Một số đề nghị thúc đẩy nghiên cứu kinh tế biển ở Việt Nam

Tóm tắt: Trong bài báo này tác giả tóm tắt tình hình nghiên cứu biển của Việt Nam, khái quát tầm quan trọng của biển và đảo bao bọc xung quanh Việt Nam, phân tích lý do và sự cần thiết của nghiên cứu biển và đề xuất một số ý kiến nhằm thúc đẩy nghiên cứu biển ở Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia có biển đảo bao bọc dọc theo chiều dài. Biển, đảo và khai thác các nguồn tài nguyên biển đảo góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh của các quốc gia ven biển. Tình trạng nghiên cứu biển và đảo của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chúng ta chưa có đội ngũ nghiên cứu tầm cỡ thế giới, trên diễn đàn quốc tế vắng bóng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu về biển đảo. Việt Nam cũng chưa có được các cơ sở dữ liệu đầy đủ chính xác về biển đảo để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng. Đã đến lúc chúng ta cần phải đặt vấn đề nghiên cứu biển đảo và tìm ra những giải pháp thúc đẩy nghiên cứu biển đảo ở Việt Nam.

pdf14 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1915 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số đề nghị thúc đẩy nghiên cứu kinh tế biển ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một số đề nghị thúc đẩy nghiên cứu biển ở Việt Nam1 Nguyễn Đức Hùng(*) (*) Department of Maritime Engineerring Australian Maritime College (Newnham Campus) PO BOX 986, Newnham, Launceston Tas 7250 Australia Email: H.Nguyen@amc.edu.au Tóm tắt: Trong bài báo này tác giả tóm tắt tình hình nghiên cứu biển của Việt Nam, khái quát tầm quan trọng của biển và đảo bao bọc xung quanh Việt Nam, phân tích lý do và sự cần thiết của nghiên cứu biển và đề xuất một số ý kiến nhằm thúc đẩy nghiên cứu biển ở Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia có biển đảo bao bọc dọc theo chiều dài. Biển, đảo và khai thác các nguồn tài nguyên biển đảo góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh của các quốc gia ven biển. Tình trạng nghiên cứu biển và đảo của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chúng ta chưa có đội ngũ nghiên cứu tầm cỡ thế giới, trên diễn đàn quốc tế vắng bóng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu về biển đảo. Việt Nam cũng chưa có được các cơ sở dữ liệu đầy đủ chính xác về biển đảo để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng. Đã đến lúc chúng ta cần phải đặt vấn đề nghiên cứu biển đảo và tìm ra những giải pháp thúc đẩy nghiên cứu biển đảo ở Việt Nam. Từ khóa: biển, đảo, hàng hải, đóng tàu, kinh tế biển. 1. Giới thiệu Việt Nam là một quốc gia ven biển, nằm ở khu vực trung tâm Đông Nam Á. Việt Nam có chiều dài trải dọc theo bờ biển từ Vịnh Bắc Bộ ở phía đông bắc tới Vịnh Thái Lan ở phía tây nam. Với vị trí địa lý nằm gần biển, Việt Nam có tiềm năng phát triển một nền kinh tế toàn diện dựa trên một phần vào công nghiệp khai thác biển và giao thông biển. Trên thế giới, nhiều quốc gia ven biển và nhiều thành phố ven biển đã trở thành những trung tâm công nghiệp và thương mại, cảng quốc tế. Đáng lẽ Việt Nam chúng ta cũng phải có những thành phố công thương nghiệp rất phát triển và sầm uất nằm ven biển dọc theo bờ biển Việt Nam. Trong lịch sử Việt Nam, có nhiều truyền thuyết về biển và đời sống sinh hoạt trên biển của người Việt Nam. Truyền thuyết Âu Cơ Lạc Long Quân là một ví dụ. Nước Việt Nam nằm trải dài bên bờ Thái Bình Dương, trong lục địa lại nhiều sông ngòi, cho nên lịch sử dân tộc cũng gắn liền với lịch sử chinh phục biển cả, hoạt động hàng hải và đánh bắt tôm cá thủy hải sản phục vụ đời sống. Trong lịch sử cũng có nhiều cuộc chiến thắng chống quân xâm lược bằng thủy quân. Liệu chúng ta có thể tìm được những bằng chứng và dấu vết chứng minh được Việt Nam chúng ta đã từng có 1 Những ý kiến trong bài này không phản ánh quan điểm của Trường Hàng hải Australia. một lịch sử hàng hải và đóng tàu thuyền oai hùng với những đội thủy quân mạnh để có thể đánh lui giặc ngoại xâm? Nếu có thì những bằng chứng đó nằm ở đâu? Đa số các sách sử Việt Nam như “Việt Nam Sử Lược”, “Việt Sử Toàn Thư”, “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” v.v… đều viết về lịch sử Việt Nam từ thời thượng cổ, và bắt đầu lịch sử bằng Thời Hồng Bàng, thời điểm khoảng 3000 năm trước CN, tức cách đây khoảng 5000 năm. Qua những sách sử đó, người Việt Nam chúng ta thường tự hào có 5000 năm lịch sử. Nhưng chúng ta muốn biết trước 5 nghìn năm đó, dân tộc Việt chúng ta từ đâu đến và chúng ta đã từng làm gì để xây dựng lên một đất nước Việt Nam từ thời Hồng Bàng cho đến ngày nay? Có phải dân tộc Việt Nam đã từng có một nền văn minh dựa trên việc trồng lúa nước và những hoạt động hàng hải trên biển hay không? Đó là những câu hỏi khó có câu trả lời chính xác. Gần đây cuốn sách “Địa đàng ở Phương Đông” của tác giả Oppenheimer đã gây dư luận lớn trong giới nghiên cứu. Cuốn sách đưa ra giả thuyết rằng nôi của nền văn minh Đông Nam Á chính là Biển Đông, bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ và khu vực Biển Đông Việt Nam. Nếu những giả thuyết trên có cơ sở đúng, thì Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông không những chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, mà còn có thể chứa đựng cả những chứng cứ lịch sử về nguồn gốc dân tộc Việt nói riêng và nguồn gốc các dân tộc sống ở vùng Đông Nam Á nói chung. Do vậy chúng ta cần có những nghiên cứu thích hợp để tìm về cội nguồn dân tộc. Trong các nghiên cứu đó, chúng ta cần có những nghiên cứu