Phân tích khả năng sinh lợi của nghề nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Quảng Ngãi

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù nghề nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở Quảng Ngãi hiện tương đối hấp dẫn các nhà sản xuất nhưng dưới lăng kính bền vững thì nghề nuôi này đã bắt đầu bước vào trạng thái bão hòa, phần lớn sự hấp dẫn của ngành đến từ việc chưa tính toán đến ngoại tác tiêu cực ra môi trường. Khác với các ngành sản xuất công nghiệp như xi măng hay giấy, chính Ni-tơ dư thừa này lại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nuôi tôm trong cả ngắn và dài hạn. Chính vì thế, các nhà quản lý, nhà khoa học và các tổ chuyên môn và đặc biệt là trung tâm Khuyến nông có thể sử dụng thông tin từ nghiên cứu này để khuyến cáo người nuôi nhằm giúp hiểu rõ bản chất khả năng sinh lợi trong sản xuất. Kiến thức này sẽ giúp người nuôi quản trị quá trình nuôi tốt hơn và có các quyết định chính xác về đầu tư trong ngắn và dài hạn nhằm đạt được sự phát triển bền vững của nghề nuôi.

pdf9 trang | Chia sẻ: linhmy2pp | Ngày: 23/03/2022 | Lượt xem: 171 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích khả năng sinh lợi của nghề nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Quảng Ngãi, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Số 2/2016 32 • TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG PHÂN TÍCH KHẢ NĂNG SINH LỢI CỦA NGHỀ NUÔI THÂM CANH TÔM THẺ CHÂN TRẮNG TẠI TỈNH QUẢNG NGÃI PROFITABILITY ANALYSIS FOR THE INTENSIVE WHITE LEG SHIRMP FARMING IN QUANG NGAI PROVINCE Lê Kim Long1, Phạm Thị Thanh Bình2 Ngày nhận bài: 27/02/2016; Ngày phản biện thông qua: 16/5/2016; Ngày duyệt đăng: 15/6/2016 TÓM TẲT Nghiên cứu đo lường khả năng sinh lợi của nghề nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Quảng Ngãi dựa trên các chỉ tiêu: (i) thặng dư của người sản xuất, (ii) lợi nhuận của người sản xuất, (iii) lợi nhuận ròng. Mẫu khảo sát gồm 62 hộ nuôi với diện tích là 45 ha chiếm tỉ lệ khoảng 23% tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh của Quảng Ngãi. Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù nghề nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở Quảng Ngãi là tương đối hấp dẫn đối với các nhà sản xuất nhưng dưới lăng kính bền vững thì nghề nuôi này đã bắt đầu bước vào trạng thái bão hòa, phần lớn sự hấp dẫn của ngành đến từ việc chưa tính toán đến ngoại tác tiêu cực ra môi trường. Hơn nữa, với thực trạng công nghệ nuôi trồng thủy sản hiện tại ở Quảng Ngãi, kết quả khảo sát cho thấy nuôi tôm thâm canh với mật độ cao hơn 150 con/m2 mặc dù có xu hướng cho doanh thu lớn nhưng khả năng sinh lợi lại thấp và đặc biệt lượng ô nhiễm phát thải cũng rất lớn. Đây chính là thời điểm các nhà quản lý cần nghiên cứu và ban hành các chính sách nhằm từng bước nội sinh hóa chi phí môi trường vào quá trình sản xuất để tiến tới một nền sản xuất chuyên nghiệp và bền vững. Các hỗ trợ người nuôi như phát triển công nghệ, triển khai kỹ thuật nuôi và hỗ trợ vốn sản xuất cũng là những giải pháp cần được chú trọng. Từ khóa: khả năng sinh lời, tôm thẻ chân trắng, nuôi thâm canh, Quảng Ngãi ABSTRACT This study analyzes profi tability for the intensive white leg shrimp farming in Quang Ngai province based on 3 indicators: (i) producer’s surplus, (ii) producer’s profi t and (iii) net profi t per ha. A total of 62 shrimp farmers praticing intensive aquaculture with the area of 45 ha (about 23% of the intensive white leg shrimp farming in Quang Ngai province) were randomly surveyed. The result shows that the intensive white leg shrimp farming in Quang Ngai province is quite promising for producers if the negative effect on environment is neglecged. The steady state due to open-acess mechanism