Phân tích vai trò của các yếu tố đối với sự hình thành và phát triển nhân cách

Từ xưa đến nay khi đánh giá xem xét một con người chúng ta thường hay nói đến nhân cách của người đó. Nó là tiền đề, cơ sở để ta nhìn nhận giá trị , bản chất một con người. Vì vậy sự hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách con người luôn được quan tâm chú ý trong xã hội. Mà nhân cách không phải ngay từ khi sinh ra đã có, nó được hình thành và phát triển một cách dần dần, và trong quá trình ấy có rất nhiều yếu tố như di truyền, hoàn cảnh sống, giáo dục, hoạt động, giao tiếp tác động đến với những mức độ khác nhau, với những vai trò khác nhau. Vậy vai trò của các yếu tố ấy đối với sự hình thành và phát triển nhân cách như thế nào? Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu, phân tích chúng.

doc11 trang | Chia sẻ: tlsuongmuoi | Lượt xem: 42810 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích vai trò của các yếu tố đối với sự hình thành và phát triển nhân cách, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. LỜI MỞ ĐẦU Từ xưa đến nay khi đánh giá xem xét một con người chúng ta thường hay nói đến nhân cách của người đó. Nó là tiền đề, cơ sở để ta nhìn nhận giá trị , bản chất một con người. Vì vậy sự hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách con người luôn được quan tâm chú ý trong xã hội. Mà nhân cách không phải ngay từ khi sinh ra đã có, nó được hình thành và phát triển một cách dần dần, và trong quá trình ấy có rất nhiều yếu tố như di truyền, hoàn cảnh sống, giáo dục, hoạt động, giao tiếp..tác động đến với những mức độ khác nhau, với những vai trò khác nhau. Vậy vai trò của các yếu tố ấy đối với sự hình thành và phát triển nhân cách như thế nào? Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu, phân tích chúng. B. NỘI DUNG I/ Khái quát chung. Khái niệm nhân cách. - Định nghĩa: Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lý của một cá nhân biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy. - Đặc điểm: nhân cách bao gồm 4 đặc điểm đó là tính ổn định, tính thống nhất, tính tích cực, tính giao tiếp. Cấu trúc của nhân cách. Cấu trúc của nhân cách bao gồm bốn thuộc tính: xu hướng, năng lực, tính cách, khí chất. - Xu hướng: là một hệ thống động cơ và mục đích có định hướng và thúc đẩy con người tích cực hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu, hứng thú, hoặc vươn tới mục tiêu mà cá nhân lấy làm lẽ sống của mình. - Năng lực: Năng lực là tổng hợp những thuộc tính tâm lý độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó diễn ra có kết quả. - Tính cách:là sự kết hợp độc đáo các đặc điểm tâm lý ổn định của con người, những đặc điểm này quy định phương thức hành vi điển hình của người đó trong những điều kiện và hoàn cảnh sống nhất định thể hiện thái độ của họ đối với thế giới xung quanh và bản thân. - Khí chất: là một thuộc tính tâm lý gắn liền với các kiểu hoạt động thần kinh tương đối bền vững của cá nhân, đặc trưng cho hoạt động tâm lý về cường độ, tốc độ, nhịp độ, thể hiện sắc thái riêng về hành vi và cử chỉ của người đó. II/ Phân tích vai trò của các yếu tố đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Theo quan điểm tâm lí học Mác xít, không phải con người mới được sinh ra đã có sẵn nhân cách và cũng không phải nó được bộc lộ một cách dần dần từ các bản năng nguyên thủy. Nhân cách là một cấu tạo tâm lí mới được hình thành và phát triển trong quá trình sống, hoạt động và giao tiếp của mỗi người. Như nhà tâm lý học Xô Viết A.N.Lêonchiep đã chỉ ra rằng: nhân cách cụ thể là nhân cách con người sinh thành và phát triển theo con đường từ bên ngoài chuyển vào nội tâm, từ các quan hệ với thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật, nền