Bác sĩ vui tính

Anh lính bạch cầu tiêu diệt tên vi trùng xâm lược như thế nào?Đặc tính chung của mọi cơ thể sống là tuy tha hồ trao đổi chất với bên ngoài, nó vẫn luôn luôn bảo vệ tính độc lập, không chấp nhận sự lai căng. Để bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập và phá hoại của các yếu tố ngoại lai, hệ thống miễn dịch gồm các bạch cầu phải luôn luôn chiến đấu nhằm loại trừ, tiêu diệt hoặc đồng hoá chúng. Có đến hàng chục triệu yếu tố ngoại lai, bao gồm các loại vi trùng, virus, bụi bặm, dị vật, mảnh ghép của cơ thể người khác , nói tóm lại là những protein lạ mà y học gọi là những kháng nguyên. Hệ thống miễn dịch của cơ thể bao gồm mấy "binh chủng" bạch cầu như lympho T, lympho B, đại thực bào, kháng thể - Các bạch cầu lympho T do tuỷ xương sản xuất, được các men hoạt hoá khi đi qua tuyến ức. Chúng chiếm 80% quân số bạch cầu lympho, tiêu diệt kẻ thù bằng chất độc.

doc88 trang | Chia sẻ: tlsuongmuoi | Lượt xem: 2491 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Bác sĩ vui tính, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
cho con trai dậy thì sớm, con gái mọc râu, huyết áp cao vọt hoặc thấp, đái nhiều, da sạm, kém thích nghi với các yếu tố kích động. Một số tuyến nội tiết quyết định sinh mạng. Nếu bị cắt bỏ tuyến thượng thận hai bên, con vật thí nghiệm sẽ mệt xỉu, lượng máu, huyết áp, nhịp thở và nhiệt độ đều giảm. Nó sẽ bị những rối loạn chuyển hoá trong máu rồi chết trong vài ngày. Còn nếu bị mất tuyến cận giáp trạng, con vật sẽ bỏ ăn, run giật, co cứng, thở rống và chậm. Sau nhiều cơn bệnh thăng giáng, nó bị co thắt thanh quản, trụy tim mạch và không sống được qua một tuần lễ. Việc u tuyến yên (do thừa nội tiết) tạo nên những người khổng lồ, đái ra chất đường và chết non, hoặc những người không cao nhưng tay chân bàn cuốc, mặt to, cằm bạnh… Trái lại, việc tuyến yên bị chèn ép (do thiếu nội tiết) tạo ra những người tí hon, lanh lẹ, thông minh, làm xiếc tài. Một anh chàng tí hon năm 19 tuổi được ghép tuyến yên cạnh động mạch cánh tay, và sau 8 năm anh ta đã cao lên được 15,6 cm. Nếu bị suy nhược tuyến giáp trạng, đứa trẻ chỉ lớn bề ngang, đần độn, da phù cứng, tim đập chậm, hạ thân nhiệt. Các bệnh tuyến giáp còn gây bướu cổ, lồi mắt, run tay, tim đập nhanh… Nếu bị cắt cả tuyến giáp trạng và tuyến yên, những con nòng nọc đến chết vẫn là nòng nọc, không thể thành ếch nhái được. Tuy nhiên, nếu ta thả thuốc thyreoidin (tinh chất chiết từ tuyến giáp) vào nước (70 độ C trở lên) có nòng nọc thì chỉ ít lâu sau, chúng sẽ đứt đuôi, nhảy lên bờ và hoá thành ếch nhái trưởng thành. Gà trống thiến nếu được ghép buồng trứng thì sẽ mất bộ mã, thun mào, kêu cục cục, chịu khó chăn đàn con y như mái mẹ. Việc thay tinh hoàn vào buồng trứng làm cho ả gà mái gáy te te, mọc cựa, to mào, thích làm đỏm và sinh kiêu căng. Những phép phù thuỷ kể trên chẳng qua là do sự thay đổi trong hoạt động của các tuyến nội tiết. (còn tiếp) size=2 width="100%" align=center> Tại sao những chị lên miền núi xây dựng vùng kinh tế mới đều béo tốt, hồng hào và lớn phổng lên? Bác sĩ vui tính trả lời (phần 42) Tại sao những chị lên miền núi xây dựng vùng kinh tế mới đều béo tốt, hồng hào và lớn phổng lên? Không chỉ các cô gái trẻ dưới xuôi lên miền núi mới có hiện tượng tăng cân, mà các thiếu nữ sống ở miền núi trung du đều như vậy. Trong khung cảnh núi rừng nổi bật lên những cô gái H' Mông, Thái, má mọng như quả đào chín Sa Pa, leo dốc thoăn thoắt với những bắp chân chắc đẹp. Rõ ràng là khí hậu vùng cao có những yếu tố thuận lợi đối với sự phát triển thể lực của các cô gái thời kỳ xuân sắc. Đặc điểm của khí hậu vùng cao là mát lạnh và ít ấm hơn dưới xuôi. Càng lên cao, nhiệt độ càng xuống thấp. Ở miền Bắc Việt Nam, vùng Đông Bắc là lạnh nhất; mùa đông ở đây thường đến sớm. . Vùng Đông Bắc đón những đợt sóng lạnh của gió bấc từ “cửa gió” Móng Cái, Lạng Sơn tràn về. Gió rét thấu tận Đèo Ngang, lan sang Việt Bắc, tới sườn đông dãy Hoàng Liên Sơn. Còn Tây Bắc tuy được dãy núi Hoàng Liên chắn gió lạnh nhưng vì địa hình rất cao nên mùa rét cũng đến sớm. Mùa thu, tuy các thung lũng hấp thụ nhiều nắng nóng vào ban ngày nhưng về đêm vẫn lạnh, khiến người dân ở đây phải đắp chăn bông. Những thống kê y học cho thấy, trẻ em thường phát triển chiều cao nhanh nhất về vào mùa đông và tăng cân nhiều nhất vào mùa xuân, tức là vào những tháng tiết trời lạnh giá. Các thiếu nữ đang sức lớn ở tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” cũng theo quy luật phát triển thể lực này. Nhiệt độ thấp vừa phải của miền núi Việt Nam (20-22 độ C) là nhiệt độ tối ưu đối với sức khỏe con người. Với khí hậu hơi lạnh và khô ráo, cơ thể cảm thấy thoải mái hơn cả. Con người không phải ra mồ hôi nhễ nhại để thải nhiệt, do đó chỉ mất ít nước và không gầy sút. Cái lạnh kích thích ăn ngon và tiêu hóa tốt. Khí hậu mát mẻ thường khiến con người mát da mát thịt, béo tốt, nở nang, nhất là các bạn gái trẻ, ở lứa tuổi mà thần kinh và nội tiết rất nhạy cảm với những biến đổi của môi trường sống. Ngoài ra, không khí vùng cao lại thoáng đãng, tinh khiết hơn so với thành thị và những vùng khác của đồng bằng nên rất tốt cho sức khỏe con người. Liệu có chuyện rừng thiêng nước độc làm sinh bệnh “ngã nước” như trước đây người ta vẫn nói không? “Ngã nước” là từ mà ngày xưa dân gian vẫn dùng để gọi bệnh sốt rét. Trước đây, đây là một căn bệnh khủng khiếp ở mạn ngược. Ai đi lên miền núi cũng lo sợ do ngã nước mà “có đi không có trở về” như câu ca dao này tả: “Những người lử khử lừ khừ Chẳng ở Đại Từ cũng ở Võ Nhai” Người bệnh sốt rét mặt bủng da chì, bụng to như có mang: “Giếng Đồng Thịnh, chó rụng lông Gái không chồng đi qua cũng chửa” Nào có chửa đẻ gì đâu, chẳng qua là có cái lá lách sưng to, cái bụng báng nước (y học gọi là cổ trướng) do xơ gan, hậu quả của việc nhiễm trùng sốt rét nặng. Người ta đã khiếp sợ và đổ tội oan cho nước, cho rằng và núi rừng có “ma thiêng nước độc”. Ngày nay, y học đã tìm ra thủ phạm thực sự; đó là những con ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, làm vỡ các hạt máu đỏ. Ký sinh trùng này truyền bệnh từ người này sang người khác qua vật trung gian gây bệnh là muỗi anophen. Vì thế, để phòng bệnh sốt rét và để bệnh không tái phát, ngoài việc uống thuốc, người ta còn phải phun thuốc DDT trừ muỗi, phát quang bụi rậm, lấp vũng nước đọng nơi muỗi đẻ trứng, nằm màn chống muỗi…  Bệnh sốt rét không chỉ lưu hành ở vùng rừng núi mà còn lác đác xảy ra ở đồng bằng và thành phố. Và