Bài giảng Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở khu vực miền Trung - Tây nguyên

Câu hỏi ôn tập - Tác động của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến phát triển công nghiệp và dịch vụ của vùng và ngược lại? - Nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong quá trình đô thị hóa nông thôn của vùng? - Để nông nghiệp, nông dân và nông thôn miền Trung - Tây Nguyên phát triển đồng bộ và bền vững cần phải làm gì?

doc19 trang | Chia sẻ: truongthinh92 | Lượt xem: 2401 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài giảng Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở khu vực miền Trung - Tây nguyên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VẤN ĐỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN VÀ NÔNG THÔN Ở KHU VỰC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN - Giảng viên biên soạn: TS. Đỗ Thanh Phương - Số tiết giảng: 5 tiết 1. MỤC TIÊU BÀI GIẢNG: 1.1. Về tri thức Nắm vững bản chất, cơ sở lý luận và thực tiễn, các hình thức của quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng ta lãnh đạo. 1.2. Về kỹ năng Nắm vững các mục tiêu và hệ thống giải pháp trong nhận thức cũng như trong hành động, trong lý luận cũng như trong thực tiễn để điều hành, tuyên truyền việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. 1.3. Về tư tưởng Nhận thức đúng đắn vai trò và thực trạng, ý nghĩa và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong cơ chế thị trường ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng. 2. NỘI DUNG: 2.1. Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, mục tiêu về nông nghiệp, nông dân và nông thôn Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và nhà nước. Việt Nam là nước đang phát triển, hơn 70% số dân sống ở nông thôn, nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất quan trọng, nông dân là lực lượng nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng phát triển nông thôn. Trong giai đoạn tiếp tục đổi mới để phát triển đất nước hiện nay vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn càng có vai trò quan trọng đặt biệt. Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn bên cạnh việc đánh giá những thành tựu sau 20 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta đã đạt thành tựu khá toàn diện và to lớn; Nghị quyết cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém là: nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân còn thấp, kinh tế - xã hội nông thôn còn nhiều bất cập. Trên bình diện chung cả nước vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn miền Trung - Tây Nguyên sau những năm đổi mới cũng có bước phát triển đáng kể cả về kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng. Song, so với nông nghiệp, nông dân, nông thôn cả nước thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn miền Trung - Tây Nguyên còn nhiều mặt hạn chế, một số lĩnh vực còn thấp kém. 2.1.1. Quan điểm, chủ trương của Đảng - Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. - Các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì nông dân là chủ thể của quá trình phát triển xây dựng nông thôn mới, trong đó: quy hoạch là cơ bản phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt. Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng lĩnh vực để giải phóng sức sản xuất. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 2.1.2. Chính sách của Nhà nước Thủ tướng chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí, chia thành 5 nhóm: Nhóm tiêu chí về quy hoạch. Nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất. Nhóm tiêu chí về văn hóa - xã hội - môi trường. Nhóm tiêu chí về hệ thống chính trị. Trên cơ sở Bộ tiêu chí chung, Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí cụ thể theo từng vùng Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long. 2.1.3. Mục tiêu 2.1.3.1. Mục tiêu tổng quát: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại - có sức cạnh tranh - xây dựng nông thôn xanh. