Đặc điểm ngữ âm tiếng địa phương Quảng Bình khảo cứu qua lớp từ địa danh

Phương ngữ Quảng Bình có những khác biệt về ngữ âm so với TPT. Sự khác biệt này xuất hiện ở cả ba bộ phận của âm tiết: âm đầu, phần vần và thanh điệu, phân bố trong phạm vi toàn tỉnh, tuy nhiên tính chất, mức độ khác biệt không giống nhau trong từng thổ ngữ, được phản ánh rõ nét qua cứ liệu địa danh ở các địa phương trong tỉnh

pdf9 trang | Chia sẻ: truongthinh92 | Lượt xem: 3123 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đặc điểm ngữ âm tiếng địa phương Quảng Bình khảo cứu qua lớp từ địa danh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014 _____________________________________________________________________________________________________________ 82 ĐẶC ĐIỂM NGỮ ÂM TIẾNG ĐỊA PHƯƠNG QUẢNG BÌNH KHẢO CỨU QUA LỚP TỪ ĐỊA DANH NGUYỄN ĐÌNH HÙNG* TÓM TẮT Bài viết trình bày những đặc điểm về ngữ âm tiếng địa phương trên tư liệu địa danh Quảng Bình. Những đặc điểm này được thể hiện ở sự biến âm các phụ âm đầu, phần vần, thanh điệu; đồng thời đặc điểm này cũng được thể hiện ở sự phân chia các vùng thổ ngữ trong tỉnh. Đặc điểm đó cho thấy sự tương đồng và khác biệt giữa tiếng Quảng Bình so với tiếng Việt phổ thông về mặt ngữ âm, làm cơ sở cho những nghiên cứu sâu hơn về ngữ âm lịch sử tiếng Việt và sự phản ánh đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa trong địa danh của một vùng lãnh thổ, cụ thể là vùng địa lí Quảng Bình. Từ khóa: ngữ âm, vùng thổ ngữ, tiếng địa phương, Quảng Bình, địa danh. ABSTRACT Phonological characteristics of Quang Binh local dialect: A survey based on the documentation of Quang Binh’s place names Based on the documentation of Quang Binh’s place names, the article presents phonological characteristics of Quang Binh local dialect, namely sound-change of the initial consonant, the rhyme, the tone pattern and the division of the areas of sub-dialect in the province. In doing so, the article simultaneously highlights the similarities and differences of Quang Binh dialet and standard Vietnamese, which serves both as a contribution to more intensive investigation of historical Vietnamese phonology and as a reflection of Quang Binh province in terms of language and culture, particularly in place names. Keywords: phonology, area of sub-dialect, local dialect, Quang Binh, place name. 1. Mở đầu Quảng Bình, vùng đất hẹp ở miền Trung Việt Nam, là nơi có một nền văn hóa phong phú đa dạng do sự giao thoa, tiếp biến nhiều luồng văn hóa, có sự tiếp xúc ngôn ngữ của các lớp dân cư đã từng hiện diện trên địa bàn trong tiến trình lịch sử phát triển đầy biến động của vùng đất. Ngôn ngữ người Việt ở Quảng Bình là một biến thể của tiếng Việt, được các nhà Việt ngữ học xem là một phương ngữ trong vùng phương ngữ Trung, bao gồm * ThS, Trường Đại học Quảng Bình các phương ngữ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Phương ngữ, xét về mặt địa lí, là biến thể địa phương có địa bàn phân bố trên một phạm vi rộng gồm một hoặc nhiều tỉnh. [10, tr.1397] Đã từng có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về phương ngữ Bắc Trung Bộ trên các bình diện ngữ âm, từ vựng, ngôn ngữ và văn hóa. Đầu thế kỉ XX, L. Cadière đã