nghiêm túc và có hệ thống về biển, lịch sử hàng hải và đóng tàu của Việt Nam. Thực trạng nghiên cứu về biển của Việt Nam ngày nay còn cực kỳ khiêm tốn, chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu về biển một cách hệ thống và có phương pháp. Nhận xét về thực trạng nghiên cứu biển của Việt Nam, một bài báo đăng trên báo Lao Động số 259 ngày 29/9/2002 viết “Nghiên cứu biển Việt Nam vẫn tụt hậu hàng chục năm so với thế giới. 20 năm qua, mỗi năm được đầu tư khoảng 10 tỉ đồng, với bao nhiêu đề tài, nhưng kết quả chẳng được là bao.” Bài báo viết thêm :”Vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam rộng hơn một triệu km vuông, lớn hơn gấp 3 lần so với lãnh thổ. Trong đó bờ biển dài hơn 3.260km, có hơn 3.000 hòn đảo mà nổi tiếng là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy vậy một thực tế đáng buồn là dù nghị quyết của Bộ chính trị đã nêu:”Phải xây dựng Việt Nam thành một quốc gia biển mạnh”, song nghiên cứu biển của Việt Nam vẫn sơ lược, manh mún và tụt hậu hàng chục năm so với thế giới.” Cũng trong bài báo đó, Phạm Huy Tiến cho biết “Cho đến nay chúng ta vẫn đang thiếu những thông số cơ bản, đủ tin cậy về các đặc trưng điều kiện tự nhiên, chưa đánh giá được đầy đủ, chính xác tiềm năng các tài nguyên thiên nhiên chủ yếu trên phạm vi toàn vùng biển chủ quyền của đất nước, nhất là vùng xa bờ, vùng sâu. Nghiên cứu cơ bản và dự báo biển động của quá trình khí tượng thủy văn, động lực, địa hình, địa chất, sinh thái môi trường biển và nguồn lợi hải sản… chỉ mới bắt đầu.” Về chuyển giao công nghệ, Đỗ Văn Khương cho biết :”Các nhà hải dương học chưa giải quyết được bài toán dự báo cá khai thác, đáp ứng các câu hỏi của ngư dân là đánh cá ở đâu, vào lúc nào, bằng phương tiên gì và quy mô khai thác như thế nào?” Chúng ta có rất ít tài liệu về lịch sử phát triển ngành đóng tàu, những hoạt động hàng hải và hải quân trên biển. Chúng ta cũng có rất ít những nhà nghiên cứu và chuyên gia về biển tầm cỡ thế giới. Trên các diễn đàn khoa học và các tạp chí khoa học biển quốc tế, vắng bóng các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu biển Việt Nam. Về an ninh quốc phòng và an toàn trên biển, lực lượng hải quân và cảnh sát biển của chúng ta chưa mạnh. Quần đảo Hoàng Sa của chúng ta đã chính thức bị Trung Quốc đánh chiếm trước 1975 (19/1/1974). Sau 1975, Trung Quốc lại tấn công một số đá và đảo trên quần đảo Trường Sa năm 1988, hải quân chúng ta không đủ sức chống đỡ, một số tàu hải quân bị chìm, người thiệt mạng và chúng ta đã mất thêm một số đá và đảo trên quần đảo Trường Sa. Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ bản chất bành trướng trên Biển Đông và đe dọa tới tình hình an ninh của Việt Nam và khu vực vì vấn đề khủng hoảng năng lượng (dầu hỏa) của Trung Quốc. Trước thực trạng nghiên cứu biển Việt Nam như trình bày tóm lược ở trên, vậy chúng ta phải làm sao đó để có thể có được những nghiên cứu biển có hệ thống, và có được những thư viện thông tin chính xác kịp thời phục vụ cho công cuộc xây dựng phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng? Mục đích của bài báo này nhằm thảo luận và đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu biển ở Việt Nam. Tác giả sẽ lần lượt trình bày tầm quan trọng của biển đảo bao bọc xung quanh Việt Nam trong Phần 2, thảo luận lý do nghiên cứu biển và đề xuất một số ý kiến về việc thúc đẩy nghiên cứu biển trong Phần 3 và tóm tắt một số kết luận chính trong Phần 4. 2. Tầm quan trọng của biển đảo bao bọc xung quanh Việt Nam Phần này sẽ trình bày khái quát về biển đảo và tầm quan trọng kinh tế chiến lược của biển đảo Việt Nam. 2.1 Vị trí địa lý Việt Nam Việt Nam là một quốc gia ven biển nằm trong khu vực trung tâm của Đông Nam Á, Việt Nam có vùng biển nối liền tuyến giao thông vận tải đường biển quan trọng giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, đặc biệt Biển Đông Việt Nam là tuyến vận tải dầu và containers từ các nước khác tới Nhật Bản, Triều Tiên và Trung Quốc, những nước đang tiêu thụ khối lượng năng lương khổng lồ. Việt Nam ở vị trí có tiềm năng phát triển kinh tế biển như đóng tàu, vận tải đường biển, phát triển cảng và công trình thủy, khai thác thủy hải sản, khai thác tài nguyên khoáng sản biển và dầu khí, du lịch biển và hải đảo, dịch vụ đường biển và các ngành khác liên quan (tin học ứng dụng). Hình 1 Vị trí Việt Nam trong vùng Đông Nam Á 2.2 Khái quát về biển đảo Việt Nam Việt Nam giáp với biển ở hai phía đông và nam. Vùng biển Việt Nam là một phần của Biển Đông. Bờ biển Việt Nam dài 3.260km, từ Quảng Ninh ở phía đông bắc tới Kiên Giang ở phía tây nam. Tính trung bình tỉ lệ diện tích theo số km bờ biển thì cứ 100km2 thì có 1km bờ biển (so với trung bình của thế giới là 600km2 đất liền trên 1km bờ biển). Biển có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km2 (gấp ba lần diện tích đất liền: 1 triệu km2/330.000km2) (5). Biển đảo Việt Nam có thể chia thành bốn khu vực: biển Đông Bắc (một phần Vịnh Bắc Bộ, VBB), nằm phía đông bắc Việt Nam và tiếp giáp với Trung Quốc (đảo Hải Nam), biển Bắc Trung Bộ (một phần Biển Đông) nằm phía đông Việt Nam, biển Nam Trung Bộ (một phần Biển Đông) ở phía đông nam và vùng biển Tây Nam (một phần Vịnh Thái Lan) nằm phía tây nam của Việt Nam tiếp giáp với Cambodia và Thái Lan. Trong khu vực biển Việt Nam có khoảng 4000 đảo lớn nhỏ, gần và xa bờ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm xa bờ tạo thành một phòng tuyến bảo vệ kiểm soát và làm chủ vùng biển và hải đảo. Biển Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng, là