Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống

TTO - Do công việc hằng ngày của mình, chúng tôi là những người đầu tiên đọc bản thảo câu chuyện tự kể của Thúy Hằng (Vuợt lên nghiệt ngã, Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 7-1-2007) trước khi những dòng ấy được lên tiếng trước hàng vạn bạn đọc. Đó là một bản thảo “ứa máu”, mà toàn là máu tươi, từ những tế bào ung thư đang hoành hành trong lá phổi của một cô gái trẻ. Đó là những trang giấy thấm đầy nước mắt suốt bao năm của tuổi học trò, kiên cường chiến đấu mỗi ngày mỗi giờ trước cái chết Khi ban tổ chức chương trình “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống” quyết định đến thăm Thúy Hằng ngay tại nhà bạn ở thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), chúng tôi những tưởng sẽ gặp em bên chiếc giường bệnh, trong nỗi đau thân xác. Bất ngờ thay, xuất hiện trước mắt mọi người là một nụ cười tươi khỏe, trên đôi môi chiến thắng của nghị lực phi thường. Trong lúc trò chuyện, chính người lớn chúng tôi đều khóc, dù có khác nhau đôi chút trong cách khóc, song chính em lại luôn luôn cười - tiếng cười rất to, và vang xa như để nhắc nhở chúng tôi: Đừng tuyệt vọng! Thúy Hằng là người mà chúng ta “hãy gặp trước khi tuyệt vọng” như cách nói của bạn tôi, một đồng nghiệp ở Tuổi Trẻ.

doc13 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1894 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống Phép màu từ chính mình Phép màu từ chính mình TTO - Do công việc hằng ngày của mình, chúng tôi là những người đầu tiên đọc bản thảo câu chuyện tự kể của Thúy Hằng (Vuợt lên nghiệt ngã, Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 7-1-2007) trước khi những dòng ấy được lên tiếng trước hàng vạn bạn đọc. Đó là một bản thảo “ứa máu”, mà toàn là máu tươi, từ những tế bào ung thư đang hoành hành trong lá phổi của một cô gái trẻ. Đó là những trang giấy thấm đầy nước mắt suốt bao năm của tuổi học trò, kiên cường chiến đấu mỗi ngày mỗi giờ trước cái chết… Khi ban tổ chức chương trình “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống” quyết định đến thăm Thúy Hằng ngay tại nhà bạn ở thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), chúng tôi những tưởng sẽ gặp em bên chiếc giường bệnh, trong nỗi đau thân xác. Bất ngờ thay, xuất hiện trước mắt mọi người là một nụ cười tươi khỏe, trên đôi môi chiến thắng của nghị lực phi thường. Trong lúc trò chuyện, chính người lớn chúng tôi đều khóc, dù có khác nhau đôi chút trong… cách khóc, song chính em lại luôn luôn cười - tiếng cười rất to, và vang xa như để nhắc nhở chúng tôi: Đừng tuyệt vọng! Thúy Hằng là người mà chúng ta “hãy gặp trước khi tuyệt vọng” như cách nói của bạn tôi, một đồng nghiệp ở Tuổi Trẻ. Tập sách này có vô số những con người như vậy, hiện ra trong đớn đau tột cùng của da thịt vì khiếm khuyết bệnh tật, tai nạn đến đỉnh điểm khổ đau của tâm hồn vì bị làm nhục, bị phản bội, hoặc thất bại, đổ vỡ, cùng đường… Những người phụ nữ góp lời trong cuộc trò chuyện tập thể này đã làm kinh ngạc hết thảy mọi người. Như có phép màu! Một thứ “phép màu từ chính mình” theo cách nói của chị Ngô Cẩm Hồng một nhân vật trong tập sách này. Mọi đổi thay đều bắt đầu từ chính mình. Nên sức mạnh của “phép màu” ấy chính ở khả năng gợi sức mạnh bên trong của mỗi người… Thú vị thay, các cuộc họp của ban tổ chức, ban giám khảo, các hoạt động giao lưu, gặp gỡ trong khuôn khổ của chương trình… đều biến thành những cuộc trò chuyện không dứt về sức mạnh thay đổi con người. Những cuộc trò chuyện đó, như nhân lên khả năng thay đổi từ người này sang người khác, tiếp nối không thôi! Tập sách này, như một kho báu quí giá, không phải từ trên trời ban cho, mà được góp từ những thông điệp vàng của người đời. Câu chuyện của mỗi người phụ nữ trong đây là những trang sách góp vào một cuốn sách khổng lồ, làm thành một cuộc trò chuyện bất tận của cuộc sống, vì thành công và hạnh phúc cho mỗi con người. Hơn 1.800 bài dự thi gửi về từ khắp mọi miền đất nước. Khuôn khổ chật hẹp của một cuộc thi, của tập sách, của trang báo không gói được hết sức lan tỏa của những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống