Đặc điểm giọng điệu trong trường ca sử thi hiện đại

Có thể khẳng định, một đặc điểm nghệ thuật góp phần làm nên sự thành công cho trường ca chính là sự đa giọng điệu. Giọng điệu trong trường ca sử thi hiện đại chủ yếu là giọng điệu ngợi ca, có khi kết hợp cả giọng điệu kể mang chất tự sự pha lẫn giọng điệu tâm sự giãi bày; có khi là độc thoại nội tâm thiên về chất bình luận triết lý, hầu như ít có sự xuất hiện của ngôn ngữ đời thường suồng sã.

pdf7 trang | Chia sẻ: truongthinh92 | Lượt xem: 2527 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đặc điểm giọng điệu trong trường ca sử thi hiện đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP HCM Nguyễn Thị Liên Tâm _____________________________________________________________________________________________________________ 59 ĐẶC ĐIỂM GIỌNG ĐIỆU TRONG TRƯỜNG CA SỬ THI HIỆN ĐẠI NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM* TÓM TẮT Trường ca về thời chống Mỹ là những thông điệp phản ánh hiện thực chiến tranh thời chống Mỹ. Giọng điệu là một yếu tố hình thức quan trọng để chuyển tải tư tưởng, tình cảm và quan niệm sáng tác của tác giả. Giọng điệu phụ thuộc vào đối tượng được phản ánh, thể thơ; phong cách, tâm hồn nhà thơ; sở trường ngôn ngữ thể hiện rõ phong cách riêng của người nghệ sĩ. Tính chất đa giọng điệu của trường ca đóng vai trò quan trọng, tạo nên sắc thái biểu cảm cao tránh lối sáo mòn về hình thức thể hiện. Đây là một đặc điểm nổi bật góp phần làm nên sự thành công cho trường ca sử thi hiện đại. ABSTRACT Characteristics of tongue in contemporary epics The epics on the anti-American time were the massages reflecting the war reality. The tongue is an important formal factor to convey ideas, feelings and viewpoints of authors’ compositions. The tongue depends on objects to be described, styles of poetry, characteristics of poet, strong points of using language of poet,present clearly the artist’s personal styles. The multi-tongues of the epics play an important role in making high impressive nuances, avoiding commonplace ways of describing. This is a brilliant characteristics contributing to the success of the contemporary epics. 1. Khái quát về giọng điệu Trường ca về thời chống Mỹ là những thông điệp phản ánh hiện thực chiến tranh thời chống Mỹ. Những nghĩ suy, chiêm nghiệm về con nguời, vận mệnh đất nước phải là sự chuyển tải tinh tế những rung động sâu xa của những người đã từng sống trong thời đại ấy. Giọng điệu là một yếu tố hình thức quan trọng để chuyển tải tư tưởng, tình cảm và quan niệm sáng tác của tác giả. Giọng điệu thể hiện rất rõ phong cách riêng của người nghệ sĩ và đặc biệt tạo nên sự truyền cảm cho độc giả. Giọng * TS, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận điệu nghệ thuật trong trường ca được các nhà thơ sáng tạo từ ngôn ngữ bác học, ngôn ngữ dân gian, từ khẩu ngữ tự nhiên nên đa giọng điệu. Đây là một đặc điểm nổi bật của trường ca sử thi hiện đại. Lê Ngọc Trà nhận định: “Trong giọng thể hiện cả nhận thức, thái độ, lối sống và cả nội lực của nhà văn (giọng nhiều khi cũng có nghĩa là hơi văn, văn khí). Đồng thời, giọng cũng là cái không lẫn được. Chính tính tổng