Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Bài viết đề cập đến các mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên thế giới và khả năng ứng dụng vào điều kiện Việt Nam; nhận diện và phân tích các yếu ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ theo quan điểm lý thuyết về lợi thế cạnh tranh vùng và lý thuyết về hệ sinh thái kinh doanh. Từ đó, đưa ra một số gợi ý chính sách liên quan đến việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

pdf9 trang | Chia sẻ: linhmy2pp | Ngày: 17/03/2022 | Lượt xem: 112 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009 Kĩ thuật – Công nghệ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ VIỆT NAM Lê Thế Giới (Đại học Đà Nẵng) 1. Đặt vấn đề Sau gần hai thập kỷ phát triển nhanh chóng nhờ vào chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài và hướng về xuất khẩu, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. Tuy vậy, khi bước sang một giai đoạn mới, Việt Nam cần xây dựng một nền công nghiệp có khả năng cạnh tranh mạnh và tham gia vào phân công lao động quốc tế, cần thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp có giá trị cao. Muốn làm được điều này, một trong các điều kiện tiên quyết là phải có một nền công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong nước. Từ kinh nghiệm của các quốc gia trong phát triển CNHT, tác giả trình bày các mô hình phát triển CNHT trên thế giới. Qua đó, các điều kiện, yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của các ngành CNHT của quốc gia ở cấp độ vùng sẽ được nhận diện, phân tích trên quan điểm lý thuyết về lợi thế cạnh tranh vùng và hệ sinh thái kinh doanh. 2. Các mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ thế giới Ngành công nghiệp bổ trợ bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ công nghiệp, cung ứng các yếu tố đầu vào trung gian (linh kiện, phụ tùng, công cụ, nguyên vật liệu đã qua chế biến, dịch vụ sản xuất) cho các ngành công nghiệp lắp ráp, chế tạo và chế biến. 2.1. Mô hình công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự phát Ở một số quốc gia đã công nghiệp hóa sớm như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình cung cấp diễn ra một cách tự phát và hình thành nên hệ thống các ngành công nghiệp hỗ trợ. Việc hình thành các mạng lưới cung ứng và các doanh nghiệp hỗ trợ xuất phát trực tiếp từ nhu cầu và điều kiện của nền kinh tế, được “dẫn dắt” bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, ít có sự tham gia và điều tiết của chính phủ. Quá trình hình thành các ngành CNHT ở các quốc gia này diễn ra tuần tự, theo sự phát triển của các ngành công nghiệp then chốt. Giai đoạn đầu tiên, với đặc điểm của nền công nghiệp thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các doanh nghiệp chủ yếu phát triển theo mô hình tập đoàn lớn, đảm nhận hầu hết các hoạt động trong một chu trình sản xuất sản phẩm. Chiến lược mà các tập đoàn này áp dụng là tăng cường lợi thế về quy mô và năng lực sản xuất tập trung, sử dụng mô hình “in-house” nhằm tạo ra các sản phẩm có giá thành rẻ và chất lượng cạnh tranh. Điển hình là các công ty ôtô như Ford, GM hay các công ty sản xuất máy tính và thiết bị điện tử như IBM và AT&T. Với đặc điểm sản xuất như vậy, việc hình thành các doanh nghiệp hỗ trợ khá lâu dài và không tạo thành một khu vực sản xuất độc lập trong nền kinh tế. Chuyển sang nửa cuối của thế kỷ 20, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp, các áp lực về chuyên môn hóa và chi phí làm cho các doanh nghiệp lớn phải xem xét lại các chiến lược kinh doanh. Với sự phát triển của các quốc gia mới nổi và các nền kinh tế khác, đặc biệt là ở châu Á và châu Mỹ La tinh, các doanh nghiệp lớn chuyển dần sang mô hình sản xuất mô-đun, xu hướng giảm quy mô (downsizing) và chuyển sang thuê ngoài (out-sourcing) nhằm tiết kiệm chi phí, gia tăng tính linh hoạt của tổ chức và tăng cường sức mạnh cạnh tranh. Kết