khu vực giao thông nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Châu Á với Châu Âu, Châu Úc với Trung Đông. Khu vực biển Việt Nam là một phần của Biển Đông, là tuyến đường vận tải dàu hỏa quan trọng tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Biển Việt Nam có vị trí giao lưu quốc tế thuận lợi và có tiềm năng phát triển ngành kinh tế biển phong phú và đa dạng. Những đặc điểm chính của biển đảo Việt Nam: có khí hậu vùng nhiệt đới tạo điều kiện cho sinh vật biển phát triển tồn tại tốt. Biển có tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú đa dạng và quý hiếm. Việt Nam nằm trải dài ven biển, có tới 26 tỉnh thành phố ven biển chiếm tới 42% diện tích và 45% dân số cả nước, có khoảng 15,5 triệu người sống gần bờ biển và 16 vạn người sống ở đảo. 2.3 Tiềm năng và tầm quan trọng của biển Biển Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế lớn và có tầm quan trọng về an ninh quốc phòng. Nếu chúng ta biết khai thác và phát triển kinh tế biển sẽ thu được một nguồn lợi lớn, rất xứng đáng với câu nói của tổ tiên “Rừng vàng biển bạc”. Tiềm năng và tầm quan trọng của biển được thể hiện ở những điểm chính sau: Tiềm năng phát triển kinh tế biển: Biển Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế biển khá phong phú, bao gồm các ngành thủy hải sản, khoáng sản, dầu mỏ, giao thông và du lịch. Chi tiết cho trong (5) và (9), trong bài này chỉ xin tóm tắt như sau: Thủy hải sản: Ở vùng biển nước ta cho đến nay chúng ta biết đến khoảng 2.040 loài cá gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó những loài có giá trị kinh tế cao chiếm khoảng 110 loài. Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta đánh bắt được khoảng 3 triệu tấn/năm. Ở biển Việt Nam có khoảng trên 1.500 loài nhiễm thể, riêng tôm có trên 100 loài. Ngoài tôm cá, chúng ta có nguồn lợi rong biển. Biển nước ta có trên 600 loài rong biển là nguồn thức ăn có dinh dưỡng cao và là nguồn dược liệu phong phú (5). Chim biển: Các loại chim biển ở nước ta cũng phong phú, gồm hải âu, bồ nông, chim rẽ, hải yến. Theo tính toán của các nhà khoa học thì phân chim tích tụ từ lâu đời trên các đảo cho trữ lượng phân bón tới chục triệu tấn (5). Khoáng sản: dưới đáy biển nước ta có nhiều khoáng sản quý như thiếc, ti-tan, đi-ri-côn, thạch anh, nhôm, sắt, măng-gan, đồng, kền vá các loại đất hiếm. Muối ăn chứa trong nước biển bình quân 3.500gam/m2 (5). Dầu mỏ: Vùng biển Việt Nam rộng hơn l triệu km2 trong đó có 500.000km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí. Trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam có thể chiếm 25% trrữ lượng dầu dưới đáy biển Đông. Có thể khai thác từ 30-40 ngàn thùng/ngày (mỗi thùng 159 lít) khoảng 20 triệu tấn/năm. Trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Vict Nam khoảng 10 tỷ tấn quy dầu. Ngoài dầu Việt Nam còn có khí đốt với trữ lượng khoảng ba nghìn tỷ m3/năm (5). Giao thông: bờ biển nước ta chạy dọc từ bắc tới nam theo chiều dài đất nước, với 3.260km bờ biể có nhiều cảng, vịnh, vụng… rất thuận lợi cho giao thông hang hải, đánh bắt cá và nuôi trồng thủy hải sản. Nằm trên trục giao thông đường biển quốc tế từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, trong tương lai biển Việt Nam sẽ là tiềm năng cho ngành kinh tế dịch vụ trên biển như đóng tàu, sửa chữa tàu, tìm kiếm cứu trợ, thông tin dẫn dắt, vận tải hàng hóa.v.v…(5). Hình 2 minh họa tuyến đường giao thông vận chuyển dầu khí qua khu vực Biển Đông. Hình 2 Các tuyến đường vận chuyển dầu khí trong khu vực Biển Đông (Nguồn: Center for Naval Analyses and the Institute for National Strategic Studies) Du lịch: Bờ biển dài có nhiều bãi cát, vụng, vịnh, hang động tự nhiên đẹp, hải đảo có nhiều loại động thực vật quý hiếm là tiềm năng du lịch lớn (5). Việt Nam đã bắt đầu các chuyến du lịch thăm một số đảo ở Quần đảo Trường Sa. Tầm quan trọng về an ninh quốc phòng: Biển nước ta nằm trên đường giao thông biển quốc tế từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, vì vậy có vị trí quân sự hết sức quan trọng. Đứng trên vùng biển đảo của nước ta có thể quan sát khống chế đường giao thông huyết mạch ở Đông Nam Á. Biển đảo nước ta có tầm quan trọng hết sức lớn lao đối với sự phát triển trường tồn của đất nước (5). Hình 3 là bản đồ tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phần biển của Việt Nam chỉ còn là phần biển rất nhỏ nằm sát vạch tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc (hình lưỡi bò), an ninh quốc phòng Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng. Hình 3 Bản đồ tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc cho ta thấy sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo bản đồ này của Trung Quốc thì vùng biển chủ quyền của Việt Nam chỉ còn phần phía tây của Vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định phân chia VBB đã được ký kết và một phần nhỏ Biển Đông (Nguồn: 2.4 Tiềm năng và tầm quan trọng của đảo và quần đảo Vùng biển nước ta có trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó vùng biển đông bắc có trên 3.000 đảo, bắc Trung Bộ trên 40 đảo, còn lại ở vùng biển Nam Trung Bộ, vùng biển Tây Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Căn cứ vào vị trí chiến lược và các điều kiện địa lý kinh tế, dân cư, thường người ta chia các đảo, quần đảo thành các nhóm đảo và quần đảo như sau: 1. Hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên các đảo có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời nước ta, kiểm tra hoạt động của tàu, thuyền, bảơ đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Đó là các đảo, quần đảo như: Hoàng Sa, Trường Sa, Chàng Tây, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô, Bạch Long Vĩ... (5). 