hợp và độc đáo ấy làm cho giọng trở thành nhân tố mang phong cách rất rõ [4, tr.152). Phùng Quý Nhâm cũng thống nhất: “Giọng điệu trong tác phẩm rộng hơn giọng văn. Nhiều khi ý tưởng, hệ thống hình tượng, tính điệu thẩm mỹ cũng góp Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP HCM Số 23 năm 2010 _____________________________________________________________________________________________________________ 60 phần tạo nên giọng điệu nghệ thuật của tác phẩm. Giọng điệu là một trong những yếu tố để nhận ra giá trị của tác phẩm văn học” [2]. Đọc, ngâm nga... để thưởng thức một đoạn văn, một đoạn thơ; đa số độc giả vẫn có thể cảm nhận được dụng ý nghệ thuật của tác giả. Hơn nữa, người đọc có thể nắm bắt được tư tưởng chủ đề của tác phẩm, tư tưởng của tác giả đối với nhân vật, đối với cuộc sống. 2. Đặc điểm đa giọng điệu của trường ca về thời chống Mỹ 2.1. Giọng điệu chủ yếu của trường ca qua các giai đoạn Trường ca sử thi ra đời từ 1960 đến 1970 thường có giọng kể hơn là tâm tình. Nhưng trường ca xuất hiện từ sau 1970 đến 1980 thường mang giọng điệu tâm sự, giãi bày, độc thoại nội tâm. Các trường ca được sáng tác sau 1990 đa phần lại mang giọng triết lý bình luận lẫn trữ tình sâu sắc nhưng trầm tĩnh, khách quan. Tuy nhiên, không loại trừ có những trường ca thiên về trần thuật như Đi trong sen ngát bóng xanh của Phạm Thái Quỳnh, Cổ tích làng Cát của Mai Nam Thắng... 2.2. Vai trò và tính chất phụ thuộc của giọng điệu Giọng điệu có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn. Mỗi nhà văn có giọng điệu riêng sẽ hình thành phong cách riêng. Giọng điệu có khi mang những sắc thái như: hào hùng, đanh thép, vui tươi, tự hào, trang trọng có khi sâu xa, thâm thúy; có khi mộc mạc, chân thật; có khi dí dỏm, hài hước; hoặc kín đáo, trang nhã; hoặc thương cảm Một nhà văn có thể có nhiều giọng điệu, nhưng trong đó vẫn nổi lên một giọng điệu chủ đạo. Tính chất phụ thuộc của giọng điệu thể hiện trong một số phương diện sau: 2.2.1. Giọng điệu phụ thuộc vào phong cách, tâm hồn của nhà thơ Có thể lấy trường hợp của Lê Thị Mây, một nhà thơ nữ làm thơ trữ tình; thì cái tâm nền nã, nhẹ nhàng ấy đã khiến cho những vần thơ trong trường ca thường mang giọng điệu giãi bày tâm sự ngọt ngào, tha thiết: “Này rằm tháng giêng tết Nguyên Tiêu bánh phu thê dạm ngõ/ Này rằm tháng giêng mưa phùn, đất là máu, đất là thịt xương gắn bó/ Huyết mạch con đường rạo rực giữa ngàn cây/ Trăng ơi, trăng đừng hao khuyết đắng cay” (Lửa mùa hong áo). Nhưng với Mặt đường khát vọng thì giọng điệu thơ Nguyễn Khoa Điềm lại đậm chất triết lý, chính luận, phần nào thể hiện phong cách thâm trầm sâu sắc của người thơ xứ Huế. 2.2.2. Giọng điệu phụ thuộc phương thức thể hiện, sở trường ngôn ngữ Hoàng Trần Cương, tác giả của Trầm tích, có lẽ sở trường về vốn từ dung dị, nhẹ nhàng mà sâu lắng... Nhà thơ đã phát huy tính chất đa giọng điệu trong tác phẩm, đặc biệt là giọng điệu tự vấn rất độc đáo, ngôn từ có vẻ mộc mạc nhưng đậm chất suy tư và giàu hình tượng: “Nhiều lúc con thầm cật vấn mình/ Vì sao buổi chiều không trẻ/ Cái tươi trẻ của mưa rào mùa hạ/ Xả mình vào đất đai ”. Có khi, anh lại sử dụng giọng điệu trầm tĩnh