Chân dung cán bộ xã hội trong hoạt động hỗ trợ xã hội đối với trẻ em thiếu sự chăm sóc gia đình

Khảo sát về nhân viên xã hội là một phần quan trọng của nghiên cứu về hỗ trợ xã hội đối với trẻ em thiếu sự chăm sóc của gia đình. Đối với đối tượng trẻ đặc biệt này, những hỗ trợ từ phía cán bộ xã hội là vô cùng quan trọng, bởi họ chính là người chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát, quản lý, dạy dỗ và chăm sóc các em. Mà công việc này không dễ: trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình (do mồ côi, do gia đình quá nghèo, do khuyết tật .) không chỉ gặp nhiều rối loạn về cảm xúc và tâm lý, mà thường có những lệch chuẩn trong hành vi. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ trong số trẻ này có những khuyết tật về thể chất và đòi hỏi phải có sự chăm sóc có chuyên môn. Vì thế, đây là một dạng công việc đòi hỏi không chỉ tình thương yêu và sự cảm thông, mà còn cần nhiều đến các kỹ năng và kiến thức. Báo cáo này nhằm tìm hiểu khả năng hỗ trợ của CBXH đối với trẻ em thiếu sự chăm sóc của gia đình: những lĩnh vực hỗ trợ mà họ cung cấp, năng lực thực tế/trình độ chuyên môn nghiệp vụ; những vấn đề trong quá trình tác nghiệp của họ, và mức độ gắn bó nghề nghiệp của họ. Báo cáo viết dựa trên dữ liệu phỏng vấn sâu và số liệu của điều tra bảng hỏi đối với CBXH tại các trung tâm, nhà mở, mái ấm trên 6 địa bàn: Hưng Yên, Hà Nội, Quảng Ngãi, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, và Vĩnh Phúc với khối lượng mẫu là 256 CBXH

doc11 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1813 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chân dung cán bộ xã hội trong hoạt động hỗ trợ xã hội đối với trẻ em thiếu sự chăm sóc gia đình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CHÂN DUNG CÁN BỘ XÃ HỘI TRONG HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ XÃ HỘI ĐỐI VỚI TRẺ THIẾU SỰ CHĂM SÓC CỦA GIA ĐÌNH Nguyễn Như Trang Khảo sát về nhân viên xã hội là một phần quan trọng của nghiên cứu về hỗ trợ xã hội đối với trẻ em thiếu sự chăm sóc của gia đình. Đối với đối tượng trẻ đặc biệt này, những hỗ trợ từ phía cán bộ xã hội là vô cùng quan trọng, bởi họ chính là người chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát, quản lý, dạy dỗ và chăm sóc các em. Mà công việc này không dễ: trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình (do mồ côi, do gia đình quá nghèo, do khuyết tật….) không chỉ gặp nhiều rối loạn về cảm xúc và tâm lý, mà thường có những lệch chuẩn trong hành vi. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ trong số trẻ này có những khuyết tật về thể chất và đòi hỏi phải có sự chăm sóc có chuyên môn. Vì thế, đây là một dạng công việc đòi hỏi không chỉ tình thương yêu và sự cảm thông, mà còn cần nhiều đến các kỹ năng và kiến thức. Báo cáo này nhằm tìm hiểu khả năng hỗ trợ của CBXH đối với trẻ em thiếu sự chăm sóc của gia đình: những lĩnh vực hỗ trợ mà họ cung cấp, năng lực thực tế/trình độ chuyên môn nghiệp vụ; những vấn đề trong quá trình tác nghiệp của họ, và mức độ gắn bó nghề nghiệp của họ. Báo cáo viết dựa trên dữ liệu phỏng vấn sâu và số liệu của điều tra bảng hỏi đối với CBXH tại các trung tâm, nhà mở, mái ấm… trên 6 địa bàn: Hưng Yên, Hà Nội, Quảng Ngãi, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, và Vĩnh