quả tất yếu của xu hướng này là việc hình thành thị trường tổ chức (B2B-business to business) đóng vai các nhà thầu phụ và nhà cung cấp hoạt động theo sự điều tiết của các quy 1 Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009 Kĩ thuật – Công nghệ luật thị trường. Mặt khác, các chính phủ theo trường phái tự do hạn chế tới mức tối đa sự can thiệp vào thị trường. Vì vậy, sự hình thành và phát triển của CNHT chỉ tập trung vào một số ngành (điện tử, cơ khí) hoặc một số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Mô hình phát triển tự phát này chỉ tồn tại trong một số điều kiện nhất định ở thời kì đầu của công nghiệp hóa. Khởi đầu, với đặc điểm là các nước tiến hành công nghiệp hóa đầu tiên trên thế giới, họ không có nhiều các mô hình đi trước để học hỏi và tham khảo. Việc quản lý công nghiệp chủ yếu được xem xét trên lợi thế so sánh quốc gia, thực hiện các chiến lược về tập trung hóa theo ngành để đạt được lợi thế cạnh tranh. Thêm vào đó, với đặc điểm về công nghệ, năng lực sản xuất và quản lý thời kì đó cũng không cho phép sự liên kết sâu rộng trong quá trình sản xuất. Đồng thời, các chính phủ, với niềm tin vào sự điều tiết của thị trường, đã để cho các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển tự phát, không có những can thiệp sâu vào quá trình này. Chính điều này tạo ra một nền CNHT vận hành tương đối nhịp nhàng theo nhu cầu thị trường. Ngày nay, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách tự phát không đem lại hiệu quả mong muốn. Các quốc gia đến sau phải tiến hành công nghiệp hóa trong thời gian ngắn, không có điều kiện để chờ “thị trường tự điều chỉnh” như trong quá khứ. Với áp lực cạnh tranh toàn cầu, nếu không có những tác động tích cực từ phía chính phủ, các quốc gia có thể đánh mất khả năng tham gia vào chuỗi phân công lao động quốc tế. 2.2. Mô hình công nghiệp hỗ trợ dựa trên chiến lược kéo Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo mô hình này được khởi xướng đầu tiên ở các nước phát triển thuộc thế hệ thứ 2 như Nhật Bản. Với nhận thức các yêu cầu và thách thức trong cạnh tranh toàn cầu, Nhật Bản đã cố gắng xây dựng một nền công nghiệp mạnh dựa trên cấu trúc tích hợp. Bằng việc sử dụng các chính sách thúc đẩy thị trường các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào quá trình sản xuất linh phụ kiện và trở thành các đối tác lâu dài của các doanh nghiệp lớn, Nhật Bản đã tạo nên một nền công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ, bộ đệm của nền sản xuất công nghiệp chất lượng cao trong quá trình cạnh tranh toàn cầu. Sau chiến tranh thế giới thứ II, hệ thống công nghiệp trong nước bị tàn phá nặng nề, chính phủ Nhật Bản đã sử dụng hàng loạt các chính sách điều tiết từ vĩ mô đến các chương trình kích thích nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp thầu phụ và khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất chính trong nước. Dưới góc nhìn tổng quát, đây là việc sử dụng các khuyến khích để các doanh nghiệp lớn tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước, tạo ra một thị trường lành mạnh và có lợi cho các nhà cung cấp, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào CNHT. Đầu tiên, Nhật Bản sử dụng chiến lược hỗ trợ và giảm giá đồng Yên. Trong một thời gian dài từ những năm 60 - 80 của thế kỷ XX, chiến lược này đã phát huy tác dụng rất tốt cho tổng thể nền kinh kế, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ. Với việc đồng Yên được định giá thấp hơn, các linh phụ kiện khi mua của các doanh nghiệp trong nước sẽ có chi phí thấp hơn so với mua ở nước ngoài. Các công ty đa quốc gia (MNC) với thị trường chính là xuất khẩu sẽ có lợi lớn khi thực hiện các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp trong nước, mua linh kiện với giá rẻ và bán ra nước ngoài với giá cao. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp lớn tìm kiếm các đối tác trong nước, tạo ra một thị trường cung cấp linh phụ kiện hấp dẫn. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách để bảo vệ và thúc đẩy các SME tham gia vào khu vực thị trường này. Điển hình là Luật về hợp tác với các SME năm 1949 hay Luật xúc tiến doanh nghiệp thầu phụ vừa và nhỏ năm 1970. Ngoài ra, hàng loạt các cơ quan và các chương trình của chính phủ được lập ra để 2 Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009 Kĩ thuật – Công nghệ thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và các nhà cung cấp nhỏ như hỗ trợ về thông tin, hỗ trợ về nhân lực hay phương pháp quản lý,... Các chính sách trên đã thực sự phát huy tác dụng và tạo ra một hệ thống liên kết các doanh nghiệp công nghiệp Nhật Bản cho đến những năm 1980, khi đồng Yên bắt đầu được thả nổi và tăng giá trên thị trường. Hiện nay, để đối phó với chi phí sản xuất cao trong nước, các doanh nghiệp đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài để chuyển các hoạt động sản xuất ra nước ngoài, trong đó có sản xuất linh phụ kiện. Chiến lược kéo được thực hiện thành công tại Nhật Bản do nhiều nguyên nhân, từ điều kiện thực tế của đất nước đến sự phối hợp và điều hành rất tốt các chiến lược phát triển công nghiệp. Các chính sách phát triển công nghiệp nội địa phục vụ xuất khẩu cũng không gây ra các trở ngại đáng kể trong quan hệ kinh tế quốc tế (mặc dù cũng gây ra khá nhiều xung đột thương mại với Mỹ). Ngoài ra, phải kể đến sự phối hợp và điều hành rất hiệu quả của chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và thực thi các chiến lược công nghiệp quốc gia. Kinh nghiệm về việc sử dụng chiến lược kéo này đã được một số nước học tập như Đài Loan, Thái Lan. 2.3. Mô hình công nghiệp hỗ trợ dựa trên chiến lược đẩy Điển hình của việc thực hiện chiến lược đẩy là Hàn Quốc. Quốc gia này, với nhận thức các điều kiện kinh tế xã hội đặc trưng trong điều kiện cạnh tranh quốc tế gay gắt (với đối thủ là Nhật Bản) đã thực hiện một số các chính sách quyết liệt để thúc đẩy công nghiệp trong nước, đặc biệt là CNHT. Ngược với cách thức của Nhật Bản, xây dựng các điều kiện cho sự phát triển tự nhiên của thị trường cung cấp linh phụ kiện và sau đó sử dụng lực hút của thị trường để kéo các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các hoạt động CNHT, chính phủ Hàn Quốc sử dụng các biện pháp thiên về chính sách bắt buộc, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn trong nước phải thực hiện các liên kết với các doanh nghiệp nhỏ, các nhà cung cấp trong nước. Điểm rõ nét nhất của chiến lược này là các quy định về nội địa hóa. Với việc quy định chặt chẽ các điều khoản về nội địa hóa, các tập đoàn kinh tế lớn và các công ty nước ngoài phải thực hiện việc chuyển giao công nghệ sản xuất linh phụ kiện cho các công ty liên doanh trong nước và các SME. Hàn Quốc đã triển khai hai chương trình 5 năm về nội địa hóa từ năm 1987 - 1996. Theo chương trình này, có khoảng 7000 linh phụ kiện được chỉ định phải nội địa hóa. Chiến lược đẩy của Hàn Quốc và Đài Loan áp dụng cũng phát huy tác dụng nhưng không hoàn toàn. Hàn Quốc đã thành công với chiến lược này với ngành công nghiệp ôtô, tuy nhiên lại không thành công trong công nghiệp điện và điện tử. Ngày nay, các điều kiện để có thể thực hiện được chiến lược đẩy cũng đã trở nên khó khăn hơn do các điều khoản về mở cửa thị trường, mậu dịch tự do của các hiệp định thương mại quốc tế. Các nước vẫn có thể sử dụng các chính sách này thông qua các giải pháp phi thuế, hỗ trợ vốn vay hoặc kĩ thuật. 