Nghiên cứu đề xuất mô hình nông lâm kết hợp dọc hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thừa Thiên Huế theo hướng phát triển bền vững

Nghiên cứu cho thấy dọc hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và triển vọng để xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp bền vững. Các nhân tố này bao gồm sự phân hoá đa dạng về các yếu tố sinh thái tự nhiên (địa chất, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, thủy văn và sinh vật) cũng như sự phong phú về dân tộc, văn hóa, phong tục tập quán, kỹ thuật bản địa của người dân về nông lâm kết hợp. Tuy nhiên, từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành, với hoạt sản xuất nông lâm nghiệp tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân dọc hành lang tuyến đường đã mang lại những kết quả xấu cho sản xuất nông lâm nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường. Ngoài ra, kết quả phân tích các mô hình nông lâm kết hợp hiện có trên địa bàn cũng đã cho những nét khái quát về hiện trạng nông lâm kết hợp nhằm làm cơ sở khoa học trong việc đề xuất các mô hình nông lâm kết hợp bền vững ở địa bàn nghiên cứu. Kết quả, qua quá trình nghiên cứu đề tài đã đề xuất được 6 mô hình nông lâm kết hợp nhằm đáp ứng nhu cầu cải thiện kinh tế và đời sống của đồng bào dân tộc tại chỗ, đồng thời bảo vệ đoạn đường Hồ Chí Minh qua địa phận Thừa Thiên Huế một cách bền vững

pdf10 trang | Chia sẻ: linhmy2pp | Ngày: 23/03/2022 | Lượt xem: 172 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu đề xuất mô hình nông lâm kết hợp dọc hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thừa Thiên Huế theo hướng phát triển bền vững, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 03(23)/2012, tr. 52-61 NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NÔNG LÂM KẾT HỢP DỌC HÀNH LANG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH ĐOẠN QUA THỪA THIÊN HUẾ THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LÊ THÚC ĐƯƠNG - NGUYỄN HOÀNG SƠN Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế Tóm tắt: Khu vực hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và triển vọng để xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp bền vững. Trên cơ sở phân tích hiện trạng các mô hình nông lâm kết hợp, những ưu điểm và hạn chế của các mô hình. Bài viết đã đề xuất được 6 mô hình nông lâm kết hợp nhằm đáp ứng nhu cầu cải thiện kinh tế và đời sống của đồng bào dân tộc tại chỗ, đồng thời định hướng sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái dọc hành lang đường Hồ Chí Minh qua địa phận Thừa Thiên Huế một cách bền vững. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận Thừa Thiên Huế nằm trên địa bàn huyện A Lưới. Cho đến nay đường đã hoàn thành và có những đóng góp đáng kể trong việc bảo đảm cho sự ổn định, bền vững về chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội cũng như môi trường ở vùng lãnh thổ phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, từ khi xây dựng xong tuyến đường, các biểu hiện suy thoái môi trường như lở đất, lũ quét... có nguy cơ gia tăng cả về tần suất và cường độ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do những hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp của người dân bản địa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, phương thức canh tác lạc hậu và thiếu quy hoạch. Thực trạng sản xuất này vừa không phát huy được tiềm năng tài nguyên thiên nhiên,vừa ảnh hưởng rất lớn đến sự bền vững của khu vực dọc hành lang đường Hồ Chí Minh. Để bảo vệ tuyến đường đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho dân cư dọc hành lang tuyến đường cần phải có một phương thức sản xuất phù hợp. Nông lâm kết hợp là phương thức canh tác vừa không xa lạ với các cộng đồng dân tộc bản địa ở địa bàn nghiên cứu vừa có thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng các điều kiện tự nhiên có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu cải thiện kinh tế và đời sống của đồng bào mà vẫn duy trì và bảo vệ được tuyến đường một cách bền vững. 2. ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ XÃ HỘI DỌC HÀNH LANG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH ĐOẠN QUA THỪA THIÊN HUẾ 2.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên - Vị trí địa lý: Khu vực hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thừa Thiên Huế có tọa độ địa lý: 107o00'56" - 107o31'10" Đông và 16o12'36" - 16o21’08" Bắc. NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NÔNG LÂM KẾT HỢP... 53 - Địa chất: Về mặt địa chất, trong vùng nghiên cứu có mặt các phân vị địa tầng Cambri - thống giữa, hệ Ordovic - thống dưới, hệ tầng A Vương; Hệ Permi - thống dưới, hệ tầng A Lin và hệ tầng Đệ tứ (Q). - Địa hình: Địa hình ở đây có đặc điểm là thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam với độ cao trung bình từ 500 - 700m, bao gồm hai bộ phận: bộ phận thung lũng A So - A Lưới nằm ở trung tâm với chiều dài từ 25 - 30km, chiều rộng khoảng 2 - 4km chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Bao xung quanh là vùng núi trung bình với một dãy nằm ở phía Tây Nam, dọc theo biên giới Việt - Lào, dãy còn lại nằm ở phía Đông Bắc. - Khí hậu: Đại bộ phận của lãnh thổ nghiên cứu nằm giữa hai dãy núi này có khí hậu mang tính chất chuyển tiếp Đông và Tây Trường Sơn với chế độ mưa mùa. Phần lãnh thổ nằm ở phía Đông, thuộc địa phận của hai xã Hương Nguyên và Hồng Hạ, hoàn toàn mang chế độ khí hậu Đông Trường Sơn. - Thủy văn: Hệ thống sông suối ở khu vực nghiên cứu đều bắt nguồn từ vùng núi có độ cao > 500 m, độ dốc bình quân lưu vực đạt 28 - 30 m/km, hệ số uốn khúc khoảng 1,5 - 1,8. Hệ thống sông và các nhánh phụ lưu tương đối dày, có dạng hình nan quạt và chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Ngoài các sông chính trên còn có nhiều khe lạch, nhánh phụ lưu sông như: sông Xanh, A Sáp, A Lin, Cà Xình, Rào Lô,là nguồn cấp nước chủ yếu cho nông - lâm nghiệp. - Thổ nhưỡng: Với sự chi phối của nền nham và trắc lượng - hình thái của địa hình nên ở dọc hành lang đường Hồ Chí Minh phát triển 7 loại đất chính nằm trong 4 nhóm chủ yếu. Bao gồm: Đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất, đất đỏ vàng trên đá macma axit, đất nâu vàng trên phù sa cổ, đất mùn vàng đỏ trên đá sét và biến chất, đất mùn đỏ trên đá macma axit, đất xám bạc màu trên phù sa cổ và đất phù sa. - Thực vật: Do là nơi giao thoa của hai miền khí hậu Nam - Bắc nên khu vực nghiên cứu cũng là nơi giao thoa giữa luồng thực vật phía Bắc xuống bao gồm những loài thuộc các họ đậu, họ Dẻ, họ Re, họ Trâm... và luồng thực vật từ phía Nam lên phần lớn là những loài thuộc họ Dầu như: Kiền kiền, Chò đen, Dầu đọt tím (Dầu rái) phân bố ở độ cao từ 200 - 800 m. 2.