for this aquaculture has, however, been reached. Furthermore, given existing technology, although farmimg with high density (above 150 individuals per m2) has more revenue, its profi tability is rather low – expencially inducing more poluttion. For sustainable development, policies for endogenousing environment costs into production process should be considered by policy makers and managers. Farmer supports such as technology development, technique training and fi nance are also focussed. Keywords: profi tability, white shrimp, intensive farming, Quang Ngai 1,2 Khoa Kinh tế - Trường Đại học Nha Trang THOÂNG BAÙO KHOA HOÏC Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Số 2/2016 TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG • 33 I. ĐẶT VẤN ĐỀ Từ năm 2001, tôm thẻ chân trắng đã bắt đầu trở thành đối tượng nuôi quan trọng đối với sự phát triển kinh tế vùng duyên hải, Việt Nam. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền trung và khu vực đồng bằng sông Mê-Kông với diện tích nuôi gia tăng nhanh chóng từ 13.455 hecta năm 2005 tới 22.192 hecta năm 2010 [8]. Đặc biệt, theo dữ liệu của VASEP, trong năm 2012, mặc dù diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ chiếm 5,9% diện tích nuôi thủy sản cả nước (hay 38.169 ha) nhưng sản lượng đạt tới 27,3% tổng sản lượng nuôi cả nước (177.817 tấn) [11]. Đến năm 2014, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cả nước đã đạt 98.866 ha (tính theo vụ nuôi) với tổng sản lượng là 324.581 tấn [9]. Quảng Ngãi là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Từ năm 2005 đến năm 2011, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng gia tăng nhanh chóng từ 190 ha lên 450 ha (tính theo vụ nuôi) và chiếm 97,5% diện tích nuôi trồng của toàn tỉnh trong năm 2011. Đến năm 2014, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của Quảng Ngãi đạt 1.029 ha (tính theo vụ nuôi). Trong đó, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh của Quảng Ngãi đạt 426 ha (tính theo vụ nuôi) hay 193 ha tính theo diện tích mặt nước nuôi (bình quân 2.2 vụ/năm) trong năm 2014 [7]. Việc dịch chuyển nhanh chóng từ nghề nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng là một xu thế tất yếu của người nuôi chuyển từ đối tượng rủi ro cao, sang đối tượng nuôi mới ít rủi ro hơn [7]. Sự dịch chuyển từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng bước đầu đã mang lại nhiều thành công. Tuy nhiên, việc chạy đua theo lợi nhuận, thiếu quy hoạch và không tuân thủ các quy định (mùa vụ nuôi, chất lượng giống, mật độ, quy trình chuẩn bị ao, các biện pháp phòng trị bệnh, xả thải sau khi nuôi) đã làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây thiệt hại đáng kể cho nhiều người nuôi trên khắp cả nước. Martinez & Leung (2004) và Bunting (2013) chỉ ra rằng nguồn gốc gây ô nhiễm trong nuôi tôm là là Ni-tơ và Phốt-pho phát thải (chủ yếu là Ni-tơ) do dùng thức ăn nuôi tôm quá mức. Đây chính là nguyên nhân làm thay đổi hệ sinh thái và ô nhiễm nguồn nước [1, 4]. Hiện nay, nghề nuôi trồng thủy sản vẫn được xem là sinh kế của người nghèo ở Việt Nam cũng như phần lớn các nước đang phát triển ở Châu Á [1]. Do vậy, vấn đề tính toán chi phí làm sạch môi trường do chất thải của nghề nuôi cũng như xác định đối tượng phải trả chi phí này vẫn chưa được quan tâm ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển ở Châu Á [6]. Với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng có quyền tiếp cận mở và việc dịch chuyển tự phát trong những năm qua, câu hỏi về tính bền vững của nghề nuôi thẻ chân trắng trở nên rất quan trọng đối với các nhà quản lý của Quảng Ngãi. Mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý cũng như các chủ hộ nuôi là khả năng sinh lợi của nghề nuôi. Dù vậy, khía