Một ý kiến tham khảo về vấn đề bảo tồn các đạo sắc phong hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Bài viết này nêu lên hiện trạng bảo tồn các loại Sắc phong hiện nay ở Việt Nam mà điển hình là tỉnh Thừa Thiên Huế, bài này được đăng trên Tạp chí Văn hóa Huế, số 8. Lời mở đầu bài viết: Huế là một thành phố du lịch với nhiều di tích vật thể và phi vật thể đã được Unessco công nhận. Ngoài ra vẫn còn rất nhiều giá trị văn hóa chưa được chú ý trùng tu bảo tồn vì nhiều lý do. Trong bài này tôi muốn trình bày một ý kiến nhỏ về bảo tồn một khía cạnh trong những giá trị văn hóa đó là: Phương pháp bảo tồn các văn bản sắc phong ở Thừa Thiên Huế .

doc6 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1961 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một ý kiến tham khảo về vấn đề bảo tồn các đạo sắc phong hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT Ý KIẾN THAM KHẢO VỀ VẤN ĐỀ BẢO TỒN CÁC ĐẠO SẮC PHONG HIỆN NAY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ Lê Văn Thi Nhân dịp đầu năm mới, tôi xin góp một ý kiến nhỏ về vấn đề bảo tồn các đạo sắc phong quý còn lưu giữ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì trong quá trình khảo sát làm đề tài Khóa luận tốt nghiệp năm vừa rồi, tôi may mắn được nhận đề tài liên quan đến các văn bản sắc phong tại Huế, do cô giáo Th.s Trần Thị Thanh (1) hướng dẫn. Và qua quá trình khảo sát đó tôi nhận ra được một số điều mà có lẽ rằng chúng ta chưa làm được để bảo tồn những giá trị văn hóa đó… 1.Vài nét sơ lược Huế là một thành phố du lịch với nhiều di tích vật thể và phi vật thể đã được Unessco công nhận. Ngoài ra vẫn còn rất nhiều giá trị văn hóa chưa được chú ý trùng tu bảo tồn vì nhiều lý do. Trong bài này tôi muốn trình bày một ý kiến nhỏ về bảo tồn một khía cạnh trong những giá trị văn hóa đó là: Phương pháp bảo tồn các văn bản sắc phong ở Thừa Thiên Huế. Trước tiên, chúng ta cần hiểu sắc phong là gì: Sắc phong là một loại văn bản được vua phong cho các vị thần hay nhân vật nào đó có công với đất nước… Phân loại sắc phong: Thường chúng ta có thể phân sắc phong chủ yếu làm hai loại: Đó là sắc phong phong cho những vị thần như thần Thành Hoàng, thần Bạch Mã, thần Thiên Y A Na… Và kế đó là phong cho những nhân vật, có công với đất nước như vị Thượng thư bộ Lễ Đặng Đức Siêu (làm quan thời vua Gia Long và Minh Mạng)… hay thậm chí là một vị Khai canh hoặc khai khẩn ở một làng nào đó (2)… Sắc phong qua mỗi triều đại khác nhau đều có những hình thức khác nhau. Chủ yếu khác nhau về chữ viết, hoa văn trang trí trên mỗi sắc phong hay về chất liệu để viết sắc phong (như vải, đồng, vàng…). - Giá trị của những bản sắc phong: Về vật chất thì sắc phong chủ yếu được viết trên giấy “long đằng”, đây là loại giấy quý, chủ yếu được sử dụng trong những văn bản của triều đình. Nhưng rất tiếc ngày nay nghề làm giấy này đã bị thất truyền. Loại giấy long đằng có thể tồn tại vài trăm năm, tùy vào phương pháp bảo quản (như hiện nay vẫn còn một số sắc phong của triều Lê, Trịnh hay gần đây nhất là triều Nguyễn). Hiện nay trên địa bàn Thừa Thiên Huế còn lại đa phần là những đạo sắc phong thời Nguyễn, một số ít sắc phong thời Tây Sơn và thời nhà Lê. Còn các triều trước đó cho đến nay vẫn chưa tìm thấy. Ngoài giá trị về vật chất nó cũng có giá trị rất lớn về tinh thần. Như giữ được những nét văn hóa trong đời sống của làng xã về tục thờ cúng các vị thần, các lễ hội rước sắc vào những dịp thu tế hay xuân tế ở các làng…Ngoài ra