2.4. Mô hình công nghiệp hỗ trợ tổng hợp Cả hai chiến lược, chiến lược kéo với việc sử dụng các chính sách “mềm” và chiến lược đẩy, sử dụng các chính sách “cứng”, có các ưu và nhược điểm và chỉ thành công trong một số điều kiện nhất định của nền kinh tế cũng như bối cảnh thế giới. Các quốc gia không sử dụng thuần túy một chiến lược kéo hay đẩy mà phối hợp các chính sách này để có được hiệu quả cao nhất, hạn chế được những tiêu cực trong quá trình phát triển công nghiệp, điển hình là Đài Loan, Malaysia và Thái Lan. Các quốc gia đến sau, nhận thức được vị thế và điều kiện cạnh tranh của mình cùng với kinh nghiệm của các nước khác đã xây dựng cho mình những chiến lược phát triển công nghiệp 3 Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009 Kĩ thuật – Công nghệ hỗ trợ linh hoạt và mềm dẻo hơn. Chiến lược này tập trung vào: (1) tạo dựng các điều kiện thị trường như kêu gọi đầu tư nước ngoài vào khu vực lắp ráp, tạo ra các lợi thế về chi phí để thu hút và thúc đẩy các MNC tìm kiếm các đối tác trong nước, (2) xây dựng các điều kiện để phát triển các SME và (3) thiết lập các hỗ trợ về thông tin, nguồn nhân lực, pháp lý cho việc hình thành và phát triển các liên kết kinh doanh và thị trường linh phụ kiện. 3. Các điều kiện cần thiết để phát triển CNHT Trên cơ sở những phân tích về con đường phát triển CNHT thế giới và các kinh nghiệm trong việc xây dựng một nền CNHT vững mạnh, chúng ta có thể rút ra một số các điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Những điều kiện này bao gồm các điều kiện hạ tầng nền công nghiệp (khả năng cung ứng của thị trường đầu vào), các điều kiện về nhu cầu thị trường, môi trường và các thể chế hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành này. 3.1. Điều kiện hạ tầng nền công nghiệp a. Cơ cấu công nghiệp Điều kiện đầu tiên về hạ tầng công nghiệp cho sự phát triển của CNHT Việt Nam là việc hình thành một cơ cấu công nghiệp theo hướng hiện đại với sự xuất hiện của các ngành công nghiệp chính. Hiện nay, công nghiệp nước ta đang mất cân đối về cơ cấu giữa công nghiệp cơ khí, lắp ráp và chế biến đã gây ra những khó khăn khi phát triển CNHT bởi vì khá nhiều các hoạt động CNHT được hình thành trên cơ sở phát triển chung của các ngành công nghiệp này. Sự yếu kém của ngành công nghiệp luyện kim - điều kiện cần cho công nghiệp cơ khí - đã gây ra những trở ngại đáng kể cho công nghiệp cơ khí, do đó dẫn đến những hạn chế về khả năng phát triển của các ngành sản xuất phụ kiện máy móc cho công nghiệp lắp ráp ôtô, xe máy. Thêm vào đó, nước ta đang cân đối giữa khu vực thượng nguồn (sản xuất và cung ứng các nguyên vật liệu chủ chốt như sắt, thép, nhựa, hóa chất, cao su,...) và hạ nguồn (công nghiệp chế biến, chế tạo và lắp ráp như xe máy, ôtô, điện, điện tử,..) làm hạn chế khả năng phát triển các ngành CNHT. b. Các hoạt động công nghiệp cơ bản Điều kiện thứ hai đối với hạ tầng công nghiệp là sự phát triển của một số hoạt động công nghiệp cơ bản. Những hoạt động công nghiệp cơ bản như luyện kim, cao su, hóa chất, nhựa, mạ, đúc,... có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành và phát triển CNHT, nhưng đối với Việt Nam, các ngành này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển CNHT do sự hạn chế về nguồn lực, công nghệ và nhân lực. c. Năng lực sản xuất và tham gia phân công lao động quốc tế Các quốc gia với nền công nghiệp có năng lực sản xuất dồi dào (vốn, công nghệ, nhân lực và trình độ quản lý), tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành CNHT. Ngược lại, nếu một quốc gia không tự tăng cường năng lực sản xuất, tạo dựng lợi thế về chi phí hoặc công nghệ để có thể thu hút các MNC thì sẽ rất khó khăn trong việc xây dựng CNHT. Trong điều kiện cạnh tranh quốc tế, dưới áp lực về tối thiểu hóa chi phí và tăng cường năng lực cạnh tranh, các MNC sẽ tìm kiếm các quốc gia có được các lợi thế và các điều kiện sẵn sàng tốt nhất để đầu tư. Đặc biệt, năng lực sản xuất của các SME là một trong những điều kiện then chốt cho sự phát triển của CNHT. Sự phát triển công nghiệp của Đài Loan, Malaysia và Trung Quốc là bằng chứng thuyết phục cho điều này. 3.2. Điều kiện thị trường 4 Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009 Kĩ thuật – Công nghệ Song song với các điều kiện về hạ tầng công nghiệp, sự hình thành một thị trường “các hoạt động hỗ trợ” là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của CNHT. Các điều kiện về thị trường bao gồm: nhu cầu thị trường hàng hóa trung gian, khả năng liên kết của các doanh nghiệp trong nền kinh tế và các lợi thế thị trường cho lựa chọn chiến lược của các doanh nghiệp. a. Nhu cầu thị trường linh phụ kiện Một trong những điều kiện cơ bản để hình thành CNHT là sự xuất hiện nhu cầu về các sản phẩm và hàng hóa trung gian - thị trường các hoạt động hỗ trợ. Nhu cầu này được hình thành khi có các doanh nghiệp lớn hoạt động trong khu vực hạ nguồn như các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo và lắp ráp. Các doanh nghiệp nước ngoài hợp lý hóa hoạt động kinh doanh bằng cách chọn các khu vực sản xuất có lợi thế về chi phí hoặc công nghệ thường có nhu cầu sử dụng các nguồn lực sẵn có và tại chỗ. Đây sẽ là thị trường lớn cho các doanh nghiệp hỗ trợ địa phương. Tuy nhiên, thị trường các hàng hóa trung gian này phải đảm bảo các yêu cầu về quy mô, điều kiện công nghệ và tập quán kinh doanh. Quy mô thị trường phải đủ lớn và ổn định để lôi kéo các doanh nghiệp tham gia vào khu vực cung ứng; không có sự chênh lệch quá lớn về công nghệ giữa các doanh nghiệp chế tạo, lắp ráp và khả năng cung ứng của các SME địa phương. Ngoài ra, quy mô thị trường linh phụ kiện phụ thuộc nhiều vào quy mô hoạt động của các doanh nghiệp hạ nguồn. Nếu các MNC thực hiện chiến lược thâm nhập thị trường nội địa với quy mô nhỏ, thì khả năng phát triển CNHT sẽ có giới hạn. Các doanh nghiệp này sẽ không quá mặn mà với việc tập trung chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới thầu phụ và các nhà cung cấp linh kiện, mà chỉ tập trung vào khai thác và tận dụng các điều kiện sẵn có. Đây chính là bài học của công nghiệp ôtô Việt Nam. b. Khả năng liên kết Điều kiện thứ hai về mặt thị trường là khả năng hình thành các liên kết lâu dài giữa các MNC và các SME. Những đặc điểm của các thị trường mới nổi như là sự chênh lệch khá lớn về công nghệ và khả năng quản lý, sự hạn chế về thông tin, pháp luật và các rào cản đến từ văn hóa và tập quán kinh doanh khác biệt sẽ là những trở ngại cho việc thiết lập các quan hệ liên kết lâu dài. Nếu các liên kết không được đảm bảo lâu dài giữa các MNC và các SME, thì khả năng lôi kéo SME vào hoạt động hỗ trợ sẽ rất khó khăn. Mặt khác, điều này cũng sẽ hạn chế việc chọn lựa đối tác của các MNC. c. Điều kiện về lợi thế so sánh Đây là điều kiện có vai trò tạo dựng các động cơ để các nhà chế tạo và lắp ráp thực hiện các chiến lược nội địa hóa và thuê mua ngoài. Động cơ cơ bản nhất để các MNC chọn lựa các chiến lược này sẽ là các lợi thế so sánh về chi phí, công nghệ và quy trình mà chiến lược sử dụng nội địa hóa và thuê mua bên ngoài có thể mang lại. Nếu trong điều kiện chi phí cho việc thuê mua từ các doanh nghiệp tại chỗ có lợi thế hơn việc tự sản xuất hay thuê mua từ nước ngoài thì đây sẽ là động lực để các nhà sản xuất tiến hành các hoạt động chuyển giao công nghệ, ký kết hợp tác kinh doanh, tìm kiếm đối tác. Ngoài ra, nếu việc sử dụng các doanh nghiệp tại chỗ sẽ có lợi từ việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình và công nghệ sản xuất thì đây cũng là động cơ để các doanh nghiệp chế biến, lắp ráp tham gia vào thị trường sản phẩm hỗ trợ, đặc biệt, các doanh nghiệp trong các ngành da, dệt may, hóa chất, đóng tàu thường rất quan tâm đến các lợi thế về công nghệ và quy trình. 