cạnh tiếp cận và mối quan tâm lại không đồng nhất. Từ giác độ vi mô, các hộ nuôi tôm thường quan tâm nhất đến mục tiêu khả năng sinh lợi của nông hộ. Ở phạm vi quản lý ngành, các nhà hoạch định chính sách phải quan tâm cả mục tiêu hiệu quả về mặt kinh tế của nghề nuôi, đồng thời phải bảo vệ tài nguyên môi trường thiên nhiên để đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn. Do đó, phân tích khả năng sinh lợi của nghề nuôi ở các góc độ tiếp cận khác nhau là một nhu cầu bức thiết và phải thực hiện ngay nhằm giúp các nhà quản lý khuyến cáo chủ trang trại và đề ra các biện pháp, chính sách nhằm phát triển nghề nuôi bền vững. Việc phân tích khả năng sinh lợi của các đơn vị sản xuất từ các giác độ tiếp cận khác nhau nhằm đề xuất các chính sách phát triển bền vững đã được áp dụng rất rộng rãi để trong ngành nuôi trồng thủy sản. Ví dụ, Folke (1994) cho nghề nuôi cá hồi ở Thụy Điển [3]; Buschmann và ctg (1996) cho nghề nuôi biển ở Chi-lê [2]; và Irz & Mckenzie (2003) cho các hộ nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Pampaanga, Philippines [5]. Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Số 2/2016 34 • TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG Mục tiêu của nghiên cứu này là: phân tích khả năng sinh lợi của nghề nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng thương phẩm của tỉnh Quảng Ngãi dưới cả góc độ quan tâm của nhà sản xuất cũng như các nhà quản lý ngành để đề xuất một số khuyến nghị cho chính quyền và chủ nông hộ nhằm phát triển nghề nuôi bền vững. II. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 1. Cơ sở lý thuyết Nghiên cứu về khả năng sinh lợi với quy trình như sau [10]: Tổng doanh thu - Chi phí biến đổi = Thặng dư của nhà sản xuất - Chi phí cố định = Lợi nhuận của nhà sản xuất - Chi phí môi trường = Lợi nhuận ròng Khả năng sinh lợi của trại nuôi trong nghiên cứu được đo lường bằng các chỉ số: Thặng dư của nhà sản xuất/ha; Lợi nhuận sản xuất/ha và Lợi nhuận ròng/ha [10]. Chi phí môi trường được tính chính là chi phí cần bỏ ra để xử lý (làm sạch) hoàn toàn chất gây ô nhiễm (xem Folke, 1994; Buschmann và ctg, 1996) [2, 3]. Theo Martinez & Leung (2004), lượng Ni-tơ phát thải gây ô nhiễm trực tiếp ảnh hưởng đến việc nuôi tôm được tính theo công thức [4]: Ni-tơ gây ô nhiễm = Ni-tơ trong thức ăn - Ni-tơ tích lũy trong tôm - Ni-tơ bay hơi Ở Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển nói chung, nghề nuôi tôm vẫn được xem là sinh kế của người dân ven biển và được khuyến khích phát triển nên chi phí môi trường do phát thải ô nhiễm chưa được quan tâm đúng mức. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào công bố chi phí làm sạch Ni-tơ phát thải gây ô nhiễm của nghề nuôi trồng ở Việt Nam hay các nước Châu Á [6]. Do vậy, nghiên cứu này sử dụng mức chi phí trung bình để xử lý 1 kg Ni-tơ gây ô nhiễm trong nghề nuôi là 9,6 USD (giá trị nhỏ nhất là 6,4 USD và lớn nhất là 12,8 USD) được tính toán trong nghiên cứu của Folke (1994) để phân tích khả năng sinh lợi của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng của Quảng Ngãi [3]. Nhiều nghiên cứu cũng đã sử dụng kết quả của Folke (1994) trong phân tích khả năng sinh lợi của nghề nuôi trồng như Buschmann và ctg (1996) cho nghề nuôi cá biển ở Chi-Lê và Ly (2009) cho nghề nuôi tôm hùm ở Miền trung, Việt Nam [2, 6]. Hơn nữa, Ly (2009) cũng áp dụng cách tiếp cận đối chứng bằng cách tính toán ảnh hưởng của Ni-tơ phát thải đến năng suất của nghề nuôi tôm hùm để tìm ra “chi phí ẩn của Ni-tơ ô nhiễm”. Kết quả nghiên cứu cho thấy với mức giá tôm hùm bình quân giao động từ 21,4 - 45,2 USD/kg trong giai đoạn 2007 - 2009, chi phí ẩn của 1 kg Ni-tơ ô nhiễm giao động từ 9,9 - 21 USD. Cách tiếp cận này cho thấy mức chi phí môi trường do Ni-tơ ô nhiễm cao hơn nghiên cứu của Folke (1994) và phụ thuộc vào mức giá tôm hùm trên thị trường [6]. 