2. Các đảo lớn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triên kinh tế-xã hội. Đó là các đảo như: Cô Tô, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc (5). 3. Các đảo ven bờ gần có điều kiện phát triển nghề cá, du lịch và cũng là căn cứ đề bảo vệ trật tự, an ninh trên vùng biển và bờ biển nước ta. Đó là các đảo thuộc huyện đảo Cát Hải-Cát Bà và huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang)...(5). 4. Quần đảo Hoàng Sa: Hoàng Sa là một quần đảo san hô nằm giữa biển Đông. Từ lâu, Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã thuộc lãnh thổ Việt Nam với tên Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang với vĩ độ Huế và Đà Nẵng. Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo trong vùng biển rộng khoảng 15.000 km2, trực thuộc Đà Nẵng. Năm 1956 Trung Quốc chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Tháng l-1974, trong lúc quân dân ta đang tập trung sức tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc đã đưa quân ra đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (5). 5. Quần đảo Trường Sa: Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng trên 200 hải lý về phía Đông Nam. Quần đảo Trường Sa bao gồm hơn 100 đảo nhỏ, bãi ngầm, bãi san hô nằm trải rộng trong một vùng biển khoảng 180.000km2, trực thuộc Khánh Hòa. Chiều Đông Tây của quần đảo Trường Sa là 325 hải lý, chiều Bắc Nam là 274 hải lý. Cách Cam Ranh 248 hải lý, cách đảo Hải Nam Trung Quốc 595 hải lý. Tại quần đảo Trường Sa, đang diễn ra tình trạng có một số nước tranh chấp chủ quyền với ta. Tình hình hiện nay trên Quần đảo Trường sa: Philippines chiếm 8 đảo, Malaysia chiếm 3 đảo, Đài Loan chiếm l đảo, Trung Quốc chiếm 9 bãi đá ngầm. Việt Nam đang có mặt và bảo vệ 21 đảo và bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa (5). Đảo và quần đảo nước ta có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong các ngành kinh tế biển như vận tải biển, đóng tàu, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản, chế biến thủy hải sản và các ngành liên quan, có vai trò lớn lao trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta. 2.5 Vịnh Bắc Bộ Vịnh Bắc bộ nằm ở Tây Bắc Biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển Việt Nam và Trung Quốc. Diện tích khoảng 126.250km2, chiều ngang, nơi rộng nhất khoảng 310 km và nơi hẹp nhất khoảng 220km. Hiệp Định Phân định Vịnh Bắc Bộ ký tháng 12/2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xác định biên giới lãnh hải của hai nước ở ngoài cửa sông Bắc Luân, cũng như giới hạn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta và Trung Quốc ở trong Vịnh Bắc Bộ. Về diện tích tổng thể theo mực nước trung bình thì ta được 53,23%, Trung Quốc được 46,77% diện tích Vịnh. Vịnh Bắc Bộ là vịnh nông, nơi sâu nhất khoảng l00m. Thềm lục địa Việt Nam khá rộng, độ dốc thoải và có một lòng máng sâu trên 70m gần đảo Hải Nam của Trung Quốc. Phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng 3.000 đảo lớn nhỏ, đảo Bạch Long Vĩ diện tích 2,5km2 cách đất liền Việt Nam 110km, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 130km. Có nhiều nguồn lợi hải sản (trữ lượng cá của Việt Nam khoảng 44 vạn tấn) và tiềm năng dầu khí (5). 2.6 Vịnh Thái Lan Vịnh Thái Lan nằm ở Tây Nam biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Diện tích khoảng 293.000km2, chu vi khoảng 2.300km. Vịnh Thái Lan là một vịnh nông, nơi sâu nhất khoảng 80 mét. Đảo Phú Quốc trong Vịnh Thái Lan là đảo lớn nhất của Việt Nam, diện tích 567km2. Vùng biển Vịnh Thái Lan có nhiều nguồn lợi hải sản (trữ lượng cá của Việt Nam khoảng 51 vạn tấn). Vùng biển Vịnh Thái Lan có tiềm năng dầu khí lớn, Việt Nam đã khai thác và hợp tác khai thác vùng chồng lấn với Malaysia (5). Những độc giả quan tâm có thể tìm đọc thêm thông tin về biển Việt Nam ở các nguồn tham khảo (5), (6), (9), (13) và (14). 3. Một số ý kiến về việc nghiên cứu biển ở Việt Nam Từ những phân tích về tầm quan trọng chiến lược và kinh tế của biển đảo của Việt Nam, chúng ta thấy việc nghiên cứu biển một cách khoa học và hệ thống sẽ đem lại nhiều lợi ích góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng. Trong phần này, tác giả thảo luận và nêu những lý do cần thiết của việc nghiên cứu biển và xin đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu biển với một hi vọng là sẽ có nhiều người quan tâm và thực hiện nhiều chủ đề nghiên cứu biển trong những năm tới. 3.1 Những lý do cần nghiên cứu biển ở Việt Nam Người viết bài này đã cố gắng đi tìm tài liệu liên quan đến lịch sử ngành hàng hải và đóng tàu của Việt Nam trên Internet, và thấy thấy rằng tài liệu liên quan đến lịch sử ngành hàng hải và đóng tàu của Việt Nam không có nhiều. Các tư liệu lịch sử ngành hàng hải và đóng tàu của Việt Nam dường như chỉ nằm rải rác trong các cuốn sách lịch sử Việt Nam mà các tác giả dùng làm tài liệu tham khảo. Hiện nay theo nhận xét của người viết thì các tài liệu về lịch sử ngành hàng hải và đóng tàu Việt Nam có thể có nhưng chưa được hệ thống hóa một cách nghiêm chỉnh. Trong những tài liệu đã được xuất bản chưa có nhiều cơ sở khoa học dựa trên thực nghiệm, chưa có nhiều chứng cớ từ các ngành khoa học liên quan như khảo cổ học, di truyền học và các ngành khoa học khác. Dường như ở Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều bảo tàng