3.3. Điều kiện về thể chế và môi trường 5 Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009 Kĩ thuật – Công nghệ Ngoài các điều kiện về thị trường và khả năng cung ứng của nền công nghiệp, các thể chế và môi trường cũng là các điều kiện cần cho sự phát triển CNHT. a. Điều kiện về pháp luật Để phát triển CNHT, các quy định về pháp luật để đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên tham gia vào thị trường các sản phẩm trung gian, khắc phục các thất bại của thị trường là cực kì cần thiết. Chính phủ cần có các quy định cụ thể để bảo vệ lợi ích của các SME trong các điều khoản thương lượng với các MNC cũng như các điều kiện pháp luật để ràng buộc trách nhiệm của các SME này. Đặc biệt, các quy định của pháp luật phải tương thích với các điều kiện của luật kinh doanh quốc tế để đảm bảo khả năng hội nhập của các doanh nghiệp hỗ trợ. b. Điều kiện về thông tin Một trong các thất bại lớn nhất của thị trường tổ chức là sự thiếu hụt về thông tin. Để có thể phát triển CNHT, cần phải có một hệ thống cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và hiệu quả cho các doanh nghiệp hạ nguồn và doanh nghiệp hỗ trợ. Kinh nghiệm cho thấy rằng, nếu thiếu một hệ thống thống kê công nghiệp đủ mạnh, một cơ chế công bố và chia sẻ thông tin hiệu quả, thì các chính sách hỗ trợ của chính phủ đối với CNHT thường không phát huy được tác dụng. Khả năng tiếp cận thông tin và sự sẵn sàng của các nguồn thông tin chính thống và đầy đủ là một trong những điều kiện tối quan trọng cho sự phát triển của CNHT. c. Các ràng buộc và hỗ trợ Ngoài tất cả các điều kiện trên, phải kể đến các ràng buộc và các hỗ trợ từ phía chính phủ. Việc hình thành và phát triển CNHT một cách tự phát không thể tái diễn trong điều kiện kinh tế thế giới hiện tại. Các quốc gia phải sử dụng các chính sách tích cực hơn và can thiệp mạnh hơn vào quá trình công nghiệp hóa. Sự điều phối các nguồn lực, các chính sách ưu đãi, những chương trình hỗ trợ là rất cần thiết để các ngành CNHT có thể phát triển nhanh và đúng hướng. d. Nguồn nhân lực Cuối cùng, sự sẵn sàng của nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp cũng như các doanh nghiệp hỗ trợ sẽ là một trong các điều kiện cơ bản cho sự phát triển của hai khối doanh nghiệp này. Sự thiếu hụt các nguồn nhân lực đáp ứng đủ điều kiện sẽ làm cho khả năng phát triển của cả hai khối doanh nghiệp này kém đi, dẫn đến việc hình thành các ngành CNHT gặp khó khăn. Vai trò của các tổ chức nghiên cứu, tư vấn hỗ trợ về thông tin và các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực cũng sẽ là điều kiện cơ bản để phát triển CNHT. 4. Các nhân tố thúc đẩy sự phát triển của CNHT Từ việc phân tích các điều kiện cần thiết cho sự phát triển CNHT, kết hợp với các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, chúng ta có thể rút ra các nhân tố thúc đẩy sự phát triển CNHT của Việt Nam. 4.1. Quy mô thị trường thu mua và thuê ngoài của các doanh nghiệp hạ nguồn Quy mô của thị trường thu mua và thuê ngoài có vai trò then chốt nhất cho sự phát triển của CNHT. Nếu thị trường này đủ lớn, sẽ thu hút các doanh nghiệp tham gia cung ứng các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ. Qua đó, các doanh nghiệp lớn (MNC) sẽ điều kiện và khả năng hơn trong việc tìm kiếm đối tác, chuyển giao công nghệ, thiết lập các liên kết kinh doanh. Quy mô 6 Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009 Kĩ thuật – Công nghệ của thị trường thu mua và thuê ngoài phụ thuộc vào: số lượng, đặc điểm quy trình công nghệ và quản lý của các doanh nghiệp thu mua và thuê ngoài (MNC), quy mô sản xuất và thị trường phục vụ cho các MNC. - Lợi thế so sánh Lợi thế so sánh về chi phí sản xuất hay tối ưu hóa quy trình công nghệ khi thực hiện hoạt động thuê mua tại chỗ sẽ là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp lớn tham gia vào liên kết kinh doanh, chuyển giao công nghệ và phát triển mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ của mình. Các lợi thế so sánh có thể bao gồm: lợi thế về chi phí vận tải, chi phí nguyên vật liệu tại chỗ, chi phí nhân công, các hỗ trợ về thuế và ưu đãi, đặc điểm của nguyên liệu và thời gian bảo quản, và mạng lưới phân phối. - Sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiêp chủ đạo Sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp lớn sẽ thúc đẩy sự phát triển của CNHT. Số lượng và quy mô hoạt động của các doanh nghiệp này tạo ra thị trường thu mua và thuê ngoài. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp, trong quá trình sản xuất của mình sẽ tập hợp xung quanh nó một mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ và vừa có liên quan. Đây là nguồn quan trọng cho việc chuyển giao công nghệ và hình thành các mạng lưới cung cấp, thuê ngoài hay dịch vụ hỗ trợ. Việc thu hút được các doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo, chế biến hay lắp ráp sẽ có tác động mạnh đến sự phát triển của các doanh nghiệp hỗ trợ. - Sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Số lượng và chất lượng của các SME sẽ là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của CNHT. Sự phát triển của khu vực kinh tế này, với vai trò là lực lượng chính của CNHT sẽ tạo ra sự sẵn sàng cho việc tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp lớn, hình thành các doanh nghiệp hỗ trợ. Năng lực về vốn, công nghệ và khả năng quản lý của các SME càng cao thì khả năng tham gia liên kết với các doanh nghiệp lớn càng dễ dàng hơn. - Tập quán kinh doanh liên kết Việc hình thành và cổ vũ cho tập quán kinh doanh dựa trên sự hợp tác dài hạn, liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ tạo để tạo lập các mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp. Các hoạt động trao đổi và chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy sự hình thành các cơ hội liên kết kinh doanh, phát triển các doanh nghiệp trung gian và hợp tác. Đây là một trong những con đường hình thành các doanh nghiệp hỗ trợ trên thế giới. - Thể chế và chính sách hỗ trợ CNHT Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc tạo ra các điều kiện cho việc phát triển CNHT. Các chính sách thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp hạ nguồn hay các doanh nghiệp hỗ trợ như sự hỗ trợ về thông tin, vốn, các điều khoản liên kết kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy và củng cố sự phát triển của các doanh nghiệp này, qua đó thúc đẩy sự phát triển của CNHT. - Chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia Đây được xem như một nhân tố có tính lâu dài và có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của các ngành CNHT. Các quyết định chiến lược cũng như việc lựa chọn các chính sách thực hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các điều kiện cần cũng như các nhân tố thúc đẩy CNHT trên đây. Đặc biệt, việc chọn lựa các chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia sẽ ảnh hưởng 7 Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009 Kĩ thuật – Công nghệ trực tiếp đến cơ cấu công nghiệp, quá trình nội địa hóa, thị trường thu mua và thuê ngoài, các liên kết kinh tế, đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, có một số đề xuất cho việc lựa chọn chiến lược phát triển CNHT của Việt Nam. Quan điểm thứ nhất, theo các chuyên gia tư vấn Nhật Bản, Việt Nam cần tập trung phát triển CNHT từng bước trên cơ sở phát triển khu vực hạ nguồn (gia công, lắp ráp) theo quy trình 3 bước: (1) Thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành gia công lắp ráp; (2) Khi nhu cầu về CNHT tăng mạnh, thu hút FDI và đầu tư trong nước vào các ngành CNHT cung cấp nguyên vật liệu cho các công ty nước ngoài; (3) Nâng cao nội lực thông qua chuyển giao công nghệ từ đầu tư nước ngoài. Theo quy trình 3 bước này, việc hình thành và phát triển CNHT sẽ kéo dài trong nhiều năm với nền tảng là thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Điều đó cũng có nghĩa là, những vấn đề bức xúc của khu vực hạ nguồn không thể sớm được giải quyết. Quan điểm thứ hai cho rằng: Việt Nam cần phát triển các ngành phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu (may mặc, giầy dép, lắp ráp ôtô, xe máy, điện tử dân dụng), xuất phát từ tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài về nguyên vật liệu, giá trị gia tăng từ sản xuất trong nước và hiệu quả của sản xuất và xuất khẩu thấp. Theo chúng tôi, việc