với “phép màu từ chính mình”. DƯƠNG THÀNH TRUYỀN (Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ- trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống”) Hướng đến vẻ đẹp hoàn thiện TTO - Trong cuộc sống, ai cũng có những giây phút phải đối mặt với sự thay đổi. Cần có những đổi thay để ta có thể sống thành công hơn, hạnh phúc hơn. Sức mạnh của lòng tự tin có trong mỗi người, không phân biệt bất kỳ ai. Một khi tự tin, ta có thể thay đổi chính số phận của mình. Với mong muốn tạo một diễn đàn để phụ nữ Việt Nam có một địa chỉ để chia sẻ câu chuyện vươn lên của mình cùng mọi người, qua đó khích lệ lòng tự tin, tiếp thêm sức mạnh cho nhiều người khác, Pantene đã tài trợ và cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi viết dành cho phụ nữ mang tên “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống”. Hưởng ứng cuộc thi ý nghĩa này, hàng ngàn bạn đọc đã gửi câu chuyện có thật của mình, chia sẻ những khoảnh khắc, những động lực giúp họ vượt qua khó khăn và tự tin thay đổi để sống một cuộc đời mới. Câu chuyện của họ - những câu chuyện rất đời thường - đã là nguồn động viên, là bài học và “truyền lửa” cho hàng triệu trái tim bạn đọc. Cuộc thi đã thật sự góp phần khuyến khích và phổ biến phong trào phụ nữ Việt Nam tự tin vào chính mình, và mạnh dạn thể hiện khát vọng, vươn tới thành công và hạnh phúc, khích lệ cộng đồng có thái độ sống tích cực, hướng tới những khát vọng sống cao cả. Kết thúc cuộc thi, quyển sách “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống” được xuất bản với những câu chuyện xúc động, đầy ý nghĩa được chọn lọc từ mấy ngàn bài tham dự cuộc thi. Đây là kết quả to lớn của cuộc thi, mà công đầu thuộc về những bạn đã chia sẻ câu chuyện đời mình. Gắn liền với sứ mạng làm đẹp cho phụ nữ trên toàn thế giới từ 60 năm qua, Pantene luôn đồng hành cùng phụ nữ trên con đường vươn đến vẻ đẹp hoàn thiện từ mái tóc đến tâm hồn. Đồng tổ chức cuộc thi “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống” với báo Tuổi Trẻ lần này, Pantene mong muốn phụ nữ Việt Nam luôn tìm thấy sự tự tin và vươn đến thành công. Thay mặt Pantene, tôi trân trọng cảm ơn các bạn đã nhiệt tình tham gia cuộc thi và đóng góp câu chuyện của mình với cuộc thi, với những trang sách - trang đời chung cho tất cả mọi người. TRỊNH KIM NGỌC (Trưởng phòng đối ngoại nhãn hiệu Pantene,Công ty P&G) Mẹ gieo niềm tin TTO - Nếu có ai đó hỏi tôi điều gì đã làm thay đổi cuộc sống của tôi? Tôi sẽ trả lời đó là: học vấn. Cách nay mười năm, gia đình tôi lâm vào tình cảnh vô cùng túng đói. Để có thể đủ tiền cho chúng tôi đến trường, bố và mẹ đã làm đủ nghề nhưng đói vẫn đói, đói tới mức xanh cả mặt. Khi anh trai đậu đại học, bố tôi quyết định rời làng lên Lạng Sơn bán báo. Những chồng báo ngày một nặng thêm vào mỗi kỳ học phí của anh. Hông và bàn tay bố chai sần đi, mỗi lần nhìn thấy những vết sần đó lòng tôi không khỏi xót xa, đau nhói tâm can. Rồi điều đau buồn nhất đã xảy ra: bố tôi chết một cách khó hiểu ngay trên giường nhà trọ. Cho tới giờ bí mật đó vẫn chưa thể lý giải, trở thành nỗi đau sự day dứt nhất của tâm hồn chúng tôi. Mẹ con tôi hụt hẫng, mất một thời gian khá dài mới có thể thích nghi được cảnh nhà không còn bố. Lần này đến lượt mẹ đi kiếm tiền, mẹ tôi đã làm thuê bất kể là nghề gì từ phụ hồ, nhặt rác, thu ve chai, sục bùn… Và mẹ thậm chí cũng đi làm một người hành khất nữa. Tôi đau đớn muốn gào thét khi biết chuyện nhưng cổ họng cứ ứ nghẹn. Thương mẹ đến buốt ruột, chạy tới ôm chầm lấy mẹ khóc như chưa từng được khóc. Theo yêu cầu của mẹ, tôi đã không cho anh chị của mình biết mẹ của chúng tôi từng là người hành khất. Tôi biết bĩ cực lắm mẹ mới phải làm như vậy, mẹ muốn chúng tôi có cơm ăn chứ không phải là cháo hay cơm trộn khoai. Suốt cuộc đời tôi sẽ chẳng thể nào quên được cảnh mẹ ngồi giã thóc giống thành gạo chỉ vì không có nổi một ngàn đồng đi xay xát, và cả những bữa cơm chỉ toàn rau khoai luộc. Khó khăn túng đói là thế, mẹ không một lời than vãn, lúc nào cũng nhắc nhở các con học hành tử tế. Tuần nào mẹ cũng gửi thư lên thành phố cho anh chị nói: “Chỉ có học vấn mới thay đổi cuộc sống của mẹ con ta”. Nghĩ thương mẹ, chúng tôi chỉ còn biết dồn hết sức lực vào chuyện học. Năm tháng qua đi, những khó khăn vơi dần theo thời gian. Cuộc sống của chúng tôi bây giờ đã đổi khác, ấm êm, sướng vui và hạnh phúc. Ai đó vào nhà tôi chẳng thể tưởng tượng nổi cách nay mười năm chúng tôi đã phải ăn cháo, có khi gần cả tháng trời, để có thể tới trường học chữ. Đôi lúc nhớ lại những gì mình đã trải qua, chính tôi còn không tin nổi vì điều gì mà cả mấy mẹ con đều vượt qua được tất cả khó khăn túng đói đó. Có lẽ vì niềm tin vào câu nói của mẹ gieo vào đầu chúng tôi hàng ngày: “Chỉ có học vấn mới thay đổi cuộc sống của mẹ con ta”. Và bây giờ điều đó đã trở thành sự thật. Tôi biết món quà mà mẹ hài lòng nhất nhận được từ chúng tôi chính là sự thành đạt của mỗi người. Với tôi, mẹ vẫn là niềm tin, chỗ dựa vững chắc nhất trong cuộc đời này. Và niềm tin mẹ gieo mầm trong mỗi chúng tôi nay đã thành quả. ĐOÀN XUÂN (quận 2, TP.HCM) Chiếc xe màu rêu TTO - Tôi lên 8 thì mẹ tôi qua đời trong một tai nạn giao thông khi đang gánh hàng rong trên đường. Bố mang hai chị em tôi về bà nội, rồi ở với một người đàn bà khác. Lâu lâu ông cũng về thăm con, đưa cho bà ít tiền rồi lại đi. Năm tôi 13 tuổi, bà nội mất. Bố mang em đi nuôi, còn tôi thì gửi cho một bà dì họ để phụ bán quán cà phê.   Tôi lớn dần lên và chỉ được đi học bổ túc ban đêm, còn ban ngày phải phụ dì dượng mọi việc trong nhà. Năm 16 tuổi, tôi đã phổng phao như một cô gái. Trong một lần bà dì có công chuyện phải về quê dài ngày, tôi bị ông dượng dụ dỗ làm chuyện bậy bạ. Chuyện này sau đó còn tiếp diễn một thời gian nữa, vì tôi phải ngủ riêng một mình tại quầy cà phê để trông hàng và sáng dậy sớm đun nước. Ông dượng đe dọa nếu tôi mách với dì sẽ bị đuổi khỏi nhà. Vì dại dột, tôi trở thành người đồng lõa với xấu xa. Rồi cũng đến lúc chuyện vỡ lỡ khi bà dì rình bắt được quả tang. Giận quá không kìm được, dì đã ném quần áo và đuổi tôi ngay lập tức. Bơ vơ không người thân thích, tôi lang thang trong đêm và rơi vào nhà chứa ngay sau đó. Bà chủ chứa trở thành “người cưu mang”. Sau đó, tôi biết mình “dính” bầu, bà đưa tôi tới bệnh viện “tẩy rửa” và cột chặt đời tôi bằng công việc bán thân sau đó. Việc tiếp khách hàng ngày và bị bóc lột gần hết số tiền kiếm được bắng thân xác không biết rồi sẽ kéo dài bao lâu nếu như không có một sự kiện xảy ra sau đó vài năm. Sáng đó, tôi được nghỉ và đi dạo ra chợ xép gần đó để mua vài thứ đồ dùng. Bất thần một cơn đau bụng ập đến. Tôi vật vã nằm ngay vệ đường. Có vài người dừng lại nhưng chỉ có một anh xe ôm có chiếc xe màu rêu bắt tôi ngồi lên xe để anh chở vào bệnh viện. Tôi được mổ ruột thừa ngay sau đó. Và cứ như ông trời sắp đặt, anh xe ôm không bỏ đi ngay mà chờ đợi để làm mọi việc của một “người nhà” khi được biết hoàn cảnh thật của tôi. Tiền viện phí thì bà chủ đưa vào trả đủ, nhưng việc chăm sóc tôi sau đó hoàn toàn nhờ anh - một người đàn ông hoàn toàn xa lạ. Ngày ra viện, anh lại chở tôi về trên chiếc xe 81 màu rêu của mình. Vì bệnh tật đem lại sự yếu lòng, tôi thổn thức khóc sau lưng anh. Anh an ủi tôi và hứa sẽ tìm cách giúp đỡ. Sau đó, anh còn tới tìm tôi nhiều lần. Mỗi lần thấy cái xe màu rêu tới là tôi mừng rỡ, bởi bao nhiêu năm qua, làm gì có ai thăm viếng tôi. Chỉ những đàn ông đủ loại tới tìm thú vui trên thân xác những cô gái như tôi mà thôi. Cuộc sống với những đe nẹt của bà chủ, cãi cọ qua lại của những cô gái đồng cảnh ngộ, những dữ dằn thô lỗ của mấy tay bảo kê và thi thoảng cả những xô xát của khách làng chơi đã làm tôi dần chai sạn. Tưởng không còn cảm xúc nhưng tôi đã ngỡ ngàng nghe trái tim mình đập những nhịp khác thường khi chiếc xe màu rêu xuất hiện. Rồi anh đã thực hiện được lời hứa. Không biết bằng cách nào anh đã vay mượn được một món tiền khá lớn đủ để trả tiền viện phí và nhiều khoản khác để bà chủ chịu cho tôi cầm quần áo đi theo anh. Về nhà trọ nơi anh ở, với khung cảnh bình dị của căn phòng thuê, tôi biết đời mình đã sang một trang mới. Anh cũng mồ côi, cũng bươn chải để sống nên anh thông cảm với tôi. Dần dần, anh dạy tôi biết bao điều để sau này tôi thành