2. Dữ liệu nghiên cứu 2.1. Địa bàn và qui mô nghiên cứu Đối tượng khảo sát là các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Quảng Ngãi, số lượng hộ nghiên cứu là 62 với tổng diện tích là 45ha chiếm khoảng 23% tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh toàn tỉnh trong năm 2014. 2.2. Phương pháp chọn mẫu nghiên cứu Phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản bằng cách dựa vào danh sách các hộ nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng, sau đó rút thăm ngẫu nhiên không lặp lại từ danh sách lập để chọn ra các hộ cần điều tra. Số liệu thu thập bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp chủ hộ. 3. Phương pháp phân tích dữ liệu Mô tả thống kê các chỉ số khả năng sinh lợi tiêu biểu trong phân tích kinh tế là: (i) Thặng dư của người sản xuất/ha; (ii) Lợi nhuận của nhà sản xuất/ha và Lợi nhuận ròng/ha. Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Số 2/2016 TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG • 35 Bảng 1 mô tả đặc trưng của mẫu nghiên cứu. Kết quả của mẫu cho thấy các hộ nuôi ở Quảng Ngãi có đặc điểm chính là: (i) diện tích bình quân là 0,74 ha (giá trị nhỏ nhất 0,2 ha và lớn nhất là 3 ha); (ii) mật độ nuôi bình quân là 144 con/m2 (giá trị nhỏ nhất 60 và lớn nhất là 330); (iii) năng suất bình quân năm là 22,86 tấn/ha (giá trị nhỏ nhất 8 và lớn nhất là 45 tấn); (iv) số vụ nuôi bình quân trong năm là 2,18 (giá trị nhỏ nhất 1 và lớn nhất là 3 vụ). Các đặc điểm này của mẫu có mức độ tương thích cao với Báo cáo về tình hình sản xuất tôm nước lợ năm 2014 của Quảng Ngãi (xem [7]). Việc thiết kế mẫu và kết quả của mẫu khảo sát đã được tham khảo với các chuyên gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi. Tính đại diện của mẫu, vì vậy, đảm bảo cho việc suy diễn cho tổng thể nghiên cứu. 2. Phân tích khả năng sinh lợi Kết quả về khả năng sinh lợi của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm tại tỉnh Quảng Ngãi năm 2014 được trình bày như trong bảng 2. III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 1. Đặc điểm của mẫu Bảng 1. Thống kê mô tả mẫu Tiêu chí ĐVT Trung bình Độ lệch chuẩn Giá trị lớn nhất Giá trị nhỏ nhất Diện tích/hộ ha 0,74 0,54 3,00 0,20 Mật độ nuôi con/m2 144 60 330 60 Năng suất/năm tấn/ha 22,86 8,58 45,00 8,00 Số ngày nuôi/vụ ngày 78 8 95 55 Số vụ/năm vụ 2,18 0,43 3,00 1,00 Bảng 2. Thống kê mô tả khả năng sinh lợi của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng Quảng Ngãi trong năm 2014 (ĐVT: Triệu VNĐ) Tiêu chí Trung bình Độ lệch chuẩn Giá trị lớn nhất Giá trị nhỏ nhất 1. Doanh thu/ha 2783 1107 5625 721 2. Chi phí biến đổi/ha 1956 702 3993 738 3. Thặng dư của nhà sản xuất/ha (3) = (1)-(2) 827 616 2049 -510 4. Chi phí cố định/ha 519 150 840 190 5. Lợi nhuận của người sản xuất/ha 307 561 1331 -1188 8. Ni-tơ gây ô nhiễm (kg) 719 352 1775 196 9. Chi phí môi trường/ha 145 71 358 39 10. Lợi nhuận ròng/ha 162 543 1214 -1316 (Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra). Theo lý thuyết kinh tế, các nhà sản xuất thường đưa ra quyết định tiếp tục sản xuất hay dừng lại trong ngắn hạn dựa trên cơ sở thặng dư của người sản xuất. Trong ngắn hạn, nếu thặng dư sản xuất lớn hơn định phí thì lợi nhuận của người sản xuất dương nên dĩ nhiên doanh nghiệp sẽ tiếp tục sản xuất; thặng dư sản xuất dương và nhỏ hơn định phí thì doanh nghiệp vẫn nên tiếp tục sản xuất vì định phí vẫn được bù đắp một phần; thặng dư sản xuất âm thì doanh nghiệp nên dừng sản xuất [10]. Bảng 2 cho thấy thặng dư của người sản xuất trung bình là 827 triệu đồng/ha và rõ ràng lớn hơn định phí (519 triệu đồng), với giá trị nhỏ nhất là -510 triệu đồng/ha, giá trị lớn nhất