Cứ theo cách làm lặng lẽ, cẩn trọng, điềm tĩnh, tỉ mỉ, đi sâu vào đặc trưng của từng thể
loại và khám phá nét riêng trong dấu ấn nghệ thuật của từng nhà văn Vũ Ngọc Phan
đã đi trọn con đường đi tìm Nhà văn hiện đại khi mà dòng lưu chuyển của nó vẫn còn
đang tiếp diễn. Nhưng không vì thế mà ngòi bút phê bình của ông lạc điệu. Từng gương
mặt thể loại, từng dấu ấn nghệ thuật của mọi nhà văn được Vũ Ngọc Phan vinh danh
trong bộ sách phê bình đồ sộ này chắc hẳn vẫn sẽ là địa chỉ đi về với những ai yêu thích
văn chương Việt Nam. Nếu như Hoài Thanh, nhà phê bình cùng thời với Vũ Ngọc Phan
đã làm nên một Thi nhân Việt Nam, xác lập nên Một thời đại mới trong thi ca, thì một
Vũ Ngọc Phan cũng đã làm nên một Nhà văn hiện đại để vẽ lại toàn cảnh bức tranh văn
học Việt Nam trong một chặng đường đầy sôi động, đáng ghi nhớ.
7 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 504 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cách tiếp cận lịch sử văn học của Vũ Ngọc Phan trong nhà văn hiện đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 02(30)/2014: tr. 73-79
CÁCH TIẾP CẬN LỊCH SỬ VĂN HỌC CỦA VŨ NGỌC PHAN
TRONG NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI
NGUYỄN VĂN TỔNG
Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Phú Yên
TÔN THẤT DỤNG
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
Tóm tắt: Đời sống văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỉ 20 luôn là
nguồn cảm hứng cho giới nghiên cứu, phê bình văn học. Để đến với lịch sử
văn học trong những năm tháng đầy sôi động này có rất nhiều phương cách
khác nhau. Với Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã chọn một cách tiếp cận
lịch sử văn học bằng phương cách rất riêng của mình. Ông đã tiếp cận từ
góc nhìn thể loại và dấu ấn nghệ thuật của từng nhà văn. Từ hướng tiếp cận
này Vũ Ngọc Phan đã khái quát được toàn bộ diện mạo văn học Việt Nam
trong những năm nửa đầu thế kỉ 20.
Từ khóa: Dấu ấn nghệ thuật, hệ thống thể loại, nhà văn hiện đại
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Khi nói đến lịch sử văn học nghĩa là ta đang nói đến phương cách tiếp cận văn học trong
phương thức tồn tại lịch sử của nó. Khám phá văn chương từ góc nhìn văn học sử
thường đi vào khai thác những qui luật sinh thành và phát triển của các hiện tượng và
quá trình văn học diễn ra trong những điều kiện xã hội - lịch sử nhất định. Ở Nhà văn
hiện đại,Vũ Ngọc Phan tái hiện lại toàn cảnh bức tranh văn học sử Việt Nam chặng
đường nửa đầu thế kỉ 20 nhưng bức tranh ấy không dựng lên từ những dữ kiện tác
phẩm, tác giả, trào lưu, các giai đoạn đã qua của nền văn học theo trình tự thời gian.
Ông cũng không đi vào khai thác “thân thế của từng nhà văn đến văn phẩm, rồi lại định
rõ cả sự liên lạc của nhà văn nọ với nhà văn kia đồng thời hay khác thời” [4]. Vũ Ngọc
Phan lí giải qui luật sinh thành, phát triển của văn học chặng đường này bằng hệ thống
thể loại văn học và dấu ấn nghệ thuật của các nhà văn. Thông qua việc tái hiện diện mạo
văn học thời kì này bằng hệ thống thể loại và dấu ấn nghệ thuật, Vũ Ngọc Phan đã góp
phần làm khởi lộ toàn bộ đời sống văn học Việt Nam trong những năm nửa đầu thế kỉ
20 đầy sôi động.
2. NHẬN DIỆN LỊCH SỬ VĂN HỌC TỪ HỆ THỐNG THỂ LOẠI
Nhìn một cách tổng thể, trong suốt cả thời trung đại, hệ thống thể loại văn học của văn
học Việt Nam nằm trong văn học khu vực phương Đông. Phần lớn thể loại văn học của ta
đều chịu ảnh hưởng bởi hệ thống thể loại văn học Trung Quốc cổ điển với thơ, văn, phú
lục gần như chiếm địa vị độc tôn. Chúng có một mục đích chung là để nói chí, nói tình, là
tải đạo và đóng khung trong nền văn học mang tính chất phi ngã, sùng cổ, uyên bác cách
điệu. Đến chặng đường đầu thế kỉ 20, sự du nhập của văn hóa phương Tây đã mở ra một
chân trời mới cho văn chương. Chính cuộc giao lưu, gặp gỡ Đông - Tây đã sớm tạo ra
74 NGUYỄN VĂN TỔNG – TÔN THẤT DỤNG
“những vết rạn” [1] ban đầu để rồi dần dần “khoét sâu vào tính qui phạm” [2] của văn học
trung đại tạo nên một hệ hình mới, kèm theo đó là sự phát triển vô cùng phong phú và đa
dạng của cả một hệ thống hoàn chỉnh đầy đủ những thể loại. Các tài liệu nghiên cứu gần
đây đều đã chỉ rõ, bước sang những năm đầu thế kỉ 20 sinh hoạt văn chương Việt Nam đã
được tổ chức lại để tạo ra một nền văn học theo mẫu hình châu Âu. Và cuộc Âu hóa ấy
diễn ra đồng bộ trên nhiều phương diện từ môi trường văn học, chủ thể sáng tác, quan
niệm về sáng tác, các mối quan hệ của sáng tác với đời sống. Thế nhưng không ở đâu
người ta thấy rõ điều ấy như trong thể loại. Những biến động trên phương diện hình thức
tức là việc tiếp nhận những thể loại mới cụ thể “những nhân vật chính” [3] của một nền
văn học luôn là bằng chứng rõ ràng. Đi cùng với hơi thở thời đại, bắc nhịp được những
bước chuyển mình của văn chương đương thời, Vũ Ngọc Phan với Nhà văn hiện đại đã
phác thảo một cách khá đầy đủ về nền văn học hiện đại từ thời kì phôi thai cho đến giai
đoạn trưởng thành, định hình. Sự chớm nở của từng thể loại đến quá trình nở rộ và phát
triển rực rỡ của nó được Vũ Ngọc Phan tái hiện một cách cẩn trọng, tỉ mỉ. Một nền văn
học mới với đầy đủ diện mạo của nó từ biên khảo, dịch thuật, phóng tác, văn xuôi, thơ,
kịch, tiểu luận, phê bình văn học đều được hội ngộ trong Nhà văn hiện đại.
Trong toàn bộ Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã chọn lựa và sắp xếp theo trình tự từ
Các nhà văn đi tiên phong tập trung trong hai quyển I và II bao gồm những nhà văn hồi
mới có chữ Quốc ngữ, kế đến là những tác giả trong nhóm Đông Dương tạp chí và Nam
Phong tạp chí (ở quyển I). Quyển II bao gồm ba chương viết về Các nhà văn độc lập
gồm: các nhà biên khảo, các tiểu thuyết gia, các thi gia. Bước sang quyển III gồm sáu
chương được ông sắp xếp, phân loại nhà văn theo từng sở trường cụ thể: từ các nhà viết
bút kí đến những nhà viết lịch sử và kí sự, kế đến là những nhà viết phóng sự, các nhà
phê bình và biên khảo, các kịch gia, các thi gia. Cuối cùng, trong toàn bộ quyển IV Vũ
Ngọc Phan tập trung viết về những tiểu thuyết gia gồm: tiểu thuyết phong tục, tiểu
thuyết luận đề, tiểu thuyết luân lý, tiểu thuyết truyền kỳ, tiểu thuyết phóng sự, tiểu
thuyết hoạt kê, tiểu thuyết tả chân, tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết
trinh thám. Từ cách chọn lựa, sắp xếp ấy đã giúp chúng ta hình dung ra được cả một
chặng đường trong lịch sử hình thành và phát triển của văn học Việt Nam trên con
đường hiện đại hóa. Từ buổi đầu chủ yếu là nhờ báo chí làm phương tiện để truyền bá
chữ Quốc ngữ, rồi biên khảo, dịch thuật văn học Hán và phương Tây để tạo vốn, lấy đà,
vừa mở rộng cánh cửa để đón nhận những luồng gió mới từ phương Tây, tiến tới mô
phỏng, phóng tác theo mô hình văn học phương Tây như một bước đệm để tạo điều kiện
cho sáng tác dần được nảy nở. Trong phần kết luận Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan
cũng đã nhận xét quá trình ấy một cách rõ rệt, ông viết: “Phong trào dịch thuật và biên
khảo rất phát đạt lúc đầu ở nước ta do ở sự nước Việt Nam ta tiếp cận với Tây
phương phong trào biên dịch ấy đã giúp cho nhiều người hiểu rõ các loại văn của
Tây phương và đưa dắt người ta đến sự thí nghiệm các loại văn ấy trong sự sáng tác.
