Đóng góp của phong trào “Hai giỏi” ở Quảng Bình trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ giai đoạn 1965-1968

Nếu như lò lửa chống Mỹ, cứu nước đã tôi luyện chủ nghĩa anh hùng cách mạng thành một truyền thống bền vững của dân tộc ta thì phong trào thi đua “Hai giỏi” trong 4 năm đã nuôi dưỡng ý chí đấu tranh cách mạng, động viên cao nhất nguồn lực của quân và dân Quảng Bình thực hiện khẩu hiệu chiến lược “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Vừa thi đua chiến đấu giỏi, vừa sản xuất giỏi trở thành một nét đặc trưng của quân và dân Quảng Bình. Với những đóng góp tích cực trong kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình xứng đáng với danh hiệu “Quê hương Hai giỏi” mà Bác Hồ trao tặng.

pdf8 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 405 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đóng góp của phong trào “Hai giỏi” ở Quảng Bình trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ giai đoạn 1965-1968, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 02(14)/2010: tr. 71-78 ĐÓNG GÓP CỦA PHONG TRÀO “HAI GIỎI” Ở QUẢNG BÌNH TRONG CHIẾN ĐẤU CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ GIAI ĐOẠN 1965-1968 PHAN THỊ TRÀ GIANG Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Vào năm 1965, đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Ở vị trí tuyến đầu của hậu phương miền Bắc, quân và dân Quảng Bình vừa chiến đấu giỏi vừa sản xuất giỏi, tạo nên phong trào thi đua “Hai giỏi” sôi nổi. Từ Quảng Bình, phong trào đã lan rộng ra miền Bắc, cổ vũ khí thế thi đua chiến đấu và sản xuất của quân và dân ta và Quảng Bình vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ phong tặng danh hiệu là “quê hương Hai giỏi” trên toàn miền Bắc. Bài viết này đề cập đến đóng góp của phong trào “Hai giỏi” ở Quảng Bình trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ giai đoạn 1965-1968. 1. SỰ RA ĐỜI PHONG TRÀO “HAI GIỎI” Vào năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân viễn chinh Mỹ và quân một số nước đồng minh vào tham chiến ở miền Nam, đồng thời tăng cường chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc bởi Mỹ cho rằng “nguyên nhân chính làm cho miền Nam mạnh lên được là do có sự chỉ đạo và tổ chức chi viện người, trang bị của miền Bắc”, và Mỹ coi miền Bắc là nguồn gốc sức mạnh của cuộc “chiến tranh nổi dậy” của miền Nam và là “hiểm họa số 1” [2, tr. 149]. Khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” được nâng lên thành một cao trào chống Mỹ, cứu nước rộng lớn trên toàn miền Bắc. Trong khí thế sôi nổi thi đua của quân và dân miền Bắc, quân và dân Quảng Bình cũng ra sức thi đua với quyết tâm “Dù phải kinh qua nhiều gian khổ, ác liệt đến mấy đi chăng nữa, quân và dân Quảng Bình quyết giữ vững tinh thần, phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của Bình Trị Thiên khói lửa, sẵn sàng trước mọi thử thách, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, làm tròn nhiệm vụ với miền Nam ruột thịt” [4, tr. 32]. Vì thế, ngay khi Mỹ ném bom bắn phá vào Quảng Bình (7/2/1965), phong trào thi đua vừa chiến đấu, vừa sản xuất đã diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 14/7/1965, quân và dân Quảng Bình bắn rơi 100 máy bay Mỹ, cùng