không phải vùng rừng núi nào cũng là xứ sở của bệnh dịch sốt rét cả. Chẳng hạn, những vùng rẻo cao quanh năm lạnh giá hoàn toàn không có bệnh sốt rét vì muỗi truyền bệnh không chịu nổi khí hậu ở đây. Như vậy, bệnh sốt rét chẳng liên quan gì đến nước lành hay nước độc. Nước suối trong nếu được giữ sạch, đun sôi thì hoàn toàn đảm bảo vệ sinh. Bà con miền núi thường bắc máng lần, xây giếng mó để có thể sử dụng nước suối trong sinh hoạt. Khi chảy qua máng và vào giếng, nước được lắng vôi và ôxy hóa trong ánh nắng và không khí thoáng sạch, hoàn toàn không gây bệnh. (Còn tiếp) size=2 width="100%" align=center> Tại sao quả tim cứ đập mãi, đến chết mới chịu nằm yên? Tại sao quả tim cứ đập mãi, đến chết mới chịu nằm yên? Người lao động cần một trái tim khoẻ và một mạng mạch máu thông suốt. Không có trạm bơm và hệ thống kênh mương đó thì các bắp thịt và khối óc không được tiếp máu và nuôi dưỡng để sống và làm việc. Hệ thống tuần hoàn còn là đường giao thông nối liền cơ thể với môi trường, đảm bảo trao đổi nước, các muối khoáng, các khí, đưa chất dinh dưỡng đến tận tế bào và thải chất độc ra. Trung bình mỗi người sống 70 năm. Trong thời gian đó, tim đã đập gần 3 tỷ nhịp, lưu thông 175 triệu lít máu. Lượng máu này chứa đầy một cái hồ dài 10 km, rộng 7 km, sâu 2,5 km. Chỉ nối các mao mạch li ti lại ta đã có một đường thẳng dài 100.000 km, tức là bằng 2,5 vòng đường xích đạo. Tuy chỉ bé bằng nắm tay, nặng chừng 1/250 trọng lượng cơ thể nhưng do được kết bằng những bắp thịt chắc nên trái tim làm việc đặc biệt dẻo dai, cần mẫn. Từ lúc ta chưa cất tiếng khóc chào đời, tim đã đập trong bụng mẹ (tim người bắt đầu đập từ ngày thứ 18 của bào thai). Và khi ta về già, tim nghỉ việc sau cùng. Tim hoạt động như thế nào? Trái tim là một tổ chức cơ vân đặc biệt, với các sợi cơ kết chặt thành một khối vững mạnh. Trái tim của phôi thai 1 tháng to hơn trái tim người lớn đến 9 lần (về thể tích tương đối) và đập 65 lần mỗi phút. Nếu như các loại cơ vân khác chạy theo nhịp kích thích bên ngoài, dại dột tăng mãi nhịp co cơ, đến nỗi lên cơn co giật như uốn ván thì trái tim hoạt động rất độc lập, tự chủ. Nó biết tự động theo nhịp riêng của nó, không theo đuôi, bắt chước ai cả. Những cử động vừa phải không ảnh hưởng đến nhịp tim. Nếu gặp một kích thích yếu dưới ngưỡng, trái tim vẫn cứ thản nhiên, "không thèm chấp". Chỉ khi lao động nặng, khẩn trương đến mức độ nào đó, tim mới bắt đầu đập mạnh và nhanh lên để thích nghi. Phản ứng tăng nhịp tim này đạt ngay đến mức tối đa. Sau đó, dù lao động tăng thêm khối lượng, tim vẫn giữ nguyên tần số đập. Nếu kích thích mạnh quá sức chịu đựng, tim sẽ dãn ra và ngừng đập, để rồi khi thoát được kích thích, nó lại đập như thường, bất chấp sự kích thích vẫn liên tục tác động mạnh. Máu trong cơ thể phải được lưu thông không ngừng. Vì ngừng tuần hoàn có nghĩa là chết. Thế nhưng, tim chỉ làm việc khoảng “8 giờ vàng ngọc” mỗi ngày mà thôi. Đó là vì từng phần của tim được phân công rất khoa học, luân phiên nhau làm và nghỉ. Trong một nhịp đập của tim, hai tâm nhĩ co trong 1/5 thời gian rồi dãn trong 4/5 thời gian. Hai tâm nhĩ vừa bắt đầu dãn thì hai tâm thất co trong 2/5 thời gian rồi dãn trong 3/5 thời gian. Toàn bộ trái tim dãn ra trong 2/5 thời gian. Trái tim dạy ta bài học về nếp sống điều độ, giờ nào việc ấy, cân đối giữa lao động và nghỉ ngơi để khỏi kiệt sức, làm việc có năng suất cao lại lâu bền, không mệt mỏi. Từ nhịp đập thông minh của trái tim, ta cũng rút ra một nguyên lý: Muốn giữ sức khỏe thì phải làm chủ, giữ vững thế thăng bằng và nhịp hoạt động hài hoà của cơ thể trước những tác động của môi trường sống. Tim có thể đập khi người đã chết? Ngự y của vua Tây Ban Nha hồi thế kỷ thứ 16 là Andre Velase, người sáng lập ra khoa giải phẫu, đã bị kết tội giết người vì khi ông mổ một xác chết ra, trái tim còn đập thoi thóp. Ngày nay, y học đã minh oan cho ông. Các nghiên cứu mới đây đã khẳng định rằng trong một số trường hợp (rất hiếm gặp), tim có thể vẫn đập sau khi cơ thể chết. Trái tim ếch bị thái nhỏ, ngâm trong dung dịch nuôi dưỡng vẫn còn co bóp một thời gian nhờ hệ thống thần kinh tự động. Từ khi khám phá ra hệ thống này, chúng ta có thể cứu sống nhiều trường hợp tim ngừng đập bằng cách xoa bóp tim. Ngoài ra, y học cũng đã tạo các máy tạo nhịp thay thế hoặc phụ lực để chỉ huy nhịp điệu co bóp của tim trong trường hợp hoạt động của tim bị trục trặc. (còn tiếp) size=2 width="100%" align=center> Tại sao ta có hai mắt mà không có một hoặc một nghìn con mắt? Đôi mắt đặt ở hai bên thái dương như đôi tai có được không? Bác sĩ vui tính (phần 21) Tại sao ta có hai mắt mà không có một hoặc một nghìn con mắt? Đôi mắt đặt ở hai bên thái dương như đôi tai có được không? Nếu có ai bảo rằng có thể nhìn bằng da hay bằng các ngón tay chẳng hạn, chắc các bạn sẽ cãi lại ngay. Nhưng mà điều vô lý ấy lại có thật đấy, vì lịch sử của thị giác không bắt đầu bằng sự ra đời của hai con mắt. Con giun đất không có mắt, nhưng nếu bị bỏ vào hộp kín, da nó vẫn nhìn thấy ánh sáng qua các lỗ nhỏ mà định hướng bò ra. Khi ánh sáng chiếu vào con amip, nó liền co lại hay phình ra. Cả những vi sinh vật đơn bào cũng đã có những hạt chất bắt màu cảm nhiễm với những tia sáng có bước sóng thích hợp. Nó tiếp thu những tia sáng hữu ích, là nguồn năng lượng kích thích các quá trình sinh hoá trong cơ thể nó, và ngăn cản các tia sáng có hại. Như vậy, cơ quan thị giác bắt đầu là các hạt sắc tố trên da. Rồi vì cơ quan này ngày càng quan trọng cho đời sống, cần được bảo vệ nên chỗ da có sắc tố lõm dần xuống. Tiếp đó, một thấu kính được lắp lên trên. Con mắt đã hình thành. Đó là cái buồng tối, có lăng kính thuỷ tinh thể để khúc xạ và hội tụ ánh sáng, có cửa sổ đồng tử co giãn để nhận ánh sáng ít hay nhiều, có màn ảnh võng mạc là một màng sắc tố chụp hình ảnh, màu sắc vạn vật, biến ánh sáng thành xung điện, truyền qua dây thần kinh thị giác về não. Hơn hẳn máy ảnh, mắt có thể tự động điều chỉnh tiêu cự để chụp mọi vật đặt cách mắt từ 10 cm đến vô cực, tự đọng mở khép con ngươi (đồng tử) để cho một lượng ánh sáng thích hợp đi vào mắt, và chụp ảnh thiên nhiên với muôn màu ngàn sắc. Sinh vật đầu tiên có con mắt thô sơ là một vài loài sâu bọ và nhuyễn thể (thân mềm). Những con sao biển có rất nhiều mắt (những mảnh sắc tố) ở các đầu tay. Loài nhuyễn thể có 200 mắt thấu kính giả, 800 mắt lõm và 200 mắt lồi. Con ruồi có 4-5 mắt, chuồn chuồn có 12-13 nghìn mắt, bươm bướm có 15-20 nghìn mắt. Hai con mắt chúng là hai