Đề tài Một tấm gương biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo

Con người ông là sự kết hợp giữa nguyên tắc và tình cảm một cách hài hoà. Cho nên, với lớp người sau, ông bao giờ cũng tìm cách giúp đỡ, khen ngợi, mà không quên nhắc nhở, cảnh tỉnh. Hình ảnh giáo sư Đinh Gia Khánh thật sự sống mãi trong nhiều thế hệ học trò, như một bậc “người hùng” trong khoa Ngữ văn thân yêu.

docx7 trang | Chia sẻ: chaien | Lượt xem: 1411 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Một tấm gương biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT TẤM GƯƠNG BIẾN QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO THÀNH TỰ ĐÀO TẠO PGS. Chu Xuân Diên, người một thời là đồng nghiệp và là đồng tác giả với GS. Đinh Gia Khánh trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam đã tôn vinh: “Giáo sư Đinh Gia Khánh- người đặt nền móng cho khoa nghiên cứu văn học dân gian Viêt Nam”. PGS. Vũ Thanh từ góc nhìn chuyên môn của mình đã khẳng định: “Giáo sư Đinh Gia Khánh- người đặt nền móng cho nghiên cứu và giảng dạy văn học trung đại Việt nam ở bậc đại học”. GS.TS Nguyễn Xuân Kính nhận định: “Giáo sư Đinh Gia Khánh - người đặt nền móng cho khoa nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam”. Nói như một nhà giáo ở miền Nam, Đinh Gia Khánh là vị giáo sư kép vì ông được tôn vinh bởi những công trình nghiên cứu xuất sắc và là nhà khoa học đầu ngành của cả ba lĩnh vực: Văn học dân gian, văn học trung đại và văn hóa dân gian. Với những đóng góp xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhà giáo Đinh Gia Khánh đã được phong học hàm giáo sư khá sớm (1980) và nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt đầu tiên vào năm 1996. Dưới góc độ giáo dục học hiện đại, thầy là tấm gương biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Thời tôi học đại học, có một người thầy làm tôi nhớ mãi về phong cách độc đáo trong giảng dạy. Chẳng những độc đáo, ông còn rất uyên thâm. Ông giảng, sinh viên luôn cứ há hốc mồm ra nghe. Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đó là giáo sư Đinh Gia Khánh. Câu nói đầu tiên mà ông làm tôi choáng ngợp là khi giảng về Tấm Cám. Bình luận về văn chương, chữ nghĩa ông hay nhắc tới giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Ông rất phục Nguyễn Tài Cẩn ở cái sự sâu sắc và phương pháp luận. Rồi rất hồn nhiên, ông bảo: - Chữ trong thiên hạ có ba bồ thì anh Cẩn lấy một. Tôi một. Còn một của thiên hạ. Nhiều người cứ trố mắt. Thậm chí hơi kinh hoàng. Không phải ông nói vui theo kiểu hài hước. Ông cũng không tỏ ra tự phụ hay kênh kiệu. Câu ông nói thoát ra như hơi thở, như khí trời, tự nhiên và mát như suối nguồn. Phải qua nhiều năm tháng sau này, tôi mới hiểu đó là một phương pháp của ông. Dường như ông muốn khích lệ cái chí tiến thủ của sinh viên theo cách riêng mình. Thuở học phổ thông, chúng tôi được nhồi nhét thứ đạo đức khiêm nhường và luôn phải ý thức thường nhật chống thói kiêu căng tự phụ. Cách nói của giáo sư Đinh Gia Khánh làm chuyển hẳn hướng tư duy của chúng tôi. Những câu chuyện vui quanh cuộc đời của giáo sư Đinh Gia Khánh có rất nhiều, nhưng câu chuyện về nỗi đam mê nghiên cứu của ông do con gái yêu của ông là phó Gs.Ts. Đinh Thị Minh Hằng kể lại, vẫn làm tôi ấn tượng nhất. Năm đó chị Hằng còn nhỏ, mới học cấp một. Đúng mùng một Tết, giáo sư Đinh Gia Khánh cùng cả nhà về nhà cha mẹ ông ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) chúc Tết. Đi đến gần ga Hàng Cỏ, xe đạp của giáo sư trục trặc, ông phải dừng để mắc lại xích hay làm gì đó. Mẹ của Hằng bèn chở hai chị em chị đi trước. Cứ nghĩ là giáo sư chỉ đến sau một lát nên cả gia đình dọn mâm ra, rồi ngồi đợi ông. Nửa tiếng, rồi một tiếng trôi qua. Rồi hai tiếng. Cả nhà đành ăn trước. Qua trưa cũng không thấy ông về. Rồi sang chiều, mà vẫn chẳng thấy bóng ông đâu. Cha mẹ ông có ý trách: Về chúc Tết bố mẹ mà sao lại tạt vào nhà ai, say sưa không biết giờ giấc. Mẹ của Hằng rất lo, nhưng để yên lòng toàn gia, bà vẫn nói cứng: Có thể ông gặp một bạn bè đột xuất nào đó. Nhưng đến bữa