với thành tích thu hoạch vụ sản xuất Đông Xuân 1964-1965 thắng lợi toàn diện, ngày 17/7/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen: “Bác vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt, như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi” [5, tr. 440]. Vinh dự và tự hào học tập thư khen của Bác Hồ, nhân dân trong tỉnh đã thi đua sản xuất, chiến đấu. Mỗi hợp tác xã có “Cánh đồng thắng Mỹ”, đội sản xuất có “Thửa ruộng thâm canh thắng Mỹ”, cơ quan xí nghiệp có “Trận địa thắng Mỹ”. Từ ngày 6 đến ngày 9/11/1965, tại thôn Xuân Hòa, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức PHAN THỊ TRÀ GIANG 72 “Đại hội tổng kết thi đua”, trên cơ sở đó, Tỉnh ủy phát động phong trào “Hai giỏi” (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi). Thực chất của phong trào “Hai giỏi” không chỉ ở hai mặt chiến đấu và sản xuất mà gồm các mặt từ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, sản xuất và bảo vệ sản xuất, đồng thời chi viện cho tiền tuyến. Bác Hồ đã từng nói: “Theo Bác, không ai giỏi toàn diện, có thể giỏi về nhiều mặt hoặc chỉ một mặt, có người chiến đấu giỏi, có người phục vụ chiến đấu giỏi, có người giỏi trong phòng không nhân dân, có người đóng góp nhiều lương thực cho cuộc chiến đấu, cho cách mạng miền Nam thế cũng là rất giỏi. Người chăm lo bảo vệ của công, bảo vệ hàng chi viện cho tiền tuyến, cho không lấy, thấy không xin là giỏi. Đừng cầu toàn, phải phát huy từng việc tốt, nhiều việc tốt thành người tốt” [1, tr. 103]. Lời nhắc nhở của Bác làm cho tiêu chuẩn phấn đấu để đạt danh hiệu “Hai giỏi” ngày càng toàn diện. Đến “năm 1967, Tỉnh ủy đã thống nhất danh hiệu “Hai giỏi” với danh hiệu “lao động tiên tiến” của Nhà nước, nghĩa là danh hiệu “Hai giỏi” của tỉnh tức là danh hiệu lao động tiên tiến của Nhà nước” [1]. 2. ĐÓNG GÓP CỦA PHONG TRÀO “HAI GIỎI” - Chiến đấu giữ vững quê hương, góp phần bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa Ngay khi Mỹ ném bom đánh phá ra miền Bắc (7/2/1965), cuộc chiến đấu trực tiếp với kẻ thù đã diễn ra quyết liệt. Gương chiến đấu của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân hy sinh tại miền Tây Quảng Bình với khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, đã thôi thúc quân và dân trong tỉnh ra sức chiến đấu với khí thế “Quyết chiến quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược”. Trong trận đầu đọ sức với máy bay Mỹ (2/1965) đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm: Gương ôm bom nổ chậm của Võ Xuân Nở, Bí thư chi bộ thôn Phú Xá (Lộc Ninh), Lê Ngọc Lễ đã lấy thân mình làm giá súng, Mẹ Nguyễn Thị Suốt vượt qua bom đạn chèo đò chở bộ đội sang sông. Gương chiến đấu của Mẹ Suốt được Bác Hồ khen ngợi “Bà mẹ Suốt ở Quảng Bình đã xông pha bom đạn, không sợ sóng to gió lớn, suốt ngày đêm chèo thuyền cho bộ đội và cán bộ qua sông để chiến đấu” [1, tr. 40]. Trên mặt trận miền Tây Quảng Bình, khi Mỹ ném bom bắn phá ác liệt, Đinh Thị Thu Ngà đã nhảy lên mâm pháo thay pháo thủ bị thương để tiếp tục cuộc chiến đấu. Ngày 4/4/1965, hơn 35 máy bay gồm các loại A4, AĐ6, F8U từ biển Đông chia nhiều hướng vào đánh phá cầu Dài, nữ dân quân Trần Thị Lý cùng đồng đội đã chiến đấu dũng cảm. Nguyễn Văn Số, công nhân Ty bưu điện băng qua bom đạn địch, nối dây giữ liền mạch máu thông tin liên lạc. Vào những ngày đầu năm 1967, máy bay địch xuất kích gấp 6 lần năm 1966. Thủ đoạn đánh thay đổi, vừa công kích vào mục tiêu, vừa ném bom vào tọa độ. Chúng đánh liên tục suốt ngày đêm. Trước hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, các đơn vị pháo binh Quảng Bình đã tích cực đánh trả tàu chiến địch. Ngày 27/7/1967 dân quân xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) do Xã đội phó Nguyễn Thị Triển chỉ huy bắn rơi một chiếc RF4C chụp ảnh ban đêm. Đây là chiếc máy bay đầu tiên thuộc loại này bị bắn rơi ở miền Bắc, chị đã vinh dự được Bác Hồ tặng một chiếc đồng hồ đeo tay. ĐÓNG GÓP CỦA PHONG TRÀO “HAI GIỎI” Ở QUẢNG BÌNH... 73 Đặc biệt là sự chiến đấu anh dũng của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy. Ngày 7/2/1968, máy bay địch và tàu chiến cùng một lúc bắn phá xối xả vào trận địa. Đạn pháo địch nổ ngay trên thành công sự của khẩu đội 1, pháo thủ số 3 Trần Thị Tất tuy bị thương ở tay vẫn bám vị trí chiến đấu, bằng 48 viên đạn, chiếc tàu mang số 013 bốc cháy dữ dội. Ngày 27/3/1968, đại đội lại bắn cháy một tàu chiến Mỹ, đến ngày 16/5/1968, đại đội lại bắn cháy chiếc tàu khu trục thứ 3 của giặc Mỹ. Chiến công của đại đội dân quân pháo binh Ngư Thủy được Bác Hồ gửi thư khen, và được Bác tặng huy hiệu. Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy xứng đáng “là một tập thể anh hùng tuyệt vời, chiến đấu gan dạ, sử dụng thành thạo pháo, ba lần bắn cháy tàu khu trục Mỹ. Trong bom đạn ác liệt vẫn hiên ngang, vững vàng đánh trả tàu chiến địch, bảo vệ vùng biển, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sản xuất” [3, tr. 175]. Chính cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân ở “tuyến lửa” đã góp phần bảo vệ quê hương Quảng Bình cũng như bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. - Góp phần quan trọng trên mặt trận giao thông vận tải, đảm bảo chi viện của miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam Cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải ở Quảng Bình diễn ra quyết liệt với ý chí “Tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”, “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”. Năm 1965, nhân dân Võ Ninh (Quảng Ninh), Quảng Thuận (Quảng Trạch) đã tự tay phá nhà cho xe qua, cứu thoát 1.000 đầu xe bị đánh phá trên địa bàn, góp 10.000 khối đá, 8.000 khối cát, 10.000 khối đất với hàng ngàn ngày công tiếp chuyển hàng và cất giữ vũ khí, lương thực. Nhân dân tự nguyện theo gương mẹ Trần Thị Choàng phá tường nhà, lấp hố bom, thông đường cho xe qua. Xã Đức Trạch, Hải Trạch (Bố Trạch) có trên 50 gia đình tự nguyện dỡ nhà, lấy vật liệu đảm bảo giao thông hai đầu cầu Lý Hòa. Trên tuyến đường 12A địch đánh phá quyết liệt, đội thanh niên xung phong C759 đã chiến đấu anh dũng . Với tinh thần: “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, nhiều chiến sĩ đã hy sinh anh dũng như Hoàng Thị Minh Thú, Nguyễn Thị Tình, Trần Thị Thế, gương hy sinh của các cô tô thắm thêm cho truyền thống anh hùng của C759. Đơn vị C759 và Nguyễn Thị Kim Huế được Đảng và Nhà nước tuyên dương anh hùng năm 1969. Với quyết tâm “Dù trong tình huống nào Quảng Bình, Vĩnh Linh phải giữ được mạch máu giao thông với khẩu