Có phải Phùng Khắc Khoan là bạn học của Nguyễn Dữ

CÓ PHẢI PHÙNG KHẮC KHOAN LÀ BẠN HỌC CỦA NGUYỄN DỮ ? Cũng trong những công trình, tài liệu đã nêu ở mục hai, các cụ ngày xưa và các nhà nghiên cứu hôm nay y cứ mà viết theo khi cho rằng Phùng Khắc Khoan và Nguyễn Dữ là bạn học, tức bạn đồng môn nơi trường học của danh sư Nguyễn Bỉnh Khiêm tại am Bạch Vân. Việc này lại càng lạ hơn và chúng tôi không hiểu tại sao các cụ tiên Nho lại viết như thế, rồi các nhà nghiên cứu khoa học Ngữ văn hôm nay lại y cứ viết theo, trong đó có những vị GS khả kính mà chúng tôi đã từng có may mắn được thụ giáo. Có lẽ là do quý Thầy không để ý đó thôi? Ở trên chúng tôi đã nói Phùng Khắc Khoan, Đinh Thì Trung, Trương Thì Cử, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện đúng là những học trò xuất sắc làm rạng danh cho Thầy giáo lỗi lạc, nhà hiền triết vĩ đại, nhà thơ lớn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhưng với Nguyễn Dữ thì không phải, mà ông là người sống cùng thời với cụ Trạng Trình, thành danh đỗ đạt trước Bạch Vân tiên sinh. Thế thì Phùng Khắc Khoan làm sao lại là bạn học với Nguyễn Dữ được? Hãy trở lại tiểu sử các vị thì sẽ rõ. Hiện chưa có chứng cứ minh định về năm sinh và mất củaNguyễn Dữ, nhưng những ghi chép còn lại của Hà Thiện Hán, của Vũ Khâm Lân, của Lê Quý Đôn, của Vũ Phương Đề mà ở trên có nêu cũng đủ chứng minh cho vấn đề nêu ra. Ta thừa nhận Nguyễn Dữ thi Hương đỗ Hương cống vào hồi cuối Hậu Lê sơ, từng nhiều lần thi Hội trúng Tam trường, có ra làm quan cho nhà Hậu Lê được một năm, sau đó lấy cớ mẹ già cáo quan về ẩn cư ở quê, cũng có thể là ở Thanh Hoá, suốt đời không bước chân đến chốn thị thành vào trước năm 1527 hoặc trong năm 1527, khi họ Mạc tiếm ngôi nhà Lê. Trong khi đó thì Phùng Khắc Khoan lại sinh năm 1528. Như vậy, khi Phùng tiên sinh còn là hạt bụi thì cụ Nguyễn Dữ đã là nho sinh lặn lội nơi trường thi rồi hoặc đang làm quan và một năm trước khi họ Phùng mới oe oe cất tiếng khóc chào đời thì cụ Nguyễn Dữ đã rũ áo từ quan về quê để phụng dưỡng mẹ già! Lại nữa, theo tiểu sử của Phùng Khắc Khoan thì thuở nhỏ ông học ở cha mẹ, đến năm 16 tuổi thì khăn gói đến trọ học tại nhà thầy, ước tính vào năm 1543, đó cũng là năm Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa mới cáo quan về quê dựng am Bạch Vân dạy học, lập quán Trung Tân để cứu giúp người cơ nhỡ. Chi tiết lịch sử này lại rất chính xác với tiểu sử hành trạng của Trạng Trình và Trạng Bùng. Thời điểm mà Phùng tiên sinh đến thụ giáo tại am Bạch Vân vào năm 1543 thì đó cũng là lúc Nguyễn Dữ đã yên vui tuổi già nơi thôn quê tĩnh lặng hay nơi núi rừng thanh vắng, lấy đâu ra hình ảnh một ông đầu bạc cùng ngồi học ê a với chàng tóc xanh nơi Bạch Vân am !?