là 2049 triệu đồng/ha, độ lệch chuẩn là Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Số 2/2016 36 • TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG 616 triệu đồng. Kết quả này cho thấy (i) nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở Quảng Ngãi vẫn sẽ tiếp tục duy trì tái sản xuất (thặng dư sản xuất bình quân/hec-ta của nghề dương) dù một số trang trại nuôi có thể sẽ dừng sản xuất (khoảng 13% số hộ nuôi, xem bảng 3). Chỉ số lợi nhuận sản xuất trên tài sản đầu tư là chỉ số tổng hợp và quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp hay một ngành sản xuất. Chỉ số này càng cao cho thấy hiệu quả của họat động sản xuất càng lớn, và do vậy thành quả cho nỗ lực đầu tư và chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư càng lớn. Điều này sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho nhà đầu tư mở rộng sản xuất trong dài hạn [10]. Để đơn giản, nghiên cứu này sử dụng chỉ số lợi nhuận của nhà sản trên một đơn vị diện tích (ha) để tính toán và đánh giá hiệu quả sản xuất của các hộ nuôi. Mặc dù đây không phải là chỉ số tốt nhất để đo lường hiệu quả sản xuất của các hộ nuôi, nhưng đây là chỉ số rất thường được sử dụng trong phân tích hiệu quả sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp hay thủy sản - khi mà đất đai là tài nguyên rất quan trọng trong quá trình sản xuất (xem [5]). Kết quả tính toán trong bảng 2 cho thấy lợi nhuận bình quân của người sản xuất/ha của nghề nuôi tôm ở Quảng Ngãi trong năm 2014 là 307 triệu đồng, giá trị nhỏ nhất là - 1188 triệu đồng/ha, giá trị lớn nhất là 1331 triệu đồng/ha. Kết quả tính toán cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa giá trị nhỏ nhất và giá trị lớn nhất về lợi nhuận của nhà sản xuất thu được trên mỗi ha, đồng thời với độ lệch chuẩn lớn đã thể hiện sự khác biệt về hiệu quả kinh tế của việc nuôi tôm thẻ chân trắng giữa các nông hộ là rất lớn. Điều này ngụ ý nghề nuôi tôm thẻ chân trắng này có mức độ độ rủi ro cao (khoảng 29% hộ có lợi nhuận âm, xem bảng 3) nhưng cũng là nghề hấp dẫn do các hộ lãi có giá trị lợi nhuận lớn. Cụ thể hơn, với chu kỳ nuôi bình quân là 2,18 vụ trong năm 2014, lợi nhuận bình quân của người sản xuất là 307/2,18 = 140 triệu đồng cho mỗi vụ nuôi (khoảng 3 tháng). Tổng chi phí sản xuất cho mỗi vụ nuôi (một chu kỳ sản xuất) là (1956 + 519)/2,18 = 1135 triệu đồng. Do vậy, tỉ suất lợi nhuận bình quân trên tổng chi phí sản xuất của cho 01 vụ nuôi là 12%. Với lãi suất bình quân vay ngân hàng (trung bình của thời kỳ 2013-2015) cho sản xuất là 1% cho 01 tháng thì tỉ suất lợi nhuận của nhà sản xuất thực tế thu được bình quân là 3% mỗi tháng. Đây là mức tỷ suất lợi nhuận khá hấp dẫn các nhà sản xuất ở Quảng Ngãi. Bảng 3. Thống kê tình hình các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở Quảng Ngãi năm 2014 Tiêu chí Số hộ (hộ) Tần suất (%) Thặng dư của người sản xuất Số hộ có thặng dư âm 8 13 Số hộ có thặng dư dương 54 87 Lợi nhuận của người sản xuất Số hộ có lợi nhuận âm 18 29 Số hộ có lợi nhuận dương 44 71 Lợi nhuận ròng Số hộ có lợi nhuận ròng âm 23 37 Số hộ có lợi nhuận ròng dương 39 63 (Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra) Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Số 2/2016 TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG • 37 Phát triển bề vững nghĩa là các hoạt động kinh tế hiện tại không làm ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế ngày mai và cả trong dài hạn. Do vậy, bên cạnh các đầu ra mong muốn, rất nhiều nhà nghiên cứu đã kêu gọi các nhà quản lý và các nhà sản xuất cần quan tâm đến các đầu ra không mong muốn của quá trình sản xuất (còn được gọi là ngoại tác tiêu cực, xem [10]). Thực tế, các nhà sản xuất thường ít quan tâm đến ngoại tác tiêu cực nếu các nhà quản