đề cập sự tương ứng ngữ âm giữa tiếng Việt phổ thông (TPT) và các thổ ngữ vùng này [13]. H.Maspero cũng đã có những nghiên cứu về phương Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Đình Hùng _____________________________________________________________________________________________________________ 83 ngữ Bắc Trung Bộ, góp phần vào việc nghiên cứu các thổ ngữ ở vùng Bình trị Thiên [14]. Nguyễn Tri Niên và Nguyễn Phan Cảnh [7] đã khảo sát và cho thấy nhiều thổ ngữ ở Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị) vẫn còn phát âm phân biệt d/gi. Đáng chú ý hơn cả là các công trình của Trần Trí Dõi [4], [5]. Các công trình này đã giải thích hiện tượng có 4-5 thanh điệu trong một vài phương ngữ Việt. Tác phẩm Phương ngữ Bình Trị Thiên của Võ Xuân Trang [12] nghiên cứu về một vùng phương ngữ được coi là còn giữ nhiều nét “cổ” nhất của tiếng Việt, tuy nhiên giữa lối miêu tả thành một hệ thống âm vị và lối miêu tả từng nét đặc trưng qua nhiều hệ thống, tác giả đã chọn cách thứ hai, khiến cho công trình nặng về tư liệu hơn là về lí thuyết. Các công trình của Hoàng Thị Châu [2], [3] cũng đã công bố nhiều tư liệu về các thổ ngữ ở vùng Bình Trị Thiên. Trong những công trình trên, tuy không miêu tả chi tiết, song các tác giả đều nói đến một phần đặc điểm ngữ âm tiếng Quảng Bình trong sự đối sánh với các vùng thổ ngữ, phương ngữ khác trong khu vực miền Trung hoặc với TPT. Tuy nhiên, vẫn chưa có công trình nào chuyên về miêu tả ngữ âm tiếng địa phương Quảng Bình, đặc biệt từ cứ liệu địa danh. Địa danh, sản phẩm của tư duy con người thông qua ngôn ngữ của một hay nhiều dân tộc, chịu sự tác động mạnh mẽ của quy luật ngôn ngữ. Ngôn ngữ tạo ra địa danh có thể thay đổi nhưng địa danh vẫn bảo tồn nguyên vẹn những giá trị ngôn ngữ học của nó như thuở ban đầu mới đặt tên. Vì vậy, địa danh là nguồn ngữ liệu quý giá để nghiên cứu ngôn ngữ trên phương diện xã hội - ngôn ngữ học đặc thù. Chính các yếu tố ngôn ngữ trong địa danh, đặc biệt là các yếu tố thuộc tiếng địa phương đã làm nên màu sắc, diện mạo và những đặc trưng văn hóa của một vùng đất. Bên cạnh sự thống nhất là chủ yếu so với TPT, ngôn ngữ người Việt ở Quảng Bình vẫn có những sự khác biệt. Để thấy được những sự khác biệt đó như một “bản sắc” riêng của phương ngữ Quảng Bình, bài viết này giới thiệu một số đặc điểm riêng về ngữ âm, sự biến âm tiếng địa phương Quảng Bình phản ánh qua địa danh, trong đó chú trọng đến âm đầu, phần vần và thanh điệu. Người viết chủ yếu đề cập các âm vị và các biến thể ngữ âm không có trong TPT, vì những đặc điểm chung về ngữ âm - âm vị học có trong TPT đã được miêu tả chi tiết trong các công trình nghiên cứu ngữ âm và phương ngữ tiếng Việt của các nhà Việt ngữ học. Đối với một số hiện tượng ngữ âm lạ, chúng tôi đã điều tra tìm hiểu từ tư liệu điền dã, kết hợp khảo cứu qua lớp từ địa danh địa phương để phần nào chính xác hóa chúng, làm cơ sở cho việc so sánh ngữ âm tiếng địa phương Quảng Bình với TPT. Về cách phiên âm, chúng tôi dựa vào bảng IPA và bảng quy ước các dấu phụ của Vũ Đức Nghiệu và Nguyễn Văn Hiệp [8, tr.135-138]. 