hàng hải trưng bày những dụng cụ ngành hàng hải, những di tích về công nghệ hàng hải và đóng tàu thuyền của Việt Nam. Tài liệu và sách vở về biển Việt Nam cũng không có nhiều. Như chúng ta đã biết trong lịch sử của nhân loại, trên trái đất các lục địa tách ra thành các thềm lục địa (shelves) và di chuyển về các hướng khác nhau đã tạo nên các lục địa khác nhau và các lục địa bị ngăn cách bởi các đại dương và những cuộc di cư của các dân tộc cổ đại dựa chủ yếu vào việc đi lại trên biển. Ngoài việc di cư tìm nơi sống mới, các dân tộc có nền văn minh phát triển hơn đã đi khám phá thế giới và buôn bán bằng đường biển. Lịch sử ngành hàng hải và đóng tàu thế giới có bề dày theo thời gian và đã có rất nhiều thành tựu, từ những cuộc di cư theo đường biển bằng những chiếc thuyền buồm nhỏ, đến những cuộc thám hiểm vòng quanh thế giới bằng những thuyền buồm lớn hơn, rồi đến những cuộc chinh phục những lục địa mới và đóng được những con tàu lớn hiện đại và phát minh sáng tạo ra những thiết bị phục vụ ngành hàng hải hiện đại như ngày nay. Vậy chúng ta thử nhìn nhận dân tộc Việt Nam có đóng góp gì vào lịch sử ngành hàng hải và đóng tàu thế giới hay không? Những tài liệu khảo cổ học, nghiên cứu sinh học, nhân chủng học và ngôn ngữ học đang mới vén mở một bức tranh lịch sử mới rằng dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc bắt nguồn từ phía Trung Quốc di chuyển xuống phía nam, mà là ngược lại, dân tộc Trung Quốc hiện nay là những dân tộc từ phía nam sống trong khu vực Đông Nam Á di cư lên và di tản sang các lục địa khác. Vậy nếu giả thiết này đúng, thì người Việt Nam tiền sử đã đi từ khu vực Đông Nam Á sang các lục địa khác qua các đại dương như thế nào? Nếu người Việt cổ đại đã di cư sang các lục địa khác bằng đường biển thì chúng ta phải có di tích về tàu thuyền. Việt Nam có một lịch sử lâu đời. Cho đến nay chúng ta mới chỉ biết được thông qua các sách sử dân tộc Việt Nam có lịch sử khoảng 5.000 năm, tức từ thời xưa nhất là thời Kỷ Hồng Bàng thời điểm khoảng 3.000 năm trước CN. Vậy trước năm 3.000 trước CN người Việt chúng ta từ đâu đến, và người Việt cổ đại đã sinh sống ra sao? Câu hỏi này thật sự khó trả lời. Trải dài theo lịch sử, chúng ta thấy dân tộc Việt Nam sống gần biển và sống trên khu vực đồng bằng Sông Hồng và Sông Mê Kông là hai khu vực có nhiều chi nhánh sông. Chúng ta có những truyền thuyết về tổ tiên chúng ta xuất phát từ biển như truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh.v.v... Trong lịch sử chống ngoại xâm, chúng ta có các đội thuyền chiến làm nên những chiến thắng lịch sử như Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền (938) đại phá quân Nam Hán, Chiến thắng Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo (1288) đại phá quân Nguyên Mông... Người viết thiết tưởng rằng với vị trí địa lý của Việt Nam gần biển, có nhiều sông ngòi, và đời sống dân Việt gắn liền với cuộc sống đánh bắt cá, mò trai sò, chinh phục biển chắc trong thời kỳ xa xưa có thể đã có được những kỹ thuật cao về đóng tàu và hàng hải. Nhưng thực tế lại cho chúng ta điều ngược lại: ngành hàng hải và đóng tàu của Việt Nam chúng ta chưa phát triển và đi sau rất nhiều nước trên thế giới, và chúng ta có rất ít những tài liệu (có tính khoa học) về hai lĩnh vực này. Các nền văn minh trên thế giới từ trước đến nay đều nằm bên bờ các đại dương. Hiện nay chúng ta cũng vẫn thấy rằng các nước phát triển và cụ thể là các thành phố có bề dày lịch sử và phát triển của các nước đại đa số nằm bên bờ các đại dương. Chúng ta có thể kể ra nhiều thành phố như vậy từ đông sang tây, từ Âu sang Mỹ: ở Nhật có Tokyo, Yokohama, Nagasaki, Osaka... ở Mỹ có Washington, New York... ở Trung Quốc có Thượng Hải, Hồng Kông, Ma Cao..., ở Úc có Sydney, Mebourne, Hobart .v.v... Nước Việt Nam chúng ta nằm trải dài theo một phần bờ phía tây của Thái Bình Dương, kéo dài từ Vịnh Bắc Bộ phía tây bắc đến tận phía đông nam Vịnh Thái Lan nơi tiếp giáp với Cambodia và Thái Lan, chiều rộng của toàn bộ đất nước theo chiều sâu vào lục địa không lớn lắm (chiều rộng lớn nhất từ mép bờ phía đông đến mép biên giới với Lào chỉ vào khoảng 600km), có bờ biển dài như vậy nên điều kiện địa lý của Việt Nam rất thuận lợi để chúng ta có thể phát triển ngành hàng hải, hải quân và đóng tàu cũng như xây dựng các thành phố lớn hiện đại ven biển. Gần đây, dựa trên kết quả của các vật khai quật được, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phân tích và đi đến một số kết luận quan trọng rằng Đông Nam Á là một nôi văn minh trồng lúa nước của nhân loại, và Việt Nam đã từng đóng được những thuyền buồm loại nhỏ bằng gỗ và kỹ thuật đóng thuyền gõ này đã đạt tới trình độ cao. Có tác giả đặt giả thuyết rằng người Việt tiền sử đã từng di cư từ khu vực Đông Nam Á sang các lục địa khác như Mỹ và Úc (5)(12). Người viết tin rằng là Việt Nam đã từng đóng được thuyền buồm gỗ loại nhỏ rất giỏi (ví dụ thuyền độc mộc), điều này được chứng minh bằng các điểm đóng thuyền gỗ dọc theo bờ biển Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, là người làm trong ngành hàng hải, người viết bài này biết rằng Việt Nam có rất ít tài liệu và sách vở viết về lịch sử ngành hàng hải và đóng tàu Việt Nam. Một số câu hỏi được đặt ra 1) Nếu trước kia Việt Nam đã từng có một ngành hàng hải và đóng thuyền phát triển mạnh, nhưng tại sao Việt Nam không có nhiều sách vở tài liệu viết về những kỹ thuật này? 2) Những bằng chứng chứng minh Việt Nam đã từng có một ngành hàng hải và đóng thuyền buồm gỗ rực rỡ nằm ở đâu? Tìm được câu