docx6 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1890 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Có phải Phùng Khắc Khoan là bạn học của Nguyễn Dữ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CÓ PHẢI PHÙNG KHẮC KHOAN LÀ BẠN HỌC CỦA NGUYỄN DỮ ?  Cũng trong những công trình, tài liệu đã nêu ở mục hai, các cụ ngày xưa và các nhà nghiên cứu hôm nay y cứ mà viết theo khi cho rằng Phùng Khắc Khoan và Nguyễn Dữ là bạn học, tức bạn đồng môn nơi trường học của danh sư Nguyễn Bỉnh Khiêm tại am Bạch Vân. Việc này lại càng lạ hơn và chúng tôi không hiểu tại sao các cụ tiên Nho lại viết như thế, rồi các nhà nghiên cứu khoa học Ngữ văn hôm nay lại y cứ viết theo, trong đó có những vị GS khả kính mà chúng tôi đã từng có may mắn được thụ giáo. Có lẽ là do quý Thầy không để ý đó thôi? Ở trên chúng tôi đã nói Phùng Khắc Khoan, Đinh Thì Trung, Trương Thì Cử, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện… đúng là những học trò xuất sắc làm rạng danh cho Thầy giáo lỗi lạc, nhà hiền triết vĩ đại, nhà thơ lớn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhưng với Nguyễn Dữ thì không phải, mà ông là người sống cùng thời với cụ Trạng Trình, thành danh đỗ đạt trước Bạch Vân tiên sinh. Thế thì Phùng Khắc Khoan làm sao lại là bạn học với Nguyễn Dữ được? Hãy trở lại tiểu sử các vị thì sẽ rõ. Hiện chưa có chứng cứ minh định về năm sinh và mất củaNguyễn Dữ, nhưng những ghi chép còn lại của Hà Thiện Hán, của Vũ Khâm Lân, của Lê Quý Đôn, của Vũ Phương Đề mà ở trên có nêu cũng đủ chứng minh cho vấn đề nêu ra. Ta thừa nhận Nguyễn Dữ thi Hương đỗ Hương cống vào hồi cuối Hậu Lê sơ, từng nhiều lần thi Hội trúng Tam trường, có ra làm quan cho nhà Hậu Lê được một năm, sau đó lấy cớ mẹ già cáo quan về ẩn cư ở quê, cũng có thể là ở Thanh Hoá, suốt đời không bước chân đến chốn thị thành vào trước năm 1527 hoặc trong năm 1527, khi họ Mạc tiếm ngôi nhà Lê. Trong khi đó thì Phùng Khắc Khoan lại sinh năm 1528. Như vậy, khi Phùng tiên sinh còn là hạt bụi thì cụ Nguyễn Dữ đã là nho sinh lặn lội nơi trường thi rồi hoặc đang làm quan và một năm trước khi họ Phùng mới oe oe cất tiếng khóc chào đời thì cụ Nguyễn Dữ đã rũ áo từ quan về quê để phụng dưỡng mẹ già! Lại nữa, theo tiểu sử của Phùng Khắc Khoan thì thuở nhỏ ông học ở cha mẹ, đến năm 16 tuổi thì khăn gói đến trọ học tại nhà thầy, ước tính vào năm 1543, đó cũng là năm Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa mới cáo quan về quê dựng am Bạch Vân dạy học, lập quán Trung Tân để cứu giúp người cơ nhỡ. Chi tiết lịch sử này lại rất chính xác với tiểu sử hành trạng của Trạng Trình và Trạng Bùng. Thời điểm mà Phùng tiên sinh đến thụ giáo tại am Bạch Vân vào năm 1543 thì đó cũng là lúc Nguyễn Dữ đã yên vui tuổi già nơi thôn quê tĩnh lặng hay nơi núi rừng thanh vắng, lấy đâu ra hình ảnh một ông đầu bạc cùng ngồi học ê a với chàng tóc xanh nơi Bạch Vân am !? Nhân đây xin nói thêm, tác giả sách Phùng Khắc Khoan cuộc đời thơ văn, NXB VHTT, HN, 2005, tại chương 2, mục 2, đã lẩm cẩm khi biện luận loanh quanh để phản biện lại ý kiến nghi ngờ của Nguyễn Quân và của Bùi Duy Tân khi các vị này bàn về quan hệ anh em giữa Trạng Trình và Trạng Bùng, thì tác giả sách có nói cần khảo cứu lại năm sinh của hai ông, nhất là năm sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm (31); cũng ở trang này, tác giả đã khẳng định bà họ Nhữ lấy chồng lúc 20 tuổi (tác giả sách trên lại lẩm cẩm nữa!) Như vậy, ý kiến cho rằng Nguyễn Dữ là bạn đồng môn với Phùng Khắc Khoan cần phải được đính chính (nếu là sách xưa) và cần loại bỏ ngay (nếu là giáo trình văn học sử, sách giáo khoa Ngữ văn hôm nay). Bởi đó là ý kiến thiếu cơ sở khoa học, nếu không muốn nói là hoàn toàn phi lý và hoang tưởng! Vấn đề thứ tư: NGUYỄN BỈNH KHIÊM VÀ PHÙNG KHẮC KHOAN CÓ THAM GIA PHỦ CHÍNH, NHUẬN SẮC VĂN BẢN TRUYỀN KỲ MẠN LỤC CỦA NGUYỄN DỮ KHÔNG?  1. Xin được bắt đầu vấn đề này bằng cách thuật lại ý kiến của các nhà nghiên cứu khi biên soạn văn học sử Việt Nam thế kỷ XVI mà các vị đã căn cứ vào sách xưa để khẳng định một trong hai cụ Trạng đã tham gia phủ (bổ) chính, nhuận sắc văn bản của Nguyễn Dữ, nhờ thế tác phẩm này mới thành áng “thiên cổ kỳ bút”. - Trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, quyển 2, Nguyễn Đổng Chi đã dựa theo Bạch Vân am thi tập, mục “Bạch Vân am sự tích” do An Quang hầu biên soạn, mà viết rằng: “Nhưng chỉ được một năm, ông chán nghề làm quan xin từ chức về nhà ở cùng mẹ (…) Truyền kỳ mạn lục có lẽ viết vào hồi này. Sách viết xong, ông có đưa cho thầy học của mình là Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính” (32). - Bùi Văn Nguyên trong Lịch sử văn học Việt Nam, tập 2, đã viết: “Theo Vũ Khâm Lân và An Quang hầu thì Truyền kỳ mạn lục được Nguyễn Bỉnh Khiêm bổ chính và cũng ở đời Mạc, sách này được Nguyễn Thế Nghi, tước Đại Hưng hầu, người làng Mộ Trạch, diễn ra Quốc âm”. Ở chú thích, tác giả ghi rằng: “Vũ Phương Đề có chép việc này trong Công dư tiệp ký, quyển 2, tờ 35. Đời Lê Cảnh Hưng, năm 1763 có một cuốn Truyền kỳ mạn lục chữ Hán, nhan đề là “Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú” và lại cũng có một cuốn Truyền kỳ mạn lục chữ Nôm nhan đề là “Truyền kỳ mạn lục trùng san” không ghi tên dịch giả. Không rõ đây có phải là bản Nôm của Nguyễn Thế Nghi không?” (33) . - Còn trong Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XVIII, Bùi Văn Nguyên (chủ biên) thì không nói ai phủ chính, mà chỉ cung cấp thông tin sau: “Theo Vũ Phương Đề trong Công dư tiệp ký thì Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm và là bạn học của Phùng Khắc Khoan, nghĩa là ông sống chủ yếu trong khoảng nửa đầu thế kỷ XVI. Nguyễn Dữ viết Truyền kỳ mạn lục trong thời gian ở ẩn và hoàn thành trước năm 1547 là năm ông đưa sách cho Hà Thiện Hán viết lời Tựa” (34).  - Đinh Gia Khánh (chủ biên) trong Văn học Việt Nam thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII viết: “Theo Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân, người biên soạn Bạch Vân am cư sĩ phả ký và Ân Quang hầu, người biên tập thơ văn chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì Nguyễn Dữ không ra làm quan, ẩn cư ở núi rừng Thanh Hóa và làm ra sách Truyền kỳ mạn lục. Sách ấy được Nguyễn Bỉnh Khiêmphủ chính, trở thành thiên cổ kỳ bút” (35) (tác