con mắt kép, gồm hàng nghìn mắt li ti, chồng lên nhau. Mỗi mắt li ti nhận hình ảnh tại một điểm, trên một hướng rất hẹp của không gian. Do đó, mắt kép nhìn không tập trung, toàn diện, rõ từng chi tiết, song góc nhìn rất rộng (khác với mắt đơn của động vật cao cấp và người). Khi ta giơ vỉ đập ruồi, ruồi chỉ thoáng thấy cử động chứ không nhìn ra cái vỉ. Tuy thế, chớ uổng công lừa bắt ruồi sau lưng, vì mắt ruồi nhìn được tứ phía, thấy ngay bóng mờ của một nguy cơ để kịp bay vù. Động vật cao cấp có đôi mắt đơn. Nếu bớt đi một mắt thì thế giới này chỉ là một tấm ảnh phẳng, nhìn không phân biệt được các vật xa gần. Người chột không có cảm giác về không gian và chiều sâu, chẳng khác trẻ sơ sinh. Hai con mắt người cách nhau 6,5 cm, hướng nhìn về phía trước. Nhờ đó, ta ước lượng được xa gần trong khoảng cách 1 km trở lại. Ra ngoài phạm vi ấy, mọi vật coi như cách mắt một khoảng bằng nhau, lại giống cảnh nhìn đời bằng một con mắt. Đôi mắt đặt theo hướng nào cũng có lý do của nó. Hai mắt của loài cá đặt hai bên đầu, nhìn ngang đôi ngả, như thế có tầm rộng để cảnh giới tự vệ, nhưng hai mắt không có chung một khoảng nhìn nên không đánh giá đúng độ sâu và thiếu cảm giác lồi lõm. Mèo, khỉ, người… nhìn tập trung về phía trước, khoảng nhìn đôi mắt chồng lên nhau rõ nét và nổi hình khối, tuy diện nhìn hẹp lại một nửa. Không phải con người vừa đẻ ra đã có thể vững vàng nhìn thẳng về phía trước được ngay. Chỉ khi bé biết đi, bắp thịt mắt mới đủ cứng cáp cố định trục hai mắt theo một hướng, không còn mắt ngang mắt ngửa, lúng liếng như người lác. Nhờ thế, khoảng nhìn hai mắt chập lại, tạo nên cảm giác về không gian. Hai mắt người lớn ở tư thế nghỉ có điểm qui tụ vào vật nhìn ở cách mắt 40 cm. Cả hai mắt chung một hướng nhìn, ta muốn nghịch liếc một mắt sang trái một mắt sang phải cũng chịu. Đôi mắt loài chim được bố trí nghiêng, có thể nhìn ngang hai bên để quan sát rộng, đồng thời vẫn tập trung nhìn rõ hình nổi ở đằng trước (khoảng nhìn của đôi mắt chim chồng lên nhau một phần). Riêng con vẹt chỉ nhìn ngang. Tuy cổ vẹt rất linh hoạt nhưng nó dễ bị tóm cổ nếu bạn chộp nó từ phía trước. Loài ăn cỏ như ngựa, bò chỉ quen nhìn xuống. Trái lại, loài ăn thịt hùng mạnh, tự tin hướng mắt về phía trước. Con người do tư thế đứng thẳng nên miệng ngắn lại, sọ to ra, nhìn lên hiên ngang, rõ nét, hướng về phía trước. Đôi mắt người không chỉ để kiếm sống mà còn quan sát sự vật, thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Mắt nhận biết ánh sáng và màu sắc như thế nào? Tại sao đối với nhà bác học Danton, quả anh đào không bao giờ chín đỏ? Ánh sáng và màu sắc của thế giới bên ngoài xuyên qua giác mạc mắt, con ngươi và thuỷ tinh thể, được lọc điều chỉnh cường độ và hội tụ ở võng mạc vùng đáy mắt. Thần kinh thị giác đặt ở đây những tua rễ cuối cùng, có hình gậy và hình nón. Ở điểm vàng tập trung 7 triệu "cái nón" chứa sắc tố iadopsin, giúp ta nhìn thấy rõ màu sắc và phân biệt chi tiết các vật. Quanh điểm vàng có tới 130 triệu "cái gậy" chứa sắc tố rodopsin nhạy cảm với ánh sáng. Ngồi trong rạp chiếu bóng, đèn vụt tắt, bạn thấy tối sầm, lâu lâu mới lờ mờ nhận ra người ngồi bên, và chỉ nhìn rõ nhất sau 1 giờ trong bóng tối. Tuy nhiên, khi đèn bật sáng, mắt bạn chỉ chói loà trong khoảnh khắc rồi định thần lại ngay. Đó là vì phản ứng của "nón" khẩn trương và tích cực hơn gậy. Cũng do đặc điểm này mà những anh bộ đội tuần đêm phải ở chỗ tối trước đó ít nhất 20 phút để mắt có thời gian thích nghi dần. Con cú ăn đêm không hề biết cuộc đời có muôn hồng ngàn tía vì mắt nó chẳng có nón mà chỉ toàn những gậy. Nhưng cũng nhờ vậy, trong đêm thâu nó nhìn rõ những tia rất mờ nhạt mà con người không thể nhìn thấy được Mắt ta phân biệt được 600.000 màu. Tuy nhiên, chỉ cần pha trộn ba màu đỏ, xanh, vàng theo các tỷ lệ khác nhau, thêm bớt sắc độ cũng đủ tạo thành muôn vàn sắc độ. Trộn nguyên ba màu ấy lại thì được màu trắng. Một vật trắng không hấp thu màu nào cả nên tất cả các tia màu khi gặp trắng đều hắt vào mắt ta. Trái lại, vật đen hấp thu hết mọi tia màu của quang phổ. Vừa lọt lòng, bị chói sáng, phản xạ đầu tiên của em bé là nhắm mắt. Ba tháng sau, bé biết liếc nhìn theo quả bóng, đồ chơi treo đung đưa. 18 tháng, mắt bé bắt đầu phân biệt màu sắc; 3-4 tuổi mới thấy đủ các màu, trước tiên là màu đỏ. Khác với trẻ em, mắt người lớn ít nhạy cảm với màu đỏ mà rất tinh đối với màu lục hay màu lam. Con chó nhìn thế giới toàn thấy xám xịt vì nó mù rất nhiều màu. Con ong nhìn thấy những tia cực tím mà mắt người mù tịt, nhưng lại không nhìn ra màu đỏ. Nhà bác học Danton cũng bị mù màu đỏ. Ông không sao tìm được cái gậy đỏ của mình rơi trên bãi cỏ xanh. Dưới mắt ông, quả anh đào không bao giờ chín đỏ. (còn tiếp) size=2 width="100%" align=center> Tại sao tóc chỉ mọc trên đầu và trẻ em, phụ nữ có râu lại bị xem là “trái khoáy”? Bác sĩ vui tính trả lời (phần 8) Tại sao tóc chỉ mọc trên đầu và trẻ em, phụ nữ có râu lại bị xem là “trái khoáy”? Trong một bức thư, có bạn kể rằng: "Ở quê em có một em bé dữ tướng, vừa sinh ra đã có ria mép và râu quai nón, ngực đầy lông, bà con gọi là “con nhà trời”. Lại có bạn gái khá xinh nhưng xấu hổ vì râu rậm hơn cả anh trai, hồi còn nhỏ râu tơ đã lún phún. Tại sao vậy?". Trên thế giới không hiếm những người “tốt tóc nặng đầu, tốt râu rặm cằm” như em bé trên. Vũ nữ nổi tiếng người Mexico là Julia Pastrana không những rậm râu mà mình còn đầy lông lá. Viện bảo tàng nhân chủng học Matxcơva có mô hình hai bố con Andrian Eptukhiev lông dài trùm kín trán, tai, mũi, má và toàn thân. Nếu những người này được đầu thai mấy triệu năm về trước thì chẳng có gì là lạ! Người thượng cổ nào cũng gần giống như nhiều động vật có vú, vừa đẻ ra đã rậm lông, đực hay cái đều có râu dài. Nhưng đối với con người, bộ lông đã trở nên không cần thiết từ khi họ biết dùng vỏ cây che thân và mặc quần áo. Qua các thế hệ, lông người thưa thớt dần, nhỏ và ngắn lại. Các nhà giải phẫu không tìm thấy những bao lông ở lòng bàn tay, bàn chân. Thay vào đó, họ chỉ thấy một lớp sừng da dày. Nhờ lớp sừng da này, việc bám đất và nắm chặt công cụ lao động trở nên có hiệu quả hơn. Nghe vậy, có thể bạn sẽ thắc mắc: Chuyện xưa kể rằng ông Dã Tượng nhờ có một chùm lông dưới lòng bàn chân nên chạy rất nhanh, góp phần vào trận thắng Hàm Tử, như vậy nghĩa là sao? Thực ra, người xưa do hiểu sai về giải phẫu học và muốn gắn cho vị anh hùng điều gì đó phi thường nên mới kể như vậy. Trên đầu người, lông tập trung và phát triển thành bộ tóc