một người vợ, người mẹ và là người bạn đời của anh. Chúng tôi về với nhau mà không cần có đám cưới rình rang, không cần bất cứ thủ tục nào, nhưng tôi và anh vẫn hạnh phúc. Hàng ngày chiếc xe màu rêu theo anh đi chở khách, anh còn phải cật lực hơn trước để lấy tiền trả nợ. Tôi lân la tìm việc mua rau muống và hoa chuối về bào bỏ mối đắp đổi tiền chợ. Tôi vô cùng sung sướng bởi một quá khứ ê chề như vậy tưởng mình khó lòng có con, nhưng sau đó ít lâu tôi đã có bầu và sinh được một bé gái xinh xắn. Tháng ngày qua đi trong sự cố gắng của cả hai vợ chồng, tôi đã đủ vốn để thuê một phòng rộng hơn ở một hẻm lớn và mở được một quầy tạp hóa nhỏ. Chiếc xe màu rêu vẫn theo anh trên mọi nẻo đường để dành dụm những đồng tiền khó nhọc nuôi con. Bây giờ con tôi đã học lớp 7. Bao năm đã trôi qua, chiếc xe màu rêu không còn nữa, anh đã bán đổi lấy một chiếc tốt hơn. Nhưng trong tôi, nó luôn hiện diện cùng với lòng nhân hậu của anh. Tôi đã được thay đổi cuộc đời từ khi nó và anh cùng xuất hiện. HỒ THỊ THƠM (Bà Rịa – Vũng Tàu) Cảm ơn con gái TTO - Năm 2000 là năm nhiều biến cố với gia đình tôi. Đầu tiên là gia đình nhỏ của tôi được ra riêng sau hơn 10 năm dành dụm, một ngôi nhà nhỏ trong xóm lao động thôi, nhưng đó là tất cả ước mơ, mồ hôi và công sức của vợ chồng tôi. Tiếp theo niềm vui lớn đó là nỗi buồn của riêng tôi: thất nghiệp vì cơ quan giải thể. Chồng tôi an ủi, bảo thôi cứ ở nhà chăm sóc chồng con một thời gian rồi từ từ tìm xin việc làm khác. Thế là tôi ở nhà làm bà nội trợ. Ru rú trong nhà mãi cũng buồn, tôi lân la sang làm quen với mấy chị lối xóm. Láng giềng tôi cũng tốt, mọi người thường nhiệt tình giúp nhau chuyện này chuyện nọ, chỉ có điều chơi với nhau vài hôm tôi phát hiện chị nào cũng mê số đề. Nhưng tôi vẫn giao thiệp vì tin mình sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng, dù sao tôi cũng là người có học, được giáo dục kỹ lưỡng từ nhỏ và chẳng hề ham thích chuyện cờ bạc bao giờ, nói chi đến chuyện đề đóm. Ấy vậy mà lần hồi tôi bị lậm lúc nào không hay. Ban đầu là mọi người người rủ đánh cho vui, mỗi ngày chơi chỉ chừng mấy ngàn đồng. Lúc đầu tôi thường hay trúng, số tiền thắng đề cũng nhỏ thôi nhưng tôi có cảm giác đây là tiền của mình “làm” ra, tiêu xài tiền đó cũng thoải mái hơn tiền của chồng đưa. Rồi dần dần tâm lý tham nổi lên, tôi chơi mỗi lúc một nặng tay hơn, lên đến vài trăm ngàn đồng mỗi ngày với suy nghĩ ngây thơ rằng mình có thể “kiếm” được tiền chợ từ việc chơi đề. Tôi chơi khi thắng khi thua, nhưng chắc chắn là thua nhiều hơn vì chỉ sau vài tháng, tôi bắt đầu mắc nợ. Càng nợ, tôi càng lao vào đánh lớn hơn để gỡ với ý nghĩ rằng chỉ cần “ông bà thương” trúng chừng vài trận sẽ trả sạch nợ. Lậm vào đề, tôi như một người điên, tối ngủ chỉ mong nằm chiêm bao, sáng ra đi chợ cầm cái thẻ xe cũng nhìn số, bạn bè thỉnh thoảng có ai ngẫu nhiên đến chơi cũng lo hỏi tuổi để bàn đề, cả ngày thậm thà thậm thụt bàn bạc nên đánh số nào, đài nào, chiều chừng 4 giờ đã nôn nóng hồi hộp hết ra lại vào chờ đến giờ xổ số. Bàn thờ ông địa trong nhà không lúc nào ngớt khói nhang thắp xin phù hộ “cho con trúng chiều nay”. Vậy đó, tôi cứ như con bạc khát nước, càng lao vào gỡ gạc càng trắng tay. Để có tiền tiếp tục chơi, tôi kiếm cách mượn hết anh chị em bên ngoại lẫn bên chồng, rồi đến bạn bè, người quen, riết đến nỗi trong đầu chỉ ráng nhớ xem ai mà mình có thể hỏi mượn tiền. Sự việc rồi cũng vỡ lỡ. Chồng tôi buồn lắm nhưng anh chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở tôi rồi đứng ra thu xếp trả nợ. Giá như lúc ấy tôi biết thức tỉnh dừng lại thì lỗi lầm đã có thể sửa chữa được, đằng này cái cảm giác “thua cuộc” cứ làm tôi ấm ức. Yên được một thời gian, tôi lén lút chơi đề lại. Cũng bài bản ban đầu chơi ít ít, sau càng ngày càng say máu. Tôi mắc nợ thêm một số tiền lớn. Sau năm lần bảy lượt khuyên can tôi không được, chồng tôi chán nản đưa đơn xin ly hôn. Tôi tự biết lỗi do mình nên không trách anh, nhưng điều làm tôi đau đớn nhất là tôi biết sẽ mất đứa con gái lên mười tuổi của mình. Thường ngày nó vốn đã hay gần gũi cha hơn mẹ, từ khi tôi sa vào đề đóm, hàng ngày nó phải