Phúc với khối lượng mẫu là 256 CBXH, trong đó: Hưng Yên 31 Hà Nội 62 Quảng Ngãi 29 Tiền Giang 30 TPHCM 71 Vĩnh Phúc 33 Total 256 1. Các lĩnh vực của hoạt động hỗ trợ Mỗi cơ sở chăm sóc trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình lại có những lĩnh vực hoạt động riêng, nhưng tựu trung, có 5 dạng hoạt động chính mà các CBXH tại các cơ sở này đảm nhận: Chăm sóc, phục hồi chức năng/sức khoẻ, dạy văn hoá, dạy nghề/hướng dẫn lao động, tư vấn. Tuy nhiên, thường một cơ sở phối hợp một vài dạng hoạt động chứ không chỉ chuyên sâu vào một hoạt động duy nhất. Ví dụ trường 19/5 ở HN, ngoài chức năng chính là dạy văn hoá, trường còn nhận chăm sóc những trẻ không sống cùng gia đình, đảm bảo những nhu cầu tối thiểu cho trẻ như ăn mặc ở, và thậm chí là sự chăm sóc về tinh thần tình cảm. Hoặc Trung tâm phục hồi chức năng tỉnh Hưng Yên, ngoài chức năng chính là phục hồi chức năng và sức khoẻ cho trẻ khuyết tật, trường còn dạy văn hoá, dạy nghề, chăm sóc và tư vấn. Mỗi cán bộ của cơ sở có một công việc chuyên trách: hoặc chăm sóc trẻ, hoặc phục hồi chức năng/sức khoẻ cho trẻ, hoặc dạy học hay dạy nghề. CÁC LOẠI HÌNH CÔNG VIỆC Trong số các lĩnh vực hoạt động này, tỷ lệ CBXH đông nhất ở hoạt động dạy học văn hoá (34.8%), chăm sóc (32.4%) và tư vấn (29.3%). Các hoạt động dạy nghề và phục hồi chức năng có tỷ lệ CBXH đảm trách ít hơn – 21.9% và 19.1%. Tuy nhiên, cũng có thể thấy tỷ lệ CBXH đảm trách cho các hoạt động hỗ trợ này cũng tương đối đồng đều và chú trọng đến hầu hết các dạng hỗ trợ cơ bản cần thiết cho trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình. Nếu so sánh với các hỗ trợ mà một gia đình có thể đem lại cho trẻ, thì các cơ sở chăm sóc trẻ nhìn chung không thể bù đắp hết được - đặc biệt về lĩnh vực tình cảm-tâm lý. Tuy nhiên, có thể thấy họ cũng đã thực hiện gần như đầy đủ các chức năng của một gia đình đối với trẻ: chăm sóc, giáo dục, tình cảm… Ngoài ra, còn hỗ trợ dạy nghề và phục hồi chức năng cho các trẻ khuyết tật. Có thể thấy, ngoài việc chính, một số CBXH cũng thực hiện thêm các công việc khác. Do vậy, họ có thể vừa là người chăm sóc, vừa là người tư vấn; hoặc vừa là giáo viên dạy văn hoá, vừa là người chăm sóc. Vai trò đảm nhiệm thêm này có thể do được cơ sở giao thêm do thiếu cán bộ. Tuy nhiên, tỷ lệ CBXH được giao thêm việc không chiếm quá nhiều, và chủ yếu là giao thêm việc chăm sóc trẻ. Chỉ có 8.6% CBXH ngoài công việc chính còn được giao thêm việc chăm sóc trẻ, sau đó đến tư vấn (6.6%) và dạy nghề/hướng dẫn lao động (5.9%), còn tỷ lệ cán bộ được giao thêm việc phục hồi chức năng/sức khoẻ và dạy học văn hoá rất ít (4.7% và 4.3%). Có lẽ vì đây là hai dạng công việc đặc thù đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên sâu - điều mà nếu chỉ có tình thương và sự hiểu biết thông thường thì không thể làm được. Ngoài ra, một lý do nữa khiến các CBXH tại các cơ sở chăm sóc trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình có vai trò kép là vì xuất phát từ chính sự gắn bó của họ với trẻ. Có thể việc chăm sóc trẻ, hoặc tư vấn không phải việc chính, cũng không phải việc giao thêm, nhưng trong quá trình làm việc với trẻ, họ tự đảm nhận thêm những vai trò này. Họ tự động đảm nhận thêm vai trò khác này hoặc vì công việc chính của họ đòi hỏi như vậy, theo kiểu muốn làm được