Sự thí nghiệm ấy diễn ra lúc đầu ở văn thể, rồi dần dần đến ý kiến và tư tưởng” [4]. Quá
trình mô phỏng, phóng tác tựa như những “tay vịn” cho văn thi nhân bước đi thêm vững
để rồi dần thử bút sáng tác và cho đến chặng đường sau 1930 đã cho ra đời những tác
phẩm thuộc nhiều thể loại từ thơ, văn xuôi, kịch đến phê bình văn học đạt đến trình
CÁCH TIẾP CẬN LỊCH SỬ VĂN HỌC CỦA VŨ NGỌC PHAN 75
độ nghệ thuật hiện đại. Quá trình hình thành - định hình - kết tinh của hệ thống thể loại
văn học Việt Nam ở chặng đường nửa đầu thế kỉ 20 được Vũ Ngọc Phan nhận diện một
cách trọn vẹn và đánh giá khá chuẩn xác.
Nhìn lại đời sống văn học thời kì này, ta dễ dàng nhận thấy chính nhờ sự phong phú của
các thể loại mà nền văn học Việt Nam đã thực sự sải bước trên con đường hiện đại hoá
theo mô hình phương Tây. Chưa bao giờ trong lịch sử văn học dân tộc các thể loại lại
đua tranh phát lộ như thời hiện đại. Chỉ tính riêng thể loại tiểu thuyết cũng đã thấy hết
sức phong phú, đa dạng. Trên một nền rộng lớn của văn chương đương thời, với sự phát
triển của nhiều thể loại khác nhau văn học Việt Nam đã thực sự bước vào thời đại mới.
Vậy làm thế nào để nhận biết được từng gương mặt riêng từng tác giả trong số đông ấy
để phân biệt những tác phẩm văn chương mang tính “độc sáng” để đoán định về sự tiến
hóa và bước đường tương lai của nhà văn ấy? Để đánh giá một thời kì văn học trong
khoảng 30 năm đầu thế kỉ 20 đầy sôi động và khi mà dòng chảy của nó vẫn còn đang
tiếp diễn là một công việc vô cùng khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất mà
nhà phê bình Vũ Ngọc Phan phải đối mặt đó là có rất nhiều những cây bút vẫn còn đang
ở độ tuổi sáng tác sung sức, còn với nhà phê bình thì chưa có một khoảng cách cần
thiết, một độ lùi nhất định để nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, toàn diện
trong những tương quan nhiều mặt của nghệ thuật. Đây chính là một ngưỡng thách thức
lớn đối với nhà phê bình Vũ Ngọc Phan. Nhưng không vì thế mà ngòi bút phê bình của
Vũ Ngọc Phan chùn lại. Ông vẫn điềm tĩnh đi từng bước một thật vững chắc. Với cảm
quan nhạy bén và sự quan sát tinh tường, bền bỉ, Vũ Ngọc Phan đã nhận thấy bên cạnh
sự trưởng thành về thể loại, văn học thời kì này còn lưu lại khá nhiều những dấu ấn
nghệ thuật. Bằng cái duyên của nghiệp phê bình văn học, Vũ Ngọc Phan đã có những
phát hiện và định vị tên tuổi, tài năng các nhà văn hiện đại một cách đầy chuẩn xác
thông qua những dấu ấn nghệ thuật của từng nhà văn.
