Nghiên cứu, đánh giá các dạng tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế (Khu vực Kim Long - Thành phố Huế)

- Tuy nhiên nội dung nghiên cứu ở đây mang tính điển hình chỉ dừng lại những khuôn viên vườn cổ chứa đựng nhiều dấu tích của lịch sử có giá trị cao, phần lớn những phân tích đánh giá dự trên tài liệu của các nhà nghiên cứu và hiện trạng thực tế qua quá trình khảo sát ở các khu nhà vườn của Huế hiện nay. Vì vậy tôi rất mong muốn đề tài này được mở rộng tiếp tục phát triển hơn nữa về số lượng nhà khảo sát trong tương lai để có thể đưa ra những con số sát nhất về thực trạng nhà vườn Huế hiện nay qua đó đề ra những giải pháp thực tiễn trong quá trình gìn giữ và bảo vệ nhà vườn truyền thống Huế.

pdf13 trang | Chia sẻ: linhmy2pp | Ngày: 21/03/2022 | Lượt xem: 138 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu, đánh giá các dạng tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế (Khu vực Kim Long - Thành phố Huế), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 1 (2016) 167 NGHIÊN CỨU, ĐÁNH GIÁ CÁC DẠNG TỔ CHỨC CÂY XANH TRONG BỐ CỤC TỔNG THỂ KIẾN TRÚC NHÀ VƯỜN HUẾ (KHU VỰC KIM LONG - THÀNH PHỐ HUẾ) Lê Văn Thanh Hùng Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế *Email:levanthanhhung@gmail.com TÓM TẮT Huế nổi tiếng là trung tâm văn hoá của cả nước. Bên cạnh lăng tẩm, chùa chiền, cung điện... nhà vườn Huế cũng là một phần của di sản văn hoá Huế với hơn 2000 công trình lớn nhỏ khác nhau. Nhà vườn Huế là nơi kết hợp hài hoà giữa văn hoá kiến trúc con người nơi đây với tự nhiên là nơi biểu đạt được giá trị văn hoá của con người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nhà vườn Huế đang dần bị giảm đi bởi vấn đề về thời gian, quá trình gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế... Vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích đánh giá hiện trạng tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế nhằm nêu lên những thay đổi (biến dạng hoặc phá huỷ) đồng thời phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến những thay đổi đó trong việc tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế hiện nay. Qua đó làm cơ sở để đưa ra các giải pháp tổng thể nhằm bảo tồn phát huy giá trị của nhà vườn Huế. Từ khóa: cây xanh, nhà vườn, Huế. 1. MỞ ĐẦU - Huế được biết đến là thành phố di sản nổi tiếng của Việt Nam, Huế mang trong mình vẻ đẹp cổ kính với nhiều công trình kiến trúc có giá trị văn hoá nghệ thuật, ngoài hệ thống kiến trúc lăng tẩm, cung điện, chùa chiền đồ sộ và cổ kính thì nhà vườn Huế cũng là một loại hình kiến trúc được đánh giá là có giá trị văn hoá nghệ thuật cao thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và khách du lịch trong và ngoài nước. Giá trị của nhà vườn Huế không chỉ thể hiện nhân cách, văn hoá sống của con người Huế mà trên hết nó chính là sự kết tinh là giá trị biểu đạt cao nhất của nghệ thuật tổ chức không gian sống cũng như tính cách của con người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung. - Tuy nhiên hiện nay dưới tác động của đô thị hóa, quá trình gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, và sự phát triển kinh tế đã và đang làm giảm đi các giá trị của nét văn hoá - lịch sử đặc trưng trên thể hiện qua việc phá hủy hoặc làm biến dạng số lượng nhà vườn ở Huế thành nhiều hình thái khác nhau qua đó làm giảm dần số lượng nhà vườn ở Huế. Vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích đánh giá hiện trạng tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế không chỉ góp phần bảo tồn, gìn giữ nét văn hoá, nhân cách sống của con người Huế mà qua đó Nghiên cứu, đánh giá các dạng tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế 168 còn góp phần phát triển du lịch của Thành phố Huế khi mà loại hình kiến trúc này đang được