giả viết thiếu tên bài Phả ký và in nhầm tên người biên tập thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, đúng ra phải là An Quang hầu chứ không phải là Ân Quang hầu như trong giáo trình). - Lê Trí Viễn (chủ biên) trong Văn học trung đại Việt Nam viết: “Theo Vũ Khâm Lân và An Quang hầu thì Truyền kỳ mạn lục có được Nguyễn Bỉnh Khiêm bổ chính và được Nguyễn Thế Nghi cũng ở đời Mạc diễn ra Quốc âm, còn theo Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề thì lại được Phùng Khắc Khoan bổ chính” (36).  - Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Văn học trung đại Vệt Nam, tập 1, “Nguyễn Dữ có thể từng theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Bởi theo Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề thì Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bạn học với Phùng Khắc Khoan (1528-1613)” và “Tương truyền Truyền kỳ mạn lục được Nguyễn Thế Nghi diễn Nôm. Khoảng giữa thế kỷ XVIII bản Nôm này vẫn còn được lưu hành” (37).  - Đoàn Thị Thu Vân (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam (thế kỷ X – cuối thế kỷ XIX) viết: “Theo Vũ Khâm Lân và An Quang hầu thì Truyền kỳ mạn lục có được Nguyễn Bỉnh Khiêm bổ chính và được Nguyễn Thế Nghi cũng ở đời Mạc diễn ra Quốc âm, còn theo Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề thì lại được Phùng Khắc Khoan bổ chính” (38).  Như vậy, các nhà nghiên cứu hiện nay đa phần dựa theo Vũ Khâm Lân, Vũ Phương Đề mà nói rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan có tham gia phủ chính Truyền kỳ mạn lục củaNguyễn Dữ. 2. Để minh định lại vấn đề trên, có lẽ cần xác định lại thời điểm Nguyễn Dữ viết Truyền kỳ mạn lục. Vấn đề này trước đây đã có một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nêu lại như ở Nhật Bản thì có Áo Dã Thái Tín Lang và Xuyên Bản Bang Vệ; ở Trung Quốc thì có Trần Khánh Hạo, Trần Ích Nguyên v.v.. Trong nước thì có nhiều nhưng trước đó, các nhà nghiên cứu chỉ dựa theo sách xưa mà viết lại nói theo, chứ không có nghi vấn; còn gần đây nhất người đặt vấn đề để xác định lại thời điểm Nguyễn Dữ viết sách là nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng. - Áo Dã Thái Tín Lang trong Truyền kỳ mạn lục được nhìn như một ví dụ của văn học An Nam mới cho rằng “Đại khái là trong khoảng thời gian đời vua Thánh Tông (1460) cho đến đời vua Chiêu Tông (1527) (39). - Xuyên Bản Bang Vệ trong sách Truyền kỳ mạn lục tiểu khảo thì cho rằng “sách phải được viết vào giữa thế kỷ XVI” (40). - Trần Khánh Hạo ở phần “Xuất bản thuyết minh” trong sách Hán văn Việt Nam tiểu thuyết tùng san đã căn cứ vào cuối thiên truyện Từ Thức tiên hôn lục có nói đến năm Lê Diên Ninh thứ 5 nên đã cho rằng “sách được viết xong cũng phải sau năm 1548”, sau đó ông còn căn cứ vào truyện Kim Hoa thi thoại ký có nói đến cuối năm Đoan Khánh (1506-1509) để kết luận “thời gian sớm nhất có thể Truyền kỳ mạn lục ra đời phải là năm 1509” (41). - Trần Ích Nguyên trong công trình Tiễn đăng tân thoại dữ Truyền kỳ mạn lục