việc này thì trước hết phải làm được việc kia, hoặc vì trẻ chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ vượt ra ngoài chức năng chính của họ. …Với bọn trẻ ở đây thì đâu có phải là dạy học không đâu. Vừa phải dạy, vừa phải dỗ. Có những đứa kéo bè kéo phái, đang học lại đánh cãi nhau trong lớp, mình phải làm trung gian để hoà giải bọn nó. Phải nghe bọn nó, phải hiểu và thương bọn nó thì mới dạy bọn nó được. (nữ, 43 tuổi, giáo viên dạy văn hoá) Bọn em coi mẹ Bình như mẹ vì mẹ không chỉ chăm lo ăn uống sức khoẻ mà mẹ còn quan tâm khuyên bảo. Có chuyện gì em thường kể cho mẹ và mẹ cũng hiểu và khuyên bảo em. (nữ, 20 tuổi, nguyên học sinh của trường) Việc trẻ chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ của CBXH, dẫn tới tình trạng ‘vai trò kép’ của CBXH trở nên phổ biến, có lẽ cũng không khó hiểu trong môi trường đặc biệt này. Trẻ em vốn đã cần tới sự giúp đỡ của người lớn trong quá trình phát triển của mình, bởi trong cuộc sống có quá nhiều điều mà trẻ muốn tìm hiểu, có quá nhiều điều vượt quá khả năng hiểu và giải quyết của trẻ, hoặc đơn giản bởi trẻ cần có người thương yêu, quan tâm và chia sẻ. Với nhóm trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình này, thì những người lớn gần gũi nhất (nếu không phải là về tình cảm thì cũng là vì mật độ tiếp xúc) với chúng lại chính là các CBXH. Dễ hiểu vì sao trẻ tìm kiếm sự trợ giúp vượt quá chức năng và nhiệm vụ của những CBXH. Đặc biệt, những trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình thường lại là những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: mồ côi, khuyết tật, gia đình tan vỡ… Vì vậy, chúng lại càng có nhiều vấn đề khó khăn hơn so với các trẻ em khác. Số liệu cho thấy hầu hết CBXH đều được trẻ tìm đến để nhờ giúp đỡ mà sự giúp đỡ này vượt ra ngoài chức năng chính của họ. Lý do trẻ tìm đến sự giúp đỡ của CBXH Tần suất Nhờ giải quyết vấn đề của trẻ 77.7% Đề xuất yêu cầu nguyện vọng của trẻ tới ban lãnh đạo cơ sở 42.6% Tâm sự 62.5% Tìm lời khuyên cho tương lai của trẻ 48.8% Các vấn đề khác 7.4% Trẻ chủ yếu tìm đến CBXH để nhờ họ tư vấn, cho lời khuyên để tháo gỡ những rắc rối trong quan hệ của trẻ với mọi người, hoặc nhờ cán bộ giúp trẻ những vấn đề cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày. 77.7% số CBXH được hỏi trả lời rằng trẻ thường đến nhờ họ giải quyết vấn đề của trẻ. 62.5% cho biết trẻ cũng thường tìm đến mình để tâm sự các chuyện riêng tư của chúng, hoặc đơn giản là kể và bàn luận với họ những chuyện xảy ra xung quanh chúng. Có 48.8% CBXH trả lời trẻ thường gặp họ để tìm lời khuyên, giúp định hướng tương lai cho chúng, và 42% trả lời trẻ thường tìm họ để nhờ họ đề xuất những nguyện vọng của trẻ tới ban lãnh đạo cơ sở. Điều này không chỉ cho thấy tầm quan trọng của cán bộ xã hội đối với sự phát triển của trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình, mà nó còn phản ánh độ tin cậy, sự gắn bó mà trẻ cảm thấy đối với các cán bộ xã hội. Vấn đề đặt ra tiếp theo là: nếu như CBXH có vai trò quan trọng như vậy với trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình, và họ đang phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau với đối tượng trẻ em đặc biệt này, vậy họ có gặp những khó khăn hay thuận lợi gì trong quá trình tác nghiệp của mình? 2. Những yếu tố nhân