bạn bè quốc tế quan tâm nghiên cứu. - Mục tiêu hướng đến của đề tại là nhằm đánh giá, làm rõ hiện trạng tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể nhà vườn Huế hiện nay nêu lên những thay đổi (biến dạng hoặc phá huỷ) đồng thời phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến những thay đổi đó trong việc tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế hiện nay. Qua đó làm cơ sở để đưa ra các giải pháp tổng thể nhằm bảo tồn phát huy giá trị của nhà vườn Huế. - Đối tượng nghiên cứu chính mà đề tài hướng đến là hệ thống các nhà vườn truyền thống ở Thành phố Huế trong đó lấy ví dụ tập trung chủ yếu các nhà vườn truyền thống ở Phú Mộng - Kim Long đặc trưng. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU - Để làm rõ thực trạng tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể Kiến trúc nhà vườn Huế trước hết bài viết sẽ nêu lên đặc điểm tổ chức cây xanh trong tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế theo tài liệu của một số các nhà nghiên cứu sau đó bằng phương pháp khảo sát đo vẽ, thống kê sẽ đối chiếu so sánh đặc điểm của các ngôi nhà vườn Huế hiện nay qua đó thấy được cấu trúc của những ngôi nhà vườn hiện nay đã bị thay đổi biến dạng như thế nào so với cấu trúc cũ. 2.1. Đặc điểm tổ chức cây xanh trong tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế: - Bố cục truyền thống của khu vườn Huế thường thuận theo khung thiên nhiên, không hoành tráng đến thách thức để khẳng định mình trong việc tái dựng lại cảnh trí cư trú. Cả một thời gian dài trong lịch sử, những khu vườn điển hình xứ Huế không mang tính chuyên canh cao, chủ nhân chỉ thích mùa nào cũng có sản vật, không màng đến thời vụ để thu hoạch theo kiểu hàng hoá. - Không gian xanh ở đây tưởng như do tự nhiên bày sẵn, nhưng nếu để ý thì chúng ta có thể nhận ra trong vườn Huế, hệ cây dại được giữ lại có mục đích như rau má, mã đề, rau trai, me đất, ngò tây, rau rìu, rau éo...; những cây hoa phục vụ cho phong tục tín ngưỡng như phượng, hoàng anh, mõ keo, hoa chuối...; cây dược liệu để pha trà như sói, tường vi, ngâu, lài, mộc...; cây dược liệu để trị bệnh hay làm gia vị như ngải cứu, hành, riềng, sả, ớt, rau tờn, long tu, lá lốt, rau thơm, rau răm, quế, húng..; cây cảnh không chỉ tùng, cúc, sanh, si, sung, mãn, quan, quý... mà còn có hệ cây của vùng gò đồi như sim, mua tràm, chổi...; hoa cảnh như: phong lan, địa lan, hồng, cúc...; hoa tạo hương liệu như dạ lý, hoàng lan, ngọc lan, quỳnh, bại hoại...; cây dùng làm lá gói hoặc nguyên liệu bánh trái như lá dong, lá gai... - Huế quý những loại cây ra quả trái mùa dù năng suất thấp, bởi ước nguyện có được vật phẩm bốn mùa để đơm cúng trên bàn thờ phật và tổ tiên, có quà quanh năm cho con cháu mỗi lần thăm viếng, có cái để đem ra trên rổ chợ hàng ngày. Chút hoài mong nhỏ nhoi ấy hiện diện thường xuyên trong lòng chủ vườn xứ Huế ... Và cũng từ đặc điểm đa chủng, vườn Huế đã TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 1 (2016) 169 tạo nên khung cảnh của một rừng cây xanh, nhiều tầng lá; không quá chú trọng đến quy hoạch mặt bằng của diện tích cho chủng loại cây trồng như vườn phía Bắc, không chuyên canh từng giống cây trái trên diện tích lớn như phương Nam, vườn Huế có cây trồng chen chúc nhau để tồn tại một cách hợp lý trong bóng rợp của nhau. Và cũng vì tính đa chủng, đa tầng, của cơ cấu cây trồng, người Huế đã phải quy hoạch chúng vừa theo trục đứng của không gian, từ cây cao đến cây thấp để không bị ảnh hưởng vì tầng lá phủ của nhau, vừa bố trí theo mặt bằng của diện tích. Đó chính là những nét đặc thù cũng như ấn tượng vườn Huế tạo nên chất vườn rừng trong không gian cây xanh quanh những ngôi nhà Huế [1, tr.82]. - Nét nổi trội khác của vườn truyền thống Huế chính là không gian văn hoá của gia đình lớn, hướng nội và ít nhiều mang tính tự cung tự cấp [2, tr.120]. 