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội - Đặc điểm các ngành kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa bàn trong 5 năm qua khá cao và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lĩnh vực nông - lâm nghiệp phát triển tích cực theo hướng bền vững, nâng dần giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích, duy trì được mức tăng trưởng bình quân 11,2%/năm. So với năm 2005, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng từ 22,2% lên 32,5% trong năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 8 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2005; tỷ lệ hộ nghèo từ 48,47% (năm 2005) giảm xuống còn còn 24,58% (năm 2010) [5]. - Dân cư và nguồn lao động: Khu vực hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thừa Thiên Huế là một trong những địa bàn nghèo của tỉnh. Theo số liệu thống kê năm 2010, LÊ THÚC ĐƯƠNG – NGUYỄN HOÀNG SƠN 54 dân số toàn lãnh thổ nghiên cứu là 44.590 người, với 22.501 nam và 22.089 nữ, có 6.613 người sống trong khu vực thành thị, 37.977 người sống trong khu vực nông thôn. Mật độ dân số toàn lãnh thổ là 36 người/km2. Trên địa bàn có khoảng 20.267 lao động, chiếm 45,5% dân số. Về chất lượng lao động, do nhiều yếu tố chi phối nên nhìn chung trình độ dân trí của người dân khu vực nghiên cứu rất thấp. - Thành phần dân tộc: Dọc hành lang tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thừa Thiên Huế có 5 dân tộc chung sống, bao gồm các dân tộc Kinh, Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều. Trong đó, dân tộc Cơ Tu và Tà Ôi là hai dân tộc cư trú rất lâu đời trên địa bàn. - Đặc điểm về phương thức sản xuất: Phương thức sản xuất kinh tế của các dân tộc chủ yếu là làm nương rẫy (đa canh và du canh theo lối cổ truyền: phát - đốt - trỉa). Ngoài kinh tế nương rẫy, đồng bào dân tộc còn có các hoạt động khác như săn bắn, đánh cá, hái lượm, chăn nuôi và phát triển các nghề thủ công cổ truyền. Các hoạt động này chỉ nhằm hỗ trợ cho kinh tế nương rẫy nên quá trình sản xuất ở đây không mang tính chất sản xuất hàng hoá. Những đặc điểm về dân cư, dân tộc, văn hóa về cư trú, kỹ thuật sản xuất... của các dân tộc có tác động khá nhiều đến hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp ở cả hai mặt tích cực và hạn chế. Mặt tích cực cần phát huy của các dân tộc ở khu vực nghiên cứu là truyền thống yêu lao động, cần cù, chịu khó, tính cộng đồng cao, ý thức đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau... có tác động rất lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất và các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, cũng cần khắc phục và xoá bỏ những phong tục tập quán không còn phù hợp với xu thế hiện nay như lối canh tác chỉ dựa vào tự nhiên; tính bảo thủ, tự cung tự cấp, khép kín; tính thụ động và thực dụng chỉ quen sống dựa vào thiên nhiên để khai thác mà không có ý thức quản lý và tái tạo tài nguyên... Từ những điểm hạn chế này, trong phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp cho đồng bào cần lưu ý đến việc nâng cao trình độ dân trí, phổ biến các phương pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất... nhằm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất cho đồng bào và bảo vệ bền vững tài nguyên - môi trường dọc hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận Thừa Thiên Huế. 3. THỰC TRẠNG CÁC MÔ HÌNH NÔNG LÂM KẾT HỢP DỌC HÀNH LANG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH ĐOẠN QUA THỪA THIÊN HUẾ Ðể có được những nét khái quát về hiện trạng các mô hình nông lâm kết hợp ở địa bàn nghiên cứu và để có cơ sở khoa học trong việc đánh giá, đề xuất những mô hình nông lâm kết hợp bền vững, chúng tôi tiến hành điều tra, đánh giá và phân loại một số mô hình nông lâm kết hợp hiện có trên địa bàn. Kết quả điều tra thực địa cho thấy, các