hiệu: Địch phá ta sửa ta đi, chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân nên công tác giao thông vận tải cũng là giao thông vận tải của nhân dân” [4, tr. 144], trong 4 năm chiến tranh phá hoại nhân dân Quảng Bình đã bám trụ kiên cường, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ hy sinh để đảm bảo cho mạch máu giao thông vận tải không bị tắc và chi viện hàng hóa cho tiền tuyến. Chính phía Mỹ cũng nhận định: “Việc tăng cường ném bom miền Bắc không thể chặn được việc vận chuyển hàng hóa vào Miền Nam” [8, tr. 230]. Năm 1968, là năm địch đánh phá ác liệt nhưng hàng hóa vận chuyển ngày càng tăng, gấp 2 lần so với năm 1967. Tổng số hàng vào Quảng Bình năm 1968 là 131.547 tấn, hàng cho Quảng Bình 49.397 tấn, trong đó khối lượng vận chuyển lên đến 62.000 tấn, gấp 3 lần năm 1966. Đặc biệt, trong 3 tháng thực hiện kế hoạch VT5 (vận tải tranh thủ tụt thang) (từ ngày 1/11/1968 đến ngày PHAN THỊ TRÀ GIANG 74 31/1/1969) cả Quảng Bình như một cỗ máy lớn vận hành hết công suất suốt ngày đêm, bất chấp mưa nắng, bất chấp sự đánh phá của giặc Mỹ, đã huy động được 6 vạn ngày công, hầu hết các loại phương tiện vận tải, tiếp nhận và chuyển giao được 13,2 vạn tấn hàng, vượt chỉ tiêu hơn 1 vạn tấn. Trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Quảng Bình xứng đáng là hậu phương trực tiếp của miền Nam thân yêu và Trị Thiên ruột thịt. - Đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh Về nông nghiệp: Tiếp nối khí thế thi đua với Đại Phong, ngay khi đế quốc Mỹ ném bom ra miền Bắc, các xã viên hợp tác xã trong toàn tỉnh đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất “tay cày, tay súng”. Năm 1965, toàn tỉnh thu hoạch được vụ Đông Xuân thắng lợi. Tổng sản lượng lương thực vượt kế hoạch 4,9% và tăng hơn Đông Xuân 1963-1964 trên 16%. Diện tích 10 loại cây trồng: Lúa, ngô, kê, khoai, rau, lạc, thuốc lá, dâu tằm, gai, chè đều tăng hơn năm 1964. Năng suất lúa đạt 29-36 tạ/ha, đặc biệt có 26 xã đạt 33-38 tạ/ha. Nhiều hợp tác xã như An Vĩnh, Hợp Hòa, Cự Nẫm, Hiền Vinh đạt 4 tấn/ha. Hợp tác xã Hợp Hòa, Lạc Sơn, Kinh Châu vượt mức kế hoạch màu 120 tạ khoai/ha, 30 tạ ngô/ha. Cây công nghiệp tăng nhanh, vượt diện tích năm 1964 là 6,1%. Vừa sản xuất vừa chiến đấu, các hợp tác xã đã đẩy mạnh kỹ thuật canh tác, tăng năng suất lao động, thực hiện mục tiêu “4 tấn thóc, 7 tấn màu và 3 đầu gia súc/hecta”. Hợp tác xã Đại Phong vẫn giữ danh hiệu lá cờ đầu nông nghiệp trên miền Bắc. Nhiều hợp tác xã có phong trào thâm canh, chăn nuôi thủy lợi, cải tiến nông cụ có hiệu quả như hợp tác xã Lọc Long, Hợp Hòa, Tiên Lang, Thiết Sơn Qua hai năm 1965-1966, các hợp tác xã trở thành pháo đài vững chắc ở nông thôn, “các hợp tác xã nông nghiệp là đội quân hậu cần của đội quân chiến đấu ngoài mặt trận, các xã viên hợp tác xã là chiến sĩ sản xuất” [6, tr. 193]. Phong trào cải tiến nông cụ, kiến thiết đồng ruộng, phát triển mạng lưới cơ khí nhỏ trong hợp tác xã ngày càng tăng. Nhờ vậy, năm 1967, diện tích lúa chiêm đạt 23.400 ha, đạt 98% kế hoạch, diện tích trồng màu 17.749 ha, đạt 102% kế hoạch đề ra. Hai đội sản xuất 22, 23 của hợp tác xã Đại Phong được Chính phủ công nhận là “đội lao động xã hội chủ nghĩa”. Ở những vùng trọng điểm địch đánh phá, đội sản xuất tổ chức các đội xung kích. Phong trào làm bèo hoa dâu, làm phân xanh, thủy lợi, cấy thẳng hàng, đưa giống mới vào đồng ruộng diễn ra sôi nổi. Nông dân Quảng Bình xác định “Địch đánh phá ác liệt ta càng cấy thật thẳng hàng để chúng trên máy bay nhìn xuống thấy rằng bom đạn Mỹ không dễ gì làm chúng ta run tay nhụt chí” [7, tr. 141]. Lúa cấy thẳng hàng từ 12% năm 1965 tăng lên 69,7% năm 1968. Bình quân năng suất năm 1964 đạt 9,5 ta/ha, đến năm 1968 đạt 12,22 tạ/ha. Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy) vụ chiêm 1968 năng suất đạt 24,78 tạ/ha, hợp tác xã Cự Nẫm đạt 25 tạ/ha. Phong trào 4 tốt ở nông thôn được đẩy mạnh: Hợp tác hóa tốt, sản xuất tốt, xây dựng và bảo vệ nông thôn tốt, thủy lợi tốt. Chỉ tính riêng năm 1965, thủy lợi Quảng Bình đã đạt những thành tựu: Hoàn thành trước thời hạn 10 tháng công trình đại thủy nông Cẩm Ly; tu bổ, tôn tạo cho 20 km đê ngăn mặn. Hoàn thành 3 công trình thủy nông, 2 hệ thống chống úng chống hạn, 2 công trình đại thủy nông (trong đó một công trình làm với nguyên vật liệu của địa phương; làm 24 hồ chứa nước. Bình quân đầu người đào đắp ĐÓNG GÓP CỦA PHONG TRÀO “HAI GIỎI” Ở QUẢNG BÌNH... 75 30,7m3. Riêng về thủy lợi nhỏ, năm 1965 đào đắp 8 triệu m3, đạt 257% mức kế hoạch của Bộ giao, bằng khối lượng 3 năm 1961, 1963, 1964 cộng lại, đó là chưa kể khối lượng làm ngoài kế hoạch: 33.000 m3 đất lấp hố bom, 350.000 m3 tu sửa các công trình bị bão, lụt phá hỏng. Dưới làn bom đạn của giặc Mỹ, phong trào làm thủy lợi, kiến thiết đồng ruộng vẫn diễn ra sôi nổi cả ban ngày lẫn ban đêm. Trong 2 năm 1966-1967, huyện Lệ Thủy có 104 đội thủy lợi Nhà nước và địa phương gồm 11.760 người. Không chỉ xây dựng tốt, các hợp tác xã nông nghiệp Quảng Bình còn đảm nhận việc tổ chức bảo vệ các công trình thủy lợi. Ngày 20/4/1965, với khẩu hiệu “Trận địa là nhà, dòng nước Cẩm Ly là dòng sữa mẹ”, nhân dân Lệ Thủy đã bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Cẩm Ly khỏi sự bắn phá của Mỹ. Tổ tự vệ công trình Cẩm Ly do Trần Quốc Thản chỉ huy, với 27 viên đạn súng trung liên đã bắn rơi chiếc máy bay AD6, đây là chiếc máy bay đầu tiên của không quân Mỹ bị dân quân tự vệ dùng súng bộ binh bắn rơi ban đêm trên miền Bắc. Trong ngư nghiệp: Dù địch đánh phá ác liệt, thời tiết thất thường, đồng bào vẫn bám biển đánh cá. Các hợp tác xã Bảo Ninh (Đồng Hới), Ngư Thủy (Lệ Thủy), Nhân Trạch (Bố Trạch), Cảnh Dương (Quảng Trạch) đánh cá vượt mức kế hoạch từ 1,8-27,7%. Hợp tác xã Nhân Trạch, tháng 2/1965, đánh bắt được 24,83 tấn, tăng gấp 3 lần sản lượng đánh bắt cùng kỳ năm 1964. Tháng 5/1965, trong vòng 15 ngày đầu đánh bắt được 116,625 tấn, đạt kế hoạch đề ra cả tháng. Với khẩu hiệu “Biển cả là chiến trường, ngư dân là chiến sĩ, gặp địch đánh địch, gặp cá đánh cá, quyết không rời biển khơi”, hợp tác xã Quang Phú dẫn đầu về nghề cá của miền Bắc, năng suất bình quân đầu người đạt 5 tấn/năm. Đội thuyền Minh Khai do chị Nguyễn Thị Khíu làm thuyền trưởng trong khói lửa đạn bom vẫn kiên trì bám biển để sản xuất, ba năm liền đội nữ đánh cá Minh Khai đều vượt chỉ tiêu sản lượng đánh bắt hải sản. Tại Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ IV, chị Nguyễn Thị Khíu được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lao