2.2. Phân loại bố cục tổ chức cây xanh trong tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế: - Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hữu Thông trong "nhà vườn Xứ Huế" (2008). Dựa trên cấu trúc đặc trưng của ngôi nhà vườn truyền thống, ta có thể phân chia bố cục tổ chức cây xanh trong tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế căn cứ trên một số chuẩn sau : + Phân chia theo trục đứng không gian: - Việc phân bố các loại cây ở đây sẽ căn cứ trên quy mô phát triển, tầm cao cũng như độ bóng để định vị. Những loại cây cao, nhiều bóng rợp sẽ được trồng ở vòng ngoài, sát với hệ cây làm hàng rào của khuôn viên vườn. Cây tạo bóng cận không gian cư trú, thường được người Huế sử dụng các giàn hoa leo, để có thể chủ động việc tạo không gian mát mẻ trong khuôn viên quy định mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài cây khác. Hình 1. Phân chia cây xanh theo trục đứng của ngôi nhà (Mặt đứng) Nghiên cứu, đánh giá các dạng tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế 170 Hình 2. Phân chia cây xanh theo trục đứng của ngôi nhà (Mặt bên) - Chính vì tính đa chủng, đa tầng, đa dạng cây trồng, mà người Huế đã phải bố trí chúng theo trục đứng không gian (từ cây cao đến cây thấp: Cây không chạm lá – Cá không chạm vây), Vừa sắp xếp theo mặt bằng diện tích (tính điểm trung tâm từ vị trí ngôi nhà: Chuối sau – Cau trước). Có thể nói rằng: vườn Huế điển hình của một loại không gian quy phạm trong hoang dã [1, tr.62] . + Phân chia theo vòng chức năng tính từ kiến trúc trung tâm: - Nếu tính từ trung tâm của ngôi nhà, chúng ta có thể hình dung sự dụng ý của chủ nhân trong cấu trúc các vòng xanh mang chức năng sau: + Vòng 1: Công trình bao bọc khuôn viên có thể là thành xây hoặc hệ hàng rào (tre, nứa dại, chè tàu, vông, nứa, hóp...). + Vòng 2: Hệ cây ăn quả có tính chất đại trà dễ tính và dễ chăm bón (dâu, mít, nhãn, dừa...); các loại cây sử dụng làm chất đốt, cây vật liệu xây dựng, lá gói, nguyên liệu làm bánh (chuối, lá dong, lá gai, thầu đâu...) cây dại có trái có thể ăn được (cây rát, cây bứa, cây chay, bần quân, sòi...). + Vòng 3: Hệ cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cần có sự chăm sóc như hồng, thanh trà, măng cụt, cam, quýt... + Vòng 4: Hệ cây có giá trị làm đẹp cảnh quan cũng như có công năng sử dụng thường xuyên. + Vòng 5: Cây cảnh và một số các loại tạo bóng mát cho nội thất nhà. [1, tr.62-63] TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 1 (2016) 171 Hình 3. Sơ đồ phân chia cây xanh theo vòng tròn chức năng + Phân chia theo vòng phân bố theo quy định của phong tục và sinh hoạt: - Từ gian chính của kiến trúc trung tâm (nhà một gian, ba gian hai chái) mặt bằng quay về nướng nam thì chái phía Đông (đông phòng) của chủ nhà thuộc phạm vi chái trên. Đó là không gian trang trọng nhất của ngôi nhà, xung quanh nơi đây thường được trồng các loại cây tín ngưỡng, phong tục cây cảnh, cây hương liệu để pha trà. Trong bố cục nhà vườn truyền thống Huế gian chính giữa sẽ là gian thờ phật và ông bà, tổ tiên phía trước không gian thờ thường là nơi để gia chủ tiếp khách hoặc chỉ là nơi sinh hoạt hạn chế của gia đình. Hai chái là nơi sinh hoạt của ông bà, ông thuộc chái Đông (chái trên) và bà thuộc chái Tây (chái dưới) thường gắn với hệ bếp núc và các gian nhà cư trú của con cháu. Vì vậy, trong sinh hoạt hàng ngày, người phụ nữ sẽ khỏi phải đi lại trước bàn thờ gia tiên, nếu muốn di chuyển từ chái Tây sang chái Đông là lối vòng sau bàn thờ hoặc đường đi ở hè sau (đây là nét đặc trưng chung của các ngôi nhà truyền thống ở Huế có hướng Nam tuy nhiên vẫn có một số nhà ở đặc điểm khác, đặc điểm này chỉ dựa theo tính phổ biến). - Trong các kiểu nhà được xây dựng theo cấu