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại - xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh. 2.1.3.2. Mục tiêu đến năm 2020: - Tốc độ tăng tưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3,5-4%/năm, sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả - phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với năm 2010. - Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội, tỷ lệ qua đào tạo đạt trên 50%, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%. - Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trước hết là hệ thống thủy lợi, hệ thống giao thông suốt 4 mùa và cơ bản có các đường ôtô đến các thôn, bản, có các cơ sở công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; đảm bảo cơ bản điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn tiến tới mức các đô thị trung bình. - Nâng cao năng lực phòng chống, tranh de giảm nhẹ thiên tai, hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê biển, ngăn chặn chống nước biển dâng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngăn chặn xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường nông thôn. Thực tiễn ghi nhận sự đột phá đầu tiên về chính sách của Đảng trong thời kỳ đổi mới cũng được khởi đầu từ lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 2.2. Thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở khu vực miền Trung - Tây nguyên 2.2.1. Đặc điểm, vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng 2.2.1.1. Đặc điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn miền Trung - Tây Nguyên Miền Trung - Tây Nguyên trong phạm vi nghiên cứu bài này gồm 9 tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 5 tỉnh Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 105,7 nghìn km2, chiếm 32,1% diện tích cả nước; dân số 14,85 triệu người (2010) chiếm 17,08% dân số cả nước. Thứ nhất: Những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. - Thời tiết: mùa khô nắng, hạn; mùa mưa lụt, bão khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng và sức khỏe con vật nuôi. Tổng nhiệt hằng năm từ 8500-90000c, tổng bứt xạ đạt 100-160kcal/cm2, tăng dần từ Bắc vào Nam, tổng số giờ nắng khoản 2000-3000giờ/năm. Hằng năm các tỉnh ven biển miền Trung chịu ảnh hưởng nặng của các cơn bão từ tháng 9 đến tháng 11 kéo theo mưa lớn, lũ lụt; mùa khô nắng nóng, hạn hán kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8. - Đất đai nhiều nơi xấu; địa hình nhiều nơi núi, đồi, sông, suối, hiểm trở. Miền Trung - Tây Nguyên một dãy đất chạy dọc tư Bắc đến Nam, phía Đông là hệ thống đồng bằng, phía Tây là dãy núi trường sơn hùng vĩ. Đồi núi, đồng bằng và bờ biển ở đây xâm nhập lẫn nhau, tạo nên nhiều vũng, đầm, phá, sông, suối với mật độ dày đặt, chứa nhiều tiềm năng, nhưng khai thác chưa nhiều và hiệu quả thấp. Nhất là ở Tây Nguyên và các huyện miền núi các tỉnh duyên hải miền Trung năng suất cây trông thấp, điều kiện vận chuyển sản phẩm khó khăn, trong khi đó kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế không đảm bảo các điều kiện sản xuất, kinh doanh. - Lịch sử: hậu quả nặng nề của chiến tranh, văn hóa đa dạng. Miền Trung - Tây Nguyên là nơi ảnh hưởng rất nặng của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cho đến nay vẫn còn gánh nặng hậu quả để lại bao nghèo khổ cho nhân dân; vùng đất có nhiều dân tộc anh em chung sống, có nền văn hóa đa dạng. Thứ hai: Đặc điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở miền Trung - Tây Nguyên. Phương thức canh tác: nặng truyền thống, kinh tế hàng hóa chậm phát triển so với hai miền của đất nước. Cây trồng, vật nuôi: ít và chậm chuyển đổi bộ giống mới có năng suất cao theo hướng công nghiệp, thích nghi với thời tiết. Đến nay, sản xuất nông nghiệp vẫn đang là ngành kinh tế quan trọng nhất của đại bộ phận người dân trong vùng. Đến năm 2010 giá trị sản xuất ngành nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, gần 30% trong cơ cấu GDP của khu vực và đang sở hữu gần 70% lao động xã hội, cơ cấu này đang dần thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Rừng, biển: là thế mạnh, nhưng chủ yếu khai thác, đánh bắt thủ công. Rừng là một trong những nguồn taì nguyên quý và quan trọng của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, ngoài cung cấp lâm đặc sản, rừng còn là đầu nguồn của các hệ thống sông, suối các công trình thủy điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân trong vùng. Hiện nay diện tích rừng trong vùng có khoảng 5.384,4 nghìn ha, trong đó có 4.526,6 ha rừng tự nhiên, trữ lượng gỗ tròn khoảng 5 triệu m3. Biển các tỉnh miền Trung tuy không giàu về trữ lượng các nguồn hải sản, nhưng rất phong phú về chủng loại, trữ lượng cá khoảng 60 vạn tấn, nơi đây có nhiều loại hải