thể
hiện trong tính mục đích tác động của nó, chứ không nằm trong chủ thể truyền tin. Do
đó, tờ rơi đại diện cho quyền thông tin cá nhân, nhưng lại mang mục đích tuyên truyền
đến toàn thể xã hội.
Nội dung thông tin của tờ rơi không hướng đến cung cấp một sự kiện mới mẻ, mà chủ
yếu nhằm vào việc gây ra những bất ổn, nghi ngờ đối với những thông tin chính thống:
CẢM QUAN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT GIỜ XẤU CỦA G. G. MARQUEZ
29
“Chúng không tiết lộ một bí mật nào: những gì chúng đề cập đến đều đã được dân
chúng bàn tán từ khá lâu” [6, tr. 98]. Như vậy, sự xuất hiện của tờ rơi trong một xã hội
bao giờ cũng là biểu hiện của sự nghi ngờ vào chính quyền, báo hiệu của sự bất ổn
thường trực. “Đó là triệu chứng của một xã hội rối loạn” [6, tr. 160]. Như vậy, giá trị
thông tin của tờ rơi là không đáng kể, bởi vì: “Họ nói toàn những chuyện thiên hạ biết
tỏng - Đó chính là một đặc tính của những tờ rơi” [6, tr. 133]. Nhưng mục tiêu của các
tờ rơi hướng đến lại là: “Một làng bị những lời bịa đặt viết trên tờ rơi tiêu diệt chỉ trong
bảy ngày. Dân chúng của làng ấy giết chết lẫn nhau. Những kẻ sống sót bỏ làng ra đi
mang theo những hài cốt người thân để khẳng định rằng mình sẽ chẳng bao giờ về quê
nữa” [6,tr. 40]. Cái chết thương tâm của Paxto, Pepe Adamo, không khí căng thẳng tột
độ trong những đêm giới nghiêm nhằm chống lại việc dán tờ rơi, đã cho thấy sức mạnh
và tầm ảnh hưởng đến tâm lí quần chúng một cách rộng rãi của loại hình thông tin phi
chính thống này.
Tờ rơi mặc dù có quyền lực xã hội và tầm ảnh hưởng sâu rộng, nhưng lại là loại hình
thông tin chỉ nhắm đến tầng lớp bề trên trong xã hội, thành phần có quyền lực, tài sản
hoặc danh dự cá nhân cần bảo vệ. Do đó, nếu tầng lớp trên luôn tỏ ra dễ tổn thương bởi
các tờ rơi, thì thành phần bình dân trong xã hội lại gần như “miễn nhiễm”: “cha Anghel
quan sát thấy trong nhà những người nghèo người ta cũng nói đến các tờ rơi nhưng với
một hình thức khác hẳn và với thái độ vui vẻ lành mạnh” [6, tr. 137]. Như vậy, nếu tờ
rơi với tầng lớp trên là một sự bôi nhọ, tố cáo, thì với quần chúng bình dân, nó chỉ là
một thứ “văn học dân gian” truyền khẩu vui nhộn. Vấn đề của Mỹ Latinh đó là một xã
hội cùng nhau “viết tờ rơi”, ngay cả đối với những người canh gác đêm chống tờ rơi
cũng: “dán tờ rơi để giải buồn trong lúc canh gác” [6, tr. 208]. Lời tiên tri của
Caxangdra về việc cả làng cùng viết tờ rơi đã phản ánh một thực trạng nhiễu loạn đến
mức không thể điều hòa trong xã hội Mỹ Latinh. Nó cũng phản ánh cho việc đấu tranh
không có mục đích chung và không quy tụ dưới một ngọn cờ thống nhất. Thông tin của
những tờ rơi ở Mỹ Latinh do vậy biểu hiện cho tính đa trị một cách sâu sắc, nhưng nó
vừa chỉ ra ưu thế, lại vừa phản ánh nhược điểm cố hữu của hình thức thông tin này.
Là một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của G. G. Marquez, Giờ xấu đã hoàn
thành nhiệm vụ tiên phong của mình trong việc đặt nền móng cho cảm quan nghệ thuật
hậu hiện đại đối với văn học Mỹ Latinh nói chung và bản thân tác giả nói riêng. Nhiều
thủ pháp nghệ thuật được đặt ra trong cuốn tiểu thuyết này (tự sự mê lộ, biên niên sử
huyền ảo, cảm quan đa trị), đã được Marquez không ngừng hoàn thiện và xây dựng
thành bút pháp nghệ thuật đặc trưng của tác giả trong những tác phẩm sau này. Giờ xấu
theo đó có thể là giây phút mà cái chết thảm khốc của chàng nhạc công Paxto ở đầu
truyện xảy ra, cũng có thể là giây phút mà cái chết oan nghiệt của chàng trai trẻ Pepe
Adamo xảy ra vào cuối truyện, đúng theo kết cấu trùng điệp của “cái chết vòng tròn”.
Giờ xấu cũng có thể là giờ giới nghiêm căng thẳng đến nghẹt thở mỗi đêm hết sức phổ
biến ở Colombia. Nhưng quan trọng hơn, Giờ xấu là một ám dụ nghệ thuật, nhằm chỉ về
bản chất sử tính và thời gian nghệ thuật ở Mỹ Latinh, một vùng đất chưa bao giờ thôi
“cô đơn” trong hoàn cảnh hậu hiện đại.
PHAN TUẤN ANH
30
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lại Nguyên Ân và (biên soạn) (2003). Văn học hậu hiện đại thế giới - những vấn
đề lý thuyết. NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
[2] Lê Huy Bắc (2009). Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và Gabriel Garcia Marquez. NXB
Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
[3] Đoàn Tử Huyến (biên soạn) (2006). Các nhà văn giải Nobel. NXB Giáo dục, Hà Nội.
[4] Lê Huy Hòa và (biên soạn) (2006). Những bậc thầy văn chương. NXB Lao động,
Hà Nội.
[5] Manfred Jahn (2005). Trần thuật học - Nhập môn lý thuyết trần thuật. Bản dịch của
Nguyễn Thị Như Trang, Phạm Gia Lâm hiệu đính (tài liệu lưu hành nội bộ) từ nguyên
tác tiếng Anh tại nguồn www.uni-koein.
[6] Gabriel Garcia Marquez (2001). Giờ xấu. NXB Văn học, Hà Nội.
[7] Gabriel Garcia Marquez (2007). Sống để kể lại. NXB Thành phố Hồ Chí minh.
Title: POSTMODERN SENSIBILITY IN THE BAD TIME NOVEL OF G. G. MARQUEZ
Abstract: The Bad Time is one of the first novels of G. G. Marquez that soon laid the important
foundation to build postmodern sensibility with Latin American identity. In this novel, by
examining the political and social realities, Marquez has outlined the causes and nature of Latin
American loneliness. With narrative form of multi-view and “leaflet” images, the Colombian
writer has concretized the postmodern sensibility into his literary images and particular narrative
art.
ThS. PHAN TUẤN ANH
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 18_268_phantuananh_06_phan_tuan_anh_7575_2021116.pdf