trúc truyền thống, tạm chia thành những khu vực có những nét chung nhất, để có thể hình dung sự ăn ý giữa vị trí kiến trúc và bố cục cây trồng như sau: + Khu vực 1: Đây là không gian tiền cảnh, ngoại diện của nhà vườn, nên thường được thiết kế nhóm cây trồng tạo cảnh quan thẩm mỹ, hoặc liên quan đến nhân vật chái trên (tức là nơi sinh hoạt và phòng riêng của chủ nhà) bao gồm: + Hệ cây tín ngưỡng nghi lễ: Đây là những giống cây cho hoa thường xuyên để cúng Nghiên cứu, đánh giá các dạng tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế 172 trên bàn thờ phật và bàn thờ gia tiên, chúng được trồng gần chái ở của chủ nhân, để tiện việc ngắt hái và cắm đơm cho bình bông, quả bồng. Ngoài các dạng cây dễ trồng như Mỏ keo, Hoàng anh, Hoa chuối... thường được trồng ven hàng rào, cây phượng cúng (một loại phượng thân nhỏ phong phú về màu sắc, kết thành chùm) mọc trong vùng này, thường cho hoa quanh năm, và được ngắt cắm thường xuyên. Ở Huế phổ biến các loại phượng vàng, phượng đỏ và một ít phượng hồng. + Hệ cây hương liệu cho thức uống: Chủ yếu là các loại cây có hương để pha trà cúng buổi sớm cũng như để chủ nhân uống trà hay đãi khách. Hệ hoa này thường được trồng cạnh phòng của chủ nhân, có những giống được trồng chậu như hoa sói, Kim cúc, Tỷ muội... hay trồng trên bồn như Mộc, Tường vi, Sói, Ngâu, Lài... người Huế có thể dùng khi đang còn tươi hoặc phơi khô giữ lại. + Hệ cây cảnh: Trong vườn Huế của giới thượng lưu ngày trước, cây cảnh thường được trồng rất nhiều chủng loại, và xếp theo nhóm. Tất nhiên cũng có những tác phẩm cần sự phối hợp của đá, cỏ, rêu, nước. Địa lan và phong lan là những loài được ưa chuộng khá phổ biến trong giới chơi hoa. Ngoài hệ lan cũng được chủ nhân vườn Huế chăm sóc và cưng quý không kém, đó là các giống hồng tàu (mai khôi) màu đỏ, cánh sen, trắng, hồng... loại hồng hoa nhỏ như Tỷ muội; một số loài được tập trung trồng vào dịp tết như thược dược với nhiều màu sắc và được hâm mô nhất là giống cổ đồng; một số loại khác như Đại đoá, Móng rồng, Kim cúc tím, vàng, trắng. Một số giống hoa có được cấu trúc thân cành cổ thụ được uốn thế thành cây cảnh có hoa như Ngọc anh, Mai, Quan âm, Tử vi, Giấy... Một số các loại cây cho trái đẹp như Kim quật tây, Kim quật tàu, Lựu, Ổi sẻ, Khế, Me...Vùng gò đồi của Thừa Thiên Huế cũng là nơi cung cấp cho các chủ nhà vườn nhiều giống cây hoang dã. Hệ thảo mộc như Sim, Mua, Tràm, cây Chổi, cây Gió... thường xuất hiện trong chậu cảnh của vườn Huế cũng từ lý do đó. Tuy vậy, giống chủ đạo của các giống loài có dáng cổ thụ trong chậu cảnh vẫn là Tùng, Bách, Sanh, Si, Cừa, Mưng, Bồ đề,Sung, Mãn, Quan, Quế... Một số hoa thuộc họ xương rồng trong vườn Huế ngày trước phổ biến nhất là hoa Quỳnh và càng cua. + Hệ cây ăn trái: Cây ăn trái trong vườn Huế thường được ít trồng theo kiểu độc canh hay chuyên canh mà thường xuất hiện như một dạng "vườn tạp" có dụng ý. Cho nên, trong khu vực I, nơi có thể đại diện cho bộ mặt của nhà vườn Huế, thường được chủ nhân trồng những cây cho trái không toả nhiều bóng râm, cũng như xếp vào hàng cao cấp. Chẳng hạn như các giống cam Xã Đàn, cam Sành, Hồng trứng, Hồng vuông, Hồng xiêm, Vải trạng (Lệ chi), Đào tiên... Một số nơi vườn có cấu tạo đất sét pha cát, phù sa, người ta còn trồng Thanh trà, Thanh du, Thanh yên, Giáng châu (măng cụt)...Cây cau tuy được trồng khắp nơi, nhưng, cũng có một bộ phận được tập trung ở khu vực này trong quan niệm "Chuối sau - Cau trước" của người Huế. + Khu vực 2: Đây là không gian hậu cảnh, nằm bên cạnh và đằng sau chái tây cũng như khu vực bếp núc, cho nên, hệ cây trồng khá tập trung ở đây và cũng có những nét khác với khu vực 1. + Hệ cây gia vị: Thường xuất hiện ở mảnh đất nhỏ cạnh nhà bếp với nhiều giống cây TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 1 (2016) 173 được trồng như sả, ớt, gừng, riềng, nghệ, rau thơm, rau răm, tía tô, rau húng, quế, long tu, rau tờn, hành, tỏi, lốt... + Hệ cây dược liệu: Bác sĩ Đoàn Văn Quýnh cùng với nhóm tác giả trong công trình nghiên cứu về "Những cây thuốc chữa bệnh theo kinh nghiệm nhân dân Thừa thiên Huế" đã thống kê hàng trăm món thuốc chữa bệnh có trong vườn Huế, không chỉ là những cây dược liệu thuần tuý mà có cả trong đậu, rau, củ, cây gia vị và một số cây dại trong vườn. Ngoài những cây như đậu, săn, ngải cứu, lẹo trắng, hẹ ném,... còn có những loại dược liệu được cất giữ trên giàn bếp như vỏ măng cụt, vỏ cam sành, vỏ quýt, trần bì... + Hệ thực phẩm: Đây cũng là nơi tập trung nhiều giống cây góp phần cho những món ăn hàng ngày như bí, bầu, mướp, các loại đậu; giống rau củ như khoai từ, khoai lang, khoai tía, sắn, bình tinh; giống cây ăn trái tạo bóng mát và ít phải chăm sóc như ổi, đào, nhãn, mít, chôm chôm, bịp bịp... Chuối cũng là một giống cây trồng khá tập trung trong khu vực này với nhiều chủng loại; mật mốc, chuối tiêu, chuối cau, ba lùn, sứ, đá... Các giống cây trái trong khu vực 2 thường là những loại ít chăm sóc, độ che phủ lớn như mít, ổi, nhãn, đào, dâu, vả, khế, chôm chôm, bịp bịp, chuối... Cũng có khi vòng tròn trong xuất hiện cả măng cụt, thanh trà, bưởi, cam, quýt, hồng... + Khu vực 3: Phần lớn là trồng cây lưu niên, tạo bóng mát, ứng với vị trí phía Tây trong kiểu quay nhà về phương Nam. Chúng ta có thể bắt gặp ở đây hệ cây ở khu vực 2, nhưng, có thể trong khu vực này các giống cây có tầng lá rậm và cao được chú ý nhiều hơn nhằm tạo bóng mát cho không gian vườn trước nắng chiều. Đây là nơi phân bố của cây bồ kết, thầu đâu, chôm chôm, bịp bịp, nhãn, dâu, mít... có thể chen lẫn với hệ cây này che phủ phần đất trống dưới gốc là thơm (dứa), bình tinh Tây, bình tinh ta... Hình 4. Phân bố cây xanh theo vòng tròn chức năng Nghiên cứu, đánh giá các dạng tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế 174 - Việc phân chia các khu vực trong bố cục cây xanh vườn Huế chỉ có tính chất ước lệ và không chặt chẽ bởi nhiều nguyên nhân liên quan đến hướng nhà, phong thuỷ, sở thích, phong tục. quan niệm... của chủ nhân. Có thể ở một số nơi, chúng ta thấy những đặc trưng trên bị xáo trộn chút ít. Tuy vậy, nét chung trong việc phân định có tính tự nhiên, vẫn đủ để chúng ta có thể mạnh dạn vạch ra những đường ranh giới tưởng tượng trên sơ đồ phân bố cây trồng [1, tr.63- 69]. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN - Khu vườn Huế với lịch sử và đặc điểm đã trình bày, đã giúp chúng ta có hình dung một số thuộc tính cơ bản, mà khi những điều ấy không còn, tổng thể nhà vườn sẽ bị ảnh hưởng, và dĩ nhiên, những nét đặc trưng truyền thống đó hoặc bị mất đi, hoặc không còn tồn tại một cách trọn vẹn. Qua qua trình khảo sát, phân tích tôi nhận thấy rằng cấu trúc đặc trưng của những ngôi nhà vườn truyền thống ở Kim long đang dần bị mất đi quá trình biến đổi đó xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong đó nổi bật nhất là một số các nguyên nhân sau: 3.1. Sự phân giảm về mặt diện tích lẫn quy mô - Qua quá trình khảo sát gần 30 nhà vườn ở khu vực Kim Long thì có đến 80% số nhà đều có sự thay đổi về mặt quy mô, hầu hết các ngôi nhà vườn đều bị chia 2 chia 3 thậm chí chia 5,7... Việc chia cắt có thể là chỉ mang tính ước lệ qua các bụi cây hay bờ rào hay cũng có thể là sự chia cắt riêng biệt giữa khu vườn này với khu vườn khác qua hệ thống tường rào bằng bê tông vững chắc. Thông thường quá trình chia cắt các ngôi nhà vườn Huế diễn ra theo 2 chiều hướng: + Một là chia đất cho con cháu trong nhà sinh sống từ đó hình thành nên các công trình hiện đại song hành với các ngôi nhà rường truyền thống, nguyên nhân chính ở đây là sự phân rã của các đại gia đình thành những