khẩu xã hội có ảnh hưởng tới khả năng tác nghiệp của CBXH: tình trạng gia đình, giới, và học vấn Phần lớn các CBXH làm việc tại các trung tâm, cơ sở dành cho trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình là những người đã có gia đình và con cái (64.8%). Chỉ có 31.3% số cán bộ là chưa có gia đình, và 4% là những người đã ly hôn hoặc goá. Ban đầu, chúng tôi muốn tìm hiểu tình trạng hôn nhân gia đình của các CBXH là bởi khảo sát định tính ban đầu cho thấy, những CBXH có gia đình, và đặc biệt là có con, cho biết tình trạng gia đình này là một trong những yếu tố tạo thuận lợi cho họ trong quá trình tác nghiệp. - Từ ngày có con, mình thấy yêu trẻ hơn, kiên nhẫn và dễ thông cảm hơn với chúng. Kinh nghiệm khi chăm sóc con cũng là cái thuận lợi khi mình chăm sóc bọn trẻ ở đây. Tất nhiên thì chăm sóc bọn trẻ ở đây nó lại cũng là một cái thuận lợi để mình có kinh nghiệm hơn trong việc chăm sóc dạy dỗ con mình (Nữ, 43 tuổi, giáo viên ) - Chúng tôi có thuận lợi là những phụ nữ đã có con lớn, nên có kinh nghiệm trong việc chăm sóc và đối xử với trẻ. Người đã có con rồi con mắt nhìn trẻ con cũng khác, dễ đồng cảm dễ thương bọn nó hơn. Chúng tôi coi các cháu ở đây cũng như con mình cả. Vả lại tiếp xúc nhiều với bọn nó thì cũng thấy thương bọn nó hơn (nữ, 59 tuổi, bảo mẫu) Vì vậy, giả định ban đầu của chúng tôi là CBXH có gia đình và con cái có thể sẽ có tâm thế và nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ trẻ tốt hơn CBXH chưa có gia đình. Nhưng khảo sát bảng hỏi lại cho thấy, những CBXH chưa có gia đình, đặc biệt là nhóm không có gia đình, lại có lợi thế về mặt thời gian. Khi được hỏi về những yếu tố thuận lợi cho họ trong quá trình làm việc, một số CBXH chọn phương án khác, và trả lời bởi họ không có gia đình, nên dành toàn bộ tình cảm và thời gian cho công việc của mình. Vì vậy, có lẽ không nên coi tình trạng gia đình là biến có tác động đặc biệt lên mức độ và khả năng hỗ trợ của CBXH đối với trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình. Trong các CBXH, nữ giới chiếm tỷ trọng lớn: 70.7% số CBXH tại các cơ sở mà chúng tôi khảo sát là nữ, trong khi nam giới chỉ chiếm 29.3%. Có lẽ vì công việc này đòi hỏi nhiều phẩm chất mà nữ giới đáp ứng tốt hơn. Có một chút khác biệt trong việc lựa chọn loại hình công việc giữa nhóm CBXH nam và nhóm CBXH nữ. Loại hình công việc Nam Nữ Dạy văn hoá 27.1 24.7 Dạy nghề/hướng dẫn lao động 15.6 16.0 Tư vấn 29.2 18.3 Chăm sóc 19.8 25.0 Hồi phục chức năng/sức khoẻ 8.3 16.0 Total 100% 100% Có thể thấy có sự phân bố tương đối không đồng đều giữa các loại hình công việc của nhóm CBXH nam (tập trung nhiều vào tư vấn – 29.2%; và dạy văn hoá – 27.1%; trong khi rất ít làm công tác hồi phục chức năng và sức khoẻ cho trẻ - 8.3%). Trong khi đó, trong nhóm CBXH nữ, sự phân bố tương đối đều hơn, mặc dù tỷ lệ CBXH nữ làm công tác chăm sóc và dạy văn hoá có trội hơn so với số CBXH nữ làm các công việc khác. Có lẽ cũng cần chú thích thêm rằng nên quan tâm hơn tới tương quan giới trong việc lựa chọn loại hình hoạt động, hơn là chú ý tới tỷ lệ cán bộ cho mỗi loại hình hoạt động. Bởi vì, tỷ lệ CBXH phân bố không đều giữa 5 loại hình công việc này ít phản ánh nguyện vọng công việc của CBXH, mà chủ yếu phản ánh nhu cầu của cơ sở. Số lượng các cơ sở thiên về chăm sóc, dạy