2. Nội dung Cũng giống như âm tiết TPT, âm tiết tiếng địa phương Quảng Bình gồm có: âm đầu, phần vần và thanh điệu; trong đó, phần vần bao gồm âm đệm, âm chính, âm cuối. Các thành tố của âm tiết sắp xếp từng lớp theo thứ bậc như cách Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014 _____________________________________________________________________________________________________________ 84 phân chia của Đoàn Thiện Thuật [11]. Khảo sát cứ liệu địa danh thu thập được ở Quảng Bình, chúng tôi nhận thấy tiếng địa phương Quảng Bình, ngoài những nét chung về mặt ngữ âm giống với TPT còn có sự khác biệt, sự biến âm ở cả âm đầu, phần vần và thanh điệu. 2.1. Âm đầu Trên cơ sở tổng kết tư liệu của những người đi trước, kết hợp với tư liệu mà chúng tôi điều tra thêm một số điểm ở các huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Bố Trạch, có thể xác định hệ thống phụ âm đầu tiếng địa phương Quảng Bình gồm 21 phụ âm: /ʈ, ş, ʐ, m, b, v, t, ŋ, d, c, j, n, s, l, k, t’, ɣ, h, ph, kh, ʔ/. Điều khác biệt với TPT là phụ âm [ɲ] không có trong tiếng Quảng Bình. Phụ âm này nhập với phụ âm xát, hữu thanh, mặt lưỡi [j]. Ví dụ: yếu tố nha trong địa danh động Phong Nha ở huyện Bố Trạch được phát âm là [ja], nhoong trong đập Nhoong (huyện Minh Hóa) phát âm [jɔ:ŋ]. Trong địa danh Quảng Bình, hiện tượng biến âm các phụ âm đầu của âm tiết rất phổ biến, có tính hệ thống theo sự tương ứng được phân bố với sự xuất hiện của các âm, cụ thể như sau: - Âm /b-/ trong TPT tương ứng âm /m-/ trong tiếng Quảng Bình. Đây là hiện tượng biến âm theo thế tương ứng của hai phụ âm môi /m/ - /b/ trong ngôn ngữ Việt - Mường, được bảo lưu trong địa danh Quảng Bình. Chẳng hạn như trong các địa danh: cồn Mùa Cua (huyện Bố Trạch) là cồn có cây mận quân/bồ quân mọc (ở Quảng Trạch có vùng gọi là mận quân theo tiếng Nghệ Tĩnh). Từ bồ quân tương ứng bồ cun – mùn cun - mùa cua trong tiếng Quảng Bình. - Âm /k-/ trong TPT tương ứng âm /ɣ-/ như trong địa danh sân bay Khe Gát (Bố Trạch). Ở đây có sự tương ứng âm cát - gát. - Âm /c-/ tương ứng âm /ʈ-/. Ví dụ: nương Cổ Trày (Quảng Trạch) chỉ vùng đất trồng trọt có hình dáng eo thắt giống cái chày giã gạo. Trong địa danh này, yếu tố chày tương ứng trày. Địa danh lèn Trúc ở Tuyên Hóa không phải là lèn mọc nhiều cây trúc, mà là lèn có dáng chúc/nghiêng xuống (chúc tương ứng trúc). - Âm /ş-/ trong TPT tương ứng / t’/ hoặc /ʈ/ trong tiếng Quảng Bình. Ví dụ: roọng Đất Théc (Quảng Trạch) là loại ruộng đất sét (théc - sét), cồn Trèng (Đồng Hới) là cồn đất còn dấu tích nhiều mảnh sành, sứ gần làng Cấy Đôộc (Mỹ Cương - Đồng Hới). Trèng ở đây tương ứng với sành - sèng. - Âm /ʐ-/ trong TPT tương ứng âm /z-/ ở một số vùng huyện Quảng Trạch. Ví dụ: địa danh vùng Ròon (Quảng Trạch) được phát âm là vùng Giòon, sông Ranh phát âm là sông Gianh (Quảng Trạch). - Âm /t-/ trong TPT tương ứng âm /ʈ-/ trong tiếng Quảng Bình: đầm Trít (Lệ Thủy) là đầm Tịt (đầm kín, không thoát nước ra ngoài. Ở đây có sự tương ứng tịt - trít. - Âm /t’/ trong TPT tương ứng /l-/. Ví dụ: bàu Lủng (Quảng Trạch) là bàu nước trước đây có đáy thông qua bàu Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Đình Hùng _____________________________________________________________________________________________________________ 85 khác. Trong trường hợp này, từ thủng được người Quảng Bình phát