mô hình nông lâm kết hợp phát triển khá đa dạng như sau: 3.1. Mô hình nương rẫy truyền thống: Trong suốt quá trình phát triển của cộng đồng dân cư trên địa bàn nghiên cứu, tập quán canh tác làm nương rẫy vẫn được người dân ở đây sử dụng. Mô hình nương rẫy truyền thống chỉ còn hiện diện ở những vùng mà phần lớn người dân sống gần rừng, nơi xa xôi hẻo lánh, giao thông liên lạc còn khó khăn. NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NÔNG LÂM KẾT HỢP... 55 * Ưu điểm của mô hình: - Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học nên không gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí... - Mô hình này đem lại lợi ích trước mắt cho người dân là giải quyết nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nông hộ. * Hạn chế của mô hình: - Kỹ thuật canh tác lạc hậu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, sản phẩm làm ra năng suất rất thấp, có hộ phải vay mượn lương thực trước khi đến mùa rẫy sau. - Sản xuất phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. - Không giải quyết được việc làm cho những hộ có quy mô hộ lớn. - Phá hủy diện tích rừng rất lớn, không có biện pháp bảo vệ đất nên đất bị thoái hóa và xói mòn rất nhanh. - Không có cơ hội thoát nghèo, phụ thuộc lớn vào tự nhiên. 3.2. Mô hình rừng - vườn: Lịch sử hình thành mô hình bắt nguồn do quá trình khai thác rừng một cách bừa bãi cùng với việc đốt nương làm rẫy đã làm mất một phần lớn diện tích rừng tự nhiên của lãnh thổ. * Ưu điểm của mô hình: - Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học nên bảo vệ được môi trường. - Các cây thân gỗ có tác dụng giữ nước và chống xói mòn rất cao, bảo vệ được các cây hoa màu bên dưới. - Ít tốn công chăm sóc. - Nhu cầu thị trường tương đối lớn. - Tạo thu nhập lớn cho người dân. - Vườn cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu lương thực của người dân. * Hạn chế của mô hình: - Đất có độ dốc cao, dễ bị xói mòn đất trong những năm đầu trồng rừng. - Khu vực trồng rừng có diện tích tương đối lớn, khó bảo vệ cây con khi mới trồng. - Người dân không có khả năng tự sản xuất cây giống. Do vậy, họ không thể đưa ra một kế hoạch trồng rừng hợp lý. - Khả năng giải quyết nhu cầu trước mắt cho người dân thấp, chu kỳ kinh doanh dài, chi phí ban đầu tương đối lớn nhưng thời gian thu hồi vốn chậm. - Tập trung chủ yếu vào rừng thuần loài nên số loài cây trong mô hình ít. LÊ THÚC ĐƯƠNG – NGUYỄN HOÀNG SƠN 56 - Trong mô hình chưa có vật nuôi. - Sản phẩm từ vườn chưa đáng kể. 3.3. Mô hình rừng - vườn - chuồng: Mô hình được hình thành trên cơ sở tận dụng diện tích đồng cỏ dưới tán rừng và sản phẩm làm ra từ vườn xung quanh nhà * Ưu điểm của mô hình: - Giúp tận dụng diện tích đồng cỏ dưới tán rừng và sản phẩm từ vườn. - Đa dạng hóa sản phẩm, bao gồm cả sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. - Mô hình ổn định, cây trồng và vật nuôi hỗ trợ nhau tạo cơ sở canh tác lâu bền. - Thu nhập ngày càng tăng, thu hút được người dân. * Hạn chế của mô hình: - Hoạt động chăn nuôi không được kết hợp ngay từ đầu khi mới trồng rừng. - Công tác bảo vệ khó khăn do chăn thả vật nuôi gây thoái hóa đất và gây hư hại các cây trồng. - Kỹ thuật chăm sóc vật nuôi còn hạn chế. - Thiếu vốn cho đầu tư sản xuất. 3.4. Mô hình vườn - ao - chuồng: Mô hình được hình thành tương đối lâu, ban đầu phổ biến ở các hộ người Kinh sau mở rộng dần ra các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực thung lũng của địa bàn. * Ưu điểm của mô hình: - Địa hình bằng phẳng, đất tốt, ẩm thích hợp