Ấn tượng về giáo sư Nguyễn Duy Quý - Hồ Sĩ Quý

6. Trong giới khoa học xã hội và nhân văn, khi đánh giá về độ sâu sắc của các tác giả, tôi đã hơn một lần thấy GS. Nguyễn Duy Quý dùng thuật ngữ “bút lực”. Đây cũng là một kiểu đánh giá khác với chuẩn phương Tây thông thường. Tôi nhớ vài lần đưa ông đọc một quyển sách hay một bài báo nào đó. Khi đọc xong, ông tấm tắc, bút lực tay này khá, bút lực tay này kinh. Thế nghĩa là ông đánh giá vào loại rất cao. Khi đọc lại để hiểu tinh thần chữ bút lực mà ông dùng, tôi mới biết ông không chỉ đánh giá nội dung giấy trắng mực đen của điều được viết ra, mà cái tinh thần của người viết thể hiện qua cách sử dụng ngôn từ, lập luận, mới là điều ông gói trong thuật ngữ bút lực. Quả thật chữ bút lực quá đắt cho những trường hợp xuất sắc mà tác phẩm và tác giả nào đạt tới. Được biết giới khoa học xã hội sẽ xuất bản một cuốn sách về GS. Nguyễn Duy Quý - con người và sự nghiệp. Tôi vô cùng vinh hạnh được viết về ông trong những dòng này. Kỷ niệm về ông ở tôi không thật nhiều nhưng cũng không ít. Tôi chọn mấy mẩu chuyện có liên quan đến cách ứng xử của ông về khoa học xã hội và với những người làm khoa học xã hội để viết ở đây. Ứng xử không đơn thuần là ứng xử. Ứng xử là biểu hiện của nhân cách. Tôi không dám tự cho mình cái quyền ca ngợi nhân cách GS. Nguyễn Duy Quý, vì thấy mình còn quá bé nhỏ để nói về điều này. Chỉ chắc chắn một điều rằng, tôi đã rất may mắn vì mấy chục năm qua, dù chỉ là một cán bộ nghiên cứu bình thường nhưng lại được nhiều lần trực tiếp làm việc với ông - Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Duy Quý.

doc5 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 386 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ấn tượng về giáo sư Nguyễn Duy Quý - Hồ Sĩ Quý, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ẤN TƯỢNG VỀ GIÁO SƯ NGUYỄN DUY QUÝ HỒ SĨ QUÝ * 1. Tôi được biết Giáo sư Nguyễn Duy Quý từ giữa những năm 1970, khi tôi rời quân ngũ về học tại Trườn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lúc đó ông là Bí thư Đảng uỷ của trường, còn GS. Ngụy Như Kontum là Hiệu trưởng. Một lần vô tình ghé qua hành lang dãy nhà của các cơ quan chức năng nhà trường, tôi bắt gặp GS. Nguyễn Duy Quý đang phê bình một phòng ban nào đó treo biển “Bận họp, không tiếp khách”. Ông nghiêm nghị nói với mấy người mà tôi nghĩ là những người có trách nhiệm. Đại ý, phòng chức năng của một trường đại học, trong giờ hành chính thì phải tiếp khách. Không có lý do nào cho phép anh không tiếp người có việc cần đến cơ quan công quyền. Nếu bận anh phải cử người tiếp khách. Riêng bận họp thì không phải là lý do. Vì chẳng những nó không thể chấp nhận được, mà còn là biểu hiện của thái độ coi thường đối tác, coi thường công việc của chính cơ quan công quyền - ông nói, nhỡ có việc hệ trọng xảy ra thì sao Chuyện chỉ cỏn con có thế. Nhưng đó là ấn tượng đầu tiên ở tôi về GS. Nguyễn Duy Quý. Mãi đến bây giờ tôi vẫn thấy điều ông nói là chuyện không hề nhỏ, mà thường khi ta vẫn bắt gặp đâu đó tại các cơ quan nhà nước. Quan niệm về thái độ của cơ quan công quyền với các bên đối tác, ở ta thật nhiều vấn đề đáng bàn. Mà chuyện đáng bàn đầu tiên lẽ nào không phải là chuyện mà người đứng đầu của một trường đại học lớn nhất ở Hà Nội đã bày tỏ thái độ từ gần 40 năm trước.