âm lủng. - Âm /v-/ TPT tương ứng /b-/ theo kiểu bun - vun, bai - vai, biền - viền, bọt - vọt. Ví dụ: đồông Biền (huyện Quảng Trạch) là đồng ở ngoài viền làng, dốc Vọt (Quảng Trạch) phát âm là dốc Bọt [bɔt]. - Âm /ʈ-/ ngoài cách phát âm giống TPT còn được phát âm là [ʈl] và có khi là [tl]. Cách cấu âm của tổ hợp phụ âm này bao gồm một yếu tố tắc vô thanh, đầu lưỡi quặt [ʈ] với một yếu tố bên-vang [l], trước khi thể hiện yếu tố bên-vang [l], đầu lưỡi quặt cản trở luồng hơi gây nên tiếng tắc. Âm này tương ứng với âm [ʈ] trong TPT. Võ Xuân Trang [12] cũng cho rằng ở tiếng địa phương Quảng Bình có tổ hợp phụ âm [ʈl]. Về mặt lí thuyết, có thể thấy, phụ âm ʈ < *ʈl hoặc ʈ < *ʈl, *bl, *ml, *kl. Theo tư liệu của Hoàng Thị Châu [2], ở một số vùng Bình Trị Thiên có [tl] chứ không phải là tổ hợp [ʈl] như cách nghe ghi của Võ Xuân Trang. Tư liệu của chúng tôi ở xã Quảng Thủy (Quảng Trạch) và xã Đại Trạch (Bố Trạch) cho thấy, tổ hợp phụ âm được coi là [ʈl] được xác nhận là đúng hơn và có thực. Ví dụ: /ʈɔ/ [ʈlɔ/tlɔ] tró trong địa danh bàu Tró (Đồng Hới), /ʈu/ [ʈlu/tlu] trâu trong chợ Tru (Minh Hóa), /ʈen/ [ʈlen/tlen] trên trong đôồng Trên (Bố Trạch), /ʈε/ [ʈlε/tlε] tre trong đôồng Bụi Tre Một (Quảng Trạch). Khảo sát cho thấy ở các thổ ngữ Quảng Thủy (huyện Quảng Trạch) và Đại Trạch (huyện Bố Trạch) đang có quá trình chuyển biến từ ʈl > ʈ. Trong nhiều trường hợp, người nói có thể sử dụng [ʈl] ~ [ʈ] mà không ảnh hưởng gì đến giao tiếp. Như vậy, chỉ có thể chọn một trong hai biến thể [ʈl] hoặc [ʈ]. Trong trường hợp này, trên bình diện đồng đại, ta nên coi [ʈ] là tiêu thể đại diện chứ không nên coi [ʈl] là đặc điểm chung, phổ biến của tiếng địa phương Quảng Bình. Đây là biến thể bảo lưu cách phát âm cổ. Cách phát âm [ʈl/tl] thể hiện khá rõ ở lớp người già trong một số ít thổ ngữ và đang có xu hướng rơi rụng dần. - Âm đầu /z-/ trong TPT, khảo sát qua địa danh Quảng Bình, có những trường hợp biến âm sau: + /z-/ tương ứng /d-/: rú Dẻ (Bố Trạch) phát âm là rú Đẻ, dốc Dôn (Bố Trạch) phát âm là đốôc Dôn, đồng Dưới (Quảng Ninh) tương ứng đồông Đưới. + /z-/ tương ứng /c-/ và có một số trường hợp là /ş-/. Chẳng hạn như: rọong Chiếng Chùa (Quảng Trạch) là ruộng gần giếng Chùa, xóm Nại Chứa (Đồng Hới) là xóm làm muối có nhiều dứa dại mọc, cồn Soi (Quảng Ninh) chỉ cồn doi ra bờ sông, độông Choi (Bố Trạch) là núi doi ra mép biển. + /z-/ tương ứng với /ʐ-/ như: cồn Ràng (Lệ Thủy) chỉ cồn Giàng, nơi thờ cúng trời đất, cồn Râu (Quảng Ninh) là sự biến âm của cồn Dâu, nơi mọc nhiều cây dâu dại, đôồng Rài (Quảng Ninh) tương ứng với đồng Dài. Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014 _____________________________________________________________________________________________________________ 86 + /z-/ tương ứng /ʈ-/ như: dồng Trữa (Quảng Ninh) chỉ dồng đất có vị trí ở giữa. Xóm Trữa (Quảng Trạch) là xóm nằm giữa làng. + /z-/ tương ứng [d / nd/ ndr]. [d] là phụ âm tắc thanh hầu, hữu thanh, tiền thanh hầu hóa theo cách gọi của Đoàn Văn Phúc [9], hoặc là phụ âm tắc, hữu thanh, thở (breathy voice stop consonant) theo Nguyễn Văn Lợi [6]. Trong đa số trường hợp, đây là phụ âm [d]. Phụ âm này có tương ứng với [z] ở TPT. Tuy nhiên ở xã Quảng Thủy (Quảng