dày và dài, chỉ người mới có. Mái tóc là loại lông mọc đầu tiên, ngay từ thuở sơ sinh để bảo vệ hộp sọ. Lớn lên, lông mọc thêm ở hố nách và hạ bộ, có nhiệm vụ chống ma sát gây trầy trợt da do vận động nhiều trong lao động và sinh hoạt. Đến tuổi trưởng thành, đàn ông có thêm bộ râu cằm, ria mép. Ai nhiều nam tính thì có thêm chòm râu quai nón. Người đàn ông đẹp phải là “Râu hùm, hàm én, mày ngài”, còn phụ nữ thì “chân mày vòng nguyệt”, “tóc mây gợn sóng”. Nữ giới mà “tóc rễ tre chải lược bồ cào” là mang nhiều tính đàn ông rồi đấy. Những trường hợp mọc lông, râu bất thường Thứ tự hình thành các bộ phận con người trong giai đoạn bào thai đã diễn tả trọn vẹn cả quá trình tiến hoá của nhân loại từ vượn đến người. Vì vậy, khi sinh ra, mọi đứa trẻ đều có làn da nhẵn nhụi. Riêng một số ít trẻ từ khi sinh ra người đã đầy lông lá. Đó là do có sự trục trặc khiến bào thai không “lột” hết, còn giữ lại dấu tích người thượng cổ. Việc một số cá thể có túm lông ở vị trí cái đuôi (mà loài người đã đoạn tuyệt trên đường tiến hoá) cũng là do nguyên nhân trên. Nhiều bạn gái cũng mọc râu. Đó là do dậy thì sớm và tuyến nội tiết có nhiều yếu tố nam giới. Việc dùng quá liều thuốc corticosteroid (chiết từ vỏ thượng thận) cũng có thể khiến cho phụ nữ mọc râu (nếu cắt u thượng thận thì râu có khi hết mọc). Ngoài ra, một bệnh của tuyến yên với biểu hiện các đầu ngón tay ngón chân to bè cũng bắt đầu bằng triệu chứng râu tóc rậm nhanh. Bạn gái nào nếu có râu nhưng không có các triệu chứng bệnh lý thì hãy yên tâm, sức khoẻ và đường sinh nở sau này của bạn sẽ không bị ảnh hưởng gì. Ở một số người, những chùm lông dài cũng thường xuất hiện trên một đám da sẫm (tập trung sắc tố) hay trên nốt ruồi. Người bệnh lao thường mọc nhiều lông măng ở vùng hai xương bả vai. Tuy nhiên, không phải hễ ai có lông, râu như thế đều mắc bệnh. Râu và lông có thể mọc nhanh kèm theo tăng tiết mồ hôi nếu bị chấn thương tại chỗ, phải bó bột, băng, chườm nóng, bôi thuốc mỡ. Trái lại, nóng nực và lao lực thường làm cho râu tóc thun lại. Người xưa nói: “Đói rụng râu, rầu rụng tóc”, và y học cũng xác nhận điều đó. (còn tiếp) size=2 width="100%" align=center> Tại sao xương sống lại toàn những đốt, uốn cong mà không phải là một đoạn dài thẳng như xương ống chân? Bác sĩ vui tính trả lời (phần 1) 1.Tại sao xương sống lại toàn những đốt, uốn cong mà không phải là một đoạn dài thẳng như xương ống chân? Suốt đời người lao động chân tay và trí óc, dù ở tư thế ngồi, đứng hay đi lại, cột sống đều chịu mọi trọng tải lớn và có ý nghĩa sống còn đối với cơ thể. Xương sống là cột trụ của thân mình, là cột cái của bộ khung xương. Các xương sườn tạo thành lồng ngực, các bắp thịt ngực và bụng đều bám vào xương sống. Tay chân, qua các xương đòn, xương chậu, đều tựa vào cột sống. Cột trụ đó vững vàng và uyển chuyển, nhờ một chồng 33 đốt sống, được đệm giữa bằng những đĩa sống có tính đàn hổi. Các đĩa đệm này có tác dụng chống ma sát và giảm xóc khi lao động, đi lại, chạy nhảy… Các dây chằng và bắp thịt nhỏ bện cho cột sống thêm bền. Cột sống là trung tâm phát đi mọi cử động của thân thể. Nhờ cột sống uốn dẻo mà cơ thể kịp thời duy trì được thế thăng bằng. Cũng như hộp sọ bảo vệ bộ não, cột sống là cái ống xương rắn chắc bảo vệ tuỷ sống từ não nối xuống. Qua các lỗ giữa các đốt sống, tua tủa những hệ thần kinh từ não tuỷ toả ra toàn thân. Hệ thần kinh như một mạng dây điện, đảm bảo thông tin thông suốt, chỉ huy bộ máy cơ thể hoạt động điều hoà. Tuỷ sống là gốc mang bộ rễ thần kinh, phát ra các phản xạ. Vì thế bấm nắn sống lưng gây ra các phản xạ làm giảm đau mãi tận các phủ tạng trong sâu. Và tổn thương cột sống sẽ làm căng cứng bắp thịt, mặt khác một điểm đau ở xa cũng ảnh hưởng đến tư thế cột sống. Hình thành những đường cong Ở người khỏe mạnh, sức nặng của thân hình ở tư thế đứng thẳng uốn cột sống thành hình chữ S. Nhưng điều này chỉ thấy khi nhìn nghiêng, còn nếu nhìn trước mặt ta sẽ tưởng như cột sống thẳng băng. Nhờ uống khúc rồng rắn như thế, cột sống trở nên mềm dẻo, cử động dễ dàng, chịu nổi trọng tải lớn, khối lượng vận động nặng. Ở trẻ mới đẻ, cột sống tương đối thẳng. Khi bé biết ngẩng đầu, đoạn cột sống cổ cong ra trước để đỡ cái đầu. Khi biết ngồi, hình thành đoạn cong ngực. Khi biết đứng và đi, đến lượt đoạn sống hông cong ra trước, và đoạn sống cùng - cụt cong ra sau. Các đoạn cong ở cổ và ngực cố định lúc 7 tuổi. Đoạn cong thắt lưng muộn hơn, đến 12 tuổi mới hoàn thành. Con trai từ 13 tuổi xương sống dài ra rất nhanh, và trưởng thành ở tuổi 25. Giai đoạn này ở con gái là từ 8 đến 18 tuổi. Vì sao cột sống dễ vẹo? Ở lứa tuổi đang lớn, bản thân các đốt sống và gân cơ, gân chằng còn non yếu nên cột sống rất dễ uốn vặn, vẹo, lệch. Bộ xương các em nhiều chất hữu cơ, dần dần sụn mới đắp vôi thành xương cứng cáp. Nó dẻo dang, gãy chóng liền, nhưng mềm, dễ cong vẹo. Không giữ tư thế ngay ngắn, khuôn xương đang đúc nhất định sẽ còng quèo và lớn lên, xương rắn lại rồi thì không sửa sai được nữa. Ngồi học lâu gây căng thẳng một số bắp thịt (nhất là trong lứa tuổi nhỏ thích tung tăng thoải mái). Mười năm trên ghế nhà trường là thời kỳ sống lưng đang đúc thành khuôn và rất dễ cong vẹo. Thống kê sơ bộ cho thấy bệnh vẹo lệch cột sống học sinh ở nước ta chiếm tỷ lệ khoảng 7%. Ở lớp một, 100 em mới có 3-4 em bị tật này; lớn lên lớp chín lớp mười có tới 20 em. Theo độ tuổi, bệnh càng phổ biến và nặng. Mới vẹo, khi đứng nghiêm cột sống lại nắn thẳng. Nặng hơn thì nhìn ngoài cũng thấy lệch. Về sau thành tật, sẽ không điều chỉnh được nữa. Khi cột sống biến dạng, lưng có thể gù, còng, ưỡn, cả cột sống hay từng đoạn cong vẹo hình chữ C hay chữ S (thuận hay ngược), lệch vai… Nguyên nhân gây vẹo cột sống 1. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến vẹo cột sống chính là việc dùng bàn ghế không hợp lứa tuổi. Cũng bàn ghế ấy, sáng lớp chín ngồi, chiều lớp bốn. Các em lớp dưới ngồi bàn ghế lớp trên lút tận cổ, vươn lệch vai, mắt dán vào sách vở. Một số em phải đứng hay quỳ mà viết. Về nhà, có em ngồi học trên giường, ngồi bệt xuống đất, kê lên đùi mà viết, lấy ghế chõng, bàn thờ làm bàn… Dạng cong xương sống hình chữ S ngược chiếm số đông, do các em ngồi bàn cao và hay nghiêng ngó về bên trái. Số ít bị gù lưng vì ngồi bàn thấp quá, ngực bẹp do tì vào mép bàn (cũng như thợ đóng giày lõm ngực do tì dụng cụ). 