động” ngành thủy sản và được tỉnh Quảng Bình phong tặng chiến sĩ “Hai giỏi”. Đội nữ đánh cá Minh Khai được nhận danh hiệu là đơn vị “Hai giỏi” trong 4 năm (1965- 1968). Trong sản xuất muối, hợp tác xã Bảo Ninh dẫn đầu cả tỉnh về sản lượng muối, được Nhà nước tặng thưởng hai huân chương lao động và liên tục được công nhận là hợp tác xã “Hai giỏi”. Trung đội chị Võ Thị Nga vừa chiến đấu vừa bám biển đánh cá, năm 1967 đã đánh bắt được 248 tấn hải sản, cải thiện đời sống cho chị em và làm nghĩa vụ cho Nhà nước. Trong công nghiệp: Ngày 16/6/1957, Bác Bồ vào thăm Quảng Bình và đã nhắc nhở: “Các chú quan tâm đến sản xuất nông nghiệp như vậy là rất tốt, nhưng cần chú ý tổ chức cơ sở cho nền công nghiệp địa phương. Trong lãnh đạo kinh tế cần phải đi hai chân: Nông nghiệp và công nghiệp. Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh cần có kế hoạch để tổ chức thực hiện cho tốt” [9, tr. 71]. Ý thức sâu sắc nhiệm vụ của ngành mình, với khẩu hiệu “Chắc tay súng vững tay búa” nên có nhiều đơn vị đã vượt chỉ tiêu kế hoạch. Năm 1965, Xí nghiệp rượu Bồng Lai, Xí nghiệp Dược phẩm Quảng Bình hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 102,9% đến 157%. Trong năm 1966 do địch đánh phá ác liệt, các cơ sở phải thường xuyên di chuyển, nguyên liệu thiếu thốn, nhưng vẫn sản xuất thêm được 12 mặt hàng mới phục vụ chiến đấu, sản xuất và đời sống nhân dân. Nhiều đơn vị như PHAN THỊ TRÀ GIANG 76 Diêm, xí nghiệp Xà phòng tăng năng suất lao động 25% so với năm 1965. Trong bom đạn ác liệt, các xí nghiệp như diêm Nhật Lệ, xà phòng Sông Gianh, bát sứ Văn La, cơ khí 2/9 đã vận chuyển hàng tấn thiết bị máy móc, nguyên vật liệu từ Hà Nội, Hải Phòng về các hang động ở vùng Tây Bắc tỉnh để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật công nghiệp địa phương, tiếp tục sản xuất, giải quyết một phần hậu cần tại chỗ, phục vụ chiến đấu và sản xuất. Tự vệ xí nghiệp in tổ chức trận địa bắn máy bay bên cạnh xí nghiệp, kịp thời in những tờ tin chiến thắng, duy trì đúng kỳ ấn hành báo Đảng. Tự vệ xí nghiệp ô tô A3 đã xây dựng công sự cạnh chỗ làm việc, vừa sửa chữa lắp ráp ô tô phục vụ chiến đấu vừa sẵn sàng chiến đấu. Năm 1967, giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp tăng 0,4% so với năm 1964. Đã xây dựng được 32 xí nghiệp, có những xí nghiệp được trang bị máy móc đầy đủ như xí nghiệp cơ khí 3/2, xí nghiệp cơ khí 2/9, xí nghiệp dược phẩm. Có 20 xí nghiệp đi vào sản xuất, hoặc sản xuất bộ phận phục vụ cho nhu cầu chiến đấu, sản xuất và đời sống nhân dân trước mắt. Các ngành sản xuất gỗ, cá, muối vẫn duy trì và phát triển. Các nghề đóng thuyền, sản xuất vôi, lò rèn phục vụ đắc lực cho yêu cầu sản xuất, giao thông vận tải và đời sống nhân dân. Hợp tác xã vôi Tương Lai (Thanh Trạch, Bố Trạch) tuy phải chiến đấu liên tục với máy bay Mỹ, nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch vôi phục vụ cho nông nghiệp. Xưởng nông cụ Kiến Giang (Lệ Thủy), xưởng đóng thuyền Cảnh Dương vẫn đảm bảo nhịp độ sản xuất. Đến năm 1968, ngành công nghiệp Quảng Bình phát triển tương đối vững chắc. Nếu như năm 1964, toàn tỉnh có 12 cơ sở công nghiệp với 600 công nhân, đến năm 1968 đã có trên 38 xí nghiệp, bao gồm các ngành cơ khí, phân bón, xây dựng, khai thác gỗ, hàng tiêu