Một số giải pháp nâng cao khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên

Hiện nay, các trường cao đẳng và đại học ở nước ta ngày càng quan tâm và nhận thức đúng hơn tầm quan trọng của khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên. Với bài báo này, chúng tôi mong muốn làm rõ hơn thực trạng mức độ thích ứng nghề nghiệp của sinh viên các trường cao đẳng, đại học, từ những biểu hiện đến các nhân tố ảnh hưởng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên.

pdf8 trang | Chia sẻ: linhmy2pp | Ngày: 09/03/2022 | Lượt xem: 305 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số giải pháp nâng cao khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 03(19)/2011: tr. 116-123 MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG NGHỀ NGHIỆP CỦA SINH VIÊN NGUYỄN VĂN QUANG Trường Đại học Sư phạm Huế - Đại học Huế TRẦN CHÍ VĨNH LONG Trường Đại học Tài chính – Marketing TP Hồ Chí Minh Tóm tắt: Hiện nay, các trường cao đẳng và đại học ở nước ta ngày càng quan tâm và nhận thức đúng hơn tầm quan trọng của khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên. Với bài báo này, chúng tôi mong muốn làm rõ hơn thực trạng mức độ thích ứng nghề nghiệp của sinh viên các trường cao đẳng, đại học, từ những biểu hiện đến các nhân tố ảnh hưởng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên. 1. MỞ ĐẦU Trong những năm gần đây, một trong những vấn đề bức xúc của giáo dục đại học ở nước ta là đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội, phần lớn sinh viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm hoặc làm những nghề không phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Vấn đề này đã được quan tâm từ năm học 1981-1982. Theo đó, một trong những định hướng có tính nguyên lý cho giáo dục đã được đưa ra là: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động, nhà trường gắn liền với xã hội” [1]. Theo thời gian, nguyên lý giáo dục này tiếp tục được nhắc lại, chẳng hạn “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” [2, tr. 10]. Đến năm học 2007-2008, Bộ GD&ĐT ra Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học trong cả nước, triển khai cuộc vận động: “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”. Chủ trương trên đã được tái khẳng định trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ [3, tr. 3]. Nhìn lại thực tiễn giáo dục đại học trong những năm trở lại đây, việc triển khai cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội” đã đạt được những thành tựu. Bước đầu, các trường đại học và cao đẳng đã xây dựng được hệ thống chuẩn đầu ra, hình thành các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Một số trường đã có bộ phận chuyên trách về hợp tác với cơ sở sử dụng lao động. Đặc biệt là việc thành lập trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động vào cuối năm 2008 của chính phủ [4]. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn về vấn đề thích ứng nghề nghiệp của sinh viên, một nhân tố góp phần vào việc thực hiện yêu cầu đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. 2. THÍCH ỨNG NGHỀ NGHIỆP Dưới góc độ tâm lý học, hướng nghiệp không chỉ gắn với khâu chọn nghề của học sinh trường phổ thông mà còn gắn với khâu thích ứng nghề ở các trường chuyên nghiệp (dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học) và tại các cơ sở sản xuất kinh doanh MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG NGHỀ NGHIỆP CỦA SV 117 - nơi các em đến làm việc sau khi tốt nghiệp [5]. Nếu hiểu như vậy, công tác hướng nghiệp không chỉ được tiến hành ở các loại trường học mà còn thực hiện ở các cơ quan, các cơ sở sản xuất kinh doanh; không chỉ tiến hành với thế hệ trẻ mà còn tiến hành với cả người lớn tuổi không có nghề hoặc vì lý do nào đó phải thay đổi nghề, cần phải hướng nghiệp lại lần thứ hai, thứ ba. Nói cách khác, hướng nghiệp được bắt đầu từ khi học sinh đến trường đến khi các em có một nghề trong tay. Mục tiêu chủ yếu của hướng nghiệp là phát hiện và bồi dưỡng tiềm năng sáng tạo của cá nhân, giúp họ hiểu mình, hiểu yêu cầu của nghề, trang bị sự sẵn sàng tâm lý cho những nghề đang cần nhân lực, trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp nghề. Theo sơ đồ các giai