2. Hệ xương cơ còn yếu, tổ chức chống đỡ lỏng lẻo, khi các em ngồi, đứng, làm việc gì lâu, quá sức thì dễ mệt và lệch tư thế. “Chưa học bò đã lo học chạy”, bé đã phải ẵm em (chị vẹo sườn, em còng xương sống), gồng gánh quá sớm, xách một bên tay, gánh không trở vai, thói quen ngồi nghiêng một phía, bị điếc phải vặn mình để chõ tại nghe cho rõ… cũng là những nguyên nhân làm vẹo lệch sống lưng. Ấy là chưa kể tới ảnh hưởng của các bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu thở, bại liệt, lao cột sống… Tác hại của vẹo cột sống Nếu cột sống còng quèo, trọng tâm thân thể lệch thì ngồi lâu sẽ bị mệt mỏi, học khó vào. Tim, phổi bị chèn ép, sinh thiếu thở, cản trở tuần hoàn, chậm lớn, lực cơ bị giảm sút. Lâu dần bị chứng đau lưng, các đốt sống mòn vẹt, thoái hoá, xơ cứng. Lớn lên, các em bị lệch hình khó mà lao động giỏi, không đủ sức khoẻ học nghề hay làm nghĩa vụ quân sự… Làm thế nào để khỏi vẹo cột sống? 1. Sử dụng bàn ghế phù hợp với vóc người: - Bàn bằng 46% chiều cao đứng của thân thể, ghế bằng 27%. - Bàn ghế dùng cho lớp học sinh lớp nhỏ cần có thiết bị điều chỉnh chiều cao, ánh sáng lớp học phải đầy đủ. 2. Rèn luyện thói quen ngồi học ngay ngắn: - Ngồi với 4 điểm tựa: hai bàn chân áp mặt đất, mông và 2/3 đùi đặt trên ghế, lưng thẳng tựa vào thành ghế, cẳng tay đặt trên bàn. - Mắt cách mặt bàn 25-30 cm, tuỳ lứa tuổi. Như thế trọng tâm thân thể phân phối đều, bắp thịt đỡ căng, tuần hoàn thuận tiện, dáng điệu đẹp mắt, cơ thể thoải mái, trí tuệ tập trung… 3. Thể dục thể thao: thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, các môn thể dục thể thao kết hợp thở không khí sạch, bơi lội… làm cho sống lưng mềm dẻo, vững chắc và chỉnh lại dáng cong vẹo. LTS: Cuốn sách "Bác sĩ vui tính trả lời" của bác sĩ Lã Vĩnh Quyên là tập hợp những giải đáp cho các câu hỏi của thanh thiếu niên về các vấn đề liên quan tới sức khỏe và con người. Mục đích của tác giả là giúp các bạn trẻ hiểu biết thêm về cơ thể mình, biết cách sống vui-khỏe-sạch, phòng ngừa ốm đau và tự cứu chữa các bệnh thông thường. size=2 width="100%" align=center> V.A là gì? Tại sao người lớn không phải nạo “nấm họng” như trẻ em? Bác sĩ vui tính (phần 18) V.A là gì? Tại sao người lớn không phải nạo “nấm họng” như trẻ em? V.A. là đám amiđan nhỏ, mọc lùi sùi như nấm ở vòm họng. Đó là một "đồn biên phòng" trong vành đai bảo vệ ở ngã tư họng, nơi gặp nhau giữa đường ăn và đường thở của chúng ta. Đồn này yếu, thường bị vi trùng "chiếm đóng", gây ra bao nhiêu chuyện rắc rối ở nhiều miền khác nhau của cơ thể. Theo thời gian, V.A. dần mất tác dụng, teo lại, và đến 12 tuổi thì biến mất. Người lớn nào có cái V.A. sót lại thì sẽ bị viêm nhiễm luôn luôn, nhưng trường hợp này rất hiếm. Những em bé khá bụ bẫm nhưng có nước da trắng xanh, dáng lờ đờ (y học gọi là “tạng bạch thể”) là hay bị sưng V.A. nhất. Chúng lúc nào cũng há hốc mồm vì lỗ sau mũi bị V.A. đút nút nên phải thở miệng. Trẻ em bị sưng V.A thường có chân tay khẳng khiu, ngực lép, xương sống vẹo… do thiếu thở và cũng vì V.A. tiết ra một chất kìm hãm nội tiết tố sinh trưởng của tuyến yên. Chứng viêm V.A còn gây ra nhiều tật bệnh khác ở trẻ như ho hen, tháo dạ, thối tai, đêm ngủ giật mình, mê hoảng, nghiến răng, đái dầm, học hành lơ đãng, tiếp thu kém... Giữa họng và tai có một ống thông. Nếu V.A. làm tắc ống này thì sinh nghễnh ngãng. Có một em ba năm liền thi trượt, đến khi nạo V.A. thì học khá hẳn và đỗ loại ưu vì nghe rõ bài giảng. Các bác sĩ thường nạo V.A. cho các em bé từ 1 đến 4 tuổi. Bé chưa tròn năm mà bị viêm tai xương chũm dai dẳng, tắc thở, hen suyễn cũng cần nạo V.A. Với các em trên bốn tuổi, khi cắt amiđan, bác sĩ cũng nạo luôn V.A. cho tiện, chỉ một phút là xong. Ngoài phẫu thuật, có thể đặt vào họng những ống phóng xạ radi hoặc chiếu tia X liều nhẹ để phá các tế bào V.A. bị viêm nhiễm. Sau khi được nạo V.A., cần ăn nhiều rau quả tươi, vitamin. Những em bị tạng bạch thể thì uống thuốc cốm canxi, xi rô iodotanic, dầu cá… Phải giữ vệ sinh mũi họng, răng miệng, thở đằng mũi, tập thở nơi không khí thoáng. Những rắc rối xung quanh tiếng ngáy Ngáy to thường là tướng người khoẻ, có khi quá béo tốt. Cơm no rượu say, vừa đặt mình xuống là anh ta "kéo gỗ". Tiếng ngáy đánh thức láng giềng, còn anh chàng thì yên chí lớn, cứ tưởng mình đang ngủ một cách lặng lẽ nhất. Lúc tỉnh dậy có ai hỏi, thể nào anh nào cũng chối thành thật: "Mình có ngáy tí nào đâu!" Thời Tam Quốc bên Tàu, có một dũng tướng chết oan vì ngáy. Hôm ấy ở Lãng Trung, Trương Phi say rượu, ngủ mà mắt mở trừng trừng, răng nghiến ken két, râu vểnh ngược. Hai tì tướng Phạm Cương, Trương Đạt mưu giết chủ soái, sợ không dám lại gần. Sau thấy Trương Phi ngáy như sấm, biết là đang ngủ kỹ, chúng mới yên tâm sát hại ông. Xem tướng Trương Phi đã thấy thuộc loại ngáy khoẻ: vóc người đẫy đà, sức thở mạnh mà ống họng lại đặc như gốc tre đực. Trương Phi hay uống rượu. Rượu làm niêm mạc sưng tấy, chít hẹp hai lỗ mũi. Hơi cay không có đường ra, đành phải tuôn cả ra mồm, làm thành tiếng ngáy như sấm vang. Trong các truyện của văn hào Mỹ Mark Twain, có gã Map Poto hễ câu được con cá nào liền nhắm với rượu Whisky, ngủ đầu đường xó chợ, ngáy vang rền, chó sủa bên tai cũng không tỉnh giấc. Vì thế gã suýt bị vu oan giết người. Tên cướp Gio da trắng lai đỏ và đồng bọn vì ngủ ngáy mà lộ mưu cơ, mất cả hòm vàng. Nếu bạn thở thông suốt qua hai lỗ mũi thì muốn ngáy cũng khó đấy! Nhìn ai ngáy cũng thấy họ thở phò phò qua cái mồm há hốc. Luồng không khí hít vào, thở ra qua một chỗ hẹp, rít lên, làm rung động vòm miệng mềm có lưỡi gà. Nếu nằm ngửa cổ, cái lưỡi (vốn đã dày lại mềm) dễ tụt ra sau, lấp cuống họng và làm phát tiếng ngáy. Cách chữa thật đơn giản: nằm nghiêng một bên. Những người quen để tay lên trán, vô ý đè phải mũi, hoặc nằm sấp ngủ cũng thường hay ngáy. Có người nảy sáng kiến buộc dây ngang ngực, khi trở mình, sai tư thế thì sợi dây nhắc nhở nằm lại cho ngay ngắn. Có phải người ngáy bao giờ cũng “ngủ kỹ, ăn no, không lo, không bệnh”? Không phải mọi người ngáy đều béo tốt, khoẻ mạnh, không mắc bệnh tật gì. Bài ký “Đất đang gieo” của Nguyễn Bão kể chuyện anh Toán “tiếng ngáy khan có lúc ngưng lại như tắc, rồi lại bật lên khò khè, hình như anh đang mơ gì đó, một bên chân mày nhíu lại. Tướng ông này rứa mà khổ, đến ngủ mà cũng khó nhọc thế kia”. Rất có thể anh Toán đã bị ốm. Tiếng ngáy rền vang, âm sắc khác thường, cùng với các triệu chứng khác mới xuất hiện và sự suy yếu cơ thể nhiều khi là hồi chuông báo hiệu một bệnh cần chữa chạy. Đi khám, có khi thầy thuốc gắp ra từ trong mũi em bé một hạt đậu, viên bi hoặc hòn sỏi. Có trường hợp