cơm tối vẫn không thấy ông, cả nhà mới hoảng hồn chia nhau đi tìm. Lần theo các phố mà khi sáng họ đã đi qua, chẳng thấy có một vụ tai nạn nào! Ghé vào bệnh viện, cũng chẳng có một bệnh nhân nào cấp cứu Nỗi lo thật sự ùa đến. Gần mười giờ đêm giáo sư mới về. Mặt mày ông hốc hác vì đói và mệt. Thì ra, khi dắt xe qua Quốc Tử Giám, ông chợt nhìn thấy những tấm bia. Ông lẩn mẩn đọc, rồi lập tức đi kiếm giấy bản, chuối chín, để rập lại những bài văn bia ông yêu thích. Những câu chữ trong văn bia hiển hiện các hiện tượng văn học, văn hoá làm ông mê mẩn, quên hết thời gian Khi ông xong việc thì ngày đầu của năm mới đã sắp qua rồi. Giáo sư Đinh Gia Khánh sinh ra ở Thái Bình, nhưng quê gốc ở Gia Viễn, Ninh Bình. Năm ông 21 tuổi, đang học trường Đại học Luật Đông Dương thì Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ. Chàng sinh viên Đinh Gia Khánh phải bỏ dở việc học để bước vào đời bằng công việc dạy tiếng Anh cho học sinh phổ thông. Một nhà Trung Quốc học nổi tiếng của chúng ta đã kể: “Tôi là Dương Danh Dy, học trò thầy Đinh Gia Khánh trong 3 năm 1947-1950 (các năm đệ nhất, đệ nhị, đệ tam) tại trường Trung học Hàn Thuyên Bắc Ninh..” Gs.Ts. Nguyễn Ngọc San nhớ lại: “Năm 1952, tôi sang học ở khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), lúc đó anh Khánh dạy ở trường Sư phạm trung cấp trung ương đóng tại Nam Ninh, anh có sang giảng cho chúng tôi một số giờ về văn học Việt Nam Giáo sư Nguyễn Kim Đính nguyên là sinh viên khóa 1 của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã được học với thầy Đinh Gia Khánh ngay từ năm đầu mới thành lập, 1956, tại giảng đường 17 Lê Thánh Tông, trong hoàn cảnh “Đội ngũ các thầy với số lượng ít ỏi hơn chục thầy, trong đó chỉ có bốn thầy là cử nhân hay tiến sĩ thời Pháp thuộc, chín thầy còn lại: Trương Tửu, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Lương Ngọc, Hoàng Như Mai, Phan Ngọc.. là tú tài, thậm chí còn thấp hơn..” Vậy đấy. Nhà giáo Đinh Gia Khánh khởi nghiệp từ tấm bằng tú tài, dạy tiếng Anh ở trường phổ thông, dạy văn học Việt Nam ở trường Sư phạm trung cấp, dạy văn học dân gian và văn học trung đại ở trường Đại học và được phong học hàm giáo sư. Đó là một tấm gương sáng về sự khổ công tự học, tự rèn luyện của một nhà giáo lỗi lạc, tài ba. Giáo sư Đinh Gia Khánh đã chủ biên và viết những bộ giáo trình mà cho đến những năm đầu thế kỷ XXI này vẫn là những tượng đài sừng sững không thể thay thế, như Văn học dân gian Việt Nam, Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII. Những trang giáo trình của ông, ban đầu chỉ để phục vụ cho việc học tập của sinh viên, sau đã trở thành những chuyên khảo cô đọng như Việc sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam, Sơ lược lịch sử văn học dân gian Việt Nam. Ngược lại, những chuyên khảo của ông cũng khởi phát từ nhu cầu giảng dạy; như Những vấn đề của truyện cổ tích qua việc nghiên cứu truyện Tấm Cám trước khi xuất bản thành sách lần đầu tiên vào năm 1968 (Nxb Văn học) thì đề cương của bản thảo được dùng dạy chuyên đề cho sinh viên năm thứ tư ngành Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 7 và khóa 8 (1966, 1967). Những giáo trình do ông chủ biên và viết đều có giá trị khai phá và cho đến nay vẫn là đỉnh cao chưa ai vượt được. Về đóng góp của giáo sư Đinh Gia Khánh trong nghiên cứu khoa học, còn không thể không nhắc đến những công trình dịch thuật và nghiên cứu các tác gia, tác phẩm Hán Nôm như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Thiên Nam ngữ lục, Lâm tuyền kỳ ngộ, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm; những khảo cứu chuyên sâu về chữ và nghĩa trong Truyện Kiều Vào những năm 1980 giáo sư Đinh Gia Khánh là một trong những người đầu tiên đề xuất ý tưởng thành lập Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, nay là Viện nghiên cứu văn hóa, và ông trở thành Viện trưởng đầu tiên của Viện này. Ở đó ông đã viết những công trình để đời. “Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian” được coi như tuyên ngôn học thuật của Viện trong những năm đầu mới