cho nhiều loại cây trồng. - Do ở vùng thung lũng nên mô hình này có khả năng tưới nước vào mùa khô đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. - Sản phẩm của mô hình rất đa dạng và sự hỗ trợ giữa các thành phần rất lớn. - Hiệu quả cao cả về mặt kinh tế và môi trường. - Giảm chi phí đầu vào. - Tận dụng quỹ đất hạn hẹp phát triển được nhiều loại hình sử dụng. * Hạn chế của mô hình: - Người dân chưa được tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả. Phần lớn là sử dụng kiến thức bản địa vào trong sản xuất. - Thành phần loài nhiều nên khó quy hoạch do phải xem xét mối quan hệ sinh thái phức tạp giữa chúng. Do đó, đa số diện tích mô hình chưa được quy hoạch cụ thể. - Dễ lây lan dịch bệnh trong mô hình. NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NÔNG LÂM KẾT HỢP... 57 - Cạnh tranh sinh thái giữa các loài lớn. - Cần đầu tư nhiều vốn và kỹ thuật nên hạn chế với người dân nghèo. 3.5. Mô hình Rừng - vườn - ao - chuồng - ruộng Mô hình này được hình thành trên cơ sở phù hợp với điều kiện tự nhiên ở một số khu vực của địa bàn nghiên cứu có thể đa dạng cấu trúc thành phần. * Ưu điểm của mô hình: - Mô hình có quy mô lớn, tận dụng được diện tích đất hoang hóa của địa phương. - Đa dạng hóa góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân. - Có tác dụng phát triển vốn rừng bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất. - Giữa các thành phần có tác động hỗ trợ nhau, giảm chi phí đầu vào. * Hạn chế của mô hình: - Các thành phần trong mô hình chưa có sự gắn kết cao. - Đất rừng có độ dốc cao, đất xấu. - Mô hình có diện tích khá lớn nên quản lý khó. - Giữa các loại cây trồng phát triển không đồng đều do thiếu quy hoạch ngay từ đầu. - Chất lượng sản phẩm thấp và không đồng đều, dễ bị thương lái ép giá. 3.6. Mô hình vườn cây công nghiệp – cây ăn quả: Mô hình này được hình thành khi một số hộ gia đình di cư từ Tây Nguyên ra địa bàn. Trên cơ sở kinh nghiệm của mình về mô hình trồng bơ và cà phê của tỉnh Đăk Lăk, được sự giúp đỡ của Nông trường cà phê A Lưới, các hộ đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng kết hợp giữa cà phê và chuối. * Ưu điểm của mô hình: - Chuối và cà phê là những cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập lớn cho người dân. - Mô hình đơn giản, dễ chăm sóc và quản lý. - Tạo được việc làm cho nhiều lao động tại chỗ. - Tận dụng được quỹ đất giữa các hàng cà phê để trồng chuối. * Hạn chế của mô hình: - Mô hình xây dựng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bản thân, chưa có đánh giá kỹ thuật cụ thể nào. - Mức đầu tư tương đối cao, kỹ thuật chăm sóc tương đối khó nên những hộ nghèo không có khả năng đầu tư vào mô hình này. Nếu có thì mức độ đầu tư sẽ thấp dẫn đến năng suất kém, hiệu quả kinh tế không cao. LÊ THÚC ĐƯƠNG – NGUYỄN HOÀNG SƠN 58 - Chu trình sinh trưởng của chuối ngắn hơn cà phê nên phải trồng lại chuối sau một vài năm khai thác, cây con khi được trồng lại rất dễ bị che bóng bởi cà phê. Qua phân tích các mô hình cho thấy, bên cạnh những thế mạnh tạm thời mang tính chất ngắn hạn thì về cơ bản các mô hình nông lâm kết hợp ở địa bàn nghiên cứu còn nhiều điểm yếu và thiếu bền vững. Các mô hình phần lớn tập trung vào khai thác lợi ích kinh tế trước mắt như giải quyết nhu cầu lương thực, thực phẩm cho các hộ nghèo, đa dạng hóa sản phẩm, tạo thu nhập lớn và cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, các mô hình lại thiếu tính bền vững ở chỗ kỹ thuật canh tác còn lạc hậu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, người