Sự ảnh hưởng của gia đình, xã hội và nhà trường đến hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em (Nghiên cứu tại trường Giáo dưỡng số 1 Đông Anh – Hà Nội)

Trường Giáo dưỡng số 1 Đông Anh – Hà Nội được thành lập theo quyết định số 5781 ngày 22/11/1993 của UBND Thành phố Hà Nội với nhiệm vụ quản lý, giáo dục số trẻ em vi phạm pháp luật. Nhà trường tiến hành giáo dục đạo đức, pháp luật, nếp sống văn hoá, dạy văn hoá, dạy nghề và các hoạt động hỗ trợ khác nhằm giúp các em điều chỉnh nhân cách theo định hướng tốt, tạo điều kiện cho các em tái hoà nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Nhà trường mới được thành lập nên gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường là mô hình đầu tiên hoạt động theo cơ chế hiệu quả- công tác hoạt động giữa công an Thành phố Hà Nội và Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội và không nằm trong khối trường giáo dưỡng của Bộ Công an. Nhà trường được UBND Thành phố Hà Nội quản lý trực tiếp. Tất cả các em vị thành niên ở địa bàn Hà Nội vi phạm pháp luật đều được đưa đến trường quản lý giáo dục theo quy định của pháp luật đã ban hành. Do tính chất đặc trưng nên trường chỉ tiếp nhận các em nam, còn số nữ trong độ tuổi vi phạm pháp luật thì được chuyển vào trường giáo dưởng số 2 ở Ninh Bình. Nếu tính số học sinh vào trường trong 5 năm trở lại đây thì hằng năm trường cũng tiếp nhận một số lượng lớn các em vi phạm pháp luật với mức độ tăng giảm không đồng đều. Năm 2000 trường tiếp nhận 73 học sinh, năm 2001 là 110 học sinh; năm 2002 là 83 học sinh; cao nhất là năm 2003 là 120 học sinh. Năm 2005 có 85 học sinh cùng với số trẻ em vi phạm pháp luật đưa từ 2 quận mới là Long Biên và Hoàng Mai. Số trẻ em vi phạm pháp luật trên địa bàn nếu phân theo từng quận, huyện thì nơi có số lượng trẻ em vi phạm pháp luật cao tập trung ở một số quận nội thành như quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, còn lại các quận khác thì không đáng kể. Hiện tại Nhà trường giáo dục cho các em theo chương trình giáo dục thường xuyên (bổ túc văn hoá) theo quy định của Bộ giáo dục-Đào tạo. Buổi sáng các em học văn hoá, buổi chiều các em học nghề. Hằng năm vào các dịp hè, nhà trường tổ chức 3 tháng tuyên truyền giáo dục pháp luật như luật hình sự, luật hành chính, luật giao thông và các bài giáo dục công dân, chương trình dành riêng cho trường giáo dưởng do Bộ Công an và Bộ Giáo dục thống nhất ban hành. Bên cạnh đó, Trường còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hoá và nhiều chương trình giáo dục khác nhằm giúp các em hoà đồng với môi trường cộng đồng cũng như giúp các em có những hiểu biết cơ bản về kiến thức pháp luật hiện hành. Tóm lại, với mô hình hoạt động hiện tại, Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích và cũng không ít còn những tồn tại khó khăn. Tuy trường tập trung chủ yếu là học sinh nam nhưng số lượng vi phạm pháp luật của các em là một trong những mối quan tâm cho toàn xã hội, đặc biệt là các em ở các quận thuộc trung tâm Thành phố Hà Nội. Số lượng các em vào trường như nói ở trên là rất khiêm tốn, vì còn một lượng trẻ em vi phạm pháp luật vẫn chưa được đưa vào trường. Nếu chúng ta phối hợp tốt giữa gia đình, xã hội và trường học thì sẽ hạn chế được mức thấp nhất việc trẻ em vi phạm pháp luật như hiện nay Bài nghiên cứu này gồm 11 trang