dùng, số lượng công nhân gấp 7 lần năm 1964. Sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp đã tạo ra những mặt hàng đảm bảo được một phần nhu cầu tại chỗ, phục vụ kịp thời cho các yêu cầu chiến đấu, sản xuất và đời sống nhân dân. - Góp phần giáo dục tư tưởng, chính trị, cổ vũ hành động cách mạng Với ý chí “quyết chiến quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược”, nhân dân Quảng Bình đã đoàn kết, cùng nhau thi đua vừa chiến đấu giỏi, vừa sản xuất giỏi, tạo thành một phong trào rộng lớn thu hút mọi lực lượng tham gia. Phong trào thi đua “Hai giỏi” là hình thức tổ chức động viên chính trị cổ vũ hành động cách mạng thích hợp với trình độ tâm lý của mọi tầng lớp nhân dân, mang tính chất quần chúng rộng rãi. Phong trào thi đua “Hai giỏi” trở thành mục tiêu phấn đấu của quần chúng. Mỗi đơn vị trong lực lượng vũ trang, hợp tác xã, gia đình, cá nhân đều có chỉ tiêu phấn đấu “Đơn vị hai giỏi”, “Chiến sĩ hai giỏi”. Số người đạt danh hiệu chiến sĩ “Hai giỏi” không ngừng tăng lên, năm 1965 toàn tỉnh có 25.000, 1966 có trên 47.000, đến năm 1967 có 62.000 người. Năm 1966 toàn tỉnh có 8000 gia đình “Hai giỏi”, đến 1967 có 10.000 gia đình đạt danh hiệu này. Qua 4 năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, toàn tỉnh có 14.000 gia đình “Hai giỏi”, trên 18.000 cá nhân đạt danh hiệu “Hai giỏi” liên tục trong 4 năm, được Chính phủ lựa chọn và công nhận trên 12.000 chiến sĩ thi đua và 450 chiến sĩ quyết thắng, có 22 đơn vị anh hùng diệt Mỹ và 174 dũng sĩ diệt Mỹ. Đây là những người con ưu tú, những tập thể ưu tú của quân và dân Quảng Bình, là những tấm gương sáng biểu hiện rực rỡ chủ nghĩa anh hùng cách mạng được phát huy trên mảnh đất Quảng Bình. ĐÓNG GÓP CỦA PHONG TRÀO “HAI GIỎI” Ở QUẢNG BÌNH... 77 Qua phong trào thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, đội ngũ đảng viên ngày càng phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng. Trong 4 năm chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình có 2.042 đồng chí đã hy sinh anh dũng. Năm 1968, đội ngũ đảng viên tăng 41% so với năm 1964, tăng 10,4% so với năm 1967. Tỷ lệ đảng viên “Hai giỏi” chiếm 97,7%. Tổng số đảng viên năm 1968 là 23.896 đồng chí, trong đó có 4.272 nữ chiếm 17,89%. Đảng viên vùng Thiên chúa giáo có 759 người, chiếm 3,2%. Trong số đảng viên kết nạp vào năm 1968, lực lượng trẻ chiếm 92%, phụ nữ chiếm 30,8%. Phong trào “Hai giỏi” mang ý nghĩa chính trị sâu sắc về giáo dục, giác ngộ quần chúng. “Nó tạo ra con người có đạo đức, luôn luôn trung thành với đạo đức cách mạng, lợi ích tập thể, không tính toán đến lợi ích cá nhân, sống và chiến đấu theo lý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Nó xây dựng cho nhân dân tỉnh ta phong cách sống giản dị, trong sạch, lành mạnh, tự lực, tự cường, những tư tưởng hành động tốt đẹp đã được xây dựng qua phong trào thi đua “Hai giỏi” là vốn quý cần giữ vững và phát huy mãi mãi trong cuộc sống của nhân dân ta trong bất cứ hoàn cảnh nào” [3]. Tính chất quần chúng và tính chất tập thể của phong trào thi đua “Hai giỏi” được thể hiện rõ rệt trong quá trình phấn đấu giành danh hiệu “Hai giỏi” của 41 vạn nhân dân tỉnh Quảng Bình. Sự tiến bộ của mỗi người gắn liền với sự tiến bộ của tập thể thông qua việc giáo dục, cổ vũ, động viên của phong trào thi đua “Hai giỏi”. Có thể thấy rằng cứ mỗi lần thông qua việc lựa chọn những danh hiệu “Hai giỏi”, mỗi người tự thấy mình ngày càng lớn lên, mỗi người đều phải phát huy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau. Nhờ vậy, quân và dân Quảng Bình đã trở thành một tập thể kiên cường, vững vàng cùng với quân và dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. 