tỷ giảo so sánh đã đi từ bài tựa của Hà Thiện Hán viết cho Truyền kỳ mạn lục và tiểu truyện về Nguyễn Dữcủa Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục để suy đoán rằng “Nguyễn Dữ vào khoảng năm 30 của thế kỷ XVI đã sáng tác Truyền kỳ mạn lục” (42). - Gần đây nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng trong bài viết “Thử đoán định lại thân thếNguyễn Dữ và thời điểm sáng tác Truyền kỳ nạm lục” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 1-2006, trang 123-134, sau nhiều biện giải và minh chứng tác giả kết luận rằng “Nguyễn Dữlàm quan và cáo quan về ở ẩn rồi viết Truyền kỳ mạn lục trong khoảng thời gian trước năm 1527, dưới triều Lê” (43), và “không thể có việc Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính sách Truyền kỳ mạn lục để nó có thể trở thành một áng văn hay, một “thiên cổ kỳ bút”, bởi vì căn cứ vào nội dung tư tưởng các tác phẩm của hai ông, chúng tôi (tức NPH) đã xác định tư tưởng thẩm mỹ của hai ông là hoàn toàn khác nhau, thế giới quan và nhân sinh quan của hai ông cũng khác nhau, từ đó chúng tôi (tức NPH) rút ra kết luận rằng: Nguyễn Bỉnh Khiêm là người chủ trương cải tạo con người để bảo vệ trật tự chế độ, còn Nguyễn Dữ lại là người chủ trương cải tạo chế độ để bảo vệ quyền sống của con người” (44).  Ở đây, về cơ bản chúng tôi đồng ý và xin được nói thêm là trong tất cả các tư liệu xưa hiện còn có đề cập đến vần đề này đều viết rằng Nguyễn Dữ sau khi cáo quan trước hoặc trong năm 1527 và viết tập Truyền kỳ. Sau đó, người cùng thời là Đại Hưng hầu Nguyễn Thế Nghi có diễn Nôm tác phẩm, còn Đại An Hà Thiện Hán, cũng là người cùng thời, viết tựa năm 1547 dưới đời Mạc. Thông tin này được chép trong Công dư tiệp ký tục biên, còn trong của Công dư tiệp ký Vũ Phương Đề (thường để phân biệt nên gọi nó là Công dư tiệp ký tiền biên), thì trong truyện về Đại Hưng hầu do cụ Vũ chép, chúng tôi không thấy có chi tiết trên (tức nói ông Nghi diễn sách ra chữ Nôm). Bài Tựa của Hà Thiện Hán có một chi tiết cần chú ý: “ông từ quan về nuôi mẹ cho tròn đạo hiếu, đến mấy năm không đặt chân đến chốn thị thành, thế rồi ông viết tập lục này để ngụ ý”. Còn Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục có chép tiểu sử Nguyễn Dữ mà ở trên đã nêu, cũng cung cấp chi tiết: “Sau vì nhà Mạc thoán đoạt, thề không đi làm quan, ở nhà dạy học, không đặt chân đến chốn thị thành, viết Truyền kỳ mạn lục bốn quyển”.  Nhà Thư tịch học Thúc Ngọc Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1, có viết: “làm Tri huyện Thanh Toàn rồi xin nghỉ về nhà nuôi mẹ. Trong khi nghỉ, ông soạn ra bộ Truyền kỳ mạn lục” (45).  Nhờ những thông tin đó mà các nhà nghiên cứu mới nêu ra ức đoán, suy luận như ở trên đã dẫn.  