doc11 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2254 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sự ảnh hưởng của gia đình, xã hội và nhà trường đến hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em (Nghiên cứu tại trường Giáo dưỡng số 1 Đông Anh – Hà Nội), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Sự ảnh hưởng của gia đình, xã hội và nhà trường đến hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em (Nghiên cứu tại trường Giáo dưỡng số 1 Đông Anh – Hà Nội) I. Vài nét về địa bàn nghiên cứu Trường Giáo dưỡng số 1 Đông Anh – Hà Nội được thành lập theo quyết định số 5781 ngày 22/11/1993 của UBND Thành phố Hà Nội với nhiệm vụ quản lý, giáo dục số trẻ em vi phạm pháp luật. Nhà trường tiến hành giáo dục đạo đức, pháp luật, nếp sống văn hoá, dạy văn hoá, dạy nghề và các hoạt động hỗ trợ khác nhằm giúp các em điều chỉnh nhân cách theo định hướng tốt, tạo điều kiện cho các em tái hoà nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Nhà trường mới được thành lập nên gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ cán bộ, giáo viên… Trường là mô hình đầu tiên hoạt động theo cơ chế hiệu quả- công tác hoạt động giữa công an Thành phố Hà Nội và Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội và không nằm trong khối trường giáo dưỡng của Bộ Công an. Nhà trường được UBND Thành phố Hà Nội quản lý trực tiếp. Tất cả các em vị thành niên ở địa bàn Hà Nội vi phạm pháp luật đều được đưa đến trường quản lý giáo dục theo quy định của pháp luật đã ban hành. Do tính chất đặc trưng nên trường chỉ tiếp nhận các em nam, còn số nữ trong độ tuổi vi phạm pháp luật thì được chuyển vào trường giáo dưởng số 2 ở Ninh Bình. Nếu tính số học sinh vào trường trong 5 năm trở lại đây thì hằng năm trường cũng tiếp nhận một số lượng lớn các em vi phạm pháp luật với mức độ tăng giảm không đồng đều. Năm 2000 trường tiếp nhận 73 học sinh, năm 2001 là 110 học sinh; năm 2002 là 83 học sinh; cao nhất là năm 2003 là 120 học sinh. Năm 2005 có 85 học sinh cùng với số trẻ em vi phạm pháp luật đưa từ 2 quận mới là Long Biên và Hoàng Mai. Số trẻ em vi phạm pháp luật trên địa bàn nếu phân theo từng quận, huyện thì nơi có số lượng trẻ em vi phạm pháp luật cao tập trung ở một số quận nội thành như quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, còn lại các quận khác thì không đáng kể. Hiện tại Nhà trường giáo dục cho các em theo chương trình giáo dục thường xuyên (bổ túc văn hoá) theo quy định của Bộ giáo dục-Đào tạo. Buổi sáng các em học văn hoá, buổi chiều các em học nghề. Hằng năm vào các dịp hè, nhà trường tổ chức 3 tháng tuyên truyền giáo dục pháp luật như luật hình sự, luật hành chính, luật giao thông…và các bài giáo dục công dân, chương trình dành riêng cho trường giáo dưởng do Bộ Công an và Bộ Giáo dục thống nhất ban hành. Bên cạnh đó, Trường còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hoá và nhiều chương trình giáo dục khác nhằm giúp các em hoà đồng với môi trường cộng đồng cũng như giúp các em có những hiểu biết cơ bản về kiến thức pháp luật hiện hành. Tóm