để bày tỏ sự suy ngẫm về cái sống và cái chết; sự khai sinh từ lòng đất và sự hóa thân vào lòng đất: “Người đã khuất Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP HCM Nguyễn Thị Liên Tâm _____________________________________________________________________________________________________________ 61 vẫn cưu mang người đang sống/ Ngôi mộ là chứng nhân” (Trầm tích). Hữu Thỉnh thì lại sở trường về cách vận dụng những chất liệu ca dao, thành ngữ để giọng điệu thơ thấm đẫm chất trữ tình sâu lắng: “Anh quên không mang trăng vào nhà/ Trăng buồn trăng phải sáng qua vườn người” (Đường tới thành phố). Giọng điệu trong thơ Hưởng Triều (Hành trình) lại đậm chất tráng ca do thường sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ, sắc cạnh. 2.2.3. Giọng điệu phụ thuộc vào đối tượng được phản ánh và thể thơ Thường, giọng điệu thơ phụ thuộc vào mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, phụ thuộc vào tính cách tâm hồn của nhà thơ. Với lực lượng đối lập, không thể diễn tả bằng giọng điệu êm ái, nhẹ nhàng. Với lãnh tụ vĩ đại, tất phải sử dụng giọng điệu ngợi ca, ngưỡng mộ, tri ân... Trường ca sử thi hiện đại đa phần mang giọng điệu ngợi ca, trầm hùng, thể hiện tinh thần lạc quan của dân tộc, kết hợp thể hiện những cảm xúc trữ tình cá nhân, cái tôi nội cảm của nhà thơ thông qua lăng kính khách quan về thời đại. Có thể nói, trường ca hiện đại là sự kết hợp giữa sử thi cổ điển với thơ trữ tình công dân. Trường ca sử thi thời hậu chiến thường sử dụng một giọng điệu chung là bi tráng, trăn trở, hồi tưởng, giãi bày tâm sự. Nhưng giọng điệu không chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ, vào tính cách tâm hồn của nhà thơ mà còn chịu sự chi phối của thể loại. Đối với thể loại sử thi cổ điển, giọng điệu đặc trưng là ca ngợi, sùng bái, chiêm ngưỡng... thần thánh, anh hùng; là giọng điệu trầm hùng của thời đại lịch sử. Sử thi cổ điển ít có đất dành cho cảm xúc cá nhân và sự hư cấu nghệ thuật, khác với giọng điệu thơ trữ tình với đề tài đời tư chủ yếu là giọng điệu giãi bày, cảm thán, tự trào hoặc tố cáo, châm biếm (trong đề tài đạo đức thế sự). 2.2.4. Giọng điệu phụ thuộc vào biểu thị “ngôi” Trong nhiều trường ca sau 1975, thế giới nội tâm cùng vai trò cảm hứng của nhà thơ đã thăng hoa để tạo nên những vần thơ hồi tưởng mang giá trị tinh thần sâu xa. Theo Nguyễn Đăng Điệp [1], sử thi nhấn mạnh ngôi thứ ba, làm nổi bật chức năng biểu thị. Thơ trữ tình lại nhấn mạnh ngôi thứ nhất, làm nổi bật chức năng biểu cảm. Vậy, trường ca sử thi hiện đại đã chú ý kết hợp chức năng biểu thị (ngôi thứ ba) với chức năng biểu cảm (ngôi thứ nhất) để tạo nên nét độc đáo riêng cho thể loại sử thi trữ tình. Như ta đã biết, nhà thơ sáng tác trường ca thường chính là cái tôi chứng nhân, là thư ký của thời đại mà họ đã sống và trải nghiệm. Giọng điệu được thể hiện hết sức linh hoạt và phong phú. Để bắt trúng giọng điệu, người đọc phải thể hiện cách nhìn sắc sảo, đòi hỏi sự tinh tế trong cảm nhận. Trong văn học dân gian, giọng điệu cá nhân chưa bộc lộ rõ cái tôi như trong thơ ca hiện đại. Trong thơ trung đại, cái nhìn chủ thể cũng chưa thể hiện đậm nét. Trong tác phẩm trữ tình; tác giả