sản quý như hải sâm, cá ngừ đại dương, tôm, mực, đặc biệt là yến sào đặc sản duy nhất chỉ có ở vùng này. Ngành nghề truyền thống, nhất là các nghề thủ công gắn với cư dân nông thôn, nông nghiệp. Trình độ dân trí: nhìn chung còn thấp, tư duy sản xuất nhỏ, vẫn còn một bộ phận dân cư sản xuất tự cấp tư túc, tự sản tự tiêu, nhiều vùng miền núi đi lại khó khăn, không có chợ để trao đổi, mua bán hàng hóa. 2.2.1.2. Vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn miền Trung - Tây Nguyên trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng Thứ nhất: cung cấp phần lớn lương thực, thực phẩm cho đất nước; cung cấp nguyên liệu, lực lượng lao động, địa bàn cho phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, ngành nghề. Góp phần quyết định chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thứ hai: ổn định kinh tế, an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định chính trị - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp thế hệ trẻ. Thứ ba: là thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, dịch vụ, góp phần quan trọng vào ổn định ngân sách địa phương, tăng cường liên minh giai cấp, thưc hiện dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thứ tư: sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên đất đai, rừng, biển, nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới, từng bước đô thị hóa nông thôn. 2.2.2 Thành tựu và hạn chế trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2.2.2.1. Thành tựu Nông nghiệp, nông dân, nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong những năm qua phát triển tương đối toàn diện, đời sống và lợi ích kinh tế của người dân được cải thiện, nông thôn ngày càng khởi sắc, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị, xã hội luôn ổn định Với các tỉnh ven biển: Thứ nhất, lĩnh vực trồng trọt có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 4% so với cả nước là 6%, sản lượng lương thực tăng nhanh từ 6.143,0 ngàn tấn năm 2005 lên 7.006,2 ngàn tấn năm 2010, bình quân lương thực đầu người/năm là 370kg cả nước là 513kg. Thứ hai, lĩnh vực chăn nuôi: giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi 2.851,2 tỷ đồng chiếm 27,02% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp năm 2000, đến năm 2010 tăng lên 4.708,24 tỷ đồng, chiếm 28,4% giá trị của ngành sản xuất nông nghiệp. Thứ ba, lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản: hiện nay trên địa bàn ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ có 11.626 tàu với tổng công suất khoảng 1.296,2 nghìn cv, đánh bắt mỗi năm 25 đến 30 vạn tấn hải sản; nghề nuôi trồng thủy sản ở miền Trung đã thu hút vốn đầu tư trong nhân dân thúc đẩy phát triển các ngành nghề dịch vụ, góp phần tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, trong đó có một bộ phận giàu nhanh. Các tỉnh đã có những cơ sở sản xuất cá giống với sản lượng 12 - 13 triệu con/năm/cơ sở, đối tượng chính là cá trắm, mè, chép giải quyết cơ bản nguồn cá giống cho các tỉnh. Với các tỉnh Tây Nguyên. Thứ nhất: tình hình chăn nuôi, các tỉnh Tây Nguyên đã có chuyển biến tích cực từ chăn nuôi phân tán, nhỏ lẽ sang tâp trung, chăn nuôi trang trại gia đình với nhiều chủng loại giống mới có năng suất, chất lượng cao. Tuy vậy, chăn nuôi ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều nơi theo lối cũ, quảng canh, thả rông phổ biến ở những vùng đồng bào các dân tộc. Thứ hai: quản lý và phát triển rừng, các tỉnh Tây Nguyên đã quy hoạch, quản lý và phát triển tốt 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất. Hiện nay đất rừng đặc dụng có 493.892 ha, phòng hộ có 632.353 ha, sản xuất có 2.159.317 ha. Thứ ba: hoạt động khuyến nông, nhằm ứng dụng nhanh, có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai xây dựng các mô hình trình diễn phát triển sản xuất có hiệu quả cao như: mô hình sản xuất lúa lai ở vùng khó khăn lương thực quy mô trên 100 ha thuộc tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông; mô hình “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô gần 120 ha thuộc tỉnh Lâm Đồng; mô hình sản xuất ngô lai với quy mô 70 ha thuộc tỉnh Kon Tum; mô hình trồng thâm canh cây công nghiệp dài ngày (cả café, ca cao, chè) 131 ha thuộc các tỉnh Gia Lai; mô hình chăn nuôi đại gia súc (cải tạo và vỗ béo bò thịt, chăn nuôi bò, dê, cừu sinh sản) thuộc tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông; mô hình chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường thuộc các tỉnh Đăc Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng; mô hình nuôi thủy sản nước ngọt (cá rô phi, cá rô đồng, ếch) thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên. Các mô hình trên ngày càng được nhân rộng, được đa số nhân dân trong vùng hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả. Ngoài ra các tỉnh Tây Nguyên còn tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền và đào tạo huấn luyện để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất như: hội thi khuyến nông, khuyến ngư viên giỏi vùng Tây Nguyên; hội thi tiêu, càfe tại Gia Lai; tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông, khuyến ngư các cấp, cộng tác viên khuyến nông, nông dân chủ chốt trong vùng. Trong nhiều năm qua các tỉnh miền Trung - Tây nguyên tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Nông, lâm, ngư giảm tương đối, tăng lên lượng tuyệt đối so với ngành công nghiệp và dịch vụ; riêng cơ cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp tiếp tục quy hoạch hình thành những vùng chuyên canh, đầu tư, thâm canh cho cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao trong tiêu dùng và xuất khẩu, như các loại cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc ở những vùng đủ điều kiện . Về công tác quy hoạch: để nông nghiệp, nông dân, nông thôn miền Trung - Tây Nguyên phát triển ổn định và bền vững, để đảm bảo cho phát triển trước mắt cũng như lâu dài các địa phương đã rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết cho các vùng đồng bằng, ven biển, trung du, miền núi tạo cơ sở quan trọng để đi vào sản xuất chuyên canh, thâm canh cây trồng, con vật nuôi có hiệu quả, đảm bảo cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại gia đình ngày càng phát triển mạnh theo mô hình kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó mở rộng phân công lao động xã hội khôi phục lại ngành nghề truyền thống, phát triển ngành nghề mới, sắp xếp, bố trí lại một bước lao động trong nông thôn một cách hợp lý như 19 bộ tiêu chí chính phủ đã ban hành. Nhìn lại thực tế trong 10 năm qua của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Đại hội IX và X của Đảng, các tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kết quả tăng trưởng GDP tương đối cao trong giai đoạn 2000 - 2010 bình quân 8-11% năm, trong đó công nghiệp tăng 12-14% năm, nông nghiệp tăng 3,5% năm, dịch vụ, ngành nghề có bước phát triển mới đã thật sự giải phóng sức sản xuất và cải thiện rỏ lợi ích của nông dân, nông thôn ngày càng khởi sắc có nhiều mô hình, điểm sáng (nông thôn mới). Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội gắn liền với việc phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn miền Trung - Tây Nguyên thời kỳ 2000 - 2010 (miền Trung được tính ở đây gồm 9 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 5 tỉnh Tây nguyên), (nguồn: phát triển KT-XH các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH. NXB Chính trị - Hành chính quốc gia - Hà Nội 2012 trang 7,8). CHỈ TIÊU NĂM 2000 NĂM 2005 NĂM 2010 1. Dân số (nghìn người) 13.306,71 14.410,38 14.847,25 - % so với cả nước 17,14 17,49 17,08 Trong đó: - Các tỉnh ven biển 9.071,1 9.649,9 9.636,3 - Tây Nguyên 4.236,7 4.758,9 5.214,2 2. Giá trị sản xuất nông nghiệp 19.611,8 25.588 34.620,4 (tỷ đồng - giá so sánh năm 1994) - % so với cả nước 17,49 18,67 20,42 Trong đó: - Các tỉnh ven biển 8.163,2 9.448,2 11.355,9 - Tây Nguyên 11.448,6 16.139,8 23.264,5 3. Giá trị sản xuất 13.706 29.723,7 68.198,8 (tỷ đồng - giá so sánh năm 1994) - % so với cả nước 6,94 7,15 7,43 Trong đó: - Các tỉnh ven biển 11.790 26.216,8 63.244 - Tây Nguyên 1.916 3.506,9 4.954,8 4. Lao động làm việc trong các 426.723 663.745 919.231 doanh nghiệp (người) - % so với cả nước 12,06 10,64 10,30 Trong đó: - Các tỉnh ven biển 304.976 496.861 692.905 - Tây Nguyên 121.747 166.884 226.326 2.2.2.2. Những hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên Thứ nhất, về nông nghiệp - Trồng trọt: Tỷ trọng diện tích trồng cây lương thực vẫn còn cao 56,2%, năng suất còn hạn chế, nhất là đối với cây lúa, diện tích các loại cây trồng chưa được quy hoạch ổn định, còn quảng canh; chưa chủ động được nguồn nước tưới, tiêu. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chuyển dịch cơ cấu và đổi mới phương thức sản xuất còn chậm, phổ biến là sản xuất nhỏ, thủ công, một số nơi vùng cao, vùng sâu ở Tây - Nguyên vẫn còn du canh. - Chăn nuôi: Chăn nuôi còn phân tán, nhỏ lẻ, trang trại chăn nuôi gia đình không ổn định, tỷ trọng giá trị sản xuất trong ngành nông nghiệp còn thấp (25,44%), trình độ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hạn chế, nhất là các tỉnh Tây Nguyên. Các yếu tố đầu vào của ngành như: giống, thức ăn gia súc, dịch vụ, thú y, chế biến chưa phát triển, còn nhiều bất cập. Chưa khai thác, sử dụng hết diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản, mới sử dụng 50% tiềm lực. Nông nghiệp hàng hóa ở các tỉnh Tây Nguyên và những huyện miền núi ở các tỉnh đồng bằng rất chậm phát triển. Thứ hai, về nông dân Trình độ dân trí còn thấp, tư duy, cách nghĩ cách làm của người nông dân chưa tiếp cận với thị trường, khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất còn yếu kém. Công tác khuyến nông, khuyến ngư; công tác tập huấn, giới thiệu mô hình sản xuất giỏi, gương điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh chưa được quan tâm thường xuyên. Đời sống của nông dân cả về vật chất lẫn tinh thần còn nhiều khó khăn, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa, núi cao, nơi biên giới, vùng ven biển. Có nơi đời sống của nông dân các dân tộc thiểu số còn khó khăn gay gắt. Khả năng liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn quá nhiều bất cập. Lợi ích người nông dân trong sản xuất kinh doanh chưa thỏa đáng để tập trung đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Thứ ba, về nông thôn Việc quy hoạch ở nông thôn chưa cơ bản và thiếu ổn định, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm. Năng lực thích ứng, đối phó với biến đổi thiên tai còn nhiều hạn chế, cơ cấu kinh tế nông thôn chủ yếu là nông nghiệp; công nghiệp và dịch vụ, ngành nghề và thị trường ở nông thôn chậm phát triển. Nhiều xã miền núi không có chợ, nhiều huyện miền núi chỉ có vài chợ ở thị trấn, thị tứ, trung tâm huyện lỵ. Chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, quản lý nhà nước ở nông thôn nhiều nơi rất yếu kém. 2.2.2.3. Nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên. - Nguyên nhân chủ quan là chính, thể hiện: Một là, Trong lãnh đạo, chỉ đạo thì việc nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở miền Trung - Tây Nguyên còn bất cập so với thực tiễn đang vận động; chưa nhận thức đầy đủ và có hệ thống các quan điểm lý luận về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Hai là, Cơ chế, chính sách phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên chưa đồng bộ, thiếu tính đột phá, thiếu tính khả thi nhưng chậm điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Một số chính sách chưa phù hợp, chưa khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, như chính sách mỗi ha đất lúa hỗ trợ 500.000 đồng . Mặt khác còn ảnh hưởng của cơ chế bao cấp trong suy nghĩ và hành động của người dân, trong lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương. Ba là, Đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Bốn là, Công tác quản lý Nhà nước còn yếu kém; vai trò của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng các cấp trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở miền Trung - Tây Nguyên nhiều nơi còn rất hạn chế. Một số nơi còn nặng tư tưởng cục bộ địa phương, dòng họ, lợi ích nhóm. - Nguyên nhân khách quan Một là, Hậu quả của cuộc chiến tranh, miền Trung - Tây Nguyên là nơi còn ảnh hưởng rất nhiều của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thêm vào đó là thiên tai, thời tiết khắc nghiệt quanh năm như nắng nóng, khô hạn, mưa bão, lũ lụt. Hai là, Trình độ dân trí thấp, nhiều nơi còn nặng về luật tục, tập quán lạc hậu làm hạn chế đến sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, một số địa phương miền núi, ven biển, đường, điện, thông tin liên lạc, thủy lợi, trạm y tế, trường học còn nhiều khó khăn. 2.3. Hệ thống giải pháp nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đến năm 2020 2.3.1. Xây dựng nông nghiệp miền Trung - Tây Nguyên toàn diện, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn một cách bền vững Đẩy mạnh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của từng vùng; sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Phát triển trồng trọt, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đầu tư thâm canh. Phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, phù hợp với lợi thế từng vùng; chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ ở trung du, miền núi các tỉnh duyên hải và Tây Nguyên. Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo, làm giàu rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường cho du lịch sinh thái. Triển khai có kết quả chương trình khai thác thủy hải sản trong chiến lược phát triển kinh tế biển, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ nông thôn theo quy hoạch; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ theo hướng chế biến tinh, sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường. 2.3.2. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên Tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho dân cư và cho công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Phát triển mạnh giao thông nông thôn gắn với mạng lưới giao thông quốc gia, bảm đảo thông suốt bốn mùa tới các xã và cơ bản có đường ôtô đến thôn, bản, vùng sâu, vùng xa. Quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống đường đến các vùng trung du, miền núi và ven biển để phát triển công nghiệp và đô thị. Phát triển giao thông đường thủy, xây dựng các cảng sông, trang bị các phương tiện vận tải sông, biển an toàn. Cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống điện, bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ sinh hoạt cư dân nông thôn; phát triển hệ thống bưu chính viễn thông, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho mọi vùng nông thôn, xây dựng hệ thống chợ nông thôn phù hợp với từng vùng. Tập trung đầu tư các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, cơ sở chuyển giao khoa học - công nghệ nông nghiệp, phát triển nhanh các trung tâm giống, cơ sở khuyến nông, lâm, ngư ở các huyện, xã. Nâng cao mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, các trung tâm y tế vùng, hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học, xây dựng các trung tâm văn hóa - thể thao tại thôn, xã. Quy hoạch, bố trí lại dân cư nông thôn gắn với việc quy hoạch xây dựng công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị ở các vùng. Thực hiện tốt chương trình, lộ trình xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí cụ thể, phù hợp với từng vùng. Phát triển mạng lưới thị trấn, thị tứ theo kế hoạch, tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và nông dân cùng làm”, “địa phương và nhân dân cùng làm”. Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tăng cường các biện pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển nông thôn xanh. 2.3.3. Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn Tiếp tục tổng kết, xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Đổi mới, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác phù hợp với nguyên tắc tổ chức của hợp tác xã và cơ chế thị trường, hợp tác xã phải làm tốt các dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hoàn thành việc sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp. Đổi mới căn bản việc tổ chức, quản lý nông, lâm trường nhà nước. Thực hiện tốt việc giao khoán đất, vườn cây cho người lao động nông, lâm trường nhà nước chuyển sang làm tốt các dịch vụ cho người nhận khoán và nông dân trong vùng, nhất là hướng dẫn kỹ thuật. Tạo môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn về chế biến nông, lâm, thủy sản thu hút được nhiều lao động tại chỗ. 2.3.4. Chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn Các tỉnh tập trung đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ để nông nghiệp sớm đạt trình độ tiên tiến, phát triển kịp và vượt một lĩnh vực so với hai đầu đất nước. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân, quan tâm đào tạo nghề cho con em nông dân để chuyển nghề, nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở. Thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác đào tạo nghề. 2.3.5. Đổi mới cơ chế để huy động các nguồn lực, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân Tiếp tục khẳng định và nhận thức đúng đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch, kế hoạch để sử dụng có hiệu quả, giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài. Có chính sách giải quyết tốt vấn đề đất ở, nhà ở, đất vườn, việc làm cho người thu hồi đất, có quy hoạch và cơ chế bảo vệ vững chắc đất trồng lúa. Rà soát, điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách, giảm bớt đầu tư cho các công trình có thể thu hồi vốn để tạo nguồn, tăng đầu tư cho phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện rộng rãi cơ chế đấu thầu quyền khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên gắn với việc tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên. Tăng cường phân cấp thu chi ngân sách cho các địa phương như huyện, xã; tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa, hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ để khai thác, đánh bắt hải sản và bám biển dài ngày, tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển; phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống cư dân nông thôn. Có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kể cả huy động vốn ODA và FDI; mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, giải quyết hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng. 2.3.6. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cư dân nông thôn, nhất là vùng còn nhiều khó khăn Giải quyết việc làm cho nông dân là nhiệm vụ ưu tiên trong mọi chương trình phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên. Tập trung nguồn lực, tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ chiến lược về tăng trưởng và giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, dân số, giảm tỷ lệ sinh ở nông thôn. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Nâng cao và giữ gìn các giá trị truyền thống, tình làng nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống mới, xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn. Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Thực hiện bình đẳng giới, quan tâm đến vị thế của phụ nữ ở nông thôn. 2.3.7. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân - Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn, củng cố và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nông nghiệp từ tỉnh xuống xã và các lĩnh vực khác ở nông thôn. Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn. - Có cơ chế và tạo mọi thuận lợi cho Hội nông dân các cấp thực hiện những chương trình, dự án phục vụ sản xuất để nâng cao đời sống nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức làm ăn tập thể trong nông nghiệp. Chăm lo xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên một cách bền vững. 3. PHẦN TÀI LIỆU HỌC TẬP * Tài liệu bắt buộc, gồm: - Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI từ trang 97-139. - Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Đảng khóa IX về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001 - 2010. - Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. - Quyết định số 491/QĐ - TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. - Quyết định số 800/QĐ - TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. * Tài liệu tham khảo + Khi rồng muốn thức dậy - loay hoay với mô hình kinh tế sau đổi mới. Phạm Đỗ Chí, NXB Lao Động, Hà Nội 2011. + Tăng cường năng lực tham gia thị trường của hộ nông dân thông qua chuỗi giá trị hàng hóa nông sản. Lưu Đức Khải, NXB Chính trị quốc gia, Hà nội 2010. + Kinh tế nông hộ ở Tây Nguyên đặc điểm và triển vọng. TS. Đỗ Thanh Phương, NXB Thông tin và truyền thông, Hà nội 2009. + Phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. TS. Đỗ Thanh Phương - Trần Đình Chín, NXB Chính trị - hành chính, Hà nội 2012. + Kinh tế Tây Nguyên trong thập niên đầu của thế kỷ XXI. TS. Đỗ Thanh Phương, tạp chí Kinh tế và quản lý số 3 (9-2012) trang 29 - 32. + Về xây dựng nông thôn mới 3 năm sơ kết nhìn lại. Tạp chí SHLL số 1.2014. + Xây dựng nông thôn mới ở Đăk Lawk xà giải pháp 4. CÂU HỎI THẢO LUẬN VÀ ÔN TẬP Câu hỏi thảo luận - Vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng? Câu hỏi ôn tập - Tác động của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến phát triển công nghiệp và dịch vụ của vùng và ngược lại? - Nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong quá trình đô thị hóa nông thôn của vùng? - Để nông nghiệp, nông dân và nông thôn miền Trung - Tây Nguyên phát triển đồng bộ và bền vững cần phải làm gì? ___________________

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docvan_de_nn_nt_nd_o_mien_trung_tay_nguyen_6309.doc
Tài liệu liên quan