(*) Giáo sư, tiến sĩ, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 2. Nửa cuối những năm 1990, tôi làm thư ký khoa học cho đề tài cấp nhà nước về dự báo thế kỷ XXI do GS. Nguyễn Duy Quý làm chủ nhiệm. Tham gia nghiên cứu đề tài có GS. Hồng Phong, GS. Trần Việt Phương, nhà thơ Huy Cận, GS. Dương Phú Hiệp, GS. Nguyễn Huy Quý, GS. Bùi Huy Khoát và nhiều nhà khoa học có tên tuổi khác. Một lần khi ký hợp đồng nghiên cứu với một số người tham gia, trong đó có GS. Hồng Phong, lúc đó ốm khá nặng. Có ý kiến băn khoăn không biết có nên ký hợp đồng với người đang ốm nặng hay không. Là chủ nhiệm đề tài, GS. Nguyễn Duy Quý cho rằng với các nhà khoa học có uy tín hoặc ở vị trí đầu ngành như GS. Hồng Phong, nếu ngày mai phải ra đi mà hôm nay vẫn đồng ý nhận làm nghiên cứu khoa học thì đó là điều tuyệt vời; kết quả nghiên cứu hoàn thành dù ít dù nhiều, thậm chí chưa xong, cũng đều đáng quý. Ít lâu sau GS. Hồng Phong qua đời, GS. Nguyễn Duy Quý ngậm ngùi: “mình muốn động viên để anh ấy dùng khoa học như một liều thuốc kích thích tư duy trong lúc nằm trên giường bệnh, thế mà cũng không giúp được bao nhiêu”. Chuyện này cũng bình thường và đối với nhiều người cũng không phải là chuyện gì đáng kể. Nhưng nhiều năm qua tôi vẫn thấy bị ám ảnh. Tâm thế của người làm khoa học và cách cư xử với người làm khoa học như thế, chắc không phải tất cả mọi người đều làm được như GS. Nguyễn Duy Quý. 3. Năm 1996, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu cho hơn 70 nhà khoa học, nhà văn, nhà hoạt động nghệ thuật như kiến trúc, sân khấu, điện ảnh, múa, mỹ thuật, âm nhạc Trong số 8 nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội được giải thưởng năm đó có những người đã quá cố. Trong buổi lễ công bố giải thưởng, GS. Nguyễn Duy Quý đã có những phát biểu rất hay đánh giá về từng trường hợp được trao giải. Về những người đã quá cố, GS. Nguyễn Duy Quý bày tỏ, đại ý, với những người có tài hay ít nhiều có tài, đặc biệt những người làm khoa học, thì đừng bao giờ lo rằng mình bị bỏ quên. Xã hội đôi lúc có thể bất công, nhưng cuối cùng thì sự công bằng sẽ được thiết lập, ít ra là theo cách của nó. Truy tặng danh hiệu chỉ là một biểu hiện của sự công bằng. Riêng trong hoạt động khoa học thì sự công bằng chắc chắn trước sau sẽ được thực hiện. Đây là ý kiến mà tôi thấy rất ấn tượng mặc dù nhiều năm sau khi ông nói, tôi vẫn tự kiểm chứng xem quan niệm này hợp lý đến đâu. Theo GS. Nguyễn Duy Quý, những người có đóng góp cho khoa học, những người ít nhiều có tài, đặc biệt những người có tài hay được coi là “thiên tài”... nói chung, rồi sẽ được đánh giá đúng. Không có sự bất công, giả dối nào có thể che đậy được đối với giới trí thức, nhất là về dài lâu. Ý kiến kiểu này tôi nghĩ chúng ta không thường xuyên bắt gặp. Nghĩa là ở đâu đó, trong lĩnh vực nào đó có thể có tình trạng thiếu công bằng, có sự đánh giá thiên lệch hay thậm chí có sự dối trá. Nhưng trong khoa học thì theo GS. Nguyễn Duy Quý, điều tệ như vậy không thể tồn tại, hay không thể tồn tại dài lâu, không thể tồn tại mà không ai biết, dù người đời có phanh phui một cách sòng phẳng hay không. Suy ngẫm về những hiện tượng ngụy khoa học, giả khoa học hay “danh thực bất tương dung” đã từng xảy ra trong khoa học ở Nga, ở Châu Âu hay ở trong nước, tôi thấy ý kiến GS. Nguyễn Duy Quý thật đáng để chiêm nghiệm. 4. Là người có nhiều năm giữ trọng trách người đứng đầu Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS. Nguyễn Duy Quý có nhiều ý tưởng rất hay về khoa học xã hội, mà tiếc rằng do không ghi chép nên đến nay tôi không nhớ được nhiều. Chẳng hạn, ông cho rằng khoa học xã hội có đặc thù riêng của nó, không chỉ trong bản thân hoạt động khoa học, mà còn cả trong tâm lý, tình cảm, tư duy, phong cách, lối sống của những người làm việc ở lĩnh vực này. Nét đặc thù ấy đã in dấu ấn lên con người. Ông nói rằng, với những người đã từng làm việc lâu năm ở Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, (anh nào tinh) nhìn là biết ngay. Ông còn tỏ ý khen ngợi cái chất thâm thúy, nho nhã, uyên thâm của các học giả thế hệ trước. Ông kể những chuyện thật cuốn hút về lần gặp gỡ GS. Hoàng Xuân Hãn ở Paris, một người, theo ông, rất Tây lại cũng rất Nghệ và rất Việt. Từ trường hợp của GS. Hoàng Xuân Hãn, GS. Lê Thành Khôi và các học giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, GS. Nguyễn Duy Quý có nhận xét mà theo tôi là đặc biệt sâu sắc đối với những người làm khoa học. Ông cho rằng, với khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, anh nào muốn thành đạt, muốn có đóng góp, chỉ có một con đường là đọc hết sách Tây để nghiên cứu ta, viết về ta. Theo ông, đọc hết sách Tây mà nghiên cứu về Tây thì giỏi lắm cũng chỉ là học trò của họ. Trong khi đó, đọc hết sách Tây mà nghiên cứu ta, viết về ta, nếu giỏi có thể làm thầy Tây. Còn nghiên cứu về ta, viết về ta mà không đọc hết sách Tây, thì cũng giống như “thông minh xó bếp” thôi. Ý của ông đại để là như thế. Câu chữ tôi nhớ không thật chính xác, nhưng cách nói, cách dùng hình ảnh để diễn đạt ý tưởng thì đúng như thế. Soi vào lịch sử trí tuệ nước nhà khoảng hai trăm năm nay, tôi thấy ý tưởng này của GS. Nguyễn Duy Quý quả thật có ý nghĩa vô cùng đáng giá đối với tất cả những người đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội. 5. Ngay cả tình trạng văn sử triết bất phân của học thuật truyền thống, với GS. Nguyễn Duy Quý, cũng là một kiểu thâm thúy sâu sắc. Có lần ông nói vui, giá mà bây giờ văn sử triết cũng bất phân như xưa thì hay quá. Các cụ nhà ta xưa gửi gắm triết lý răn đời qua những bài thơ, những áng văn biền ngẫu đi vào tâm can. Kant, Feurbach, Marx viết triết học mà dịch sang tiếng Nga, tiếng Việt vẫn còn thấy hay; câu hay đọc lên là có thể thuộc lòng. Trong khi đó bây giờ tác phẩm lý luận nào cũng một là, hai là. Rồi lại gạch đầu dòng và chấm phẩy cuối câu nữa chứ. Thật chán. Điều này với tôi cũng là ấn tượng. Trong các giảng đường chúng ta chỉ thấy sự phê phán tình trạng văn sử triết bất phân. Tất nhiên phê phán là đúng, vì sự phân ngành các khoa học là một trình độ của sự phát triển trí tuệ. Nhưng phê phán đến mức gần như không ai nhận ra cái sâu sắc, độc đáo, cái hay của văn phong thì lại là điều đáng tiếc. Đến nay tôi cũng chưa thấy ai viết về chuyện này. Tôi nghĩ đây là chủ đề thú vị và có ý nghĩa. 6. Trong giới khoa học xã hội và nhân văn, khi đánh giá về độ sâu sắc của các tác giả, tôi đã hơn một lần thấy GS. Nguyễn Duy Quý dùng thuật ngữ “bút lực”. Đây cũng là một kiểu đánh giá khác với chuẩn phương Tây thông thường. Tôi nhớ vài lần đưa ông đọc một quyển sách hay một bài báo nào đó. Khi đọc xong, ông tấm tắc, bút lực tay này khá, bút lực tay này kinh. Thế nghĩa là ông đánh giá vào loại rất cao. Khi đọc lại để hiểu tinh thần chữ bút lực mà ông dùng, tôi mới biết ông không chỉ đánh giá nội dung giấy trắng mực đen của điều được viết ra, mà cái tinh thần của người viết thể hiện qua cách sử dụng ngôn từ, lập luận, mới là điều ông gói trong thuật ngữ bút lực. Quả thật chữ bút lực quá đắt cho những trường hợp xuất sắc mà tác phẩm và tác giả nào đạt tới. Được biết giới khoa học xã hội sẽ xuất bản một cuốn sách về GS. Nguyễn Duy Quý - con người và sự nghiệp. Tôi vô cùng vinh hạnh được viết về ông trong những dòng này. Kỷ niệm về ông ở tôi không thật nhiều nhưng cũng không ít. Tôi chọn mấy mẩu chuyện có liên quan đến cách ứng xử của ông về khoa học xã hội và với những người làm khoa học xã hội để viết ở đây. Ứng xử không đơn thuần là ứng xử. Ứng xử là biểu hiện của nhân cách. Tôi không dám tự cho mình cái quyền ca ngợi nhân cách GS. Nguyễn Duy Quý, vì thấy mình còn quá bé nhỏ để nói về điều này. Chỉ chắc chắn một điều rằng, tôi đã rất may mắn vì mấy chục năm qua, dù chỉ là một cán bộ nghiên cứu bình thường nhưng lại được nhiều lần trực tiếp làm việc với ông - Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Duy Quý.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc20043_68447_1_pb_7394_2009597.doc