Thuyết minh về tiêu chuẩn sách Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu các tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật về gia công sách của một số nước trên thế giới và điều kiện sản xuất thực tế ở nước ta, nhóm biên soạn đã xây dựng dự thảo tiêu chuẩn về kỹ thuật in và gia công sách theo các tiêu chí sau: - Vật liệu sản xuất sách được quy định về chiều dày, định lượng, thớ giấy, tính chất bề mặt, tính chất cơ học, tính chất quang học của giấy in sách phù hợp với từng loại sách, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. - Tiêu chuẩn kỹ thuật in sách được chuẩn hóa mật độ tông màu nguyên chuẩn và những quy định về sai biệt màu chuẩn cho in sách trên các loại giấy khác nhau. - Các tiêu chuẩn kỹ thuật gia công sau in: phần này quy định kỹ thuật đóng sách bìa cứng và bìa mềm, tiêu chuẩn hóa từng khâu từ kiểm tra tiếp nhận tổng quát tờ in đến chất lượng gấp tay sách, chất lượng bắt cuốn, chất lượng đóng, đến lúc vào bìa và xén thành phẩm. Đây là một quy trình gồm nhiều công đoạn phức hợp để gia công một sản phẩm nên tiêu chuẩn được cụ thể hóa cho từng khâu, đảm bảo chất lượng cuốn sách sau khi gia công.

doc9 trang | Chia sẻ: nhung.12 | Lượt xem: 1508 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thuyết minh về tiêu chuẩn sách Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG CỤC XUẤT BẢN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc THUYẾT MINH VỀ TIÊU CHUẨN SÁCH VIỆT NAM Sản xuất sách ở nước ta ra đời rất sớm và trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nhà in quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên về xuất bản, in, phát hành sách. Từ đó đến nay, ngành xuất bản đã không ngừng phát triển, số lượng bản sách hàng năm tăng nhanh. Tuy nhiên, việc sản xuất sách ở nước ta chưa có một tiêu chuẩn chung mang tính toàn diện để cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất sách áp dụng, nên việc thiết kế, trình bày kỹ - mỹ thuật và gia công sách hiện nay chưa thống nhất, hạn chế đến chất lượng sản phẩm, khó khăn cho việc tiếp cận thị trường thế giới. Để tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động xuất bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về chủ trương, chính sách, pháp luật trong hoạt động xuất bản, phù hợp với thực tiễn. Cùng với sự quan tâm nâng cao chất lượng sách về nội dung, Đảng và Nhà nước cũng rất chú trọng đến nâng cao chất lượng hình thức sách. Trong các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về hoạt động xuất bản, như Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 17 tháng 01 năm 2003 và Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 25 tháng 8 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” đã chỉ rõ định hướng, nhiệm vụ và yêu cầu phát triển của ngành xuất bản: “Từng bước đổi mới công nghệ xuất bản, sử dụng công nghệ xuất bản hiện đại, đảm bảo hình thức sách đẹp, hấp dẫn, sử dụng và lưu trữ được lâu dài.”, “ xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện”, “nâng cao chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm, đảm bảo tính tư tưởng, tính khoa học, chất lượng giáo dục, văn hoá và sự đa dạng, hấp dẫn của ấn phẩm xuất bản”, “mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành với các nước trong khu vực và quốc tế, khuyến khích đưa sách của nước ta ra thế giới”. Chỉ thị không những chỉ rõ định hướng, nhiệm vụ và yêu cầu phát triển của ngành xuất bản mà còn chỉ ra giải pháp thực hiện: “Xây dựng và tổ chức chặt chẽ việc thực hiện các quy chế, tiêu chuẩn trong nghiệp vụ xuất bản”. Xây dựng và tổ chức thực hiện Tiêu chuẩn sách là một hoạt động quan trọng trong nghiệp vụ xuất