Trạch) và xã Đại Trạch (Bố Trạch) có phụ âm [d] trong một số từ, và có tương ứng với các từ có phụ âm đầu [d] của vùng khác và [z] của TPT. Chẳng hạn ở Quảng Thủy và Đại Trạch có những địa danh như: [ dɯɤ] dưa (roọng Dưa) [ dew] diều (đôồng Cánh Diều) [daj] dài (thác Dài) [ dɤj] dơi (cồn Dơi) Ở Đại Trạch, một số từ có phụ âm [d] có biến thể địa phương đặc biệt [nd], và có khi nghe như [ndr]: [ nd aw / ndr aw] dao [nd εp / ndr εp] dép [ nd ăj / ndr ăj] dạy [nd ăj / ndr ăj] dày Đây chính là các yếu tố có liên quan đến các phụ âm tiền mũi [*mb, *nd] mà Nguyễn Tài Cẩn [1] đã từng nhắc đến trong Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Hiện tượng ngữ âm này sẽ rất thú vị đối với việc nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt, đặc biệt trong việc tái lập hệ thống phụ âm đầu ngôn ngữ Tiền Việt Mường (proto Viet-Muong) cũng như sự cách tân của chúng đến các ngôn ngữ Việt Mường hiện nay. Theo Đoàn Văn Phúc [9], ở các thổ ngữ An Lộc và Thịnh Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), ở huyện Quảng Trạch và một số xã thuộc Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị) có phụ âm [d/dr] tương tự, nhưng không có hiện tượng tiền mũi như ở xã Đại Trạch. Như vậy, có lẽ âm [d] mà một số người ghi là [dj/d’] tương ứng với [d] và [z] trong TPT. Phải chăng quá trình biến đổi từ các phụ âm tắc > xát ở một số thổ ngữ vùng Bắc Trung Bộ chưa hoàn thành nên trong hệ thống âm đầu còn có phụ âm [d/nd/ndr] tồn tại song song với phụ âm [d]. Tuy nhiên, phụ âm [d/dr] này không phải là tiêu biểu, đại diện cho hệ thống âm đầu tiếng Quảng Bình trên bình diện đồng đại, bởi lẽ [d] phổ biến hơn chứ không phải là [d/dr] như đã khảo sát ở một vài xã của huyện Bố Trạch. - Các phụ âm tắc, bật hơi, vô thanh /ph/ và tắc, gốc lưỡi, vô thanh, bật hơi /kh/ đều là phụ âm đầu có cách phát âm cổ còn được lưu giữ lại ở tiếng Quảng Bình. Tuy nhiên chúng tôi chưa tìm thấy sự biến âm của chúng phản ánh qua địa danh Quảng Bình, ngoại trừ một số từ ở vùng thổ ngữ huyện Quảng Trạch, Bố Trạch như: [phăt] (ăn) vặt, [phɔŋ] bỏng, [khun] khôn, [khɔt] gọt Cùng với những biến thể [nd /ndr] của phụ âm /d/, đây sẽ là những cứ liệu quý giá đối với việc nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt. 2.2. Phần vần Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Đình Hùng _____________________________________________________________________________________________________________ 87 Phần vần là yếu tố đoạn tính của âm tiết, vần bao gồm trong đó các đơn vị: âm đệm, âm chính và âm cuối. Trong phương ngữ Quảng Bình, giống như phụ âm đầu, phần vần cũng có các loại vần không có trong TPT, nó có những đặc điểm riêng mà các địa phương khác không có. Cứ liệu địa danh cho thấy kết quả như sau: 2.2.1. Âm đệm /w/ trong tiếng địa phương Quảng Bình về cơ bản có cách phát âm giống như TPT, khảo cứu qua tư liệu địa danh không thấy có sự biến âm. 2.2.2. Sự biến âm ở các âm chính trong địa danh Quảng Bình diễn ra phong phú, thể hiện dấu vết bảo lưu của tiếng Việt cổ từ nguồn gốc ngôn ngữ Việt - Mường. Cụ thể như sau: - Các nguyên âm [e, ε, o, ɔ ] sẽ có trường độ dài hơn khi chúng đứng trước các âm cuối mạc [-ŋ, -k]. Theo Hoàng Thị Châu [3], những vần [-ê:ng -ê:k] (- ênh - êch), [-e:ng -e:k] (-anh, -ach), [- o:ng -o:k] (-ông, -ôc), [-o:ng -o:k], (ong, oc) tương ứng với những vần trong phương ngữ Bắc: -ênh -êch, -enh -ech, - ôngm -ôkp, -ongm -ok. Ví dụ: roọng Cơn Mưng (Quảng Ninh), roọng Cơn Thị (Lệ Thủy) chỉ ruộng có cây mưng, cây thị (tương ứng cây - cơn), Roọng Troong (Bố Trạch) để phân biệt với roọng Ngoài (trong tương ứng troong), suối Nước Moọc (Bố Trạch) chỉ suối có nước đùn lên (mọc - moọc), chợ Côộc (Quảng Ninh) tương ứng chợ Gốc (gốc có nghĩa là lớn/gốc rễ/gốc cây), cầu Bôộng (Đồng Hới) chỉ cầu có hình cái bộng/có cái bộng cho nước chảy (bộng theo tiếng Nghệ Tĩnh tương ứng bôộng) - Nguyên âm /ɤ/ ngắn khi kết hợp với bán âm cuối /-u/ bị nhược hóa thành âm zêro. Vì vậy, nhiều từ có vần âu tương ứng vần u. Ví dụ: cồn Du (Lệ Thủy) tương ứng cồn Dâu, hang Trù (Tuyên Hóa) tương ứng với hang Trầu, Hà Su (Bố Trạch) từ Hà Sâu, roọng Su (Lệ Thủy) - ruộng Sâu - Nguyên âm /ɯ/ tương ứng âm /i/. Ở một số trường hợp, người Quảng Bình phát âm nguyên âm /i/ > [ɨ] - một nguyên âm ngắn hơi lùi về giữa ở các yếu tố: /cin/ > [cɨn] chân, /dit/ > [dɨt] đứt như trong địa danh lèn Đứt Chân (Tuyên Hóa). - Nguyên âm /u/: Ngoài cách phát âm như TPT, người Quảng Bình phát âm /u/ > [ǔ], một nguyên âm ngắn và mở hơn khi chúng đi sau âm cuối mạc. Ví dụ: /vuŋ/ > [vǔŋ] vụng trong địa danh vụng Chùa (Quảng Trạch), vụng Nổ (Quảng Trạch). - Âm /-o-/ tương ứng âm /u/ như: đôộng Chủ (Đồng Hới) tương ứng đôộng Chổi (động có nhiều cây chổi mọc, dùng để nấu tinh dầu chổi). - Âm /-εˇ-/ tương ứng âm /ε/ như: ruộng Vành (ruộng chạy vòng quanh đồi/cồn) - roọng Vèng (Quảng Ninh). - Nguyên âm đôi /͜/ tương ứng âm đơn /a/: ruộng Đường Quan (Quảng Ninh) - roọng Đàng Quan. Nguyên âm đôi /u͜o/ có cách biến âm khá đa dạng trong địa danh Quảng Bình: - /u ͜o/ tương ứng âm đơn /ɔ/ trong các địa danh có thành tố chung ruộng- roọng, rất phổ biến ở Quảng Bình. - Tương ứng /-u͜o/ - /ɔ/ như: động Rùa - đôộng Rò (Quảng Trạch). Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014 _____________________________________________________________________________________________________________ 88 - /-u͜o/ tương ứng /u/ như: xóm Puôn (xóm người Kinh gọi theo tiếng Nguồn) tương ứng xóm Pun (Minh Hóa). 2.2.3. Âm cuối trong tiếng địa phương Quảng Bình gồm có 6 phụ âm cuối /-m, - p, -n, -t, -ŋ, -k/ và 2 bán nguyên âm /-w, - j/. Các âm cuối được phân bố đều đặn sau các nguyên âm, trừ một số trường hợp: Các âm môi /-p, -m/ không xuất hiện sau /ɯ/, bán nguyên âm /-w/ không xuất hiện sau các nguyên âm dòng sau, bán nguyên âm /-j/ không xuất hiện sau các nguyên âm dòng trước. Khảo sát cho thấy hiện tượng biến âm ở phụ âm cuối thể hiện ở các địa danh tuy không nhiều như ở phụ âm đầu, nhưng đã để lại dấu ấn đặc biệt của tiếng Quảng Bình, phản ánh nét riêng về văn hóa - ngôn ngữ của vùng đất này. Cụ thể như sau: - Các âm mạc /-k, -ŋ/ xuất hiện sau nguyên âm /ɤ/ trong các địa danh như: /mɤŋ/ [mɤŋ] mưng trong bàu Mưng (Lệ Thủy), /bɤk/ [bɤk] bấc trong xóm Bấc (Quảng Ninh) - Yếu tố lách trong TPT tương ứng với léc trong tiếng Quảng Bình. Ví dụ: roọng Léc (Bố Trạch) tương ứng ruộng Lách (lách trong từ lau lách), vùng Hà Lẹc (Lệ Thủy) tương ứng Hà Lạch (lạch nước). Yếu tố chếch tương ứng chếc: đôộng Chếc (Bố Trạch) tương ứng động Chếch. Cách phát âm cổ này tiêu biểu cho phương ngữ Trung. Ở vùng Bắc Bình Trị Thiên (giữa hai con sông Bến Hải và sông Gianh) vẫn giữ [-ng, -k] sau nguyên âm ngắn [-ing -ik], [-ênh, -êk], [-eng -ek]. [2, tr.174] - Âm /-ɲ/ trong TPT tương ứng /-ŋ/. Ví dụ như: đồi Quéng (Lệ Thủy) tương ứng đồi Quanh (hình dáng đồi cong vòng cung theo nghĩa chữ quanh). Đây cũng là sự biến âm phổ biến trong tiếng Quảng Bình theo kiểu: anh – eng, xanh – xeng, canh – keng - Âm /-ɲ/ trong TPT tương ứng /-n/ khi đứng sau nguyên âm /i/ > [ɨ] (một nguyên âm ngắn hơi lùi về giữa), thể hiện trong các địa danh như: giếng Đình (Đồng Hới), động Chân Linh (Tuyên Hóa). 2.3. Thanh điệu Theo các nhà ngôn ngữ học, phương ngữ Quảng Bình có 5 thanh điệu: ngang, huyền, sắc, nặng, hỏi. Khác với TPT, trong tiếng Quảng Bình không có thanh ngã. Phần lớn thanh ngã nhập vào thanh hỏi, có nơi nó nhập với thanh huyền và thanh nặng [4], [12]. Ở một số trường hợp, thanh hỏi và thanh ngã lại nhập với các thanh khác tạo nên tình trạng chỉ có 4 thanh điệu ở các xã Hương Hóa, Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa) và xã Hạ Trạch (huyện Bố Trạch) [5]. Đặc điểm này thể hiện trong địa danh Quảng Bình như sau: - Thanh ngã nhập vào thanh nặng: roọng Cộ (Bố Trạch) tương ứng ruộng Cũ; bến Lụy (Đồng Hới) tương ứng bến Lũy (một bến sông cạnh Lũy Thầy). - Thanh sắc nhập vào thanh nặng: roọng Miệu (Lệ Thủy) tương ứng ruộng Miếu, lòi Miệu (Quảng Ninh) - lòi Miếu. Yếu tố má tương ứng mạ trong địa danh đồi Mạ Ca (Bố Trạch) - Thành huyền nhập vào thanh nặng: cồn Mộ (Đồng Hới) tương ứng cồn Mồ; roọng Bợc Cụ Lại (Quảng Ninh) tương ứng Ruộng Bờ Cụ Lại (bờ - bợc). Bờ ở Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Đình Hùng _____________________________________________________________________________________________________________ 89 đây có thể hiểu là bờ sông, bờ vùng, bờ thửa, hoặc bờ ruộng, bờ vườn của một cá thể nào đó. - Thanh hỏi nhập vào thanh nặng: yếu tố cựa tương ứng cửa trong địa danh đôồng Cựa Hói (Quảng Ninh) Điều thú vị là chúng tôi không tìm thấy trong địa danh ở Quảng Bình có sự biến thanh từ thanh ngã sang thanh hỏi, mặc dù trong lời nói hàng ngày hiện tượng lẫn lộn hỏi-ngã rất phổ biến. Điều đó chứng tỏ cư dân Quảng Bình rất có ý thức về viết chính tả đúng, không lẫn lộn thanh hỏi và thanh ngã trong quá trình sáng tạo địa danh. 3. Kết luận Từ sự miêu tả trên về một số đặc điểm ngữ âm tiếng địa phương Quảng Bình phản ánh qua lớp từ địa danh, có thể nhận thấy: - Phương ngữ Quảng Bình có những khác biệt về ngữ âm so với TPT. Sự khác biệt này xuất hiện ở cả ba bộ phận của âm tiết: âm đầu, phần vần và thanh điệu, phân bố trong phạm vi toàn tỉnh, tuy nhiên tính chất, mức độ khác biệt không giống nhau trong từng thổ ngữ, được phản ánh rõ nét qua cứ liệu địa danh ở các địa phương trong tỉnh. - Địa danh Quảng Bình, với chức năng bảo tồn, được xem như những tấm bia hóa thạch, đã lưu giữ và phản ánh những giá trị ngôn ngữ - văn hóa của các tộc người từng hiện diện trên địa bàn, thể hiện sự biến âm của tiếng Quảng Bình so với TPT, đồng thời cũng cho thấy sự bảo lưu những nét cổ nhất của