lại, với mô hình hoạt động hiện tại, Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích và cũng không ít còn những tồn tại khó khăn. Tuy trường tập trung chủ yếu là học sinh nam nhưng số lượng vi phạm pháp luật của các em là một trong những mối quan tâm cho toàn xã hội, đặc biệt là các em ở các quận thuộc trung tâm Thành phố Hà Nội. Số lượng các em vào trường như nói ở trên là rất khiêm tốn, vì còn một lượng trẻ em vi phạm pháp luật vẫn chưa được đưa vào trường. Nếu chúng ta phối hợp tốt giữa gia đình, xã hội và trường học thì sẽ hạn chế được mức thấp nhất việc trẻ em vi phạm pháp luật như hiện nay. II. Sự ảnh hưởng của gia đình, xã hội và nhà trường đến hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em 1. Một vài nét về tình hình hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em hiện nay Trong những năm gần đây do tác động nhiều yếu tố về kinh tế văn hoá-xã hội đã làm cho xã hội ngày càng nảy sinh nhiều yếu tố phức tạp. Đặc biệt, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Điều đáng quan tâm là phần lớn đối tượng thuộc tầng lớp thanh thiếu niên với những việc làm và hành động thiếu suy nghĩ, gây nhiều mâu thuẩn với các giá trị của xã hội. Thành phố Hà Nội, nơi tập trung nhiều thành phần dân cư cùng với nhiều lối sống tự do nên thế hệ trẻ không bị áp đặt bởi phong tục truyền thống nên mức độ kiểm soát xã hội chưa cao. Hiện tại, điều kiện KT-VH-XH ngày càng phát triển nên thế hệ trẻ bây giờ cũng sống trong điều kiện đầy đủ hơn, đặc biệt là các em sống ở thành thị. Trong môi trường đô thị Hà Nội hàng ngày tiếp nhận những luồng văn hoá khác nhau, nhất là lối sống phương Tây đang ảnh hưởng rất lớn đến các khu đô thị. Lối sống này đề cao lối sống cá nhân nên các em dễ bị kích động và có xu hướng làm theo những điều có lợi cho bản thân. Khi những hành động đó vượt ra khỏi phạm vi cho phép thì điều tất yếu sẽ có những hành vi lệch chuẩn, chống lại các giá trị mà xã hội mong đợi. Trẻ em đô thị hầu hết ngoài việc học tập ra thì các em không phải làm gì khác nữa, do đó các em dễ bị tác động từ môi trường xã hội phức tạp với những trò giải trí không phù hợp với lứa tuổi của các em như: Đua xe, cờ bạc, game… Thực tế cho thấy trẻ em vi phạm pháp luật ở đô thị cao hơn trẻ em nông thôn với những loại hình phạm tội cũng nguy hiểm hơn như: Trộm cắp, lừa đảo, cướp giật nhằm thoả mãn sự quen tiêu xài cho thoả thích. Như vậy, sự ảnh hưởng đến hành vi vi phạm của các em không còn là thuần tuý về kinh tế để thoả mản mà còn do ảnh hưởng từ góc độ gia đình, xã hội và trường học trong việc phối hợp cũng như sự điều hoà các mối quan hệ. 2. Sự ảnh hưởng của gia đình, xã hội và nhà trường đến hành vi vi phạm của trẻ em 2.1. Môi trường gia đình Gia đình là chiếc nôi đầu tiên trong mỗi cuộc đời của mỗi con người. Đây là môi trường xã hội hoá đầu tiên rất có ý nghĩa, bởi vì gia đình tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của các em. Trong xã hội hiện nay, vai trò chăm sóc con cái của cha mẹ ngày càng mờ đi thay thế vào đó là sự tác động từ môi trường xã hội với những phức tạp đan xen. Trong nhiều gia đình đô thị hiện nay, do cha mẹ bị cuốn hút theo công việc và đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong xã hội nên thời gian dành cho con cái cũng rất hạn chế. Hiện nay, trong nhiều gia đình việc giáo dục con cái hầu như là giao toàn bộ cho xã hội, nhiều gia đình không có thời gian chăm sóc con nên đã thuê gia sư về dạy cũng như việc cho con đi học thêm kín hết thời gian nhằm không có cơ hội để chơi bời, tụ tập. Từ đó, việc tiếp xúc với con cái của cha mẹ là rất hạn chế nên ngoài việc học tập ở trường thì các em hầu như thiếu hẳn sự giáo dục từ phía gia đình. Có thể khẳng định, là không gì thay thế được sự giáo dục của cha mẹ đối với con cái bởi đó không chỉ là sự truyền đạt những tri thức mà còn là sự truyền đạt những kinh nghiệm sống, ứng xử giao tiếp hằng ngày và đó còn là sự bao bọc con cái trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Đứa trẻ nào mà không mong muốn sự gần gủi, động viên, chia xẻ của cha mẹ đối với mình trong những lúc buồn vui, hụt hẩng. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều áp lực về công việc và nhu cầu kiếm sống nên nhiều bậc cha mẹ đã dần quên đi trách nhiệm của mình với gia đình trong việc chăm sóc con cái. Ngoài ra, còn có nhiều gia đình có nhiều mâu thuẩn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của trẻ em. Qua nghiên cứu tại trường Giáo dưỡng số 1 Đông Anh-Hà Nội thì đa số các em vi phạm pháp luật nằm trong điều kiện là cha mẹ nuông chiều con cái (42,7%), gia đình có sự rạn nứt và có nhiều mâu thuẩn (14,7%), bố mẹ ly dị (30,7%), có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (20%), … Do đó, các em có cuộc sống gần như mất phương hướng trong sinh hoạt hằng ngày. Qua tỉ lệ như trên, ta thấy trong gia đình có bố mẹ nuông chiều con cái quá mức sẽ có tác dụng ngược lại. Đây là một thực tế xảy ra tương đối nhiều trong các gia đình có điều kiện kinh tế nhưng do chưa nhận thức đúng đắn về phương pháp giáo dục con cái nên dễ làm hư con theo những phần thưởng bằng vật chất. Ngoài ra, trong các gia đình có bố mẹ ly hôn thì tỉ lệ trẻ vi phạm pháp luật chiếm số lượng tương đối lớn. Còn gia đình có bố mẹ không gương mẫu thì chiếm khoảng 32,0% trẻ em vi phạm pháp luật. Điều này cũng có thể hiểu được như là một hiện tượng tâm lý bình thường của trẻ em. Bởi trong gia đình con cái luôn đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào cha mẹ, một khi phát hiện cha mẹ có những hành động sai trái thì các em không dễ tha thứ, bởi tâm hồn các em đã bị tổn thương. Từ sự mất niềm tin ấy các em bắt đầu nảy sinh những biểu hiện tâm lý tiêu cực nhằm phản kháng lại gia đình, với những biểu hiện ban đầu là không nghe lời dần đến những hành động tiêu cực và tới đỉnh điểm của sự tiêu cực là các em phạm pháp. Trong các gia đình có cha mẹ ly hôn thì người chịu hậu quả nặng nề nhất chính là các em, bởi vì lúc đó các em bị mất lòng tin và gây nên khủng hoảng tinh thần. Để có thể che lấp sự hụt hẩng đó, các em thường có những hành vi trái với những điều mà xã hội mong đợi. Có em trả lời: “Em chán gia đình quá nên em có những hành động bậy bạ”. Như vậy, môi trường gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của các em. Gia đình là môi trường xã hội hoá đầu tiên để các em tiếp thu những tri thức, những kinh nghiệm sống như tiền đề cơ bản nhất để các em có thể hoà nhập vào môi trường xã hội một cách tự tin hơn. Nếu trong gia đình mà thiếu sự quan tâm thì con cái rất dễ bị cám dỗ vào những vấn đề tiêu cực. Trên thực tế, vấn đề này diễn ra cũng khá nhiều vì các bậc cha mẹ chưa nhận thức đúng về vai trò của mình trong gia đình, trong việc kiểm soát và định hướng đúng đắn cho con mình. Hiện nay phần lớn vai trò gia đình đã chuyển cho xã hội nên hoạt động giáo dục trong gia đình mất đi tính hệ thống vì đó là sự lắp ghép của nhiều vai trò nên vô tình đã làm ảnh hưởng đến sự tiếp thu vốn sống cũng như tri thức cho các em. 2.2 Môi trường xã hội Trước tiên, chúng ta hiểu xã hội là gì? Xã hội là một tổ chức gồm những người chung sống trên một lãnh thổ hợp tác với nhau thành các đoàn thể, để thoả mãn các nhu cầu xã hội căn bản, cùng chia xẻ một nền văn hoá chung mà hoạt động như một xã hội riêng biệt. Xã hội nào cũng luôn luôn hoạt động và phát triển không ngừng, tức là sự vận động và sự phát triển vốn nằm trong bản chất của nó. Con người sinh ra, trưởng thành, rồi chết đi và lần lượt các thế hệ này thay thế các thế hệ khác. Chính vì vậy, chúng ta liên hệ thực tại xã hội mà chúng ta đang sống. Xã hội chúng ta đang trên đà phát triển không ngừng, đặc biệt ở các đô thị lớn.Do đó, sự kiểm soát của gia đình và các bậc cha mẹ đối với con cái về vấn đề đạo đức cũng như sự chuẩn mực đôi lúc vẫn còn nhiều bất cập. Có ai khẳng định rằng xã hội tôi đang sống là một xã hội hoàn toàn tốt đẹp mà con người ở đó có quan hệ với nhau bằng tình yêu thương, bằng sự cộng hưởng để cùng tiến bộ. Xã hội nào cũng vậy, cũng đều có mặt trái của nó, tức là mặt tiêu cực của xã hội. Trong bài viết này chỉ nêu lên một vài vấn đề nổi bật liên quan đến các em đó là: Các dịch vụ văn hoá đồi trụy, đua xe, trộm cắp, cướp giật… Qua số liệu điều tra, hầu hết các em khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều xuất phát từ những vui chơi quá đà dần bỏ bê việc học hành . Qua tìm hiểu các em có cuộc sống như thế nào trước khi vào trường giáo dưởng, thì hầu hết các em thường bỏ nhà đi lang thang cùng bạn bè hoặc là đi bụi theo cách riêng của từng em nhằm mục đích là tách khỏi sự kiểm soát của gia đình. Số em bỏ nhà đi thường xuyên là 41,3% và số em bỏ nhà đi khoảng một hai lần chiếm 48%. Như vậy, môi trường xã hội tác động rất lớn đến hành vi của các em với những cám dỗ khó tránh khỏi. Thực tế, trẻ em vi phạm pháp luật thường tụ tập theo nhóm bạn nhất định, do vậy sự ảnh hưởng của bạn bè xấu đến hành vi của các em là một khoảng cách không xa.Bên cạnh đó, các em còn ảnh hưởng từ môi trường sống còn có nhiều người mắc các tệ nạn xã hội. Trong số được hỏi thì có 43 em (chiếm 57,3%) số em trả lời là ở địa phương có nhiều người mắc các tệ nạn xã hội rủ rê, níu kéo. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu xã hội với nhiều đối tượng khác nhau nên xuất hiện nhiều tụ điểm vui chơi giải trí với nhiều loại hình phong phú, đặc biệt là phục vụ cho giới trẻ. Độ tuổi có thể coi là non trẻ, các em dễ bị thu hút bởi những trò chơi hấp dẫn như Game, các loại băng hình giải trí và điều đáng quan tâm hơn nữa là các em rất thích đua xe. Nhiều em do không làm chủ được bản thân cùng với sự quản lý thiếu chặt chẻ từ phía gia đình nên nhiều em ngày càng bỏ bê việc học hành, nói dối cha mẹ và làm mọi cách để có tiền nhằm đáp ứng sự tiêu xài quen thuộc của mình. Khi đươc hỏi: “Nếu có tiền em thường xử dụng vào việc gì” thì có 94,7% cho biết là dùng vào việc “tiêu xài ăn chơi”. Như vậy, vấn đề giáo dục của gia đình là vô cùng quan trọng. Cha mẹ nào mà không yêu thương con cái của mình, không muốn cho con cái của mình học hành giỏi giang, tiến bộ. Nhưng có biết đâu sự nuông chiều, yêu thương bằng vật chất vô hình trung đã dần đưa con mình vào con đường hư hỏng. Mặt khác, các em ở đô thị ngoài việc học tập ra thì các em không phải làm gì nữa nên các em chưa hiểu hết giá trị của đồng tiền. Lứa tuổi các em rất nhạy bén và tính tò mò rất cao cùng với sự biến đổi của cơ chế thị trường nên các trò chơi đã dần bị thương mại hoá, không giữ được tính tích cực ban đầu, thiếu tính giáo dục nên ảnh hưởng đến nhận thức của các em. Hơn nữa, lứa tưổi này các em tiếp thu các sự kiện xã hội một cách rất thụ động, chưa có sự trải nghiệm nên dễ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng xấu mà các em chưa thể phân biệt được. Mặt khác, trong môi trường xã hội đô thị hiện nay do nhu cầu vật chất quá cao nên đã lấn át mọi giá trị xã hội khác. Trong đó, các mối quan hệ thiếu bền vững do sự liên kết giữa các cá nhân trong xã hội không được gắn bó nên hành động của cá nhân không bị kiểm soát một cách mạnh mẽ, do đó dễ bị rạn nứt và nảy sinh những hành vi sai lệch. Tuy nhiên, hành vi đó chỉ bị xã hội lên án khi nó ảnh hưởng đến trật tự xã hội với những giá trị chuẩn mực mà xã hội mong đợi. Hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em là hành động vô chuẩn, nó phá vỡ tính ổn định trong xã hội, và là sự suy giảm những giá trị đạo đức trong xã hội, nếu không có sự phòng ngừa và ngăn chặn thì sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng. Từ những bước trượt ban đầu các em dần sa đà vào các tệ nạn xã hội có khi là phạm tội ở những mức nghiêm trọng như trộm cắp, cướp giật kể cả giết người. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định là phần lớn hành động của các em là do bồng bột, bạn bè, người xấu rủ rê, lôi kéo nên nhiều em khi thực hiện không hề biết sự nguy hiểm đang chờ đợi ở phía trước. Khi bị bắt, đưa vào trường cải tạo giáo dục thì các em mới nhận ra sai lầm và mặc cảm tội lỗi. Theo tìm hiểu thì có 74,7% các em là rất ân hận về việc làm của mình, đây chính là cơ sở để các em sửa chửa sai lầm và thời gian ở trong nhà trường các em sẽ học được những điều mà xã hội mong đợi . 2.3 Môi trường học đường Trường học là nơi các em được tiếp thu những kiến thức cũng như được sự dạy dỗ của các thầy cô về nhân cách con người. Con người sinh ra cho đến lúc thành đạt hoặc mất đi, ai mà không qua ngưởng cửa của học đường. Đặc biệt, lứa tuổi các em còn là thanh thiếu niên thì trường học là ngôi nhà thứ 2 mà cha mẹ ở đây chính là các thầy cô giáo. Các em luôn cần sự giúp đỡ, sự yêu thương cũng như những lời động viên an ủi. Con người ai mà không có sự sai lầm, cũng như các em vậy thôi, cũng có em ngoan hiền và cũng có em hư hỏng. Nguyên nhân để dẫn đến sự yếu kém trong học tập cũng như sự hư