văn hoá, dạy nghề, và tư vấn cho trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình nhiều hơn là số cơ sở phục hồi chức năng và sức khoẻ cho trẻ, và bản thân các cơ sở phục hồi chức năng cũng không chỉ là phục hồi chức năng và chăm sóc sức khoẻ, mà bao giờ cũng kèm thêm dạy văn hoá, tư vấn, hay dạy nghề. Do vậy, vô hình chung đã khiến tỷ lệ cán bộ làm các công tác dạy văn hoá, tư vấn, chăm sóc cao hơn phục hồi chức năng. Trình độ học vấn của các CBXH cũng tương đối tốt. 67.9% CBXH có trình độ cao đẳng và đại học, chỉ 32% có trình độ PTTH và PTCS. Nếu xét về tương quan giới, nhìn chung mặt bằng học vấn của nam CBXH cao hơn nữ CBXH: Trình độ học vấn Nam Nữ PTCS 0 9.9 PTTH 20 27.1 Cao đẳng 40 28.2 Đại học 40 34.8 Total 100% 100% Nếu như 80% số nam CBXH có trình độ học vấn cao đẳng và đại học, không có ai học vấn PTCS, thì chỉ có 63.0% số nữ CBXH có trình độ CĐ và ĐH, và 35% số CBXH nữ có học vấn từ PTTH trở xuống. Nếu xét theo tương quan với các loại hình công việc đối với trẻ, thì lực lượng có học vấn cao (ĐH và CĐ) chủ yếu tập trung ở dạy văn hoá, dạy nghề và tư vấn. PTCS PTTH Cao đẳng Đại học Total Chăm sóc sức khoẻ cho trẻ 8.4 32.5 33.7 25.3 100% Phục hồi chức năng/sức khoẻ 4.1 36.7 26.5 32.7 100% Dạy văn hoá 2.2 16.9 36.0 44.9 100% Dạy nghề/hướng dẫn lao động 1.8 28.6 33.9 35.7 100% Tư vấn 2.7 25.3 26.7 45.3 100% Chăm sóc sức khoẻ cho trẻ là công việc có tỷ trọng CBXH có học vấn PTCS cao nhất trong các loại hình công việc, sau đó là phục hồi chức năng và sức khoẻ. Đáng ngạc nhiên là sự tồn tại của số CBXH có học vấn PTCS nhưng vẫn đảm trách những công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên sâu như dạy văn hoá, phục hồi chức năng/sức khoẻ và tư vấn. Điều này đặt ra vấn đề trong việc tuyển lựa CBXH của các cơ sở. Liệu sự tuyển lựa này có dễ dãi quá không? Một vấn đề khác cần đặt ra nữa là, với hiện tượng này, liệu chất lượng hỗ trợ của cơ sở đối với trẻ là đến đâu? Nhưng có lẽ cũng chính vì vậy, một trong những vấn đề khó khăn đối với nhiều CBXH là thiếu kiến thức cần thiết cho công việc của mình. 3. Những vấn đề trong quá trình tác nghiệp của các CBXH Một trong những vấn đề lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hỗ trợ của CBXH đối với trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình là vấn đề thiếu kiến thức chuyeê môn cho công việc. Có đến 82.8% CBXH được hỏi cho biết họ thấy thiếu kiến thức làm việc. Cụ thể, những kiến thức mà họ thấy thiếu là: NHỮNG KIẾN THỨC CÒN THIẾU 54.7% CBXH được hỏi cho biết trong quá trình làm việc họ cảm thấy thiếu kiến thức về tâm lý trẻ em, 53.9% thiếu kiến thức về các loại hình dịch vụ xã hội hỗ trợ cho trẻ em, và 47.7% thấy thiếu kiến thức về pháp luật và chính sách liên quan tới trẻ. Chỉ khoảng 32.8% thấy cần bổ xung thêm kiến thức về quyền trẻ em. Tuy kiến thức về tâm lý trẻ là điều có thể thu thập được trong quá trình làm việc thực tế, nhưng nếu chỉ có kinh nghiệm làm việc thì cũng không đủ bởi không phải ai cũng có khả năng quái quát thực tế thành kiến thức một cách hệ thống, và hơn nữa, đây lại là mảng kiến thức quan trọng giúp CBXH tiếp cận và làm việc với trẻ một cách hiệu quả. Mặt khác, có những mảng kiến thức mà kinh nghiệm làm việc hoàn toàn không thể đem lại đủ, ví dụ như kiến thức về pháp luật và chính sách liên