tiếng Việt, là nguồn cứ liệu quý giá cho việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, đặc biệt là các quá trình biến đổi ngữ âm của tiếng Việt qua từng giai đoạn. - Nghiên cứu cũng cho thấy việc quốc ngữ hóa về cách viết địa danh ở nước ta là cần thiết và có giá trị về mặt tổng thể. Tuy nhiên, điều đó sẽ là khó khăn cho việc nhận diện những đặc trưng của ngữ âm địa phương phản ánh trong địa danh, làm “mờ” đi nét nghĩa của địa danh tiếng địa phương, nếu không nói là làm sai lệch cách hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa các địa danh này đối với những người không phải là chủ thể sáng tạo ra các địa danh đó. Vẫn rất cần có những nghiên cứu tiếp theo, cần sự đào sâu, khai thác cơ tầng văn hóa, vận dụng linh hoạt các quy luật biến đổi ngữ âm lịch sử để bóc tách, nhận diện các lớp trầm tích “hóa thạch” trên địa danh. Có như vậy, địa danh học mới thực sự “soi sáng” giá trị văn hóa, lịch sử của từng vùng đất. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Tài Cẩn (1995), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 2. Hoàng Thị Châu (1989), Tiếng Việt trên các miền đất nước, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014 _____________________________________________________________________________________________________________ 90 3. Hoàng Thị Châu (1989), “Về bốn phụ âm ngạc hóa còn lại trong tiếng Việt vùng Bắc Bình Trị Thiên”, Tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.19-22. 4. Trần Trí Dõi (2006), “Thử giải thích hiện tượng có năm thanh điệu trong một vài phương ngữ Việt”, Ngôn ngữ, 8(207), tr.13-21. 5. Trần Trí Dõi (2011), Một vài vấn đề Nghiên cứu so sánh - lịch sử nhóm ngôn ngữ Việt Mường, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 6. Nguyễn Văn Lợi (2004), “Đặc điểm ngữ âm-âm vị học của phụ âm tắc, hữu thanh, thở trong các ngôn ngữ Việt Nam và Đông Nam Á trên bình diện đồng đại và lịch đại”, Những vấn đề Ngôn ngữ học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 7. Nguyễn Tri Niên, Nguyễn Phan Cảnh (1961), “Sơ lược về tình hình phát âm phân biệt Gi và D hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, (8), Hà Nội. 8. Vũ Đức Nghiệu (chủ biên) (2009), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 9. Đoàn Văn Phúc (2005), “Vài đặc điểm âm đầu và thanh điệu các thổ ngữ An Lộc, Thịnh Lộc với nghiên cứu lịch sử tiếng Việt”, Hội thảo Ngữ học trẻ 2005, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội, tr.80-85. 10. Nguyễn Khắc Thái (chủ biên) (2007), Tổng tập địa chí Quảng Bình, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình. 11. Đoàn Thiện Thuật (1977), Ngữ âm tiếng Việt, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 12. Võ Xuân Trang (1997), Phương ngữ Bình Trị Thiên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 13. Cadière L. (1902), Phonétique annamite, Dialecte du Haut-Annam, Paris. 14. Maspéro A. (1912), Etude sur la phonétique historique de la langue annamite, BEFEO, XII, 1 Paris-Hanoi. (Ngày Tòa soạn nhận được bài: 29-11-2013; ngày phản biện đánh giá: 09-12-2013; ngày chấp nhận đăng: 13-12-2014)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfnguyen_dinh_hung_sua_cuoi_2095.pdf
Tài liệu liên quan