hỏng thì có nhiều, nhưng ai hiểu được những nguyên nhân đó bắt nguồn từ đâu. Gia đình không có thời gian chăm sóc, nhà trường lại đố kỵ, ban bè lại luôn tạo ra những khoảng cách thậm chí có em còn bị đuổi học… Tất cả những điều đó đã đẩy các em vào con đường sai trái và hơn nữa là các em có những hành vi vi phạm pháp luật. Qua điều tra tại trường giáo dưởng, hầu hết các em ở đây đều bị tách khỏi sự quản lý của gia đình cũng như của trường học. Tâm lý của các em dễ bị kích động, mặc cảm do học lực yếu hoặc bị lưu ban nhiều năm. Các em không được giúp đỡ từ phía nào, cảm giác của các em như bị ruồng bỏ, đơn độc. Đó là một trong nhiều nguyên nhân mà các em bỏ nhà đi lang thang rồi tìm đến những trò chơi vô bổ, gặp bao điều bất trắc đang chờ đón ở phía trước mà các em không hề hay biết. Đúng ra, khi phát hiện những em nằm trong hoàn cảnh như vậy thì các thầy cô giáo nên tìm hiểu sâu hơn, nên có những lời động viên khích lệ và luôn tạo ra các mối quan hệ thân thiện để ít nhiều các em còn có một chỗ dựa về tinh thần và không phải khủng hoảng về mặt tâm lý. Nhưng điều đáng nói ở đây là hầu hết các trường học ở Hà Nội lại không chấp nhận các em hư hỏng và có học lực yếu kém vì sợ ảnh hưởng đến người khác và ảnh hưởng đén thành tích của nhà trường. Chính vì vậy, các em không có cơ hội để hoàn thiện mình, các em lại càng mặc cảm và càng xa lánh mọi người, rồi các em tìm đến những hành vi sai trái, những việc làm khác người, những anh hùng trên xa lộ với tư tưởng bất cần đời và cuối cùng các em vi phạm pháp luật. III. Kết luận và khuyến nghị 1. Kết luận Hiện nay, do tác động của nhu cầu vật chất ngày càng cao và phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong xã hội nên sự quan tâm các bậc cha mẹ đến con cái dần như bị buông lỏng, không tạo đủ cơ sở niềm tin cho sự phát triển của các em. Trước đây, các em thường tiếp thu những giá trị sống từ phía gia đình, thì hiện nay ngoài môi trường gia đình các em còn tiếp xúc khá nhiều từ phía xã hội với nhiều luồng văn hoá khác nhau và thiếu lành mạnh. Từ đó, các em có những hành động lệch chuẩn nằm ngoài sự kiểm soát của gia đình và xã hội. Trẻ em vi phạm pháp luật chủ yếu tập trung ở những em lười học, có trình độ thấp và ở độ tuổi còn bé. Do đó, các em chưa ý thức được những hành động của mình nên các em không làm chủ bản thân mình được trước sự rủ rê của bạn bè xấu và sự lôi kéo của những người đã có tiền sự tiền án. Hầu hết các em vào trường giáo dưởng đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình có sự mâu thuẩn, cha mẹ quá nuông chiều đã tạo ra lối sống thiếu trách nhiệm, không có sự kiểm soát trong hành động của các em. Như vậy có thể nói môi trường gia đình, xã hội và nhà trường có ảnh hưởng rất lớn đến mọi hành động của các em, đặc biệt là vai trò của cha mẹ đối với con cái. Nếu chúng ta biết quan tâm các em đúng mức, biết phối kết hợp từ phía gia đình, xã hội và nhà trường một cách chặt chẻ thì chắc chắn rằng sẽ hạn chế rất nhiều những hành vi sai trái của các em. 2. Khuyến nghị 2.1 Đối với gia đình Gia đình rất quan trọng đối với các em. Vì đây là cái nôi đầu tiên để dạy các em làm người. Đặc biệt là cha mẹ, cha mẹ nên gần gủi con mình nhiều hơn, nên động viên, nên khích lệ và nắm cho được những biểu hiện tâm lý của con mình. Với các em, thì sự ngọt ngào vẫn luôn hơn những lời la mắng doạ nạt. Những đồng tiền cho con mình cha mẹ phải biết nó làm cái gì, nên tránh cho tiền một cách quá đơn giản, cần bao nhiêu thì có bấy nhiêu. Các bậc cha mẹ nên tránh sự phô trương của sự giàu có, tránh biểu hiện của sự thu nhập quá đơn giản về tài chính mà phải luôn giáo dục con mình hiểu đúng nghĩa của giá trị đồng tiền, giá trị của những người làm ra nó. Có như vậy, các em sẽ tránh đi sự xa xỉ, sự ỷ lại và sự tiêu pha lãng phí mà không cần phải suy nghĩ. Có một điều muốn nói là khi cha mẹ phát hiện con mình sử dụng tiền một cách vô bổ, chỉ phục vụ cho ham muốn cá nhân thì lại chấm dứt ngay sự hỗ trợ thường có. Đây là một trong những mầm mống để dẫn các em vào con đường trộm cắp, cướp giật và nhiều hành vi khác nữa nhằm thoả mãn sự ham thích sẳn có của mình. 2.2 Đối với xã hội Thực tế, trẻ em vi phạm pháp luật có xu hướng ngày càng tăng, nhất là các khu đô thị lớn song vẫn còn nhiều em vẫn chưa được đưa vào trường giáo dưởng do nguyên nhân khách quan và chủ quan của nó. Như chúng ta biết, xã hội đang trên đà phát triển và chính điều đó mà con người lạm dụng để thực hiện những việc mang lại lợi nhuận cao cho họ, họ không cần biết tính giáơ dục của nó như thế nào, thí dụ như các trò chơi game, điện tử thiếu sự lành mạnh. Vấn đề này, xã hội cần quan tâm đúng mức để loại bỏ những trò tiêu khiển có tính đồi truỵ. Ngoài ra, các cấp chính quyền nên có những động thái tích cực đối với các em khi các em được trở về hoà nhập với cộng đồng. Tạo điều kiện thuận lợi để các em được tiếp tục đi học cũng như phát huy những gì mà các em học được ở trường giáo dưởng. Tránh sự kỳ thị, luôn tạo sự gắn kết với cộng đồng và dành tất cả những gì tốt đẹp cho các em. 2.3 Đối với trường học Thầy cô giáo cũng như cha mẹ trong một gia đình lớn. Do đó, các thầy cô nên gần gủi các em, tìm hiểu ở các em có những vấn đề gì ảnh hưởng đến học tập. Chủ động tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các em với nhà trường cũng như bạn bè để giúp các em có một niềm tin thật sự. Nhà trường nên tránh việc đề cao về thành tích. Ngoài ra, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền về pháp luật, tổ chức các chương trình có tính xã hội hoặc các chương trình văn nghệ với những chủ đề liên quan đến các em. Mục đích để giải toả tâm lý cũng như tạo cho các em có một niềm tin, có sự hiểu biết về xã hội về môi trường mình đang sống. Tóm lại, các thầy cô trong nhà trường cần có sự thông cảm và yêu thương đối với các em, đặc biệt là các em có biểu hiện hư hỏng và sa sút trong học tập. Hơn nữa, các thầy cô cũng cần có kiến thức cơ bản về tâm lý đối với trẻ em, quan trọng hơn là tâm lý đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm cảm hoá các em đi vào khuôn phép, đi theo những con đường tốt đẹp và sống đúng như sự mong đợi của gia đình, của xã hội và của nhà trường.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docSự ảnh hưởng của gia đình, xã hội và nhà trường đến hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em (Nghiên cứu tại trường Giáo dưỡng số 1 Đông Anh – Hà Nội).doc