3. NHẬN DIỆN LỊCH SỬ VĂN HỌC TỪ DẤU ẤN NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ VĂN
Khi nghiên cứu về Nguyễn Tuân, từ trong lối viết ở tập Vang bóng một thời dù tác giả của
nó chỉ định “dùng những nét đơn giản để ghi lại mấy cảnh xưa có tính cách đặc Việt
Nam. Cái tiếng vang của thời đã qua, mà ngày nay người ta tưởng như nó còn văng vẳng
và thấp thoáng” [4] Vũ Ngọc Phan vẫn tìm thấy những trang văn thấm đẫm chất “vị nghệ
thuật” của nét bút tài hoa của Nguyễn Tuân, Ông viết: “Đọc Vang bóng một thời của
Nguyễn Tuân, người ta cũng có một cảm tưởng gần giống như những cảm tưởng trong
khi ngắm một bức họa cổ. Gần giống, vì họa sĩ, tác giả bức họa cổ, là người xưa, có cái
óc của thời mình và có những nét, những màu của thời mình; còn tác giả Vang bóng một
thời chỉ là người khơi đống tro tàn của dĩ vãng để bày lại trước mắt ta những cái ta đã
biết qua hay chưa biết rõ” [4]. Hóa ra những gì mà ngòi bút tài hoa Nguyễn Tuân đã “kí
thác” trên trang văn về lối sống của người xưa trong niềm nuối tiếc ngậm ngùi của mình
cũng đã được Vũ Ngọc Phan thấu tỏ tựa như người tri âm. Phải chăng những trang văn tài
hoa ấy đã đánh động đến tâm hồm của một con người nặng lòng dân tộc, đánh động đến
nỗi lòng của con người cũng đang nặng trĩu nỗi ưu tư trước xã hội “ối a ba phèng”, một
Vũ Ngọc Phan của hôm nay nhưng cũng mang trong mình dòng máu Nho gia, cũng nuối
76 NGUYỄN VĂN TỔNG – TÔN THẤT DỤNG
tiếc những giá trị truyền thống đang dần có khả năng mai một trong buổi “mưa Âu gió
Mĩ”. Thế nên, những gì mà Nguyễn Tuân vẽ nên trong bức tranh cổ với những đường nét
đậm đà mới dễ lay động lòng ông đến thế. Điều mà Vũ Ngọc Phan thấy được trong bức
tranh cổ đó có lẽ là hình ảnh của Những chiếc ấm đất, Những chén trà sương, Thả thơ,
Đánh thơ, Một cảnh thu muộn, mà thấp thoáng đâu đó là những cụ Sáu, cụ Ấm hiện
thân của một lớp nhà Nho sống thanh bạch, nhàn nhã, trầm tĩnh. Bước đi của thời gian,
như một qui luật tất yếu, nó luôn tiến về phía trước còn với Nguyễn Tuân, ông như người
lữ hành cô độc, dạo bước quay về “khơi đống tro tàn” dĩ vãng như muốn thách thức với
thời gian và bánh xe tiến hóa để rồi làm nên một chất “ngông” trên con đường “phục cổ”
để dựng lại những giá trị nghệ thuật truyền thống giữa thời hiện đại. “Bức họa cổ” của
Vang bóng một thời tác giả đã vẽ lại những nét rầu rầu, những màu xam xám, không một
chỗ nào lộ ra những cái rực rỡ, những cái choáng lộn cả gợi lên trong lòng người đọc một
cái gì ngậm ngùi, tiếc nuối một thời đã qua. Vũ Ngọc Phan đã không ngần ngại dành cho
tập truyện ngắn này những lời tán dương xứng đáng: “Tác phẩm đầu tay của ông là một
văn phẩm gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ. Đó là tập Vang bóng một thời” [4]. Sự toàn thiện
toàn mĩ ấy của Vang bóng một thời mà Vũ Ngọc Phan thấy được đó là từ sự tái hiện lại
một cách đầy sinh động cả một quá quãng của một thời mà bây giờ chỉ còn đọng lại là
vang bóng của nó.
Đối với nhà văn Nguyễn Công Hoan, dù rằng những truyện ngắn, truyện dài của ông
được mọi người đương thời chú ý một cách đặc biệt, nhưng Vũ Ngọc Phan không hề đánh
giá cao những trang tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan. Vũ Ngọc Phan đã nhìn thấy
“Nguyễn Công Hoan sở trường về truyện ngắn hơn truyện dài ở truyện ngắn, ông tỏ ra
một người kể truyện rất có duyên. Phần nhiều truyện ngắn của ông linh động, lại có nhiều
cái bất ngờ, làm cho người đọc khoái trá vô cùng. Những truyện ngắn của ông tiêu biểu
cho một thứ văn rất vui, thứ văn mà có lẽ từ ngày nước Việt Nam có tiểu thuyết viết theo
lối mới, người ta chỉ thấy ở ông thôi được một phong cách viết truyện ngắn vô cùng độc
đáo của một nhà văn tả chân” [4]. Bằng lối viết đầy sáng tạo, Nguyễn Công Hoan đã tự
vạch ra con đường riêng của mình, con đường mà ông đã đứng hẳn một phái: phái tả chân
và khuynh hướng về hoạt kê. Từ tập Kép tư bền đến Hai thằng khốn nạn, hay Đào kép
mới và Sóng vũ môn, Vũ Ngọc Phan đều nhận thấy: “Những truyện này đều rất vui, có
tính cách đặc Việt Nam, vừa hoạt kê, vừa chua chát, ai đọc cũng phải phì cười”. Cái cười
trong truyện của Nguyễn Công Hoan nhà văn Vũ Ngọc Phan đánh giá đó là “cái cười sặc
sụa, cái cười hả hê của người sung sướng và ngoại cuộc” [4]. Truyện ngắn của Nguyễn
Công Hoan là thế! Cái nhìn trào lộng luôn thường trực đi về trong rất nhiều những trang
văn của ông, ông sử dụng tiếng cười để mài sắt ngòi bút của mình như một thứ vũ khí. Có
thể nói, Nguyễn Công Hoan là một trong số hiếm những nhà văn có biệt tài về nghệ thuật
châm biếm, lối châm biếm của Nguyễn Công Hoan nhẹ nhàng nhưng vô cùng thâm thúy,
ông đã tìm được cái cười đầy ý nhị trong những chuyện rất đỗi đời thường. Từ những trải
nghiệm của mình trên trang văn của Nguyễn Công Hoan, Vũ Ngọc Phan đã khẳng định:
“Tôi tin rằng chỉ trong phạm vi tả chân và trào lộng, cây bút của Nguyễn Công Hoan mới
có thể vững vàng” [4].
CÁCH TIẾP CẬN LỊCH SỬ VĂN HỌC CỦA VŨ NGỌC PHAN 77
Vẫn là một lối dùng con mắt thấu tỏ cả một cõi văn chương Việt Nam trên con đường
hiện đại, Vũ Ngọc Phan cũng đã đến với ngòi bút của Tô Hoài, nhà tiểu thuyết thuộc
loại tả chân có khuynh hướng về xã hội. Ông đã khẳng định ngòi bút Tô Hoài cũng
thuộc loại tả chân, nhưng điểm đặc sắc làm nên nét riêng của Tô Hoài đó là “Hầu hết
các truyện ngắn truyện dài của ông, ông đều tả hạng dân quê nghèo nàn, mà hạng
người này cũng chỉ là những người ở một miền, một vùng - vùng Nghĩa Đô - quê hương
tác giả” [4]. Có thể nói, Vũ Ngọc Phan rất tinh tường, vì thế cho nên ông đã thấy được
căn cơ để làm nên một ngòi bút Tô Hoài đó là mảnh đất và con người vùng quê Nghĩa
Đô, nơi mà Tô Hoài gắn bó hàng ngày. Chính mảnh đất và con người nơi ấy đã quyện
chặt, làm nên nét riêng của ngòi bút tả chân mang đậm dấu ấn của Tô Hoài trong chặng
đường trước Cách mạng Tháng 8. Trong phần lớn những văn phẩm của Tô Hoài từ Nhà
nghèo, Quê người, Giăng thề, hầu hết những nhân vật xuất hiện trên trang văn của ông
đều lấy từ chất liệu đời thường của những người dân sống ở vùng Nghĩa Đô mà ông
thường ngày hay tiếp xúc và gắn bó. Tất cả đều hiện lên đầy sinh động trong trang văn
của Tô Hoài. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cũng đã sớm phát hiện được sự thành công
của ngòi bút Tô Hoài còn thể hiện qua thể loại truyện ngắn với mảng đề tài viết về loài
vật. Ông viết: “Tô Hoài tỏ ra không giống một nhà văn nào trước ông và không giống