dân chưa nắm bắt được kỹ thuật xây dựng và phát triển các mô hình,... Do đó, sản phẩm làm ra từ các mô hình có năng suất rất thấp, chất lượng sản phẩm không cao nên thường xuyên bị thương lái ép giá làm cho hiệu quả kinh tế không cao và không giải quyết được việc làm trong điều kiện áp lực dân số tăng, trình độ dân trí còn thấp và quỹ đất bình quân trên đầu người giảm. Bên cạnh đó, trong điều kiện địa hình chủ yếu là đồi núi với độ dốc rất lớn nhưng chưa có quy hoạch cụ thể và tự phát nên các mô hình chưa phát huy được hiệu quả bảo vệ môi trường đất, nước và tài nguyên rừng dọc hành lang tuyến đường Hồ Chí Minh. 4. ĐỀ XUẤT CÁC MÔ HÌNH NÔNG LÂM KẾT HỢP DỌC HÀNH LANG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH ĐOẠN QUA THỪA THIÊN HUẾ THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Đề xuất các mô hình nông lâm kết hợp nhằm sử dụng hiệu quả tiềm năng sinh thái tự nhiên, kinh tế - xã hội và bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật kết hợp với những kinh nghiệm sản xuất truyền thống, tôn trọng luật tục của đồng bào các dân tộc dọc hành lang đường Hồ Chí Minh là mục tiêu bài viết hướng tới. Trong quá trình nghiên cứu, để đề xuất các mô hình nông lâm kết hợp theo hướng bền vững, chúng tôi đã dựa trên những cơ sở sau: - Căn cứ vào mức độ thích hợp của các tiểu vùng sinh thái đối với sự phát triển của các loại hình sử dụng - Căn cứ thực trạng về hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường của các mô hình nông lâm kết hợp ở khu vực nghiên cứu - Căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất - Căn cứ vào định hướng phát triển nông lâm nghiệp của địa phương. Trên cơ sở đó, đề tài tiến hành đề xuất 6 mô hình nông lâm kết hợp dọc hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thừa Thiên Huế, bao gồm: 4.1. Mô hình vườn rừng Xây dựng mô hình này ở vùng núi thấp hoặc vùng đồi, ở các khu vực có lượng mưa lớn, đất dốc và đã bị thoái hóa ít có khả năng phát triển nông nghiệp. Nhằm bảo vệ tuyến NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NÔNG LÂM KẾT HỢP... 59 đường Hồ Chí Minh, ở khu vực nghiên cứu, mô hình này được đề xuất ở vùng núi thấp dọc hai bên hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn các xã: Hồng Thuỷ, Hồng Vân, Hồng Trung, Bắc Sơn, Hồng Kim, Hồng Bắc, Nhâm, Hồng Quảng, thị trấn A Lưới, A Ngo, Sơn Thủy, Hồng Thái, Phú Vinh, Hồng Thượng, Hương Phong, Hương Lâm, Đông Sơn, A Đớt và A Roàng. Riêng vùng đồi địa bàn 2 xã Hồng Hạ và Hương Nguyên ngoài mô hình này có thể phát triển thêm một số mô hình khác ở những khu vực có điều kiện thuận lợi hơn. 4.2. Mô hình vuờn đồi (vườn nhà) với cây công nghiệp Mô hình này được đề xuất ở các vùng thung lũng và vùng đồi thấp có độ dốc tương đối lớn. Mô hình nên phân bố gần khu vực dân cư và dọc hành lang đường Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ tuyến đường và thuận lợi cho việc tưới tiêu, đi lại do đây là các loại cây cần nhiều công chăm sóc. Ở khu vực nghiên cứu mô hình này được đề xuất ở vùng thung lũng tiếp giáp với vùng núi thấp dọc hành lang đường Hồ Chí Minh trên địa bàn các xã: Hồng Vân, Hồng Trung, Bắc Sơn, Hồng Kim, Nhâm, Hồng Quảng, thị trấn A Lưới, A Ngo, Sơn Thủy, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hương Phong, Hương Lâm, Đông Sơn, A Đớt. Riêng vùng đồi địa bàn xã Hồng Hạ và Hương Nguyên có thể phát triển mô hình vườn đồi với các loại cây công nghiệp ở các khu vực đông dân cư, có điều kiện tưới tiêu và đất đai tốt. 4.3. Mô hình