Như vậy, Nguyễn Dữ viết và hoàn thành tập truyện Truyền kỳ mạn lục trong khoảng thời gian từ 1527 đến trước năm 1547. Có thể trước cái mốc năm 1547 nhiều hơn, vì còn phải có thời gian để người đời chuyền tay nhau đọc và chép lại, Hà Thiện Hán viết Tựa, rồi Nguyễn Thế Nghi mới có cơ sở để diễn Nôm. Theo thiển ý, có thể Nguyễn Dữ viết tập truyện này vào năm 1527, và có thể hoàn thành nó trong năm này hoặc một vài năm sau đó, tức có thể từ khoảng năm 1527 đến trước năm 1530, vì “đương thời được nhiều người ưa thích”. Còn ý kiến phỏng đoán của Nguyễn Phạm Hùng khi cho rằng Nguyễn Dữ hoàn thành tập truyện từ trước năm 1527 là cần xem lại, dù nhà nghiên cứu này có biện minh và lý luận nhiều, mà theo chúng tôi là chưa thuyết phục lắm. Nhưng đây cũng là một đề xuất nghiêm túc, cần lưu ý để tiếp tục nghiên cứu và thẩm định thêm. 3. Ở trên, chúng tôi đã trích lại ý kiến của những nhà nghiên cứu trước đây đã viết xung quanh chuyện phủ chính văn bản của Nguyễn Dữ. Bên cạnh khối tư liệu trên, cũng còn có rất nhiều công trình văn học sử hay chuyên khảo khác có đề cập đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ với Truyền kỳ mạn lục, Phùng Khắc Khoan nhưng không nêu việc hai cụ Trạng có tham gia phủ chính tác phẩm của Nguyễn Dữ, chẳng hạn như công trình Việt Nam văn học sử yếu (1941) của Dương Quảng Hàm; công trình Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, 3 tập, (1965) của Phạm Thế Ngũ v.v.. Vì sao các nhà biên soạn văn học sử lại viết như thế? Trong khi, thực tế là Vũ Phương Đề trong Công dư tiệp ký không hề có một truyện nào chép riêng về Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan và đọc kỹ, soi từng chữ cũng không tìm thấy một dòng thông tin nào về việc Phùng Khắc Khoan tham gia phủ (bổ) chính, nhuận sắc văn bản Truyền kỳ mạn lục củaNguyễn Dữ. Cụ Vũ Phương Đề cũng không viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm và cũng không nói chuyện Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia phủ (bổ) chính, nhuận sắc văn bản Truyền kỳ mạn lục củaNguyễn Dữ, mà chỉ chép lại bản Phả ký của Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân vào sách của mình thôi. Đến đây, chúng tôi chợt nghĩ, việc này chưa chắc cụ Vũ Phương Đề chép mà có thể một vị túc Nho nào đó ở đời sau chép lại bản Phả ký đó vào sách của cụ thì sao? Cho nên mới có Công dư tiệp ký tiền biên và Công dư tiệp ký tục biên. Khảo kỹ các truyện ký trong hai văn bản này và so sánh những truyện cùng viết về một đề tài thì mới thấy có nhiều chỗ, nhiều chi tiết khác xa nhau. Đó là chưa kể đến tổng số truyện giữa hai văn bản cũng chênh lệch nhau. Rồi tiếp theo là Tục Công dư tiệp ký của Trần Trợ nữa. Thật là rắc rối vô cùng!  Thực tế, tư liệu xưa nhất hiện còn có đề cập chuyện Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia phủ chính Truyền kỳ mạn lục là bản Phả ký của Vũ Khâm Lân viết về hành trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm vào mùa đông năm Quý Hợi 1743, mang tên “Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký” (Phả ký về Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt) trong đó có đoạn: “Nhắc lại khi Phùng Khắc Khoan còn theo học Bạch Vân tiên sinh, lúc thành tài rồi, bỗng có một đêm tiên sinh đến chỗ nhà trọ của ông, rồi ngài gõ cửa bảo rằng: “Gà gáy rồi đó, sao anh chưa dậy nấu ăn, mà còn nằm ỳ ở đó”. Khắc Khoan hiểu rõ ý thầy nên vội vàng thu xếp lẻn vào vùng Thanh Hoá, nhưng lại ẩn cư với ông Nguyễn Dữ, chứ chưa chịu ra làm quan, trong thời gian nhàn rỗi ấy, Nguyễn Dữ có soạn ra bộ Truyền kỳ mạn lục, được ông phủ chính rất nhiều, cho nên mới thành ra một cuốn Thiên cổ kỳ bút” (46). Có thể cụm từ “được ông phủ chính rất nhiều” làm cho người đọc hiểu người phủ chính là Phùng Khắc Khoan chăng?  Còn trong mục từ Nguyễn Bỉnh Khiêm, mục Nhà Nho đức nghiệp, phần Nhân vật chí, quyển XI của bộ bách khoa thư Lịch triều hiến chương loại chí, học giả Phan Huy Chú đã viết: “khi Dữ viết quyển Truyền kỳ mạn lục được ông sửa chữa nhiều chỗ, sau thành áng văn hay của bậc đại gia” (47). Hay như tư liệu cổ cho biết An Quang hầu là người chép lại thơ chữ Hán củaNguyễn Bỉnh Khiêm có nói Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bổ chính Truyền kỳ mạn lục (48).  Hãy khoan bàn việc Nguyễn Bỉnh Khiêm có tham gia phủ chính cuốn sách của Nguyễn Dữ như Vũ Khâm Lân đã nói, mà ở đây phải cần xác định lại thời điểm Phùng Khắc Khoan vào Thanh Hoá với ý định giúp nhà Lê trung hưng như lời thầy học đã dặn. Có xác định mốc thời điểm thì mới thấy mấu chốt vấn đề và sẽ có chìa khoá để góp phần giải mã nó. Trên cơ sở tư liệu hiện nay, chính xác mà nói thì Phùng Khắc Khoan đến Bạch Vân am trọ học là năm 1443, và sau một thời gian dùi mài kinh sử nơi đây thì nghe lời thầy, Phùng Khắc Khoan đã vào Thanh Hoá cuối năm Quý Sửu 1553 để tham gia công cuộc trung hưng, vì căn cứ vào những bài thơ có ghi rõ năm tháng trong tập Ngôn chí thi tập của ông. Nhưng theo sử ghi lại thì ông đã theo Lê Bá Ly vào Thanh Hoá năm 1550. Chỗ này, có thể các sử gia đã nhầm vì nếu Khắc Khoan theo Bá Ly vào xứ Thanh lúc này, thì tại sao ông không được vua Lê chúa Trịnh tin dùng, như đã tin dùng Lê Bá Ly, Lương Hữu Khánh ? Bá Ly là một vị quan to của nhà Mạc đã bỏ Mạc vào Nam theo Lê, còn Hữu Khánh (con cụ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, một cựu thần nhà Lê) là đồng môn cũ ở Bạch Vân am, mà lúc này cụ Phùng phải sống khổ sở, đói khát, có lần phải làm kẹo để dụ dỗ trẻ con đến học, giành giật học trò của thầy đồ nghèo ở vùng Thanh Hoá kia mà! Giả sử nếu lúc này Nguyễn Dữ đang ẩn cư tại núi rừng Thanh Hoá như vài tư liệu cũ ghi chép thì giữa Nguyễn Dữ và Phùng Khắc Khoan là hai thế hệ cách xa nhau (bởi khi Nguyễn Dữ cáo quan được một năm (1527) thì năm sau Phùng Khắc Khoan mới chào đời (1528), và có thể trước đây họ chưa từng quan hệ, quen biết nhau, thì làm gì có việc Phùng Khắc Khoan “lại ẩn cư với ông Nguyễn Dữ, chứ chưa chịu ra làm quan” (tức đến ở nhờ nhà Nguyễn Dữ) như Vũ Khâm Lân đã viết ? Ở đây, Vũ Khâm Lân đã chép lại theo lời truyền trong dân gian mà không kiểm chứng khi cho rằng Phùng Khắc Khoan là bạn học của Nguyễn Dữ, giờ lại nói thêm họ Phùng vào Thanh Hoá sống ẩn cư cùng Nguyễn Dữ nữa! Theo chúng tôi, điều này thật là mơ hồ và phi sự thật ! Vấn đề này mục 3, chúng tôi