một cô gái quen tắm ao, bỗng xuất hiện chứng ngáy, da nhợt nhạt, gần lả đi. Bác sĩ tai mũi họng soi thấy một con đỉa đã no máu bám vào họng mũi đã hai ngày. Từ triệu chứng ngáy, thầy thuốc có thể phát hiện ra cái V.A. đã sùi lên như hoa súp lơ, chẹt cửa sau hai lỗ mũi, làm cho bé xanh xao vì thiếu thở và ngáy như thổi bễ. Chỉ cần vài động tác tay nạo sạch V.A. là bé hết ngáy và lại đỏ da thắm thịt. Amiđan to cũng gây ra ngáy. Muốn khỏi bệnh thì phải cắt bỏ hoặc đốt điện. Còn biết bao nhiêu bệnh ở mũi họng được báo động bằng tiếng ngáy. Đó có thể là chứng cảm mạo thông thường với triệu chứng sổ mũi, ngạt mũi, viêm họng, ho, khạc nhiều đờm dãi. Chỉ cần xông, uống thuốc long đờm, nhỏ mũi ephedrin làm cho niêm mạc mũi bớt sưng là khỏi. Nhưng cũng có khi ngáy là biểu hiện của những bệnh nguy hiểm và phức tạp hơn như giãn tĩnh mạch ở họng, polip (u lành) trong mũi, bướu các loại ở mũi, vòm miệng, cuống phổi và phổi… Chữa các bệnh này là công việc của bác sĩ. Còn chúng ta thì hằng ngày nên chịu khó súc miệng sạch, giữ thói quen thở bằng mũi, nằm ngay ngắn, ăn uống điều độ, theo đúng phép vệ sinh. Bằng cách ấy, bạn có thể hy vọng có một giấc ngủ say yên tĩnh! (còn tiếp) size=2 width="100%" align=center> VnExpress - Bac si vui tinh (phan 17) Bác sĩ vui tính (phần 17) Bạn bị đau họng, mẹ bạn cho là sưng cục thịt thừa. “Thừa” mà sao không ai “thiếu” nó cả? Vào mùa lạnh, các bạn thường ho và đau họng. Đến phòng khám, bác sĩ nâng cằm bạn, tay đưa nhanh miếng kim khí đè vào lưỡi. Vâng lời bác sĩ, bạn vừa kêu “A! A!” thì cuống họng đã như nhảy lên rồi. Đó chẳng qua là bác sĩ muốn nhìn cái amiđan thật rõ để khám bệnh thôi mà! Ai cũng có hai amiđan (còn gọi là hạch hạnh nhân) trong cổ họng. So với người lớn, amiđan của bạn tương đối to, lại hay “giở chứng”, thành thử bác sĩ khám bệnh không bao giờ quên hỏi thăm sức khoẻ của nó. Chớ xem khinh amiđan là “cục thịt thừa”, vì nếu thiếu nó, vi trùng tha hồ thâm nhập cơ thể bạn đấy! Đó là vì mọi mầm mống bệnh tật nếu muốn chui vào đường ăn, đường thở, đi chu du khắp lục phủ ngũ tạng của chúng ta đều phải qua cái ngã tư cổ họng. Ở vị trí xung yếu này, cơ thể đã khôn ngoan bố trí hai "đồn biên phòng" amiđan, được xây dựng bằng các tế bào hạch bạch tuyết. Hằng ngày, đồn này rèn hàng loạt vũ khí (các kháng thể) và đào tạo ra một đội ngũ đông đảo chiến sĩ (những hạt bạch cầu) có nhiệm vụ “nuốt sống” vi trùng và mọi kẻ lạ mặt. Khi gặp lạnh và chiến đấu chống vi trùng, tất nhiên amiđan phải tăng hoạt động, số bạch cầu đến chi viện và lượng máu tập trung cũng tăng. Vì vậy, amiđan sưng to, họng đỏ (nhất là ở trẻ) nhưng chỉ ít hôm là lành. Có bạn bẩm sinh đã có cái amiđan to. Đó là những hiện tượng sinh lý bình thường, các bạn ạ! Tuy nhiên, nếu bạn không mặc áo ấm, quàng khăn, biếng ăn, ngại thể dục và tập thở không khí sạch ngoài trời cho dạn rét thì khi gặp những con vi trùng độc và mạnh, amiđan có thể ốm nặng đấy! Qua nhiều đợt bệnh phát, amiđan sẽ thoái hoá thành những hốc mủ, sùi loét, ứa nhớt dãi, kéo màng. Người bệnh sẽ thở hôi, nổi hạch quanh cổ, đau họng, ho, sốt cao…Ổ đề kháng của cơ thể lại hoá thành sào huyệt của vi trùng. Từ đó, "lũ giặc" có thể công phá khắp nơi, gây nên các bệnh thối tai, viêm xương, chảy nước mũi, sưng phổi, hen, viêm thận, thấp khớp biến chứng vào tim, rối loạn tiêu hoá… Bằng chứng là nếu xét nghiệm phân những người viêm ruột (do nuốt đờm từ họng xuống) hoặc máu những người bị viêm tim (do thấp khớp), ta sẽ "bắt được" chính những con vi trùng làm sưng amiđan. Lúc này, thầy thuốc phải cắt bỏ cái amiđan đã bị huỷ hoại, mất tác dụng để cứu cơ thể khỏi những hậu quả khôn lường. Và để trả giá cho lối sống thiếu vệ sinh, bạn phải chịu đựng một cuộc phẫu thuật không thể tránh khỏi. Không được cắt amiđan khi nó đang sưng tấy mà phải uống kháng sinh cho nguội viêm đi đã. Khi đang có bệnh dịch, lúc thời tiết nóng nực hoặc băng giá, trẻ em dưới 4 tuổi, phụ nữ đang hành kinh hoặc có mang cũng không nên cắt amiđan, trừ những trường hợp đặc biệt. Trước khi cắt phải khám và làm các xét nghiệm, nếu tim, phổi, máu bình thường thì mới cắt amiđan. Khi mổ, bạn sẽ được gây mê. Bác sĩ dùng thòng lọng thắt amiđan lôi ra và nạo V.A, vài phút là xong. Khi tỉnh dậy, bạn phải nằm yên không nói. Sáu giờ sau và trong suốt tuần lễ đầu, bạn bắt đầu được ăn thức ăn lỏng. Phẫu thuật cắt amiđan thường chỉ gây rớm chút máu ở họng. Nếu sốt và ra máu nhiều thì cần mời bác sĩ ngay. Trẻ em ít bị biến chứng hơn người lớn. Trong 100 người cắt amiđan, chỉ có 3-4 người bị chảy máu phải can thiệp bằng cách thắt mạch máu, đốt điện, truyền máu. Một số ít người có thể bị biến chứng muộn như vết cắt thành sẹo dúm, gây sặc khi nuốt thức ăn, khô họng, thay đổi giọng nói… Amiđan và ruột thừa có cùng một cấu tạo tổ chức nên hay liên đới mắc bệnh. Có thầy thuốc nhận thấy rằng khi mổ cắt ruột thừa xong, amiđan cũng hết viêm nên chủ trương cắt amiđan để phòng bệnh ruột thừa. Cái họng ví như cây đàn, có đúng không? Tại sao sau khi cắt amiđan, em không còn hát nổi giọng cao như trước? Trăm người thì có trăm giọng nói, đó là do sự khác nhau về nhịp rung của hai dây thanh trong cổ họng. Cổ họng ta giống hệt cây phong cầm. Hai dây thanh khi nói thì khép kín, khi thở mở ra, giống với cựa đàn. Hơi thở là gió. Còn khoang họng, mồm, mũi tựa như hộp đàn. Nếu hụt hơi thì đừng hòng hát đúng, hát hay. Phải tập thở sâu để hát dài hơi, nói không mệt. Việc tập thở bụng cũng là cách "tập thể dục” cho cơ hoành, xoa bóp nội tạng, nâng cao sức khoẻ toàn thân. Người không khoẻ làm sao đủ sức gào to át tiếng biển gầm như nhà hùng biện cổ Hy Lạp Demosten cơ chứ! Nếu cứ phanh áo, hở cổ, hở ngực trước gió lạnh, bạn sẽ có cái giọng ống bơ gỉ ngay! Đó là do thanh quản bị viêm, phát lên những âm rè, khàn khàn vịt đực. Thiếu vệ sinh cũng làm sưng tấy amiđan. Amiđan to sẽ làm cho thùng cộng hưởng (miệng và họng) hẹp lại, các cơ ở họng và thanh quản bị hạn chế cử động, âm sắc của giọng trở nên thô và kém vang. Vi trùng và độc tố của chúng từ amiđan lan xuống thanh quản gây viêm mãn tính, hai thanh đới luôn luôn dính đờm, không còn đủ sức căng để phát các âm cao nữa (có ca sĩ amiđan to đơn thuần, không cắt mà vẫn hát hay do luyện tập để thích nghi). Nếu chữa thuốc mà amiđan hết sưng to thì cũng không cần cắt. Tuy nhiên, khi amiđan nhiễm trùng nặng thì phải cắt để thanh toán ổ nhiễm trùng, bảo vệ sức khoẻ toàn thân. Sau khi cắt amiđan, nếu muốn giữ được phần nào giọng hát thì phải luyện lại