chứng kiến cảnh người ta vào đòi nợ, chửi bới nặng nhẹ khiến nó rất xấu hổ. Chắc chắn nó sẽ chẳng bao giờ muốn sống với người mẹ xấu như tôi. Trong đầu tôi day dứt mãi, đôi khi tôi nghĩ đến cái chết. Không nghề nghiệp, không tương lai, không nhà cửa tiền bạc và không cả chồng con, cuộc sống của tôi còn ý nghĩa gì nữa? Vậy mà điều kỳ diệu đã xảy ra trong lúc tôi tuyệt vọng. Khi được hỏi, con gái tôi trả lời: “Con thương bố, nhưng mẹ bây giờ đang cần con, con muốn ở bên mẹ”. Tôi như người chơi vơi giữa biển khơi đột nhiên vớ được chiếc phao, từ đó hi vọng nhen nhóm trở lại trong lòng tôi. Bán nhà trả nợ xong, mẹ con tôi quay trở về sống với ông bà ngoại. Tôi xin vào làm ở một công ty may, suốt cả ngày vất vả bên chiếc bàn máy may song tôi vô cùng vui vẻ, hạnh phúc. Không còn những ngày mê muội vì những con số, không còn những ngày bị mọi người khinh khi. Con gái tôi vẫn ngoan ngoãn, đi làm về có con đón nơi cửa với một nụ hôn, bao nhiêu mệt nhọc trong tôi bay biến hết. Cuối tuần, bố nó lại đến thăm hai mẹ con, tôi nấu món gì đó mà ngày trước anh vẫn thích và cả gia đình chúng tôi thật vui vẻ. Tôi không dám hi vọng “gương vỡ lại lành” dù anh vẫn chưa lập gia đình khác, nhưng cuộc sống hiện tại với tôi đã vượt quá mơ ước rồi. Tôi đã vươn lên được nhờ tình yêu của con gái. Cảm ơn con, con gái của mẹ. MỸ XINH (Đồng Nai) Ngày mai TTO - Tôi đang trong tâm trạng một con chim sắp được “tháo củi xổ lồng”. Tuần sau, trước tòa, chúng tôi sẽ thực hiện nốt các thủ tục cuối cùng: xé giấy kết hôn, ký vào thỏa thuận phân chia tài sản, nghĩa vụ nuôi dưỡng, thăm nom hai con. Chỉ sau một tuần nữa thôi, tôi sẽ không còn phải ám ảnh về cảnh mệt nhoài từ công ty tất bật chạy về nhà, trưa chiều hai buổi chuẩn bị bữa ăn, cuối tuần phải toát mồ hôi với một khối lượng lớn áo quần phải giặt ủi cùng với hàng loạt công việc không tên khác. Không còn phải đối diện với vẻ mặt nặng nề của chồng trong những lần bỏ buổi cơm, về muộn vì bận hội họp, liên hoan, giao thiệp với đối tác. Tôi thật sự không còn chịu đựng nỗi với tính độc đoán, ích kỷ của anh. Với thu nhập hiện tại của gia đình đâu có khó khăn gì để thuê người giúp việc, nhưng anh lại cương quyết “Không thích có người ngoài xen vào cuộc sống, sinh hoạt trong gia đình”. Trong khi thực tế mỗi thành viên trong gia đình đều bận rộn, hai con đứa đã vào đại học, đứa năm cuối cấp ba, chẳng mấy khi chúng ăn uống đúng giờ cùng cha mẹ, anh thì ngày đêm vùi đầu vào các đề án, nghiên cứu quên cả thời gian. Công việc chỉ mang lại thu nhập đủ cho anh uống cà phê, giao thiệp với bạn bè. Cuộc sống kinh tế gia đình hầu như một mình tôi đảm đương, thế mà tôi chẳng được anh tôn trọng, quan tâm chăm sóc mà trái lại luôn phải chịu sự trách móc, đay nghiến, luôn bị tra tấn bởi những mâu thuẫn, bất hòa nghịch lý. Đi làm là nữ giám đốc kinh doanh, quay về nhà tôi lại phải hóa thân thành một “Oshin” không hơn không kém. Lắm lúc tôi mệt mỏi chán chường, nhưng nghĩ tới hai con, tôi đành cam chịu ngày lại qua ngày, nay đã đến lúc tôi phải có khoảng trời riêng của mình… Chuông điện thoại nhà tôi reo vang, cơ quan báo tin dữ, chồng Thúy - kế toán của công ty tôi - vừa qua đời trong bệnh viện sau một tai nạn giao thông. Thúy vừa là đồng nghiệp, cũng là bạn cùng thời đại học của tôi. Thúy vốn hiền lành, an phận, chồng Thúy cách nay một năm đã bị buộc thôi việc vì hàng loạt vụ bê bối ở công ty. Từ dạo đó anh ta trở nên cay cú, tính khí thất thường, luôn chè chén bê tha, không ít lần còn cư xử thô bạo với vợ con. Đã có lần tôi bất bình hỏi Thúy: “Sao bạn lại yếu đuối như thế? Tại sao không tự giải thoát cho mình?”. Thúy cười, nụ cười đôn hậu ẩn chứa nhiều u ẩn: “Anh ấy vì lỡ vận, thất chí nên mới thế chứ bản chất ảnh không xấu. Nếu vứt bỏ ảnh trong lúc khó khăn nghiệt ngã như vậy thì còn đâu là tình nghĩa! Mình vẫn tin ngày mai mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, anh ấy sẽ thay đổi, sẽ làm lại cuộc đời. Và dẫu hoàn cảnh vẫn thế thì mình cũng không gì hối hận, vì mình đã sống và yêu trọn vẹn. Yêu một con người là phải yêu cả cái tốt và cả những cái xấu của người ấy, bạn ạ!”