trả lời không dễ dàng. Người viết đã thử trả lời cho câu hỏi 1 như sau: Việt Nam có ít tài liệu sách vở về kỹ thuật - đặc biệt về kỹ thuật hàng hải đóng thuyền và đánh bắt cá - có thể do nền giáo dục của Việt Nam trước kia chỉ chú trọng đến văn chương và thơ ca, hoặc cao sang hơn thì học thi cầm kỳ họa (con cái quan lại vua chúa), không coi trọng kỹ thuật và các ngành khoa học ứng dụng. Các nghề của Việt Nam như hàng hải, đóng thuyền gỗ (buồm), đánh bắt cá là những nghề cha truyền con nối (hoặc chỉ truyền trong dòng họ, dòng tộc), những kĩ thuật và kỹ năng đóng thuyền, chạy thuyền được truyền khẩu do chữ viết trước kia dùng là chữ Hán Nôm một thứ chữ viết quá khó so với những tầng lớp thợ đóng thuyền và chạy thuyền. Theo một số nhà khảo cổ thì một số chứng cứ về kỹ thuật hàng hải và thuyền buồm của Việt Nam nằm trên các hình vẽ thuyền trên các trống đồng khai quật được. Như vậy chúng ta thấy ít nhất là chúng ta cũng có một số bằng chứng về nền văn minh hàng hải và đóng thuyền buồm gỗ ở Việt Nam. Cũng trên trống đồng, các nhà khảo cổ còn tìm được những ký tự biểu hiện rất giống những ký tự của một ngôn ngữ cổ của Việt Nam, và đưa ra giả thiết rằng người Việt Nam đã có chữ viết dạng “giun dế” hay dạng “con nòng nọc” trước khi giặc Tầu sang đô hộ (5). Nếu giả thiết này đúng thì trước khi chữ Hán được sử dụng ở Việt Nam (tức vào thời kỳ trước thế kỷ 2 trước CN, trước thời kỳ giặc Tàu đô hộ 1000 năm) Việt Nam đã từng có chữ viết dạng "giun dế" có để lại dấu vết trên các trống đồng mà các nhà khảo cổ học đang cố gắng giải mã, thì những chữ viết nguyên thủy thời đó có lẽ cũng chưa đủ để ghi lại những kĩ thuật thời tiền cổ ấy. Sau khi chữ Hán được truyền bá vào Việt Nam, chữ Nôm ra đời và cả hai thứ chữ Hán Nôm được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam (sau thời kỳ giành được độc lập từ năm 938) thì do chữ Hán Nôm rất khó học nên những người làm thợ đóng thuyền và chạy thuyền chắc không có cơ hội và điều kiện học chữ Hán Nôm tinh thông tới mức độ đủ để viết các kĩ thuật hàng hải và đóng thuyền đó thành sách và tài liệu. Người viết cũng xin thử trả lời cho câu hỏi thứ 2: Theo cuốn sách "Địa đàng ở Phương Đông" và những nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc Việt (cũng gồm cả các dân tộc vùng Đông Nam Á nói chung) gần đây cho giả thiết rằng Việt Nam chúng ta nằm trong khu vực Đông Nam Á, nơi có khu vực Biển Đông trước đây từng là một dải đất rộng lớn và từng đã có nền văn minh (nông nghiệp và hàng hải) sáng chói. Cơn đại hồng thủy (kết quả của nhiệt độ trái đất gia tăng, các tảng băng đá tan và làm mực nước biển dâng cao) cuối cùng xảy ra tại khu vực Đông Nam Á vào thời 7, 8 nghìn năm trước đây, tức xảy ra trước thời thượng cổ (Hồng Bàng) theo các sách sử Việt Nam đã ghi, thì cơn đại hồng thủy này đã nhấn chìm phần lục địa mà cư dân Việt Nam đã từng sinh sống và do vậy hình thành nên Vịnh Bắc Bộ, và Biển Đông ngày nay (1)(2)(12). Vậy nếu giả thiết này đúng thì nền văn minh của Việt Nam chúng ta nếu đã từng có thì chúng ta đã có nhiều thành phố làng mạc phát triển dọc theo bờ biển và như vậy những di tích khảo cổ nằm chìm trong lòng biển ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và khu vực Biển Đông, hoặc khu vực có nền văn minh Đông Nam Á rộng hơn nữa có thể nằm trên khư vực đảo Hải Nam và phía đông đảo Hải Nam của Trung Quốc hiện nay. Như vậy, những chứng cớ của nền văn minh dân Việt về hàng hải và đóng thuyền buồm có thể sẽ nằm trong các lớp đất chìm sâu dưới đáy Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông. Nếu giả sử chúng ta có đủ điều kiện để thăm dò đáy đại dương khu vực Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, chúng ta có thể sẽ tìm được những dấu vết của thời đại văn minh khu vực Đông Nam Á, và đặc biệt là văn minh Việt Nam. Chính vì vậy, song song với việc tập trung nghiên cứu tìm tòi nguồn gốc dân tộc Việt, chúng ta cũng nên tập trung vào nghiên cứu về các ngành khác nhau, trong đó có ngành hàng hải và đóng tàu. Nói tóm gọn, mục đích của việc tiến hành nghiên cứu biển của Việt Nam nhằm 1) phát triển kinh tế biển; 2) đảm bảo an ninh quốc phòng, 3) kết hợp với các ngành khoa học khác như khảo cổ học để có thể tìm lại nguồn gốc dân tộc Việt. Những nghiên cứu biển ở Việt Nam sẽ giúp cho việc xây dựng một kho thông tin và cơ sở dữ liệu đầy đủ để có thể phục vụ nhiều ngành khác nhau. Người viết xin đề xuất một số những đề nghị cụ thể để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu biển ở Việt Nam như sau. 3.2 Những kiến nghị cụ thể Dựa trên sự phân tích về tầm quan trọng của biển đảo và những lý do cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu biển phục vụ cho nhiều ngành phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, xã hội học và nhân chủng học, người viết xin đề xuất một số kiến nghị cụ thể như sau: 1. Thành lập đội tàu nghiên cứu: Thành lập một đội tàu và đội ngũ thuyền viên chuyên phục vụ cho việc nghiên cứu và thăm dò ngoài biển và đáy biển, đặc biệt các tàu cần được trang bị thiết bị ngầm và đội người lặn để khảo sát dưới lòng biển khu vực Vịnh Bắc Bộ, và khu vực gần các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các khu vực khác ở Biển Đông. Công việc thăm dò nghiên cứu này có thể thực hiện trong nhiều lĩnh vực như khảo sát địa lý đáy biển, nghiên cứu sinh vật biển và đáy biển, tìm kiếm dấu vết của nền văn minh cổ xưa, khảo sát khí tượng thủy văn dòng chảy trên biển, nghiên cứu về động đất, dự báo động đất và sóng thần .v.v... Việc thành lập đội