bản. I. Thực trạng quản lý về sách và nhu cầu xây dựng Tiêu chuẩn Quản lý sách ở nước ta lâu nay chỉ thiên về quản lý nội dung là chính, còn các yếu tố cấu thành cuốn sách thì chưa có một tiêu chí chung nào để quản lý. Trong hệ thống xuất bản hiện nay, chỉ có một số ít nhà xuất bản, cơ sở in tự ban hành một số tiêu chí kỹ thuật để quản lý sản phẩm của mình, nên quy cách sách của ta thiếu thống nhất, chắp vá theo cách trình bày của một số nước trên thế giới, mỗi nước một ít. Vì chưa có một tiêu chuẩn chung cho ngành công nghiệp sản xuất sách Việt Nam, các hoạ sỹ, các chuyên viên thiết kế đồ hoạ, kỹ thuật viên vi tính với tư duy sáng tạo nội tại và tiếp cận cái mới “ngoại nhập” để trình bày, thiết kế kỹ-mỹ thuật sách trong nước. Từ đó, tất yếu dẫn đến tình trạng thiết kế kỹ - mỹ thuật sách của nước ta chịu ảnh hưởng nghệ thuật cách trình bày sách của một số nước như Nga, Pháp, Anh, Mỹ Cả nước có 60 nhà xuất bản, hơn 1200 cơ sở in với gần 50.000 lao động làm việc trong các đơn vị sản xuất ra sách đang lúng túng về các tiêu chí kỹ thuật khi sản xuất một cuốn sách. Đặc biệt, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có xuất bản. Sách Việt Nam tuy đã có bước tiến xa về kỹ thuật và mỹ thuật nhưng mới dừng lại ở sự nỗ lực riêng của từng nhà xuất bản. Ở nhiều mảng sách có thể nhận ra ngay sự dễ dàng, cẩu thả trong biên tập kỹ thuật, mỹ thuật, thậm chí nhiều cuốn sách vi phạm những nguyên tắc sơ đẳng của kỹ thuật sách, từ chọn kiểu chữ đến dàn trang và đóng xén. Nhiều cuốn sách có nội dung tốt nhưng không đạt chuẩn quốc tế nên đã bị đối tác nước ngoài từ chối mua bản quyền. Vì vậy, cần có một tiêu chuẩn chung về kỹ thuật sách là một đòi hỏi khách quan và cấp thiết. II. Tình hình tiêu chuẩn hóa về sách ở nước ngoài và trong nước 1. Ở nước ngoài: Hiện nay trên thế giới có nhiều quốc gia đã ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật về sách như Nga, Mỹ, Anh, Pháp nên sách của họ được đánh giá cao về thiết kế, trình bày và gia công sản phẩm. Trong giai đoạn 1923 đến nay, tại Hoa kỳ và các nước Châu Âu, tiêu chuẩn đóng sách được hình thành và phát triển qua các giai đoạn sau: a) 1923 - Ủy ban nghề đóng sách & Thợ đóng sách thuê (viết tắt là ALA) thống nhất các tiêu chuẩn cho đóng sách; b) 1935 - 1980 - Tiêu chuẩn đóng sách LBI ra đời và có 7 phiên bản; c) 1986 - Tiêu chuẩn đóng sách LBI có phiên bản thứ 8; d) 1990 - ALA đưa ra hướng dẫn về tiêu chuẩn cho LBI; e) 1992 - Xuất hiện tiêu chuẩn ANSI/NISO Z39.66-1992; f) 1995 - Đưa ra các cách đo lường cho LBI; g) 1996 - Đưa ra tiêu chuẩn ANSI/NISO Z39.76-1996; h) 1998 - Đưa ra tiêu chuẩn LBI áp dụng trong điều kiện ở Châu Âu i) 2000 - Đưa ra tiêu chuẩn ANSI/NISO/LBI Z39.78-2000 - Chuẩn ANSI/NISO/LBI Z39.78-2000 và ANSI/NISO Z39.48-1992(R1997) cho sách tại Mỹ, trong đó chuẩn ANSI/NISO/LBI Z39.78-2000 thiên về các loại sách có giá trị sử dụng lâu dài trong các thư viện và chuẩn ANSI/NISO Z39.48-1992(R1997) lại thiên về các loại vật tư sử dụng cho sản xuất sách và các thông số kỹ thuật dùng để kiểm nghiệm trong quá trình in. - Chuẩn ANSI/NISO/ISO 12083 dùng trong trình bày sách, đây là chuẩn riêng cho ngành xuất bản. Tiêu chuẩn này được thể hiện rất chi tiết thông qua các tiêu chí có kí hiệu là Z39.xx. Ví dụ như: Z39.1 dùng để kiểm định việc trình bày và định dạng cuốn sách; Z39.21 lại dùng để kiểm định việc đánh số trang. Như vậy, đã từ lâu các nước tiên tiến trên thế giới đã ứng dụng tiêu chuẩn sách trong việc kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm và cho đến nay các tiêu chuẩn này được thay đổi theo khuynh hướng phù hợp hơn với sự phát triển của công nghệ và các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. 2. Ở Việt Nam Ngay từ thời phong kiến, nước ta đã có sách, hầu hết là những bộ sách về đề tài lịch sử và những tác phẩm văn học, tôn giáo. Sách hồi đó chủ yếu được sản xuất theo phương pháp thủ công thô sơ hoặc viết bằng tay hoặc in qua bản khắc gỗ. Tuy còn đơn giản, nhưng người làm sách đều cố gắng trình bày sao cho dễ đọc; nếu có bìa thì bìa được trình bày theo kiểu thư pháp. Chữ viết thông dụng là chữ Hán và chữ Nôm. Vào những năm cuối thế kỷ thứ XIX, sách quốc ngữ bắt đầu xuất hiện ở nước ta. Việc trình bày, minh họa sách thời đó chịu sự ảnh hưởng của cách trình bày sách Pháp. Trước kia, công tác trình bày, minh họa sách thường tùy thuộc vào nhà in, vì ngoài nhà in ra, ít người nắm được quy cách kỹ thuật của cuốn sách. Nhưng từ đầu thế kỷ thứ XX, các nhà xuất bản bắt đầu có người chuyên đảm trách về kỹ thuật, mỹ thuật sách. Khi chữ quốc ngữ được truyền bá rộng rãi khắp cả nước vào những thập niên 30 - 40, sách quốc ngữ ngày càng được xuất bản nhiều, thì việc trình bày, minh họa sách được đầu tư kỹ hơn. Tuy chưa hình thành khuynh hướng rõ nét và cũng chưa thành một nghiệp vụ hẳn hoi, nhưng cũng đã thể hiện sự phối hợp giữa các mảng chữ, mảng màu, sử dụng đúng chỗ các đường philê hay vinhét làm cho nội dung sách được trình bày một cách lôgíc, xúc tích, phù hợp với đặc trưng từng loại sách và đáp ứng phần nào thị hiếu thẩm mỹ của người đọc. Trong tiến trình lịch sử của nghệ thuật trình bày, thiết kế hình thức sách Việt Nam theo hướng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; nhưng do những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nên từng thời kỳ đều chịu ảnh hưởng của cách trình bày, thiết kế sách nước ngoài. Thời kỳ những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, những cuốn sách quốc ngữ có hình thức bên ngoài mang phong cách trình bày của Pháp; thời kỳ những năm nước ta tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư duy cũ thì những cuốn sách có thêm nét trình bày của sách Liên Xô; thời kỳ đất nước bước vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập đến nay, hình thức bên ngoài của sách Việt Nam lại điểm xuyết thêm cách trình bày sách Anh, Mỹ. Ở loại sách truyện tranh cũng ảnh hưởng cách trình bày sách của Nhật Bản Việt Nam hiện có 2 tiêu chuẩn sách đã được ban hành: - Tiêu chuẩn TCVN 4356: 1986 (Sách - Phân loại, yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra) do Liên hiệp các xí nghiệp in - Bộ Văn hóa biên soạn. - Tiêu chuẩn TCVN 5665: 1992 (Sách giáo khoa - Yêu cầu chung) do Nhà Xuất bản Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn). Tuy nhiên, xét về tổng thể Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn sách mang tính toàn diện với những thông số thống nhất để đánh giá chất lượng hình thức bên ngoài của sách. Các TCVN về sách đã được ban hành khá lâu, cần thiết phải được rà soát, sửa đổi, cập nhật hoặc xây dựng tiêu chuẩn mới thay thế để phù hợp với tình hình phát triển xã hội. III. Rà soát nội dung các tiêu chuẩn trong nước về sách Hiện nay, có 2 Tiêu chuẩn sách đang được áp dụng: - Tiêu chuẩn TCVN 4356: 1986 (Sách - Phân loại, yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra) do Liên hiệp các xí nghiệp in - Bộ Văn hóa biên soạn. - Tiêu chuẩn TCVN 5665: 1992 (Sách giáo khoa - Yêu cầu chung) do Nhà Xuất bản Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn). Hai Tiêu chuẩn này được chuyển đổi năm 2008 từ Tiêu chuẩn Việt Nam cùng số hiệu thành Tiêu chuẩn quốc gia. IV. Phương pháp xây dựng tiêu chuẩn Với mục tiêu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về sách mang tính toàn diện để áp dụng trong phạm vi rộng các loại sách