giọng từ tuần lễ thứ 3. Trước hết là tập hát các âm trầm, rồi âm trung, sau cùng lên giọng hát các âm cao. Cứ kiên trì tiến lên từng bước, không sốt ruột. Hát giọng cao bao giờ cũng khó, phải tập luyện mấy tháng liền mới thành. Các thầy thuốc có kinh nghiệm ở Viện Tai mũi họng Trung ương cho biết, sau khi cắt amiđan, một số ca sĩ lên được một giọng hoặc nửa giọng. Một số ít người giọng vẫn kém như hồi còn sưng amiđan và phải chuyển nghề. Việc giữ được giọng hát sau khi cắt amiđan đòi hỏi thầy thuốc có trình độ chuyên khoa giỏi và đôi bàn tay khéo, có thể bóc tách amiđan nhẹ nhàng, không gây thương tổn các cơ phát âm. (còn tiếp) size=2 width="100%" align=center> Vân tay là gì, tại sao vân tay của mọi người lại không giống nhau? Bác sĩ vui tính trả lời (phần 7) Vân tay là gì, tại sao vân tay của mọi người lại không giống nhau? Tay người là bộ phận cơ động nhất của thân thể. Khi xoè, nắm bàn tay, da ở lòng bàn tay (vốn có tính chun giãn) sẽ nhăn thành những nếp gấp. Những đường chỉ trong lòng bàn tay và quanh các khớp ngón tay, các hoa vân đầu ngón có tác dụng làm tăng ma sát để cầm chắc các vật dụng. Người Việt Nam có ba loại vân tay, chiếm phần lớn là vân xoáy, vân móc, còn lại 1-2% là vân cung. Cũng có những người không có vân tay nhưng đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi trên thế giới. Vân tay là do các gai da đội lớp biểu bì lên mà thành­. Đó là nơi tập kết miệng các tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn… Nó đã định hình khi con người còn là cái thai 4 tháng trong bụng mẹ. Khi đứa bé ra đời, lớn lên, vân tay được phóng đại nhưng vẫn giữ nguyên dạng cho đến khi về già. Nếu tay có bị bỏng, bị thương, bị bệnh thì khi lành, vân tay lại tái lập y hệt như cũ. Chỉ khi có tổn thương sâu huỷ hoại hoàn toàn, sẹo chằng chịt mới xoá mất vân tay. Vân tay không ai giống ai, đặc sắc nhất là vân ngón cái và ngón trỏ. Nghiên cứu các vết vân tay có thể nhận ra người. Người châu Âu ngày xưa đã sớm nhận ra điều đó. Có những ông vua đã áp cả lòng bàn tay (thay cho việc đóng dấu) và ký vào các sắc dụ cơ mật, để không ai đánh tráo được. Những thợ gốm bậc thầy, những nhà nặn tượng trứ danh cũng in dấu hoa tay tài nghệ làm chứng chỉ cho tác phẩm chính hiệu của mình. Năm 1882, theo sáng kiến của A. Bertion, lần đầu tiên cảnh sát Paris đã áp dụng lăn ngón tay trên các hồ sơ căn cước. Nước Anh cũng sớm sử dụng biện pháp này. Năm 1944 họ đã lưu trữ tới hơn 90 triệu dấu vân tay của tất cả binh lính và những người dân lo xa. Trong trường hợp bị chết đột ngột, mất thẻ căn cước hoặc mắc bệnh tâm thần lú lẫn, các dấu vân tay sẽ giúp cảnh sát truy tìm tung tích họ. Nhưng làm sao đối chiếu được hàng chục triệu dấu vân tay trong các hồ sơ lưu trữ để nhanh chóng gọi đúng tên người đã để lại dấu vết? Ngày nay bộ nhớ điện tử có thể giúp ta làm công việc nhận dạng này. Chỉ cần gọi “điện thoại” cho nó, mô tả đúng mã số của vân tay là bạn sẽ có câu trả lời chính xác. Bộ phân tích của máy tính điện tử còn phân biệt được mùi mồ hôi tay của từng người và biết một chữ ký nào đó là thật hay giả nữa. Di truyền học đã phát hiện thấy một số bệnh bẩm sinh được phản ánh trên hoa tay và các nếp gấp bàn tay. Tại một viện nghiên cứu ở Leningrad (Liên Xô cũ), các nhà khoa học đã khám nghiệm bàn tay những người chuẩn bị làm mẹ để chẩn đoán sớm bệnh di truyền cho đứa trẻ sắp chào đời. Có quan niệm khá phổ biến cho rằng người có hoa tay tròn thì khéo léo, tài giỏi hơn kẻ có hoa tay méo. Nhưng chưa thấy tài liệu nào chứng minh được điều đó. (còn tiếp) size=2 width="100%" align=center> Y học đã làm được những gì để thay thế các bộ phận tàn tật của cơ thể, ngoài chân tay giả, tim phổi nhân tạo, máy trợ thính… Bác sĩ vui tính (phần 28) Y học đã làm được những gì để thay thế các bộ phận tàn tật của cơ thể, ngoài chân tay giả, tim phổi nhân tạo, máy trợ thính… Năm 1505, trên thế giới xuất hiện một công trình kỹ thuật kỳ lạ: bàn tay sắt có thể đánh bài và cài khuy áo của kỵ sĩ Berlin Senghen. Vào thế kỷ XX, giáo sư A. Kobrinxki đã thiết kế được bàn tay nhân tạo có thể điều khiển bằng ý chí con người. Ngày nay, trên thế giới đã có hàng vạn người mang bàn tay giả có thể đóng đinh lên tường, lần giở từng trang sách…Họ điều khiển bàn tay nhân tạo bằng ý nghĩ, truyền các dòng điện bắp thịt đến các điện cực cắm ở mỏm cụt. Ở Tây Âu có những em bé bẩm sinh bị cụt tay do người mẹ khi có mang đã uống phải thalidomit, loại thuốc an thần gây quái thai. Các em vẫn có thể sinh hoạt được bình thường nhờ bàn tay giả bọc chất dẻo có hình dáng và màu da y như thật do bác sĩ Han Smith (người Áo) thiết kế. Nhìn mấy em bé cầm thìa nĩa ăn, người ta không thể ngờ chúng đã bị cụt tay. Năm 1978, ở Nhật có một ca ung thư xương đáng lẽ phải cắt cụt cả hai chân. Tuy nhiên, kíp mổ của bác sĩ Yasuto Itami đã thay toàn bộ các xương khớp chân từ háng trở xuống bằng vật liệu titan và polyethylen, mà vẫn giữ nguyên các bắp thịt, thần kinh, mạch máu…Bệnh nhân có thể đi lại bằng những khớp nhân tạo ấy. Khi tụy tạng hỏng, không tiết insulin, con người sẽ bị bệnh tiểu đường. Người ta đã nghĩ ra nhiều biện pháp để khắc phục điều đó, chẳng hạn như ghép tuyến tụy hay những tế bào beta của tuyến này. Tuy nhiên, đa số trường hợp cơ thể bệnh nhân không chịu tiếp nhận mảnh ghép. Việc tiêm insulin hằng ngày cũng khá phiền phức, lại dễ quá liều lúc bệnh nhân ăn. Hiện các nhà khoa học đã chế tạo ra tụy tạng nhân tạo. Đó là một bình chứa insulin đặt ở vai hay cánh tay, có ống nhỏ luồn dưới da để bơm thuốc vào mạch máu và một thiết bị điện tử tự động để điều chỉnh lượng insulin tiêm vào người. Thận nhân tạo do bác sĩ William Con (Hà Lan) áp dụng từ năm 1943 cho một nữ bệnh nhân nhằm thải lượng u rê thừa trong máu của người này. Đến nay, thận nhân tạo đã trở thành một máy y học thông dụng. Khi bệnh nhân được phẫu thuật tim, chức năng tuần hoàn máu và trao đổi khí được giao cho máy tim phổi nhân tạo đảm đương. Máy tạo nhịp tim sẽ tiếp sức, điều chỉnh và thay thế hệ thần kinh tự động chỉ huy tim co bóp nhịp nhàng. Hiện có tới khoảng 50 kiểu van tim bằng chất dẻo. Thậm chí cả tim bằng chất dẻo cũng đã được dùng thử Các nhà khoa học cũng đã làm ra mạch máu nhân tạo bằng các chất liệu như dacron, rodegon, teflon, silastic. Những mạch máu nhân tạo này có thể co giãn và mau liền sẹo, thay thế tốt cho các động mạch và tĩnh mạch bị tổn thương. Viện dệt và công nghiệp nhẹ Kirop (Nga) chế tạo được chỉ khâu mạch máu bằng chất anginat của rong biển. Loại