văn hóa xã hội do các thế hệ trước tạo ra, các quan hệ xã hội mà nó gắn bó. Trong quá trình hình thành nhân cách bị chi phối bởi nhiều yếu tố là di truyền, hoàn cảnh sống, giáo dục, hoạt động và giao tiếp. Mỗi nhân tố đóng một vai trò khác nhau trong sự phát triển nhân cách. 1) Yếu tố di truyền. Không thể có nhân cách trừu tượng ở bên ngoài một con người bằng xương bằng thịt mà là nhân cách của một con người cụ thể sống trong một xã hội cụ thể. Ngay từ lúc trẻ em ra đời đều có những đặc điểm hình thái- sinh lí của con người bao gồm các đặc điểm bẩm sinh và di truyền. Những thuộc tính sinh học có ngay từ lúc đứa trẻ mới sinh gọi là những thuộc tính bẩm sinh. Những đặc điểm, những thuộc tính sinh học của cha mẹ ghi lại trong hệ thống gen truyền lại cho con cái được gọi là di truyền. Một cá thể luôn có cả những đặc điểm giải phẫu sinh lý của cha mẹ vừa có những cái gì đó của riêng nó. Bẩm sinh - di truyền là những đặc điểm giải phẫu sinh lý của hệ thần kinh và các cơ quan cảm giác, vận động. Đối với mỗi cá thể khi ra đời đã nhận được một số đặc điểm về cấu tạo và chức năng của cơ thể từ các thế hệ trước theo con đường di truyền, trong đó có những đặc điểm về cấu tạo và các chức năng của các giác quan và não. Những đặc điểm của hoạt động thần kinh cấp cao được biểu hiện ngay từ những ngày đầu của cá thể. Tuy nhiên không thể kết luận về vai trò quyết định của di truyền trong sự hình thành và phát triển tâm lý nhân cách. Bất cứ một chức năng tâm lý nào mang bản chất con người của nhân cách chỉ có thể được phát triển trong hoạt động của bản thân cá nhân đó và trong điều kiện của xã hội loài người. Cùng một kiểu hệ thần kinh nhiều loại năng lực, nhiều loại tính cách khác nhau có thể được hình thành và ngược lại. Một điểm nữa là, sự tác động của yếu tố di truyền đối với từng giai đoạn phát triển lứa tuổi và đối với từng hoạt động cụ thể là khác nhau. Ví dụ như tiềm năng hội họa cần phải được phát triển và bồi dưỡng từ thời thơ ấu. Tóm lại, bẩm sinh- di truyền đóng vai trò đáng kể trong sự hình thành và phát triển tâm lý nhân cách. Chính nó tham gia vào sự tạo thành cơ sở vật chất của các hiện tượng tâm lý – những đặc điểm giải phẫu và sinh lý của cơ thể, trong đó có hệ thần kinh. Từ đó có thể khẳng định vai trò tiền đề vật chất của yếu tố di truyền đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. 2) Yếu tố hoàn cảnh sống. Hoàn cảnh sống ở đây bao gồm cả hoàn cảnh tự nhiên và hoàn cảnh xã hội. a) Hoàn cảnh tự nhiên. Hoàn cảnh tự nhiên hay còn gọi là các điều kiện tự nhiên như vị trí địa lý, địa hình ( núi, sông, biển..), khoáng sản, khí hậu ( nóng, lạnh, mưa, gió..), hoa cỏ, âm thanh..Những điều kiện ấy quy định đặc điểm của phương thức hoạt động của con người trong tự nhiên và một số nét riêng trong phạm vi sáng tạo nghệ thuật. Qua đó quy định các giá trị vật chất và tinh thần ở một mức độ nhất định. Hay có thể nói tâm lý dân tộc mang dấu ấn của hoàn cảnh tự nhiên thông qua khâu trung gian là phương thức sống. Ngay cả nhiều phong tục tập quán suy cho cùng cũng đều có nguồn gốc từ điều kiện và hoàn cảnh sống tự nhiên. Nhân cách như là một thành viên xã hội chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên thông qua những giá trị vật chất và tinh thần, qua phong tục tập quán của dân tộc, của địa phương, của nghề nghiệp- những cái vốn có liên hệ với điều kiện tự nhiên ấy và qua phương thức sống của chính bản thân nó. Ví dụ như con người Việt Nam, sinh ra trong một đất nước đã từng trải qua các cuộc chiến tranh gian khổ để giành được độc lập, một đất nước đi lên từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, nên con người Việt Nam là những con người kiên cường, cần cù, chịu khó và chính những