xuất bản tại Việt Nam, nhằm tăng cường chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật của sách, Ban soạn thảo xác định phương pháp xây dựng tiêu chuẩn là xây dựng mới, có xem xét kế thừa một số tiêu chí của sách đề cập trong TCVN 4356:1986 và TCVN 5665:1992. Để thực hiện tốt việc xây dựng nội dung tiêu chuẩn có chất lượng, đảm bảo tính khả thi cao trong việc áp dụng, Ban soạn thảo đã phải nghiên cứu, xây dựng đề tài và sử dụng các phương pháp sau đây: Phương pháp điều tra, khảo sát thực trạng công việc biên tập, trình bày, thiết kế kỹ - mỹ thuật, in và gia công sách tại các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành, họa sỹ. Phương pháp nghiên cứu tài liệu tham khảo trong và ngoài nước. Rà soát, kế thừa các TCVN về sách và các tiêu chuẩn của các nhà xuất bản, cơ sở in. Phương pháp chuyên gia, cố vấn. Hội thảo khoa học về nội dung dự thảo Tiêu chuẩn. Phương pháp kỹ thuật trên máy tính (tập hợp xử lý thông tin, thiết lập bảng, biểu tổng hợp, so sánh sau đó xây dựng và hoàn thiện dự thảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về sách. V. Tóm lược các yêu cầu của tiêu chuẩn 1. Tiêu chuẩn đặt ra yêu cầu đối với giấy in sách, bao gồm: Yêu cầu về định lượng (độ dày), tỉ trọng (độ chặt), chiều của thớ giấy, tính chất bề mặt, tính chất cơ học (độ đàn hồi, độ bền kéo, độ bền nén, độ bền uốn cong), tính chất quang học (độ trắng, độ xuyên thấu, độ bóng). 2. Tiêu chuẩn đặt ra yêu cầu kỹ thuật đối với sách, bao gồm: - Yêu cầu về khuôn khổ sách; - Yêu cầu về trình bày kỹ - mỹ thuật sách, bao gồm: bìa sách, gáy sách, ruột sách (bìa lót, bìa phụ, trang tít tổng hợp, trang lưu chiểu, trang Lời nhà xuất bản, trang giới thiệu nghiên cứu - tổng quan, trang tài liệu tham khảo, trang mục lục, trang có chú thích, những chi tiết trên trang in, minh họa, biểu đồ, sơ đồ, bản đồ, tranh, ảnh; trang chữ, giới hạn lỗi trong sách). - Yêu cầu kỹ thuật đối với in sách, bao gồm: kích thước lề trắng, trang in mặt trước và mặt sau; Các chi tiết in; Ví trí các chi tiết in; Mầu mực; Chất lượng màu sắc, hình ảnh, độ phân giải tram - Yêu cầu kỹ thuật đối với gia công sách, bao gồm 2 loại: + Đối với gia công sách bìa cứng: tiêu chuẩn đặt ra các yêu cầu về gấp tay sách, bắt cuốn, khâu chỉ, khâu chỉ qua vạch gấp, khâu xuyên qua các phần của ruột sách, khâu chỉ ruột sách, cà gáy dán keo (xẻ răng cưa gáy), keo gáy ruột sách, xén ruột sách, vo tròn gáy sách, vật liệu lót gáy, vật liệu bọc bìa, carton lót bìa, bao bìa, vào bìa: + Đối với gia công sách bìa mềm: phương pháp đóng sách bìa mềm gần giống với đóng sách bìa cứng ở công đoạn gia công ruột sách nên chỉ bổ sung yếu tố kiểm tra về bìa mềm cho quy trình đóng sách này và yêu cầu đối với sách đóng kẹp. 3. Phương pháp thử, kiểm tra Phương pháp thử, kiểm tra được áp dụng viện dẫn vào các tiêu chuẩn đã được ban hành và đưa ra một số phương pháp kiểm tra đối với một số nội dung tiêu chuẩn mới. VI. Thuyết minh nội dung các tiêu chuẩn Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Bộ, có khả năng ứng dụng vào thực tế để chuẩn hóa quá trình sản xuất sản phẩm sách. Dự thảo tiêu chuẩn sách Việt Nam được nhóm nghiên cứu đề tài xây dựng các quy định rất cụ thể, chi tiết tới tất cả các thành phần cấu tạo nên nội dung và hình thức của cuốn sách. Dự thảo tiêu chuẩn được chia thành 2 nội dung chính như sau: 1. Tiêu chuẩn về thiết kế, trình bày kỹ - mỹ thuật sách Phần này quy định về thiết kế, trình bày kỹ - mỹ thuật sách, bao gồm những tiêu chí trình bày bìa 1, trình bày bìa 2, 3, 4 với các nội dung đã được pháp luật quy định và tôn trọng sự sáng tạo của người thiết kế, trình bày. Kết cấu kỹ thuật của cuốn sách được quy định rất