. Khác hẳn với dự đoán của tôi, Thúy không rơi một giọt nước mắt, chỉ lặng lẽ lo chu toàn mọi việc cho chồng về nơi an nghỉ cuối cùng. Có lẽ Thúy đã khóc quá nhiều đến cạn khô nước mắt. Tôi cố an ủi bạn: “Thúy đừng quá đau buồn mà tổn hại sức khỏe, cuộc đời hãy còn dài, biết đâu mai này cuộc đời Thúy sẽ mở ra một trang mới, tươi đẹp hơn”. “Ngày mai của mình ra sao thì mình vẫn phải sống, chỉ đau là cuộc sống sẽ đơn độc và trống trải hơn vì anh ấy đã bỏ mình mà đi rồi! -  Thúy nắm lấy tay tôi nói: “Bạn hãy cân nhắc thật chín chắn, đừng quá cầu toàn bạn ạ! Hãy biết trân trọng những gì mình đang có, đừng để khi vuột mất những điều quí giá mới nuối tiếc muộn màng!”. Nước mắt tôi ướt đẫm tự lúc nào, tâm tư hoang mang rời rã, tôi chợt nhận ra đằng sau vẻ yếu đuối an phận ấy, Thúy là người giàu lòng vị tha, đầy nghị lực, điềm tĩnh và chín chắn hơn tôi nhiều. Tôi chợt khao khát không khí ấm cúng của gia đình dù đó là lúc vui hay buồn. Sau bao tất tật bon chen, quay cuồng chốn thương trường, điều tôi mong mỏi là một bờ vai ấm áp để tôi tựa đầu chia sẻ buồn vui. Tôi chợt thèm được sống bình thường như bao người phụ nữ bình thường bên cạnh chồng con… Nghĩ đến ngày mai định mệnh, tôi chợt thảng thốt bàng hoàng, đầu óc quay cuồng, đất duới chân dường như chao đảo. Lúc đó, một đôi tay rắn rỏi ấm áp ôm nhẹ lấy vai tôi: “Mình về thôi em, trời đã khuya lắm rồi, ngày mai em còn tất bật bao công việc”. Tôi gục vào lòng anh, khóc như một đứa trẻ, những giọt nước mắt hạnh phúc pha lẫn bùi ngùi. Tôi thầm cảm ơn Thúy đã kịp thời thức tỉnh tôi, suýt chút nữa tôi đã tự tay vùi chôn hạnh phúc, mái ấm thân thương của đời mình chỉ vì suy nghĩ còn nông nổi. TÔ THỊ THANH THẢO (TP.HCM) Khát vọng TTO - Tôi sinh ra và lớn lên trong cảnh cơ cực của một gia đình nông dân nghèo. Cuộc sống của những năm đầu sau 1975 thật là cùng khổ đối với gia đình tôi. Ba má tôi phải làm cả ngày lẫn đêm mà vẫn không đủ ăn. Bữa cơm chỉ độn đầy khoai hoặc bắp, chỉ ăn lấy no chứ không biết ngon. Dẫu cuộc sống cơ cực là thế nhưng chúng tôi vẫn còn cái may mắn là được ba má cho đi học lấy cái chữ. Rồi mười mấy năm sau, cuộc sống gia đình tôi cũng dần khá lên sau bao năm cần cù lao động. Tôi cũng vừa trở thành một cô nữ sinh của một trường trung học ở thị trấn. Những tưởng cuộc đời tôi sẽ bước sang một trang mới. Nhưng một tai nạn giao thông khi tôi đang trên đường mang nông sản ra chợ bán đã cướp đi của tôi tất cả, cả những đam mê hoài bão của tuổi mới lớn. Thế là ước mơ cháy bỏng được trở thành bác sĩ của cô nữ sinh trung học mới mười bảy tuổi đầu đành phải khép lại. Cuộc đời tôi lại phải sang trang một lần nữa. Tôi trở thành một người khuyết tật, liệt nửa người do chấn thương cột sống. Và tôi phải bước vào một cuộc sống mới với nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Dẫu biết rằng trong cuộc sống này có những điều xảy ra không như người ta mong muốn nên đòi hỏi con người ta phải học cách biết chấp nhận, nhất là những sự thật đau buồn. Nhưng một thời gian dài tôi vẫn chưa chấp nhận được sự thật ấy, nó quá khủng khiếp với một cô bé mười bảy tuổi như tôi. Làm sao tôi có thể chịu được khi biết rằng từ nay tôi sẽ không còn đi lại được nữa, cuộc đời sẽ gắn chặt với hai bánh xe lăn. Tôi ôm trong người một nỗi đau xé lòng, vác trên vai một gánh nặng trĩu mà chẳng ai có thể gánh thay giùm tôi. Mãi đến một ngày, tôi chợt nhớ ai đó đã nói rằng: “Lối đi ngay ở chân mình”. Và tôi nghĩ có lẽ lối đi ngay ở chân mình thật. Nhưng con đường tôi đi thì chằng chịt toàn dây và gai. Tôi phải tự phát dọn thì mới có lối đi, bằng không đó sẽ là ngõ cụt. Tôi viết thư gõ cửa nhiều nơi và nhận được sự đáp lại của một anh bạn đồng cảnh ngộ, tất cả đều ngoài mong đợi của tôi. Anh đã chịu san sẻ ước mơ cùng tôi. Anh cũng là một tấm gương vươn lến đến lạ kỳ và tôi cũng học được nhiều từ sự vươn lên của anh. Anh đã cùng bạn bè góp tặng tôi một dàn máy vi tính - món quà quá lớn mà có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới. Có chiếc cần câu rồi tôi phải tự câu lấy cá mà ăn, đó là điều mà anh và những người bạn mong đợi ở tôi. Tôi quyết tâm không phụ tấm chân tình của anh