tiểu gia đình. Tất nhiên, đó là xu thế không thể cưỡng lại được, bởi điều kiện lịch sử - xã hội hiện nay khiến cho các đại gia đình không còn tồn tại nữa. Ngôi nhà không thể chia nhỏ thì có thể biến thành nhà thờ của phái họ, hay nơi cư trú của vợ chồng con trai cả trong nhà hoặc một người nào đó đảm trách nhiệm vụ hương khói cho tổ tiên. Khu đất quanh nhà sẽ là nguồn tài sản có thể chia cho các thành viên trong nhà, để hình thành nơi cứ trú và sinh hoạt của các tiểu gia đình. + Hai là chia đất để bán hay cũng có thể chia đất để xây dựng các công trình phụ phục vụ phát triển kinh tế như xây trọ, kiốt buôn bán... điều này xuất phát từ nhu cầu kinh tế của cuộc sống hiện đại, đời sống kinh tế khó khăn buộc chủ các ngôi nhà vườn phải chia đất để bán thông qua nhiều hình thức khác nhau (thông thường là sang chuyển dưới hình thức viết tay ngầm giữa 2 bên) hay xây dựng các công trình phụ bên trong ngôi vườn của mình để cho thuê như nhà trọ, kiốt bán hàng... để tăng thu nhập kinh tế, cải thiện đời sống vật chất. Như vậy, từ một khu vườn lớn, đã bị phân xẻ thành những mảnh đất nhỏ. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 1 (2016) 175 - Như đã trình bày ở trên mỗi một ngôi nhà vườn truyền thống bao giờ cũng là sự kết hợp một cách có lý nhất giữa khuôn viên đất đai, cây trái và kiến trúc (chính, phụ) thông thường là ngôi nhà rường truyền thống. Ở đó ngôi nhà đóng vai trò là trung tâm và thường nằm ở vị trí bất kỳ, nhưng bao giờ chúng ta cũng thấy có vườn trước, vườn sau. Các khoảng xanh ấy vây quanh ngôi nhà, làm nên một dạng đặc trưng về cảnh quan quen thuộc trong mắt chủ lẫn khách. Và cũng chính vì thế, chúng ta mới bàn đến sự nguyên vẹn của hệ thống cây trồng, và những lối thiết trí trong trồng trọt theo nguyên tắc chủng loại, căn cứ từ điểm chuẩn ngôi nhà, hay cụ thể hơn là từ không gian cư trú của chủ nhà, do đó việc phân chia diện tích dù ước lệ hay chia cắt riêng biệt thì rõ ràng nó không chỉ làm ảnh hưởng đến đặc điểm về mặt quy mô của những ngôi nhà vườn mà với những công trình hiện đại được xây thêm bên trong ngôi nhà vườn của con cháu, người mua hay các công trình phục vụ phát triển kinh tế ít nhiều đã làm thay đổi cấu trúc vườn truyền thống ở nơi đây, ngôi nhà rường truyền thống ở đây không còn đóng vai trò là trung tâm nữa mà nó đã bị các ngôi nhà hiện đại lấn át dẫn đến hệ thực vật bố trí xung quanh nó nó cũng bị thay đổi. Hình 5. Ngôi nhà số 18-20 Phú Mộng-Kim Long xưa kia đây là phủ của võ tướng Lê Văn Duyệt tuy nhiên hiện nay nó đã bị phân chia đất cho con cái hoặc bán. 3.2. Sự thay đổi về mặt chức năng sử dụng - Trước đây khi tổ chức bố cục vườn chủ nhân những ngôi nhà vườn chỉ muốn vườn để làm cảnh và không quan tâm đến đời sống kinh tế mà các chủng loại cây mang lại. Tuy nhiên hiện nay sự phát triển đời sống xã hội kéo theo các nhu cầu về kinh tế của con người chính điều này đã tác động đến cách thức bố trí cây trồng trong vườn truyền thống Huế. Theo đó người ta bắt đầu tính đến chuyện chuyên canh, chặt phá những giống cây không mang lại hiệu quả kinh Nghiên cứu, đánh giá các dạng tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế 176 tế, nhiều loại cây dại được triệt hạ để làm củi; các giống cây cảnh hay cây tạo nét đẹp cho cảnh quan cũng co lại diện tích. Khu vườn được gọi là dạng "vườn rừng", "vườn tạp" của Huế dần dần mang tính chất quy hoạch qua sự can thiệp sâu hơn của chủ vườn vì lý do kinh tế. Cúng ta nhìn thấy rằng ở những khu vườn Huế trong thời gian này nhiều mảng trống từ việc triệt phá cây cối không hiệu quả, để biến chúng thành những vườn rau, vườn cây rải rác đây đó trong những góc nhỏ của "khu vườn xưa". Chính vì những tác động như vậy, diện tích vườn ở một số nơi vốn hẹp lại do những nguyên nhân vừa nêu, lại còn có sự điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh sống đương thời, đã khiến nhiều ngôi vườn xứ Huế chịu sự thay đổi về mặt cảnh quan và chức năng. Hình 6. Ngôi nhà vườn số 67 Vạn Xuân-Kim Long khu vườn đã bị chuyển đổi sang trồng chuyên canh mà ở đây chủ yếu là chuối và cam. 3.3. Sự du nhập các cách thức tổ chức, bố trí cảnh quan trong vườn theo chiều hướng hiện đại hoá đã làm mất đi nét đặc trưng riêng vốn có của những khu vườn truyền thống ở Huế - Trong điều kiện đất nước mở cửa, nguồn thông tin cũng như mối giao lưu với khu vực và thế giới ngày càng mở rộng; kinh tế và đời sống con người ngày một nâng cao hơn, ngôi vườn xứ Huế lại có điều kiện vừa trở lại dần với cảnh quan xưa, lại vừa được chủ vườn bổ sung và uốn nắn theo những gì mình cảm nhận và tiếp thu từ những nguồn thông tin phong phú hiện đại có được. Khu vườn Huế bây giờ phát triển trên mặt cấu trúc, bố cục cũng như tính chất, phần nào đã hình thành nên nét đa dạng, phong phú hơn những khu vườn cổ truyền. - Từ cây tạo bóng mát, cây cảnh, cây ăn trái, hoa... hiện nay đã được bổ sung nhiều loại từ miền Bắc, miền Nam cũng như từ khu vực và thế giới. Sự thay đổi này dễ nhìn thấy nhất ở TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 1 (2016) 177 lĩnh vực cây cảnh và hoa cảnh. Nhiều loại cây như cần thăng, mái chiếu thuỷ, sứ thái, trúc... đã được bổ sung cho khu vườn Huế nhiều tác phẩm tuyệt đẹp; các giống lan như venda, denrobium, cattleya, đại hồ điệp... ngày càng phong phú về chủng loại trên giàn lan của chủ vườn xứ Huế; bên hệ cây bản địa hay được thuần dưỡng từ lâu đời thiên về màu lạnh như địa lan, phong lan vốn có trong vườn Huế. 3.4. Sự điều chỉnh về mặt cấu trúc và bố cục toàn khu vườn - Sự chuyển dịch hay thay đổi hệ cây trồng chính là nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh về mặt cấu trúc khu vườn. Các tầng cây xanh theo trục dọc cũng như sự phân bố các giống loài trên mặt bằng, ngày càng xa dần với mẫu hình truyền thống cũng bởi lý do trên. Một số cấu trúc được điều chỉnh để phù hợp và tạo nên giá trị sử dụng mới, phục vụ khách tham quan hoặc một số dịch vụ ẩm thực trong khung cảnh nhà vườn Huế. - Tính chuyên canh ở một số loại cây trồng để đem lại giá trị kinh tế thực tiễn cho chủ cũng đã làm vườn Huế thay đổi về mặt bố cục, chất vườn rừng và vườn tạp của Huế cũng từ đó không còn đậm như trước nữa. - Một số nhà vườn do điều kiện hoàn cảnh, đã trở thành ngôi từ đường của họ tộc, chi, nhánh và chúng không còn được chăm chút như khi có nhiều thành viên cư trú. Từ đó, một số kiến trúc bị đổ nát, nội thất bị hư hỏng mất mát, vườn bị hoang hoá, chúng vẫn tiếp tục tồn tại với chức năng thiên liêng, liên quan đến nhiều người, nhưng lại không thuộc quyền sở hữu của một người nào cả. Hình 7. Ngôi nhà vườn số 62 Nguyễn Hoàng-Kim Long khu vườn đã bị bỏ hoang diện tích vườn đã bị mất đi chỉ còn những mảnh sân trống cùng với hệ thực vật nghèo nàn. Nghiên cứu, đánh giá các dạng tổ chức cây xanh trong bố cục tổng thể kiến trúc nhà vườn Huế 178 4. KẾT LUẬN - Ngôi nhà vườn truyền thống Huế bao gồm ngôi nhà và khuôn viên vườn được thiết kế bố cục theo một quy phạm thể hiện triết lý, văn hoá phong cách sống của con người ở vùng đất này. Trong mỗi một loại hình nhà vườn đều ẩn chứa các giá trị nghệ thuật mà những con người như chúng ta hôm nay cần phải tìm hiểu và lý giải cho bằng được. Bên cạnh hệ thống kiến trúc cung điện, lăng tẩm, chùa chiền ở Huế thì hình ảnh những ngôi nhà vườn nổi lên như một nét đẹp thể hiện đời sống tinh thần và vật chất của con người nơi đây và thật là thiếu xót nếu không nhắc đến nhà vườn khi nói về Huế. Tuy nhiên cùng với quá trình vận động phát triển của xã hội làm những nhu cầu của xã hội cùng với những quan niệm sống hiện đại của người dân đã ít nhiều tác động làm thay