cụ thể tới từng trang có những thông tin quan trọng, như: - Các loại sách phải có tờ bìa lót và thông tin ghi ở bìa lót - Bìa phụ và những thông tin ghi ở bìa phụ - Loại sách có trang tít tổng hợp và những thông tin ghi ở trang này. - Thông tin ghi trên trang lưu chiểu - Thứ tự của Lời Nhà xuất bản, Lời nói đầu, Lời giới thiệu - Loại sách phải có trang giới thiệu nghiên cứu, tổng quan - Thứ tự trình bày của tài liệu tham khảo - Trang mục lục, những phần lớn và mục lục chi tiết - Những chi tiết trên trang in: Cách trình bày, dùng font chữ, corp chữ, minh họa, biểu đồ, sơ đồ, bản đồ, tranh, ảnh..., những thông tin và thứ tự ghi trong chú thích - Bát chữ (trang chữ), số dòng, số chữ, co chữ phải phù hợp với khuôn khổ sách, loại sách và nội dung của sách. - Khuôn khổ sách được quy định phù hợp với mục đích sử dụng và nội dung của từng loại sách. - Các lỗi trong từng trang sách, từng cuốn sách cũng được giới hạn để đảm bảo tiêu chí về chất lượng một cuốn sách. 2. Tiêu chuẩn kỹ thuật in và gia công sau in: Trên cơ sở nghiên cứu các tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật về gia công sách của một số nước trên thế giới và điều kiện sản xuất thực tế ở nước ta, nhóm biên soạn đã xây dựng dự thảo tiêu chuẩn về kỹ thuật in và gia công sách theo các tiêu chí sau: - Vật liệu sản xuất sách được quy định về chiều dày, định lượng, thớ giấy, tính chất bề mặt, tính chất cơ học, tính chất quang học của giấy in sách phù hợp với từng loại sách, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. - Tiêu chuẩn kỹ thuật in sách được chuẩn hóa mật độ tông màu nguyên chuẩn và những quy định về sai biệt màu chuẩn cho in sách trên các loại giấy khác nhau. - Các tiêu chuẩn kỹ thuật gia công sau in: phần này quy định kỹ thuật đóng sách bìa cứng và bìa mềm, tiêu chuẩn hóa từng khâu từ kiểm tra tiếp nhận tổng quát tờ in đến chất lượng gấp tay sách, chất lượng bắt cuốn, chất lượng đóng, đến lúc vào bìa và xén thành phẩm. Đây là một quy trình gồm nhiều công đoạn phức hợp để gia công một sản phẩm nên tiêu chuẩn được cụ thể hóa cho từng khâu, đảm bảo chất lượng cuốn sách sau khi gia công. Tóm lại, bản Tiêu chuẩn này nhằm mục đích thống nhất một số nội dung chính về kỹ thuật khi thiết kế, trình bày, gia công sản phẩm sách phải đạt một tiêu chuẩn chung để cung cấp cho xã hội một sản phẩm có chất lượng cao và hội nhập với thị trường thế giới, phục vụ công tác đào tạo tại các trường đào tạo về xuất bản, in, phát hành sách và các biên tập viên kỹ-mỹ thuật, in và gia công sách tại các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành, các họa sỹ, đối tác liên kết tham gia làm sách, góp phần nâng cao chất lượng kỹ-mỹ thuật trình bày và gia công sách. Khi có một Tiêu chuẩn chung để thiết kế, biên tập, trình bày và gia công sách sẽ đem lại tính thống nhất cho sách, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp cho những người trực tiếp tham gia sản xuất sách và bảo vệ quyền lợi của người mua sách. Việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn sách Việt Nam là phù hợp với xu hướng chung của thế giới và là một yêu cầu cấp thiết xét trên mọi phương diện cả về lý luận lẫn thực tiễn; khẳng định, củng cố thương hiệu, đẳng cấp của các nhà xuất bản, nhà in, nhà phát hành và nhu cầu ngày càng cao của người đọc đối với chất lượng sách. Đồng thời, là tài liệu thống nhất dùng cho công việc dạy và học hiện nay ở các trường, các trung tâm đào tạo nghiệp vụ trình bày, thiết kế kỹ- mỹ thuật sách. BAN SOẠN THẢO TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT SÁCH QUỐC GIA

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doctmtc_2010_a15_4984.doc
Tài liệu liên quan