đoạn hướng nghiệp thì hoạt động hướng nghiệp được tiến hành qua 2 thời kỳ: thời kỳ chọn nghề và thời kỳ thích ứng nghề, gắn với 4 giai đoạn là giáo dục nghề, tư vấn nghề, tuyển chọn nghề, thích ứng nghề. Trách nhiệm chính ở hai giai đoạn đầu là của các trường phổ thông, ở hai giai đoạn cuối là của các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và cơ sở tuyển dụng. . Sơ đồ 1. Các giai đoạn hướng nghiệp [6] Cần nhấn mạnh rằng, trong những năm gần đây, sinh viên ra trường vẫn còn hạn chế về năng lực thực hành, khả năng tư duy sáng tạo. Điều này phần nào cho thấy mức độ thích ứng nghề nghiệp của sinh viên chưa được quan tâm đúng mức. Thuật ngữ “thích ứng” dưới góc độ tâm lý học, là một quá trình con người luôn tích cực, chủ động hòa nhập, lĩnh hội các điều kiện, các yêu cầu, phương thức mới của hoạt động nhằm đạt được mục đích của hoạt động đã đề ra. Thông qua đó, chủ thể của hoạt động liên tục phát triển và hoàn thiện về mặt nhân cách, đáp ứng được những yêu cầu của xã hội [6]. “Nghề NGUYỄN VĂN QUANG – TRẦN CHÍ VĨNH LONG 118 nghiệp” là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người hình thành được những tri thức, kỹ năng cần thiết để có thể làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng nhu cầu xã hội. Thích ứng nghề nghiệp là quá trình thích ứng của người lao động với các điều kiện bên ngoài và bên trong của quá trình lao động. Trong xã hội học và tâm lý học người ta chia thành thích ứng xã hội và thích ứng nghề nghiệp. Trong đó, thích ứng nghề nghiệp là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà tuyển dụng vì đó là công cụ để giải quyết vấn đề năng suất và chất lượng công việc ở người lao động. Thích ứng nghề nghiệp là quá trình thích ứng hai mặt. Một mặt, đó là sự thích ứng của người lao động với vị thế nghề nghiệp mới của mình, với các điều kiện, đòi hỏi của môi trường làm việc, với bản thân hoạt động nghề nghiệp; mặt khác, đó là sự thích ứng của họ với những đặc trưng nhân cách của nghề nghiệp. Việc đạt được trạng thái thích ứng giúp cho hoạt động nghề nghiệp có hiệu quả, đồng thời, tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp và nhân cách của người lao động. Bên cạnh đó, quá trình thích ứng nghề nghiệp là quá trình tự phát triển cá nhân. Quá trình thích ứng nghề nghiệp bắt đầu diễn ra trong trường phổ thông, sau đó tiếp tục trong quá trình đào tạo nghề và cuối cùng là quá trình hoạt động nghề nghiệp. Quá trình này có thể chia thành ba giai đoạn quan hệ tương hỗ với nhau: - Giai đoạn trước khi vào các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học: liên quan tới định hướng nghề nghiệp trong quá trình học tập ở các trường phổ thông (làm quen với thế giới nghề nghiệp, xác định lĩnh vực nghề nghiệp tương lai, xuất hiện động cơ, xu hướng, phẩm chất nhân cách, những tiền đề đối với nghề lựa chọn). - Giai đoạn học đại học, cao đẳng: đây là giai đoạn đào tạo nghề, hình thành và điều chỉnh định hướng nghề nghiệp, phát triển kỹ năng, kỹ xảo nghề, phẩm chất nhân cách đối với nghề, hình thành và phát triển tự ý thức nghề nghiệp - Giai đoạn sau tốt nghiệp ở các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học: là giai đoạn thực hiện hoạt động nghề nghiệp. Trong giai đoạn này, người lao động thích ứng với điều kiện lao động tập thể, vị thế xã hội mới, tức là thâm nhập nghề nghiệp và nhân cách vào hoạt động lao động, hiện thực hóa các tiềm năng nhân cách và nghề nghiệp của người lao động. Như vậy, thích ứng nghề nghiệp là quá trình cá nhân tìm hiểu về nghề và các yêu cầu của nghề, hình thành những năng lực và phẩm chất nhân cách cần thiết cho nghề, “thâm nhập” nghề nghiệp và nhân cách vào hoạt động lao động nhằm hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách phù hợp với nghề được đào tạo [7]. Thích ứng nghề nghiệp được thể hiện ở nhiều mặt. Trong giai đoạn học ở các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thích ứng nghề nghiệp được thể hiện ở những mặt chủ yếu sau: - Thích ứng thể hiện ở tâm thế nghề nghiệp: sinh viên tích cực tìm hiểu về nghề, yêu cầu của nghề, tình yêu, thái độ và hứng thú đối với nghề nghiệp; MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG NGHỀ NGHIỆP CỦA SV 119 - Thích ứng với nội