những gia đình còn lưu lại những sắc phong của tổ tiên họ, ngày nay còn mang một giá trị lớn về lịch sử như tìm nguồn gốc, lai lịch của những người nổi tiếng… - Hiện trạng các văn bản sắc phong ở Thừa Thiên Huế Hiện nay chưa có một thống kê đầy đủ nào về số lượng sắc phong được các triều đại ban cho làng xã cũng như nhân vật trong dân gian ở Thừa Thiên Huế là bao nhiêu. Nhưng theo tôi hiện nay ở Thừa Thiên Huế, số sắc phong còn lại không ít hơn 2000 đạo sắc. Qua khảo sát trong 37 làng thuộc thành phố Huế và vùng lân cận, chúng tôi nhận thấy chỉ còn lại 12/37 làng còn lưu giữ được sắc phong (3). Những làng còn lại đều bị mất sắc phong bởi nhiều lý do như chiến tranh, hỏa hoạn, kẻ gian đánh cắp…. Ví như làng Dương Xuân Hạ (xã Thủy Xuân) bị mất thời chiến tranh chống Mỹ, vì đây từng là căn cứ cách mạng nay còn lại những hầm bí mật…,làng Kim Long (phường Kim Long) bị kẻ gian đánh cắp năm 2002, làng Lương Quán (xã Thủy Biều) bị mất năm 2004…Và có một lý do khác nữa là cách bảo quản những văn bản này chưa tốt, do ý thức của người dân hay chưa hiểu hết giá trị của nó. Bên cạnh những làng còn lưu giữ được sắc phong cho đến bây giờ thì đã có đến 1/3 số sắc phong bị hư hỏng một phần hoặc toàn phần…(4) 2. Ý kiến đóng góp - Ý kiến được đưa ra ở đây là cần phải có một biện pháp để bảo tồn, lưu giữ loại hình này như: Lập ra một phòng bảo tàng riêng trực thuộc bảo tàng cổ vật hay bảo tàng tổng hợp tỉnh…để lưu giữ, trưng bày, bảo quản các loại sắc phong sưu tập được, dĩ nhiên là phải có một đội ngũ nhân viên giỏi, đã từng qua các lớp tập huấn về bảo quản cổ vật và tất nhiên phải biết chữ Hán... Bên cạnh đó cần có kinh phí hỗ trợ cho những làng đã cung cấp sắc phong. Ví dụ: một sắc phong được hỗ trợ từ 1 – 3 triệu đồng, để mỗi làng có kinh phí hoạt động hay tu sửa đình miếu… Hằng năm mỗi làng đều có tổ chức lễ tế, lúc này bảo tàng cần cử người cùng phương tiện chuyển số sắc phong này về làng để làm lễ, sau đó lại trả về chỗ cũ. Mỗi làng cũng có thể cử người đến lấy, nếu những người này đã được chỉ định hay có giấy tờ hợp lệ. - Sưu tầm sắc phong: Để sưu tập được sắc phong là một vấn đề không phải dễ dàng, nếu những người thực hiện đề tài không có tính kiên nhẫn. Vì đây là một loại văn bản quý của mỗi làng, nó được cất giữ nơi tôn nghiêm, mang những giá trị thiêng liêng…. Mặc dù có những làng các văn bản đó đã nhiều năm không được mở ra bảo quản, hay đã bị hư hỏng nặng nề, nhưng tâm lý chung người dân vẫn không muốn cho người ngoài tiếp cận hay mang đi. Bên cạnh những khó khăn đó lại có một điều thuận lợi đó là: Mỗi làng chấp nhận sẽ được hỗ trợ một khoản tiền để làm kinh phí hoạt động hoặc tu sửa đền miếu…Sắc phong khi chuyển đến lưu giữ và bảo quản tại bảo tàng sẽ kéo dài được tuổi thọ, được bảo vệ nghiêm ngặt nên không bị mất… trong khi đó đến dịp tế lễ mỗi làng đều có thể đến nhận sắc phong về làm lễ như thường niên. Bảo tàng chỉ có nhiệm vụ lưu giữ và bảo quản sao cho mỗi sắc phong ở tình trạng tốt nhất. Thậm chí có thể phục hồi những sắc phong bị hư hỏng… Có thể nói đây là một việc làm có lợi cả đôi đường, vì một phần lưu giữ được những giá trị văn hóa của cả dân tộc, bên cạnh đó còn lưu giữ những tài sản quý của mỗi làng. Trích kinh phí hỗ trợ cho những làng có sắc phong, chủ yếu là nguồn kinh phí do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ vì đây là những hoạt động phi lợi nhuận (5) nhằm gìn giữ những bản sắc văn hóa phi vật thể của dân tộc và trích một phần kinh phí từ ngân sách tỉnh…(6) Khi phòng bảo tàng được thành lập sẽ mở của cho du khách gần xa đến tham quan, tạo thành một điểm du lịch rất đặc biệt của Huế mà không phải nơi nào cũng có. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu có cơ hội thuận lợi khi tiếp cận những văn bản này (7), tất nhiên những ai muốn tiếp cận để nghiên cứu đều phải đóng phí theo quy định. Ngoài ra, hằng năm tỉnh cũng cần trích một phần doanh thu của du lịch để hỗ trợ cho phòng bảo tàng nhằm duy trì hoạt động, vì đây cũng là một điểm tham quan của du khách. - Khả năng ứng dụng Đề tài này hoàn toàn có thể ứng dụng được, vì Huế đã có một hệ thống các bảo tàng về những di sản của cố đô. Ngoài ra, Huế còn là nơi có nhiều nguồn kinh phí tài trợ cho việc phục hồi những di sản văn hóa hay có nguồn thu về lợi nhuận du lịch hằng năm lớn… Về mặt kinh tế xã hội còn tạo thêm một điểm tham quan du lịch có một không hai trong cả nước, nhằm thu hút khách tham quan, các nhà nghiên cứu đến Huế nhiều hơn và ở lại lâu hơn, làm tăng doanh thu cho du lịch. Bên cạnh đó còn giúp cho mỗi người dân ở địa phương hay khách tham quan du lịch trong và ngoài nước hiểu thêm về những giá trị văn hóa mà người xưa đã để lại…Ngoài ra, còn giúp lưu giữ được loại giấy “long đằng”, đây là loại giấy quý nhưng nay nghề làm giấy này đã bị thất truyền. - Giải pháp cho tính bền vững Đây là những loại văn bản quý, đã trải qua hàng trăm năm với thời gian nên cần thực hiện tốt việc bảo quản. Cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu những cách thức mới để lưu giữ, bảo tồn, khôi phục những sắc phong này, nhằm lưu giữ được những giá trị vật chất và tinh thần ở mỗi làng xã của địa phương. Cần nghiên cứu để phục hồi nghề làm giấy “long đằng”. Cần có những chính sách quảng bá về giá trị di sản cho toàn dân được rõ và khuyến khích người dân đem sắc phong đến lưu giữ tại bảo tàng. Giới thiệu trong các tour du lịch đến Huế. - Kế hoạch tổ chức và thực hiện Trước tiên cần phải tìm nguồn tài trợ: Vì xác định đây là một hoạt động phi lợi nhuận, nhưng lại góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh cũng như cả nước nên cần phải có những chính sách ưu tiên. Ví như tìm kiếm những nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước như những dự án về bảo tồn di tích hay văn hóa mà trước nay tỉnh ta đã từng được tài trợ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần hỗ trợ một phần ngân sách thu được từ ngành du lịch để duy trì hoạt động của phòng bảo tàng này. Thứ hai cần khảo sát hiện nay trên toàn bộ tỉnh còn bao nhiêu sắc phong và hiện trạng của nó như thế nào. Về phần này chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp sau: Có thể liên hệ với Sở văn hóa thông tin tỉnh, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế hay một số nhà nghiên cứu…vì những nơi này đã và đang có các dự án sưu tầm, khảo sát sắc phong trong địa bàn tỉnh…tất nhiên cũng cần hỗ trợ kinh phí. Hoặc có thể thành lập một tổ chuyên khảo sát sắc phong, vì việc khảo sát sắc phong sẽ không gặp nhiều trở ngại. Thứ ba cần mời những vị trưởng làng (trưởng họ tộc ở mỗi làng) trong toàn tỉnh đến họp và tuyên truyền về kế hoạch tổ chức để mỗi làng có những hiểu biết thêm về giá trị di sản và kế hoạch này. Thứ tư cần liên kết với một bảo tàng ở tỉnh (8) để cùng thực hiện. Bên cạnh đó cũng cần quảng bá trong ngành du lịch. Và điều quan trọng nhất là cần phải có một đội ngũ chuyên sâu về chữ Hán cũng như có am hiểu về cổ vật… 3. Thay lời