quan tới trẻ, kiến thức về quyền trẻ em. Vì vậy, thiếu kiến thức chuyên môn ở CBXH là một điều rất đáng quan tâm. Một vấn đề nữa mà CBXH gặp phải trong quá trình tác nghiệp, đó là thu nhập. Phần lớn các CBXH có thu nhập rất thấp: dưới 1 triệu một tháng. MỨC THU NHẬP CỦA CÁC CÁN BỘ XÃ HỘI Chỉ có 2.3% số CBXH được hỏi có thu nhập trên 3 triệu/tháng. Thậm chí mức thu nhập từ 2-3 triệu cũng khá hiếm hoi: 5.1%. Và đến gần 60% CBXH chỉ thu nhập dưới 1 triệu một tháng. Và đáng lưu ý là, trong số này, có đến 44.8% có thu nhập dưới 500.000/tháng. Điều này thực sự gây khó khăn cho cuộc sống riêng của CBXH. Và một khi còn bận bịu với những vấn đề cơm áo gạo tiền của cuộc sống riêng, liệu CBXH sẽ có thể tập trung tâm sức và tình cảm cho công việc được đến đâu? Nói chung khó khăn chủ yếu ở chế độ chính sách. Trước lương chỉ có 350.000, năm ngoái lên được 800.000. Nhưng 800 vẫn rất là thấp, không đủ cho chúng tôi đảm bảo cuộc sống riêng. Thế nên ở đây nếu không yêu nghề thì không thể làm được. Nếu chỉ là làm việc vì nhu cầu cuộc sống thì không làm nghề này được. (nữ, 52 tuổi, giáo viên dạy văn hoá) Một khó khăn nữa cho CBXH trong quá trình tác nghiệp chính là đối tượng của họ: trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình. Đây là nhóm đối tượng vô cùng phức tạp. Riêng sự thiếu sự chăm sóc của gia đình (cả về mặt tình cảm, sự gắn bó, cũng như dạy dỗ và quản lý) khiến trẻ dễ có những vấn đề về tâm lý và lệch chuẩn trong hành vi. Đó là chưa kể những trẻ khuyết tật thuộc gia đình nghèo mà cha mẹ buộc phải gửi vào cơ sở để phục hồi chức năng và sức khoẻ. Và thực tế, một phần lớn trẻ tại các cơ sở mà chúng tôi khảo sát là trẻ vi phạm pháp luật (57.8%), và trẻ khuyết tật (32%). Chính vì vậy, làm việc với các em không phải là dễ. Trẻ em ở đây nhiều đối tượng khác nhau. Có những em là trẻ vi phạm. Có những em thiểu năng trí tuệ. Dậy những em này rất khó. Truyền đạt xong lại quên. Đại đa số các em tiếp thu chậm… Cái khó là các em thường có mặc cảm. Vì mặc cảm nên các em hay rơi vào hai cực đoan, hoặc là quá nhút nhát hoặc là quá bướng lì (nữ, 20 tuổi, giáo viên) Nhất là bọn con trai khoảng 12-13 tuổi, rất khó bảo. Bọn nó nói dối như cuội. Việc tiếp cận ban đầu với các em mới đến rất khó bởi các em không tin tưởng và rất hay nói dối (nữ, 62 tuổi, bảo mẫu) Nói tóm lại, nếu như bản thân người CBXH cũng đã có nhiều khó khăn chủ quan có thể ảnh hưởng tới hiệu quả công việc, thì những khó khăn khách quan cũng không thiếu. Khó khăn đến từ phía đối tượng trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình là một tồn tại đương nhiên, và chỉ có thể khắc phục không chỉ bằng tình thương mà còn bằng kinh nghiệm làm việc, kiến thức và kỹ năng. Mà kiến thức thì lại là cái mà CBXH cũng đang kêu thiếu. Rồi những khó khăn về thu nhập. Đây là một khó khăn lớn đối với bản thân người CBXH, nhưng lại không phải là không giải quyết được. Vấn đề chỉ còn là ai sẽ đứng ra lo giải quyết. Và trong một tình trạng ‘nội công ngoại kích’, liệu hiệu quả của hỗ trợ xã hội của CBXH đối với trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình là đến đâu? Mà có lẽ trước khi đặt vấn đề về hiệu quả của CBXH trong việc hỗ trợ các em, có lẽ chúng ta nên xem xét liệu CBXH gắn bó đến đâu với công việc của mình. Bởi xét từ những khó khăn nêu trên, công