vườn nhà với cây ăn quả Vườn quả thường được phát triển ở khu vực thung lũng thấp với đất phù sa thoát nước hoặc được đào mương đắp líp để thoát nước trong mùa mưa và cấp nước trong mùa khô. Khu vực đất xám trên phù sa cổ có bề mặt tương đối bằng phẳng hoặc gợn sóng cũng có thể xây dựng và phát triển mô hình này. Mô hình này nên được bố trí ở vườn nhà các hộ dân sống dọc hai bên hành lang tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua các xã: Hồng Vân, Hồng Trung, Bắc Sơn, Hồng Kim, Nhâm, Hồng Quảng, thị trấn A Lưới, A Ngo, Sơn Thủy, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hương Phong, Hương Lâm, Đông Sơn, A Đớt. 4.4. Mô hình rừng + nương hoặc bãi chăn thả + ruộng Mô hình này nên bố trí ở vùng đồi và vùng núi thấp nơi tiếp giáp với vùng thung lũng dọc hành lang đường Hồ Chí Minh trên địa bàn các xã: Hồng Vân, Hồng Trung, Bắc Sơn, Hồng Kim, Nhâm, Hồng Quảng, thị trấn A Lưới, A Ngo, Sơn Thủy, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hương Phong, Hương Lâm, Đông Sơn, A Đớt và vùng đồi địa bàn xã Hồng Hạ, Hương Nguyên. Nguyên nhân là do ở khu vực này địa hình có độ dốc tương đối lớn và rừng bị phá mạnh, phần lớn là rừng đang phục hồi sau nương rẫy thường chỉ còn lại những đám hay vạt nhỏ ở nơi dốc cao, ven các tụ thuỷ và các loại cây bụi chịu hạn. Phần thung lũng bên dưới có một diện tích nhỏ các ruộng nước đã được người dân canh tác từ lâu. Tuy nhiên, mô hình này chỉ nên xây dựng ở nơi đất xấu, độ dốc lớn, có ruộng nước và người dân không có điều kiện kinh tế. Nếu ở khu vực chuyển tiếp giữa vùng núi thấp và vùng thung lũng điều kiện đất đai tốt, độ dốc không lớn, không có ruộng nước và người dân có vốn đầu tư thì nên xây dựng mô hình vườn đồi với cây công nghiệp vì hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường cao hơn so với mô hình trên. LÊ THÚC ĐƯƠNG – NGUYỄN HOÀNG SƠN 60 4.5. Mô hình VAC Mô hình VAC được đề xuất phát triển ở vùng thung lũng nơi các hộ dân sống dọc hai bên hành lang tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua các xã: Hồng Vân, Hồng Trung, Bắc Sơn, Hồng Kim, Nhâm, Hồng Quảng, thị trấn A Lưới, A Ngo, Sơn Thủy, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hương Phong, Hương Lâm, Đông Sơn, A Đớt. Tuy nhiên khác với mô hình vườn nhà với cây ăn quả, mô hình này được đề xuất ở nơi có đất phù sa không bị ngập nước với diện tích tương đối lớn và bằng phẳng có thể đào được ao cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm đồng thời có đủ nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất ngay trên đất thổ cư. 4.6. Mô hình RVAC Mô hình này được đề xuất xây dựng ở vùng thung lũng trên địa bàn các xã: Hồng Vân, Hồng Trung, Bắc Sơn, Hồng Kim, Nhâm, Hồng Quảng, thị trấn A Lưới, A Ngo, Sơn Thủy, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hương Phong, Hương Lâm, Đông Sơn, A Đớt. Cụ thể, mô hình này nên xây dựng ở nơi còn có các vùng đồi thấp, rừng tự nhiên hay rừng trồng ở đỉnh đồi còn được quản lý bởi lâm trường hoặc cộng đồng địa phương. Trong khu vực, vài nơi có hồ nước tự nhiên hay có vùng đất thấp, khu vực tụ thủy có thể đào được hồ nhân tạo. Ngoài ra, khu vực dưới chân đồi ở chỗ đất bằng phẳng dành để làm vườn. Mô hình này có thể phát triển thành các trang trại giao cho một hộ quản lý hoặc dưới hình thức nông lâm trường do chính quyền địa phương quản lý. 5. KẾT LUẬN Nghiên cứu cho thấy dọc hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và triển vọng để xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp bền vững. Các nhân tố này bao gồm sự phân hoá đa dạng về các yếu tố sinh thái tự nhiên (địa chất, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, thủy văn và sinh vật) cũng như sự phong phú về dân tộc, văn hóa, phong tục tập quán, kỹ thuật bản địa của người dân về nông lâm kết hợp. Tuy nhiên, từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành, với hoạt sản xuất nông lâm nghiệp tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân dọc hành lang tuyến đường đã mang lại những kết quả xấu cho sản xuất nông lâm nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường. Ngoài ra, kết quả phân tích các mô hình nông lâm kết hợp hiện có trên địa bàn cũng đã cho những nét khái quát về hiện trạng nông lâm kết hợp nhằm làm cơ sở khoa học trong việc đề xuất các mô hình nông lâm kết hợp bền vững ở địa bàn nghiên cứu. Kết quả, qua quá trình nghiên cứu đề tài đã đề xuất được 6 mô hình nông lâm kết hợp nhằm đáp ứng nhu cầu cải thiện kinh tế và đời sống của đồng bào dân tộc tại chỗ, đồng thời bảo vệ đoạn đường Hồ Chí Minh qua địa phận Thừa Thiên Huế một cách bền vững. NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NÔNG LÂM KẾT HỢP... 61 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Cục thống kê Thừa Thiên Huế, Chi cục thống kê huyện A Lưới (2012), Niên giám thống kê huyện A Lưới năm 2011. [2] Nguyễn Văn Cư (2007), Điều tra cơ bản tổng hợp có định hướng điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (2006 -2007). [3] Hà Văn Hành (2002), Nghiên cứu và đánh giá tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Luận án tiến sĩ, Đại học Quốc gia, Hà Nội. [4] Nguyễn Viết Khoa (2006), Sản xuất nông lâm kết hợp ở Việt Nam, Chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp và các đối tác - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam. [5] Sở khoa học và công nghệ Thừa Thiên Huế (2004), Đặc điểm khí hậu và thủy văn Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hóa, Huế. [6] Nguyễn Hoàng Sơn (2010), Hiện trạng tai biến trượt lở đất dọc hành lang đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận Thừa Thiên Huế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục, Báo cáo tại Hội nghị Khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ V, Hà Nội. [7] Trần Văn Ý (2010), Nghiên cứu đề xuất mô hình thích hợp để quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường tuyến đường Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng kết đề tài chương trình KC.08/06 - 10 Bộ Khoa học và Công nghệ. Title: RESEARCH PROPOSED AGRO-FORESTRY MODEL ALONG HO CHI MINH ROAD CORRIDOR PASSING THROUGH THE TERRITORY OF THUA THIEN HUE PROVINCE ON SUSTAINABLE DEVELOPMENT Abstract: Area corridor Ho Chi Minh road passing through the territory of Thua Thien Hue province there are many potential has a lot of potential and prospects to build models of sustainable agro-forestry. On the basis of analysis of the current state of the agro-forestry, the advantages and limitations of the model, this article has proposed six agro-forestry models to meet the needs of economy and improving the lives of ethnic minorities in place, and oriented rational use of natural resources, environmental protection, and ecological corridor along the Ho Chi Minh via Hue territory in a sustainable way. LÊ THÚC ĐƯƠNG Học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế TS. LÊ HOÀNG SƠN Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfnghien_cuu_de_xuat_mo_hinh_nong_lam_ket_hop_doc_hanh_lang_du.pdf