một nhà văn nào mới nhập tịch làng văn như ông. Truyện của ông có tính chất nửa tâm
lý, nửa triết lý mà các vai lại là loài vật. Mới nghe, tưởng như những truyện ngụ ngôn,
nhưng thật không có tính cách ngụ ngôn chút nào nó là những truyện tả chân về loài
vật, về cuộc sống của loài vật, tuy bề ngoài ra vẻ lặng lẽ nhưng phần trong có lắm cái
“ồn ào”, vui cũng có mà buồn cũng có” [4]. Thế giới loài vật trong tác phẩm của Tô
Hoài thật độc đáo. Thế giới ấy gợi lên ở người đọc sự liên tưởng về nhiều vấn đề trong
đời sống xã hội. Có lẽ, từ trước cho đến nay, trong văn học Việt Nam chưa có nhà văn
nào viết về loài vật nhiều và đặc sắc như Tô Hoài. Những con vật xuất hiện trên trang
văn của Tô Hoài đâu phải là thế giới của những con vật cao sang, mà đó chỉ là những
con vật rất đỗi tầm thường, xoàng xĩnh vẫn sinh sống hàng ngày quanh ta, như con chó,
con gà, con vịt, con ngan, con mèo ấy vậy mà cũng đầy hấp dẫn. Nét đặc sắc ở đây có
lẽ là khả năng hóa thân vào sự sống của những con vật và đồng thời đưa lại cho thế giới
loài vật ấy sự sống đậm đặc chất người. Sự chung sống, sự hòa trộn, chuyển hóa của hai
thế giới nhân-vật đã làm cho trang văn của Tô Hoài không chỉ hấp dẫn trong mắt trẻ thơ
mà còn làm cho bao thế hệ phải say đắm. Say đắm bởi lẽ những con vật ấy đâu còn là
những con vật vô tri, vô giác. Dưới ngòi bút Tô Hoài, chúng cũng có tình cảm, tâm
trạng, có cá tính và số phận thực sự như con người, nó cũng chịu cái luật chung của tạo
hóa là luật sinh tử. Loài vật cũng có những ngày vui sướng, những ngày hả hê, những
ngày bê tha, những ngày sum họp, cũng có những cảnh xót thương, những ngày sầu
thảm Phải nói một điều rằng: ở Vũ Ngọc Phan, ông có một độ nhạy cần thiết của một
nhà phê bình, nhờ thế mà ông đã phát hiện ra được phong cách của Tô Hoài khi mà
những văn phẩm của Tô Hoài chưa in thành sách, nó còn đang tồn tại trên mặt báo của
những tờ báo hiện thời.
Sự tinh tường của ngòi bút phê bình Vũ Ngọc Phan còn được thể hiện rõ qua những
trang thẩm bình về nhà văn Nguyên Hồng. Nói về Nguyên Hồng, Vũ Ngọc Phan viết:
78 NGUYỄN VĂN TỔNG – TÔN THẤT DỤNG
“Tiểu thuyết của ông khác hẳn với tiểu thuyết của Trương Tửu. Trong tiểu thuyết của
ông, người ta không thấy cái giọng kêu gọi, cổ vũ như trong tiểu thuyết của Trương
Tửu; ông tả những cảnh nghèo, cảnh khổ của mấy hạng người sống ngoài rìa xã hội
một cách bình tĩnh, không xen vào lấy một lời bình phẩm, để mặc những việc ông tả tự
gây lấy cho người đọc những cảnh tượng vui buồn, vì riêng những việc ấy cũng đã hùng
hồn rồi” [4]. Có thể nói, Vũ Ngọc Phan đã nhận ra ngòi bút của Nguyên Hồng dường
như bén rễ sâu vào những cát bụi lầm than, những mảnh đời bất hạnh, cùng khổ, tủi
nhục và ở đó ông đã tìm thấy được nguồn sữa ngọt lành để nuôi dưỡng cả cuộc đời nghệ
thuật của mình. Những nhân vật thường đi về trên trang văn của Nguyên Hồng đó là
những con người dưới đáy, thậm chí là cả những hạng người bị coi là cặn bã trong xã
hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng 8: đám lưu manh, tay anh chị sống ngoài vòng
pháp luật, những gái điếm, những phu phen bến tàu, kẻ ăn xin, người phu mỏ Dõi
theo từng trang viết của Nguyên Hồng, Vũ Ngọc Phan thấy nhân vật của Nguyên Hồng
“tuy đã sa chân vào vòng trụy lạc, người ta vẫn có thể mang một tâm hồn trong sạch
được” [4]. Đây cũng chính là nét “hơn người” trong văn của Nguyên Hồng. Nhân vật