đã khẳng định rồi. Hơn nữa, năm 1553, khi họ Phùng vào xứ Thanh thì có lẽ lúc này Nguyễn Dữ cũng đã già rồi ! Chuyện họ Phùng vào Thanh sống ẩn cư cùng Nguyễn Dữ mà cụ Vũ Khâm Lân đã chép không đúng, thì chuyện cụ Trạng Trình phủ chính, nhuận sắc “rất nhiều cho nên mới thành ra một cuốn Thiên cổ kỳ bút” thì làm sao mà tin cho được! Nguyễn Dữ không phải là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm (dù cụ Vũ Khâm Lân cho ông là học trò), lại sống cùng thời, thành đạt và làm quan trước cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hơn nữa, theo tư liệu xưa thì Nguyễn Dữ viết tập Truyền kỳ lúc cáo quan về ẩn cư, tức năm 1527 hoặc trước năm này, và bấy giờ Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là một hàn sĩ, bạch diện thư sinh, với cái nghèo đeo bám, thì lúc này làm sao mà cụ có đủ kiến văn và bút lực để phủ chính cuốn sách rất nhiều, để cho nó thành Thiên cổ kỳ bút ? Hai người, hai thân phận và địa vị khác nhau, bỗng dưng trở thành “thầy – trò” và vị thầy lại phủ chính tác phẩm cho trò, để tác phẩm này thành một áng văn hay của bậc đại gia ! Cho nên, theo chủ kiến chúng tôi là những gì mà cụ Vũ Khâm Lân viết ở trên chỉ là theo lời truyền của dân gian, rất khó tin, thật đáng để nghi ngờ, nên cần phải xem xét lại cho kỹ càng. Còn việc vài bộ giáo trình văn học sử viết rằng theo Vũ Phương Đề thì Phùng Khắc Khoan đã tham gia phủ chính Truyền kỳ mạn lục là cách nói cách viết thiếu căn cứ, không cơ sở khoa học, cũng có thể do hiểu nhầm câu văn của Vũ Khâm Lân như trên có trích dẫn, cho dù đó là lời truyền miệng của dân gian, nhưng dân gian cũng không có lời truyền này và cụ Vũ Phương Đề cũng không có viết như thế. Đó chỉ là cách nói thiếu căn cứ của một số tác giả khi biên soạn văn học sử. Cụ Vũ Phương Đề không viết, cụ Trần Trợ sau này cũng không viết như thế, tại sao các nhà nghiên cứu lại gán cho cụ ?  Rõ khổ! Hơn nữa, sách của Nguyễn Dữ viết xong, đương thời nhiều người truyền tụng và diễn Nôm, việc này xảy ra trước năm 1547 là năm Hà Thiện Hán viết lời tựa cho sách, thì có thể nói, lúc này Phùng Khắc Khoan chưa đầy 20 tuổi, còn là học trò ở am Bạch Vân của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì làm sao mà đủ trình độ và bút lực để nhuận sắc văn bản truyền kỳ của Nguyễn Dữ ? Điều đó có thể nói, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như cụ Phùng Khắc Khoan không thể và cũng không có điều kiện để tham gia phủ chính, nhuận sắc truyện Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Còn việc các bậc tiên Nho đã viết như đã dẫn ở trên là theo truyền thuyết, giai thoại dân gian rồi chép lại mà thôi, chứ các cụ chưa có điều kiện để kiểm chứng thực hư ra sao. Từ đó, các danh sĩ ở cuối thế kỷ XVIII và XIX trước đây, rồi các nhà nghiên cứu thời nay tin theo đó, y cứ mà viết lại, viết tiếp. Vì thế mà thế hệ hậu học hôm nay mới khổ tâm truy tìm, kiểm chứng.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxCó phải phùng khắc khoan là bạn học của nguyễn dữ.docx