phát triển CNHT của Việt Nam không thể thực hiện theo cách dàn trải cho tất cả các ngành, mà cần phải phân chia thành các nhóm ngành để xác định bước đi thích hợp với những trọng tâm trong từng giai đoạn phát triển. Trước hết, cần phát triển mạnh các ngành CNHT có nhu cầu lớn, trình độ công nghệ không cao, mức đầu tư không lớn và có thể phát triển ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là các cơ sở sản xuất các loại bao bì, nhãn mác được sử dụng rộng cho nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn (may mặc, giầy dép, thực phẩm). Đồng thời, tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại hóa, mở rộng quy mô sản xuất cho các cơ sở sản xuất nguyên, phụ liệu có nhu cầu lớn, trình độ công nghệ phức tạp, mà việc đầu tư mới đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn, thời hạn xây dựng dài. Đó là các nhà máy hiện có trong công nghiệp sợi dệt, chỉ khâu, khóa kéo, sản xuất phôi thép, sản xuất một số loại phụ tùng, phụ kiện cho công nghiệp ôtô, xe máy. Kết luận Lịch sử phát triển CNHT thế giới đã chỉ ra nhiều con đường khác nhau để xây dựng các ngành CNHT. Có thể để các ngành này phát triển một cách tự phát theo sự điều tiết của thị trường, hoặc sử dụng các chính sách bắt buộc và chặt chẽ để thúc đẩy các doanh nghiệp lớn tiến hành các hoạt động nội địa hóa, hoặc cũng có thể sử dụng các chính sách phát triển thị trường hàng hóa trung gian để thu hút các doanh nghiệp tham gia hay sự phối hợp tổng hòa các chiến lược trên. Mỗi chiến lược sẽ có những ưu thế và hạn chế khác nhau phụ thuộc vào điều kiện kinh tế đặc thù của mỗi quốc gia. Việc chọn lựa con đường phát triển CNHT cho các ngành công nghiệp then chốt phải xem xét các điều kiện nền tảng cho sự phát triển các ngành công nghiệp này. Các điều kiện nền tảng đó bao gồm: các điều kiện về phía cung (các doanh nghiệp tham gia cung ứng trong thị trường hàng hóa hỗ trợ), các điều kiện thị trường (các yếu tố tạo nên sức cầu đối với các hàng hóa hỗ trợ) và các điều kiện môi trường. Ngoài ra, cũng cần nhận diện các nhân tố chủ yếu có thể thúc đẩy sự phát triển của các ngành CNHT. Việc nhận diện và đánh giá đúng các yếu tố này sẽ giúp cho việc thiết lập các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ hiệu quả hơn Tóm tắt 8 Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009 Kĩ thuật – Công nghệ Bài viết đề cập đến các mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên thế giới và khả năng ứng dụng vào điều kiện Việt Nam; nhận diện và phân tích các yếu ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ theo quan điểm lý thuyết về lợi thế cạnh tranh vùng và lý thuyết về hệ sinh thái kinh doanh. Từ đó, đưa ra một số gợi ý chính sách liên quan đến việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Summary The determinants of supporting industry development in Vietnam This paper mentions the models of supporting industry development in the world and its applicable to Vietnam context; identifies and analyses the determinants of developing supporting industries from the theoretical perspective of regional competitive advantages and ecology business. Hence, this paper offers policy implications relating to Vietnam’s supporting industry development. Tài liệu tham khảo [1]. Quyết định 34/2007/QĐ-BCN. Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. [2]. Vietnam Development Forum (VDF). Supporting industries in Vietnam: From the perspective of Japanese manufacturing firms, VDF Policy Note No. 2, Tokyo VDF,2006. [3]. Le The Gioi, Đang Cong Tuan (2004). Globalization and Supporting Industries Promotion in Vietnam - An empirical approach for Development. Annual Buletin of The Institute for Industrial Research of Obirin University (Tokyo, Japan), N.22, p. 116-148. 9

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfcac_yeu_to_anh_huong_den_su_phat_trien_cua_cong_nghiep_ho_tr.pdf
Tài liệu liên quan