và mọi người. Hai năm sau, tôi có thể tạm gọi mình là một người thiết kế (designer) với sự cộng tác của một người thiện nguyện. Việc học đã mang lại cho tôi niềm vui sống mặc dù tôi vẫn chưa tìm được việc làm vì chẳng có ai thèm thuê một cô nhân viên phải nằm mà làm việc như tôi cả. Nơi tôi ở là một vùng nông thôn, xa khu dân cư. Ở đó có người còn bảo máy tính là chiếc ti vi thì làm gì có ai cần đến cái nghề của tôi. Tôi đã kiếm ra tiền từ việc viết bài cộng tác cho các báo. Và tôi thật sự hạnh phúc mỗi khi có bài được đăng báo. Chính tôi mỗi khi có dịp ra đường vẫn nhận được những ánh mắt nhìn thiếu thiện cảm và những lời thương hại như: “Tội nghiệp, đẹp gái vậy mà…” hay những lời xì xào đại loại như: “Chắc gia đình ăn ở thất nhân lắm nên…”. Tôi dặn lòng sẽ không bận lòng với những câu nói kiểu như vậy, nhưng cũng cần thay đổi suy nghĩ lạc hậu trong họ. Mọi người thường nhìn thấy tôi luôn vui cười, nhưng như thế không hẳn là tôi không đau khổ. Nhưng cái chính là tôi đã biết tìm vui với những hạnh phúc mà mình có. Tôi cảm thấy rằng thật tuyệt vời nếu ai tìm ra được hạnh phúc từ trong chính những khổ đau mà mình đang phải gánh chịu. “Hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông”, câu hát trong bài ca Khát vọng đó cũng là mục tiêu của tôi bây giờ. QUỲNH DIỆU (Bà Rịa - Vũng Tàu) Chị tôi TTO - Má tôi mất khi mấy chị em tôi còn rất nhỏ. Ba tôi đau ốm triền miên không làm được việc nặng nhọc. Chị Hai tôi mới 17 tuổi đã phải thay mẹ gồng gánh nuôi ba và đàn em dại. Thân con gái mà chị làm quần quật như sức vóc đàn ông, không từ việc gì dù nặng nhọc, miễn là có thể biến thành gạo, thành tiền. Năm đó, chị bắt chước người ta nuôi tôm, không có kinh nghiệm, rốt cuộc thiếu nợ một cây vàng. Nhà nghèo, một cây vàng là cả gia tài. Chủ nợ thấy chị xinh đẹp giỏi giang, xin cưới chị về làm dâu sẽ xóa nợ cũ. Nếu không gả chị, ba phải bán mất công đất, các em phải nghỉ học. Vì ba, vì các em, chị gạt nước mắt theo chồng khi mới 21 tuổi. Ngày chị theo chồng, không bông cưới, không vòng vàng đeo tay, chỉ một bữa tiệc đơn sơ nghẹn ngào nước mắt. Ba tôi thương con gái sớm chịu nhiều vất vả, cũng đành an ủi: “Ở nơi giàu sang cho đời con sung sướng”. Chị về nhà chồng, mấy năm liền nhà chồng làm ăn thất bại. Cả họ hàng nhà chồng ghét chị. Anh rể lại hay nhậu nhẹt say xỉn, đánh chửi chị, đổ cho chị đem vận rủi về nhà. Chị Hai tôi ngậm đắng nuốt cay không một lời óan than. Một mình chị bươn chải nuôi con, thỉnh thoảng tích góp được chút tiền lại mang về giúp ba nuôi em. Chị chơi vơi, ngược xuôi giữa trách nhiệm làm con, làm chị, làm vợ, làm mẹ…, trách nhiệm nào cũng lớn lao, oằn nặng trên vai chị gầy gò. Thấy chị khổ, ba tôi bắt chị bỏ chồng, mang hai con về nhà. Chị khóc: “Nhà mình nghèo, làm sao cưu mang được gánh nặng của con”. Năm đó ba tôi đau thận, chị Hai tôi túc trực bên cạnh ngày đêm chăm sóc không lúc nào rời. Chị tôi lòng hiếu thảo có thừa nhưng tiền lại thiếu, chạy vạy khắp nơi cũng không đủ tiền chữa trị cho bà dù đã bán gần hết ruộng vườn, đành bất lực nhìn ba gầy mòn vì bệnh tật. Ba tôi giờ phút lâm chung đã cầm lấy tay chị nghẹn ngào gửi gắm ba đứa em bé dại. Mấy chị em tôi đứng xung quanh giường ba, đứa nào cũng khóc nức nở thương ba, thương chị. Ba tôi mất cũng là lúc chị Hai tôi quyết định bỏ chồng, ôm con về nhà nuôi ba đứa em mồ côi còn đang tuổi ăn, tuổi lớn. Sáu miệng ăn trông cậy vào một tay chị bươn chải tảo tần. Vừa làm ruộng, vừa buôn bán. Làm ngày chưa đủ, ban đêm chị tôi còn thêu gối, móc màn cửa… Hồi nhỏ, chúng tôi vẫn thường tự hỏi không biết chị Hai có ngủ không. Vì nửa đêm thức giấc lúc nào cũng thấy chị cặm cụi bên ngọn đèn dầu. Nhìn chị đeo cặp kính lão, xỏ trật tới trật lui hồi lâu mới xong cây kim, tôi nghẹn ngào thương chị. Chúng tôi bảo nhau ráng học hành, nhất định phải thành đạt để không phụ  lòng chị. Ngày tôi đậu đại học cả nhà vỡ òa trong niềm vui. Những nếp nhăn trên khuôn mặt chị tôi dường như tan chảy. Chị cười sung sướng nhưng mắt lại trào lệ. Tôi biết từ nay gánh nặng sẽ càng oằn trên vai chị, chị sẽ cực khổ hơn, đêm thức khuya hơn. Cái bóng gầy gò của chị bên