lý không có những hành động/chính sách bắt buộc các nhà sản xuất phải nội sinh hóa các ngoại tác này vào quá trình sản xuất [10]. Đầu ra không mong muốn đối với nghề nuôi tôm chủ yếu là Ni-tơ phát thải từ thức ăn [1, 4]. Khác với các ngành sản xuất công nghiệp (xi măng, giấy), chính Nitơ dư thừa này lại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nuôi tôm trong cả ngắn và dài hạn. Như vậy, Ni-tơ gây ô nhiễm không chỉ đơn thuần là ngoại tác tiêu cực (chỉ tác động đến các đối tượng bên ngoài). Do đó, hoạch toán chi phí môi trường là cần thiết cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở Quảng Ngãi. Nghiên cứu này đã áp dụng cách tiếp cận tính chi phí môi trường Folke (1994), Buschmann & ctg (1996) và Martinez & Leung (2004) để xử lý Ni-tơ gây ô nhiễm [2, 3&4]. Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng Ni-tơ gây ô nhiễm bình quân trên 1 ha nuôi tôm thẻ ở Quảng Ngãi là 719 kg với chi phí xử lý ô nhiễm bình quân cần 145 triệu đồng. Như vậy, lợi nhuận ròng thực sự từ góc nhìn của các nhà quản lý cho mỗi ha nuôi tôm thẻ chân trắng ở Quảng Ngãi là 162 triệu đồng trong năm 2014. Hình 1. Lợi nhuận ròng trên 1ha của 62 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng Với chu kỳ nuôi bình quân là 2,18 vụ/năm, lợi nhuận ròng bình quân/ha là 162/2,18 = 74 triệu đồng cho mỗi vụ nuôi. Tổng chi phí sản xuất cho mỗi vụ nuôi (một chu kỳ sản xuất) là (1956 + 519 + 145)/2,18 = 1202 triệu đồng. Do vậy, tỉ suất lợi nhuận bình quân trên tổng chi phí sản xuất của mỗi ha cho 1 vụ nuôi là 6,2%. Với lãi suất bình quân vay ngân hàng cho sản xuất là 1% cho 1 tháng (trung bình của thời kỳ 2013-2015) thì tỉ suất lợi nhuận của nhà sản xuất thực tế thu được bình quân chỉ là 1,1% mỗi tháng. Đây là mức tỷ suất lợi nhuận chỉ tương đương mức chi phí cơ hội (gần bằng lãi suất cho vay của ngân hàng). Hơn nữa, bảng 3 cũng cho thấy, nếu tính cả phí môi trường, có tới 37% số hộ lỗ. Hình 1 cũng cho thấy phần lớn các hộ có mức lợi nhuận ròng/ha giao động xung quanh và tương đối đối xứng quanh mức giá trị trung bình. Kết quả này rất tương thích với lý thuyết kinh tế về các ngành sản xuất có quyền tiếp cận mở ở trạng thái bão hòa (ví dụ như nghề đánh bắt cá) [10]. Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Số 2/2016 38 • TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG Trên góc độ kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nông cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi thường khuyến cáo người dân không nên nuôi tôm thẻ chân trắng quá mật độ 150 con/m2. Dù vậy, thực tiễn nuôi tôm thẻ ở Quảng Ngãi và mẫu cho thấy có tới 37% hộ nuôi vượt quá mật độ khuyến cáo. Lý giải hành vi này là người nuôi đã cố gắng tối đa hóa doanh thu sản xuất (hoặc năng suất) với doanh thu bình quân 3.033 triệu đồng/ha cho mật độ trên 150 con/ m2 (nhóm 2) so với 2.635 triệu đồng/ha cho mật độ dưới 150 con (nhóm 1). Đây là hành vi của nhà sản xuất thường thấy trong sản xuất nông nghiệp khi các nhà sản xuất không tạo được ảnh hưởng lên giá các yếu tố đầu vào và đầu ra. Phân tích sâu hơn cho thấy lợi nhuận bình quân của nhà sản xuất/ha của nhóm 2 nhỏ hơn nhóm 1 tới 105 triệu đồng (bảng 4). Nguyên nhân là việc nuôi với mật độ quá cao sẽ dẫn đến việc lãng phí các yếu tố đầu vào khi mà chi phí cố định (đại diện cho công nghệ và mức độ đầu tư vào sản xuất) gần như không đổi giữa hai nhóm. Hơn nữa, việc lãng phí các yếu tố đầu vào (đặc biệt là thức ăn) đã làm mức độ Ni-tơ phát thải gây ô nhiễm ở nhóm 2 cao hơn nhóm 1 (tới 250 kg N). Cuối cùng, lợi nhuận ròng bình quân/ha của nhóm 1 đã gấp 3,4 lần nhóm 2. IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1. Kết luận Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, với giác độ của nhà sản