tàu nghiên cứu cần phải có kinh phí lớn, kinh phí này cần được hỗ trợ từ các nguồn ngân sách nhà nước, các cơ quan công ty có nhu cầu nghiên cứu biển. Đội tàu nghiên cứu này có thể trực thuộc một cơ quan cấp bộ và sẽ cung cấp dịch vụ cho các viện các trường đại học làm các dự án nghiên cứu biển. 2. Xây dựng thư viện và các trung tâm dữ liệu về biển: Tìm lại tài liệu sách vở của tiền nhân và của những cá nhân đang làm nghiên cứu độc lập để tìm lại những dấu vết và di tích lịch sử về những nơi đã từng có những hoạt động hàng hải, đóng tàu thuyền, nơi luyện tập thủy binh đánh giặc của tổ tiên. Việc tìm, thu thập và tham khảo tài liệu của tiền nhân và những người đi trước giúp cho việc dự đoán và tập trung khu vực thăm dò khảo sát nêu ở mục 1 ở trên. Xây dựng và phát triển các thư viện và trung tâm dữ liệu. Dựa trên các tài liệu thu thập được từ công việc nghiên cứu, tìm kiếm, khảo sát và thăm dò biển ở trên, xây dựng các thư viên và trung tâm dữ liệu chứa đựng nhiều thông tin liên quan. Có thể thành lập dưới dạng thư viện điện tử (thư viện trực tuyến – online library). Phát triển mạng Internet nối kết nối kết với các thư viện khác trong toàn quốc. Kĩ thuật vi tính ngày nay cho phép điện tử hóa các văn bản Hán Nôm. 3. Xây dựng các bảo tàng hàng hải và tàu thuyền, tổ chức các lễ hội tàu thuyền: Hiện nay những bảo tàng về hàng hải và tàu thuyền ở Việt Nam có lẽ còn ít nếu không nói là chưa có. Trên cơ sở thu thập được các di tích tìm được trong quá trình nghiên cứu và khảo sát, thành lập một số bảo tàng hàng hải và tàu thuyền dọc theo bờ biển Việt Nam. Những bảo tàng hàng hải này có mục đích thu thập những di tích về hàng hải, tàu thuyền, và những sự kiện hàng hải thành những bộ sưu tập lịch sử vô giá nhằm cung cấp cho quần chúng hiểu biết thêm về tầm quan trọng của ngành trong công cuộc phát triển kinh tế. Hàng năm, tổ chức các lễ hội tàu thuyền nhằm trao đổi ý tưởng và kĩ thuật đóng tàu thuyền, kĩ thuật làm tàu thuyền mô hình mô phỏng các dạng tàu thuyền khác nhau. 4. Mở rộng các ngành nghề đào tạo về biển và hải dương học: Các trường đại học có các ngành đào tạo về thủy sản, hàng hải và đóng tàu như Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng), Đại học Giao thông Vận tải Hồ Chí Minh (phân hiệu cũ của Đaị học Hàng hải Việt Nam), Đại học Thủy sản Nha Trang v.v… cần mở thêm các khóa đào tạo về hải dương học, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, chính sách phát triển kinh tế thủy hải sản, pháp luật biển và hàng hải. Từ đó kích thích giới trẻ học tập và nghiên cứu về biển. Riêng về ngành đóng tàu, cần mở thêm các môn học về vật liệu mới, ngành đóng tàu thuyền buồm bằng vật liệu composite và các tầu cao tốc. Cũng cần có các bể thử nghiệm (towing tank hoặc test basin) cùng các mô hình tàu khác nhau nhằm phục vụ việc nghiên cứu đóng tàu thuyền có hiệu quả hơn. Cũng cần mở rộng các ngành học nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào việc nuôn trồng thủy hải sản. 5. Xây dựng mạng lưới DGNSS cung cấp dịch vụ và thông tin: Hiện nay Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới các trạm D-GNSS (Differential Global Navigation Satellite Systems), nhưng thông tin các trạm này còn hạn chế trong một số lĩnh vực chưa phổ quát dùng được cho nhiều ngành. Cần phải tiếp tục cho xây dựng và hoàn thiện mạng lưới D-GNSS dọc theo bờ biển Việt Nam nhằm cung cấp thông tin đa ngành để phục vụ hàng hải, điều khiển tự động, dự báo thời tiết khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông, cung cấp thông tin cho các tàu thuyền đánh bắt. Triển khai các đề tài nghiên cứu về hệ thống phao phát tín hiệu vị trí tự động dùng làm hệ thống mốc phân chia hải phận với Trung Quốc và các nước láng giềng. Xây dựng hệ thống hải đồ chính xác. Triển khai các đề tài nghiên cứu sử dụng GNSS trong viễn thám và cảm biến từ xa nhằm cung cấp thông tin về biển kịp thời. Lập các phòng thí nghiệm GNSS tại các trường đại học, đặc biệt tại Đại học Hàng hải Việt Nam và Đại học Giao thông Vận tải HCM là hai cơ sở đào tạo các ngành liên quan đến biển và hải dương. 6. Tổ chức giáo dục quần chúng về biển đảo: Giáo dục quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của biển đảo, đặc biệt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa đã từng là lãnh thổ của Việt Nam hiện nay tạm thời về tay Trung Quốc. Mọi người trong xã hội nếu được giáo dục tầm quan trọng của biển đảo sẽ có những hoạt động thích hợp nhằm bảo vệ môi trường biển, khai thác các nguồn lợi biển có hiệu quả hơn và không làm phá vỡ hệ sinh thái biển, có những hoạt động thích hợp nhằm bảo vệ an ninh quốc phòng khi hoạt động trên biển đảo. 7. Thiết lập hệ thống hải đồ và bản đồ: Thiết lập hệ thống hải đồ chính xác các khu vực biển, bản đồ các đảo quần đảo chủ quyền Việt Nam, cung cấp dữ liệu chính xác các vị trí đảo, quần đảo, cột mốc biên giới lãnh hải, các khu vực bãi ngầm, các khu vực đánh bắt cá. Những thông tin trên hải đồ này sẽ giúp những người đi biển và ngư dân đánh bắt cá có được vị trí chính xác một cách nhanh nhất. Hải đồ, bản đồ và các thông tin liên quan có thể được lưu trữ tại các thư viện điện tử mà những tàu thuyền có máy tính nối kết mạng Internet (qua vệ tinh) có thể tiếp cận tới được khi đang ở trên biển. 8. Thành lập hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải: Năm 1998, trong một bài báo về ngành giao thông vận tải biển của Việt Nam trình bày tại hội thảo quốc tế ISSOT’98, người viết bài này đã trình bày rằng ở Việt Nam các tiêu chuẩn về an toàn hàng