điều đó đã ảnh hưởng đến nhân cách con người Việt Nam. Tuy nhiên hoàn cảnh tự nhiên không giữ vai trò quan trọng và quyết định trong sự phát triển tâm lý nhân cách. Những hoàn cảnh tự nhiên hoàn toàn có thể điều chỉnh, khắc phục được. b) Hoàn cảnh xã hội. Hoàn cảnh xã hội là toàn các mối quan hệ xã hội mà con người sống và tiếp xúc. Nó có ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý nhân cách. Vì nếu không có sự tiếp xúc với con người thì cá thể lớn lên và phát triển trong trạng thái động vật, nó không thể trở thành một con người, một nhân cách. Có nghĩa là đứa trẻ muốn trở thành nhân cách phải có sự tiếp xúc với người lớn để nắm vững tri thức, kinh nghiệm lịch sử xã hội, để được chuẩn bị bước vào cuộc sống và lao động trong văn hóa của thời đại. có thể nói nhân cách là một sản phẩm của xã hội. Quan hệ sản xuất quy định nội dung của nhiều nét tâm lý cơ bản của nhân cách. Ngoài ra tâm lý nhân cách phụ thuộc vào quan hệ chính trị và pháp luật. Vị trí giai cấp của cá nhân sẽ kích thích tính tích cực của nó ở mức độ này mức độ khác trong vai trò xã hội. Nhu cầu, hứng thú, lý tưởng phụ thuộc không ít vào vai trò ấy. Đặc tính của quan hệ sản xuất, quan hệ chính trị pháp luật biểu hiện qua hệ tư tưởng đạo đức và ở những mức độ khác nhau qua phong tục tập quán. Trong tất cả những mối quan hệ xã hội được nêu ở trên, nhân cách không chỉ là một khách thể mà còn là một chủ thể. Cá nhân là một tồn tại có ý thức, nó có thể lựa chọn phương thức sống của mình và do đó nó lựa chọn những phản ứng khác nhau trước tác động của hoàn cảnh xã hội. Trong môi trường xã hội có ta còn thấy những hiện tượng tâm lý xã hội quần chúng khác ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý nhân cách. Dư luận và tâm trạng chung, đó là sự phán xét đánh giá của sự đông người về sự kiện đời sống xã hội của hoạt động tập thể của hành vi cá nhân. Dư luận được hình thành thầm lặng hoặc có ý thức. Có thể đóng vai trò tích cực hay tiêu cực trong đời sống được bắt nguồn từ sự kiện thực hay bịa đặt. Nó nảy sinh, phát triển trên tâm trạng xã hội và có ảnh hưởng trở lại tâm trạng đó. 3) Yếu tố giáo dục. Trong tâm lý học, giáo dục được hiểu như là quá trình tác động có ý thức, có mục đích và có kế hoạch về mặt tư tưởng, đạo đức và hành vi trong tập thể trẻ em và học sinh, trong gia đình và cơ quan giáo dục ngoài nhà trường. Giáo dục là một hoạt động chuyên môn của xã hội nhằm hình thành và phát triển nhân cách con người theo những yêu cầu của xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Có thể khẳng định giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách. Nó được biều hiện ở những điểm sau: - Giáo dục vạch ra chiều hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh và dẫn dắt sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh theo chiều hướng đó. - Giáo dục có thể mang lại những cái mà các yếu tố bẩm sinh- di truyền hay môi trường tự nhiên không thể đem lại được. Ví dụ như một đứa trẻ có cảm thụ âm nhạc rất nhạc rất tốt, nhưng muốn chơi được một loại nhạc nào đó thì đứa trẻ đó phải học. - Giáo dục có thể bù đắp những thiếu hụt do bệnh tật đem lại cho con người. Ví dụ như trẻ em, người bị khuyết tật nhờ các phương pháp giáo dục đặc biệt họ vẫn có thể học tập, phát triển tài năng trí tuệ một cách bình thường, chẳng hạn như nhà soạn nhạc Beethoven mặc dù ông bị điếc nhưng vẫn là một nhà soạn nhạc thiên tài. - Giáo dục có thể uốn nắn những phẩm chất tâm lý xấu, do sự tác động tự phát của môi trường xã hội gây nên và làm cho nó phát triển theo chiều hướng mong muốn của xã hội. Ví dụ như các trại cải tạo, giáo dưỡng, ở đó các trẻ em hư, người phạm pháp sẽ được cải tạo, giáo dục uốn nắn thành những công dân tốt. - Giáo dục