kết Trên đây tôi chỉ “mạo muội” đưa ra những suy nghĩ riêng lẽ của mình để cùng trao đổi với những ai quan tâm đến vấn đề này, những suy nghĩ đó có thể sẽ thành hiện thực, cũng có thể không. Nhưng trước những vấn đề trước mắt, khi mà chúng chưa tìm ra một biện pháp nào hữu hiệu cho vấn đề này thì tôi cũng muốn đưa ra những suy nghĩ của mình. Và cũng mong những ai quan tâm đến vấn đề này có thể bổ sung, đóng góp ý kiến cũng như đưa ra những biện pháp tích cực nhằm làm cho những giá trị văn hóa đất nước được lưu giữ, bảo tồn mà không bị mai một theo thời gian. Tất nhiên để thực hiện một đề tài có tính quy mô, không phải chỉ thông qua vài trang giấy mà có thể làm được, cần phải có sự đầu tư, quan tâm, chỉ đạo của các cấp các ngành và đặc biệt là những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà nghiên cứu am hiểu về lĩnh vực này… Chú thích: (1) Giảng viên chính, Th.s Trần Thị Thanh, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Huế. (2) Ví như tại làng Lễ Khê (p. Hương Sơ) có 6 vị Khai khẩn của 6 dòng họ là Đinh, Phan, Nguyễn, Huỳnh, Lê, Trần. Nhưng ba họ Đinh, Phan, Nguyễn nay đã không còn con cháu trong làng. (3) Ví như làng Nguyệt Biều (x. Thủy Biều), Dương Xuân (p. Hương Sơ), Dương Xuân Thượng (x. Thủy Xuân), An Hòa (p. An Hòa)… (4) Ví như làng An Hòa (p. An Hòa) chỉ còn lại 11 đạo sắc phong, nhưng trong đó hơn phân nữa đã bị hư hỏng một phần hay hoàn toàn. Làng Đốc Sơ (p. Hương Sơ) còn lại 16 đạo sắc, nhưng trong đó có một số bị hỏng một phần, bên cạnh còn có những đạo đã bị hỏng hoàn toàn không thể xem và đoán định được… (5) Như trong những năm vừa qua, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã nhận được sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài như: công trình “Phục hồi và phát huy giá trị Nhã nhạc” - Nguồn tài trợ: Quỹ Ủy thác Nhật Bản thông qua UNESCO - Thời gian thực hiện: 2005-2007 - Vốn đầu tư: 154.900 USD hay công trình “Phục dựng Hổ Quyền bằng công nghệ kỹ thuật số” - Nguồn tài trợ: Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc - Thời gian thực hiện: 2008 - Vốn đầu tư: tương đương 100,000 USD… (6) Bên cạnh đó cũng cần trích một phần nhỏ doanh thu của ngành du lịch vì đây cũng chính là một điểm tham quan mới của khách và ngân sách tỉnh để duy trì hoạt động của phòng bảo tàng. (7) Vì hiện nay nếu một ai quan tâm đến lĩnh vực này muốn tiếp cận các văn bản gốc thì không phải dễ dàng. Có thể tùy vào mỗi làng để có những cách tiếp cận khác nhau. Nhưng hầu hết ở mỗi làng nếu có ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu, tiếp cận về những đạo sắc phong của làng mình đều phải thông qua đồng ý của toàn bộ các vị tộc trưởng trong làng và tất nhiên sẽ mất rất nhiều thời gian. (8) Theo tôi có thể liên kết với Bảo tàng Cổ vật tỉnh là tốt nhất, vì đây đã có một đội ngũ nhân viên chuyên về bảo quản cổ vật cũng như trình độ Hán ngữ tốt hoặc có thể liên kết với Thư Viện Tổng hợp tỉnh vì đây có một cơ cở vật chất hiện đại và nhân viên chuyên nghiệp về bảo quản sách cũng như thư tịch cổ… L.V.T Một số ảnh tư liệu Một đạo sắc của làng An Vân (p. Hương Sơ) - Ảnh: L.V.T Mặt sau một đạo sắc thời Duy Tân - Ảnh: L.V.T Những đạo sắc bị hỏng tại làng An Hòa (p. An Hòa) - Ảnh: L.V.T Địa chỉ liên hệ: Lê Văn Thi Đội 1 - Thôn Trung Thượng – Xã Thủy Biều – Tp Huế Đt: 054.3881926 – 0983901633 Email: thilevan1010@gmail.com

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docVấn đề bảo tồn các đạo sắc phong.doc
Tài liệu liên quan