ngọn đèn khuya in sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt những đoạn đường gian khó, để nhắc nhở mình phải luôn luôn cố gắng. Mỗi lần gặp khó khăn, vấp ngã, tôi lại nhớ đến đôi mắt trũng sâu và khuôn mặt in dấu những nhọc nhằn của chị luôn tỏa sáng trong ánh đèn đêm. Tôi cảm thấy xấu hổ, thấy mình thật yếu hèn không xứng đáng với sự hi vinh của chị và tôi lại có thêm can đảm đi tiếp đoạn đường còn lại. Từ đôi tay chai sần đầy ắp tình thương của chị, ba đứa em đều thành đạt, có công việc làm ổn định, còn thay chị nuôi cháu ăn học nên người. Chúng tôi đứa nào cũng thương chị, muốn trả hiếu cho chị, đòi rước chị về nuôi. Nhưng chị tôi nhất định không rời khỏi căn nhà cũ, nơi mấy chị em tôi đã chào đời và chứng kiến ba má lần lượt ra đi: “Còn mồ mả ba má ở đây, chị bỏ đi sao đành”. Niềm vui của chúng tôi bây giờ là dắt các con về tụ họp dưới mái nhà xưa, cùng trồng rau, tưới cây với chị, được ăn bữa cơm chị nấu…để thấy mình còn bé dại như ngày nào, được chị yêu thương, chăm sóc. Tôi vẫn thường nói với con trai: “Không có má Hai sẽ không có mẹ như bây giờ”. NGÔ TUYẾT NGA (Đồng Tháp) Gạt nỗi niềm riêng TTO - Đọc bài dự thi này trên báo Tuổi Trẻ, chỉ ngắn ngủi thôi nhưng có đến ba nhân vật chính: tác giả, chồng của tác giả và con của tác giả. Con của tác giả chính là phóng viên thể thao Nguyên Khôi của báo Tuổi Trẻ. Và tác giả là mẹ của anh, kể về câu chuyện của chồng mình, con mình. Tôi còn nhớ tin nhắn của anh Khôi vào một buổi sáng ở Phú Yên, khi chỉ có hai anh em tôi lặn lội từ TP.HCM đến đó để "bám" giải vô địch Taekwondo toàn quốc 2005. "Em ơi. Ba anh bị ung thư rồi". Tôi đọc tin nhắn, mà rõ ràng như sét đánh ngang tai. Tôi chưa gặp ba anh Khôi, nhưng tôi cảm nhận thấy trái tim mình đau lắm. Tôi nhớ đến ba mình. Và cả cảm giác không còn cảm giác lúc nghe ba tôi gọi điện thoại về nhà năm ấy: "Dung ơi, chắc ba xong rồi. Bác sĩ gọi riêng mẹ ra nói chuyện, không cho ba nghe. Chắc là “nó” rồi". Cảm giác không còn cảm giác ấy, đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh. Nhưng tôi rất ngạc nhiên, cứ tưởng anh Khôi sẽ nằm bẹp ở nhà, mà khóc như tôi trước đây. Khi tôi đến nhà thi đấu Phú Yên thì anh đã có mặt, và "súng ống" (máy chụp hình) đã sẵn sàng. Công việc, công việc, công việc... Chúng tôi, những  phóng viên, buộc phải gạt niềm riêng để tiếp tục làm việc. Chiều hôm đó, tôi thấy anh lại xách máy ra tiệm Internet gần nhà thi đấu để làm việc. Anh bảo anh đói, nhưng tôi thấy hình như anh không ăn. Nguyên Khôi suốt thời gian còn lại của giải đã không còn tươi cười như mọi ngày. Tôi biết anh hoang mang, nhưng anh phải bình tĩnh. Anh Khôi còn may mắn hơn tôi, ba anh đã dần dần lấy lại niềm vui trong cuộc sống. Tôi biết tấm ảnh mà anh chụp trong ngày sinh nhật của ba, rất là quí giá đối với anh. Còn tôi, từ khi ba bệnh và qua đời, chỉ mới ba tháng. Ba ra đi không đau đớn, nhưng tôi thảng thốt. Tôi và ba, mẹ, em trai đã từng hi vọng ba qua đợt điều trị bằng hóa trị lần đầu, sẽ tẩm bổ cho ba bằng mật rắn, bằng thuốc Bắc… Nhưng ba đã ra đi. Chẳng ai biết tại sao. Bác sĩ nói u của ba tôi nằm ngay giữa cuống phổi, chỉ cần vỡ ra là không thể cứu được. Họ nói thế, dứt khoát và lạnh lùng. Tôi nhớ mãi câu nói mỗi tối khi đi ngủ của ba: "Ước gì ngày mai thức dậy thấy mình mạnh khỏe, và đàng hoàng mặc quần áo đi làm". Ước mơ quá bình thường, đối với gia đình tôi đã khó, có được một bữa tiệc sinh nhật đầm ấm và đông đủ mọi người như gia đình anh Khôi, lại càng khó hơn. Tôi nhìn bức ảnh sinh nhật ba anh, nhìn mãi không biết chán. Nếu bạn là tôi, bạn sẽ cảm nhận được, tôi thấy mình trống trải thế nào. Từ khi ba tôi mất, nhà tôi không bao giờ chụp hình, mặc dù tôi là phóng viên luôn kè kè máy ảnh trong người. Tôi muốn chia sẻ với anh Khôi, mẹ anh và nhất là ba anh cảm giác hạnh phúc trọn vẹn lúc này. Mong bác trai sẽ mãi cảm thấy bình yên, hạnh phúc như nụ cười trong hình của bác. Mong bác gái sẽ không còn buồn. Mong anh Khôi sẽ luôn tự hào về gia đình mình như bây giờ. HẠNH DUNG (báo Thể Thao TP.HCM)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNhững câu chuyện làm thay đổi cuộc sống.doc