của văn Nguyên Hồng càng khốn khổ, càng bị đời vùi dập bao nhiêu đi chăng nữa thì
trong họ càng ánh lên một vẻ đẹp rạng ngời của những phẩm chất tốt đẹp. Với Nguyên
Hồng, Vũ Ngọc Phan nhận ra ngòi bút của Nguyên Hồng còn làm lay động lòng người
bởi những trang tự truyện trong Những ngày thơ ấu. Khi bàn về Những ngày thơ ấu, Vũ
Ngọc Phan đã so sánh lối viết tự truyện của Nguyên Hồng và những nhà văn khác trên
văn đàn Việt Nam đương thời cũng thường hay viết về mình như Nguyễn Tuân, hay
Thiết Can, và rồi ông đưa ra lời nhận xét: “Trong Những Ngày thơ ấu, Nguyên Hồng đã
cho ta biết rõ hẳn một quãng đời quá khứ của ông. Lối tự truyện này, ở Anh, ở Mĩ, ở
Nga, rất thịnh hành; nhưng ở Việt Nam ta, viết được, tôi cho là can đảm lắm. Có lẽ nhà
xuất bản Đời nay đã rụt rè trước cái táo gan của tác giả, nên mới cho quyển tự truyện
đội cái lốt mơ hồ bằng hai chữ tiểu thuyết” [4]. Nếu nhà xuất bản Đời nay “rụt rè” bỡ
ngỡ trước cái “táo gan” viết về mình của Nguyên Hồng thì đây, đã có một Vũ Ngọc
Phan “táo gan” đón nhận Những ngày thơ ấu bằng cả niềm đam mê và say đắm trước
một người Việt Nam thứ nhất dám viết về gia đình mình.
4. KẾT LUẬN
Cứ theo cách làm lặng lẽ, cẩn trọng, điềm tĩnh, tỉ mỉ, đi sâu vào đặc trưng của từng thể
loại và khám phá nét riêng trong dấu ấn nghệ thuật của từng nhà văn Vũ Ngọc Phan
đã đi trọn con đường đi tìm Nhà văn hiện đại khi mà dòng lưu chuyển của nó vẫn còn
đang tiếp diễn. Nhưng không vì thế mà ngòi bút phê bình của ông lạc điệu. Từng gương
mặt thể loại, từng dấu ấn nghệ thuật của mọi nhà văn được Vũ Ngọc Phan vinh danh
trong bộ sách phê bình đồ sộ này chắc hẳn vẫn sẽ là địa chỉ đi về với những ai yêu thích
văn chương Việt Nam. Nếu như Hoài Thanh, nhà phê bình cùng thời với Vũ Ngọc Phan
đã làm nên một Thi nhân Việt Nam, xác lập nên Một thời đại mới trong thi ca, thì một
Vũ Ngọc Phan cũng đã làm nên một Nhà văn hiện đại để vẽ lại toàn cảnh bức tranh văn
học Việt Nam trong một chặng đường đầy sôi động, đáng ghi nhớ.
CÁCH TIẾP CẬN LỊCH SỬ VĂN HỌC CỦA VŨ NGỌC PHAN 79
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hà Minh Đức (chủ biên) (2002). Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỉ XX, NXB Chính trị
Quốc gia, Hà Nội.
[2] Phong Lê (2009). Hiện đại hóa và đổi mới văn học Việt Nam thế kỉ XX, NXB Quốc
gia Hà Nội, Hà Nội.
[3] M. Bakhtin (2003). Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
[4] Vũ Ngọc Phan (2000). Nhà văn hiện đại, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
Title: AN APPROACH TO LITERARY HISTORY OF VU NGOC PHAN TO MODERN
WRITERS
Abstract: In the first half of the 20th century, literary life of Vietnam was always inspiration for
researchers and critics to compose literature or poems. To integrate to literary history in vivid
periods, there had a lot of different methods. For example, Vu Ngoc Phan who is one of the
modern writers presented his own characteristic choice to approach background of literature. He
also had perspective on category and mark to each writer. From this way, Vu Ngoc Phan had
overview of Vietnam literature in the first half of 20th century.
Keywords: Stamp of art, category system, modern writers
NGUYỄN VĂN TỔNG
Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Tuy Hòa, Phú Yên.
ĐT: 0983 477 109
TS. TÔN THẤT DỤNG
Phòng Đào tạo Đại học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 23_374_nguyenvantong_tonthatdung_12_nguyen_van_tong_6623_2020436.pdf