việc của những CBXH này xem chừng không phải là một công việc hấp dẫn lắm. 4. Sự gắn bó nghề nghiệp của CBXH Chúng ta có thể thấy trong quá trình làm việc, các CBXH đã gặp không ít vấn đề. Vậy vì sao họ lại đến với nghề này? Vì sao họ lại tham gia vào công tác hỗ trợ trẻ em thiếu sự chăm sóc của gia đình? Phần lớn xuất phát từ sự đồng cảm với trẻ và tình yêu với trẻ. LÝ DO LÀM CÔNG VIỆC HIỆN TẠI Phần lớn CBXH được hỏi cho biết lý do họ làm công việc hiện tại là vì tình yêu với trẻ (66.0%) và đồng cảm với những khó khăn mà trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình gặp phải (71.9). Như phần trích phỏng vấn sâu ở mục trước cho thấy, có ý kiến cho rằng với một mức lương khó khăn như vậy, nếu không thực sự yêu trẻ và yêu nghề thì không làm được, hoặc nếu làm nghề này vì miếng cơm manh áo thì cũng không làm được. Một số CBXH còn chú thích thêm bởi họ cũng đã từng là trẻ mồ côi nên họ hiểu và rất thương nhóm trẻ đặc biệt này. Chỉ 38.3% làm việc này đơn giản là vì họ muốn có việc làm (cũng có nghĩa nếu có cơ hội việc làm khác tốt hơn thì họ cũng có thể bỏ nghề này). Một nhóm khác làm nghề này là do sự phân công của tổ chức, nhóm này chiếm tỷ lệ nhỏ hơn: 20.7%. Có lẽ đây là nhóm cán bộ chuyển từ các hội phụ nữ và các tổ chức đoàn thể khác sang, hoặc các giáo viên sư phạm được phân công. Một số khá lớn thì làm nghề này vì họ cho rằng nghề này phù hợp với khả năng của bản thân (54.3%). Chỉ có một số ít (7.8%) là do sự hợp lý hoá gia đình: để tiện chăm sóc con (do con họ cũng thuộc diện những trẻ phải sống và học trong các cơ sở, trung tâm); hoặc vì gia đình chuyển đến sống ở gần các cơ sở này thì họ xin vào làm để gần nhà. Số 6.25% trả lời họ làm nghề này vì những lý do khác, nhưng thực chất nhiều lý do họ đưa ra cũng trùng với những lý do mà chúng tôi đã đưa ra. Trong số 6.25% này thì 0.2% trả lời vì họ cũng là trẻ mồ côi nên muốn chăm sóc trẻ mồ côi; 0.4% trả lời vì muốn giúp trẻ khó khăn; 0.2% trả lời vì đã từng sống và lớn lên ở những cơ sở này nên muốn ở lại để giúp cơ sở. Một số khác trả lời vì công việc này ổn định (phải chăng vì nguồn nhân lực hạn chế và thu nhập cũng không cao nên nghề này không có nhiều tính cạnh tranh?); hoặc là vì ‘thừa kế’ nghề nghiệp của cha mẹ. Như vậy, phần lớn những người làm CBXH xuất phát từ chính tình cảm và năng lực của bản thân. Tuy nhiên, cũng có một phần không nhỏ lý do khiến họ làm công việc hỗ trợ trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình là bởi họ không còn lựa chọn nào khác, hoặc, không còn lựa chọn nào tốt hơn. Câu hỏi đặt ra là: nếu có cơ hội làm việc khác (chưa nói đến tốt hơn hay không), thì liệu họ có chuyển nghề không? Chỉ có 26.6% khẳng định sẽ thay đổi công việc nếu có điều kiện, trong khi 57% sẽ không đổi, và 16.4% còn lưỡng lự. Điều này cho thấy một phần khá lớn CBXH gắn bó với nghề nghiệp. Nhưng sự gắn bó ở đây không chỉ là gắn bó với loại hình công việc cụ thể của họ, mà còn là sự gắn bó với cơ sở mà họ làm việc. Nơi làm việc nếu chuyển đổi Tần suất lựa chọn Công việc khác nhưng vẫn ở cơ sở này 21.9% Công việc này nhưng ở cơ sở khác 13.3% Cả nơi làm và công việc 7.0% Trong số 43% những người sẽ đổi việc hoặc còn lưỡng lự, thì chỉ có 7% là muốn chuyển hẳn không những sang loại hình công việc khác, mà còn chuyển hẳn sang một