thường thay lời của một ai đó. Người nói trong thơ thường thể hiện cảm xúc, thái độ, cách nhìn của tác giả. Đó chính là hình ảnh và giọng điệu của nhân vật trữ tình. Có khi, nhà thơ thể hiện những cảm xúc, thái độ kinh nghiệm của cá nhân; lúc Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP HCM Số 23 năm 2010 _____________________________________________________________________________________________________________ 62 ấy, ta sẽ bắt gặp cái “tôi” nội cảm của nhà thơ. Lại có khi nhà thơ diễn tả những quan điểm và tâm trạng rộng lớn của một giai cấp, một dân tộc, một cộng đồng; ở dạng này, ta sẽ gặp cái “ta” trữ tình. Tuy nhiên, bên cạnh những bài thơ “trữ tình cảm xúc” chủ yếu khai thác đời sống nội cảm trên cơ sở của những kinh nghiệm cá nhân; thì còn một loại trữ tình khác là “trữ tình tư tưởng”. Trong những tác phẩm này - thường là trường ca sử thi hiện đại- nhà thơ nhân danh dân tộc và cộng đồng để nói đến những vấn đề to lớn, mang tính chân lí. Như thế, giọng điệu chủ thể sẽ hoà vào giọng điệu thời đại và tạo nên âm hưởng sử thi. Âm hưởng chính trong các bản trường ca xuất hiện trong thời chống Mỹ là ngợi ca; thể hiện cảm hứng sử thi hào hùng Âm hưởng chính trong các trường ca sau thời chống Mỹ là bi tráng, hồi tưởng Hình thức của giọng điệu cũng hết sức phong phú, đa thanh, đa sắc thái biểu cảm. Bút pháp đa phần linh hoạt khoẻ khoắn, trong sáng. Sự kiện mang tính chất quy mô thể hiện rõ nét dấu ấn thời đại và dân tộc. Trường ca sử thi hiện đại càng về sau chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính chất sử thi và tính chất trữ tình. 2.3. Phương diện biểu thị giọng điệu Giọng điệu có thể được biểu thị ở phương diện ngữ âm (như cường độ: to nhỏ; trường độ: nhanh chậm hay ngắt nghỉ; thanh âm: trong, đục...) và phương diện phong cách (thể hiện tâm trạng, thái độ mỉa mai hay trân trọng, phê phán hay ngợi ca). Việc xử lý các dấu câu để tạo nên giọng điệu đều thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả. Khi Tố Hữu viết: “Bác về. Im lặng. Con chim hót” thì tác dụng của dấu chấm đã tạo nên giọng điệu sâu lắng, bồi hồi; lời ít mà ý nhiều. Riêng trong Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm tách hai từ Đất và Nước để định nghĩa, đã tạo ra giọng điệu riêng, phong cách riêng không lẫn vào ai. Trò chuyện với Nguyễn Quýnh (Giáo dục Thời đại số 110, 9/2004), Nguyễn Khoa Điềm cũng đã tâm tình: “Tôi lựa chọn viết trường ca, cấu tứ theo từng mảng, như thế vừa dễ triển khai cảm xúc vừa dễ sử dụng chất liệu... tôi rất thích nhạc giao hưởng, đặc biệt là kết cấu giao hưởng, nó nhiều giọng điệu Tôi nghĩ tôi sẽ viết một bản giao hưởng bằng ngôn ngữ”, và Mặt đường khát vọng ra đời thật sự đã mang giai điệu của khúc giao hưởng trữ tình sử thi hiện đại. 2.4. Phân loại giọng điệu trong trường ca về thời chống Mỹ Có thể tạm chia giọng điệu trong trường ca sử thi hiện đại làm ba kiểu: giọng điệu giãi bày tâm sự (kể, nói; đối thoại, độc thoại...), giọng điệu triết lý bình luận và giọng điệu chất vấn, tự vấn, yêu cầu. 2.4.1. Giọng điệu giãi bày tâm sự Kiểu giọng điệu này thường xuất hiện trong hầu hết trường ca về thời chống Mỹ, như Nước non ngàn dặm, Theo