thành lập. Gs.Ts Trần Ngọc Vương cho rằng Gs. Đinh Gia Khánh xây dựng nên bộ môn văn học cổ-cận-dân của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1956 là từ hai bàn tay trắng. Những thành viên của bộ môn qua các thời kỳ chủ yếu là do ông đào tạo, tuyển lựa mà thành. Đặc biệt sinh viên những khóa đầu tiên được ông giữ lại làm giảng viên đã trở thành những chuyên gia đầu ngành, cùng ông tạo thành một bộ môn hùng mạnh, viết được những bộ giáo trình và chuyên khảo trường tồn với thời gian như Văn học dân gian Việt Nam (Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên,), Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam (Võ Quang Nhơn), Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến 1930 do các giáo sư Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, Nguyễn Lộc, Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng viết. Cũng nói đến đóng góp của Gs. Đinh Gia Khánh trong lĩnh vực tổ chức, quản lý khoa học, PGs.Ts. Phan Trọng Thưởng đánh giá cao vai trò của ông đối với bộ Tổng tập văn học Việt Nam. Gs. Đinh Gia Khánh đã tổng chỉ huy gần 100 nhà khoa học nhiều chuyên ngành và trình độ, cá tính rất khác nhau, làm việc cật lực trong khoảng mười năm ròng rã để cho ra đời bộ Tổng tập văn học Việt Nam gồm 42 tập, mỗi tập trên dưới 1000 trang, xuyên suốt từ Văn học dân gian đến Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh (1945). Sinh thời, giáo sư Đinh Gia Khánh có một gia đình hạnh phúc. Phu nhân của ông, cô giáo Nguyễn Thị Đắc Quý, là một mỹ nữ Hà thành, rất yêu kiều và cũng hết lòng chăm lo cho sự nghiệp của chồng. Trưởng nữ là PGs.Ts. Đinh Thị Minh Hằng, kế tục ông trong nghiệp nghiên cứu văn chương. Tiếp đó là “ba chàng ngự lâm” Cường, Tuấn, Thiêm đều tráng kiện, thành đạt. Giáo sư Đinh Gia Khánh sống giản dị. Những năm cuối thế kỷ XX nhiều trí thức lớn tuổi ở Việt Nam cũng đã làm quen với các loại xe gắn máy nhập khẩu, nhưng Giáo sư vẫn gắn bó với chiếc xe đạp cũ mà ông quen dùng từ vài chục năm trước. Ông cũng có những nhược điểm như bao con người bình thường khác. Chẳng hạn có lúc lên lớp giảng bài ông mặc áo sơ mi trắng, mỏng mà quên mặc áo may-ô bên trong, để lộ cả thân hình không mấy mập mạp của mình, làm cho các nữ sinh nhìn nhau cười khúc khích. Ông thích hút thuốc, kể cả thuốc lào, một thói quen kéo dài. Điều đó để lại di chứng vào thời gian cuối đời là suy hô hấp. Nhưng bên trong sự bình dị và những nhược điểm đời thường đó là một trí tuệ mẫn tiệp, một khả năng lao động khoa học phi thường. Trong ứng xử với đồng nghiệp và học trò ông khoan dung, độ lượng. Hầu như ông không to tiếng với ai. Trong học thuật ông chưa bao giờ tranh luận một cách quyết liệt với những người không cùng quan điểm với mình. Tất cả những cái đó đã tạo nên một nhân cách Đinh Gia Khánh, nhân cách một con người sống mãi với những mùa xuân. Dáng người cao, hơi gầy, sức làm việc của giáo sư Đinh Gia Khánh có thể nói là vô cùng dẻo dai, thậm chí tới mức phi thường. Bởi vì, từ sau năm 1980, ngoài việc vẫn tham gia công tác giảng dạy ở khoa, ông còn đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong quản lý hành chính và văn nghệ, nhưng suốt cả thời kỳ làm quản lý, không lúc nào ông ngừng xuất hiện trên sách vở với cương vị một nhà nghiên cứu khoa học, xuất bản đều đặn với khả năng “bao sân” rất rộng mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng mơ tới được. Cuộc đời ông quả là một tấm gương lao động không biết mệt mỏi. Và thêm nữa, dù bận bịu nhiều việc, ông bao giờ cũng chăm lo cho việc bồi dưỡng cán bộ kế tiếp. Con người ông là sự kết hợp giữa nguyên tắc và tình cảm một cách hài hoà. Cho nên, với lớp người sau, ông bao giờ cũng tìm cách giúp đỡ, khen ngợi, mà không quên nhắc nhở, cảnh tỉnh. Hình ảnh giáo sư Đinh Gia Khánh thật sự sống mãi trong nhiều thế hệ học trò, như một bậc “người hùng” trong khoa Ngữ văn thân yêu. (Nguồn: Báo Văn nghệ số 1+2/2015) Link:

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxmot_tam_guong_bien_qua_trinh_dao_tao_thanh_tu_dao_tao_0908.docx
Tài liệu liên quan