xuất, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Quảng Ngãi hiện tương đối hấp dẫn. Nghề nuôi này có đủ khả năng tái sản xuất trong ngắn hạn (thặng dư tương đối tốt) cũng như mở rộng sản xuất trong dài hạn (tỷ suất lợi nhuận khá hấp dẫn). Dù vậy, đây cũng là nghề sản xuất có mức rủi ro tương đối cao (29% hộ nuôi có lợi nhuận của nhà sản xuất âm). Dưới lăng kính phát triển bền vững, chi phí môi trường đã được ước lượng để tính toán lợi nhuận ròng của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Quảng Ngãi năm 2014. Với giả thiết chi phí làm sạch 1 kg Ni-tơ phát thải ô nhiễm là 9,6 USD (thấp hơn mức chi phí ẩn của Ni-tơ ô nhiễm theo tính toán của Ly (2009) cho nghề nuôi tôm hùm ở Miền trung, Việt Nam [6]), kết quả cho thấy nghề nuôi tôm thẻ của Quảng Ngãi hiện đã xuất hiện tín hiệu về trạng thái cân bằng dài hạn (bão hòa) với thể chế quả lý nghề nuôi có quyền tiếp cận mở, tức tỉ suất sinh lợi của nghề đã gần mức chi phí cơ hội của thị trường. Folke (1994) và Buschmann&ctg (1996) cũng tìm thấy kết quả tương tự cho nghề nuôi cá hồi ở Thụy Điển và nghề nuôi cá biển Chi-lê [2, 3]. Kết quả này hàm ý rằng sự hấp dẫn hiện tại của nghề nuôi chính là sự “ăn lạm vào tương lai” hay do chưa tính đến Bảng 4. So sánh khả năng sinh lợi cho 2 phân khúc Tiêu chí Mật độ<=150(39 hộ nuôi) Mật độ >150 (23 hộ nuôi) Chênh lệch 1. Doanh thu/ha 2635 3033 398 2. Chi phí biến đổi/hec-ta 1772 2267 495 3. Thặng dư của nhà sản xuất/ha (3) = (1)-(2) 862 766 (96) 4. Chi phí cố định/ha 516 525 9 5. Lợi nhuận của nhà sản xuất/ha 346 241 (105) 8. Ni-tơ gây ô nhiễm (kg) 626 876 250 9. Chi phí môi trường 126 177 39 10. Lợi nhuận ròng 220 64 (156) (Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra) Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Số 2/2016 TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG • 39 ngoại tác tiêu cực. Mặt khác, chính Ni-tơ dư thừa này lại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nuôi tôm trong cả ngắn và dài hạn. Như vậy, tác động đến môi trường của nghề nuôi này cần được phổ biến, tính toán và có giải pháp khắc phục nhằm duy trì và phát triển nghề nuôi bền vững. Nghiên cứu cũng cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho khuyến cáo của các nhà quản lý về mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng vùng Nam Trung Bộ. Với thực trạng công nghệ sản xuất hiện tại ở Quảng Ngãi, kết quả khảo sát cho thấy nuôi tôm với mật độ cao hơn 150 con/m2 mặc dù có xu hướng cho doanh thu lớn nhưng mức độ lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực đầu vào tương đối cao. Hơn nữa, lượng ô nhiễm phát thải cũng rất lớn. Kết quả là mức lợi nhuận ròng bình quân là tương đối thấp so với nuôi mật độ ở mức vừa phải. Cuối cùng, trong giới hạn của bài báo này, nghiên cứu còn một số hạn chế cần tiếp tục được giải quyết ở các nghiên cứu sau. Thứ nhất, nghiên cứu đã sử dụng kết quả xử lý Ni-tơ phát thải gây ô nhiễm được tính toán bởi Folke (1994) cho nghề nuôi cá hồi của Thụy Điển để cảnh báo chính quyền và các hộ nuôi về tính bền vững của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở Quảng Ngãi. Lưu ý rằng chi phí về xử lý Ni-tơ phát thải gây ô nhiễm có thể sẽ khác với điều kiện thực tế ở Quảng Ngãi do sự khác biệt về điều kiện về công nghệ và mức sống dân cư. Các nghiên cứu kế tiếp nên thiết lập mô hình xử lý chất thải thực tế để có các kết quả chính xác hơn. Thứ hai, Phốt-pho phát thải gây ô nhiễm (dù nhỏ) cũng cần được tính toán vào chi phí môi trường. Thứ ba, để đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm gia tăng tính bền vững của nghề nuôi, mô hình hồi quy phân tích các nhân tố về đặc điểm nông hộ ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi dưới các góc độ khác nhau nên được áp dụng cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở Quảng Ngãi. 2. Kiến nghị Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù nghề nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở Quảng Ngãi hiện tương đối hấp dẫn các nhà sản xuất nhưng dưới lăng kính bền vững thì nghề nuôi này đã bắt đầu bước vào trạng thái bão hòa, phần lớn sự hấp dẫn của ngành đến từ việc chưa tính toán đến ngoại tác tiêu cực ra môi trường. Khác với các ngành sản xuất công nghiệp như xi măng hay giấy, chính Ni-tơ dư thừa này lại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nuôi tôm trong cả ngắn và dài hạn. Chính vì thế, các nhà quản lý, nhà khoa học và các tổ chuyên môn và đặc biệt là trung tâm Khuyến nông có thể sử dụng thông tin từ nghiên cứu này để khuyến cáo người nuôi nhằm giúp hiểu rõ bản chất khả năng sinh lợi trong sản xuất. Kiến thức này sẽ giúp người nuôi quản trị quá trình nuôi tốt hơn và có các quyết định chính xác về đầu tư trong ngắn và dài hạn nhằm đạt được sự phát triển bền vững của nghề nuôi. Đây cũng chính là thời điểm các nhà quản lý cần nghiên cứu và ban hành các chính sách nhằm từng bước nội sinh hóa chi phí môi trường vào quá trình sản xuất để tiến tới một nghề nuôi chuyên nghiệp và bền vững. Các giải pháp cụ thể có thể là: (i) ban hành tiêu chuẩn nghề nuôi và cấp giấy phép sản xuất; (ii) đánh thuế môi trường; (iii) hình thành thị trường giấy phép có khả năng chuyển nhượng; (iv) thành lập các hợp tác xã (HTX) sản xuất có vùng xử lý nước thải chung; (iv) Quy hoạch vùng xử lý nước thải bắt buộc và tập trung,Bên cạnh đó, các hỗ trợ người nuôi như phát triển công nghệ, tập huấn kỹ thuật và vốn sản xuất cũng là các vấn đề cần quan tâm. Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Số 2/2016 40 • TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bunting, S. W. (2013). Principles of sustainable aquaculture: promoting social, economic and environmental resilience. Routledge. 2. Buschmann, A. H., López, D. A., & Medina, A. (1996). A review of the environmental effects and alternative production strategies of marine aquaculture in Chile. Aquacultural engineering, 15(6), 397-421. 3. Folke, C., Kautsky, N., & Troell, M. (1994). The costs of eutrophication from salmon farming: implications for policy. Journal of environmental management, 40(2), 173-182. 4. Martinez-Cordero, F. J., & Leung, P. (2004). Sustainable aquaculture and producer performance: measurement of environmentally adjusted productivity and effi ciency of a sample of shrimp farms in Mexico. Aquaculture, 241(1), 249-268. 5. Irz, X., & Mckenzie, V. (2003). Profi tability and technical effi ciency of aquaculture systems in Pampaanga, Philippines. Aquaculture Economics & Management, 7(3-4), 195-211. 6. Ly, N. T. Y (2009). Economic analysis of the environmental impact on marine cage lobster aquaculture in Viet Nam. MSc thesis, University of Tromso, Noway. 7. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi (2014). Tình hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản năm 2013 và Kế hoạch và các giải pháp năm 2014. Quảng Ngãi, Việt Nam. 8. Tổng cục Thủy sản Việt Nam (2012). Báo cáo tóm lược về kế hoạch phát triển nghề cá Việt nam đến 2020 và tầm nhìn 2030. Hà Nội, Việt Nam. 9. Tổng cục Thủy sản Việt Nam (2015). Tổng kết nuôi tôm nước lợ năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015. Hà Nội, Việt Nam 10. Varian, H. R., & Repcheck, J. (2010). Intermediate microeconomics: a modern approach (Vol. 6). New York, NY: WW Norton & Company. 11. VASEP (2013). Báo cáo về tình hình xuất khẩu tôm năm 2012 và dự báo cho năm 2013. Hà Nội, Việt Nam.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfphan_tich_kha_nang_sinh_loi_cua_nghe_nuoi_tham_canh_tom_the.pdf
Tài liệu liên quan