chân Bác, Vách đá Hồ Chí Minh Nhất là trong các trường ca xuất hiện sau 1975, với nhu cầu thể hiện tâm thế chiến thắng của dân tộc, giãi bày những trăn trở nội tâm về cuộc chiến tranh vừa mới đi qua; các nhà thơ đã sử dụng giọng điệu giãi bày, tâm sự. Đó là lời tâm sự, giãi bày thấu tình đạt lý của một thế hệ sinh ra trong thời chiến tranh, Tổ quốc đang bị giằng Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP HCM Nguyễn Thị Liên Tâm _____________________________________________________________________________________________________________ 63 xéo mà Thanh Thảo là một trong những người đại diện: “Người ta không thể chọn để được sinh ra/ Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy”. Dù không thể chọn nơi để được sinh ra nhưng khi ý thức được về bản thân, về cuộc sống, về vận mệnh tổ quốc; họ vẫn có thể lựa chọn cho mình một lý tưởng, một hành động phù hợp. Cả lời ru ngọt ngào mẹ thường hát ru con ngủ cũng khéo léo đi vào thơ bằng lối kể, tả và vận dụng cả ca dao xưa để âm điệu thơ ngọt ngào, da diết: “Lời hẹn hò con gái con trai/ Là chén canh cá lóc/ Mẹ nấu cho tôi dưới hàng cây so đũa/ Là lời ru em nhẩm đọc vô tình/ “ví dầu cầu ván đóng đinh/ cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi” (Những người đi tới biển). Trong Đường tới thành phố, có khi Hữu Thỉnh đã chọn một tứ thơ từ cách tư duy rất dân gian của nông dân Việt Nam để viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương bằng giọng điệu kể: “Con gà trống cù kỳ quanh vại nước/ Hạt thóc ngậm vào thành hạt ngọc của tình yêu”. Giọng điệu tâm sự giãi bày đã thể hiện độc đáo tâm trạng của người thiếu phụ mười tám thôn vườn trầu: “chị thiếu anh nên chị bị thừa ra”, “những đêm trở trời trái gió, tay nọ ấp tay kia”, “một mình một mâm cơm, ngồi bên nào cũng lệch”, “chị buồn như bông điệp xé đôi”. Để tạo nên những vần thơ mang giá trị lịch sử và văn học như trên, trường ca sử thi hiện đại thường sử dụng giọng điệu chung là giãi bày tâm sự, hồi tưởng và cả giọng điệu triết lý bình luận sâu sắc, dễ đi vào con tim người thưởng thức. 2.4.2. Giọng điệu triết lý bình luận Giọng điệu phù hợp với nội dung tư tưởng thì mới chuyển tải được nội dung tư tưởng. Ngoài giọng điệu tâm sự, giãi bày; trường ca sử thi hiện đại sau 1975 thường có giọng điệu triết lý bình luận pha lẫn tính trữ tình.. Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng giọng điệu thể hiện sự trầm tĩnh, sâu lắng đầy tính triết lý luận bàn để tạo nên một phong cách độc đáo cho riêng mình và làm nên sự thành công cho trường ca. Trong Mặt đường khát vọng, nhà thơ đã thể hiện một sự cảm nhận hết sức mới mẻ, một cách định nghĩa hết sức sáng tạo về đất nước, những suy nghĩ về nhân dân, đất nước bằng giọng điệu triết lý - trữ tình - bình luận: “Em ơi em, đất nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên đất nước muôn đời”. Anh Ngọc dành tình yêu của mình cho những cô gái ở đoàn H 50 vận tải dọc vùng Nam Trung Bộ. Chất triết lý trong thơ đã tạo nên giá trị tư tưởng: “Dáng em đi là dáng của con đường/ Em giống đất/ Và đất thì giống mẹ” (Sông núi trên vai). Trong thơ Thanh Thảo, tính triết lý bình luận được thể hiện rất nhẹ nhàng, góp phần chuyển tải một sự thật hiển nhiên nhưng không phải bất kỳ ai cũng làm được: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình”. Thế hệ thanh niên yêu nước thời chống Mỹ đã nói và làm được điều mà họ nói. Câu thơ vừa là lời tâm sự chân thành vừa mang tính triết lý sâu xa: “nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi là Tổ quốc?” (Những người đi tới biển). Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP HCM Số 23 năm 2010 _____________________________________________________________________________________________________________ 64 Trong Trường ca sư đoàn, Nguyễn Đức Mậu đã có một cách liên tưởng thật độc đáo, kỳ lạ và đã sử dụng giọng điệu trầm tĩnh nhưng đậm đà tình cảm của mẹ đối với con: “Ngón tay khô gầy/ Mẹ tính đốt thời gian/ Khi mười ngón tay mẹ đầy vầng trăng mọc/ Thì chúng con giải phóng Sài Gòn”. Hoàng Trần Cương cũng đã từng trăn trở, ưu tư trước nỗi dâu bể của cuộc đời. Điều đó được nhà thơ sử dụng giọng điệu triết lý để so sánh khá ấn tượng: “Những trầm tích giữa bộn bề năm tháng/ Khuất mình nhưng chưa khuất bóng/ Khuất mình nhưng không khuất lặng/ Như mây trắng trên trời” (Trầm tích). Có thể nói, với giọng điệu phong phú; các trường ca đã tạo được sự đồng cảm; nhất là ở những khổ, những chương thơ đặc sắc. Tất nhiên, cũng không loại trừ một số trường ca; trong một vài chương, vài đoạn; do tính triết lý bình luận đã tạo nên sự nặng nề hoặc có những ý thơ dàn trải, dễ dãi, buông thả. 2.4.3. Giọng điệu chất vấn, tự vấn, yêu cầu Thời chống Mỹ, các nhà thơ phần nhiều thường để tâm thế hướng ngoại khi nói về nhân dân, đất nước cùng với những sự việc có tầm vóc lịch sử. Trữ tình cá nhân đã nhường chỗ cho trữ tình công dân nên trường ca mang dáng vóc sử thi. Đây là điểm khác biệt khi so sánh với thơ mới. Có khi lời thơ là một nỗi lòng đau đáu, xót xa, căm hận sự tàn bạo của kẻ thù đã làm cho vật đổi sao dời; giọng điệu chất vấn mà da diết nỗi niềm: “ Mồ mả ông bà ơi/ Ruộng đã thành ao sông hóa bãi/ Mà gió chướng vẫn vô hồi thổi mãi/ Cực Nam Cực Nam” (Sông núi trên vai - Anh Ngọc). Ở trường ca Theo chân Bác, Tố Hữu đã trình bày lại toàn bộ cuộc đời của Bác theo diễn biến thời gian. Nhà thơ đã kết hợp khá nhuần nhuyễn cách thức vừa kể chuyện, vừa nói nỗi lòng. Giọng điệu kể xen kẽ giọng điệu hỏi tạo thành nỗi niềm tâm sự ngay từ bốn câu thơ mở đầu: “Tháng năm ơi, có thể nào quên/ Hàng bóng cờ tang thắt dải đen/ Rủ giữa lòng đau. Ta nhớ mãi”. Bình luận về ranh giới giữa cái sống và cái chết, Thanh Thảo đã triết lý thật sắc cạnh. Lời thơ là một câu hỏi mang tầm thời đại nhưng sự lý giải bật ra thì rất giản đơn: “nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi là Tổ quốc?” (Những người đi tới biển). Cuộc kháng chiến chống Mỹ càng gay go, quyết liệt thì sự nhận thức về nó ngày càng sâu sắc. Đó là nhu cầu nhận diện cuộc chiến tranh, tìm ra quy luật của nó và trách nhiệm của nhân dân đối với Tổ quốc. Hữu Thỉnh đã để người lính tâm sự với người yêu về ngọn lửa, về thơ, về trận đánh bên gốc sim cằn. Lối độc thoại, giọng điệu tự vấn sắc cạnh gợi trong lòng người đọc nỗi xúc động khôn nguôi: “Trời ơi, nếu kẻ thù chiếm được/ Chỉ một gốc sim thôi dù một gốc sim cằn/ Tổ quốc sẽ ra sao? Tổ quốc/ Thơ ơi thơ hãy ghì lấy gốc sim” (Đường tới thành phố ). Trong Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu, có vài đoạn thơ sử dụng lối kể độc thoại đầy ấn tượng về sự khắc nghiệt của chiến tranh pha lẫn giọng điệu hỏi: “Trong bom đạn đồng đội gọi tên nhau/ Gọi một lần, nhớ mãi về sau/ - Hùng ơi nằm đâu?