có thể đi trước hiện thực, trong khi tác động tự phát của xã hội chỉ ảnh hưởng đến cá nhân ở mức độ hiện có của nó. Chẳng hạn mục tiêu giáo dục của chúng ta là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đây chính là tính chất tiên tiến của giáo dục. - Những công trình nghiên cứu về tâm lý học và giáo dục học hiện đại đã chứng minh rằng, sự phát triển tâm lý của trẻ em chỉ có thể diễn ra một cách tốt đẹp trong những điều kiện của sự dạy học và giáo dục. Giáo dục giữ vai trò chủ đạo quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách, song không nên tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục, giáo dục không phải là vạn năng, cần phải tiến hành giáo dục trong mối quan hệ hữu cơ với việc tổ chức hoạt động, tổ chức quan hệ giao tiếp, hoạt động cùng nhau trong các mối quan hệ xã hội, nhóm, tập thể. Giáo dục không tách rời với tự giáo dục, tự rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách ở mỗi cá nhân. 4) Yếu tố hoạt động. Mọi tác động có mục đích tự giác của giáo dục sẽ không có hiệu quả, nếu cá nhân con người không tiếp nhận tác động đó nếu họ không trực tiếp tham gia vào hoạt động để hình thành nhân cách của mình. Do đó hoạt động của cá nhân mới là yếu tố quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, mang tính xã hội, cộng đồng, được thực hiện bằng những thao tác nhất định, với những công cụ nhất định. Thông qua hai quá trình đối tượng hóa và chủ thể hóa trong hoạt động mà nhân cách được bộc lộ và hình thành. Con người lĩnh hội kinh nghiệm xã hội lịch sử bằng hoạt động của bản thân để hình thành nhân cách. Mặt khác cũng thông qua hoạt động, con người đóng góp lực lượng bản chất của mình vào việc cải tạo thế giới khách quan. Hiểu được mối quan hệ giữa hoạt động và nhân cách nên hoạt động phải được coi là phương tiện giáo dục cơ bản. Nhưng không phải ở tất cả các giai đoạn này hay thời kì phát triển và cũng không phải các dạng hoạt động đều có tác dụng như nhau đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Theo quan điểm của nhà tâm lý học A.N.Leonchiep thì có những dạng hoạt động đóng vai trò chủ yếu trong sự phát triển nhân cách còn các hoạt động khác đóng vai trò thứ yếu cho nên cần phải hiểu rõ sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người phụ thuộc vào hoạt động chủ đạo ở mỗi thời kì nhất định. Muốn hình thành nhân cách con người phải tham gia vào các dạng hoạt động khác nhau, trong đó đặc biệt chú ý tới vai trò của hoạt động chủ đạo.Vì thế phải lựa chọn tổ chức và hướng dẫn các hoạt động đảm bảo tính giáo dục, tính hiệu quả đối với việc hình thành và phát triển nhân cách.Vì có vai trò như vậy nên trong công tác giáo dục cần chú ý thay đổi làm phong phú nội dung, hình thức, cách tức tổ chức hoạt động để lôi cuốn cá nhân tham gia tích cực vào các hoạt động đó. 5) Yếu tố giao tiếp. Nhà tâm lý học Xô Viết B.Ph.Lomov cho rằng “ khi chúng ta nghiên cứu lối sống của một cá nhân cụ thể, chúng ta không thể chỉ giới hạn ở sự phân tích xem nó làm cái gì và như thế nào, mà còn phải nghiên cứu xem nó giao tiếp với ai và như thế nào”. Vì thế cùng với hoạt động có đối tượng, giao tiếp có một vai trò quan trọng cơ bản trong việc hình thành và phát triển nhân cách. Giao tiếp là điều kiện tồn tại của cá nhân và xã hội loài người. Nhu cầu giao tiếp là một trong những nhu cầu xã hội cơ bản, xuất hiện sớm nhất ở con người. Thực tế chứng minh những trường hợp do động vật nuôi đã mất bản tính người , mất nhân cách và chỉ còn lại những điểm tâm lý, hành vi của con vật. Đã có nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng sự giao tiếp quá hạn chế, nghèo nàn đã dẫn đến những hậu quả nặng nề là dễ mắc bệnh “ đói giao lưu do nằm viện lâu ngày” (hospitalism). Nhờ giao tiếp, con người gia nhập vào các quan hệ xã hội, lĩnh hội nền văn hóa xã hội, chuẩn mực xã hội “ tổng hòa các quan hệ xã hội” làm thành bản chất con người, đồng thời thông qua giao tiếp con người đóng góp tài lực của mình vào kho tàng chung của nhân loại, của xã hội. Trong giao tiếp con người không chỉ nhận thức người khác, nhận thức các quan hệ xã hội mà còn nhận thức được chính bản thân mình, tự đối chiếu so sánh mình với người khác, với chuẩn mực xã hội, tự đánh giá bản thân mình như một nhân cách để hình thành một thái độ giá trị cảm xúc nhất định đối với bản thân. Hay qua giao tiếp con người hình thành năng lực tự ý thức. => Tóm lại: Cả 5 yếu tố trên đều tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách, nhưng có vai trò không giống nhau. Yếu tố di truyền giữ vai trò làm tiền đề tự nhiên, cơ sở vật chất. Yếu tố hoàn cảnh sống có vai trò quyết định. Yếu tố giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Còn yếu tố hoạt động và giao tiếp của cá nhân có vai trò quyết định trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. III/ Liên hệ với thực tiễn. Trong thực tế, các yếu tố trên không tác động một cách riêng rẽ mà chúng cùng tác động vào sự hình thành và phát triển nhân cách. Nhận thấy được tầm quan trọng của tâm lý nhân cách nên ngày nay vấn đề giáo dục, bồi dưỡng tâm lý nhân cách rất được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm, chú trọng, vì trẻ em ngay từ khi còn nhỏ đã bắt đầu hình thành nhân cách. Liên hệ với đất nước ta, đất nước ta đang trong quá trình đổi mới kinh tế, phát triển công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Trong những năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể nói xã hội Việt Nam hiện nay là một xã hội của những sự chuyển đổi toàn diện và sâu sắc.Điều đó tác động đến mỗi thành viên trong xã hội, làm phong phú đa dạng thêm đồng thời cũng phức tạp thêm lối sống của mỗi người, đặc biệt ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của lớp trẻ. Thực tiễn cho thấy trong mấy năm gần đây, thang giá trị của xã hội đang có sự thay đổi nhanh chóng. Chính sự thay đổi một số giá trị dẫn đến sự thay đổi đặc điểm nhân cách của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới. Định hướng giá trị là yếu tố quan trọng nhất của cấu trúc bên trong nhân cách. Chúng ta đang trong quá trình vận động và chuyển đổi trên mọi lĩnh vực. Vì vậy, không thể không có sự chuyển đổi thang giá trị, biểu định hướng giá trị trong việc kế thừa và duy trì các giá trị truyền thống và hình thành những giá trị chuẩn mực mới, tiếp cận thời đại. Những giá trị truyền thống gia đình, tình nghĩa, đề cao cái tâm, chữ tín và đạo hiếu, lễ nghĩa vẫn được duy trì nhằm hạn chế, khắc phục tính ích kỷ, thờ ơ thậm chí là lạnh lùng của một số người dưới tác động của cơ chế thị trường. Tính cộng đồng vẫn được quan tâm nhưng bên cạnh đó một số giá trị phẩm chất cá nhân ngày càng được đề cao như: Học vấn, sức khoẻ, sáng tạo, tự lập, tự trọng, tinh thần khám phá, chí tiến thủ,… Mục tiêu, yêu cầu của mô hình nhân cách tuổi trẻ Việt Nam cần phải có sự kết hợp những giá trị chuẩn mực truyền thống và mô hình phát triển của con người Việt Nam XHCN. C. KẾT BÀI Có thể thấy sự hình thành và phát triển nhân cách đã và đang rất được quan tâm chú ý trong xã hội. Mà nhân cách lại bị ảnh hưởng chi phối của nhiều yếu tố. Nên việc phân tích, tìm hiểu vai trò của các yếu tố tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách có ý nghĩa vô cùng lớn không chỉ ở phương diện lý luận, nghiên cứu tâm lý học mà còn cả ở trong thực tiễn.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPhân tích vai trò của các yếu tố đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.doc