nơi làm việc khác. Trong khi đó, 13.3% vẫn muốn làm loại hình công việc hiện tại, mà chỉ muốn chuyển chỗ làm. Đáng lưu ý là con số 21.9% muốn chuyển loại hình công việc, nhưng vẫn muốn ở lại cơ sở hiện tại. Việc ở lại cơ sở thể hiện sự gắn bó của họ với những con người ở đó: ban lãnh đạo, đồng nghiệp, và quan trọng nhất là những trẻ thiếu sự chăm sóc gia đình mà họ đang làm việc cùng. Tuy nhiên, việc muốn chuyển loại hình công việc thể hiện tính vấn đề trong quá trình tác nghiệp của họ: hoặc họ cảm thấy công việc không phù hợp với năng lực/tính cách bản thân; hoặc họ thấy công việc của họ không hấp dẫn, hoặc có thể vì lý do khác, nhưng nhìn chung nhóm này thể hiện sự không gắn bó với loại hình công việc mà họ đảm trách. LÝ DO MUỐN CHUYỂN ĐỔI CÔNG VIỆC Có thể thấy, trong số các nguyên nhân khiến họ muốn thay đổi công việc, thì vấn đề thu nhập vẫn nổi lên hàng đầu. Có đến 42.9% những người muốn đổi công việc, hoặc đang lưỡng lự, cho biết lương thấp là yếu tố chính khiến họ muốn đổi công việc. Các nguyên nhân khác như hoàn cảnh gia đình, sự hạn chế cơ hội thăng tiến, các vấn đề với đồng nghiệp ít xảy ra (6.7%). Không đúng chuyên môn cũng là một vấn đề. Kết quả khảo sát cho thấy, có một bộ phận CBXH chuyển từ ‘chuyên môn’ trước kia là xe ôm, bộ đội phục viên, cấp dưỡng, thợ may… sang làm nghề này. Có thể vì vậy, họ thiếu những nền tảng kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nghề, và gặp nhiều khó khăn trong quá trình tác nghiệp hơn các đồng nghiệp khác, khiến sự gắn bó nghề nghiệp của họ cũng lỏng lẻo hơn. Một con số đáng lưu ý là 23.8% muốn chuyển nghề vì nghề này không được xã hội đánh giá cao. Điều này cũng phản ánh thực tế là chúng ta chưa chú ý đúng mức tới đội ngũ những người làm cán bộ xã hội, thể hiện ở mức lương, chế độ đãi ngộ và những cơ hội học tập, cơ hội phát triển dành cho họ còn nhiều hạn chế, khiến họ cũng thấy nản lòng với nghề. Tóm lại, có thể nói, CBXH là một nghề không dễ dàng. Về mặt lý thuyết, đây là một nghề quan trọng ở chỗ nó giúp xã hội khắc phục, giảm bớt các vấn đề và tệ nạn, và góp phần hạn chế bất bình đẳng cho nhóm yếu thế. Và nó đòi hỏi không chỉ đạo đức, lòng yêu nghề, mà như chính các CBXH đã chỉ ra, nó còn đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên sâu. Thế nhưng, đội ngũ CBXH của chúng ta hiện còn thiếu và yếu. Họ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau – nhưng không phải là công tác xã hội. Mặt bằng trình độ học vấn thì không thấp, nhưng vẫn còn tồn tại một bộ phận có học vấn không đạt yêu cầu (PTTH và PTCS) cho loại hình công việc mà họ đảm trách. Thế mạnh họ có trong tay là lòng yêu trẻ, đồng cảm với trẻ, nhưng họ lại phải đối đầu với nhiều khó khăn vượt quá khả năng tự xử lý của họ: thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết, đối tượng phức tạp; thu nhập quá thấp. Có lẽ vì thế, có một bộ phận không nhỏ CBXH không thực sự gắn bó với nghề và sẵn sàng đổi công việc nếu có cơ hội. (Bài viết tại Hội thảo khoa học: Nâng cao sự hỗ trợ của người lớn với trẻ em không nơi nương tựa, do Trung tâm Dân số và Công tác xã hội trường Đại học KHXH&NV Hà Nội tổ chức, 12/2006)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docChân dung cán bộ xã hội trong hoạt động hỗ trợ xã hội đối với trẻ em thiếu sự chăm sóc gia đình.doc