/ - Sơn nằm Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP HCM Nguyễn Thị Liên Tâm _____________________________________________________________________________________________________________ 65 đâu?/ - Tiến nằm đâu?”. Có một đoạn thơ, giọng điệu mang chất nhật ký chiến trường: “Trong năm ngày tháng 6 - 72/ Số đạn bom ở khu vực Cổ Thành/ Hai ngàn bảy trăm năm mươi tấn”/ “Mồng một, mồng hai tháng 8 - 72/ Hai trăm lần B.52 rải thảm...”. Các trường ca của Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Hưng Hải, Hoàng Trần Cương... đã thể hiện nhiều giọng điệu, nhiều cách thức biểu hiện giọng điệu góp phần giúp giọng điệu trường ca trở nên đa cách thức. Trường ca Vách đá Hồ Chí Minh của Thu Bồn, Trường ca Nguyễn Văn Trỗi của Lê Anh Xuân, Đường tới thành phố (chương “Câu chuyện trong hầm”) của Hữu Thỉnh, Người anh hùng Đồng Tháp của Giang Nam cũng sử dụng nhiều đoạn thơ nói, đối thoại và cả những lời độc thoại nội tâm. Ở các trường ca này, giọng điệu kể là cách thức chủ yếu chuyển tải nội dung, nhưng trong thơ đương đại, cách thức này đã giảm hấp lực so với giọng tâm tình. Tuy nhiên, bên cạnh giọng điệu đối thoại tự nhiên đạt hiệu quả thì vẫn có những đoạn đối thoại thiếu sự trau chuốt ngôn từ và giọng điệu sa vào tự nhiên chủ nghĩa, chêm xen thừa thải nằm rải rác trong một số trường ca. 3. Kết luận Có thể khẳng định, một đặc điểm nghệ thuật góp phần làm nên sự thành công cho trường ca chính là sự đa giọng điệu. Giọng điệu trong trường ca sử thi hiện đại chủ yếu là giọng điệu ngợi ca, có khi kết hợp cả giọng điệu kể mang chất tự sự pha lẫn giọng điệu tâm sự giãi bày; có khi là độc thoại nội tâm thiên về chất bình luận triết lý, hầu như ít có sự xuất hiện của ngôn ngữ đời thường suồng sã. Nguyễn Đăng Điệp đã nhận xét rằng “nếu như ở thể loại sử thi, giọng điệu chính là giọng ngợi ca thì giọng điệu của thể loại đạo đức thế sự, đời tư lại hoàn toàn khác... chủ yếu là giọng giãi bày, đồng cảm, tự trào, cảm thán... còn ở thể loại đạo đức thế sự lại chủ yếu là giọng tố cáo, cảm thán, châm biếm, chế giễu...” [1, tr.60-61]. Quả thật như thế. Tính chất đa giọng điệu của trường ca đóng vai trò quan trọng, tạo nên sắc thái biểu cảm cao. tránh lối sáo mòn về hình thức thể hiện. Đây là một đặc điểm nổi bật góp phần làm nên sự thành công cho trường ca sử thi hiện đại. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb Văn học Hà Nội. 2. Phùng Quý Nhâm (2003), Văn hóa và văn học từ một góc nhìn, Nxb Văn học & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. 3. Nguyễn Quang Thiều (chủ biên, 2000), Tác giả nói về tác phẩm, Nxb Trẻ, tr 257. 4. Lê Ngọc Trà (1988), Lý luận và văn học, Nxb Trẻ TP HCM .

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf09_nguyen_thi_lien_tam_1697.pdf
Tài liệu liên quan