hải chưa tồn tại. Hàng năm, có rất nhiều tai nạn hàng hải gây nhiều tử vong cho người và thiệt hại cho các trang thiết bị và công trình biển do kết quả của những sai lầm thao tác, khó khăn kĩ thuật và thời tiết xấu, thậm chí ngư dân còn bị các tàu lạ hoặc tàu hải quân Trung Quốc tấn công. Cần phải kiểm tra xem xét lại các hệ thống phao tiêu, đèn hiệu luồng, và các trang thiết bị an toàn hàng hải trên biển. Thay thế những trang thiết bị cũ và hiện đại hóa các thiết bị an toàn hàng hải và hệ thống hỗ trợ hàng hải trong cảng và dọc bờ biển Việt Nam (15). Thành lập các đội bảo đảm an toàn ở các vị trí thích hợp dọc theo bờ biển và trên các đảo của Việt Nam. Ngoài ra đơn giản hóa các thủ tục đăng ký cho các tàu đánh cá và tăng cường tuần tra các khu vực biển chủ quyền Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân khi đánh cá trên biển để tránh những trường hợp khủng bố như vụ như dân Hòa Lộc tỉnh Thanh Hóa bị cảnh sát biển Trung Quốc bắn vào đầu năm 2005 vừa qua. 9. Xem xét, phê chuẩn và cấp phép các dự án trên Biển Đông: Gần đây có những nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm đến những dự án phát triển kinh tế biển như tổ chức các chuyến du lịch hải đảo, các công trình thăm dò khai thác dầu khí, các dự án vùng biển sâu, và các dự án xây dựng thành phố nổi trên biển.v.v…(16). Nhà nước cùng các cơ quan hữu quan tổ chức việc xem xét, phê chuẩn và cấp phép kịp thời cho các dự án nghiên cứu phát triển kinh tế trên biển. Những dự án này thành công sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn và phong phú cho Việt Nam và cũng góp phần vào công cuộc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền các vùng biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. 4. Kết luận Người viết xin tạm nêu ra một số kết luận. Trong bài báo này, người viết đã đề cập đến tầm quan trọng của biển và hải đảo của Việt Nam, biển và đảo đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng. Người viết đã nêu lên tình hình nghiên cứu biển hiện nay còn rất khiêm tốn, có rất ít tài liệu và dữ liệu về biển, đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học về biển chưa đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế, trên các diễn đàn và tạp chí quốc tế vắng bóng các nhà nghiên cứu biển của Việt Nam. Qua phân tích lý do của việc nghiên cứu biển, người viết đã đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy nghiên cứu biển ở Việt Nam. Việc nghiên cứu biển nếu thực hiện được một cách có hệ thống và khoa học sẽ góp phần lớn vào việc phát triển kinh tế biển, một nguồn lợi rất lớn cho toàn bộ nền kinh tế đất nước, đặc biệt là sẽ góp phần vào công cuộc khai thác nguồn lợi thủy hải sản, tài nguyên khoáng sản (dầu khí) ở khu vực Biển Đông và Vịnh Bắc Bộ. Những nghiên cứu biển cũng sẽ góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam và lãnh hải Việt Nam trên khu vực Biển Đông và bảo vệ an ninh quốc phòng. Những nhiên cứu biển Việt Nam cũng sẽ góp phần cùng với các ngành khoa học xã hội và nhân chủng học vào công việc tìm lại cội nguồn của dân tộc Việt Nam, tìm lại lịch sử hàng hải và đóng tàu của Việt Nam. Về chiến lược lâu dài, những nghiên cứu biển Việt Nam sẽ góp phần vào chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, xây dựng đội tàu hải quân và đội cảnh sát biển Việt Nam hùng mạnh và như vậy chúng ta mới đủ tiềm lực có thể bảo vệ được đất nước và chủ quyền trên các vùng biển và hải đảo ngoài khơi xa. Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Văn Tuấn, Đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt, nguồn Internet: www.giaodiem.com 2. Nguyễn Văn Tuấn, Nhân đọc "Eden in the East…" đặt lại nguồn gốc dân tộc, nguồn Internet: www.giaodiem.com 3. Nguyễn Văn Tuấn, Tìm về nguồn gốc dân tộc Việt Nam qua di truyền học: Một vài phát hiện ban đầu và đường hướng nghiên cứu, nguồn Internet: www.giaodiem.com 4. Nguyễn Quang Trọng, Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam và Ðịa đàng phương Ðông của Oppenheimer, nguồn Internet: 5. Vũ Hữu San, Địa lý Biển Đông, nguồn Internet: www.vuhuusan.net 6. Trang web thông tin về Biển Đông 7. Nguyễn Đức Hùng, Một số ý kiến về việc nghiên cứu lịch sử ngành hàng hải và đóng tàu Việt Nam, 8. Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Phùng Hưng và Hoàng Hồng Giang (2005), GNSS – current stutus and applications in automation in Vietnam, Preprints of The 6th Vietnam Conference on Automation – VICA6, to appear, Hanoi, Vietnam. 9. Biển đảo Việt Nam, trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam: 10. Thu Thảo, Môi trường biển: thiếu một chiến lược tổng thể, nguồn Internet: 11. Lê Đình Tiến, Về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010, nguồn Internet: 12. Oppenheimer, Stephen (2005), Địa đàng ở phương đông - Lịch sử huy hoàng của một lục địa bị chìm ngập, bản dịch tiếng Việt của Lê Sĩ Giảng và Hoàng Thị Hà, Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Nội, Việt Nam. 13. Trần Thị Miêng, Thủy sản Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, nguồn Internet: 14. Nguyễn Xuân Thu và Bùi Tất Thắng, Phát triển kinh tế biển của Việt Nam- Thực trạng và triển vọng, Nguồn Internet: 15. Nguyễn Đức Hùng và Lê Minh Đức (1998), Vietnam Marine Transport – Its Current Issues and Future Directions, ISSOT’98, Chiba, Japan. 16. Đỗ Diễm Huyền, Phóng sự - Sẽ có một thành phố nổi trên Biển Đông, nguồn Internet:

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfMột số đề nghị thúc đẩy nghiên cứu kinh tế biển ở Việt Nam.pdf