dung học tập ở trường: sinh viên tích cực, chủ động chiếm lĩnh nội dung kiến thức các môn học trong chương trình đào tạo; - Thích ứng với phương pháp học tập ở trường: sinh viên hình thành phương pháp học tập phù hợp với bản thân, với việc học tập ở các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; - Thích ứng với điều kiện, phương tiện học tập: sinh viên khắc phục khó khăn, sử dụng hiệu quả các điều kiện cơ sở vật vất, phương tiện dạy và học trong quá trình học tập; - Thích ứng với việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp: sinh viên tích cực, tự giác rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp tương ứng; - Thích ứng với các mối quan hệ ở trường và xã hội: sinh viên xây dựng mối quan hệ với cán bộ, giảng viên, đồng nghiệp, hòa nhập cộng đồng bằng các hoạt động xã hội. 3. THỰC TRẠNG THÍCH ỨNG NGHỀ NGHIỆP CỦA SINH VIÊN Thông thường, ngành học tại trường đại học và cao đẳng quyết định nghề nghiệp sau này của sinh viên. Tuy nhiên, thực tế này giờ đây đã thay đổi do ngành nghề phong phú hơn, khoa học - kỹ thuật có nhiều bước đột phá hơn, những yêu cầu công việc ngày càng đa dạng hơn. Một sinh viên tài chính sau này có thể làm chuyên viên nhân sự, một kỹ sư cơ khí có thể làm chuyên viên thiết kế website, một cử nhân văn chương có thể làm du lịch, một cử nhân sư phạm chưa hẳn trở thành giáo viên và rất nhiều người thật sự làm tốt công việc nhờ biết khai thác những khả năng tiềm ẩn của mình. Kết quả khảo sát trong Dự án Giáo dục đại học 1 giai đoạn từ năm 2000-2006 về việc làm của sinh viên 3 tháng sau tốt nghiệp của Bộ Giáo dục Đào tạo cho thấy chỉ có khoảng 60% sinh viên tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo và đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, trong đó khoảng 20% có việc làm rất phù hợp. Có 30% tìm được việc làm ít sử dụng đến chuyên môn được đào tạo và số còn lại là làm việc không liên quan đến chuyên ngành được đào tạo. Tính trong khoảng thời gian 2 năm sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm dao động từ 90% đến 100%. Cũng theo khảo sát của Dự án Giáo dục đại học, có tới 85% sinh viên tìm được việc làm là do tự học, 55- 60% là nhờ vào vốn kiến thức về ngoại ngữ và kỹ năng tin học. Có đến 90% sinh viên không tìm được việc làm là do thiếu kinh nghiệm, không thể hiện được năng lực khi phỏng vấn xin việc, trong đó 80% trong số này là do khả năng ngoại ngữ yếu [8]. Số liệu này thống nhất với kết quả khảo sát mới nhất của trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh về công tác hướng nghiệp cho sinh viên: có 52,6% sinh viên năm cuối chưa có kế hoạch tìm việc cho mình; 46,3% sinh viên hiện nay chưa có ý định tự trau dồi về nghề nghiệp; 44,8% sinh viên không hình dung về nghề nghiệp của mình sau năm năm, trên 80% sinh viên tự nhận rằng kỹ năng xin việc dưới mức trung bình [9]. Có thể thấy rằng, sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm do nhiều nguyên nhân từ sự thiếu mặn mà của sinh viên đối với ngành học trong nhà trường; NGUYỄN VĂN QUANG – TRẦN CHÍ VĨNH LONG 120 thiếu công tác dự báo nhu cầu nguồn lực của xã hội; thiếu đồng bộ trong công tác tuyển sinh - hướng nghiệp của nhà trường; tham nhũng trong tuyển dụng nhân lực Thực trạng trên cũng cho thấy, hướng nghiệp thường được hiểu là sự lựa chọn một nghề nghiệp mà mình yêu thích, chọn một trường đại học phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, thuật ngữ hướng nghiệp cần được hiểu chính xác nó là sự kết hợp của nhiều hoạt động như: lựa chọn nghề nghiệp, đánh giá nghề nghiệp, quản lý nghề nghiệp, phát triển nghề nghiệp... Trong đó, lựa chọn nghề nghiệp chỉ là giai đoạn đầu trong tiến trình hướng nghiệp của mỗi người. Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên là một quá trình liên tục và kéo dài cho đến những năm cuối của bậc cao đẳng, đại học. Tức là, sau khi đã lựa chọn ngành nghề ở trường đại học, sinh viên năm thứ nhất cần được tiếp tục hướng dẫn những kỹ năng cần thiết như làm thế nào để hòa nhập môi trường đại học và có phương pháp học đại học hiệu quả. Sinh viên năm cuối cần được đào tạo kỹ năng để tìm một công việc tốt, kiến thức xây dựng một kế hoạch nghề nghiệp cho năm năm, mười năm... Do đó, sinh viên cần phải được hướng nghiệp một cách liên tục trong giai đoạn học đại học. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay chưa được các trường quan tâm giải quyết, hầu như sinh viên sau khi kiến tập và thực tập, hoàn thành luận văn hoặc đồ án để tốt nghiệp ra trường chứ chưa được hướng nghiệp một cách bài bản. 4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO MỨC ĐỘ THÍCH ỨNG NGHỀ NGHIỆP CỦA SINH VIÊN HIỆN NAY Trên cơ sở khảo sát thực trạng việc làm và mức độ thích ứng nghề nghiệp của sinh viên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao mức độ thích ứng nghề nghiệp của sinh viên ở các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học Việt Nam hiện nay: - Một là, các cơ sở giáo dục và đào tạo cần tăng cường sự liên kết, hợp tác chặt chẽ công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực tập nghề nghiệp với cơ sở tuyển dụng, trung tâm dự báo nguồn nhân lực và trung tâm thông tin thị trường lao động của trung ương và địa phương để thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động trong và ngoài nước. - Hai là, các cơ sở giáo dục và đào tạo phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí và dư luận xã hội để phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát tính công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng nhân lực của các cơ quan sử dụng lao động nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng trong khâu tuyển dụng lao động. - Ba là, các cơ sở giáo dục và đào tạo đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh và tăng cường công tác hướng nghiệp cho sinh viên nhằm tạo điều kiện cho sinh viên chủ động chọn ngành và các chuyên ngành phù hợp. - Bốn là, các tổ chức, đoàn thể trong các cơ sở giáo dục và đào tạo cần tổ chức những hoạt động, phong trào một cách đa dạng, có định hướng để sinh viên củng cố niềm tin về ngành học của mình, tự hào về nhà trường, ổn định tư tưởng và có định hướng phấn đấu rõ ràng trong quá trình học tập. Định kỳ triển khai công tác lấy ý kiến sinh viên đang theo học, sinh viên tốt nghiệp; ý kiến từ người sử dụng MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG NGHỀ NGHIỆP CỦA SV 121 lao động về nhu cầu ngành học, về chương trình đào tạo, kiến thức và kỹ năng của người học. - Năm là, đầu tư và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các đơn vị sử dụng lao động để trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, thăm dò ý kiến từ đó, có những cải tiến, điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Cụ thể như việc mở rộng các loại hình liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp. Trường mở lớp đào tạo theo yêu cầu đặt hàng của cơ sở sử dụng lao động, giới thiệu sinh viên đến thực tập và làm việc tại các cơ sở đó. Đồng thời, các đơn vị sử dụng lao động tham gia hoạt động đào tạo tại trường thông qua các chương trình huấn luyện kỹ năng, báo cáo kinh nghiệm thực tế, chương trình phát triển tài năng trẻ, hỗ trợ cho trường trong việc tổ chức các cuộc thi học thuật, ngày hội việc làm - Sáu là, các cơ sở giáo dục và đào tạo tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt, ngoại khóa trao đổi kinh nghiệm học tập giữa sinh viên cũ với sinh viên mới về chương trình, nội dung, phương pháp học tập hiệu quả để sinh viên mới thích ứng nhanh hơn với hoạt động học tập kết hợp. Từng khoa, bộ môn cần trao đổi về các vấn đề: mục tiêu đào tạo, ngành, chuyên ngành học, môn học, nâng cao chất lượng luận văn - luận án, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu cơ bản của nghề nghiệp, tương ứng và phù hợp với nhu cầu xã hội. - Bảy là, mở rộng liên kết, hợp tác đào tạo và liên thông đào tạo với các trường đại học có danh tiếng và uy tín ở các nước trên thế giới để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ tốt cho yêu cầu phát triển đất nước. Đẩy mạnh chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học tiên tiến nước ngoài. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy và học tập, lấy người học làm trung tâm, tăng cường phương tiện phục vụ giảng dạy, tiếp tục cải tiến việc dạy và học tiếng Anh. - Tám là, đầu tư và sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, các phương pháp giảng dạy tạo hứng thú học tập cho sinh viên. Kết hợp chặt chẽ giữa việc cung cấp, truyền đạt tri thức với việc dạy cho sinh viên cách học, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, thường xuyên bồi dưỡng lòng yêu nghề cho họ. Nâng cao chất lượng giờ học thực hành, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng nghề, thực tập, thực tế mang tính hướng nghiệp cao. Qua đó, tổ chức và đánh giá kết quả học tập của sinh viên một cách khách quan, chặt chẽ, tránh gian lận và có biện pháp khuyến khích học tập kịp thời nhằm tạo không khí học tập tích cực, cạnh tranh lành mạnh giữa các sinh viên, làm tăng nhiệt huyết với nghề và hun đúc lòng yêu nghề ở sinh viên. - Chín là, hoàn thiện cơ sở vật chất và điều kiện học tập cũng như cách quản lý hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên. Ngoài ra cần có một tổ chức trong trường làm đầu mối liên kết giữa sinh viên với cơ sở sử dụng lao động trong thời gian học và sau khi tốt nghiệp đại học. Xây dựng trung tâm cung cấp thông tin thị trường lao động, ngành nghề đào tạo và cung ứng các dịch vụ giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức được học ở trường NGUYỄN VĂN QUANG – TRẦN CHÍ VĨNH LONG 122 với nghề nghiệp tương lai của mình. Đồng thời, xây dựng các chương trình phát triển nghề nghiệp giúp sinh viên kết nối với các chuyên gia, cố vấn nghề nghiệp. 5. KẾT LUẬN Nâng cao mức độ thích ứng nghề nghiệp của sinh viên là một việc làm khẩn thiết, góp phần thực hiện tốt nguyên lý, chủ trương giáo dục và đào tạo đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu của xã hội đã được Đảng và Nhà nước ta khẳng định trong các văn kiện, chương trình hành động. Vì vậy, các cơ sở giáo dục và đào tạo cần nhận thức và định hướng các hoạt động hướng nghiệp; xây dựng chương trình, ngành học, môn học phù hợp để tăng cường khả năng thích ứng nghề nghiệp của người học, đảm bảo nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Chính trị (khóa IV) (1979). Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 11 tháng 1 năm 1979, về cải cách giáo dục. Hà Nội. [2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2002). Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010. NXB Giáo dục, Hà Nội. [3] Thủ tướng Chính phủ (2010). Chỉ thị số 296/CT-TTg, ngày 27/02/2010, về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Hà Nội. [4] Bộ Lao động - Thương binh Xã hội (2008). Quyết số 1461-QĐ/LĐTBXH, ngày 30/10/2008, về việc thành lập Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động. Hà Nội. [5] Đặng Danh Ánh (2002). Quan điểm mới về hướng nghiệp và hướng nghiệp trong trường phổ thông. Tạp chí Giáo dục, số 38 và số 42. [6] Đặng Danh Ánh (2005). Tư vấn nghề và phân luồng học sinh phổ thông sau trung học. Hội thảo về Tư vấn nghề của ĐHQG Hà Nội. [7] Nguyễn Thị Hoa (2009). Đánh giá mức độ thích ứng nghề nghiệp của sinh viên trường cao đẳng sư phạm Sơn La. Luận văn tốt nghiệp Quản lý giáo dục, Hà Nội. [8] L.T.T (2011). Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, truy cập ngày 17/05/2011, LCBVTm7Bs. [9] Thảo Nguyên (2011). “Ngày hội hướng nghiệp và tư vấn việc làm” cho SV tại 4 tỉnh thành, truy cập ngày 17/05/2011, huong-nghiep-va-tu-van-viec-lam-cho-sv-tai-4-tinh-thanh.htm. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG NGHỀ NGHIỆP CỦA SV 123 Title: SOME SOLUTIONS TO ENHANCE THE CAREER ADAPTABILITY OF STUDENTS Abstract: Currently, colleges and universities in Vietnam are increasingly interested and more accurate recognized about the importance of the career adaptability of students. In this article, we want to clarify the current career adaptability situation of students in colleges and universities, from the expression to affective factors and suggest some solutions to enhance the career adaptability of students. NGUYỄN VĂN QUANG Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế ĐT: 0973.882.488. Email: nguyenvanquang@dhsphue.edu.vn TRẦN CHÍ VĨNH LONG Phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Tài chính – Marketing TP Hồ Chí Minh ĐT: 0935.176.278. Email: tranchivinhlong@gmail.com

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf14_207_nguyenvanquang_tranchivinhlong_17_nguyen_van_quang_4372_2020990.pdf