chỉ này có thể tự tiêu, có tác dụng cầm máu và sát trùng. Y học còn tìm cách thay thế máu. Trong trường hợp mổ mất nhiều máu, người ta dùng dung dịch fluoro carbon tạm thời làm công việc của huyết cầu tố để chuyên chở ô xy. Các bác sĩ Nhật Bản đã thử làm hồng cầu nhân tạo bằng polime chứa huyết sắc tố người. Họ cũng đang nghiên cứu cách làm cho các hồng cầu này đủ sức đàn hồi để chui qua mao mạch mà không đọng nhiều ở gan, lách. Nếu chỉ còn 1/5 số hồng cầu, cơ thể vẫn sống được. Nhưng nếu mất máu, tức là mất cả huyết tương, thì dù số hồng cầu mất ít hơn, tính mạng vẫn lâm nguy. Trong trường hợp này, bệnh nhân phải được truyền nước muối để đảm bảo mức huyết áp, tránh truỵ tim mạch. Gần đây, nhiều nước đã sản xuất các loại huyết tương nhân tạo dưới dạng dung dịch, keo. Trong các giác quan nhân tạo, ngoài máy trợ thính giúp phóng to âm thanh và trả một phần sức nghe cho người điếc, còn có máy optacon giúp người mù đọc được chữ thường. Chiếc máy này to bằng bao diêm, có chức năng đo mức chênh lệch cường độ sáng giữa chữ đen và giấy trắng. Tín hiệu thị giác mà máy thu nhận được sẽ được biến đổi thành tín hiệu xúc giác. Cầm máy rà trên trang sách, người mù có thể đọc mỗi phút 150 từ, ngang với tốc độ đọc chữ nổi Brai. Một loại "mắt nhân tạo" khác là kính siêu âm. Thiết bị này được chế tạo dựa trên cơ chế cảm nhận của những con dơi mù. Những sóng âm phóng ra từ gọng kính sẽ đập vào những vật trước mặt, hắt lại thành những âm thanh nghe thấy. Nhờ đó, người mù đeo kính sẽ biết được người đang đi đến ở cách anh ta mấy thước, từ hướng nào, vật trước mặt cứng hay mềm. Ngoài ra, ở Mỹ còn có loại gậy lazer phóng tia hồng ngoại thành ba chùm sáng tập trung. Âm vang mà cái gậy thu hồi sẽ gây chấn động trên các ngón tay người mù, giúp họ thấy rõ mức độ trở ngại cũng như độ lồi lõm của mặt đường. Năm 1975, con mắt điện tử đã ra đời và đang được hoàn thiện thêm. Mở hộp sọ một người mù tình nguyện, các bác sĩ đã tìm được những điểm sáng thị giác trên vỏ não, chấm thành một bản đồ. Đối chiếu bản đồ, họ cắm các vi điện cực đúng vào các điểm sáng ấy, nối dây dẫn, rồi đóng kín hộp sọ. Mạng dây điện này nối với một máy tính điện tử và một màn ảnh truyền hình lắp trong hốc mắt, giúp người mù "nhìn thấy" được. Năm 1978, nhà di truyền học Khorana phát hiện ra rằng nhiều bệnh và khuyết tật bẩm sinh là do các gene hỏng gây nên. Nếu được lắp một gene nhân tạo, cơ thể sẽ có thể tạo ra những bộ phận lành lặn, hoạt động bình thường. Các nhà khoa học hy vọng rằng trong tương lai, không chỉ gene nhân tạo mà cả óc nhân tạo cũng ra đời. Tiến bộ của kỹ thuật y học đang cố gắng bù lại cho người tàn tật những chức năng đã mất. Nhưng để thích nghi trở lại với đời sống bình thường, con người cần chủ động phát huy những dự trữ năng lượng của mình, không ỷ lại vào máy móc. Một tấm gương vượt qua tật nguyền là Valeri Brumen (Liên Xô cũ), người 6 lần vô địch thế giới về nhảy cao, vô địch thế vận hội Tokyo 1964. Anh bị giập nát cả bàn chân phải do ngã xe máy, phải lên bàn mổ hai chục lần. Cuối cùng, bác sĩ Gavrinlin Ilidarov đã trả lại cho anh bàn chân, và quan trọng hơn là đã vực dậy ở anh nghị lực chiến thắng bệnh tật để trở về với thể dục thể thao. Sức mạnh tinh thần mà vị bác sĩ tiếp cho đã giúp Valeri Brumen nhảy cao tới 2 m, chỉ kém 28 cm so với kỷ lục thế giới với đôi chân lành trước đây của anh. Sau đó, Brumen nhận được thư của một người không quen biết: "Hết sức cảm ơn anh. Đứa con gái 12 tuổi của tôi nằm liệt giường suốt hai năm nay. Nhờ xem thành tích của anh trên ti vi, nó đã tập và đi lại được. (còn tiếp) size=2 width="100%" align=center> Đôi tay lắp ráp thế nào mà có thể với tới mọi chỗ trên thân mình? Bác sĩ vui tính trả lời (phần 5) Đôi tay lắp ráp thế nào mà có thể với tới mọi chỗ trên thân mình? Lúc tắm, không một chỗ nào trên thân thể mà bàn tay bạn không với tới để kỳ cọ! Đó là nhờ sự phối hợp ăn ý của các cơ và khớp xương (từ vai đến ngón tay có hơn 50 bắp thịt và hơn 30 khớp xương to nhở), giúp tay xoay được mọi hướng và cử động theo ý muốn con người. Để đạt sự ăn ý đó, các xương tay được chắp với nhau một cách hợp lý thành những loại khớp có ba mức cơ động khác nhau: theo đường trục, theo mặt phẳng và theo ba chiều không gian. Các khớp xương tay Khớp vai đảm bảo cho cơ đòn tay cơ động trong không gian ba chiều (nhờ đó mà những người múa kiếm giỏi có được những đường dao che kín người, đánh bật mọi mũi thọc của đối phương). Khớp vai rất linh hoạt. Chính vì vậy mà bạn có thể nhún vai, hạ vai xuống, ưỡn ngực hoặc so vai. Do đó, tầm với của tay được nới rộng. Tám bắp thịt của khớp vai không khoẻ lắm nhưng rất cơ động. Nhiệm vụ chính của chúng là đưa tay ra khỏi tình trạng nghỉ, đặt nó vào một vị trí ban đầu thuận tiện để định hướng hoạt động. Bốn bắp thịt khác mạnh hơn, trong đó có cơ đen-ta là mập nhất, phủ tròn đôi vai, luôn luôn néo đầu xương cánh tay khít chặt vào khớp vai. Khớp khuỷu cho phép tay gập duỗi trên một mặt phẳng bán nguyệt. Nếu khớp khuỷu bắt chước khớp vai, nghĩa là có thể cử động trong không gian 3 chiều, thì cẳng tay quay quanh khớp khuỷu sẽ chao đảo theo mọi hướng, làm cho tay quặt quẹo và yếu hẳn đi. Tại sao có những hai xương cẳng tay, mà không bớt đi một xương cho gọn? Bởi vì nếu thế thì bàn tay chẳng úp sấp lật ngửa được. Nó sẽ cứng đơ, khó mà xoay nổi một cái đinh vít. Xuống dưới nữa là khớp cổ tay, một khớp bán cầu đảm bảo cho bàn tay một khoảng cơ động khá rộng để làm việc. Tiếp theo là các khớp bản lề của các đốt ngón tay. Điều đặc biệt là ngón cái (với các bắp thịt khoẻ) lại cử động đối xứng với bốn ngón tay khác, giúp bàn tay cầm nắm chắc công cụ lao động. Phối hợp động tác Ở tay người, càng xuống phía đầu chi, các xương càng thon nhỏ, cử động của các khớp càng tinh vi tế nhị. Chẳng hạn, khi bạn giã cua thì khớp vai chỉ giữ tay ở điểm gốc cố định, còn cẳng tay duỗi quanh khớp khuỷu nhịp nhàng, mạnh mẽ hạ xuống giơ lên. Khi bạn viết thì vai, khớp khuỷu làm các động tác rất thô sơ, trong khi các khớp cổ tay và ngón tay cử động thật nhẹ nhàng, chính xác. Chỉ cần các khớp cổ tay, ngón tay hơi vụng về là chữ nguệch ngoạc như gà bới liền. Những người đánh đàn giỏi, những họa sĩ tài hoa đều có những ngón tay cử động cực kỳ tinh tế. Chẳng hạn như nghệ sĩ A. Cadarian, người Armenia (Liên Xô) đã khắc hoạ chân dung của 62 vị danh nhân thế giới chỉ trên một sợi tóc. (còn tiếp)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBác sĩ vui tính.doc
Tài liệu liên quan