3. KẾT LUẬN Nếu như lò lửa chống Mỹ, cứu nước đã tôi luyện chủ nghĩa anh hùng cách mạng thành một truyền thống bền vững của dân tộc ta thì phong trào thi đua “Hai giỏi” trong 4 năm đã nuôi dưỡng ý chí đấu tranh cách mạng, động viên cao nhất nguồn lực của quân và dân Quảng Bình thực hiện khẩu hiệu chiến lược “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Vừa thi đua chiến đấu giỏi, vừa sản xuất giỏi trở thành một nét đặc trưng của quân và dân Quảng Bình. Với những đóng góp tích cực trong kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình xứng đáng với danh hiệu “Quê hương Hai giỏi” mà Bác Hồ trao tặng. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Quảng Bình (1975). Quảng Bình ơn Bác. Ty Văn hóa Quảng Bình. [2] Văn Tiến Dũng (1996). Về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [3] Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Quảng Bình (1995). Phong trào đấu tranh cách mạng phụ nữ Quảng Bình 1930-1975. Quảng Bình. PHAN THỊ TRÀ GIANG 78 [4] Lại Văn Ly (1993). Tuyến lửa những năm tháng sôi động. Sở Giao thông vận tải Quảng Bình. [5] Hồ Chí Minh (2000). Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 11. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [6] Hồ Chí Minh (2000). Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 12. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [7] Quân khu IV (1994). Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội. [8] Roberts Mc Namara (1995). Nhìn lại quá khứ, tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [9] Sở Công nghiệp Quảng Bình (2001). Lịch sử ngành công nghiệp và thủ công nghiệp Quảng Bình 1959-2000. Quảng Bình. Title: CONTRIBUTIONS OF THE “TWO EXCELLENCES” MOVEMENT IN QUANG BINH PROVINCE DURING THE DESTRUCTIVE WAR OF AMERICAN EMPIRE IN THE PERIOD OF 1965-1968 Abstract: In 1965, American empire strengthened its sabotage power by air and naval forces in the north of Viet Nam. Positioning the first line of the rear in the North, soldiers and people in Quang Binh were good at both combating and producing goods. This pioneered the “Two Excellences” emulation movement. Starting from Quang Binh, the movement had spread all over the North and fostered the fighting and producing spirits of both army people of Vietnam and Quang Binh honored to be the Central Party and Uncle Ho awarded “Two Excellent homeland” in the northern. This article discusses the contributions of the “Two Excellences” movement in Quang Binh in the destructive war of American empire in the period 1965 to 1968. PHAN THỊ TRÀ GIANG Học viên cao học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. ĐT: 01275.887179. Email: tragiang.qb @ gmail.com.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf18_274_phanthitragiang_12_phan_thi_tra_giang_1_2963_2021121.pdf