đổi, phá vỡ cấu trúc đặc trưng vốn có của các ngôi nhà vườn, làm mất đi những nét đặc trưng riêng của nó tiến dần đến tình trạng tương đồng, hoà hợp với những nơi khác. - Chúng ta có thể nhận thấy rằng hiện nay xuất hiện trong những ngôi nhà vườn Huế hiện đại ít nhiều mang yếu tố ngoại lai, các giống cây trồng không còn mang đặc trưng của địa phương mà đã có sự du nhập từ các vùng miền khác trong nước và nước ngoài điển hình là sự xuất hiện nhiều loại hoa hồng, hoa lan, các loại bonsai, cây cỏ... Một số cây ăn trái được lai giống nhằm tăng năng suất phát triển kinh tế nhưng lại làm mất đi nét đặc trưng vốn có của nó ở nơi đây. Đó là chưa nói đến sự "nhập khẩu" của trường phái, phong cách, kiểu dáng, bố cục, thậm chí cả triết lý của ngôi nhà - khu vườn đã làm phai nhạt dần các giá trị đặc trưng vốn có của những ngôi nhà vườn Huế hiện nay. Vì vậy vấn đề bảo tồn thành phố vườn, nhà vườn Huế cần phải được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau phải làm sao vừa bảo tồn các giá trị đặc trưng vốn có của nó đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển về đời sống của chủ nhân trong những ngôi nhà vườn này. Muốn làm được như vậy thiết nghĩ phải có lộ trình, phân chia theo giai đoạn đi sâu vào tâm tư nguyện vọng của người dân. - Tuy nhiên nội dung nghiên cứu ở đây mang tính điển hình chỉ dừng lại những khuôn viên vườn cổ chứa đựng nhiều dấu tích của lịch sử có giá trị cao, phần lớn những phân tích đánh giá dự trên tài liệu của các nhà nghiên cứu và hiện trạng thực tế qua quá trình khảo sát ở các khu nhà vườn của Huế hiện nay. Vì vậy tôi rất mong muốn đề tài này được mở rộng tiếp tục phát triển hơn nữa về số lượng nhà khảo sát trong tương lai để có thể đưa ra những con số sát nhất về thực trạng nhà vườn Huế hiện nay qua đó đề ra những giải pháp thực tiễn trong quá trình gìn giữ và bảo vệ nhà vườn truyền thống Huế. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 1 (2016) 179 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Nguyễn Hữu Thông (2008). Nhà vườn xứ Huế, x.b 1, Nhà xuất bản văn nghệ, tr. 62–82. [2]. Nguyễn Hữu Thông, Phan Thuận An, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Đình Hằng, Huỳnh Đình Kết, ... (2002). Di sản nhà vườn xứ Huế và vấn đề bảo tồn - Huế. Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại thành phố Huế xuất bản, tr 120. RESEARCH AND ESTIMATION OF THE ORGANIZATIONAL FORMS OF THE TREES IN THE OVERALL ARRANGEMENT OF HUE GARDEN HOUSE (KIM LONG AREA - HUE CITY) Le Van Thanh Hung Department of Architecture, Hue University College of Sciences *Email:levanthanhhung@gmail.com ABSTRACT Hue is famous as a cultural centre of Viet Nam. Apart from tombs, pagodas, temples... Hue garden houses are also a part of Hue' cultural heritage with number around 2000 in total. Hue garden houses, which are harmoniously blended between the culture of human architecture with the randomness of nature, are a unique expression of the cultural values of Hue people in particular and Vienamese people in general. However, the quantity of Hue garden house has been gradually decreasing because of the damage of the time, increase in population, economic development... Therefore, research and estimate of the organizational forms of the trees in the overall arrangment of Hue garden house raise these changes (deform or destroy ) and analyze the factors affecting the changes in the organizational forms of the trees in the overall layout of the Hue garden houses today. Thereby, it establishes a basis for making the overall solutions to conserve and promote the values of the Hue garden houses. Keywords: trees, garden house, Hue.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfnghien_cuu_danh_gia_cac_dang_to_chuc_cay_xanh_trong_bo_cuc_t.pdf